10.

“…Tháng 10 rồi mà trời còn đổ mưa. Bọn mình gồng gánh ba-lô, chuyển sang ngã ba Chi Phu, cách biên giới 20 cây số. Trận địa sôi bỏng mấy hôm nay. Phòng tuyến sư đoàn 9 bị tấn công dồn dập. Các trận đánh ác liệt, có tăng viện cả pháo binh và không quân, diễn ra liên tục nhiều ngày đêm. Trung đội mình được đưa về trung đoàn 34, có nhiệm vụ giữ vững mặt trận Bến Cầu An Thạnh. Nghe báo cáo thì địch dùng đến ba bốn sư đoàn và nhiều xe tăng, trọng pháo, uy hiếp các tiể đoàn của trung đoàn. Nhiều chốt vỡ, mất cả tăng, pháo, bộ đội rút lui nhiều lần dưới áp lực mãnh liệt của địch.
Lần đầu tiên, trung đội mình sống trong tình trạng gay go nhất. Địch pháo ĐKZ, 105 ly, 155 ly, tới tấp vào các làng chung quanh nơi bọn mình đóng cốt. Ngôi chùa B mình tạm ngủ cũng quá xơ xác, ngói, tường, lỗ chỗ những vết đạn. Ngã ba cách chỗ mình ở 500 mét thường xuyên bị đạn pháo. Địch nghi ngờ ở đó có bộ đội đóng quân, nhất là có các kho tiếp liệu, đạn dược. Mới hôm qua, một quả ĐKZ đã làm hơn mười anh bộ đội bị thương và hy sinh, trong khi bọn mình ở cách đó chừng 5 mét đang lom khom nhặt đạn. May mà kho đạn không bị gì.
Chuyến tải đạn chiều nay căng quá, mình phải ghi để mai mốt về Toàn được đọc, theo lời hứa với mình. Đúng 2 giờ, cả B tiếp tục nhận đạn lên K-4 theo kế hoạch thì được lệnh chú chủ nhiệm trung đoàn kêu quay về. Công tác được bàn giao lại bộ đội vận tải C.22, vì đường quá xa, đến 30 cây số, không an toàn, lại phải đi suốt đêm. B mình được chuyển sang tải đạn cho K5, cách đó hơn mười cây số, phải đi ngay, không được nghỉ đêm.
Trời sập tối nhanh. Ánh nắng le lói phía tây tắt hẳn sau cụm tre làng. Phía đông, dãy núi Bà Đen chỉ còn là một bóng mờ toả khói màu lam. Sơn gánh 15 trái đạn cối 37 ly, cười nói: “Đúng là tháng 10 chưa cười đã tối.” Thuý quảy đến 8 trái B40, cự: “Cười gì nỗi mà cười! Mười cây số ban đêm, sao đi nỗi đây?”. Thuý nói vậy nhưng đi rất khoẻ, mình chỉ 6 trái mà chưa bao giờ bắt kịp nó...”
°
“...Măng đã đi chưa? Bình yên không? Tới nơi chưa? Hôm nay không phải làm gì, tối còn đi loanh quanh tìm ít rau rừng, rồi may vá, nghỉ ngơi, đọc sách, viết thư.... Con Thảo tìm được mấy mụt măng, mừng như lượm được vàng. Cả tuần nay, bọn con chỉ toàn ăn cơm với thịt cọp, bữa nào sang mới có nồi canh rau tàu bay, rau dấm nấu với bột ngọt. Nước thì toàn lấy nước ở các hố bom còn sót lại sau mấy trận mưa. À, mà măng biết thịt cọp là gì không? Đó là những hột muối to nhỏ như những viên sỏi, đựng trong những bao đệm 20, 30 kí, ngà đục, còn lẫn nhiều cát đất. Trước kia, con chỉ biết muối là những hạt mịn tơi, trắng tinh. Có lúc nhà mình chỉ ăn muối Mỹ, mịn như bột, đựng trong những hũ rất đẹp, có thể đóng mở cái nắp có đục lỗ, rồi cầm rắc. Giờ muốn ăn muối hột, nghĩa là muốn có chất mặn để nuốt trôi những hạt cơm hẩm, tụi con phải bỏ chúng vào ca sắt, giã nghe “cộp cộp”. Bắt chước bộ đội, tụi con cũng gọi đùa muối là thịt cọp. Vậy mà vui.
Nhưng, con đang buồn...
Con đang nghĩ về măng. Rất nhiều. Măng của con. Người mẹ tuyệt diệu thời trẻ thơ của con. Măng là bà tiên, có phép mầu thoả mãn mọi đòi hỏi của con. Măng đẹp như hoàng hậu... Con lớn lên và hiểu dần. Măng không chỉ lo cho con. Măng quen lớn, giao thiệp rộng, một tay làm ra tiền nổi tiếng trong các phu nhân cấp tá. Măng hỗ trợ ba con thật đắc lực, trên con đường công danh sự nghiệp. Măng được sự kính nể của người ngoài, và cũng đầy quyền lực với người ăn kẻ ở trong nhà...
Chỉ một lần duy nhất con thấy măng khóc thầm, kỳ măng biết ba có vợ bé. Nhưng măng gạt ngay nước mắt, gọi ba vào phòng nói chuyện và cho phép ba được tiếp tục. Cô ấy phải đến trình diện măng, sợ hãi đến xanh mặt. Măng đãi cơm, ăn nói ngọt ngào, vậy mà sau kỳ đó, cô ta không dám ở với ba nữa. Con sợ măng từ đó.
Nhưng con vẫn yêu măng. Cả bây giờ, con vẫn yêu măng, dù thần tượng măng trong con đã không còn nữa. Con buồn rầu khi sau ngày giải phóng, biết măng đã lừa gạt nhiều người, mà thấy thế lực măng đã mất, họ mới đến đòi. Rồi chuyện măng giựt tiền của nhà Hương, con chịu cũng không muốn nổi. Cuối cùng là chuyện măng với thằng Khoẻ. Con dùng chữ “thằng Khoẻ” như ngày trước con nghe măng gọi như thế khi nói chuyện với ba. Thực ra, trước chuyến mình đi bị bắt, măng giao tài sản lại cho Khoẻ, giao cả cái nhà và đã xin cho anh ta được chuyển hộ khẩu về đó, măng giải thích với con là để rủi đi không được, còn có đường lui về, con đã nghi giữa măng và Khoẻ chắc có chuyện gì rồi. Khoẻ kỳ đó nhát, thấy không chắc ăn, không đi, hay hắn muốn nghiễm nhiên trở thành chủ hộ một vi-la lớn, có vườn rộng? Măng thương Khoẻ à, hay để trả thù ba đã bỏ măng mà đi như vậy, hay chỉ để giải quyết nhu cầu sinh lý? Con mường tượng thấy hình lý do cuối là đúng nhất, dù đó cũng là cái lý do tồi tệ nhất, con kinh tởm nhất. Và con thấy như không thể chịu nổi khi kiểm nghiệm lại ký ức của mình, có nhiều sự việc, hình ảnh cho phép con thấy rất rõ, đến sờ sờ, điều mà trước kia con như mù tịt: măng đã dan díu với Khoẻ từ trước ngày giải phóng, từ lúc còn có ba bên măng. Cũng như ba đã có đến cô vợ bé thứ ba, khi trước mắt con, ba và măng vẫn rất yêu nhau.
Con đã nhận được điện tín của măng, cách đây một tuần. Anh Long cầm đưa, hỏi con muốn về không thì thu xếp ngay hôm sau về gấp, sẵn có xe, không thì việc đi về sẽ khó lắm. Anh ấy hơi ngạc nhiên khi thấy con lắc đầu, thậm chí còn có vẻ dửng dưng trước dòng chữ: “Má bệnh nặng, sợ không qua khỏi, đang nằm ở bệnh viện Chợ Rẫy. Oanh về gấp.” Nhưng Long không thúc bách. Thực tế lại cũng đã có một số người làm cha mẹ do nóng lòng cho con cái, đánh những bức điện giả, và người con đã hay biết điều đó.
Nhưng trường hợp con, khác hẳn. Không về, cũng có nghĩa là có thể sẽ phải vĩnh viễn xa măng thật. Con đã được măng dặn: “đang nằm ở Chợ Rẫy.” Có nghĩa con phải trở về trong 12 ngày, từ ngày đánh điện. “Nằm ở Nguyễn Trãi”: 20 ngày, nghĩa là cứ lấy những mẫu tự trong tên của bệnh viện mà nhân đôi. Phải về để ra đi với măng. Măng đã nói lần này rất an toàn, bảo đảm 100%. Còn biết lần này Khoẻ cũng đi. Nhưng không phải vì vậy mà con không đi với măng. Những lý do của con, chắc măng không thể hiểu. Mà đây là những dòng nhật ký, con nói với con chứ không phải để măng đọc, thành ra con thấy là không cần tự giải thích ra đây.
Con thương măng lắm. Cả đời măng đầy những lo toan, tính toán như vậy, cuối cùng sẽ ra sao? Tài sản mà măng thu vén, măng đã được hưởng là bao? Mỗi năm măng đều đi mỹ viện, được dịp lại đi Nhật, đi Hồng Kông làm đẹp, mà măng có giữ được ba đâu?
Khoẻ sẽ ở với măng được mấy ngày, hay chỉ đến đồng bạc cuối cùng của măng? Măng chỉ còn con, nhưng con cũng bỏ măng rồi. Cũng vẫn là vậy. Con cái không còn biết đến cha mẹ. Phải không? Măng sẽ nói vậy. Măng nuôi con lớn, sống phủ phê đầy đủ, học hành nửa chừng đứt gánh là tại cách mạng, sao con lại đi theo cách mạng mà bỏ măng? Măng ơi, măng nuôi con lớn nhưng chính cách mạng dạy con nên người, dạy con biết sống xứng đáng, biết yêu điều tốt đẹp. Con không thể theo măng, khi theo măng có nghĩa là con phải từ bỏ tất cả những cái đó, để sống trở lại một cuộc sống vô nghĩa lý như ngày xưa... Mà thôi, con viết điều đó ra đây để làm gì?
Hôm nay, măng đã đi hay sắp đi? Chắc măng đã trông con lắm phải không? Măng có khóc vì tức con không? Măng có coi đứa con út này như đã chết rồi không, như lời thư của anh chị con gửi về bực bội, viết vậy? Măng qua đó, có anh chị con lo cho măng. Dù sao, con vẫn cầu mong cho măng đi đường bình yên, mạnh khoẻ...”
“...Tối qua, mình vừa tải thương một ca đặc biệt. Anh thương binh trẻ quá, bị đạn vào ngực, mê man, vậy mà mỗi khi tỉnh vẫn cứ đòi trả anh lại chiến trường để anh có cơ hội giết thêm vài tên địch. Anh chỉ huy lúc giao anh ta cho bọn mình, đã dặn với vẻ quan tâm đặc biệt:
- Các đồng chí cố gắng đưa Nam về phẫu thuật thật nhanh và an toàn. Bảo các đồng chí quân y cố cứu sống cậu ta. Mới 17 tuổi mà là chiến sĩ gan lì nhất và diệt được nhiều địch nhất tiểu đoàn đấy!
Mới 17 tuổi? Vậy là anh chàng bộ đội tên Nam còn măng sữa này đã nhập ngũ năm mấy tuổi? Vì sao Nam dũng cảm như vậy? Suốt chặng đường 12 cây số đi không nghỉ, mình và Duyên cứ thay đổi đầu cáng để được ngắm nhìn gương mặt trẻ thơ của tay súng số một tiểu đoàn ấy. Lạ lùng! Trẻ như vậy mà đã là chiến sĩ gan lì nhất! Có lẽ đưa Nam đi dự một trại hè thiếu nhi thế giới cũng còn được.
Câu chuyện về Nam được một y tá kể lại sau đó đã làm mình và Duyên hết sức bàng hoàng. Năm ngoái khi một đơn vị bộ đội đi ngang qua xã Tân Lập hoang tàn, trên đường ra biên giới, có một cậu bé 16 tuổi nhất định đòi đi theo, xin làm bất cứ việc gì cũng được. Cậu bé ấy chính là Nam, cả gia đình cha mẹ anh chị em 7 người đều bị bọn Pôn Pốt giết chết trong đêm 24-9-1977, cùng với hàng trăm người dân Tân Lập.
24-9-1977, cũng là đêm 14 tháng 8 âm lịch, trước đêm Trung thu một ngày. Nam đang là liên đội trưởng Liên đội thiếu niên tiền phong xã. Tám giờ tối, cậu bé còn đang dự họp với các thầy cô và số đồng chí lãnh đạo trong xã để bàn việc tổ chức vui Tết Trung thu trong toàn xã vào ngày mai.
Mười giờ, Nam lên giường ngủ với bao nhiêu mộng đẹp. Đêm Trung thu sẽ rất là vui, có đầu lân, có ông địa, có trống, có đèn, có bánh kẹo... Thầy Minh còn hứa, qua Trung thu sẽ tổ chức lễ trưởng thành Đội và kết nạp Đoàn cho Nam.
Hàng trăm em thiếu nhi khác của xã Tân Lập cũng đã đi ngủ với niềm vui tương tự. Năm ấy là năm đầu tiên Tân Lập tự túc được về lương thực, lại còn đóng góp được lúa nghĩa vụ cho Nhà nước. Nhà ai cũng có nuôi heo, bò, gà, vịt, và cây trái quanh nhà đều lên tươi tốt. Đêm Trung thu, đêm mai, đã chuẩn bị kỹ, chắc chắn sẽ là đêm Trung thu vui nhất từ trước tới nay.
Mọi giấc mơ đều ngắn ngủi, đặc biệt là những giấc mơ ở Tân Lập đêm đó. Đúng 12 giờ đêm, hàng trăm tên Pôn-Pốt đã tràn vào, lấy sạch, đốt sạch và giết sạch. Khi bọn chúng rút đi vào mờ sáng, cả thôn ấp xanh tươi ấy đã biến thành một bãi tro tàn nặc mùi tử khí. Nam không hiểu nhờ đâu mà mình chạy thoát. Sáng hôm sau, cậu và một người dân còn sống sót mò trở về làng, khóc lóc tìm kiếm thi thể các người thân, trong hàng trăm xác chết đã bị giết tập trung ở ngã ba vào ấp. Ngã ba từ ấy mang danh Ngã ba Xác Chết...
Ghi lại câu chuyện về Nam trong nhật ký này, nhật ký của những ngày dữ dội nhất đời mình, mình mong muốn là sẽ giữ mãi được niềm xúc động như khi được nghe kể.
... Bác sĩ nói Nam sẽ được cứu sống. Thế là bao mệt nhọc của mình và Duyên đều tiêu tan, tưởng chừng bọn mình có thể đi hàng trăm cây số nữa, đưa hàng trăm thương binh về nữa, mà vẫn không biết mệt. Mình có thể tự hào ghi vào đây thêm tên một người nữa mà mình đã góp phần cứu sống hay không? Lê Văn Nam. Bản danh sách của mình đã lên đến con số 27.
Mình ra khỏi trạm phẫu thuật, thấy con Thuý đang ngồi khóc. Hỏi, nó mếu máo kể anh thương binh mà nó và con Thảo đưa về, bao vất vả dọc đường giữ cho không một lần nào té ngã, vậy mà vừa thấy ánh đèn leo lét của phẫu từ xa, mừng muốn chảy nước mắt, sờ đến tay anh thương binh thì thấy đã lạnh cứng. Mình nhìn cái vai áo rách toạc của Thuý và một đường trầy dài vừa khô máu trên da nó, thấy thương nó quá...”
°
“... Sáng nay, mình vừa gặp Mạnh. Có lần Hương đã cho mình coi hình chụp chân dung của Mạnh, nhưng thực tình thì mình không nhận ra anh ta, mà anh ta thì cũng đâu biết mình là ai. Đoàn xe bộ đội chạy qua chốt mình, thấy Thanh niên xung phong thì dừng lại hỏi thăm, trò chuyện, nghỉ ngơi, xin nước uốung... Các anh ấy cũng san sẻ cho bọ mình một ít thực phẩm, trà, đường, khi thấy bếp ăn của bọn mình quá nghèo nàn.
Chợt Sơn chạy đến gần một anh bộ đội đang ngồi ở một góc, im lặng nhìn tụi mình, mà từ đầu mình đã để ý thấy ở anh có một điều gì đó rất lạ, như thể anh đang rất xúc động, bồi hồi. Sơn kêu to:
- Anh Mạnh!
Anh ta đứng bật dậy, nhìn Sơn và nhận ra ngay người đội viên cũ, đã theo Sơn kể lại sau này thì hồi trước Sơn chỉ là một đội viên hạng bét ở liên đội của Mạnh. Họ ôm chầm lấy nhau, mừng rỡ.
Lúc đó, trung đội mình đã đi công tác hết, chỉ còn có 6 đứa giữ chốt. Sơn đưa Mạnh đi giới thiệu với từng người, rằng đây là liên đội trưởng cũ của mình, nghĩa là cũng từ lò Thanh niên xung phong mà ra, giờ đã đóng lon chuẩn úy. Hương nói đúng. Mạnh phong trần quá. Bộ đội chiến đấu nói chung là phong trần, nhưng anh ấy còn có một vẻ gì đó hay ghê mà mình chịu, không diễn tả nổi. Nhất là đôi mắt. Sâu mà có một vẻ gì rất chân tình, thông minh mà buồn bã. Mạnh chào mình một cách thản nhiên, có vẻ như cái tên của mình, không gợi lại cho anh một điều gì đặc biệt. Hương nói đã có kể Mạnh nghe về mình, nhưng đó là chuyện lâu rồi, làm sao anh ta có thể ngờ được là chính mình, cô bạn thân nhất của Hương, đang đứng ngay trước mặt, giữa chiến trường.
Lập tức mình kéo Mạnh ra một góc, và đứng “dũa” anh ta suốt một hồi lâu. Mặt Mạnh cứ tái đi theo những lời kể của mình về nguyên nhân của những tấm hình đó, và nỗi đau khổ mà Hương đã phải chịu đựng về việc đó như thế nào, Hương đã yêu anh ra sao, và Dũng gởi cho Mạnh những tấm hình đó vì đã thua Hương như thế nào... Nếu anh ta không chịu nổi chuyện đó, thậm chí nghi ngờ mối quan hệ bí mật và xấu xa của Hương khi đang yêu mình, thì cứ việc chia tay một cách đàng hoàng, nhưng ít nhất phải hỏi cho ra lẽ chứ! Tưởng rằng mình bỏ đi như thế, một mình chịu đựng nỗi đau như thế là anh hùng à? Mình tức quá, nói liền một hơi cho đến khi đơn vị Mạnh có lệnh tập họp tiếp tục lên đường. Mạnh chỉ lấp bấp được mấy tiếng:
- Oanh còn gặp Hương cho tôi gởi lời xin lỗi. Tôi vẫn yêu Hương, không thể nào quên cô ấy được. Oanh nói đúng, tôi có lỗi với Hương quá. Tôi nhất định sẽ tìm gặp lại Hương.
Mạnh đi rồi, mình mới tiếc ngẩn người. Việc quan trọng nhất, mình lại quên mất không nói với anh: anh hãy viết thư cho Hương ngay, đơn vị của cô ấy là… Hương đang ở trạm phẫu thuật, cánh Svay Riêng, cách đây chừng 60 cây số. Anh đang vội vã tiến về phía trước. Mặt trận ngày càng ác liệt. Biết bao giờ họ mới được gặp lại nhau? Cầu mong sao cho họ sớm đoàn tụ. Mình tin là Mạnh sẽ tìm về với Hương, vì họ vẫn yêu nhau. Mình sẽ viết thư kể cho Hương nghe về buổi gặp gỡ này. Mình thấy rất rõ tình yêu trong mắt Mạnh. Hương hãy yêu đời trở lại và hãy kiên nhẫn chờ đợi.
Còn chuyện của mình với Toàn thì sao? Mình lo quá! Sao linh tính mình cứ báo trước một điều gì đó chẳng lành sẽ xảy tới...”
°
“... Toàn ơi!
Vậy là điều bấy lâu nay em vẫn lo sợ đã thành sự thật. Hồi chiều, cầm lá thư của anh vừa nhận được trên tay, em đã linh cảm nó chứa đựng một điều chẳng lành cho mình. Quả vậy. Anh viết là anh không thể bỏ Đảng, vì Đảng là máu thịt của anh. Anh viết là mình không có duyên nợ, thôi thì từ nay xin được coi nhau như bạn. Anh chúc em đủ nghị lực để vượt qua đau buồn, vẫn tích cực công tác tốt, giữa chốn ác liệt này. Anh luôn nhớ về em với một tình cảm tốt đẹp nhất...
Như vậy để làm gì, Toàn? Để làm gì, khi người ta yêu nhau mà lại không được chung sống với nhau? Tại sao Đảng lại cấm chúng ta yêu nhau? Tổ chức nào lại khắc nghiệt đến mức buộc anh phải chọn giữa Đảng và em? Lý lịch em nặng nề, đúng rồi, nhưng em có tội gì? Chẳng lẽ đúng là cha mẹ ăn mặn thì con khát nước? Ai chọn được cha mẹ cho mình?
Mấy năm qua, em tìm đến với cách mạng, với anh, đau khổ như thế nào, anh có biết không? Em vừa quay lưng với mẹ ruột của mình, để được trọn tình với cách mạng, với anh, đau khổ như thế nào, anh có biết không? Em có bao giờ kể đâu, vì thấy những cố gắng của mình còn nhỏ nhoi quá, vô nghĩa quá, so với những máu xương mà em đã được thấy, được nghe, được hiểu. Vậy mà... Đúng là vô nghĩa thật sao? Sự từ chối của anh với em, không chỉ là sự phụ bạc của một người tình với một người tình, vì một hoàn cảnh ngoài ý muốn. Đó phải chăng còn là lời từ chối của Đảng dành cho em, rằng em sẽ không bao giờ được tin tưởng?
Ngay cả nếu anh chọn em mà từ bỏ Đảng, em cũng không vui hơn được chút nào, và em cũng không muốn như vậy. Vì như vậy là Đảng đã từ chối thêm chính anh, một người tốt, từng hết lòng đi theo Đảng, chỉ vì tội đã yêu một người con gái có lý lịch không tốt, dù cũng đang muốn được đi theo Đảng. Tại sao vậy? Tại sao vậy?....
°
Hương gấp tập nhật ký đang viết dở của Oanh lại, nức nở khóc. Tin dữ bay đến như sét đánh. Mờ sáng hôm qua, chốt của trung đội Oanh ở quãng giữa chùa Cốc và Tà Y đã bị khoảng một đại đội địch ập vào khi mọi người còn đang say ngủ. Người gác mất cảnh giác bị giết một cách êm thấm ngay từ đầu. Bọn chúng dựng mọi người dậy, dẫn ra ngoài bãi cỏ mà hôm trước họ vừa phát hoang. Hai mươi mốt cô gái và sáu chàng trai.
Oanh là người bị giết đầu tiên. Khi bọn chúng toan trói Oanh sau khi đã trói xong sáu người nam, cô đã nhào tới cào mạnh vào mặt một tên có vẻ cầm đầu, và bỏ chạy. Năm vệt máu đỏ tươi túa ra trên bộ mặt đen xì của tên bị cào. Hắn hét lên dữ dội. Bốn tên lực lưỡng xô lại bắt Oanh. Cô vùng vẫy kịch liệt, cào cấu, cắn xé chúng dữ dội. Khi đã bị nắm chặt hai tay, hai chân và giằng ngửa xuống đất, Oanh chợt quẫy mình một cái và người mềm oặt đi, miệng ứa đầy máu. Cô đã cắn lưỡi tự tử. Bọn quỷ vẫn xé nát quần áo cô. Thằng bị cào, cầm một cây mã tấu đến trước thi thể Oanh, còn tỉnh táo giật phắt sợi dây chuyền trên cổ, cắt lấy hai núm vú nhỏ máu ròng ròng bỏ vào túi, rồi vừa gào thét vừa bầm chém cho đến khi thân xác Oanh chỉ còn là một đống nhầy nhụa, bùng nhùng những thịt, xương và máu.
Huy và Bửu quá phẫn nộ trước cảnh đó, đã hét lên xông vào đá tên thú vật. Bọn quỷ thích thú đứng nhìn hắn quơ mã tấu đấu với hai người bị cột tay và lần lượt, từng người bị hắn chặt đầu. Bốn người nam còn lại bỏ chạy đều bị bắn vào lưng, vào đầu, ngã gục.
Có sáu cô gái đã ngất xỉu trước cảnh tượng kinh hoàng ấy. Bọn quỷ đói trò xác thịt cười rống lên, mắt đỏ ngầu, xông vào những cô gái yếu đuối như thú dữ vồ mồi. Những mảnh áo quần đã bạc sờn bị xé nát. Tiếng vải rách toạc, tiếng kêu thét thất thanh lẫn trong những tiếng cười khoái trá đầy thú tính, tiếng rên rỉ và quằn quại trên cỏ, tiếng lưỡi dao rạch trong thịt tìm lấy gan mật, tiếng máu chảy ồng ộc... tất cả tạo nên một âm thanh hỗn độn, kinh khiếp.
Rồi tất cả lại im lặng, một sự im lặng rợn người, giữa rừng mà không có đến một tiếng chim hót lúc bình minh. Mặt trời vừa lên thì bọn quỷ cũng vừa rút đi. Trên bãi cỏ xanh đã bị xéo nát, đẫm máu, chỉ còn lại những mảnh vải xanh vương vãi, những đống máu thịt lầy nhầy và những xác người bị nhục hình mất cả nhân dạng. Không khí ngợp ngụa mùi tanh tưởi lợm giọng. Bếp lửa mà người gác ca chốt, nhóm lên để nấu ấm nước định pha trà uống buổi sớm đã tắt hẳn. Cái ấm bị đá văng xa, móp méo. Gió thổi những bụi tro bay lả tả qua chính cái xác đã bị kẹp cổ, đâm chết của anh. Tội nghiệp, anh quá chủ quan tin tưởng đã có một đơn vị bộ đội đóng vòng ngoài phía trước mình, đâu biết nay đơn vị này đã nhận một nhiệm vụ đột xuất vừa rút đi trong đêm, không kịp báo cho trung đội Thanh niên xung phong ở phía sau hay.
Tám giờ sáng, một đơn vị bộ đội vận động lên ngang đã phát hiện vụ thảm sát. Nghe tiếng rên rỉ, họ tìm ra hai người còn sống sót. Sơn, một trong bốn đồng chí nam bỏ chạy và bị bắn, đã bị hai viên đạn vào lưng, một lủng phổi và một xuyên qua phần mềm, còn thoi thóp. Chính anh sau đó đã kể lại toàn bộ sự việc bi thảm ấy. Người còn sống thứ hai là Thuý, cô gái có vóc người khoẻ mạnh và xinh đẹp, là người duy nhất thoạt nhìn qua thấy toàn thân còn nguyên vẹn, lại bị một nhục hình thảm độc nhất. Sau khi hãm hiếp Thuý, bọn quỷ đen đã nhét vào cửa mình cô một quả lựu đạn mini đã rút chốt. Thuý được đưa lập tức về quân ý viện phía sau và phải mất nhiều công phu nguy hiểm, các bác sĩ mới lấy được trái lựu đạn ra an toàn. Tuy nhiên, cô gái sau đó đã bị loạn trí...
Tất cả những gì còn lại của thân thể Oanh chỉ là một túm vải trắng, ngoài bọc nilông thật kín với một mảnh giấy đề tên cô phía ngoài. Người ta biết đó là Oanh, nhờ lời kể của Sơn, sau khi đã hồi tỉnh, chứ không thì không cách nào có thể nhận ra. Hương chết ngất mấy lần trước cái gói nilông ấy. Người bạn thân nhất của cô từ 11 tuổi đến nay, người bạn có một số phận rất giống cô, cũng trải qua những đớn đau, ray rứt dằn vặt, nhưng bao giờ cũng sống mạnh mẽ, dứt khoát, hết lòng. Mới tuần trước, Hương còn nhận được thư tay của Oanh vui vẻ báo tin cô vừa được hướng dẫn làm đơn xin vào Đoàn. Vậy mà.... Sẽ không bao giờ hai đứa còn gặp nhau, tay bắt mặt mừng, hàn huyên không biết chán về đủ mọi thứ chuyện trên đời. Sẽ không bao giờ Hương còn được nghe tiếng cười khanh khách yêu đời của Oanh, những câu đối đáp khôn ngoan, lém lỉnh với người khác. Sẽ không bao giờ Hương còn được thấy cái dáng gọn gàng, nhanh nhẹn như sóc của bạn, với dáng đi nhún nhẩy, cái đầu nghiêng nghiêng hất hất mái tóc qua một bên, đôi mắt nghịch ngợm và cái miệng lúc nào cũng như đang cười. Sẽ không bao giờ nữa, Oanh ơi!
Trên trang đầu cuốn nhật ký để lại trong ba-lô, Oanh như có linh tính trước, đã ghi: “Nếu tôi có hy sinh, xin trao giúp cuốn nhật ký này và những gì còn lại của tôi cho đồng chí Giáng Hương, y tá Thanh niên xung phong, phục vụ tại liên đội 302, Tổng đội 3, vì tôi không còn ai là người thân trên đời...”. Khi Hương nhận chiếc balô của bạn, cô càng đau đớn hơn. Ngày Oanh vượt biên đi, liên lạc gặp rủ Hương không kịp, cô cũng đã cố gửi cho Hương chiếc vali lớn đựng tất cả những gì đáng giá để lại của mình. Giờ Oanh đã chết, cô cũng để lại tất cả những gì còn lại cho Hương. Di sản của Oanh: hai bộ đồng phục Thanh niên xung phong, ít đồ lót, một hộp nhỏ đựng ít mỹ phẩm, gương lược, kẹp tóc, kim chỉ, chăn màn, một chiếc võng, một số thư của bạn bè bọc kỹ trong một bao nylông, trong đó nhiều nhất là thư của Toàn và của Hương, cuối cùng là tập nhật ký mà Hương đang cầm trên tay.
Hương xin phép theo xe đưa bạn về Nghĩa trang liệt sĩ Thạnh Tây ở Xa Mát, Tây Ninh. Đến chiều thì chôn cất xong. Trời mưa lất phất. Những người Thanh niên xung phong đầu trần, đứng dưới mưa, lặng lẽ khóc trước những nấm mồ mới của đồng đội.
Dưới mỗi nấm mồ ấy là một con người, đã từng mang những số phận khác nhau, đã từng sống và đã từng yêu, đã từng ước mơ và hy vọng, đã từng trải qua bao kỷ niệm với những người còn sống đang đứng đó. Những người còn sống sẽ không bao giờ quên được họ, và những ước mơ của họ. Tất cả sẽ không bao giờ quên những ngày chặt tre, cất tranh, lợp nhà, phá rừng, đốn tràm, đào kinh, xuống hom, đẩy mạ, gặt lúa, trồng thơm, làm ngầm, thông đường, dựng cột, tải thương, gánh đạn... Như sẽ không bao giờ quên tiếng cười hồn nhiên, giọt nước mắt đậm đà, câu hát say sưa, điệu múa rộn ràng, đêm đốt lửa ở rừng nghe bạn ngâm thơ, giao thừa đầu tiên xa nhà chúc tết nhau quanh nồi chè thơm nóng... Như sẽ không bao giờ quên những buổi học dưới ánh đèn dầu lù mù, mà tấm bảng có khi là nắp một nồi quân dụng ám khói, những đêm đốt đuốc đào kinh đến sáng, những bữa ăn trệu trạo nhai bột mì luộc chấm nước muối, rồi nhìn nhau mà cười, những trăn trở bởi một khuyết điểm biết rằng sắp được đưa ra tập thể, những reo hò hể hả khi vừa dứt điểm xong một tuyến kinh, hợp lòng xong một con đê ngăn mặn quá đỗi gian nan, những gặp gỡ và chia tay... Đời Thanh niên xung phong rày đây mai đó, những gặp gỡ và chia tay diễn ra không ngừng. Nhưng mỗi chia tay đều thường có kèm theo một cái nháy mắt và một lời hẹn độc đáo: “Mình sẽ còn gặp nhau, ở chỗ nào khó kiếm ăn nhất!”. Cuộc chia tay lần này không có cái thủ tục dễ thương ấy. Một cuộc chia tay vĩnh viễn.
Hương đứng mãi trước mộ bạn, mặc cho những dòng nước mắt ngọt mặn chảy ràn rụa trên mặt và thấm vào môi. Cô không thể không nhớ lại đoạn văn mà Mạnh thích nhất trong “Thép đã tôi thế đấy”, cuốn sách cách mạng đầu tiên mà Mạnh đã cho cô mượn đọc: “... Cái quý nhất của con người là đời sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí...”
Trên tấm mộ chí mới, giống y mọi tấm mộ chí trong nghĩa trang liệt sĩ này, là những dòng chữ đỏ đắp nổi dưới huy hiệu Thanh niên xung phong, thay vì quốc huy trên những nấm mồ bộ đội:
Liệt sĩ NGUYỄN THỊ KIM OANH
TNXP Tổng đội 3
Sinh ngày.... tại TP HCM
Hy sinh ngày... tại mặt trận Tây Nam.
Người sau sẽ hiểu được gì dưới những dòng chữ vắn tắt, lạnh lùng này? Sẽ không bao giờ có ai biết được cô gái liệt sĩ nằm dưới mộ này đã có hai lần muốn bỏ đất nước ra đi, và cha mẹ cô đang sống tha phương cầu thực nơi xứ người.
“Liệt sĩ NGUYỄN THỊ KIM OANH”. Chỉ vậy thôi. Tổ quốc ghi công mọi người con, một cách bình đẳng, khi họ dám chết vì Đất Nước.