Buổi đi chơi cuối cùng rồi cũng có những người còn lại trong danh sách của Ẩn sau khi Đông đã tẩy xóa thêm bớt. Khôi, Ẩn, Đông, Thục, Hạnh, Kim, Thủy, Uyển. Phương tiện di chuyển bằng xe đạp như đã dự đinh. Nhưng thật không ai ngờ phía con trai chỉ có ba mống, phía con gái những năm người. Ẩn cười bảo Đông: - Như thế thì mình yếu cơ hơn rồi mày à. Âm thịnh dương suy, một điều đáng lo ngại. Tôi cười ngó một vệt máy bay qua đầu nói: - Chưa hẳn. - Tao lo quá, phải kêu thêm mấy đứa nữa may ra mới đủ lực lượng. - Như thế này vui vẻ rồi. Khôi đứng dựa chiếc xe đạp của mình: - Như thế này vừa rồi, đông quá tao không thích. Tôi cười: - Tụi nó hiền, trong đó có dì Hạnh tao hiền nhất. Tao xử như thế này nhé, Khôi chở dì Hạnh, Ẩn chở "cà phê" Thủy, tao chở Thục, Kim chở Uyển, được không? Ẩn nhăn mặt: - Tại sao tao lại chở "cà phê" Thủy, mày chứ? - Tao hết thích uống cà phê Thủy rồi. Mày ra đó hoài, nhường lại cho mày. - Bắt nạt anh em hả? Tôi cười: - Thủy cũng có vẻ thích mày. Thôi, làm công việc của một người sắp sửa vì một người đi. Than thở hoài, mai mốt gặp nhau lại cười bẽn lẽn. Quay qua Khôi, tôi hỏi: - Còn mày, phản đối không? - Tao đang chán đời, sao cũng được.. - Dì Hạnh tao hiền lắm, trông buồn buồn. Hai nỗi buồn gặp nhau thành một nỗi vui lớn chăng? Khôi cười đấm tôi một phát. Tôi nhìn những chiếc xe đạp được đánh bóng sạch sẽ từ hôm qua mà tức cười. Bình thường chẳng đứa nào chăm sóc tới. Bây giờ chiếc nào chiếc ấy trông như mới, bóng loáng, mấy con ốc sút được vặn chặt, cái gì cũng được thay ngaỵ Đoạn đường ba mươi cây số nếu chỉ có ba đứa đi chạy vèo là tới, nhưng hôm nay chở thêm mấy vị con gái ở phía sau, bắt buộc phải chạy chậm. Đông đề nghị khởi hành sớm, lúc tám giờ. Và bây giờ mọi người lần lượt tới chỗ hẹn, một quán phở gần chân cầu dẫn vào thành phố. Thục, dì Hạnh, Thủy đi bộ từ hướng bờ hồ tới. Kim chở Uyển trên chiếc xe đạp sơn hai màu qua cầu vồng xuống. Tôi nhìn đồng hồ cười: - Cũng khá đúng hẹn đấy. Kim còn ngồi trên xe đạp kêu: - Kiến bò trong bụng tôi Đông ơi. - Kiến lớn hay kiến nhỏ? - Kiến lớn. - Uyển có bị không? Uyển cười: - Uyển bị cua kẹp bao tử chứ kiến bò thì nói chi. Ẩn chạy ra, cười tươi nói: - Thôi, dựng xe đằng gốc cây kia vào trong này giải quyết nạn đói một chút. Tụi này cũng kiến bò trong bao tử nãy giờ. Kim cười, trêu lại: - Kiến lớn hay kiến nhỏ? - Một tổ kiến lửa. Cả bọn cười ầm. Kéo nhau vào quán phở. Quán này mang tên "Phở Tím" còn một tên thơ mộng và thông dụng hơn nữa là "Phở dưới chân cầu". Thu hút phần lớn cũng là học trò trong tỉnh. Ở đây "chuyên trị" một món tái sụn, bọn tôi đùa là tái sún. Quán phở này có lẽ là ngon nhất trong tỉnh hay ngon nhất đối với bọn học trò cũng không biết. Người ta tới đây trong những buổi sáng, những buổi tối, ăn phở và nhìn nhau, những đôi mắt là những cọng rau thơm, những cọng ngò gai, những múi chanh đầy nước. Quán phở Tím hay là quán phở thân tình nhất của học trò. Người ta có thể vì một hôm ngẫu nhiên tới ăn phở rồi quen nhau, yêu nhau, những bộ đồng phục màu này rồi sẽ nhớ thương những bộ đồng phục màu kia. Những cổng nhà xa lạ trở thành thân quen, nở rộ rã một mùa hoa nhớ đời, thương đời và… chán đời. Tám người kéo nhau vào chiếm gọn hai chiếc bàn. May quá, chủ nhật học trò nghỉ học nên không gặp người quen nhiều. Tuy vậy mấy vị con gái cũng gặp lại lai rai những người quen. Họ hỏi thăm nhau, cười đùa, quên cả gọi thức ăn khiến Ẩn sốt ruột phải nhắc: - Ăn gì cho biết đi quý vị? Kim cười: - Như thường lệ. - Nghĩa là gì? Tôi phất vào vai Ẩn: - Tái sún mày ơi, tái những chiếc răng sún ấy. Kim đỏ mặt kêu: - Ơ, người ta không có chiếc răng sún nào hết đấy nhé. - Tôi có, ai mượn cho đấy. Và tôi quơ một bàn tay của mình quanh miệng, điệu bộ như lấy mấy chiếc răng ra bỏ trên bàn khiến Uyển la: - Đông làm gì thấy mà ghê. Thục ngưng nói chuyện với bạn, quay qua hỏi: - Cái gì mà vui vẻ vậy, hả? - Thục xòe tay ra thì biết. Thục cười ngó tôi, xòe bàn tay của mình ra. Tôi đặt bàn tay của mình vào đó. Thục hốt hoảng rụt tay về kêu: - Cái gì thế? - Cho Thục mấy cái răng sún. - Lãng òm, Đông dị ghê. Mặt Thục đỏ lên, cả bọn cười khúc khích. Ẩn nhắc lại: - Qúy vị ăn gì cứ việc tự do gọi. - Mỗi người ăn mấy tô, phải nói rõ ạ. - Bao nhiêu cũng được, nhưng liệu Kim ăn được mấy tô? - Ít nhất là ba tô. - Rồi, gọi cho Kim một lúc ba tô nhé. Kim cuống lên: - Ấy người ta nói đùa, gọi thế chắc Kim chết trước khi ăn. Tôi nói: - Bây giờ nói tổng quát, tám người ăn cùng một thứ cho tiện sổ sách. Nhưng nhanh để mình còn lên đường nữa chứ. - Đồng ý. - Đông gọi cả đi. Thục bỗng nói: - Riêng Thục thì khác nhé. Thục không ăn sụn được, ăn tái thôi. Tôi quay vào trong gọi lớn bảy tô tái sụn và một tô tái. Khi quay lại mọi người đã dành nhau từng chiếc muỗng, từng miếng chanh, tôi cười: - Tôi không có gì hết sao? - Có người lo, yên chí lớn. Nụ cười hóm hỉnh của Kim làm tôi chột dạ. Một chiếc muỗng và đôi đũa được lau sạch trao từ tay Kim qua cho tôi. Kim hỏi: - Đố biết ai lo cho Đông những thứ này? - Ai lo cũng được hết, bổn phận đối với nhau, chứ bộ. - Nói thế cũng nghe được. Một người thôi, một người có bổn phận với một người. - Ai? - Phải đoán biết, khờ quá Đông ạ. Tôi dụm đầu trước mặt Kim hỏi nhỏ: - Ai thế Kim, nói nhỏ nhỏ nghe thôi. - Không có nói gì hết trơn. Tôi tức quá muốn cốc lên đầu nhỏ Kim này một cái. Dì Hạnh ngó tôi cười. Nãy giờ dì Hạnh không nói gì, Khôi cũng không nói gì. Họ ngồi trong đám đông mà như ở đâu. Khôi im lặng hoàn toàn, còn dì Hạnh chỉ góp chuyện bằng nụ cười của mình. Tôi bỗng bàng hoàng nhận ra sáng hôm nay tất cả các cô gái đều đẹp. Mỗi người đẹp một cách, một nét riêng và một màu áo để làm chìm mất màu trời. Tự nhiên rồi tôi với Thục cũng nhìn nhau. Trong đáy mắt của Thục tôi biết rõ cả những điều Kim nói. Bữa ăn sáng kết thúc với những cây tăm xỉa răng và những cốc nước. Tôi dồn hết ống tăm xỉa răng vào túi Ẩn bảo: - Cất đi, trưa có chỗ dùng, quí lắm đấy. Ẩn cười, Kim thêm: - Cho nhỏ này gửi chiếc muỗng.