Chương 1

Buổi chiều thả những giọt nắng yếu bên ngoài cửa sổ, một khoảng trời nhỏ, với vài đám mây trắng lờ đờ bay ngang qua đỉnh cây nhạc ngựa. Tôi thức giấc giữa tiếng reo nhỏ, mơ hồ, của hàng nhạc ngựa say gió bên ngoài con đường im vắng chạy ngang trước nhà. Ngôi nhà nằm cách lề đường một con ngõ, khuất trong vườn cây thấp có nhiều hoa. Nằm ở đây, tôi có thể nhìn thấy một khoảng lối đi trải sỏi vụn dẫn ra cánh cổng có dây leo um tùm trổ một thứ hoa màu tím lấm tấm.
Ngày xưa khi mới tới đây, tôi đã sung sướng vô cùng vì không ngờ mình lại được ở trong một ngôi nhà đẹp đẽ và yên tĩnh như vậy. Dì Hạnh mở cổng cho tôi với đôi mắt mở lớn tròn xoe, đầy ngạc nhiên. Lúc đó tôi hoàn toàn rơi vào một trạng thái sững sờ và ngượng, vì tôi không biết gọi dì Hạnh bằng gì và ngược lại, hình như chính dì Hạnh cũng rơi vào một trạng thái như thế. Dì Hạnh nhỏ hơn tôi hai tuổi, học dưới tôi hai lớp, nhưng lại được tôi gọi bằng dì, vì giữa tôi và dì Hạnh có liên hệ bà con sao đó. Tiếng "dì" ngượng nghịu đó làm sao tôi thốt ra được khi tôi đang đứng trước một người con gái nhỏ hơn mình, xinh đẹp và có lẽ rất thông minh. Lúc đó tôi cũng nhận ra trên gương mặt dì Hạnh một nét u buồn vừa nhìn thấy trong đôi mắt ngạc nhiên của dì. Nhưng sau một tuần, tôi cũng quen dần và tôi cũng bỏ được lối xưng hô trống không khi nói chuyện với dì Hạnh. Đó cũng là ngày đầu tiên tôi vào trường, chọn lớp, làm quen với bộ mặt mới của tỉnh lẻ.
Tôi yêu cái vẻ êm đềm đến dễ thương của tỉnh lỵ. Những con đường trơn bóng, rộng lớn với hai hàng me chạy dài thả lá bay trong gió suốt mùa. Gió của tỉnh lỵ không ào ạt, lạ lùng như gió biển ở quê hương tôi. Ở đây gió nhẹ và có lẫn hương thơm hòa vào tiếng chim ríu ran gọi nhau trên các mái ngói. Thành phố không lớn, nhưng lại được vây quanh bằng dòng sông tươi mát êm đềm, được che mát bởi cây lá, được xông bởi hương hoa, được tô điểm bởi những ngôi nhà mái ngói cổ xưa. Sau một năm tôi đã quen thuộc với tỉnh lỵ, quen thuộc cả đến những viên sỏi vô tâm trong khu vườn nhỏ nhà dì Hạnh. Mùa hè, được báo trước bằng những ngày học thi bù đầu. Ở những con đường tỉnh lỵ đã thấy lác đác bông phượng nở. Và mưa. Mùa hè và mùa mưa, làm xao xuyến tỉnh lỵ, xao xuyến những người học trò ở vào tuổi mới lớn, một tuổi đời mơ hồ sương khói nhất. Nỗi xao xuyến cũng thả dài theo hàng nhạc ngựa trước nhà, mà tôi nghe được tiếng reo của nó trong gió vào những buổi chiều tuyệt đẹp.
Dì Hạnh ở một góc phòng dưới nhà, với một người giúp việc, tôi ở một phòng trên lầu. Ba má của dì Hạnh. (Tôi vẫn còn bối rối không biết gọi bằng gì) có cơ sở làm ăn ở Sài-gòn. Nửa tháng hoặc đầu tháng ông bà mới về một lần, đưa cho dì Hạnh một khoản tiền tiêu trong tháng, trả lương người giúp việc, tiền học phí và chi tiêu, linh tinh đủ mọi chuyện. Tôi vẫn như một người ở trọ, nhưng không phải đóng tiền nhà, tiền cơm, chỉ lo tiền sách vở. Đôi khi những thứ này dì Hạnh cũng mua luôn cho tôi. Nhà tôi ở một quận hẻo lánh, trường trung học chỉ dạy đến lớp đệ tứ. Hết lớp đệ tứ tôi phải lên tỉnh để học đệ tam. Ba tôi hy sinh trong thời kháng chiến không để lại được gì. Mọi thứ má tôi đều xoay xở lấy. Nhà tôi nghèo, chỉ có một thửa vườn nhỏ. Đó là nguồn lợi tức hàng năm mà má tôi cho tôi theo đuổi việc học. Năm tôi lên tỉnh dì Hạnh mới học đệ ngũ, bây giờ dì đã lên đệ tứ và cũng đang sửa soạn cho ngày thi sắp tới như tôi. Năm nay tôi thi tú tài một, những ngày học thi tôi thức rất khuya, cũng như dì Hạnh thức rất khuya dưới nhà. Và trong căn nhà vắng vẻ này dì Hạnh và tôi như hai chiếc bóng loanh quanh đến hết ngày tháng. Dì thường kêu buồn trong những ngày mưa, hay khi nghe tiếng ve kêu ran trên đường đi học về. Nhưng đôi khi dì bảo rằng dì chỉ thích thú khi ở trong một ngôi nhà vắng vẻ như thế này. Tôi và dì hợp nhau ở điểm đó. Tôi yêu hàng cây nhạc ngựa reo say trong gió, khi con sông lồng lộng nước sau nhà. Bên kia là vườn cây ăn trái, tôi vẫn thường bơi qua sông ăn cắp trái cây đầu mùa mang về chia cho dì Hạnh, cả hai vừa ăn vừa cười thích thú. Dì cũng thích được bơi qua sông. Con sông không lớn lắm, tôi hứa hôm nào sẽ dạy dì bơi. Nhưng chắc chắn một điều là dì sẽ không bao giờ biết bơi vì có một ông thầy huấn luyện như tôi.
Phía sau nhà dì Hạnh, trước khi tới bờ sông phải băng ngang qua con đường sắt. Tôi vẫn thường ra đó đứng ngóng suốt con đường chạy ngoằn ngoèo vào trong những ngôi nhà thuộc một khu phố mang cái vẻ buồn bã mơ hồ. Những buổi sáng sớm, khi nghe tiếng còi xe hú dài trong sương, hay nhìn ánh sáng đèn nơi đầu máy xe lửa quét sáng một vùng cây cỏ im ngủ, tự nhiên tôi thấy yêu quí tỉnh lỵ hơn bao giờ, đồng thời cũng nhớ rười rượi một hình ảnh nào đó rất mơ hồ ở quê nhà tôi. Phải chăng từ lúc đặt chân lên con đường thứ nhất trong tỉnh lỵ, nhìn thấy chiếc lá đầu tiên long lanh trong nắng, nhìn thấy đôi mắt mở lớn, tròn xoe như mắt chim khuyên của dì Hạnh, những gì đến với tôi đều trở thành kỷ niệm, trở thành một thứ mùi hương không phai nhạt. Ngôi nhà này có những âm thanh thật lạ lùng của nó, gần như sự rung động, và ngào ngạt hương thơm. Không ngớt ngân lên với những ngày những tháng cùng với một tuổi đời nào đó vừa tới với dì Hạnh, với tôi. Hôm qua, trong lúc ra vườn, tôi bắt gặp đôi mắt dì Hạnh thật buồn. Lúc đó dì ôm con mèo nhỏ trong tay, còn tay kia thì dì cầm một cái hoa xoay xoaỵ Khi tôi hỏi, dì cố tạo một nụ cười. Dì đã là một thiếu nữ, một người con gái. Tôi hiểu điều đó. Và có gì khó hiểu trong đôi mắt của một người con gái mười lăm mười sáu tuổi đó?
Tôi nghe tiếng chân ai đi về phía phòng mình. Tiếng chân chỉ có thể là dì Hạnh, hoặc người giúp việc. Tôi nằm yên lắng nghe. Và rồi có tiếng gõ cửa phòng tôi, và giọng của dì Hạnh, giọng nói quen thuộc trong suốt như tiếng chim gọi mỗi buổi sáng ngoài vườn. Tôi đợi dì gọi hai ba tiếng, để lắng nghe cho đầy cái âm thanh mà tôi thương mến ấy, mới lên tiếng đáp lại.
Dì Hạnh hỏi:
- Đông vừa ngủ dậy phải không?
Tôi trả lời từ bên trong:
- Không ngủ được, chỉ nằm thiếp một lúc thôi.
- Như thế là ngủ rồi đấy.
- Dì vào không? - Tôi vụt hỏi lớn.
Dì Hạnh cười khúc khích:
- Mở cửa đi, vào nói cái này nghe hay lắm.
Tôi bước xuống giường và mở cửa. Dì Hạnh bước vào với cuốn sách cầm ở tay, tay kia dì cầm một nhúm chùm ruột. Tóc dì Hạnh cột thành hai bím, đường ngôi rẽ ở giửa. Tôi ngồi lọt thỏm trong ghế ngắm dì. Tôi khen:
- Chà, dì Hạnh chiều nay xinh như một con búp bê.
Dì ngượng, mặt đỏ lên, vội đưa nhúm chùm ruột về phía tôi cười, bảo:
- Ăn không, ngọt lắm Đông ạ.
- Chưa chi đã quảng cáo.
- Ngon thật chứ không quảng cáo. Của thằng nhỏ ở nhà bên cạnh mới hái cho đó.
Tôi trêu dì:
- Thằng đó mà còn nhỏ, nó lớn hơn dì ít nhất là bốn tuổi. Nó cho dì chùm ruột với một dụng ý, dì đừng có mắc mưu nó.
- Dụng ý gì, Đông cứ hay bịa chuyện này chuyện nọ không hà.
Tôi cãi ngay:
- Chứ nếu không thì nó đâu có tử tế gì mà cho.
- Nó trèo lên cây hái, sẵn thấy dì đứng trong sân, nó thẩy luôn qua cho, chứ bộ.
Tôi cười dòn:
- Đó, thấy không, đã bảo mà, cái thằng đầy dụng ý.
- Dụng ý gì, Đông nói đi?
- Ai biết, Đông chỉ đoán thôi. Chắc hỏi nó thì biết.
Dì Hạnh lườm tôi bằng hai đuôi mắt dài. Dì hỏi:
- Có ăn không người ta chia cho, tử tế thế còn bày đặt bịa chuyện. Đông nhiều chuyện như con gái vậy.
Tôi cười, ngắt mấy trái chùm ruột bỏ vào miệng nhai lốp bốp. Dì Hạnh đi qua đi lại trước mặt tôi, nhìn mấy cuốn sách để bừa bãi trên bàn học. Tôi biết dì sắp sửa trách tôi vì cái tật bừa bãi của con trai không bỏ được. Rồi sau đó dì đuổi tôi ra khỏi phòng mười lăm phút khi tôi trở vô sẽ thấy một thiên đường mới. Đó là căn phòng được dọn dẹp sạch sẽ, tươm tất, sách vở ngay ngắn đâu vào đó.
- Đông thật…
Tôi cười.
- Thôi, biết rồi, khổ lắm nói mãi…
- Biết rồi mà vẫn bê bối. Con trai bộ Ở sạch sẽ ngăn nắp một ngày không được sao?
- Được chứ.
- Ngày nào đâu, bao giờ? Dì chỉ toàn thấy phòng Đông đầy sách vở với báo chí, giấy vụn. Đủ thứ hết. Nhìn bắt mệt.
Và dì sắp sửa đuổi tôi ra khỏi phòng cho dì dọn dẹp. Tôi biết thế nên cười:
- Ngày mai sẽ xong tất cả, đâu vào đó.
- Đông nói rồi để đó như nước chảy lá môn thì lúc nào mới xong được?
- Ngày mai nghỉ học Đông sẽ tổng vệ sinh, xin hứa.
- Đông chỉ toàn hứa cuội. Tại sao lúc trước Đông không là chú cuội ngồi canh gốc đa nhỉ?
- Tại vì Đông không có mơ lớn lên sẽ cưới chị Hằng.
Dì Hạnh bỗng reo lên:
- À nhớ rồi, có chuyện này hay lắm muốn nói với Đông lúc nãy cơ.
- Chuyện thằng nhỏ bên nhà cho dì chùm ruột và cười mím chi cọp hoài chứ gì?
- Lại vẽ chuyện, lần này dì nói chuyện của Đông mà.
- Chuyện của Đông?
- Ừ.
- Chuyện gì thế, có "gay go" lắm không?
- Gay go lắm, nhỏ bạn của dì thấy Đông tới trường sáng hôm qua, đứng dưới gốc me trước cổng trường để đón cô nào đó. Phải không?
- Bạn của dì là ai thế?
- Biết là nhỏ bạn được rồi cần gì phải khai tên. Nhưng quan trọng là chuyện Đông có đến trường Lê Ngọc Hân không?
- Bạn của dì là chúa ba xạo, tương lai sẽ làm thầy bói. Sáng hôm qua người ta ở nhà, vả lại Đông không có quen với ai đằng Lê Ngọc Hân hết.
- Không tin, nhỏ bạn dì thấy rõ ràng. Chẳng lẽ nó đi nói dối.
- Nhỏ bạn dì là ai, dì có nhiều bạn thấy mồ, ai mà biết được.
- Nó yêu cầu giấu tên.
Tôi điều tra:
- Có đến đây lần nào chưa?
- Chưa.
- Dì bảo cô bé ấy nghỉ học đi, về ra chợ trải chiếc chiếu, mua một bộ bài tây rồi làm thầy bói kiếm ăn.
Dì cười:
- Con gái ai đi làm thầy bói. Đông định lảng chuyện hả?
- Chứ biết làm gì bây giờ, Đông có nói gì dì cũng không tin.
- Đông giấu.
- Có nói ngay, không giấu.
- Hôm qua Đông ở nhà thật hả - Dì Hạnh nghi ngờ.
- Thật, lúc dì về gặp Đông trước cổng, bộ không nhớ sao?
- Đông về nhà trước chứ bộ.
Tôi ngó dì Hạnh cười nói:
- Dì đa nghi như Tào Tháo. Đã bảo không là không, Đông có quen với ai đằng Lê Ngọc Hân đâu mà nói đón với đưa.
Dì Hạnh nhìn ra đỉnh cây còn tôi nhìn những sợi tóc của dì, những sợi tóc mai non nớt kỳ diệu đó đã làm hồn tôi lâng lâng trong một nỗi xúc động. Đôi mắt dì trong đen như hai hạt huyền. Tôi tưởng đâu hàng nhạc ngựa bên ngoài cùng ngả nghiêng theo mắt dì nhìn, tiếng reo của nó ngưng bặt vì tóc dì thơm ngất trong gió, và màu hoa của nó nở rực rỡ trong đôi mắt dì. Bỗng dì Hạnh bật cười:
- Chiều nay nhỏ bạn dì tới chơi, Đông có muốn đối chứng không?
- Sẵn sàng.
- Nhỏ bạn dì dữ lắm à, cái miệng của nó lanh lắm, Đông cãi không lại đâu.
- Ăn nhằm gì, Đông chả sợ con gái. Bạn của dì lại càng dễ bắt nạt hơn.
- Nói ngon lắm, chừng gặp Đông sẽ lánh mặt giả vờ bận học bài này nọ rồi chuồn ra phố ở mãi đến tối mới chịu về. Cái quán cà phê gì ngoài bờ sông đang chờ Đông với một chiếc ghế trống đó.
Tôi đỏ mặt cãi:
- Rồi dì xem. Bạn dì có lớn hơn dì không?
- Nó bằng tuổi dì, xinh nhất lớp.
- Nhưng không xinh hơn dì đâu. Dì xinh nhất lớp, nhất trường, nhất tỉnh lỵ.
- Dì Hạnh ngượng ngùng trước câu nịnh nọt hoa hoè của tôi. Nhưng quả thật, tôi không nịnh dì chút nào hết. Dì cười nói:
- Dì không có tiền đâu nhé, nịnh dì chỉ uổng công thôi.
- Ai thèm nịnh.
- Như vậy có nghĩa là Đông nói thật à?
- Sự thật.
- Dì xấu như con nhỏ Lọ Lem.
- Con nhỏ Lọ Lem về sau đội lốt thành một nàng công chúa đẹp mê hồn.
- Dì mang cái lốt xấu xí suốt đời.
- Mai mốt Đông mua tặng dì một chiếc gương soi. Dì sẽ tin lời Đông nói. Bạn Đông đứa nào cũng nói như thế. Có đứa còn "mê" dì nữa đấy.
- Bạn của Đông là những ai?
Hầu hết, nói tên dì cũng không biết đâu.
Dì Hạnh đỏ mặt, chớp mắt mấy cái. Bây giờ tôi biết dì đang cố ý hướng mắt ra đỉnh cây nhạc ngựa. Tôi càng trêu dì:
- Trong đám bạn của Đông có một đứa đang hấp hối.
- Bệnh nặng hả?
- Ừ, nó bệnh sắp chết, nhưng lại không chịu vào bệnh viện.
- Sao kỳ vậy, bệnh nặng phải vào bệnh viện cho người ta chữa chứ.
- Nhưng bệnh này lại không trị được, thế mới khổ.
Dì Hạnh ngây thơ:
- Bệnh nan y à?
- Hơn thế nữa.
- Rồi ở nhà đành bó tay sao?
- Bó tay là cái chắc.
Dì Hạnh lo lắng hỏi:
- Người bạn của Đông tên gì, nhà ở đường nào?
- Nó ở bên kia sông. Mỗi ngày đi học phải qua một chuyến bắc. Nó nghỉ học rồi, chờ ngày mặc áo mới.
- Nghỉ học chờ ngày mặc áo mới. Gì kỳ vậy?
- Dì không biếtt áo mới à?
- Nếu đã biết dì không hỏi.
Đông cười phá lên:
- Đó là chiếc quan tài đấy. Áo sơmi gỗ. Hay là sơmi Tobia. Nó sẽ chết.
Dì Hạnh lườm Đông:
- Người ta bệnh nặng sắp chết mà Đông nỡ đùa.
- Tại nó chứ bộ.
- Bệnh là một điều bất hạnh, không ai muốn thế bao giờ cả. Đông đừng nói như vậy. Nếu trường hợp Đông bệnh, Đông có muốn như thế không?
- Muốn, bệnh này “đã đời” lắm. Không đau nhức, không ho hen, chỉ buồn thôi, buồn nhè nhẹ, nhớ bâng khuâng, nghe mùa thu chết, rơi theo lá vàng…
Dì Hạnh ngẩn ngơ không hiểu gì cả. Đông càng cười, càng cố ý trêu dì. Một lúc dì có vẻ giận:
- Đông hôm nay làm tàng quá.
- Dì có muốn biết bệnh của thằng bạn bất hạnh đó không.
- Một chứng bệnh ghê gớm lắm phải không.
- Nói ra dì sẽ đầy lòng thương cảm mà té xỉu mất. Và dĩ nhiên, đó phải là một chứng bệnh ghê gớm.
- Nói dì nghe.
- Đó là bệnh tương tư, nó tương tư dì rồi đó.
Dì Hạnh đỏ mặt. Tôi đoán dì vừa giận, vừa ngạc nhiên và ngượng ngùng. Tôi ngó dì, tỉnh bơ:
- Chỉ có dì mới cứu nó nổi, không thì nó đi đứt cuộc đợi
- Đông còn đùa nữa à?