CHƯƠNG 5

Vụ giết hại Charlie Courage xảy ra vào đầu tháng 12, khoảng một tháng sau ngày Banks đem Emily Riddle về nhà bố cô, đã có phần dịu xuống, đi vào quên lãng phần nào, nhưng không phải không quá tệ hại để cho ông yên tâm được. Trên đường về lại Yorkshire, ông nghĩ cô ta cần nghỉ ngơi một thời gian trước khi hòa nhập lại vào xã hội. Trong thời gian này, Banks bận bịu với nhiều công việc đổi thay quan trọng ở Ban đầu não phân đội Eastvale.
Lực lượng cảnh sát của hạt được tổ chức lại từ 7 phân đội xuống còn 3, Eastvale là trung tâm đầu não mới của Phân đội miền Tây rộng lớn, kiểm soát hầu hết khu vực phía Tây từ đường A, cho đến giáp ranh giới với hạt Lancashire, và từ ranh giới với hạt Durham ở phía Bắc cho đến ranh giới với vùng Tây Yorkshire ở miền Nam. Ở đây có những khu vực rộng lớn còn hoang vu và đầm lầy, kể cả hầu hết vườn quốc gia Dales của Yorkshire, và những cơ sở làm ăn chính ở đây là kỹ nghệ phục vụ du lịch, nông nghiệp và những máy kỹ nghệ nhẹ thô sơ. Không có những thành phố lớn, nhưng có nhiều thị trấn sầm uất như là Harrogate, Ripon, Rickmond, Skipton và chính Eastvale.
Dĩ nhiên trong khu vực này đã xảy ra nhiều vụ tội phạm, và do việc cải cách mới, trạm cảnh sát ở Eastvale đã nới rộng thành nhiều tòa nhà nối tiếp nhau, ở đây đã có phòng lấy dấu tay, phòng lưu trữ hồ sơ tội phạm, phòng vi tính và phòng ảnh, phòng nào phòng nấy phát triển lớn mạnh. Công việc cải tạo đang tiến hành, cơ sở rất ồn ào và bụi bặm.
Trong khi các trạm cảnh sát các khu vực tiếp tục duy trì công việc anh ninh trật tự như trước - thực ra họ còn được cho thêm quyền tự trị - thì trạm ở Eastvale được miền Tây mới thành lập nữa. Chưa ai biết số sĩ quan trong đội điều tra tội phạm là bao nhiêu - hay như một số người gọi họ là nhân viên điều hành việc điều tra tội phạm - vì họ đang có số người hiện đang làm việc, như số nhân viên đã bắt đầu gia tăng.
Việc thuyên chuyển đầu tiên mà giám đốc nhân viên, Bà Millicent Cummnings, thực hiện, là chuyển Trung sĩ thám tử Annie Cabbot đến đội điều tra mới. Millie nói với Banks rằng bà ta thấy Annie đã làm việc với ông rất tốt trong vụ điều tra trước đây, bất kể việc ông cảnh sát trưởng Riddle nghĩ đến hậu lộn xộn của vụ này ra sao, và bà còn nói với ông rằng, vì Annie sẽ làm việc trong Ủy ban điều tra, cho nên nhờ kinh nghiệm của cô ta, ủy ban sẽ làm việc rất tốt.
Dĩ nhiên Millie, cũng như Riddle và nhiều người khác, không biết Banks và Annie gian díu tình ái với nhau, mà Banks cũng không nói cho ai hay. Bây giờ là cơ hội ngàn vàng cho cô có lại dịp để tiếp xúc công việc bỏ dở, và có lẽ ông ta sẽ không lo lắng gì về công việc của cô. Annie là một thám tử có tài, và nếu cô làm việc với Banks, ít ra thì ông cũng có thể giúp đỡ cô được.
Hạt còn có một phụ tá cảnh sát trưởng (phụ trách tội phạm) với tên Ron McLaughlin, người ta thường gọi đùa là "Ron đỏ" vì ông ta thiên về cánh tả hơn những sĩ quan cảnh sát rất nhiều. Phụ tá cảnh sát trưởng McLaughlin được biết là người rất khó khăn nhưng công bằng, người biết tin dùng các sĩ quan có tài năng, và người ta còn rỉ tai nhau rằng thỉnh thoảng ông ta cũng uống tí uých ki chơi.
Khi ông Riddle thực hiện lời hứa của mình với ông Banks, là đúng vào một hôm trời đầy sương mù và mưa bụi - dân địa phương gọi là "mờ mịt". Cách đây mấy năm, tất cả những vụ điều tra tội phạm nghiêm trọng nào mà Thanh tra Grithorpe, Trung sĩ thám tử Hatchley và bất kỳ sĩ quan thám tử nào ở trong Ban đầu não phân đội Eastvale lúc bấy giờ không thể tìm ra manh mối được, thì chuyển sang cho các phân đội khác, hay là đưa đến cho đội điều tra tội phạm khu vực giải quyết, còn Banks thì vẫn được tự do chăm lo công việc giấy tờ và quản trị.
Từ khi ông ban cho Riddle một đặc ân là đem Emily về nhà, từ khi có những thay đổi lớn trong ngành cảnh sát điều tra, và từ khi ông chấm dứt hẳn với Sandra, ý nghĩ rời bỏ ngôi nhà nhỏ ở Gratly để bắt đầu công việc mới ở cơ quan điều tra tội phạm quốc gia mất hết ý nghĩa, và Banks đã lấy lại đơn xin thuyên chuyển. Ông cảm thấy Eastvale là địa bàn lý tưởng cho ông hoạt động, ông muốn ở lại đây.
Mặc dù trời mưa phùn và bầu trời âm u xám xịt, nhưng Banks vẫn cảm thấy lạc quan yêu đời. Ông đang đọc tờ báo cáo cho biết việc xe hơi bị mất trộm ở các khu vực nông thôn bỗng đột ngột gia tăng, và ông thấy cần nghĩ ngơi một lát, ông bèn đến đứng bên cánh cửa sổ để hút điếu thuốc bị cấm không cho hút, và đưa mắt nhìn xuống khu chợ vào buổi xế chiều.
Các nhân viên mới được bổ nhiệm qua việc cải tổ đều im lặng làm việc, rõ ràng họ đang vạch kế hoạch tấn công bọn tội phạm sắp đến. Chiếc máy radio của Banks đang hoạt động ở phía sau đang chơi bài hòa âm dương cầm số 3 của Pokefiev. Ánh đèn Giáng sinh ở Eastvale, đã được nhân viên đài truyền hình địa phương cho thắp sáng vào trung tuần tháng 11 đến giờ, đã được bật sáng rất đẹp ở ngoài cửa sổ, dãy đèn bắt ngang qua đường ở phố chợ và bắt qua quãng trường như một tấm lưới ngọc ngà sáng sủa. Chắc họ sắp dựng lên một cây Giáng sinh khổng lồ ở ngã tư chợ, ban nhạc nhà thờ sẽ hát những bài thánh ca vào giờ ăn trưa và vào đầu hôm, để quyên tiền từ thiện.
Brian cho biết thế nào anh cũng bận bịu với ban nhạc trong những ngày lễ, nhưng Tracy hôm trước đã điện thoại đến đề nghị cô ta sẽ đến nghỉ lễ Giáng sinh với bố trước khi đi Luân Đôn để thăm mẹ vào ngày Quyền Anh. Banks không thiết tha gì đến mùa Giáng sinh - Vì trong các ngày mùa lễ ông thường bận nhiều việc, có nhiều vụ tự tử và giết người xảy ra - nhưng năm nay ông cần phải ăn mừng; ông định sẽ mua một cây Giáng sinh nhỏ, mua quà, trang hoàng nhà cửa, nấu bữa ăn Giáng sinh.
Năm ngoái mùa Giáng sinh rất buồn thảm. Ông đã từ chối tất cả lời mời của bạn bè và đồng nghiệp khi họ mời ông đến dự tiệc với họ, ông sống cô độc một mình trong ngôi nhà song lập mà ông và Sandra đã ở với nhau, ông khổ sở vì phải trả trợ cấp cho vợ mới ly thân, nên chỉ được ăn mừng Giáng sinh một mình với chai uých ki. Dĩ nhiên, Brian và Tracy có điện thoại đến, nhưng không làm sao đánh tan được nỗi khổ tâm. Năm nay chắc là phải khác. Ông nhớ Delia Smith; có lẽ ông phải đến tiệm sách Waterstone mua cuốn sách ấy trước khi về nhà.
Chuông điện thoại reo, ông quay về bàn làm việc.
-- Banks nghe đây.
-- Chánh thanh tra Banks phải không? Tôi là Collaton, Thanh tra cảnh sát Collaton. Tôi gọi từ Market Harborough, ở Sở cảnh sát Leicestershire. Tôi vừa gọi đến phòng chỉ huy cảnh sát ở hạt ông và họ chuyển tôi qua cho ông.
-- Tôi có thể làm gì cho anh?
-- Sáng sớm hôm nay có một người đi xe gắn máy dừng lại bên vệ đường ở gần đây, bước vào con đường nhỏ để tiểu tiện. Anh ta tìm thấy một xác chết.
-- Nói tiếp đi, - Banks nói, gõ cây bút lên mặt bàn, lòng phân vân không biết chuyện này có liên hệ gì không.
-- Vụ này thuộc của ông đấy. Tôi nghĩ ông cần biết.
-- Vụ gì mà lại của tôi?
-- Bọn vô lại ở địa phương của ông. Thằng này tên là Charlie Courage. Xem như đây là vụ thanh toán nhau thì phải. Hắn ở tại số 17 đường Cutpurse Lane, Eastvale - Anh ta cười. - Theo hồ sơ của hắn thì có thể địa chỉ này không chính xác.
Lạy chúa Giêsu, thằng Charlie Courage à! Những thằng bạn thân của hắn thường gọi đùa hắn là dân Hà Lan, vì hắn thường tỏ ra can đảm khi uống rượu. Charlie Courage là một cái gai trước mắt Phân đội điều tra ở Eastvale từ nhiều năm nay. Thực ra thì hắn là đồ vô lại tép riu, chỉ là tay đánh bạc nhỏ, nhưng sống trong Eastvale, hắn quả là con cá lớn trong hồ nước nhỏ, Charlie Courage làm đủ thứ - ngoại trừ những việc có liên quan đến bạo lực và tình dục - từ ăn cắp vặt cho đến ăn trộm cừu. Người ta phải cho hắn một kỳ hạn; hắn là người có cá tính. Hai ba năm về trước, hắn thường có một sạp hàng của hắn nằm ngay dưới trạm cảnh sáy, nơi hắn thản nhiên bán máy video và đĩa CD mà xem ra như là toàn hàng "rơi từ sau xe tải xuống". Có một lần Banks vào hỏi hắn về một vụ trộm tại địa phương, ông đã mua của hắn một đĩa CD âm nhạc cổ điển nổi tiếng, đĩa Electron Miner Mass của Mozart với giá 3 đô la 99. Giá rẻ đến một nửa. Ông không hỏi hắn hàng từ đâu ra. Để được làm ăn yên ổn, Charlie hợp tác với cảnh sát, đưa tin cho cảnh sát về một số vụ trộm cắp. Người ta nói với nhau rằng bây giờ hắn đã làm ăn ngay thẳng.
-- Chắc ông đã nghe về hắn rồi chứ? - Collaton hỏi.
-- Tôi có nghe về hắn. Chuyện gì xảy ra thế?
-- Bị bắn. Vũ khí bắn hắn thuộc loại súng ngắn. Dù sao vụ này cũng đã gây nhiều xôn xao.
-- Có thể đó là tai nạn, hay tự tử không?
-- Không thể được, vì nạn nhân không thể tự bắn vào ngực mình rồi sau khi đã chết lại đứng lên để đem súng đi giấu. Chúng tôi không tìm thấy khẩu súng ở đâu hết.
-- Anh có chắc đó là Charlie không? Hắn làm quái gì mà xuống tận đó? Charlie không bao giờ ra khỏi giáo phận của hắn mà.
-- Tôi nghĩ chúng tôi chưa có thể làm sáng tỏ chuyện này được. Nhưng rõ ràng là chính hắn. Tôi đã lấy dấu tay, dấu tay đúng y giấy căn cước của hắn. Hình như cách đây hai năm hắn có liên can đến một vụ trộm cừu. Tôi có nghe chuyện ông phát hiện ra vụ trộm cừu này ở trên ấy. Nghe nói vụ này chưa thể công bố được phải không?
Banks cười:
-- Thực ra là vụ trộm cừu đấy chứ. Vụ trộm này cũng khá lớn. Chắc anh còn nhớ. Còn về chuyện khác, tôi không thể nói tôi biết rõ Charlie làm gì trong lúc hắn rảnh rỗi. Theo chỗ tôi biết thì hắn sống độc thân, cho nên hắn cần giải trí. Còn gì cần nói nữa không?
-- Không còn gì nhiều. Tôi kiểm tra thì biết hắn không có bà con cật ruột còn sống.
-- Nghe Charlie đến đấy. Tôi không ngờ hắn bị thế.
-- Nhưng dù sao tôi cũng yêu cầu ông đến lục soát nhà hắn xem sao, nếu ông giúp được, để xem thử có gì trong ấy không. Giúp nhân viên của tôi nhẹ bớt công việc. Tôi sẽ phái nhân viên đến đấy.
-- Đương nhiên là được. Tôi sẽ đến xem. Còn xe của hắn là xe gì?
-- Không có xe gì hết. Có lẽ sáng mai xin mời ông xuống đây, xem hiện trường và cho ít ý kiến về vụ này, được không? Tôi có cảm giác nếu có sự giúp đỡ của ông, thế nào chúng ta cũng có câu trả lời thích đáng, sẽ phát hiện ra được vụ việc. Nhân tiện để ông biết kết quả của việc xét nghiệm tử thi vào chiều mai luôn.
-- Được rồi, - Banks đáp. - Bây giờ tôi sẽ đi khám xét quanh chỗ ở của Charlie, rồi sau đó tổ chức điều tra lục soát cho đầy đủ hơn. Nếu hắn chết rồi, tôi khỏi lo về việc tống đạt trát bắt. Sáng mai tôi sẽ lái xe xuống đó.
Banks lắng nghe Collaton hướng dẫn đến trạm cảnh sát ở Market Harborough. Máy vừa cúp, ông liền đi vào văn phòng chính của Phân đội điều tra tội phạm. Từ khi tổ chức lại cơ cấu, văn phòng có ba sĩ quan thám tử mới và hứa hẹn sẽ có thêm ba người nữa. Sĩ quan thám tử Gavin Ricker là một thanh niên thường mặc áo khoác có mũ trùm đầu nên rất khó nhận diện. Banks nghĩ chắc anh ta đã được huấn luyện công việc điều tra rất kỹ. Kevin Templeton có trực giác nhạy bén hơn, là loại người đa năng, rất hòa nhã với mọi người, nhất là với người trẻ.
Nhân viên thứ ba là sĩ quan thám tử Winsome Jackman, cô ta từ một ngôi làng ở vùng núi Cocpit đến, vùng núi cao trên vịnh Montego, Jamaica. Nguyên nhân nào khiến cô ta rời quê hương để đến vùng Bắc Yorkshire với thời tiết bất định trong mùa hè và khắc nghiệt trong mùa đông này, thì Banks không làm sao hiểu nổi. Nhưng xét về mặt thực tiễn thì ông nghĩ rằng một làng trên vùng núi cao ở Jamaica có lẽ không phải là nơi thích hợp cho một thiếu nữ thông minh xinh đẹp như Winsome làm nên sự việc.
Còn có lý do tại sao cô không đi làm người mẫu thay vì tham gia lực lượng cảnh sát, Banks cũng mù tịt luôn. Cô ta có vóc dáng để làm cảnh sát, khuôn mặt mang nét hậu duệ của bộ tộc Maroon với xương gò má cao và nước da đen bóng như gỗ mun. Có lẽ cô ta dư sức địch nổi với người mẫu da đen Naomi Campbell để làm giàu, và theo những gì Banks đọc thấy trong báo chí viết về siêu người mẫu, thì Winsome đủ sức để làm người mẫu. Một vài bạn đồng nghiệp gọi cô là "Để sổng mồi" vì có lần, khi mặc đồng phục cảnh sát, cô rượt bắt một tên cướp giật trong một trung tâm thương mại, cô đã để cho nó vùng thoát khỏi tay cô và chạy trốn. Cô làm thế cũng vì do bản tính cô tốt mà thôi. Khi bạn là người phụ nữ da đen duy nhất trong phân đội thì chắc bạn cũng phải thế thôi.
Khi Banks đi vào văn phòng, hóa ra mọi người trong văn phòng đã đi đâu hết, chỉ còn lại hai người, đó là Kevin Templeton và Annie, cô ta ngước mắt lên khỏi máy vi tính và nhìn ông.
-- Chào buổi chiều, - cô nói, miệng cười tươi. Annie có nụ cười rất đặc biệt. Nhếch cao mép bên phải nơi có cái nốt ruồi nhỏ tiếp theo là đôi mắt hình trái hạnh đào vụt sáng lên, rất hấp dẫn. Banks cảm thấy lòng xao xuyến. Lạy Chúa, ông hy vọng họ làm chung việc với nhau không có gì quá khó khăn.
-- Đề nghị cô đến điều tra một thằng côn đồ ở địa phương có tên Charlie Courage, - ông nói. Rồi bỗng ông nói thêm như vừa nảy ra một ý trong óc: Ngày mai đi Market Harrborough được chứ? - Ông nín thở sau khi vừa thốt ra những lời trên, như muốn rút lui câu vừa nói.
-- Sao lại không? - Cô đáp sau một phút ngần ngừ - Một chuyến đi nghỉ giải lao tuyệt vời.
-- Có nhiều việc cần làm không?
-- Có việc gì mà các bạn ở đây không làm được đâu.
Kevin Templeton từ trong góc phòng lên tiếng càu nhàu nói:
-- Được rồi. Tôi sẽ làm thay cô ở đây lúc 9 giờ.
Về lại văn phòng của mình, Banks hy vọng Annie sẽ làm việc tốt. Ông thích làm việc với các nữ thám tử, ông vẫn còn nhớ người sĩ quan thám tử nữ, cô Susan Gay, ông nhớ cô ta có tính không kiên định và nóng nảy. Trước đây, khi làm việc với Annie, ông đánh giá rất cao tài phán đoán của cô và khả năng phối hợp sự lý luận và trực giác vào lối suy đoán rất độc đáo của mình. Ông cũng rất thích đụng chạm cô, thích nụ cười cởi mở của cô, nhưng đây là vấn đề khác, một vấn đề mà ông không thể để mình quá chú tâm đến. Có phải không?
Ông rời khỏi văn phòng với tâm trạng phấn khởi. Bây giờ ông Riddle đã giữ đúng lời hứa rồi, cuối cùng Banks đã có cơ hội để thi thố tài năng. Dĩ nhiên người gọi ông chính là Thanh tra cảnh sát Collaton, nhưng Collaton gọi để yêu cầu ông giúp điều tra tội phạm, việc này khiến cho Banks nghĩ rằng anh ta không muốn mất quá nhiều thì giờ đi xa để tìm ra nguồn gốc của kẻ phạm tội ở vùng Yorkshire buồn tẻ này, nhất là lễ Giáng sinh đang đến gần. Tốt, thế là tuyệt cho mình, Banks nghĩ. Hợp tác giữa các lực lượng cảnh sát với nhau. Anh ta mất thì Banks được.
°

*

Khi Banks dừng xe sau một chiếc xe Metro màu xanh đậu trước ngôi nhà trông xuềnh xoàng của Charlie Courage thì trời đã quá 5 giờ. Cutpurse Lane là một khu chật chội gồm nhà cửa nối đuôi nhau nằm phía sau trung tâm thương mại. Nhà cửa phần lớn xây cất từ thế kỷ 18, những ngôi nhà tồi tàn có phòng vệ sinh phía sau và không có vườn phía trước. Trong thời gian nổi lên cơn sốt đi tìm "đồ nữ trang" cách đây mấy năm, một số những cặp vợ chồng trẻ đến mua nhà ở Cutpurse Lane rồi lắp đặt phòng tắm và ráp cửa sổ lồi trên mái.
Theo chỗ Banks biết thì Charlie Courage đã ở tại đây nhiều năm rồi. Mặc dù Charlie đã làm ra tiền một cách phi pháp, nhưng hắn đã không dùng tiền để cải thiện điều kiện sống. Đây là một căn bệnh mà Banks đã thấy ở nhiều tên lưu manh có lợi tức còn nhiều hơn cả Charlie nữa. Thậm chí ông còn biết tên một tội phạm nổi tiếng mà hàng năm hắn có thể kiếm được những số tiền kếch xù một cách dễ dàng, thế mà hắn chỉ sống trên mức nghèo khổ một chút của đám dân nghèo ở East End. Ông tự hỏi không biết chúng đã dùng số tiền trộm cắp kia để làm gì, ngoại trừ chỉ tiêu vào thói quen dùng ma túy. Phải chăng chúng đã cho các cơ quan từ thiện? Phải chăng chúng dùng để mua cho cha mẹ chúng những ngôi nhà đẹp đẽ như họ đã mơ ước? Người ta có những thứ dành ưu tiên rất kỳ lạ. Thế nhưng, Charlie Courage không nghiện ma túy, không cho các cơ quan từ thiện, và cũng không có bà con cật ruột còn sống. Thật là bí mật.
Thoạt tiên, Banks gõ cửa nhà một người hàng xóm, một người đàn ông thấp mập ra mở cửa, ông ta mặc chiếc áo thun nhàu nhò cổ hình chữ V, ông ta nhìn với thái độ dữ dằn giống như Hitler, giống cả bộ râu mép nhỏ và ánh mắt điên dại. Ông ta đứng ở ngưỡng cửa, Banks nghe có tiếng máy truyền hình phát ra từ phía sau lưng ông ta.
Banks chìa thẻ cảnh sát cho ông ta thấy. Người đàn ông nói:
-- Tôi là Knightley. Kenneth Knightley. Mời ông vào kẻo đứng ngoài trời mưa. - Banks đi vào theo lời mời của ông ta. Mưa phùn là loại mưa ngấm rất nhanh qua áo mưa vào da thịt và lạnh thấu xương.
Banks theo ông ta vào trong phòng khách nhỏ, sạch sẽ, có giấy dán tường trang trí hoa hồng và hai bức tranh vẽ cảnh địa phương lồng khung treo trên bệ lò sưởi lót gạch men. Banks nhận ra một bức vẽ cảnh Thác Gratly Falls, phần nằm ngay phía ngoài ngôi nhà của ông, và một bức vẽ bằng màu nước với bút pháp phóng túng, cảnh điêu tàn của tu viện Devraulx, về phía Lyndgarth. Lửa trong lò cháy phần phật, làm cho căn phòng quá nóng, rất hợp với sở thích của Banks. Ông cảm thấy mùi hơi nước đang bốc lên từ chiếc áo mưa của mình.
-- Tôi muốn hỏi về người hàng xóm của ông, Charles Courage, - ông nói. - Lần ông gặp anh ta mới đây nhất là khi nào?
-- Tôi không tiếp xúc nhiều với anh ta, - Knightley đáp - chỉ chào anh ta thôi. Anh ta rất kín đáo, và xin thú thật với ông, từ ngày Edie mất, tôi không hề giao tiếp bạn bè. - Ông ta cười. - Tuy nhiên, Edie không ưa anh ta. Bà ấy cho rằng anh ta là người bất chính. Mà tại sao? Chuyện gì xảy ra thế?
-- Tôi nghe Courage chết rồi. Nghe đâu anh ta bị giết chết.
Knightley tái mặt.
-- Bị giết? Ở đâu? Không...
-- Không, không phải chết ở nhà. Chết ở một chỗ xa đây. Tận miệt Leicester.
-- Leicester à? Nhưng anh ta không bao giờ đi đâu hết kia mà. Có một lần tôi nói chuyện với anh ta, tôi nhớ anh ta có nói không bao giờ anh ta đi Torremolios hay Alicante để nghỉ lễ. Yorkshire là đủ cho anh ta rồi. Charlie không thích xứ lạ hay người ngoại quốc, và nơi xa nhất anh ta đến là Ripon.
Banks cười.
-- Tôi đã gặp ít người như thế. Nhưng không biết sao bây giờ anh ta lại đến Leicester. Và chết ở đấy.
-- Vậy thì có lẽ có ai đấy đã giết anh ta rồi. Đến tận Lescester. - Knightley ngừng lại, đưa tay vuốt lông mày. - Xin lỗi, chúng ta không nên xem nhẹ việc này. Dù sao thì cũng là chuyện người chết. Nhưng chắc tôi không giúp gì cho ông được.
-- Ông đã nói ông gặp anh ta lần cuối cách đây hai hôm. Ông nói có chính xác không?
-- Để xem nào. Lúc ấy là vào xế trưa ngày chủ nhật. Chắc là đúng thế, vì lúc ấy tôi mới từ vùng Cây Sồi về. Vào chủ nhật tôi thường đến đấy vào giờ ăn trưa để chơi đômino.
-- Lúc ấy là mấy giờ?
-- Vào lúc hai giờ. Tôi không làm gì được với giờ giấc mới bây giờ, lúc nào cũng ồn ào náo nhiệt cả ngày. Tôi tuân thủ theo giờ giấc cũ thôi.
-- Trông anh ta như thế nào?
-- Như mọi khi: rất quỷ quyệt, gian xảo. Chỉ nói "chào" rồi hết.
-- Gian xảo à?
-- Hắn luôn có vẻ gian xảo. Như thể hắn vừa mới làm cái gì phi pháp xong và không biết hắn đã đem thứ gì phi pháp ấy đi đâu nữa.
-- Tôi hiểu ý ông rồi, - Banks nói. Charlie Courage thường làm điều phi pháp. - Cho nên không có gì lạ lùng, khác thường về tác phong đạo đức của hắn hết.
-- Đúng thế, không có gì lạ lùng.
-- Hắn ở một mình phải không?
-- Tôi thấy thế.
-- Đến hay đi?
-- Ông nói sao?
-- Ông thấy hắn về nhà hay đi?
-- Ông nói sao?
-- Ông thấy hắn về nhà hay đi?
-- Ồ tôi hiểu rồi, hắn ra đi.
-- Đi xe hơi à?
-- Phải rồi. Hắn có chiếc xe Metro màu xanh. Thông thường thì... khoan đã... - Knightley đứng dậy, đi đến màn cửa, ông ta kéo màn hở ra một tí rồi chỉ ra ngoài, nói: -- Đấy, xe anh ta đấy, đậu ở ngoài trời đó.
Banks đã thấy chiếc xe đậu trước nhà hắn, ông đã nghĩ đấy là xe của hắn ta.
-- Không. Tôi rất tiếc là tôi không thể giúp được gì nhiều. Như tôi đã nói, không có gì bất thường hết. Hắn đi làm việc, rồi về nhà. Lặng lẽ như một con chuột.
-- Làm việc à? Charlie đi làm việc à?
-- Ồ, phải. Ông không biết sao? Anh ta làm gác đêm ở trung tâm thương mại mới phía đường Ripon. Tôi nghe trung tâm này có tên là Daleview.
-- Tôi biết trung tâm này.
Trung tâm thương mại. Lại thêm một chi tiết nữa vào danh sách dài ghi những chuyện tréo cẳng ngỗng, cùng với tin tình báo quân đội. Dù sao thì đây cũng là một tin hấp dẫn: Charlie Courage có việc làm. Làm gác đêm, tuyệt đấy chứ. Banks phân vân không biết người chủ thuê hắn có biết rõ tiền sử của hắn không. Thật đáng lưu tâm đến chi tiết này.
-- Ông còn chi tiết gì nữa để giúp tôi không. Ông Knightley?
-- Chắc không còn gì nữa. Và cũng chả cần nói Bà Ford ở bên kia đường làm gì. Bà ấy điếc đặc cán mai.
-- Không biết ông có chìa khóa nhà Courage không?
-- Chìa khóa à? Không. Như tôi đã nói, chúng tôi không bao giờ tiếp xúc ngoài việc chào hỏi xã giao.
Banks đứng dậy.
-- Tôi đi xem quanh nhà một lát. Nếu không có khóa, chắc tôi phải phá cửa để vào, cho nên nếu ông nghe có tiếng động ở cửa nhà bên cạnh, ông chớ lo.
Knightley gật đầu.
-- Được rồi. Được, ông cứ tự nhiên. Charlie Courage. Bị giết chết. Thật kinh khủng, ai giết hắn nhỉ?
Banks đi quanh ra phía sau dãy nhà để xem thử có lối nào vào nhà Charlie không. Một con đường cao và cổng nhà bằng gỗ. Vài bức tường có gắn kính vỡ ở trên mặt tường, và có vài cánh cổng bị long lề. Banks tháo chốt cổng nhà Charlie, đẩy cổng ra. Cánh cổng bị trầy nhiều nơi, nước sơn màu lục đã phai và một bản lề rỉ sét bị gãy, khiến khi mở cửa, cánh cổng cà mạnh trên đá lát. Sân sau không rộng, phần lớn bị nước dơ đọng lại trên mặt sân, và nước bùn ngập vào giày ông. Theo thói quen, trước hết ông vặn nắm cửa.
Cánh cửa mở ra.
Lúc Banks đi vào bên trong ngôi nhà tối tăm, ông nghĩ trước khi bị bắt đi có lẽ Charlie không có thì giờ khóa cửa. Ông tìm ra nút đèn trên tường ở bên phải, ông bật đèn lên. Ông đang ở trong nhà bếp. Không có gì ngoài một chồng dĩa dơ chưa rửa. Chắc bây giờ không ai rửa chúng nữa.
Ông vào phòng khách, căn phòng nhỏ hẹp và không thấy có dấu vết gì khả nghi ngoài cái máy truyền hình có vẻ còn mới và bộ máy hát DVD, lương một người gác đêm không làm sao mua nổi những thứ như thế này. Banks đã từng nghĩ Charlie làm ra tiền nhiều. Ông lên lầu.
Có hai phòng ngủ nhỏ, một phòng tắm với bồn tắm dơ bẩn và phòng WC nhỏ xíu với tờ tạp chí khiêu dâm Playboy trên nền nhà và tập The Carpetbaggers (Người ứng cử ngoài địa hạt) của Harold Robbins để trên cuộn giấy vệ sinh. Một phòng ngủ trống, không ngoại trừ vài thùng giấy chứa đầy tạp chí - hầu hết là tạp chí khiêu dâm sơ sơ - và sách bìa mỏng đã cũ. Còn phòng ngủ kia, phòng của Charlie, cho thấy giường chưa làm lại ngay ngắn, trên giường có một ít áo quần.
Ở tầng dưới, Banks tìm thấy trong một hộc tủ đựng các thứ quan trọng. Giấy chủ quyền ngôi nhà, bằng lái xe của Charlie, một tập ngân phiếu, và một cuốn sổ gởi tiền ngân hàng cho thấy Charlie trong tháng vừa qua đã gởi ngân hàng 5 lần, mỗi lần 200 bảng Anh, ngoài ra, bên cạnh số giấy tờ này, còn có các giấy tờ như là chi phiếu hàng ngày của hắn. Một ngàn bảng Anh. Hấp dẫn đấy chứ, Banks nghĩ. Ít ra việc này cũng giải thích được tại sao hắn có TV mới và máy DVD. Con quỷ lưu manh này làm gì có nhiều tiền như thế này? Và phải chăng vì thế mà hắn bị giết?
°

*

Sáng thứ Tư trời cũng mờ mịt buồn thảm như sáng thứ Ba. Khi Banks lái xe vào Eastvale, trời vẫn còn tối, ông uống cà phê đen nóng nơi cái ly được sáng chế đặc biệt để mang đi đường. Khi ông vào văn phòng thì các sĩ quan thanh tra cảnh sát đã có mặt ở đây rồi, chỉ có mình Trung sĩ thám tử Hatchley là có vẻ rầu rĩ vì không được tham dự chuyến đi đến Leicester. Hay có lẽ anh ta ghen với Annie, vì Banks đang cố cho cô ta đi theo. Anh ta nhìn Banks với ánh mắt gay gắt, thất vọng của một thuộc cấp bị lép vế, một trung sĩ quèn thì làm gì được? Giá mà ông thông cảm cho anh.
Khi tất cả mọi người ra bãi đậu xe, Annie hỏi Banks:
-- Chắc anh lái xe chứ?
Thêm một điểm nữa khiến cho Banks đánh giá cao Annie: cô ta có trí nhớ rất nhạy bén. Chuyện một chánh thanh tra cảnh sát mà lái xe là chuyện bất thường. Với địa vị này, Banks có quyền có tài xế riêng, nhưng ông lại thích tự lái xe, ngay cả những lúc thời tiết xấu như thế này. Ông thích được tự mình lái xe. Mỗi lần ông để cho ai lái xe, bất kể là người tài xế giỏi đến đâu, ông vẫn cảm thấy bất ổn, và chỉ một lầm lỗi nhỏ thôi cũng đủ làm cho ông nổi giận, thường muốn đạp chân vào bàn cài số hay bàn thắng. Ông chỉ muốn tự mình lái xe để được thoải mái hơn. Annie biết thế và không muốn quấy rầy sở thích của ông.
Vừa khi cho xe chạy là Banks chuồi cuốn băng nhạc của Mozart vào máy hát.
-- Chà, hay quá - Annie nói, - tôi rất thích nhạc Mozart. - Rồi cô ngồi ngã người ra ghế, im lặng. Đây là một điểm khác nữa Banks thấy thích cô, vì thái độ của cô có vẻ tự tại, hướng nội, thái độ thong dong, bình tĩnh trước mọi tình huống khó khăn. Ông phải mất một lát mới quen được thái độ thiếu kính trọng cấp trên của cô, nhất là đối với ông, cũng như quen với cách phục sức phóng túng của cô, cách phục sức cô học được từ nhóm nghệ sĩ râu ria xồm xoàm như ông bố họa sĩ của cô, ông Ray Cabbot. Hôm nay cô mang đôi giày cao cổ khum khum màu đỏ cao quá mắt cá chân, mặc quần jean đen và chiếc áo len hiệu Fair Isle, dưới chiếc áo khoác bằng da lộn rộng thùng thình. Annie còn bảo thủ chán.
Khi xe đã nhập vào dòng xe cộ trên đường A1, Banks hỏi:
-- Tại sao cô thích làm việc ở Eastvale?
-- Khó nói quá. Tôi thấy không thích làm việc văn phòng.
-- Đường đi như thế nào?
-- Mất khoảng 45 phút. Không lâu. - Cô liếc nhìn ông. - Quãng bằng ông vậy thôi, tôi nhớ thế.
-- Đúng. Cô có tính chuyện bán ngôi nhà ở Harkside không?
-- Có nghĩ tới, nhưng bây giờ chưa tính đến chuyện ấy. Đợi xem sao đã.
Banks nhớ ngôi nhà nhỏ chật chội của Annie nằm giữa một khu vực gồm nhiều con đường hẹp quanh co khúc khuỷu ở thị trấn Harkside. Ông nhớ chuyến đến thăm cô lần đầu tiên khi cô bốc đồng mời ông về nhà ăn tối, rồi nấu một bữa ăn chay, trong khi họ uống rượu vang vừa nghe Emmylou Harris hát. Ông nhớ sau khi ăn xong, họ ra sân sau đứng hút thuốc, ông quàng tay ôm vai cô, đụng sợi dây nịt vú nhỏ xíu. Ông còn nhớ mặc dù có dấu hiệu đáng lo, nhưng ông cũng đã hôn lên hình xăm đóa hồng nhỏ ngay trên vú cô, nhớ hai thân hình của họ nhễ nhại mồ hôi, mệt mỏi, nhớ tiếng động lạ lùng ngoài đường báo hiệu trời sắp sáng.
Ông cho xe chạy theo đường đi A1, cho đến M1. Những chiếc xe tải chở hàng làm văng nước lần đầu lên tấm kính chắn gió xe ông liên miên, khiến cho cái gạt nước làm việc không kịp; có nhiều nơi phải chạy chậm lại mất thì giờ, vì có bảng báo đường đang sửa chữa mặc dù không có ai làm việc hết; một thằng điên lái chiếc BMW màu đỏ chiếu đèn pha chỉ cách sau đuôi xe của Banks mấy tấc, rồi khi ông chạy qua lằn khác để tránh đường cho hắn, hắn liền cho xe vọt lên nhanh như tên bắn!
-- Cô đã tìm ra được gì về Charlie chưa? - Ông hỏi Annie khi xe đã chạy ngon trớn.
Annie đang nhắm mắt. Cô không mở mắt mà đáp:
-- Không có gì nhiều. Có lẽ không nhiều hơn những gì anh đã biết.
-- Dù sao cô cũng cứ nói cho tôi biết.
-- Hắn sinh tháng Hai năm 1946 với tên Charles Douglas Courage...
-- Cô khỏi cần tiểu sử xa xôi làm gì.
-- Tôi thấy làm thế rất có ích. Vì hắn ta thuộc lớp thế hệ ra đời ngay sau khi chiến tranh chấm dứt, khi đám đàn ông về nhà trở nên dâm đãng và tiếp tục cuộc sống. Năm 1956 hắn được 10 tuổi, có lẽ còn trẻ quá so với Elvis, nhưng 1966 thì hắn đã 20 tuổi và có lẽ lúc này hắn sẵn sàng lao đầu vào tình dục, vào ma túy và vào nhạc kích động mà thanh niên rất ưa thích. Có thể chính vào giai đoạn này mà hắn bắt đầu gây trọng tội.
Banks đánh liều quay mắt ra khỏi mặt đường để nhìn cô. Cô vẫn nhắm mắt, nhưng miệng hơi mỉm cười. Ông nói:
-- Charlie không dùng ma túy.
-- Vậy thì có lẽ hắn say mê nhạc kích động. Hắn bị bắt lần đầu tiên về tội tiêu thụ hàng ăn cắp vào tháng Tám năm 1968 - nghĩa là băng ghi âm dài hơi. Nói chính xác là cuốn Sergeant Pepper's Lonely Hearts Club Band (Nhóm Câu lạc bộ những tâm hồn cô độc của Trung sĩ Pepper), bị mất trộm ngay từ phòng sản xuất ở ngoài Manchester.
-- Charlie của chúng ta là người yêu nhạc, - ông nói. - Nói tiếp đi.
-- Sau đó là tiếp theo một chuỗi hành động phạm pháp nhỏ - ăn cắp trong cửa hàng, bợ một máy hát trong xe hơi - rồi vào năm 1988, hắn bị bắt vì tội ăn trộm gia súc. Nói chính xác là 17 con cừu trong một nông trại ở ngoài thị trấn Relton. Ở tù 18 tháng.
-- Vậy kết luận sao?
-- Hắn là một tên trộm. Hắn ăn cắp đủ thứ, kể cả thú vật bốn chân.
-- Rồi từ ấy đến giờ?
-- Hắn tỏ ra đã hoàn lương. Giúp cảnh sát ở Eastvale tìm ra trường hợp một số phạm pháp, hầu hết số tội phạm nhỏ mà trước đây hắn đã từng hợp tác.
-- Có danh sách không?
-- Sĩ quan thám tử Templeton đang lập danh sách.
-- Tốt, Banks nói. - Tiếp theo như thế nào?
-- Hắn làm một số công việc kỳ lạ, nhất là mới đây hắn làm nhân viên gác đêm cho Trung tâm thương mại Daleview. Hắn làm việc ở đấy từ tháng Chín.
-- Hừ. Trung tâm này là cơ sở làm ăn nghiêm túc ở Daleview, - Banks nói. Tôi nghĩ một trong hai chúng ta ngày mai phải đến thăm đấy mới được. Còn gì nữa không?
-- Có chuyện lạ này nữa. Hắn sống độc thân. Không lấy vợ. Cha mẹ đã chết. Không có anh chị em. Cũng kỳ lạ, phải không?
-- Lạ cái gì?
Annie trở người trên chỗ ngồi để nhìn ông.
-- Một kẻ lưu manh thứ yếu như Charlie Courage mà lại bị giết tại một nơi xa nhà như thế?
-- Chúng ta chưa biết hắn bị giết ở đâu hết.
-- Cứ suy nghĩ cho hợp lý thì thấy. Người ta không thể bắn vào ngực hắn bằng súng ngắn rồi mang hắn đi ba tiếng đồng hồ, máu chảy đầy xe, phải không?
-- Lại còn có thể gây ra nhiều chuyện lộn xộn nữa chứ. Theo tôi nghĩ thì có thể Charlie được chở đi xa.
-- Chở đi xa à?
Banks nhìn cô. Cô có vẻ bối rối. Ông hỏi:
-- Cô chưa bao giờ nghe chuyện chở xe đi xa à?
Annie lắc đầu.
-- Chưa hề.
-- Đợi một chút... - Một chiếc xe tải chuyển hàng ở địa phương chạy chậm lại trước mặt họ làm bắn nước lên kính chắn gió ào ào khiến cặp càng không quạt kịp. Banks cẩn thận cho xe sang lằn ranh khác và qua mặt chiếc xe tải. Khi đã thấy rõ đường lại, ông nói:
-- Chở xe đi xa là như thế này. Giả sử cô bắt được một đứa gian lận - hắn lục tủ lấy tiền hay là tiết lộ bí mật của nhóm - và hắn bị buộc phải đi chỗ khác với cô, đúng không?
-- Đúng.
-- Chắc chắn có một số điều kiện để lựa chọn, cho phù hợp với nội quy của chúng. Điều hắn chọn là để cho chúng chở đi xa. Chở xe đi xa. Việc này có hai chức năng. Thứ nhất là chúng sẽ đánh lạc hướng cảnh sát địa phương bằng cách mang tên tội phạm đi xa khỏi chỗ đã xảy ra việc phi pháp. Hiểu chưa?
-- Còn chức năng thứ hai? Để tôi đoán thử nhé.
-- Đoán đi.
-- Để làm cho thằng vi phạm sợ đến són ra quần.
-- Đúng. Cứ cho là hắn bị chở xe từ Eastvale đến Market Harborough. Chắc cô biết chuyện gì sẽ xảy ra vào cuối chuyến đi rồi. Chúng làm cho hắn biết chắc chuyện gì sẽ xảy ra, nghĩa là sẽ không có chuyện giảm án tử hình, cho nên hắn chỉ có ba giờ hay gần như thế để hưởng thụ cuộc sống trước khi chết. Cảnh hắn chờ đợi chấm dứt cuộc sống thật đau đớn và tàn bạo.
-- Bọn khốn nạn tàn ác.
-- Đúng là một thế giới bạo tàn, - Banks nói. - Dù sao thì đây cũng là biện pháp để chúng ngăn ngừa bọn trộm cướp khác hay bọn mách lẻo. Và cô nhớ cho là ở đây chúng ta không đương đầu với bọn đầu sỏ. Tên tội phạm ở đây chỉ là một tên vô lại tép riu đã sai phạm lệnh của thằng vô lại đầu sỏ.
-- Charlie Courage, tên vô lại tép riu. Hắn là đầu dây mối dợ.
-- Đúng thế.
-- Ước gì hắn đã hoàn lương, và ở Eastvale không có thằng đầu sỏ tội phạm nào hết.
-- Có lẽ hắn không hoàn lương như chúng ta tránh không theo dõi hắn mà thôi. Và chắc bọn hắn không phải là bọn có tổ chức to lớn. Tôi muốn nói chúng không so được với bọn Maphia hay bọn tội phạm quốc tế. Có nhiều thằng vô lại cứ cho cuộc đời là bèo bọt. Có lẽ Charlie đã chơi xấu một đứa trong bọn chúng. Cô cứ nghĩ mà xem. Charlie làm gác đêm. Nó có tiền bỏ vào ngân hàng đến hàng ngàn bảng Anh - hơn tiền lương của hắn rất nhiều - nội trong tháng vừa rồi. Điều này chắc chắn làm cho cô suy nghĩ chứ, Annie?
-- Chắc hắn bán thông tin, tống tiền ai đó hay là được trả tiền để làm ngơ trước các hành vi phạm pháp.
-- Đúng. Và chắc hắn đã đi ra ngoài quỷ đạo của phe nhóm hắn. Có lẽ ngày mai chúng ta nói chuyện với ông giám đốc ở đấy xong, chúng ta sẽ biết thêm nhiều điều rõ ràng hơn. Bây giờ gần đến rồi đấy.
Banks vượt xe qua khỏi Leicester hướng về phía Market Harborough, khoảng 13 dặm về phía Nam. Khi họ đến phố chính ở đấy, thì trời vừa trưa, và Banks phải mất 10 phút mới tìm ra trạm cảnh sát.
Trước khi xuống xe, Banks quay qua Annie.
-- Cô có đồng ý không? - Ông hỏi.
-- Anh muốn nói gì?
-- Chắc cô biết tôi muốn nói gì rồi. Này nhé. Đồng ý cùng làm việc với nhau.
Cô nhìn ông cười rạng rỡ.
-- Được rồi, hình như chúng ta đã đồng ý làm việc với nhau từ lâu rồi kia mà, phải không? - Cô đáp rồi bước xuống xe.
°

*

Thanh tra Collaton người to lớn và tóc hoa râm thưa thớt, mặt đỏ, có dáng dấp chậm chạp quê mùa. Chỉ còn khoảng một năm nữa là ông về hưu, Banks đoán thế. Thảo nào mà ông ta không muốn nhận lãnh trách nhiệm điều tra một vụ sát nhân. Ông ta nhìn đồng hồ rồi nói:
-- Hai người đã ăn uống gì chưa?
Họ lắc đầu.
Ông ta lấy chiếc áo mưa trên giá ở trong góc phòng.
-- Tôi biết chỗ này ăn được lắm.
Họ theo ông ta vào một quán ăn nhỏ cách đấy hai khu phố. Nhiều người ở đây đều biết Collaton, họ cười chào ông niềm nở. Ông dẫn hai người đến bộ bàn ở trong góc phòng cho được kín đáo, rồi gọi xuất rượu đầu tiên. Annie yêu cầu nước cà chua, nhưng Banks biết cô thích uống bia. Ông gọi một chai bia loại địa phương thật nặng. Lửa trong lò sưởi cháy phừng phừng, trên tường và trần nhà trang hoàng những tràng hoa đón Giáng sinh. Ngoài tiếng nói chuyện rì rầm ở quầy rượu ra, nhà hàng yên tĩnh, Banks thích không khí trong quán như những quán rượu ông thường lui tới, những quán như thế này bây giờ rất hiếm. Thói quen của Annie khi vào trong quán rượu là ngồi yên trên ghế cứng, duỗi hai chân ra và tréo nhau ở mắt cá. Thanh tra Collaton nhướng mày nhìn đôi giày cao cổ khum khum màu đỏ của cô, nhưng ông ta không nói gì hết.
Sau khi Banks đã gọi bánh nhân thịt rừng, theo lời giới thiệu của Collaton, và Annie, vì ăn chay, đã gọi bữa ăn thảo mộc, ông đốt điếu thuốc đầu tiên trong ngày.
Uống hớp rượu đầu tiên xong, Collaton nói:
-- Ở đây chúng tôi ít gặp những vụ giết người.
Banks không ngạc nhiên. Theo chỗ nhận xét của ông thì ông nghĩ Market Harborough nhỏ hơn Eastvale rất nhiều - có lẽ có khoảng 17 hay 18 ngàn người thôi - và Charlie Courage là nạn nhân của vụ giết người đầu tiên ở Eastvale từ hơn cả năm nay. Ngoài tháng 12, không có tháng nào có. Ông hỏi:
-- Ông có biết tại sao chúng chọn khu vực của ông không?
Collaton lắc đầu.
-- Không. Con đường M1 rất thuận tiện, nhưng chuyện xảy ra nằm xa ngoài con đường đất. Không biết có phải chúng đem hắn đi đâu đó, và hắn gây ra rắc rối.
-- Có nhân chứng nào không?
-- Không ai thấy và nghe gì hết. Chuyện xảy ra ngoài khu vực Husbands Bosworth, đường ra xa lộ và vào lúc này trong năm, ở vùng ấy không có ai hết. Chỉ vào mùa hè, mùa du lịch, mới có người.
Banks gật đầu. Giống như Eastvale thôi. Ông hỏi:
-- Có bằng chứng gì cụ thể không?
-- Có vết bánh xe. Chỉ có thế.
-- Trên người hắn có gì đáng chú ý hay có gì bất thường không?
-- Bình thường thôi. Ngoại trừ cái ví bí mật.
-- Tôi không tin nguyên nhân là cướp của, - Banks trầm ngâm nói. - Có thể ở Luân Đôn có dân cướp giật dùng súng ngắn để bắn người cướp của, nhưng không thể có con đường bùn lầy ở vùng trung nguyên được.
-- Tôi cũng nghĩ thế, - Collaton nói. - Tôi nghĩ có lẽ bọn tội phạm thanh toán hắn để giữ bí mật. Có lẽ chúng không biết hắn có hồ sơ lý lịch xấu và nhờ đó chúng ta sẽ phanh phui ra.
-- Có thể như thế.
-- Vừa qua có gì khả nghi không?
-- Chúng tôi chưa biết, - Banks đáp. - Có tin nói hắn đã hoàn lương. Hắn làm gác đêm. Chúng tôi biết trong tháng qua, hắn gởi vào ngân hàng năm lần, mỗi lần hai trăm bảng, cho nên tôi không tin hắn làm ra đồng tiền lương thiện.
Thức ăn đến. Collaton nói đúng về món bánh nhân thịt thú rừng. Annie thưởng thức phó mát và hành dầm dấm. Khi Collaton thấy không ai để ý, ông ta liếc nhìn Annie. Thoạt tiên Banks nghĩ chắc ông ta chỉ ngạc nhiên khi thấy cô, như nhiều người thường thế, nhưng rồi ông nhận ra lão già dê này mê cô. Mà tuổi lão bằng tuổi của cha cô.
Bỗng nhiên Banks cảm thấy hết sức kinh ngạc trước cảnh tượng này cũng như hồi ức về Emily Riddle trong phòng khách sạn của ông gây nên. Ông không ngạc nhiên lắm khi thấy cơ thể trần truồng truống muốt mềm mại của cô, không ngạc nhiên khi thấy hình xăm con nhện hay là cơ thể cô áp sát vào người ông cũng như vì cái áo dạ hội bị rách, vì sự sợ hãi, vì vệt máu bên môi, và vì Barry Clough. Nhưng ông kinh ngạc ở chỗ tại sao ông không theo dõi vụ này tới cùng? Sáng hôm sau, khi phố xá đã mở cửa, ông chỉ ra phố Oxford mua cho cô bộ áo quần rộng thể thao, vì ông không có tài mua sắm áo quần phụ nữ, nên việc mua áo quần rộng là dễ nhất. Mặc dù ông đã hỏi cô về đêm hôm trước, nhưng cô không cho biết gì hết, chỉ giữ im lặng suốt trên đường về nhà. Không biết cô có nhớ làm thế nào mà cô vào phòng khách sạn của ông được không, và có nhớ cảnh cô dụ dỗ ông một cách vụng về không?
Khi ông lái xe đưa cô từ nhà ga về nhà và giao cô cho cha mẹ cô, cô nhìn ông với ánh mắt thật khó hiểu. Buồn, đúng thế, buồn thật đấy, và có lẽ cũng thất vọng nữa; chán nản, hơi đau đớn, nhưng không phải hoàn toàn thiếu tình thương, ông thấy ánh mắt hiện ra nét công nhận có sự đồng loã giữa hai người, vì họ đã cùng nhau san sẻ cái gì đấy, đã cùng trải qua một chuyến phiêu lưu. Trên đường về, Banks nghĩ không nên nói cho ông Riddle biết những chuyện xảy ra ở đấy. Nếu Emily muốn nói thì cô cứ nói, còn phần ông thì sự mặc cả thế là xong, bây giờ Riddle phải lo cho cô ta.
Thế nhưng, lòng ông vẫn day dứt suốt mấy tuần qua - nhất là chuyện của Clough. Nếu vài ngày sắp tới mà ông có thì giờ, có lẽ ông sẽ bí mật hỏi vài ông bạn già hiện đang làm việc ở trung ương xem thử Clough có hồ sơ cá nhân không, để tìm ra công việc đặc biệt của hắn. Lão Dick Burgess lem nhem chắc có thể biết; ông ta đã làm việc với một trong số những bộ phận tình báo về tội phạm cao cấp trong một thời gian. Nhưng ông Riddle đã yêu cầu Banks giữ bí mật, và thỉnh thoảng, khi bạn đã giữ lời hứa, công việc đang trôi chảy, bạn thường không thể nào chặn lại một cách dễ dàng như bạn mong muốn, và bạn không biết công việc sẽ trôi theo hướng nào nữa. Đấy là vấn đề khó khăn của Banks, vì ông Riddle đã nói với ông rất nhiều lần: ông không biết khi nào thì được để yên một mình.
-- Thưa, ông nghĩ sao?
Banks giật mình tĩnh lại khi cảm thấy cùi tay của Annie thúc mạnh vào sườn của mình. Ông đáp:
-- Xin lỗi. Đi đường xa.
-- Thanh tra Collaton yêu cầu chúng ta đến xem hiện trường sau khi ăn trưa xong.
Banks nhìn Collaton, ánh mắt ông này lộ vẻ lo lắng, không biết lo cho sức khỏe của Banks hay là lo vì ông không chịu chú ý đến công việc.
-- Vâng, - ông đáp, đưa tay đẩy chiếc đĩa hết thức ăn sang một bên. - Vâng, dù sao thì chúng ta cũng phải đến xem chỗ an nghỉ cuối cùng của anh chàng Charlie tội nghiệp cho biết.
°

*

Sau khi đã xem chỗ thi thể của Charlie Courage được phát hiện trên một con đường bùn lầy trong một cánh rừng gần Husbands Bosworth, họ đến xem kết quả khám nghiệm tử thi tại bệnh viện Market Harborough.
Thi thể Courage đã được chụp hình, lấy dấu tay, cân đo và chiếu X quang vào ngày hôm trước. Bây giờ, bác sĩ bệnh lý học của Bộ Nội vụ, Bác sĩ Lindsey, cùng các phụ tá, sẽ làm việc cẩn thận, đúng quy cách thủ tục như họ đã làm nhiều lần rồi. Trước hết, Lindsey quan sát thật kỹ phía ngoài của thi thể, nhất là chú ý đến chỗ trúng đạn.
-- Đây hoàn toàn là vết thương do đạn gây nên, - Ông ta nói. - Loại súng có nòng 12 ly, nhìn vào vết đạn thì thấy. Cự ly khoảng hai hay ba mét. - Ông ta chỉ vào chỗ viên đạn đi vào phía trên quả tim và những lỗ nhỏ li ti quanh đấy do phát đạn gây nên. - Cự ly càng gần, vết đạn càng tròn. Cự ly xa ra, phát đạn gây ra nhiều lỗ nhỏ quanh chỗ viên đạn xuyên vào. Quí vị nhìn đây, có nhiều miếng thịt nhỏ bị văng ra lấp vào vết thương. - Ông lấy ra một miếng nhỏ - Dĩ nhiên phải dựa vào số thịt bị tua ra như thế này để xác định là cự ly không xa. Và xét theo góc độ của vết thương chính thì, hoặc là tên giết người rất cao, hoặc là nạn nhân lúc ấy quỳ dưới đất.
Banks nghĩ giả thuyết của mình cho rằng Charlie đã bị mang đi xa là đúng, và bây giờ ông lại nghĩ tên giết người đã dùng loại súng ngắn có sức tàn phá mạnh. Chiều dài rất nguy hiểm của nòng súng loại này là 24 inch, không kể bộ phận chính của súng và không thằng lưu manh nào dám đi hay lái xe mà mang theo loại súng lớn này.
-- Lại còn các vết bầm tím này nữa, - Bác sĩ Lindsey nói tiếp, vừa chỉ vào khu vực ở bụng của Charlie và ở hai quả thận. - Chắc là hắn đã bị đánh bằng nắm tay hay bằng vật gì cứng trước khi bị giết chết. Bị đánh như thế này. Nếu còn sống hắn cũng đái ra máu một tuần là ít.
-- Có lẽ có đứa muốn hắn khai cho chúng biết điều gì đấy phải không? - Collaton nói.
-- Theo chỗ tôi biết thì anh chỉ cần dí nắm tay vào mặt hắn là hắn khai hết, kể cả ông bà hắn. Chắc chúng muốn hắn khai hết, và tôi cam đoan hắn đã làm theo lời chúng, rồi chúng đánh hắn một trận cho hả giận.
Tiếp theo, bác sĩ Lindsey giải phẫu thi thể, ông rạch theo hình chữ Y. Ông lấy mẫu máu rồi lôi hết nội tạng ra để xem xét, từ thực quản, khí quản, để yên tim, rồi rạch xuống tận bàng quang, lá lách.
Trong khi ông bác sĩ mổ tử thi, Banks nhìn kỹ Annie. Ông không biết trong những lần mổ tử thi còn tươi như thế này thì cô ra sao, chứ lần vừa rồi hai người cùng tham dự là giải phẫu một bộ xương đã được khai quật lên sau 50 năm. Nhưng khi bác sĩ Lindsey mổ toang tử thi ra thì cô hơi tái mặt một chút, và khi ông lôi các cơ quan nội tạng ra như lôi ruột một con sò, thì cô nuốt nước bọt nghe ừng ực và đứng yên lặng.
Cho đến khi lưỡi cưa bắt đầu cưa một phần tư cái sọ ở phía trước Annie mới run run, cô đưa tay bịt lấy miệng, cuống họng phát ra tiếng ục ục, rồi cô chạy vội ra khỏi phòng. Bác sĩ Lindsey trợn tròn mắt và Collaton nhìn Banks, ông chỉ biết nhún vai.
Bác sĩ Lindsey lôi bộ não ra, nhìn kỹ, hắt từ tay này sang tay kia như hắt trái nho, rồi đặt sang một bên để cân và bổ ra.
Ông bác sĩ nói:
-- Tốt, chúng ta phải chờ khi có kết quả xét nghiệm về máu và thịt, lúc ấy ta mới biết nạn nhân có bị đầu độc trước khi bị bắn không. Nhưng theo tôi thì hắn không bị đầu độc. Cứ xét theo máu thì tôi có thể kết luận hắn chết vì phát đạn thôi. Phát đạn làm bể quả tim. Và theo những vết bầm tím trên cơ thể, thì tôi cũng có thể quả quyết là hắn bị giết tại chỗ nơi người ta tìm thấy hắn.
-- Ông có xác định được hắn chết lúc nào không? - Banks hỏi, nhưng ông biết đó là câu hỏi mà tất cả các nhà bệnh lý học đều ghét nhất.
Bác sĩ Lindsey cau mày, lục tìm tong đống giấy tờ ghi chép để trên ghế...
-- Tôi có tính toán sơ sơ ở hiện trường. Dĩ nhiên là chỉ sơ sài thôi. Tôi để đâu đây. Nào, đâu rồi... a, đây rồi. Xác chết khi ấy đã cứng đơ, thời tiết... xét đến thời tiết lạnh và mưa... người ta tìm thấy hắn vào thứ Ba, tức là hôm qua, lúc 4 giờ sáng, tôi ước đoán hắn đã chết trước đó ít ra là 24 giờ, có lẽ lâu hơn nữa.
Người hàng xóm của Charlie đã thấy hắn vào chiều Chủ nhật, vào khoảng 2 giờ chiều, và nếu hắn bị giết vào chiều thứ Hai, và bị bỏ lại ở đấy hơn 24 giờ, 24 giờ cuối cùng của đời hắn, thì việc này không phù hợp rồi. Khi họ về lại Eastvale, Banks chắc phải hỏi lại từng nhà hàng xóm của hắn, để xem thử có ai thấy Charlie sau buổi trưa Chủ nhật hay không, và hỏi xem có ai thấy hắn với người nào không. Hắn không đến con đường gần Husbands Bosworth bằng xe của hắn, và chắc có lẽ hắn không đi bộ tới đấy. Vết bánh xe còn mới mà nhân viên của Collaton đã tìm thấy, có lẽ là vết bánh xe của chiếc xe đã chở hắn đến đây, vì con đường này nằm nơi khuất tịch. Nếu tìm ra được chiếc xe nào có bánh xe giống vết bánh xe này, thì người ta có thể tìm được kẻ nào đã chở hắn tới đây, nhưng phải tìm cho ra chiếc xe và các dấu bánh xe không bị lấp, bị thay đổi.
Họ đã biết được những điều đó do bác sĩ Lindsey cung cấp rồi, Banks cám ơn ông đã nhiệt tình giải phẫu tử thi, rồi cùng Collaton ra khỏi phòng, đi dọc theo các dãy hành lang để tìm Annie.
Họ thấy cô đang đứng ngoài trời, hít thở từng hơi thật dài, bầu trời buổi chiều âm u mù mịt. Khi thấy hai người, cô quay mặt đi chỗ khác, đưa tay vuốt mái tóc màu hạt dẻ. Cô nói:
-- Lạy Chúa Cứu Thế, tôi xin lỗi. Tôi quả là đồ ngốc.
-- Không sao, - Banks đáp. - Đừng lo về chuyện ấy.
-- Không phải tôi chưa từng thấy cảnh như thế này đâu. - Cô nhăn mặt. - Tôi bình thường thôi, thật đấy, cho đến khi... Vì mùi hôi, cái cưa cưa hộp sọ, vì tiếng cưa. Tôi không thể... tôi xin lỗi. Tôi cảm thấy điên khùng quá.
Đây là lần đầu tiên Banks thấy thái độ hoảng hốt, bối rối của Annie trong khi làm việc. Ông nói:
-- Tôi đã nói rồi, đừng lo về chuyện này. Bây giờ về chứ?
Cô gật đầu. Ông nghĩ chắc chuyến đi về sẽ lặng lẽ. Annie rõ ràng đã đau khổ vì đã để lộ sự yếu đuối của mình ra.
Banks nhìn thấy Collaton. Vẻ mặt khoan dung độ lượng của ông cho thấy ông sẵn sàng tha thứ cho Annie "bất cứ lỗi lầm gì".
°

*

Khi Banks về đến nhà thì trời đã tối, sau khi tạt vào trạm để đưa ra một số công việc làm vào hôm sau. Lái xe trên đoạn đường M1 rất nguy hiểm, nhất là đoạn ở Sheffield, và những đoạn có sương mù dày đặc trên đường A1, đoạn này xe cộ chạy chậm như rùa bò, phải luôn nhìn vào đèn sau của chiếc xe tải ở phía trước. Banks nhớ lần ông lạc đường trong đoạn sương mù này khi đi đến nhà một người bạn, ông đã nhắm mắt đi theo chiếc xe phía trước và vào nhà của họ. Khi người tài xế xa tải tức giận hỏi ông theo anh ta làm cái quái gì, ông mới ngẩn người ra hốt hoảng.
Annie hồi phục rất nhanh sau cơn hết hồn vừa qua, đến nỗi Banks phải ngạc nhiên. Ông cần nhớ rằng Annie không phải là Susan Gay, Annie không phải là người quá yếu đuối hay là không có khả năng. Cô luôn luôn có khả năng tiếp tục công việc và cuộc sống. Sương mù trong thung lũng làm cho ông phải đi chậm lại ở đoạn đường cuối cùng. Những chùm sương mù dày đặc từ mép thung lũng bò lên, vần vũ trước mắt ông. Con đường bên sườn đồi cách đáy thung lũng mấy chục mét, dưới thung lũng, con sông Swain chảy ngoằn ngoèo qua những cánh đồng cỏ ở vùng Lea, và hầu hết sương mù đều là sát mặt đất. Banks thuộc đường đi rất thông thạo, nên ông cố tránh khỏi xảy ra tai nạn một cách đáng tiếc.
Về đến nhà, ông thấy có hai tin nhắn đang đợi ông. Tin nhắn đầu tiên là của Tracy nhờ ông giúp ý kiến để cô mua quà Giáng sinh cho mẹ. Banks nghĩ: có lẽ nên mua cho bà ta cái áo cưới. Nhưng ông không muốn nói thế với Tracy.
Người thứ hai gọi đến không xưng tên, nhưng ông biết cô ta là ai liền:
-- Xin chào, tôi đây. Chà, tôi rất ân hận vì không gặp được... có lẽ đây là điều rất buồn cho tôi... Tôi muốn nói tôi chưa có dịp cám ơn ông, và tôi phải cám ơn ông về những việc ông đã làm cho tôi chứ? Tôi thấy tôi thật đáng bị chê trách. - Đến đây cô dừng lại một lát và Banks có thể nghe được tiếng hít thuốc của cô và tiếng nhả khói ra. Ông còn có thể nghe cả tiếng ồn gần đâu đấy nữa. - Dù sao, ông phải để cho tôi mời ông ăn một bữa chứ. Thế nhé, ngày mai tôi sẽ đến Eastvale, sao ông không đến gặp tôi ở quán Bò Đen ở đường York Road gần Castle Hill, vào lúc 1 giờ? Như vậy được không? - Im lặng một lát, như thể cô ta đợi câu trả lời. Rồi cô thở dài. - Thôi được rồi, hy vọng gặp ông vào ngày mai. Tôi thật ăn hận. Thật đấy. Tôi thật ân hận. Chào.
Banks nhớ lần cuối cùng ông đứng với Emily nơi cửa ngôi nhà máy xay cũ, nhìn cô mặc bộ áo quần thể thao rộng thùng thình màu hồng mà ông đã mua cho cô ở Oxford, bộ áo quần mà rõ ràng cô không thích, khiến ông cảm thấy cô có vẻ kỳ lạ, khó hiểu khi giao cô cho bố mẹ của cô. Ông nhớ cái bắt tay thật chặt của ông Jimmy Riddle và thái độ im lặng lạnh lùng của bà Rosalind. Tuy không nói ra, nhưng ông cảm thấy ông Riddle thương yêu cô con gái, mặc dù tình yêu của ông kín đáo và vụng về, và ông cảm thấy bà Rosalind có thái độ xa cách.
Như thế là Emily Riddle muốn cám ơn ông. Ông có nên đi không? Đi chứ, ông nghĩ, vừa đưa tay lấy chai uých ki Laphroaig; mặc, ông sẽ đi.