Mặc dù đã thuộc lòng chi tiết về những viên kim cương nàng yêu thích, Stevie vẫn không cưỡng lại được ý muốn xem lại đoạn nói về viên kim cương được người ta đặt tên cho là viên “Nữ Hoàng Trắng". Sau khi chào tạm biệt ông già André Birron và gác máy, nàng lập tức lấy trong cặp tài liệu ra cuốn catalô của hãng mỹ phẩm nổi tiếng Sotheby. Lật nhanh những trang sách, Stevie tìm ngay được trang nói về viên kim cương lừng lẫy này. Nàng ngắm nghía hai hình chụp nó. Hình chụp và in rất đẹp, nhưng còn xa mới nói lên được vẻ đẹp đích thực của nó. Nữ Hoàng Trắng, Stevie lẩm bẩm nhắc lại cái tên này và nàng cho rằng nó hoàn toàn xứng đáng với cái tên ấy. Viên kim cương hoàn hảo đến mức không có bất cứ một khiếm khuyết nhỏ nào. Trong vắt, không màu và rực sáng cho nên gọi là "Trắng”. Nó lại tuyệt đối hiếm ở chỗ vô cùng đẹp và được xếp vào hàng “kim cương cỡ lớn" cho nên đáng được đặt tên là “Nữ Hoàng”. Bất giác Stevie đưa mắt sang trang bên trái, đọc phần chú giải về viên kim cương độc nhất vô nhị này. Tuy đã thuộc lòng những điều nêu lên trong này, nàng vẫn đọc lại một cách thích thú. Viên kim cương này nặng 427 cara, có màu sắc độc đáo, được tìm thấy năm 1954 tại mỏ Số Một tại Nam Phỉ. Vẫn giữ nguyên dạng thô như lúc tìm thấy, năm 1956 viên kim cương này được bán cho ông Harry Winston, một nhà kim hoàn Hoa Kỳ nổi tiếng, với giá tám triệu bốn trăm ngàn đô la. Ông Winston đem chế tác ra thành mấy viên nhỏ, viên to nhất trong vắt, ông chế tác thành hình mũi tên và đặt tên là "Nữ Hoàng Trắng". Harry Winston đặt nó vào một sợi dây chuyền được đặt làm riêng, và ngay trong năm đó ông bán cho một doanh nhân âu châu. Ngày nay, sau bốn chục năm thuộc sở hữu của một gia đình, viên kim cương này được đưa ra bán. Hãng kim hoàn Sotheby tổ chức một cuộc bán đấu giá nó tại phòng bán đấu giá của họ trên Đại lộ York tại New York vào đầu tháng mười hai. Stevie nhìn lại hình chụp một lát rồi khép cuốn catalô lại, cho vào cặp như cũ. Nàng suy nghĩ về ông André. Tuy ông không tham gia trả giá cho viên kim cương lần này, nhưng sẽ có rất nhiều người khác tham gia và tất nhiên giá của nó sẽ bị đẩy lên rất cao, như tình trạng thường thấy trong những cuộc bán đấu giá các vật quý. Có thể giá sẽ vọt lên như tên lửa đây, Stevie thầm nghĩ lúc ngồi ngả ra lưng ghế và cau mặt lại. Không phải “có thể" mà chắc chắn sẽ như thế. Nàng không hồ nghi một chút nào về chuyện đó. Và nàng quyết định sẽ theo đuổi đến cùng, mua bằng được viên kim cương đó mới thôi, dù nó bị nâng giá lên cao đến đâu đi nữa. Stevie hình dung ra con số có bảy chữ số. Sáu triệu, bảy triệu. không vẫn còn thấp quá. Tám triệu, Stevie nghĩ, mắt nàng nheo lại, tính toán. Vẫn còn quá thấp, nàng nghĩ. Đột nhiên nàng tin rằng giá của viên kim cương ấy phải lên đến tám chữ số. Mười triệu, nàng lẩm bẩm. Liệu có thể lên đến cái giá ấy không? Đúng lúc đó, Stevie biết rằng nếu phải mua thì nàng đành bỏ ra số tiền khổng lồ đó. Nàng khao khát làm chủ viên kim cương ấy, tất nhiên không phải cho riêng nàng mà cho chi nhánh của hãng Jardine mà nàng vừa mới lập ra tại New York. Một khi mua được nó, Stevie sẽ giữ nó trong vòng một hoặc hai năm, tổ chức triển lãm, tạo cho nó thành vật trung tâm trong bộ sưu tập thường xuyên của cửa hàng. Nàng không định tái chế tác nó, cưa ra thành nhiều viên kim cương nhỏ, hoặc thay đổi hình dạng của nó. Nàng thấy rõ rằng viên Nữ Hoàng Trắng là một khoản đầu tư lớn, sẽ là một chiêu bài quảng cáo cho cửa hàng và đem lại cho hãng Jardine nhiều lợi ích khác nữa. Tất nhiên giá viên kim cương đó sẽ không bao giờ xuống mà chỉ có lên và Stevie tin tưởng chắc chắn là khi cần bán nó, nàng sẽ bán một cách dễ dàng. Trên thế giới có bao nhiêu quý ông quý bà ao ước sở hữu những viên kim cương và đá quý lớn, một số đã thành khách hàng của nàng và họ sẵn sàng mua viên kim cương đẹp nhất thế giới này. Hơn nữa, viên kim cương Nữ Hoàng Trắng nay đã được coi là viên kim cương lịch sữ. Có Nữ Hoàng Trắng trong bộ sưu tập của mình sẽ là một vinh hạnh lớn của hãng Jardine. Stevie thích thú với ý nghĩ này. Nàng lập ra chi nhánh ở Hoa Kỳ đã được tám năm, và tuy việc này có được ông Bruce, cha chồng nàng đồng ý, nhưng sự đồng ý ấy vẫn có phần nào miễn cưỡng. Thậm chí cho đến ngày hôm nay ông vẫn chưa thật sự coi trọng cái cửa hàng chi nhánh ấy. Ngay từ lúc khai trương, cửa hiệu trên đại lộ Số Năm ở New York đó đã là một thành công to lớn. Tuy Stevie biết việc mình đề ra và thực hiện này là đúng, nhưng về một ý nghĩa nào đó, nó có phần mang cả tính trả thù, bởi lợi nhuận hàng năm của cửa hiệu hết sức lớn, nhưng vẫn chỉ là tính theo từng năm. Hôm Stevie nói với cha chồng, là nàng muốn mở cho hãng Kim hoàn Hoàng gia của gia tộc Jardine ở London một chi nhánh ở New York, ông già Bruce đã gầm lên phản đối. Và ông tiên đoán đấy sẽ là một thất bại lớn. Stevie đã phải dùng lời lẽ hết sức khôn khéo để thuyết phục ông đồng ý. Ngay từ hồi đó, Stevie đã hiểu ra lý do khiến cha chồng phản đối ý định của nàng chuyển sang làm việc ở chi nhánh bên Hoa Kỳ, đó là vì ông muốn giữ con dâu bên cạnh ông, ở cửa hiệu tại London. Sau này ông có thú nhận là chính vì cái lý do ấy mà ông đã phản đối. Ông thấy đã không thể quản lý được cửa hiệu ở London nếu thiếu nàng. Tuổi tác ngày càng cao, ông càng phải dựa nhiều vào con dâu. Khi ông Bruce đã nguôi cơn giận dữ và bình tĩnh trở lại, Stevie bèn nói rằng ông có một cháu đích tôn đã trưởng thành, có đủ khả năng giúp ông quản lý công việc thay nàng. Nigel đang nóng lòng muốn được tự mình quyết đoán mọi việc, chứ không phải phải tuân theo ý của mẹ nữa. Stevie thuyết phục cha chồng, "Cháu Nigel sẽ làm được tốt công việc ở đây". Ông Bruce cũng biết như thế, nhưng ông không muốn chấp nhận điều đó. Và ông lại một lần nữa bùng lên phản đối việc mở của hiệu bên New York. Thế là Stevie lại phải giảng giải, ôn tồn nhưng kiên quyết, rằng một cửa hiệu chi nhánh tại New York sẽ đem lại lợi nhuận rất lớn cho hãng. ”Nhưng cha rất cần đến con, Stevie ạ", ông Bruce nói khẽ, khi nghe nàng trình bầy kế hoạch thành lập chi nhánh mới tại New York. Một câu ngắn ngủi đó chứng tỏ tuy miễn cưỡng phải đồng ý, nhưng ông đã quyết định sẽ ủng hộ nàng. Và ông đã làm đúng như thế, mặc dù ông vẫn luôn nhắc lại với Stevie rằng ông chưa thấy việc mở chi nhánh bên Hoa Kỳ là đúng. Chuyện ấy xảy ra năm 1987. Một năm sau, năm 1988, cửa hiệu chi nhánh của hãng kim hoàn Jardine ở New York được khai trương. Thế là sau hơn hai mươi năm, Stevie lại được về sống ở thành phố chôn nhau cắt rốn. Nàng rời quê hương sang London năm mười bốn tuổi, sau khi mẹ nàng tái giá, lấy ông Derek Rayner. Sau đó, tuy thỉnh thoảng có sang New York, nhưng nàng vẫn cảm thấy nó chỉ là một thành phố xa lạ. Mãi đến bây giờ chuyển sang sống hẳn ở New York Stevie mới lại thấy đây đúng là "quê hương” của mình. Và chỉ sau vài tuần lễ, đảo Manhattan đã trở lại thành thân thiết, ruột thịt đối với nàng. Stevie đứng dậy, bước đến gần lò sưởi. Nàng cho thêm vài thanh củi vào, rồi ngồi ngả người lên lưng ghế nệm, nhắm mắt lại. Hôm nay tâm trí nàng toàn quay lại quá khứ, phải chăng vì là ngày hai mươi bảy tháng mười một chăng? Đó là một ngày đặc biệt trong ký ức nàng. Ngày cưới của nàng. Nếu như Ralph còn sống, thì hôm nay là ngày kỷ niệm ba mươi năm ngày cưới của họ. Stevie chưa tái giá. Một số bè bạn cho như thế là không bình thường, nhưng nàng thì không, không hề không bình thường chút nào. Đấy là chuyện hết sức bình thường. Nàng chưa gặp được người đàn ông nào đủ phẩm chất để nàng muốn kết hôn. Thật ra nói thế chưa phải đã hoàn toàn đúng, nàng thấy phải sửa lại cái câu ấy. Sau khi chồng chết, có một lần nàng đã yêu một người, trong một thời gian ngắn ngủi, và chuyện ấy cách đây đã lâu rồi. Cuộc tình ấy không dẫn đến hôn nhân, không phải vì quan điểm của người đàn ông kia mà do nàng. Stevie biết rằng anh ấy chỉ cần nói một câu là nàng nhận lời ngay, nhưng anh ấy đã không nói. Một số điều kiện đã không xuất hiện. Và nói cho cùng, đâu phải ta muốn gì là có thể đạt được cả. Nhưng khi trẻ, chúng ta thường cho là muốn gì có thể được nấy, nàng thầm nghĩ. Tuổi trẻ dễ lầm tưởng muốn là được, cuộc sống là mãi mãi. Tuổi trẻ dễ ảo tưởng về khả năng và sức mạnh của bản thân. Khi còn trẻ chúng ta dể tưởng rằng cứ quyết tâm là cái gì cũng có thể đạt được. Nhưng đâu phải thế. Nhiều khi cuộc đời đẩy con người ta đến những cách xử lý mình không muốn. Cuộc đời quật chúng ta xuống, kéo chúng ta lên, gây cho chúng ta bao nỗi khổ đau. Nó là đòn bẩy và là cái cào san bằng mọi thứ. Tuy nhiên cuộc đời của mình chưa đến nỗi tồi tệ lắm, Stevie tự nhắc nhủ, cố nhìn vào những cái được. Và nàng thường làm như thế, cố nhìn vào mặt tích cực của mọi thứ. Các con nàng lớn lên tương đối tốt. Không đứa nào nghiện ma túy hoặc nát rượu. Còn nàng, từ tay trắng đã xây dựng cho mình thành một doanh nhân khá thành đạt. Nói cho cùng, nàng đâu có năng khiếu, tài ba bẩm sinh nào để làm đòn bẩy phát triển lên. Tất cả những gì nàng có được chỉ là một đầu óc thực tiễn, một tấm lòng độ lượng, một cái đầu biết tưởng tượng và biết xoay chuyển tình thế. Đã một lần Stevie nói như thế với ông André. Nhà kim hoàn già người Pháp đã ngạc nhiên nhìn nàng, kêu lên, “Nhưng cô cũng hiểu biết nhiều về các thứ đá quý này đấy chứ, cô bạn trẻ thân mến. Ralph đã truyền cho cô hầu hết những hiểu biết của cậu ấy về kim cương và đá quý". Thế là Stevỉe lại nghe thấy như văng vẳng bên tai những câu nói của Raph ngày trước, "Em nghĩ thế là đúng đấy, Stevie ạ. Hãy đến với cha, em sẽ thấy cha nghe theo em cho mà xem. Lập luận của em rất vững. Đúng là phải làm như thế.” Tâm trí của Stevie quay trở lại quá khứ, vào năm 1976, và nàng nhớ lại dáng hình của ông Bruce Jardine, cha chồng nàng, ngày đó. Cao lớn, tóc màu sẫm, đẹp trai theo kiểu lực điền, nhưng lúc nào cũng bướng bỉnh và cứng nhắc. Một con người không chịu khuất phục ai bao giờ. Stevie nhớ rất rõ cách ăn nói thẳng thừng, tiếng cười thô lỗ không chút màu mè của ông, khi nghe con dâu ngỏ ý muốn làm việc, muốn tham gia vào công việc kinh doanh của hãng kim hoàn Jardine. Trước khi để cha chồng trả lời, Stevie điềm đạm nói rằng nàng muốn ông dạy nàng cách quản lý công ty. Ông Bruce không đáp, chỉ nhìn nàng bằng cặp mắt nghi ngờ. Chuyện ấy xảy ra đã bao nhiêu năm rồi, nhưng Stevie còn nhớ ông đã hỏi nàng, “chị có điên không đấy?” Hai mươi năm về trước. Vậy mà đôi khi Stevie tưởng như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua. Vào mùa hè năm ấy nàng chỉ là một góa phụ trẻ, mới hai mươi sáu tuổi, đúng ba năm sau cuộc mổ ruột thừa tai hại của Ralph. Nỗi uất ức của nàng về sự kiện bi thảm đó, phải rất lâu sau này mới dịu đi, chứ lúc đó vẫn còn rất mạnh. Nàng không thể ngờ Ralph lại chết đột ngột và vô lý đến thế. Một cái chết hoàn toàn không đáng có. Và nàng đã uất ức biết chừng nào. Và lại thế này nữa, bệnh của chồng nàng hoàn toàn không phải viêm ruột thừa mà là thủng dạ dầy. Bác sĩ phẫu thuật không chẩn đoán đúng căn nguyên những cơn đau bụng của Ralph mà vẫn tiến hành mổ cắt ruột thừa. Và ông ta đã phải mổ lần thứ hai để xử lý chỗ thủng. Hoành cách mô bị viêm nặng và đã làm Ralph chết. Mọi người đều biết đấy là một cái chết đáng lẽ không xảy ra. Sau khi con trai chết một cách bất ngờ như vậy, ông Bruce trở thành thành viên nam giới duy nhất trong doanh nghiệp của dòng họ Jardine. Ông anh của ông, ông Malcolm tuổi quá cao, lại hay đau ốm, đã từ lâu không còn tham gia công việc kinh doanh nữa. Thế là ông Bruce phải một mình cáng đáng toàn bộ công việc điều hành kinh doanh của hãng kim hoàn Jardine. Thế rồi, không có gì báo hiệu trước, đột nhiên ông bị một cơn nhồi máu cơ tim vào tháng hai năm 1976. Khi qua khỏi, ông rất yếu sức, thần kinh luôn bị kích động, thường không giữ được bình tĩnh. Điều thứ hai này, Stevie nhận ra ngay và nàng hiểu tại sao ông hay bẳn tính. Tuy lúc đó còn trẻ nhưng nàng rất am hiểu tâm lý con người, biết tại sao họ cáu kỉnh, cái gì thúc đẩy họ làm chuyện này hay chuyện kia. Và như có một ánh chớp lóe lên trong óc nàng, Stevie tìm ngay ra được cách ứng xử thích hợp, và trong trường hợp này, nàng hiểu được ông Bruce đang băn khoăn vấn đề gì. Chính Stevie là câu trả lời cho nỗi băn khoăn đó. Thế là nàng tiếp thu lời góp ý của ông già André. Và một buổi chiều thứ năm ấm áp của tháng Bảy, nàng chủ động đến gặp cha chồng mà không báo trước, tại văn phòng của ông ở cửa hiệu kim hoàn trên phố Bond. Khi thấy con dâu xuất hiện, ông Bruce rất ngạc nhiên. Ông đã định không tiếp vì không được báo trước, nhưng vốn chịu ảnh hưởng nặng của quy tắc lịch sự theo kiểu cổ, và bản tính lịch thiệp, ông mời nàng vào phòng tiếp khách thân tình ở phía trong. ”Cha hãy dạy con về cách thức kinh doanh", Stevie nói giọng tha thiết. ”Bây giờ cha chỉ còn có con là người duy nhất mang họ Jardine. Cháu Nigel và hai đứa sinh đôi Gideon và Miles thì còn nhỏ. Hãng Jardine nhà ta sẽ ra sao nếu như cha bị một cơn nhồi máu cơ tim thứ hai? Hoặc cha ngã bệnh? Hoặc cha mệnh hệ nào?" Nghe con dâu nói toạc ra như thế, ông Bruce rất ngạc nhiên. Ông choáng váng không thốt ra được một lời, chỉ chăm chăm nhìn con dâu. Stevie bèn trình bày ngay. “Cha thấy đấy, không ai muốn nghĩ về cái chết, nhất là cái chết của bản thân, con hiểu Chứ. Nhưng cha thì phải nghĩ về chuyện đó. Khi còn sống, chồng con thường nói với con rằng cha là nhà kinh doanh rất giỏi, am hiểu và tỉnh táo. Vậy bây giờ cha hãy suy nghĩ tỉnh táo đi. Suy nghĩ một cách khách quan không để cảm xúc cho phối. Cha cần phải có một người mà cha có thể tin cậy, một người có khả năng quản lý và điều hành doanh nghiệp của gia đình ta, trong trường hợp lúc nào đó cha không còn khả năng quản lý nữa. Cần có một người nào lo lắng đến quyền lợi của các cháu nội cha. Người đó phải là con, vì con là mẹ của chúng. Cha cần có con. Cha hãy nhìn thẳng vào thực tế. Con là thành viên duy nhất của gia đình Jardine mà cha có thể tin cậy và giao phó công việc.” Ông Bruce thấy được lời lẽ của con dâu là chính đáng. Stevie là người lớn duy nhất của gia đình Jardine mà ông có thể tin cậy và giao phó công việc, do đó nàng là câu trả lời duy nhất cho những băn khoăn của ông hiện giờ. Hơn nữa, tính thẳng thắn, niềm tha thiết và nhiệt tình của con dâu đã thuyết phục được ông. Quả là Stevie tha thiết muốn giúp ông và muốn được ông dạy cho nghề kinh doanh. Thế là ông Bruce quyết định cử nàng làm trợ lý cho ông và ông mong nàng sẽ không làm ông thất vọng. “Khi nào đạt được một vài kết quả, con sẽ thấy yêu thích công việc này", ông Bruce luôn nhắc lại câu này trong suốt mấy năm đầu tiên Stevie bắt đầu làm việc trong văn phòng hãng kim hoàn Jardỉne. Đồng thời nàng cũng nhanh chóng nhận ra rằng mình yêu thích công việc này, yêu thích mỗi khía cạnh của nó. Stevie yêu các loại đá quý, đặc biệt là kim cương. Và nàng yêu thích khía cạnh sáng tạo của công việc kinh doanh những mặt hàng ấy. Rồi tính phức tạp trong tài chính, cũng như tính liên kết cũng làm nàng say mê. Trong sáu tháng đầu tiên làm việc cho hãng kim hoàn Jardine, Stevie đã bộc lộ tài năng về các con số, cộng với tài năng cửa một nhà kinh doanh khôn ngoan. Ông Bruce vừa vui mừng vừa ngạc nhiên. Thế là tự nhiên Stevie trở thành người mà cha chồng nàng thấy không thể thiếu. Mới ngày nào còn là kẻ thù của con dâu, chỉ trong một thời gian rất ngắn ông đã thấy phải đối xử thân thiện với nàng. Ông công nhận tài năng, sự khôn khéo, nhanh trí trong xử lý các mắc mớ trong công việc và khả năng làm việc liên tục nhiều giờ liền không cần nghỉ của nàng. Năm tháng trôi qua, ông đâm ra kính phục con dâu, và càng ngày ông càng phụ thuộc vào nàng hơn. Sau khi Stevie đã làm việc cho hãng được năm năm, mối căm giận con dâu đã hoàn toàn tan biến. Nhưng mặt khác, mẹ chổng nàng, bà Alfreda, thì không bao giờ yêu quý được con dâu. Bề ngoài, bà tin vào mọi cách giải quyết công việc của chồng và bà hiểu rằng con dâu bà là người họ có thể tin cậy vì nàng là mẹ ba đứa cháu nội của họ, những người sau này sẽ thừa kế quyền làm chủ doanh nghiệp của gia đình Jardine. Nhưng bà vẫn giữ cách nghĩ cổ hủ và không bao giờ chịu thay đổi thái độ hằn thù đối với con dâu. Bà Alfreda mất năm 1982, cách đây đã gần mười lăm năm, nhưng cho đến lúc nhắm mắt, bà vẫn không bao giờ chịu thân thiện với con dâu và chịu nói với nàng một câu nào dịu dàng. Stevie đứng dậy, quay lại bàn giấy, ngồi xuống, nhấc tấm ảnh cưới lên, nhìn chăm chú một lúc lâu. Hồi đó Ralph và nàng mới trẻ trung làm sao, nhất là nàng, chỉ như một thiếu nữ mới lớn. Lúc đó mình mới mười sáu tuổi, Stevie thầm nghĩ. Chỉ là một đứa trẻ con. Bấy giờ mình còn trẻ hơn con Chloe bây giờ. Ôi Ralph, hẳn anh không thể ngờ lại có chuyện đó. Anh không thể ngờ cha anh lại lấy em vào làm trợ lý kinh doanh cho cha. Anh cũng không thể ngờ một ngày nào đó em lại là người lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp gia đình Jardine trên cả hai bờ Đại Tây Dương. Ngay bản thân Stevie cũng không ngờ cuộc đời xoay chuyển đến mức khó ai tưởng tượng nổi. Mình làm được nhiều công việc và đạt được nhiều kết quả như thế này chính là nhờ những người bạn tốt đặc biệt là ông già André Birron. Nàng biết rằng ông André đã dạy nàng nhiều không kém gì ông Bruce về kinh nghiệm kinh doanh đá quý. Xét về nhiều mặt, ông André là người thầy và người bạn tốt, gần như một người cha của nàng. Bao giờ ông André cũng đem đến cho nàng những lời khuyên chính xác nhất. Năm Stevie hai mươi bảy tuổi, sau bốn năm góa bụa, nàng lại sa vào vòng tình ái. Một năm sau, nàng phát hiện mình có thai và người nàng tìm đến để hỏi ý kiến chính là ông André. Nàng đã bay sang Paris gặp ông, kể hết ra với ông, tuy nhiên vốn tính thận trọng, nàng không kể ra tất cả. Về người yêu, cha của cái thai trong bụng nàng, Stevie chỉ kể rất ít. Thậm chí khi thấy nàng sắp kể đến chỗ đó, ông André đã giơ tay lên như để ngăn nàng lại. “Cô đừng kể với tôi anh ta là ai. Tôi không cần biết. Cô hãy nhớ kỹ điều tôi sắp nói, cô Stevie thân mến. Một điều bí mật khi đã thổ lộ ra với một người khác thì nó không còn bí mật nữa". Ông già André từng trải đã cảnh báo Stevie như thế. Mà bản thân Stevie cũng luôn kín đáo. Đó là bản tính của nàng. Không ai biết được người tình của nàng là ai, và cũng không ai hy vọng có thể biết. Thậm chí Chloe cũng không biết cha nó là ai. Choe. Nét mặt Stevie thay đổi, dịu dàng hơn khi nghĩ đến đứa con gái mười tám tuổi này. Bây giờ nó đã thành một viên kim cương trong vắt. Hoàn hảo. Bỗng Stevie bật cười khúc khích. Kể ra nói thế cũng quá. Nói "gần như hoàn hảo" thì chính xác hơn. Không thể nói người nào đó là tuyệt đối hoàn hảo. Và cũng không ai cần đến một vẻ tuyệt đối đạo đức. Những kẻ đó không thật và không đáng quý gì. Chloe hẹn sẽ đến đây vào cuối buổi chiều nay, hy vọng kịp bửa ăn tối, và hai mẹ con sẽ được hưởng một buổi tối bên nhau. Ngày mai mẹ và dượng của Stevie sẽ bay từ New York sang đây để cùng với hai mẹ con nàng hưởng kỳ nghỉ lễ Tạ ân và kỳ nghỉ cuối tuần. Stevie đang hồi hộp chờ đến lúc đó và nàng đoán Chloe cũng nóng lòng mong đợi nó. Dượng nàng, ông Derek, được Nữ hoàng Anh phong danh hiệu quý tộc cách đây vài năm, từ đó dượng và mẹ nàng, bà Blair, được gọi là Huân tước Derek và Huân tước phu nhân Rayner. Đúng như từ lâu người ta đã tiên đoán, ông Derek nay đã thành nghệ sĩ biểu diễn sân khấu cổ điển lớn nhất của nước Anh và đến tuổi sáu mươi tám này ông trở thành một huyền thoại sống. Ông rất quý và đối xử tốt với mẹ nàng, nàng và các con trai của nàng. Ông Derek và mẹ nàng không có con cho nên ông giữ vai trò người cha và người ông của gia đình này. Đặc biệt ông rất quý Chloe. Cậu Miles, con trai út của Stevie, cùng đi với hai ông bà đến Connecticut. Thực lòng, trong ba con trai, Stevie yêu Miles nhất, mặc dù nàng giấu kín sự chênh lệch về tình cảm ấy để hai con trai lớn khỏi suy nghĩ này nọ. Nàng cho rằng việc cha mẹ phân biệt con này con kia là hoàn toàn không thể chấp nhận. Miles là một họa sĩ có tài và một nhà thiết kế mỹ thuật tuyệt vời. Nơi cậu sống thường xuyên là New York và cậu hay nhận thiết kế mỹ thuật cho nhiều tiết mục sân khấu ở Đại lộ Broadway, đại lộ trung tâm và là nơi tập trung hoạt động sân khấu lớn nhất của Hoa Kỳ. Khác với hai anh, Nigel và Gideon, Miles chưa bao giờ tỏ ra muốn tham gia vào công việc kinh doanh của hãng kim hoàn Jardine, tuy nhiên do có con mắt nghệ sĩ, Miles đánh giá rất cao vẻ đẹp của những đồ kim hoàn cũng như những mặt hàng trang sức khác mang nhãn hiệu “Hãng Jardine chế tác". Bất chấp việc Miles không thích hoạt động kinh doanh, ông nội cậu vẫn kiên quyết đòi cậu giữ một chân giám đốc, vì cậu có số cổ phần cao nhất trong Công ty Jardine. Cậu lập tức thi hành điều đó. Miles sẽ thừa kế hãng kim hoàn Jardine và xưa nay hãng vẫn là một phần quan trọng trong cuộc sống của cậu. Mẹ cậu đã nhìn trước thấy là như thế. Trong gia đình, Gideon mới chính là nhà kim hoàn đích thực. Stevie đã phải nhận ra điều đó ngay khi cậu còn là một đứa trẻ. Gideon thừa hưởng được những ưu điểm của cha nó, Ralph. Cậu thật sự có tài, cần cù nhẫn nại và mê các thứ đá quý đặc biệt là kim cương. Giống như cha cậu, Gideon có con mắt sành sỏi và hai bàn tay khéo léo trong việc chế tác đá quý. Là một trong những thợ lành nghề và nhẫn nại nhất của hãng kim hoàn Jardine, chính cậu là tác giả của nhiều đồ trang sức tuyệt vời, những mặt hàng khiến hãng Jardine nổi tiếng trong nhiều thế kỷ. Nigel thì giỏi về kinh doanh giống như ông nội cậu, ông Bruce, nhưng khác ông về khá nhiều mặt. Cậu được Stevie giao phụ trách hoạt động kinh doanh của hãng dưới sự điều khiển của nàng. Nhưng Nigel lại muốn được toàn quyền, không phải chịu sự điều khiển của bất cứ ai. Gần đây Stevie mới phát hiện ra điều đó. Có những lúc nàng cảm thấy cậu con cả tiến hành những cuộc vận động ngầm nhằm gạt nàng ra khỏi công ty, bằng cách làm giảm uy tín của mẹ. Stevie chậm chạp đứng lên quay lại chỗ lò sưởi. Nàng thở dài buồn bã. Dựa lưng vào thành lò sưởi, tâm trí nàng tập trung vào cậu con cả. Stevie không có chứng cứ nào cụ thể mà hoàn toàn chỉ là cảm giác của một người tinh ý, và nàng linh cảm thấy Nigel đang chống lại nàng. Lâu nay nàng đã nhận xét thấy Nigel rất giống ông Bruce hồi ông còn trẻ: lạnh lùng, tính toán và ôm rất nhiều tham vọng. Tham vọng không phải là xấu, nếu nó hướng về phía tốt. Stevie hoàn toàn chấp nhận sự có tham vọng. Nhưng điều đáng buồn là tham vọng của Nigel lại hướng về phía chống lại mẹ. Nói cho cùng thì rồi công việc kinh doanh sẽ thuộc về nó. Tất nhiên nó sẽ chia sẻ công việc với hai em nhưng nó vẫn giữ vai trò quan trọng nhất, vì là anh cả đã đành, nhưng còn vì nó giỏi về kinh doanh hơn. Stevie muốn gạt nỗi nghi ngờ ấy ra khỏi tâm trí. Nàng muốn gạt đi ý nghĩ cho rằng Nigel muốn đẩy mẹ đi để độc chiếm việc điều hành kinh doanh tại cửa hiệu ở London. Thì hiện giờ nàng đã sang New York rồi, có còn ở London nữa đâu? Một sự không may cho nó, Stevie lẩm bẩm, là ông nội nó, ông già Bruce, lại rất không muốn như thế. Năm nay cha chồng nàng đã tám mươi hai, lại mắc bệnh gút từ nhiều năm rồi nên luôn trong tình trạng đau ốm. Nhưng ông vẫn tỉnh táo như xưa, không thể hiện chút nào tật lẫn cẫn của người già. Những lúc không bị cơn đau hành hạ, ông vẫn rất nhanh nhẹn, nhạy bén. Stevie biết ông rất quý nàng, mặc dù ít khi ông để lộ điều ấy ra ngoài. Hơn nữa, ông già tuyệt đối tin tưởng ở con dâu trong công việc điều hành công ty. Stevie đã chiếm được lòng tin ấy ở ông, và đã chứng tỏ bằng những công việc cụ thể là nàng xứng đáng được ông tin cậy. Nàng làm việc có kết quả, thậm chí rất có kết quả. Nếu cha chồng nàng biết có mối tranh chấp giữa hai mẹ con nàng, chắc chắn ông không bao giờ để yên cho Nigel mưu đồ những điều sai trái. Ông thường gọi căn bệnh của đứa cháu đích tôn là "thói ương ngạnh của tuổi trẻ". Và ông sẽ đứng về phía nàng. Gạt phắt những ý nghĩ về con trai cả ra khỏi đầu óc, Stevie đi nhanh ra khỏi phòng giấy, rảo bước theo hành lang trên tầng hai. Tầm thước và mảnh mai, Stevie Jardine là một thiếu phụ đầy quyến rũ, với mái tóc quăn màu sẫm, cặp mắt xanh đen và khuôn mặt linh hoạt. Gò má hơi cao và mũi nhỏ tạo cho nàng một dáng vẻ riêng biệt. Stevie có duyên ngầm của một người lịch thiệp, hiểu biết, nàng thường mặc quần len và áo chui đầu màu xanh lục khiến màu sắc này ánh lên cặp mắt nàng một cách thích hợp. Stevie bước chân thoăn thoắt xuống thang gác, nhận ra rằng mình đã mất quá nhiều thời gian vào những kỷ niệm xưa với Ralph và vào đứa con trai cả Nigel. Mai nhà có khách, và tuy toàn là người thân nhưng nàng vẫn phải chuẩn bị đón tiếp. Nhất là bà Blair mẹ nàng, vốn quen sống đài các do là vợ của một ngôi sao sân khấu và điện ảnh nổi tiếng. Xuống đến gian sảnh, chiếc đồng hồ treo tường lớn bỗng đánh chuông. Sáu giờ đúng. Hẳn Chloe đã về đến nhà được một tiếng đồng hồ rồi. Một nụ cười hài lòng hiện lên trên mặt Stevie khi nghĩ đến chuyện đó. Nàng nóng lòng muốn gặp con gái. Một cánh cửa gần đó bỗng mở toang và một luồng gió lạnh ùa vào gian sảnh lớn. Có vẻ luồng gió từ phía phòng kính. Đoán thế, Stevie đi nhanh qua cửa vòm, hướng về phía đó của nhà. Một cánh cửa bị bật ra, lắc lư mạnh, đụng vào một chiếc ghế gỗ. Stevie ra đóng, nhưng rồi nàng đứng lại ở cạnh cửa nhìn ra ngoài. Đêm tối om, bầu trời đen kịt và những vì sao nhấp nháy. Một vệt sáng phát ra từ phía phòng kính, soi sáng cổng chính và bức tường hoa phía sau nó. Luồng sáng làm bóng đêm bớt đen. Stevie bước ra ngoài trời, vào giờ này nàng thường làm như thế, để hưởng không khí yên tĩnh, im ắng ngoài sân. Sau những ngày náo nhiệt ở New York, không khí im ắng này làm nàng rất thích, nhất là vào lúc đêm khuya. Stevie ngước mắt nhìn khá lâu lên bầu trời cao rồi quay sang nhìn cảnh vật xung quanh. Nàng nhận thấy sương mù lúc ban tối bây giờ đã tụ lại chỗ giếng nước. Sương đã quánh lại, đọng trên các cành cây và nhỏ giọt xuống, tạo nên những vệt ướt trên những ghế dài bằng đá, trên thành bể phun nước và trên các luống hoa. Đêm nay cảnh vật mới đẹp làm sao, Stevie thầm nghĩ. Nàng quay gót bước nhanh vào nhà. Khi đã vào đến bên trong, một cảm giác rất lạ xâm chiếm tâm trí Stevie. Linh tính mách bảo nàng một điều gì đó và nàng bỗng thấy nghẹt thở. Linh cảm này rất giống linh cảm nàng đã thấy lúc ban chiều, nhưng mạnh và rõ rệt hơn. Stevie gạt cái linh cảm ấy ôi, rồi lại cười vang tự giễu mình, giống như lúc ban chiều. Xưa nay nàng không tin vào những điềm báo và không bao giờ mê tín, vậy mà hôm nay nàng lại linh cảm thấy như sắp xảy ra chuyện gì đó chẳng lành. Đúng là dở hơi. Nàng tự nhủ rồi lại cười vang. Sau đây vài tháng, Stevie sẽ nhớ lại cái linh cảm hôm nay và sẽ lấy làm lạ.