Dịch giả: Trần Hữu Kham
Lời nói đầu

 
 
Sally Nicholls
- Muốn sống là một câu chuyện rất thú vị và gây ấn tượng mạnh mẽ được kể bằng giọng của Sam Mc Queen, một cậu bé 11 tuổi mắc bệnh bạch cầu ở giai đoạn cuối.
Sam chuyên sưu tập các sự kiện kỳ thú và thích tìm hiểu mọi điều trên mạng Internet. Cậu luôn tò mò về ma quỷ, về dĩa bay và cả về cái chết. Quyển sách của cậu được hình thành từ lòng khát khao hiểu biết hòng giải đáp những điều mà xưa nay nhân loại chưa ai tìm ra câu trả lời. Đó là tập hợp các bản kê, sự kiện, hình ảnh và hàng loạt thắc mắc xung quanh cái chết: Hấp hối là gì? Vì sao là người ai cũng đến lúc phải chết? Sau khi chết con người đi về đâu? Làm thế nào để được bất tử?... Và cùng với nó là những tìm tòi và gợi ý giúp con người thoát khỏi quy luật sinh tử của Tạo hóa.
... Thoạt trông, cứ ngỡ Muốn sống là câu chuyện thương tâm về một cái chết được báo trước. Nhưng càng bị lôi cuốn vào mạch truyện, người đọc nhận ra cái nhìn tỉnh táo và không chút bi quan của nhân vật, giúp xua tan đi nỗi sợ hãi về cái chết của mọi người. Rằng chết cũng chỉ là một việc bình thường, tự nhiên, như một phần hoạt động của nhân sinh, như chu trình sâu hóa bướm vậy... Hơn thế, người đọc còn cảm nhận được trí tưởng tượng phong phú cùng sức sống mãnh liệt ẩn trong một hình hài trẻ thơ đang bị tàn phá bởi căn bệnh chết người, biểu hiện bằng việc cố gắng tạo ra kỷ lục cho những hoạt động tưởng chừng vặt vãnh hay vô bổ... Có thể thấy, Sam muốn khẳng định mình như một cá nhân độc lập và trưởng thành, biết chịu trách nhiệm về bản thân, không ỷ lại hoặc cầu xin lòng thương hại của người khác.Và trên tất cả, cậu bé đã dũng cảm chấp nhận kết cục bi thảm dành cho mình, không chút oán trách số phận...
Sally Nicholls hoàn thành quyển tiểu thuyết này vào năm 2007, khi cô vừa tròn 23 tuổi. Khởi đầu sự nghiệp bằng một sáng tác viết về cái chết, cô đã gây sửng sốt cho công chúng văn học khi dẫn dắt thành công một câu chuyện có kết thúc không có hậu bằng vẻ hóm hỉnh duyên dáng, bằng giọng điệu trong trẻo mà vô cùng chín chắn. Sally Nicholls đã xuất sắc vượt qua 8 ứng viên trong danh sách 9 tác phẩm được đề cử  và nhận giải Waterstone’s Children’s Book Prize năm 2008 vào ngày 13 tháng 2 vừa qua.
Được khởi xướng từ năm 2005, Waterstone’s Children’s Book Prize là giải thưởng nhằm phát hiện và khích lệ các cây bút trẻ giàu triển vọng viết về đề tài thiếu nhi, và là một trong những giải thưởng văn học uy tín và danh giá nhất nước Anh hiện nay.
Mở ra cuộc thi mà các ứng viên được chọn là người có tối đa 3 tiểu thuyết viết cho thiếu nhi, đây là cuộc tranh tài duy nhất mà hội đồng giám khảo bao gồm các nhà xuất bản, nhà phát hành và bạn đọc, cùng tiến cử các tác phẩm cho hội đồng giám khảo. Muốn sống và Sally Nicholls đã nhanh chóng nhận được cảm tình của hội đồng giám khảo bằng số phiếu ủng hộ tuyệt đối và rất nhiều lời ngợi khen:
“Đây là một tác phẩm đạt độ chín muồi đối với một cây bút trẻ như thế. Viết về căn bệnh nan y của một cậu bé ở thời kỳ cuối thực sự là thách thức cho bất cứ nhà văn nào, chứ không chỉ cho người mới làm quen với việc sáng tác. Nhưng Sally Nicholls đã hoàn thành quyển tiểu thuyết này một cách xuất sắc. Cô đã giới thiệu một câu chuyện thực sự gây xúc động cũng như đem đến nhiều thú vị cho độc giả. Sam Mc Queen là một sáng tạo tuyệt vời, và tôi không sao diễn tả hết nỗi thương cảm hòa lẫn niềm hân hoan khi tôi đọc truyện. Tác phẩm này xứng đáng trở thành sách kinh điển cho thiếu nhi, các chủ đề và thông điệp của nó sẽ truyền cảm hứng đến nhiều thế hệ.”(Sarah Clarke, người phụ trách Waterstone’s Children’s Books Buyer)
...”Rất dễ hiểu tại sao Muốn sống lại dễ dàng chinh phục hội đồng giám khảo Waterstone đến thế(...). Tác phẩm của Sally Nicholls hoàn toàn không mang giọng điệu sướt mướt hoặc những chi tiết gây bi lụy,vì thế người đọc không bị rơi vào khoảng không hut hẫng và nỗi tuyệt vọng. Biết khéo léo tránh né những cái bẫy khi dẫn dắt một câu chuyện nặng nề như vậy, cô đã học được cách của các nhà văn mình yêu thích..”. (Joel Ricket, phó tổng biên tập The Bookseller Magazine) 
...” Tôi tìm kiếm những tác phẩm gây tác động mãnh liệt đối với mình, và khi đọc quyển tiểu thuyết này, tôi tưởng như mình vừa chạm phải mạch điện 1000volt. Đây là cuốn truyện cho mọi người, bất kể ở lứa tuổi nào.”(Người phụ trách xuất bản Marion Lloyd Books của Scholastic)
Nhà văn trẻ tốt nghiệp Đại học Triết & Văn chương và Cao học về Sáng tác truyện cho thiếu nhi này hiện sống ở Luân Đôn. Sau thắng lợi của tiểu thuyết đầu tay với giải thưởng trị giá 5,000 bảng Anh và lời đề nghị mua tác quyền từ 17 nước trên thế giới, hiện cô đang đầu tư cho tác phẩm thứ hai của mình, The midnight hunter (Người đi săn lúc nửa đêm), dự kiến phát hành vào đầu năm 2009. Sally Nicholls đang tự chứng tỏ nhiều triển vọng trong sự nghiệp cầm bút của mình, và hứa hẹn tiếp tục gây nhiều bất ngờ thú vị cho đời sống văn học nước Anh trong tương lai.
Nhà xuất bản Trẻ