Dịch giả: Dịch giả: Lê Minh Khuê
MẤY NHẬN XÉT NHẬP ĐỀ

Có một điều chắc chắn là tôi không phải là người Mác-xít” 
Mác viết cho P. Lafargue
TRƯỚC khi đi vào chủ nghĩa Mác tôi thấy cần thiết phải giải đáp một vài thắc mắc đặc biệt - hình như người ta không thể tìm hiểu chủ nghĩa Mác như tìm hiểu các học thuyết khác, với một thái độ nghiên cứu thông thường. Nói cách khác, triết học Mác-xít có những đặc điểm riêng biệt mà các triết học khác không có.
Khi đề cập đến Hegel[1], chúng ta đã đặc biệt chú ý đến tham vọng bao quát tổng hợp của nhà triết học vĩ đại này. Hegel muốn chấm dứt lịch sử triết học với hệ thống triết lý của mình, bằng cách chẳng những tìm đặt vị trí cho những triết học đã có từ xưa đến Hegel trong hệ thống của ông, mà còn tiên đoán sắp xếp những triết học sẽ có trong hệ thống đó nữa. Đằng khác, tổng hợp của Hegel không phải chỉ bao trùm lịch sử triết học, mà còn bao quát toàn thể lịch sử nhân loại, nhằm trình bày ý nghĩa phát sinh và diễn tiến của mọi sinh hoạt chính trị, xã hội luân lý, nghệ thuật của con người.
Nhưng hệ thống bao quát tổng hợp của Hegel chỉ là một giải thích có tính cách lý thuyết, một cắt nghĩa mạch lạc như một tri thức (un savoir) mà người ta có thể tìm hiểu với một thái độ nghiên cứu như bất cứ nghiên cứu một học thuyết nào.
Trái lại triết học Mác không phải chỉ là một tri thức thuần túy nhằm giải thích, cắt nghĩa, mà còn chủ yếu nhằm biến đổi, nghĩa là có một mục đích thực tiễn
Các triết gia mới chỉ cắt nghĩa cuộc đời một cách khác nhau, vấn đề là phải biến đổi nó đi” (Luận đề về Feuerbach).
Có mục đích thực tiễn, không phải là gạt bỏ lý thuyết, tri thức, vì suốt đời Mác vẫn nỗ lực không ngừng suy nghĩ, nhưng là gạt bỏ lý thuyết không kèm theo hành động, gạt bỏ tri thức suông, ly dị với đời sống thực tế hằng ngày. Thực tiễn ở đây là một thực tiễn cách mạng nhằm thay đổi một tình trạng đang có bằng một lý tưởng thế nào cũng phải vươn tới. Những biến đổi cách mạng không phải còn đang là dự định nhưng là đang được thực hiện, như một phong trào, một tổ chức có tính cách quốc tế.
Trước một chủ nghĩa gắn liền với hoạt động tranh đấu cách mạng như triết học Mác, không thể có thái độ bàng quan, lãnh đạm, đứng ngoài. Nó đòi hỏi, bó buộc người ta phải xác định một thái độ căn cứ vào một lựa chọn. Trước hết, triết học Mác là một tổng hợp bao quát. Do đó, chính nó đã xác định cho bạn một chỗ đứng, một vị trí, dĩ nhiên là theo quan điểm của nó.
Vậy bạn chỉ có thể hoặc là chấp nhận vị trí nó xác định cho bạn, hoặc chống lại, từ chối. Nhưng chắc chắn bạn không thể không phản ứng, không thể không lựa chọn vì triết học Mác chủ yếu là một thực tiễn cách mạng. Nó phân đôi thế giới không những ở trên bình diện nhận thức, mà còn cả trên bình diện xã hội, và nỗ lực tranh đấu tiến tới chỗ thống nhất, thực hiện lý thuyết tổng hợp bằng cách tiêu diệt chấm dứt những lực lượng đối lập đã gây ra tình trạng phân đôi. Do đó, bạn không đứng trước một lý thuyết mà là đứng trước những người đã chọn lý thuyết đó và quyết tâm thực hiện bằng tranh đấu cách mạng. Đặc điểm của chủ nghĩa Mác là người ta không thể theo nó như một tri thức, nhưng như một phong trào tranh đấu. Do đó trở thành mác-xít không phải là tuyên bố theo một chủ nghĩa mà chủ yếu là tham dự tích cực vào một cuộc vận động lịch sử như P. Hervé đã nói: “Chủ nghĩa Mác không phải chỉ là một lý thuyết triết học, nhưng đối với chúng tôi chính là một phong trào”[2], và đây là một phong trào quần chúng vì chủ nghĩa Mác xuất hiện như một lợi khí tranh đấu của vô sản chống lại sự áp bức của tư bản. Cuộc tranh đua đó vẫn đang tiếp diễn và bành trướng khắp thế giới. Nó đi tới đâu, buộc nơi đó phải phản ứng, phân tán, tranh chấp, đôi khi một cách quyết liệt. Do đó, vấn đề tiên quyết đặt ra khi có dự định tìm hiểu chủ nghĩa Mác là phài đứng ở vị trí nào để tìm hiểu chủ nghĩa đó. Có thể đứng ở ngoài với một thái độ vô tư khách quan không? Người ta có cảm tưởng thực khó đứng ở cương vị vô tư khách quan để tìm hiểu chủ nghĩa Mác. Như đã nói ở trên, chủ nghĩa Mác là một cuộc vận động lịch sử còn đang tiến hành, chứ không phải là một sự kiện lịch sử đã qua. Người nghiên cứu cũng đang sống trong thời kỳ cộng-sản làm lịch sử, trong giai đoạn thách thức lịch sử của cộng-sản. Do đó, chủ nghĩa Mác thiết yếu liên quan chặt chẽ đến người nghiên cứu và đòi hỏi họ phải xác định một lập trường. Không phải một lập trường thuần túy trí thức, mà còn phải là một lập trường tranh đấu. Theo Mác-xít, là theo một phong trào tranh đấu, thì chống lại Mác-xít cũng là chống bằng một tranh đấu. Trong cuộc tranh chấp, đối lập giữa hai phong trào, cộng-sản và chống cộng-sản, giả thử bạn có làm ra vẻ khách quan vô tư, không xác định lập trường, chỉ đứng ở bình diện nhận thức, thì việc làm vô tư đó cũng đem lại những tác dụng khách quan có lợi hay hại cho một phe trong hai phe đối lập. Chẳng hạn bạn nhận điểm nào đó của chủ nghĩa Mác là đúng, thì sự xác định đó khách quan có lợi cho phe Cộng-sản, và ngược lại bạn phê phán điểm nào đó, hoặc toàn bộ chủ nghĩa Mác là sai, thì dù bạn không tích cực chống đối Cộng-sản bằng hành động, việc phê phán của bạn khách quan có lợi cho phe chống cộng và khách quan cũng kể như đứng ở phe chống Cộng. Chủ nghĩa Mác là một chủ nghĩa mà người ta không thể đứng trước được mà phải chọn lựa hoặc ở trong hoặc ở ngoài nó mà thôi.

°

°
Hiện nay, ở nhiều nơi trên thế giới, sự bó buộc lựa chọn đúng về một phe có tính cách triệt để dứt khoát. Đã theo một bên, thì theo hẳn và theo cả. Hoặc coi lập trường mình theo như chân lý toàn diện tuyệt đối, hoặc chỉ coi lập trường đó đúng về căn bản mà có thể sai lầm thiếu sót nhiều về cục bộ, nhưng vẫn chấp nhận nó một cách dứt khoát. Đôi bên bị phân cách bằng những màn tre màn sắt rõ rệt.
Nhưng cũng có một vài nơi, chẳng hạn ở Âu châu, biên giới phân cách giữa cộng-sản và chống cộng-sản không rõ rệt, hoặc hơn nữa, không có biên giới phân cách. Do đó có thể có những lập trường không dứt khoát cả hay không... Một số người (đặc biệt là trí thức) nhận định rằng có thể chấp nhận chủ nghĩa Mác như một lý tưởng tranh đấu cách mạng, nhưng lại từ chối không vào đảng, vì cho rằng những tổ chức, lề lối tranh đấu của đảng không phù hợp với phong độ trí thức, với chính lý tưởng cách mạng mác-xít. Những người đó cũng nhận định rằng không thể chấp nhận được lập trường chống Cộng. Nó dựa trên một ý thức hệ sai lầm, bất chính, nhưng vẫn thừa nhận một vài lối sống của xã hội chống cộng đó (tự do phê phán, dân chủ trong cư xử lãnh đạo, v..v…)
Họ không theo hẳn Cộng-sản, mà chỉ thiên Cộng, vì nếu theo hẳn, chẳng khác nào chấp nhận mà còn củng cố thêm những sai lầm, khuyết điểm của Cộng-sản (độc tài, đảng trị, thủ đoạn gian dối). Nhưng cũng không thể chống cộng hẳn, vì cộng-sản đối với họ vẫn là một lý tưởng cách mạng chính đáng và đảng cộng-sản thực sự cũng tiêu biểu cho lý tưởng cách mạng đó, tuy nhiên vì không theo hẳn, nên vẫn có sự chống đối về những điểm nêu ở trên.
Đó là một thái độ có thể có được trên lý thuyết, nhưng hầu như bế tắc trong thực tế tranh đấu, vì những người chủ trương không theo hẳn, không chống hẳn cộng-sản, cũng coi thái độ đó là một lập trường tranh đấu, một tư tưởng dấn thân trước những biến cố nhất định của thời cuộc. Chính vì thế mà thái độ: “gần đảng, bên đảng nhưng không bao giờ ở trong đảng” rất khó thực hiện hay thực hiện một cách hiệu nghiệm. Chẳng hạn trước những trại tập trung ở Liên-xô. Những người thiên tả[3] kiểu nhóm “Thời mới” (Les Temps Modernes) như Sartre, Merleau-Ponty, hay nhóm “Tinh thần” của Mounier, không thể không lên tiếng phản đối một hành động trái ngược với lý tưởng cách mạng. Nhưng họ cũng không thể phản đối như những người chống cộng nhằm tiêu diệt cộng-sản vì coi cộng-sản là thù địch. Không thể không lên tiếng, nhưng lên tiếng thì lại tạo cớ cho phe chống cộng biện hộ quan điểm chống cộng của họ, nghĩa là làm lợi cho họ... Nỗi khó khăn ở tại những người này không biết phải đứng ở vị trí nào để hành động. Nếu ở trong đảng, thì không thể lên tiếng phê phán được vì không thế có đối lập trong đảng. Vậy phải ở ngoài đảng và do đó có thể lên tiếng phê phán được. Nhưng đối lập ở ngoài đảng thì chỉ có thể làm lợi cho phe chống cộng mà chẳng gây được tác dụng gì trên đảng, vì sự phê phán là lời nói suông không dựa trên một lực lượng nào. Lực lượng quần chúng đứng sau đảng. Do đó chỉ trích đảng cũng là chỉ trích quần chúng đứng đàng sau đảng. “Mũi tên nhắm vào đảng đụng chạm tới xương thịt hy vọng của những kẻ tuyệt vọng và làm sứt mẻ sức mạnh của đạo binh im lặng”[4]. Không thể đi với Đảng, không thể chống lại Đảng, nhưng cũng không thể làm được gì nếu không có quần chúng; mà những người trí thức khuynh tả trên không có quần chúng được tổ chức. Do đó lập trường của họ thật bế tắc. Tuy nhiên ở một vài nước Âu châu, lập trường không theo hẳn, không chống hẳn, không ở trong cũng không ở ngoài của một số người “khuynh tả” đã có thể có, ít ra là trên bình diện nhận thức hay tranh đấu bằng ngòi bút. Nhưng dĩ nhiện trường hợp đó chỉ có thể ở những nước chưa cộng-sản, nghĩa là những nước cộng-sản chưa nắm chính quyền. Lý tưởng về một lập trường vượt cả cộng-sản lẫn chống cộng-sản cho đến nay vẫn chưa nơi nào thực hiện được. Vì đã có rất nhiều nỗ lực vượt cộng-sản (dépassement) (vượt theo nghĩa của Hegel, chứ không phải chống) nhưng chỉ mới ở bình diện nhận thức, chưa chuyển sang thành vận động lịch sử. Do đó, trong khi chưa có một cuộc vận động lịch sử vượt cộng-sản - hoặc do những người không cộng-sản, hay do chính những người cộng-sản làm - mọi phê bình ở ngoài cộng-sản đều có vẻ vô nghiệm. Cộng-sản vẫn tiến và không vì phê bình mà chịu lùi bước. Cho dù phê bình đó biến thành hành động chống đối, nhưng nếu chỉ là một chống đối tiêu cực, chống cộng như chống một hậu quả, thì cũng là vô nghiệm; càng vô nghiệm hơn nữa, nếu lại chống cộng bằng cách làm cho trầm trọng thêm những nguyên nhân đưa đến cộng-sản. Cộng-sản không phải là một vấn đề, nhưng xuất hiện như một giải pháp cho một sự kiện lịch sử khách quan. Đó là sự áp bức chính trị, tình trạng bất công xã hội do chế độ tư bản, đế quốc, thực dân phong kiến đề ra. Chủ nghĩa Mác không phải tự nhiên từ trên trời rơi xuống, nhưng xuất phát từ những hoàn cảnh văn hóa, chính trị xã hội nhất định vào thế kỷ XIX ở nước Đức. Mác cũng không bịa ra chế độ tư bản đế quốc. Do đó thật là lầm lẫn nếu chỉ nhằm chống cộng như một hậu quả của những đòi hỏi lịch sử trên, càng nhầm lẫn hơn nếu chống cộng bằng cách làm cho những nguyên nhân gây nên hậu quả (bất công xã hội, bóc lột kinh tế.v.v…) trở nên trầm trọng[5].
Một vài nhận xét trên cho thấy: không thể tìm hiểu chủ nghĩa Mác với một thái độ vô tư, khách quan. Vì người nghiên cứu ở trong cuộc vận động lịch sử còn đang tiến diễn của chủ nghĩa đó. Do đó bó buộc phải lựa chọn và xác định lập trường, không những về nhận thức mà cả thực tiễn tranh đấu nữa.

°

Chúng ta ở trong lịch sử, cũng như ở trong cuộc. Không thể tách khỏi lịch sử, đứng ngoài cuộc, để có thái độ khách quan, theo nghĩa vô tư, lãnh đạm trước một vấn đề không dính líu gì đến mình.
Nếu không thể tách khỏi lịch sử, thì vấn đề không phải là khách quan không có thái độ mà chỉ là vấn đề lựa chọn thái độ này hay thái độ kia. Mác thường tố cáo tính cách ảo tưởng, tự lừa dối của những thái độ mệnh danh là “khách quan” trước lịch sử, trong xã hội.
Vậy trước chủ nghĩa Mác, trước phong trào cộng-sản không thể không có thái độ và có thái độ cũng không thoát khỏi hai thái độ: chống hoặc theo.
Tuy nhiên trước khi xác định thái độ, cần giải quyết một vần đề thuộc nhận thức: chủ nghĩa Mác là đúng hay sai! Vì chống hay theo Mác-xít đã hẳn tùy ở quan điểm coi chủ nghĩa Mác là chân lý hay là sai lầm. Nhưng có thể nhận định đúng, xác thực về chủ nghĩa Mác là đúng hay sai không, vì có thể nhận định sai khi cho chủ nghĩa Mác là đúng, hoặc nhận định đúng khi cho chủ nghĩa Mác là sai. Nói cách khác, nếu không thể khách quan về lựa chọn thái độ, thì có thể khách quan về nhận thức chủ nghĩa Mác được không; nghĩa là có thể có một nhận thức khách quan, vô tư về chủ nghĩa Mác không?
Phải thú thực khó khách quan, vô tư về nhận thức đối với chủ nghĩa Mác, càng khó hơn đối với phong trào Cộng-sản, là hiện thân của lý thuyết mác-xít trong lịch sử.
Chẳng hạn những thiên kiến về tôn giáo, giáo dục, tư tưởng và nhất là những quyền lợi giai cấp thường là những nguyên nhân chính ngăn chặn một nhận thức khách quan về chủ nghĩa Mác.
Người ta có thể chống cộng nhân danh những lý tưởng cao cả: bảo vệ tự do, quyền tư hữu, nhân phẩm v.v… đôi khi một cách chân thành nhưng thực ra chỉ để bảo vệ những quyền lợi bất chính đã kiếm được hay sẽ kiếm được nhờ một xã hội bất công, một xã hội mà chủ nghĩa Mác nhằm kết án và phong trào cộng-sản nhằm tiêu diệt…
Hoặc người ta khó có thể bình tĩnh, khách quan khi nói tới cộng-sản vì những thù ghét cá nhân, gia đình đôi khi rất chính đáng; chẳng hạn trong gia đình có người bị cộng-sản giết một cách dã man, oan uổng.
Hoặc người ta dựa vào kinh nghiệm bản thân để phán đoán cộng-sản, và hơn nữa còn coi kinh nghiệm bản thân là nền tảng quyền nhận định về cộng sản, như thể người không bao giờ sống với cộng sản không có quyền và do đó không thể nhận định đúng về cộng-sản được.
Thiết tưởng dựa vào kinh nghiệm bản thân để rút ra một thái độ cho mình đối với cộng-sản là quyền của mỗi người, nhưng để rút ra một thái độ cho những người khác như thể nhận thức của mình có một giá trị tổng quát, thì e rằng quá vội vàng và do đó có thể “chủ quan” nghĩa là lệch lạc, nghĩa là “sai lầm”, vì một đàng kinh nghiệm cá nhân không thể đủ nhận định bao quát, và toàn diện về một thực tại phức tạp, một trào lưu rộng lớn như chủ nghĩa cộng-sản; đàng khác nhận thức về cộng-sản, dựa vào kinh nghiệm bản thân, thực ra chỉ là nhận thức về cộng-sản của một hoàn cảnh nhất định, một thời kỳ nhất định (chẳng hạn cộng sản Việt nam, hồi 1945) chứ không phải toàn bộ phong trào cộng-sản thế giới và sau cùng, nhận thức về cộng-sản dựa vào kinh nghiệm bản thân còn bao hàm cộng-sản như một chủ nghĩa không thay đổi trong khi sự thực, cộng-sản thay đổi cả về lý thuyết cả về tranh đấu lịch sử (cộng-sản thời Mác khác cộng-sản thời cách mạng 1917, khác cộng-sản Liên-xô thời Kroutchev)[6]. Do đó không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm bản thân sống với cộng sản trong một thời kỳ, một hoàn cảnh nhất định để đưa ra một nhận thức về cộng-sản được coi như có giá trị phổ biếnhoàn tất cho mọi người; nhất là càng không thể coi kinh nghiệm bản thân như là điều kiện độc nhất và đầy đủ để nhận thức chính xác về cộng-sản.
Nói cho công bình, đã sống với cộng sản là có điều kiện lý tưởng (nhưng không phải là độc nhất, đầy đủ) để hiểu cộng-sản, nhưng lại có cái nguy hiểm: dễ chủ quan lệch lạc, vì quyền lợi bị va chạm, vì đã là nạn nhân oan uổng, ức hiếp…
Chưa sống với cộng-sản, có thể giữ được cái nhìn thanh bình hơn nhưng lại dễ rơi vào khuyết điểm chỉ nhìn cộng sản trên bình diện lý thuyết.
Do đó nhận định về cộng-sản mà chỉ căn cứ vào lý thuyết cũng như chỉ dựa vào kinh nghiệm bản thân đều có thể lệch lạc, chủ quan, phiếm diện…
Thiết tưởng thái độ chính đáng hơn cả là căn cứ vào lý thuyết nhưng luôn luôn đối chiếu với thực tế, và trong viễn tưởng đó, người không có kinh nghiệm sống với cộng-sản phải cố gắng nhìn vào thực tế cộng-sản, dựa vào kinh nghiệm bản thân của người khác, và người có kinh nghiệm bản thân, phải cố gắng vượt khỏi kinh nghiệm bản thân để có thể tiến tới một cái nhìn khách quan hơn, bao quát hơn.
Nói cách khác, trước khi tìm hiểu Mác-xít, và muốn khách quan, phải tự kiểm thảo để tự giải thoát khỏi những thiên kiến, nhận định chủ quan, dựa vào quyền lợi tư riêng dù là quyền lợi chính đáng, phải tự phân tâm nếu cần, để thanh toán những mặc cảm sợ sệt vô thức, thường là nguồn gốc những thái độ chống cộng say mê và mù quáng, để có điều kiện tiến tới một cái nhìn xác thực hơn về cộng sản. Những đòi hỏi đó càng cần thiết khi nhân danh tìm hiểu cho những người khác và nhất là để có thái độ hiệu nghiệm đối với cộng-sản, vì theo cộng-sản mà không hiểu đúng cộng-sản cũng như chống cộng mà lại chống thứ cộng theo mình hiểu lầm, chứ không phải là theo những sự thực của nó, đều không đi đến đâu cả.
Muốn có thái độ khách quan khi nhận thức về cộng-sản cũng còn cần có can đảm nhìn nhận sự thực, mặc dù sự thật đó do Mác nói lên, vì nhìn nhận sự thực do Mác nói lên, thì đó không phải là nhìn nhận mác-xít mà chỉ là nhìn nhận chân lý. Không có chân lý tư bản, hay chân lý mác-xít. Chỉ có chân lý. Nếu mác-xít phản ảnh chân lý thì không thể chống lại mác-xít vì nó là chân lý; ngược lại, nếu mác-xít không phản ảnh chân lý, thì muốn giữ gìn bảo vệ nó cũng không được. Tự nó sự sai lầm của một phong trào sẽ bị sức mạnh tiêu biểu cho sự thực, hoặc từ bên ngoài, hoặc bên trong đánh đổ.
Sau những chú thích cần thiết trên, đặt vấn đề tìm hiểu Mác, để nhằm xác định một thái độ đối với chủ nghĩa Mác, đối với phong trào cộng-sản thế giới, và sau cùng, với chế độ cộng-sản ở Việt nam[7].
Trong dự định tìm hiểu Mác ở đây, chúng tôi không có tham vọng trình bày toàn diện chủ nghĩa Mác với những duy vật sử quan, duy vật biện chứng vô thần, hay với những quan điểm về kinh tế, chính trị, chiến lược đường lối đấu tranh…mà chỉ giới hạn vào một điểm này thôi: tìm hiểu điều mà chúng tôi gọi là “Dự phóng nền tảng của Mác”
Dự phóng này là một ý hướng nhằm giải thoát con người, toàn thể nhân loại, do đó bao hàm tính chất nhân bản. Ở nguồn gốc, khởi điểm của chủ nghĩa Mác là một nhận thức, và hơn nũa là một tình tự về con người bị “vong thân” trong chế độ tư bản. Nói “con người” chứ không nói riêng con người vô sản. Vì trong chế độ tư bản không những người vô sản bị “vong thân” mà cả người trưởng giả, tư bản cũng bị vong thân. Nói về sự vong thân của con người trong chế độ tư bản, Mác viết: “Đó là sự thua thiệt hoàn toàn của con người”.
Vậy vấn đề là tìm hiểu “dự phóng nền tảng” của Mác đã đưa Mác đến chỗ thiết lập những chủ nghĩa duy vật vô thần như thế nàotại sao. Vì đã hẳn không thể hiểu được những chủ nghĩa, những quan niệm và những đường lối tranh đấu của Mác nếu không ngược dòng trở về nguồn gốc những chủ nghĩa, quan điểm, đường lối, đó là dự phóng nền tảng của Mác. Ngoài “dự phóng nền tảng”, còn lối nhìn độc đáo của Mác nghĩa là một cách đặt vấn đề, một phương pháp phân tích, giải quyết vấn đề. Thiết tưởng đó là hai điều then chốt, như chìa khóa mở cửa đưa vào việc tìm hiểu những chủ nghĩa, lý thuyết Mác chủ trương. Nhưng nếu có những điểm không đồng ý với Mác thì nguồn gốc cũng ở tại những điều mà chúng tôi gọi là lưỡng tính của chủ nghĩa Mác, nghĩa là những mâu thuẫn, hàm hồ giữa dự phóng nền tảng, phương pháp phân tách với những chủ trương quan điểm, đường lối, chủ nghĩa.
Tuy nhiên, không thể tìm hiểu và nhận định về mác-xít mà lại bỏ qua cuộc đời và con người Mác. Vì ở nơi Mác, nhận thức gắn liền với tranh đấu, hay nói cách khác, chính Mác đã gắn liền cuộc đời của mình vào những mục tiêu tranh đấu mà Mác đã nhận thức và tin tưởng là chân lý.
Do đó, tìm hiểu cuộc đời Mác là tìm hiểu chủ nghĩa Mác, phong trào cộng-sản. Và đó là một cuộc đời đáng phục. Người ta có thể không đồng ý về điểm nọ điểm kia trong những chủ trương lý thuyết của Mác, nhưng khi đọc đời sống của Mác, nhìn con người Mác sống và tranh đấu, không thể không coi Mác là người “công chính” hay yêu chuộng sự công chính.

°

Tập biên khảo này có hai phần.
Phần I: Giới thiệu sơ lược cuộc đời Marx và suy nghĩ về cuộc đời đó
Phần II: Tìm hiểu dự phóng nền tảng, phương pháp của Marx và những lưỡng tính của chủ nghĩa Marx (chú thích của người đánh máy: tập II này đã không được xuất bản).

°

Chú thích:
[1] Xem tài liệu in Ronéo Triết Học Đức sau Kant: Fichte, Shelling, Hegel, dành riêng cho chứng chỉ Lịch sử Triết Học Tây phương, Trường Đại Học Văn Khoa Saigòn. Tập biên khảo về Marx nầy cũng rút ra từ những tài liệu giảng dạy trong chứng chỉ trên.
[2] Les Catholiques et le socialisme – báo Action 2-4-1945
[3] Xem “Những tình bạn dang dở” của tác giả trong số báo “Văn 17” đặc biệt về J. P. Sartre.
[4] E. Mounier, tạp chí ESPRIT, 1946, trang 167.
[5] Xem thêm “Từ sự thất bại của các đảng phái quốc gia đến sự phá sản của tầng lớp trưởng giả thành thị..” của tác giả: Hành Trình số 1.
[6] Chẳng hạn có thể đọc le Marxisme en Union Soviétique của Linh mục Henri Chambre. E. du Seuil 1955, khảo sát sự biến thiên của chủ nghĩa Marx từ 1917 đến bây giờ ở Nga như thế nào về mọi phương diện, gia đình, pháp lý, nhà nước, tôn giáo v.v… hoàn toàn căn cứ vào tài liệu Liên-xô trong một tinh thần nghiên cứu khoa học khách quan.
[7] Về những lập trường cụ thể này, tuy chúng tôi chưa có dịp trình bày thành một hệ thống mạch lạc, những nét chính đã được phác họa trong các bài nghiên cứu ở tạp chí Hành Trình.