THỜI ĐẠI

Mác sinh ra ở một thời Âu-Châu bắt đầu bước vào cuộc phát triển kinh tế nhanh chóng với sự hình thành của chủ nghĩa tư bản. Đó cũng là thời hình thành những ý tưởng, lý thuyết xã hội bắt nguồn từ những thay đổi, xáo trộn các nếp sống do chế độ tư bản gây ra.
Một biến cố chính trị đánh dấu sâu đậm thời trẻ này là cuộc cách mạng Pháp, đã đánh đổ nền quân chủ và chế độ phong kiến để thiết lập một xã hội trưởng giả phù hợp với nhu cầu lãnh đạo những phương thức sản xuất mới.
Tuy nhiên nước Đức, so sánh với nước Anh và nước Pháp, chưa phải chứng kiến sự tranh chấp quyết liệt giữa những lực lượng phong kiến đang tàn và những lực lượng trưởng giả đang lên do sự phát triển kỹ nghệ gây nên, vì nước Đức, dưới thời Frédéric II, vẫn còn, về căn bản, ở tình trạng phong kiến, tiểu công nghệ và canh nông.
Dầu vậy, những ý tưởng của cách mạng Pháp cũng tràn sang Đức và ảnh hưởng mạnh mẽ hơn cả ở giới trí thức, dần dần tạo ra một khuynh hướng tự do, dân chủ, chính trị nhằm chống lại sự lệ thuộc nước Pháp, và chế độ quân chủ Đức. Một tổ chức liên kết sinh viên được thành lập "Burschnachaft" với sự tham gia của một số giáo sư cấp tiến. Tổ chức này vừa thành lập đã bị thế lực quân chủ phong kiến thẳng tay đàn áp, vì chưa dựa trên một tầng lớp xã hội nào (tầng lớp trưởng giả còn non yếu) nên tổ chức bị tan rã; nhưng những phần tử trung kiên nhất lại lập ra một hội kín lấy tên là "Hội đoàn những người không chịu khuất phục" (Bunderundedingten) không ngần ngại dùng tới cả những biện pháp khủng bố, ám sát.
Bị giải tán, đàn áp, phong trào đòi tự do, dân chủ chuyển sang phạm vi đấu tranh chính trị bằng văn học. Một tổ chức gọi là "Nước Đức mới" được thành lập do một nhóm nhà văn trẻ tuổi như Gutskow, Laube, Borne và Heine nhằm mục đích chống lại những khuynh hướng lãng mạn, thoát ly trong nghệ thuật và phản ảnh những khát vọng xã hội, chính trị của thời đại mình bằng văn chương. Hai nhà văn tiêu biểu nhất của phong trào này là Borne và Heine, cả hai đều phải sang trú ngụ ở Paris sau cách mạng 1830. Họ muốn lấy nước Pháp dân chủ, tiến bộ chống lại nước Đức quân chủ, bảo thủ. Borne đặc biệt chú ý tới những khát vọng chính trị. Ông mơ ước thành lập một nền Cộng hòa, chấm dứt chế độ chuyên chế của vua chúa để thực hiện những lý tưởng dân chủ bình đẳng mà có lẽ ông tiếp nhận được khi ông dịch cuốn "Lời của một người tin" (Paroles d' un croyant) của Lammenais. Trái với Borne, H. Heine lại chú trọng nhiều đến những vấn đề xã hội. Vấn đề cốt yếu, đối với Heine, không phải ở chỗ thiết lập một nền cộng hòa thay thế quân chủ chuyên chế, nhưng là xóa bỏ những lầm than xã hội như ông đã viết thư gửi cho Laube: "Anh hơn hẳn những người khác đã chỉ thấy cái vẻ bề ngoài của cuộc cách mạng mà không hiểu những vấn đề sâu xa liên hệ đến nó. Những vấn đề này không phải thuộc về hình thức Quốc gia, nhân vật, cũng không phải thuộc về thiết lập một nền cộng hòa hay hạn chế nền quân chủ, nhưng là có mực tiêu nâng cao đời sống vật chất của dân chúng. Tôn giáo duy tâm, vẫn ngự trị từ trước đến nay, đã ích lợi và cần thiết bao lâu đa số dân chúng còn sống trong cảnh lầm than và thỏa mãn với những an ủi mà tôn giáo đem đến cho họ. Nhưng từ khi những tiến bộ kỹ nghệ và kinh tế đã làm cho người ta có thể thoát khỏi sự lầm than với hy vọng hạnh phúc ngay ở trên đời này, thì từ lúc đó anh hiểu tôi và những người khác cũng hiểu chúng ta nữa, khi chúng ta nói với họ rằng trong tương lai, họ sẽ được hằng ngày ăn thịt bò thay vì khoai tây, họ sẽ làm việc ít hơn, và khiêu vũ nhiều hơn. Anh hãy tin điều đó đi, con người ta không phải đàn lừa đâu".
H. Heine đã tin rằng có thể kết hợp cuộc cách mạng Pháp và tư tưởng triết học Đức để thực hiện một cuộc cách mạng không những về chính trị và tinh thần, mà còn cả về xã hội, thay đổi tận cơ cấu những nếp sống, chế lập xã hội tôn giáo, nhà nước và giáo hội.
Phong trào "Nước Đức trẻ" gây ảnh hưởng trong văn giới, là một giới thường lãnh đạm với những vấn đề xã hội, chính trị, nhưng khi nhận thấy tính chất "nguy hại" của nó, các chính phủ Đức đã ra lệnh cấm bán sách báo do phong trào này xuất bản.
Đồng thời với sự hình thành và phát triển phong trào "tự do" phản ảnh những khát vọng của tầng lớp trưởng giả đang lên, một tầng lớp khác cũng thoát thai từ sự phát triển kinh tế kỹ nghệ: tầng lớp lao động, có tính chất xã hội chủ nghĩa hay cộng sản.
Xã hội chủ nghĩa (socialisme) xuất hiện ở Đức vào cuối thể kỷ XVIII, dưới hình thức lý thuyết và có tính chất văn chương, không tưởng, cũng tương tự như ở Pháp thời trước cách mạng. Những nhà lý thuyết và xã hội chủ nghĩa đầu tiên như Saint Simon, Fourier còn rất không tưởng.
Đứng trước sự phát triển nhanh chóng của kỹ nghệ tư bản, Saint Simon nhìn nhận kỹ nghệ chứ không phải là nông nghiệp là nguồn gốc của cải, giàu có. Nhưng sự phát triển kỹ nghệ mau lẹ cũng gây nên nhiều bất công trong việc phân phối lợi tức, nhiều xáo trộn, hỗn loạn trong việc cạnh tranh sản xuất, buôn bán... Do đó muốn chấn chỉnh lại xã hội, phải tiến tới một tổ chức hợp lý về sản xuất, do nhà nước lãnh đạo.
Fourier cũng nhận thấy những xáo trộn, mâu thuẫn trong sự phát triển kinh tế theo chiều hướng cạnh tranh tự do đưa đến hậu quả này, là sự nghèo nàn cùng cực do sự giàu có mà ra. Nói cách khác, làm cho đa số càng nghèo đi và thiểu số càng giàu lên. Để chống lại tình trạng trên, Fourier không chủ trương để cho nhà nước can thiệp như Saint Simon, mà chủ trương một tổ chức hợp lý do sự ưng thuận và hợp tác giữa tư bản và cần lao. Điểm đặc biệt, và do đó có tính chất không tưởng của Saint Simon và Fourier, là cả hai đều không quan niệm lấy hoạt động cách mạng và sự đấu tranh giai cấp như một động lực chủ yếu thay đổi xã hội, mà chỉ muốn sửa chữa xã hội tư bản bằng những tổ chức hợp lý về sản xuất, không tưởng vì tin vào lòng tốt, thiện chí của Tư bản.
Trong khi thợ thuyền trỗi dậy, thì nông dân cũng đứng lên chống lại phong kiến và trưởng giả đang lên. Cuộc trỗi dậy này do một mục sư cấp tiến tên là Weidig và một sinh viên là G. Buchner lãnh đạo. Khác với những nhà tư tưởng tự do chỉ đòi hỏi những cải cách chính trị, mục sư Weidig, cựu hội viên tổ chức "Hội đoàn những kẻ không chịu khuất phục", chủ trương cải tạo xã hội bằng hoạt động cách mạng của quần chúng nhằm tiêu diệt lầm than xã hội, vì theo ông sự áp bức xã hội còn xấu xa và phi luân hơn sự áp bức chính trị, và điều quan trọng trước tiên là người thợ, người nông dân phải được đủ ăn. Mục sư đi thuyết phục nông dân vùng Hesse, chứng minh cho họ hiểu họ là những người bị bóc lột vì phải chịu đủ mọi thể thức, và những luật lệ của nhà nước chỉ có mục đích biện hộ, duy trì sự bóc lột đó. Công cuộc vận động của mục sư Weidig tương tự như phong trào cộng sản "Âm mưu của những người bình đẳng" (Conspiration des Égaux) do Babœuf lãnh đạo nhằm thiết lập một nền cộng hòa dựa trên ý niệm bình đẳng, không những về pháp lý, chính trị mà nhất là về xã hội bằng tranh đấu xã hội của quần chúng lao động. Nhưng cũng như Babœuf bị xử tử (1797) và sau đó phong trào "Âm mưu của những người bình đẳng" tan vỡ, Weidig cũng bị bắt giam cầm, rồi sau cũng chết vì tra tấn trong ngục tù và phong trào nông dân nổi dậy bị giải tán. Sau những vụ bị đàn áp các phong trào cách mạng ở Đức, Thụy sĩ và Pháp trở thành đất nương náu của những lãnh tụ cách mạng và do đó cũng trở thành trung tâm hoạt động cách mạng mới. Ở Thụy sĩ, một phong trào "Nước Đức Mới" được thành lập, không phải dưới hình thức văn nghệ như ở Đức trước đây, nhưng dưới hình thức hoạt động cách mạng, chủ trương xã hội chủ nghĩa. Ở Pháp, sau cách mạng 1830, những người "lưu vong" cũng thành lập một tổ chức "Hội đoàn bình dân Đức" nhằm ủng hộ báo chí tiến bộ. Bị giải tán năm 1833, tổ chức được thành lập lại năm 1834 dưới hình thức một hội kín: "Liên đoàn Đức những người bị lưu đày" (Ligue allemande des Proscrits), nhằm tranh đấu cho một nước Đức tự do dân chủ phù hợp với những nguyên tắc của hiến chương nhân quyền. Nhưng ngay từ lúc đầu, Liên đoàn đã chia ra làm hai khuynh hướng, dân chủ tự do và xã hội chủ nghĩa, và cuối cùng phải tách ra thành hai tổ chức. Khuynh hướng xã hội gồm những thành phần lao động không thể thỏa mãn với những đòi hỏi chính trị, trừu tượng như dân chủ tự do mà không kèm theo một thay đổi xã hội xóa bỏ bất công, ưu đãi, đã bày tỏ nguyện vọng của mình qua tiếng nói của T.Schuster, cựu giáo sư đại học Gottingen trong tờ "Người lưu đày" nội san của liên đoàn: "Nếu một phần công dân nghèo đói, còn một phần giàu được ăn học mà lại xấu, thì tất cả những luật lệ của thế giới không thể ngăn cản được sự kiện lớp người thứ nhất trở thành nô lệ và lớp người thứ hai đầy đủ mọi thế lực: Từng triệu bạc trong tay một người và tự do cho tất cả là những điều kiện không thể dung hòa được, chẳng khác gì không thể dung hòa được Bảo hoàng và Dân chủ... Để dân chúng tiến lên ánh sáng, một cuộc cách mạng tương lai phải lật đổ không phải ông vua mà là chế độ quân chủ. Chế độ này không phải chỉ được cấu tạo bằng những huy hiệu, triều thiên mà là bằng những ưu đãi và ưu đãi lớn nhất là của cải giàu có".
Schuster và một nhóm đồng chí khác tách khỏi liên đoàn, thành lập năm 1836 "Liên đoàn những người công chính" (Ligue des Justes): theo khuynh hướng cộng sản gồm đa số thợ thuyền và một thiểu số trí thức. Liên đoàn vừa bắt liên lạc với "Hội nhân quyền" vừa bí mật liên lạc với các nhà cách mạng Đức lẩn trốn ở Thụy sĩ, Anh. Năm 1839 Liên đoàn bị liên can vào những cuộc vùng dậy do hội nhân quyền tổ chức. Do đó một phần hội viên phải di cư sang Anh. Chính những phần tử này về sau sẽ cùng Marx, Engels thành lập "Liên đoàn những người cộng sản".
Sở dĩ những phong trào cách mạng trên lần lượt bị đàn áp, phân tán là vì chưa được một tầng lớp đông đảo, có ý thức tranh đấu và có tổ chức chặt chẽ nâng đỡ, ủng hộ. Những chính quyền phản động, bảo thủ tương đối còn mạnh, nhất là cảm thấy cùng đứng trước một nguy cơ chung, họ đoàn kết lại để chống đối, đàn áp. Những hoạt động cách mạng tạm lắng xuống thì những hoạt động tư tưởng lại bùng lên. Phong trào này gọi là: "Nhóm thiên tả về triết học Hegel" và tiếp tục phong trào "Nước Đức mới". Tư tưởng ở Đức lúc đó do ba nhà triết học nổi tiếng chi phối: Fichte, Schelling, Hegel. Họ tạo lập ra học thuyết duy tâm, nghĩa là một triết lý cho rằng nguồn gốc mọi thực tại là tinh thần. Nhưng tinh thần chỉ là tinh thần biết mình là tinh thần nếu "phóng ngoại" nhập thế. Do đó, vật chất lịch sử là những biểu lộ hữu hình của tinh thần. Cái thực tại mà thực chất là tinh thần này cũng là thực tại sống động, chuyển biến, không im lìm, không ngưng đọng, do đó phải tìm hiểu theo quá trình phát sinh hình thành, diễn biến của nó. Sự phát sinh và diễn biến của thực tại chủ yếu căn cứ vào mấy định luật chính, mà định luật căn bản là sự mâu thuẫn. Nhưng tất cả những sinh hoạt trên đều là sản phẩm của tinh thần và rút cục, đưa trở lại thành tinh thần. Từ mấy điểm căn bản trên của triết lý duy tâm, nảy ra hai khuynh hướng: khuynh hướng thiên hữu và bảo thủ, coi triết lý Hegel như một hệ tư tưởng biện hộ cho việc duy trì chế độ quân chủ và tình trạng xã hội đương thời, và khuynh hướng thiên tả, coi triết học Hegel như một động cơ cải tạo xã hội bằng những phê phán, tôn giáo, hệ tư tưởng, chế lập chính trị xã hội với những người như Feuerbach, Strauss, và sau cùng bằng thực tiễn cách mạng với Mác... Nói cách khác, những người "thiên tả" theo Hegel tuy có chỉ trích và chủ trương cách mạng, nhưng lại tin rằng có thể xóa bỏ tôn giáo, cải tạo xã hội chỉ bằng phê phán lý thuyết. Đến Mác, mới thực sự coi việc cải tạo xã hội, xoá bỏ tôn giáo chủ yếu là một hành động cách mạng.
Mác đã sinh ra trong một bầu không khí văn hóa chính trị, xã hội có những biến đổi xáo trộn về trật tự xã hội, có sự hình thành manh nha những ý tưởng xã hội triết lý cách mạng. Sự nghiệp của Mác là tiếp nhận những cái "tích cực" của những người đi trước để thiết lập một chủ nghĩa đã và còn đang tác dụng lớn lao vào lịch sử.