Báo “Thanh Tra online” (thanhtra.com.vn) 10-04-08, trong mục “Phòng, chống tham nhũng” có bài viết Hoàn thiện đề án kiểm soát thu nhập người có chức vụ, quyền hạn của Hạnh Nguyên, đã nhấn mạnh: “Kê khai tài sản - Giải pháp quan trọng về phòng ngừa tham nhũng”. Vietnamnet, 24-11-2008, đưa tin: Nhiều bức xúc của cử tri về... đã được nói với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng sáng 24-11 tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội sau kỳ họp thứ 4 của Quốc hội. Cử tri Phạm Đạt (phường Giảng Võ) cho rằng việc giám sát lời hứa của các bộ trưởng sau phiên chất vấn không chỉ là trách nhiệm của đại biểu Quốc hội mà còn là nghĩa vụ của cử tri. Nhưng do không có thông tin nên cử tri khó giám sát. "Bộ trưởng hứa mà không thực hiện lời hứa thì sẽ dễ bị nhờn", ông Đạt lo ngại. Cử tri này dẫn chứng, ngay như việc kê khai tài sản mà Thanh tra Chính phủ đang thực hiện với chủ trương công khai, minh bạch để chống tham nhũng, nhưng người dân cũng không được cung cấp thông tin, không biết gì để cùng giám sát. Nhân đây, xin được lạm bàn đôi lời: Làm sao mà cái việc “kê khai” và “công khai” tài sản công chức nhà nước ta lại cứ khó khăn đến thế? Xưa các cụ dạy “Cây ngay không sợ chết đứng!”; thế thì vì lẽ gì, mà nhiều vị quan chức ta cứ né tránh mãi như vậy? Cái công việc kê khai và công khai ấy thực ra rất bình thường, rất đơn giản. Vì lẽ, nếu chỉ là một viên chức quèn thôi, thì việc thống kê tài sản của ông ta hết bao lăm thời gian, công sức? Kê rồi thì công khai toẹt ra trước mọi người, có gì mà phải ngại, bởi đó là tài sản chính đáng do công sức mình và gia đình mình làm ra? Người ở diện phải kê khai mà băn khoăn, đã đành; người có trách nhiệm thay mặt dân, đưa việc đó thành quy chế, luật lệ cũng ngại luôn, thì thật không sao lý giải nổi! Thế mà chúng ta cứ luôn được nghe: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”! Chúng ta còn thường xuyên nói rất hay: Dân làm chủ, cán bộ là nô bộc. Vậy mà ông chủ lại không được quyền hỏi xem, nô bộc của mình có những tài sản gì, là cớ làm sao? Thực ra, bản thân từ “kê khai” đã bao hàm cả hai nội dung kê và khai rồi. Kê mà không công khai, là kiểm kê nội bộ – một công việc thường niên ở các cơ quan, doanh nghiệp; không công khai rộng rãi, nhưng vẫn phải báo cáo với cấp có thẩm quyền. Kê mà chỉ khai trong phạm vi hẹp, dễ trở thành... khai trong cánh hẩu với nhau! Cần phải khẳng định rằng, kê mà không khai, cũng chẳng khác gì khai mà không kê – nghĩa là đều vô nghĩa như nhau! Tách nội dung kê ra khỏi nội dung khai, chỉ là một trò chơi chữ. Chơi chữ cả với dân là điều không thể chấp nhận được! Công khai là gốc của minh bạch. Đã không minh bạch thì đừng nói đến chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng. Minh thì hoàn toàn có thể bạch; không minh thì không chính; không chính tất mờ ám! Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã nói bên hành lang Quốc hội: “... đã công khai minh bạch thì không có chuyện gì có thể giấu diếm được mắt người dân” (Báo Thanh tra số 89, ngày 7-11-2006). Như vậy, vấn đề cốt lõi của kê khai là phải giải đáp được cùng một lúc hai câu hỏi: “Kê khai để làm gì?” và “Kê khai với ai?”. Và câu trả lời đúng đắn nhất, chỉ có thể là: Kê khai phải nhằm vào mục tiêu ngăn chặn hành vi lợi dụng chức quyền tham nhũng của một bộ phận cán bộ có chức có quyền; và do vậy, việc kê khai phải đặt dưới sự giám sát của nhân dân. Công khai rộng rãi mọi việc là cách tốt nhất để cơ quan công quyền gắn bó với dân. Kê phải đi đôi với công khai, mới minh bạch, mới đúng đường lối của Đảng và mong mỏi của dân – Không thể hiểu khác! MỜI ĐỌC THÊM: Tuổi Trẻ Online - thứ năm, 5-2-09: Ngày 3-2-2009, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 656-VPCP-KTNT truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ phê bình các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu theo quy định của pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập (Nghị định số 37-2007-NĐ-CP của Chính phủ). Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành việc kê khai phải thực hiện nghiêm túc công việc này. Theo quy định, việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu phải hoàn thành trước ngày 31-12-2007. Tuy nhiên, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, đến ngày 20-12-2008 mới có 19 cơ quan ở trung ương và 10 địa phương báo cáo đã thực hiện xong. Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ:Tham nhũng không giấu được dư luận đâu! (ngày 25-5-2005): - Có một điều ở đây cần làm rõ: Ở ta có kê khai nhưng chưa công khai, thưa ông? - Như thế đâu được. Kê khai như thế thì như chẳng kê khai. Tức là anh còn sợ. Anh làm cho tiêu cực có cách lẩn tránh…