Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê
CHƯƠNG III (2)

4. Tuân tử, nhà thực tế 

Tính ác – Sự cần thiết của luật pháp

 

Triết lí của Mạnh tử có nhược điểm và các nhà đồng thời với ông hoan hỉ đánh vào chỗ yếu đó. Tính con người có thực là thiện không, có thực là vì chế độ xấu xa nên con người mới làm điều ác không, hay trái lại chính vì tính con người vốn ác nên xã hội mới xấu xa? Có lẽ lần này là lần đầu sự xung đột dữ dội từ thời nào tới giờ giữa hai phái canh tân và thủ cựu mới được nêu ra một cách minh bạch như vậy. Sự phát triển giáo dục có làm cho tội ác bớt đi, đạo đức tăng lên không, và có giúp cho nhà cầm quyền dắt dẫn con người tới cảnh cực lạc ảo tưởng, tới hoàng kim thời đại không? Bọn hiền triết có tư cách cầm quyền không, hay là trái lại áp dụng lí thuyết của họ thì chỉ làm cho xã hội hỗn loạn thêm thôi, chứ không bớt đi như họ tưởng?
 
Người phản đối Mạnh tử, vừa cương quyết vừa tài giỏi nhất là một công chức [quan lệnh ở Lan Lăng, nước Sở], tên là Tuân Huống, tự là Khanh, sanh ở nước Triệu, mất vào khoảng 235 trước T.L., hồi bảy chục tuổi. Mạnh tử cho rằng mọi người sinh ra vốn tính thiện, Tuân tử trái lại bảo họ vốn tính ác; ngay như vua Nghiêu, vua Thuấn sanh ra cũng có những bản năng xấu xa.
 
Trong cuốn Tuân tử, chúng ta thấy giọng ông không khác gì giọng của Hobbes sau này:
 
Tính con người vốn ác, cái gì thiện là do con người đặt ra[1]. Tính con người sinh ra là hiếu lợi, thuận theo tính đó thì thành ra tranh đoạt lẫn nhau mà sự từ nhượng không có; sinh ra là đố kị, thuận theo tính đó thì thành ra tàn tặc, mà lòng trung tín không có; sinh ra có lòng muốn của tai mắt, có lòng thích về thanh sắc, thuận theo tính đó thì thành ra dâm loạn mà lễ nghĩa, văn lí không có. Như thế thì theo cái tính của người ta, thuận cái tính của người ta, tất sinh ra tranh đoạt, phạm vào quyền lợi của nhau, làm loạn cái lí mà mắc cái lỗi tàn bạo. Cho nên phải có thầy có phép để cải hoá (cái tính) đi, có lễ nghĩa để dắt dẫn nó, rồi sau mới có từ nhượng, hợp văn lí và thành ra trị. [Tính ác].
 
Đời xưa thánh nhân biết tính người là ác… cho nên khởi xướng ra lễ nghĩa và chế định ra pháp độ để uốn nắn cái tính của người ta mà chính lại để nuôi hoá cái tính tình của người ta mà dắt dẫn, khiến cho theo cái trị, hợp với cái đạo. [Tính ác].
 
Tuân tử kết luận như Tourgueniev [một văn sĩ Nga ở thế kỉ XI] rằng thiên nhiên không phải là một đền thờ mà là một cái xưởng, nó cho ta nguyên liệu rồi trí tuệ của ta phải chế tạo ra hết. Ông nghĩ rằng khéo dạy dỗ thì có thể làm cho kẻ ác thành ông thánh. Và vì ông cũng là một thi sĩ nên đem tư tưởng của Francis Bacon[2] đặt thành vè[3]:
 
Tôn trọng trời [thiên nhiên] mà mến trời thì sau bằng để cho vật súc tích nhiều, ta tài chế nó mà dùng? Theo trời mà ngợi khen trời thì sao bằng tài chế cái mệnh trời mà dùng? Trong mong thời [tiết] mà đợi thời thì sao bằng ứng thời mà điều khiển thời? Nhân những vật đã có sẵn mà mong cho nó nhiều ra thì sao bằng dùng tài trí của mình mà biến hoá ra cho nhiều? [Thiên luận].
 

4. Trang tử, nhà duy tâm 

Ttở về thiên nhiên – Một xã hội không có chính quyền – Đạo trời – Giới hạn của tri thức – Sự tiến hoá của loài người – Thợ đúc lớn (tức tạo hoá)  – Ảnh hưởng triết học Trung Hoa tới châu Âu

 

Khó mà tả được cái ý trở về thiên nhiên, vì thời đó cũng như mọi thời khác, bao giờ cũng có những người bênh vực nó; và do một sự ngẫu nhiên lạ lùng, chính triết gia bênh vực nó thời Chiến Quốc cũng là nhà văn có tài nhất đương thời.
 
Trang tử yêu thiên nhiên như yêu một cô tình nhân duy nhất vào tuổi và lúc nào cũng sẵn sàng đón ông dù ông có lúc tình phụ nàng[4]; tác phẩm triết lí của ông có cái giọng vừa lãng mạng nên thơ như Rousseau, vừa trào phúng cay độc như Voltaire (…) Trang tử vừa là một triết gia vừa là một văn hào. 
 
Ông sanh ở nước Tống, mới đầu làm một chức lại (quan nhỏ) ở Tất Viên. Ông cũng lại triều đình các vua chư hầu như Mạnh tử nhưng trong các tác phẩm của Mạnh và Trang lưu lại, không thấy người nào nhắc tới người kia; có lẽ họ quí nhau cũng như thói thường các người sống cùng thời vậy! [Trang tử kém Mạnh tử khoảng mười tuổi].
 
Sử chép ông hai lần từ chối những chức vụ quan trọng khi vua Nguỵ vời ông làm tể tướng, ông đuổi sứ giả của nhà vua về mà giọng xẵng như giọng một văn sĩ bị người ta quấy rầy trong lúc đang mơ mộng: “Dông đi, đừng làm bẩn mắt tôi nữa. Thà ta lết trong một cái rãnh đầy bùn và rác; còn hơn là chịu những lễ nghi bó buộc của triều đình”[5].
 
Lần khác ông đương câu cá, hai vị đại phu nước Sở đem lễ vật mời ông ra làm quan. Chính ông kể lại[6] rằng ông cứ thản nhiên tiếp tục câu, không thèm quay đầu lại đáp: “Ta nghe nói vua Sở có một con rùa thần chết đã ba ngàn năm, vua quí nó lắm, cất nó ở trong miếu đường, trong một cái giỏ có phủ tấm lụa. Con rùa ấy thích chết để cái mai được kính trọng như vậy hay thích sống để lết cái đuôi trong bùn?”. Hai vị đại phu kia đáp: “Sống mà lết cái đuôi trong bùn sướng hơn chứ!”. Trang tử bèn bảo: “Thôi về đi. Ta đây cũng tiếp tục lết cái đuôi trong bùn”. [Thu Thuỷ].
 
Ông không trọng gì quốc gia hơn vị tôn sư của ông, Lão tử. Ông thích vạch ra cho ta thấy bọn vua chúa có những đức tính giống với bọn đạo chích. Nếu trong một lúc mềm lòng mà một hiền triết chân chính phải lãnh nhiệm vụ cai trị dân thì tốt hơn hết là đừng làm gì cả [vô vi], cứ để cho dân tổ chức lấy những cơ quan địa phương theo kinh nghiệm của họ. “Phải mặc kệ thiên hạ, đừng can thiệp vào, đừng cai trị” [Tại hựu]. Trong hoàng kim thời đại, trước khi có những ông vua đầu tiên, làm gì có những chính thể nào đâu; từ khi có Khổng tử cả Trung Quốc tôn thờ vua Nghiêu, vua Thuấn; đáng lẽ phải bêu xấu hai ông đó mới phải, vì họ bày đặt ra quốc gia, diệt mất cái hạnh phúc của loài người thời nguyên thuỷ. “Thời rất có đức thì loài người cùng sống với cầm thú, tụ họp với mọi loài như cùng một họ, đâu có phân biệt quân tử tiểu nhân” [Mã đề].
 
Trang tử cho rằng bậc hiền nhân phải trốn ngay đi khi chỉ mới ngờ rằng có tổ chức chính quyền, và phải sống thật xa bọn vua chúa và triết gia. Phải tìm cảnh thanh tĩnh (đề tài này được mấy ngàn hoạ sĩ Trung Hoa đưa lên tranh), bỏ đời sống giả tạo đi, đừng suy tư nữa, để hoà mình với cái Đạo, nghĩa là với dòng sống thâm áo của thiên nhiên. Phải nói rất ít, vì lời nói có hại cũng ngang với có ích, mà cái Đạo không thể giảng được, cũng không thể quan niệm được bằng tư tưởng thuần tuý, phải có nó trong huyết quản của mình mới được. Liệng bỏ cơ giới đi, mà dùng những dụng cụ cùng những phương pháp có khi mệt sức hơn của những người chất phác thời cổ, vì cơ giới sinh ra cơ tâm, sinh ra giao động trong lòng, và tạo ra sự bất bình đẳng, thành thử không ai sống yên ổn giữa các máy móc được. Bậc hiền nhân không nên có của cải gì cả, đừng dùng vàng; phải như Timon[7] để thứ kim loại ấy nằm yên trong lòng đất, còn trân châu thì để yên chúng dưới đáy biển. Phải rán hiểu rằng “vạn vật chỉ là một, mà sinh tử cũng như nhau” [Thiên Địa], như nhịp tuần hoàn của thiên nhiên, như những đợt sóng trên biển.
 
Trọng tâm tư tưởng của Trang tử cũng như của triết gia nửa thần thoại, Lão tử, mà Trang coi là sâu sắc hơn Khổng tử nhiều, là một ảo tưởng huyền bí về một cái vô ngã, rất gần với đạo Phật và các Upanishad trong các kinh Vệ Đà, khiến chúng ta phải ngờ rằng các thuyết siêu hình của Ấn Độ đã truyền qua Trung Quốc ít nhất là bốn thế kỉ trước khi đạo Phật vô Trung Quốc. Đành rằng Trang Tử theo thuyết bất khả tri, thuyết định mạng lại bi quan nữa, nhưng ông vẫn được coi là một vị thánh về chủ nghĩa hoài nghi, một người say mê cái Đạo. Tinh thần hoài nghi của ông hiện rõ trong truyện dưới đây:
 
Cái bóng lờ mờ của cái bóng hỏi cái bóng: “Lúc nãy anh đi, bây giờ anh ngừng, lúc nãy anh ngồi, bây giờ anh đứng. Sao anh không có một thái độ độc lập?
 
Cái bóng đáp: “Tôi tuỳ thuộc một cái gì đó chăng? [cái gì đó là cái hình], cái gì đó lại tuỳ thuộc một cái khác chăng?... [Tề vật luận].
 
Làm sao tôi có thể cho anh biết được vì lẽ gì tôi làm việc này mà không làm việc kia? Khi cơ thể tan rã thì cái thần cũng phân tán, điều đó chẳng buồn ư? Chúng ta thấy vạn vật đều lớn lên rồi đều tiêu tan mất mà chúng ta không biết cái gì gây ra sự biến đổi đó bắt đầu thành hình từ lúc nào, chết và tiêu tan vào lúc nào? Chúng ta đành phải đợi thôi, không còn cách gì khác… [Sơn mộc].
 
Trang tử biết rằng những vấn đề đó sở dĩ đặt ra, do bản thể của sự vật thì ít mà do sự bất năng của trí óc ta thì nhiều. Chúng ta đừng nên ngạc nhiên rằng bộ óc bị tù hãm của chúng ta có cố gắng bao nhiêu cũng không hiểu được vũ trụ; nó chỉ là một phần cực nhỏ trong vũ trụ cho nên suy luận chỉ đưa tới mâu thuẫn lẫn lộn. Gắng giảng toàn thể bằng một phần tử nhỏ, là một việc làm tự phụ vô cùng, chỉ có thể tha thứ được vì nó gây cho ta được một niềm vui, vì sự hài hước cũng như triết lí, chỉ là nhìn thấy một phần trong cái toàn thể, mà cái này (triết lí), thì phải có cái kia (hài hước). Trang tử bảo cái “trí” không thể giúp ta hiểu sự sinh trưởng của đứa bé. “Sở dĩ người ta tranh biện nhau vì người ta không hiểu rõ”, cho nên muốn hiểu cái Đạo thì phải bỏ hết không một chút do dự, những phương tiện thông thường của tri thức đi, phải quên tất cả các thuyết đi, và phải “cảm thấy” sự kiện. Giáo dục không giúp ta được gì trong sự tìm hiểu, nắm được sự thực đó. Điều quan trọng nhất là phải hoà mình vào thiên nhiên.
 
Nhưng cái Đạo mà chỉ có một số rất ít người thần bí đặc biệt có thiên tư hiểu được đó là cái gì?[8] Không thể diễn tả nó bằng lời được. Chúng ta mắc biết bao nhiêu mâu thuẫn khi bảo nó là các Đơn nguyên, hoặc sự sinh sinh hoá hoá của vạn vật, hoặc cái luật tuần hoàn chi phối sự sinh sinh hoá hoá ấy; nhưng tất cả các định nghĩa ấy đều thiếu sót. “Nó đã có từ thời nào tới giờ, từ khi chưa có trời có đất nữa”. Trong cái hợp nhất ấy không có những mâu thuẫn, những sự dị biệt, những sự đối lập nữa; trong cái “nhất” ấy không có thiện ác, trắng đen, đẹp xấu, lớn nhỏ. “Chỉ khi nào người ta hiểu rõ rằng Trời Đất chỉ nhỏ như hột thóc mà cái mảy lông lại lớn như hòn núi, thì mới biết rõ sự tương đối của vạn vật”[9] [Thu thuỷ]. Trong cái thực thể mơ hồ ấy, không hình thể gì hằng cửu, không hình thể nào có đủ tự tính để biến thành một hình thể khác trong cuộc biến hoá.
 
Phôi chủng nhiều vô cùng[10]. Thứ này gặp nước thì thành loại “kế”[11], thứ kia gặp nước thành rêu. Nếu ở trên cao thì thành “lăng mã”, nếu nó gặp phân thì thành loại cây “chân quạ”. Rễ của “chân quạ” thành sâu, lá nó thành bướm. Những con này lâu lâu biến thành trùng sống ở bếp, tình trạng như xác ve sầu. Sau ngàn ngày nó thành con chim… Từ những cây tre già sinh ra một con vật bò sát gọi là con “thanh ninh”, con “thanh ninh” sinh ra con “trình”, con “trình” sinh ra con ngựa, con ngựa sinh ra con người, người lại trở về cái “cơ”. Vạn vật sinh từ cái cơ rồi lại trở về cái cơ[12] [Chí lạc].
 
Thuyết đó không sáng sủa bằng thuyết Darwin, nhưng không phải là vô ích. Trong cái chu kì bất tuyệt ấy, loài người cũng có thể chịu nhiều sự biến đổi; cái hình thể của chúng ta ngày nay chỉ là phù du, và nếu đứng vào phương diện vĩnh cửu mà xét, thì hình thể của ta chỉ là một thực thể bề ngoài thôi, một mảnh của cái màn ảo tưởng (Maya).
 
Một hôm Trang Chu chiêm bao thấy mình là bướm, thích chí bay lượn, quên mình là Chu. Chợt tỉnh dậy, ngạc nhiên thấy mình là Chu. Không biết Trang Chu chiêm bao là bướm hay bướm chiêm bao là Chu [Tề vật luận].
 
Vậy chết là thay đổi hình thể, chưa biết chừng để được một kiếp tốt hơn. Đại dã [ông Thợ đúc lớn] – Ibsen[13] sau này cũng gọi tạo hoá bằng tên đó – liệng chúng ta vào cái lò đúc để tạo nên một vật khác.
 
Tử Lai đau nặng thở hổn hển, gần chết; vợ con bao quanh mà khóc. Tử Lê lại thăm, thấy vậy bảo họ: “Đi chỗ khác đi, đừng làm rộn sự biến hoá”. Rồi đứng tựa cửa, nói với Tử Lai: “Tạo hoá lớn lao thay! Tạo hoá sắp làm gì anh đây? Sắp đưa anh đi đâu? Biến anh thành gan con chuột hay cánh con trùng[14].
 
Tử Lai đáp: “Cha mẹ bảo con đi đâu, dù đông tây hay nam bắc thì con cũng phải theo. Âm dương đối với ta chẳng hơn cha mẹ đối với con ư? Nếu Âm dương đưa ta tới chỗ chết mà không theo thì ta là kẻ ngỗ nghịch, chứ Âm dương có lợi gì với ta đâu. Đại khối cho ta một thân thể, làm nhọc ta bằng cuộc sống, lấy tuổi già cho ta được thảnh thơi và lấy cái chết cho ta nghỉ ngơi. Đại khối khéo nuôi ta thì khéo lo cái chết cho ta. Nay có một thợ đúc lớn (đại dã), nếu chất thanh gươm Mạc Da[15]… thì người thợ đúc lớn tất cho là thứ kim thuộc quái gở. Cũng vậy, nếu một người hấp hối[16] bảo: “Tôi chỉ muốn làm người, làm người thôi” thì chắc tạo hoá sẽ cho kẻ đó là quái gở. Nay Trời đất là cái lò lớn mà Tạo hoá là Thợ đúc lớn; dù Tạo hoá đưa chúng ta tới đâu thì chúng ta cũng phải bằng lòng yên lặng mà ngủ, rồi hốt nhiên thức[17].
 
Khi Trang tử gần mất, môn đệ muốn làm ma chay long trọng, ông cản họ: “Ta có đất trời làm quan quách, mặt trời mặt trăng làm ngọc bích, các tinh tú và sao Bắc Đẩu làm ngọc châu, vạn vật đi đưa ma. Đám tang như vậy chẳng đủ sao, còn thêm gì nữa?”.
 
Môn đệ bảo: “Chúng con sợ diều quạ rỉa xác thầy”.
 
Trang tử đáp: “Ở trên đất thì bị diều quạ rỉa, ở dưới đất thì bị giòi kiến ăn. Cướp ở trên mà cho dưới, sao lại tư vị thế” [Liệt Ngự Khấu].
 

°

 
Chúng tôi sở dĩ viết hơi dài về các triết gia Trung Hoa thời cổ trước hết vì người nào có óc tò mò cũng thích biết về những vấn đề không sao giải quyết được ấy, tức vấn đề sinh tử và thân phận con người; nhưng cũng vì toàn thể các triết thuyết thời cổ đó là cái phần di sản quí nhất của Trung Hoa tặng thế giới. Đã lâu rồi (vào năm 1697), Leibnitz, con người cái gì cũng muốn biết ấy, sau khi nghiên cứu triết học Trung Hoa, tuyên bố cần kết hợp, dung hoà tư tưởng phương Đông và phương Tây. Ông viết đoạn dưới đây mà mỗi thế hệ có thể đem ra suy ngẫm một cách hữu ích: “Chúng ta quá say mê làm ăn, luân lí đã suy đồi tới cái mức tôi nghĩ rằng Trung Hoa phải phái các nhà truyền giáo qua phương Tây chúng ta để dạy cho chúng ta cách thực hành một thần giáo quốc gia [théologie nationale]… Vì tôi tin chắc rằng nếu người ta nhờ một hiền nhân nổi tiếng là minh triết lựa xem dân tộc nào ưu tú nhất thì vị đó tất tặng giải nhất cho người Trung Hoa”. Ông khẩn khoản xin Nga hoàng Pierre Đại Đế mở một con đường dắt qua Trung Hoa, và thúc đẩy thành lập ở Moscou và Berlin những hội mục đích là “kéo Trung Hoa ra khỏi sự cô lập, để Trung Hoa và Âu Tây trao đổi văn minh với nhau”. Năm 1721, Christophe Wolff đáp lời kêu gọi ấy, diễn thuyết tại Halle về “triết lí thực tế của người Trung Hoa”. Người ta trách ông là vô thần và ông phải ngưng diễn giảng, nhưng khi Frédéric II lên ngôi ở Prusse thì nhà vua vời Wolff lại triều, trả ông hết chức tước.
 
Các người theo “Phong trào ánh sáng” hăm hở đọc triết học Trung Hoa; thời đó người ta mê kiểu vườn Trung Hoa và trong nhà bày các đồ Trung Hoa. Hình như các nhà theo chủ nghĩa trọng nông, đã chịu ảnh hưởng của Lão tử và Trang tử mà đưa ra thuyết phóng nhiệm, không can thiệp; và Rousseau có thời dùng một thứ ngôn ngữ giống Lão tử quá, khiến ai đọc tới cũng nghĩ ngay tới Lão và Trang, còn Khổng tử và Mặc tử nếu có óc mỉa mai thì có thể so sánh với Voltaire tới một mức độ nào đó. “Tôi đã chăm chú đọc những sách của ông ấy, tôi đã trích ra nhiều đoạn, tôi chỉ thấy một thứ luân lí thuần tuý nhất, không có một chút màu sắc phỉnh gạt nào của”[18].  
 
Gœthe bảo rằng từ năm 1770, ông đã dự định đọc các triết gia thời cổ Trung Hoa, và mãi tới bốn mươi ba năm sau, ông già hiền minh đó mới chúi đầu đọc sách Trung Hoa.
 
Tôi mong rằng chương quá ngắn và quá nông cạn này về triết học Trung Hoa gợi cho độc giả với ý bắt chước Gœthe, Voltaire và Tolstoi mà tìm đọc thẳng các tác phẩm triết học đó.

 


[1] Nhân chi tính ác, kì thiện giả, nguỵ dã (mấy hàng khác đoạn dưới sẽ hiểu). (ND).
[2] Triết gia Anh 1561-1626, thường được tôn với Descartes (Pháp) là có công đầu với khoa học thực nghiệm. (ND).
[3] Tiếng Pháp: Vers de mirliton. Tuân tử không phải là thi sĩ, và mấy câu ở dưới chỉ là một thức văn xuôi có tiết điệu, chỉ có thể gọi là “phú” được thôi: Đại thiên tư chi, thục dữ vật súc nhi chế chi? Tòng thiên nhi tụng chi, thục dữ chế thiên mệnh nhi dụng chi? Vọng thời nhi đãi chi, thục dữ ứng thời nhi sử chi? Nhân vật nhi đa chi, thục dữ sính năng nhi hoá chi?
Tuân tử đời đời sau coi là một trong những nhà đầu tiên làm “phú”, người phương Tây như là poésie: Không đúng. Chúng ta chưa có bản dịch trọn bộ Tuân tử. (ND).
[Sách in thiếu câu: Tòng thiên nhi tụng chi, thục dữ chế thiên mệnh nhi dụng chi; tôi đã thêm vào dựa theo bản chữ Hán trên trang http://cn.netor.com/know/hist/book20.htm: 从天而頌之, 孰與制天命而用之.
(Goldfish)].
[4] Nguyên văn tiếng Anh: Chuang-tze, loving Nature as the only mistress who always welcomed him, whatever his infidelities or his age. (Goldfish).
[5] Trong cuốn Trang tử - Nam Hoa kinh (về sau gọi tắt là cuốn Trang tử), cụ Nguyễn Hiến Lê viết như sau: “Sử kí của Tư Mã Thiên chép rằng: “Vua Sở Uy vương nghe tiếng Trang Chu là người hiền, sai sứ giả mang hậu lễ lại rước, hứa sẽ phong làm tể tướng. Trang Chu cười bảo sứ giả của Sở: Ngàn vàng là cái lợi lớn đấy, khanh tướng là một vị tôn quí đấy. (Nhưng này) ông có thấy con bò làm vật hi sinh trong lễ tế Giao không? Người ta nuôi nó mấy năm, cho nó bận áo gấm thêu đủ màu để dắt nó vào thái miếu. Lúc đó, giá nó muốn làm một con heo con cô độc, phỏng có được chăng? Thôi, ông đi ngay đi, đừng làm ô uế ta nữa. Ta thà ngao du trong cái rãnh bẩn cho thích chí chớ không chịu trói buộc tấm thân vì việc nước. Suốt đời ta không làm quan đâu, để thoả lòng ta!”. (Goldfish).
[6] Trong cuốn Trang Tử, cụ Nguyễn Hiến Lê cho rằng những thiên trong Ngoại thiên (như các thiên được Durant trích dẫn trong tiết này: Thu thuỷ, Tại hựu, Mã đề, Sơn mộc, Chí lạc); và cả những thiên trong Tạp thiên nữa (như Liệt Ngự Khấu), không phải do Trang tử viết. (Goldfish).
[7] Triết gia Hi Lạp, thế kỉ thứ V trước T.L. (ND).
[8] Sách in: Nhưng cái Đạo mà chỉ có một số rất ít người thần bí đặc biệt có thiên tử hiểu được đó là cái gì? Tôi tạm thay “có thiên tử” bằng “có thể”. Nguyên văn tiếng Anh: What is the Tao that the rare and favored mystic sees. (Goldfish). 
[9] Nguyên văn: Tri thiên địa chi vi đề mễ dã, tri hào mạt chi vi khưu sơn dã, tắc sai số đỗ hĩ”, có người hiểu là… thì mới biết rõ chỗ sai biệt. (ND).
[Sách in sai vài chữ, tôi đã sửa lại dựa theo bài đăng trên trang http://www.wzdu.com/shenghuorizhi/zwqscd_xqzz_zz_75844.html: 知天地之爲稊米也, 知豪末之爲丘山也, 則差數覩矣. Trong cuốn Trang tử, cụ Nguyễn Hiến Lê dịch là: Biết trời đất chỉ nhỏ bằng hột kê mà đầu chiếc lông lớn bằng đồi, núi, tức là hiểu rõ cái độ số sai biệt rồi. (Goldfish)].
[10] Nguyên văn: “Chủng hữu cơ”, nên dịch là phôi chủng có một cái “cơ” tế nhị [để biến đổi]. Cơ: cơ cấu máy móc. (ND).
[11] Đoạn này chứa toàn những tên vật rất lạ, Từ Hải cũng không có. (ND).
[12] Trong cuốn Trang tử, cụ Nguyễn Hiến Lê dịch trọn bài Chí lạc – 7 như sau: Phôi chủng có bộ phận cực nhỏ gọi là “cơ”. Cái cơ đó gặp nước thì thành một thứ cỏ tựa như tơ, gọi là “tuyệt” (H.C.H. bảo đọc là tuyệt, D.N.L. đọc là kế), gặp chỗ đất giáp nước thì thành rêu xanh, gặp chỗ khô trên gò thì thành một thứ cỏ gọi là “xa tiền thảo”. Xa tiền thảo ở chỗ có phân thì thành “ô túc thảo” [cỏ chân quạ], rễ ô túc thảo biến thành bọ ray, còn lá thì biến thành bướm. Chỉ trong một thời gian ngắn, bướm biến thành con sâu nhỏ, sống ở dưới bếp lò, hình nó giống con ve mới thoát xác, tên nó là con “cù xuyết”. Sau một ngàn ngày, con cù xuyết biến thành một con chim gọi là con “Can dư cốt”. Nước bọt con này biến thành con “tư di”, con tư di biến thành con “miệt mông” [con ăn giấm], con miệt mông lại sinh ra con “di lộ” (Ở đây chắc thiếu mấy chữ: con di lộ lại sinh ra con cửu du), con “cửu du” lại sinh ra con “hoàng huống”, con hoàng huống sinh ra con đom đóm, con đom đóm sinh ra con “mậu nhuế” [một loại sâu ở trong trái dưa]; rễ cỏ “dương hè” kết với thứ trúc lâu năm không đâm măng sinh ra con “thanh ninh” [một loại sâu ở rễ trúc], con thanh ninh sinh ra con “trình”[12], con trình sinh ra con ngựa; ngựa sinh ra người, người lại trở về cái “cơ”. Như vậy là vạn vật đều từ cái “cơ”, rồi lại về cái “cơ”. (Goldfish).
 
[13] Ibsen: văn sĩ Na Uy 1828-1906. (ND).
[14] Có sách dịch là chân con trùng. (ND).
[15] Mạc Da là thứ gươm quí. (ND).
[16] Nguyên văn: Kim nhất phạn chi hình, có sách dịch là vì lẽ chúng ta đã làm người trong một thời gian rồi. (ND).
[Trong cuốn Trang tử, cụ Nguyễn Hiến Lê chú thích thế này: Nguyên văn: Kim nhất phạn chi hình, có sách dịch là: nay có người ngẫu nhiên được tạo hoá cho cái hình thể loài người, (mà bảo: Tôi muốn cứ làm người hoài…). (Goldfish)].
[17] Nguyên văn: Thành nhiên mị, cự nhiên giác, có sách dịch là bình tỉnh ngủ, bình tỉnh thức. (ND).
[Bài này trích trong thiên Đại tôn sư. (Goldfish)].
[18] Chẳng hạn này: “Chúng ta tự đắc muốn gắng sức thoát ra khỏi cảnh dốt nát sung sướng mà sự minh triết bất biến đã tặng ta, nhưng thời nào cũng vậy, chúng ta chịu hình phạt này: xa hoa, đồi bại, nô lệ, hậu quả của những gắng sức đó”. Elbert Thomas dẫn câu đó trong tập Luận về khoa học và nghệ thuật, bảo những chữ “sự minh triết bất biến” dịch đúng hai chữ “thường đạo” (đạo bất biến) của Lão tử. (ND).
[Nguyên văn tiếng Anh: “I have read the books of Confucius with attention”, said Voltaire; “I have made extracts from them…”, nghĩa là Voltaire bảo rằng ông đã đọc các sách của Khổng tử và đã trích dẫn các sách đó. Như vậy Voltaire chẳng những trích dẫn sách của Khổng tử mà còn “dùng” từ “thường đạo” của Lão tử nữa. (Goldfish)].