Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê
CHƯƠNG III
THỜI ĐẠI CÁC NGHỆ SĨ

I. VĂN NGHỆ PHỤC HƯNG: ĐỜI TỐNG

 

1. Chế độ xã hội của Vương An Thạch

Đời Tống – Một vị tể tướng có tư tưởng xã hội – Cách trừ nạn thất nghiệp – Chế độ kĩ nghệ - Định lương bổng và giá cả - Quốc hữu hoá thương mại – Quốc gia bảo hiểm cho thất nghiệp, nghèo đói, già nua – Thi tuyển quan lại – Vương An Thạch thất bại

 

Sau loạn An Lộc Sơn, nhà Đường không làm sao ngóc đầu lên được nữa. Các ông vua nối ngôi Minh Hoàng không lập lại nổi uy quyền trong đế quốc và sau một thế kỉ suy nhược, nhà Đường chấm dứt. Trong năm mươi ba năm (907-960), năm triều đại khác kế tiếp nhưng đều yếu và ngắn ngủi [trong sử gọi là đời Ngũ Đại: Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu]. Trong trường hợp như vậy luôn luôn phải có một bàn tay mạnh và tàn nhẫn mới lập lại được trật tự. Một quân nhân[1] xuất hiện trong cảnh hỗn loạn, dựng lên nhà Tống và lên ngôi, tức Tống Thái Tổ. Người ta tái lập triều đình và các chức tước, mở lại các kì thi để tuyển quan lại và một vị cố vấn cho Hoàng Đế rán giải quyết các vấn đề xã hội, thành lập một chế độ gần như chế độ xã hội để triều đình kiểm soát đời sống kinh tế trong nước.
 
Vương An Thạch (1021-1086) là một trong rất nhiều nhân vật kì khôi đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử Trung Quốc. Rất tiếc rằng vì xa cách trong không gian lẫn trong thời gian, lại thêm dĩ vãng của Trung Hoa cũng khác xa với hoàn cảnh hiện tại của họ, cho nên xét các nhân vật Trung Hoa, dù tính tình, tư tưởng trái ngược hẳn nhau, chúng ta cũng vẫn thấy bề ngoài họ một loạt như nhau. Nhưng ngay các kẻ thù của Vương An Thạch –họ đông lắm – cũng phải nhận rằng Vương thật khác người, để hết tâm trí vào việc nước, cần mẫn, kiên nhẫn lo cải thiện đời sống của dân, không còn thì giờ nghĩ tới bản thân, tới ẩm thực, y phục nữa, học đã rộng, văn lại hay vào bậc nhất đương thời, chống với kẻ giàu có, quyền quí thủ cựu một cách can đảm lạ lùng. Do một sự ngẫu hợp kì dị, trong lịch sử Trung Hoa chỉ có mỗi một người hơi giống ông mà người này lại cùng một họ với ông: Vương Mãng. Từ cuộc thí nghiệm chủ nghĩa xã hội trước của Vương Mãng, tới cuộc thí nghiệm này của Vương An Thạch, dòng lịch sử đục ngầu của Trung Quốc đã chảy được ngàn năm rồi.
 
Khi được vua [Thần Tôn] giao quyền tể tướng cho, Vương An Thạch tuyên bố rằng chính quyền phải chịu trách nhiệm về sự an lạc của mọi người dân. Ông bảo: “Quốc gia phải hoàn toàn điều khiển thương mại, kĩ nghệ và canh nông để giúp đỡ người lao động, đừng để họ bị bọn giàu có tiêu diệt”. Ông đưa ngay ra chế độ miễn dịch [những kẻ phải sưu dịch được nộp tiền thay]. Từ thời nào tới giờ, triều đình vẫn bắt dân phải làm xâu, có khi giữa mùa gieo hoặc mùa gặt, nông dân cũng phải bỏ cả công việc đồng áng của họ. Mặc dầu miễn dịch, mà Vương An Thạch vẫn thực hiện được nhiều công việc trị thuỷ (ngăn lụt) lớn lao [nhờ tiền “trợ dịch” triều đình thâu rồi thuê người làm].
 
Ông lại cứu nông dân khỏi cái nạn cho vay nặng lãi, bằng cách cho các tiểu điền chủ vay, lãi rất nhẹ so với thời đó[2]. Ông phân phát lúa giống cho những người không có công ăn việc làm, giúp họ canh tác, chỉ buộc họ một điều kiện là khi gặt lúa thì trả lại cho triều đình. Có những cơ quan thành lập ở mỗi châu, quận định tiền công và giá cả các nhu yếu phẩm. Thương mại bị quốc hữu hoá: quốc gia mua sản phẩm ở mỗi nơi, một phần chứa trong các kho để sau này dùng tới, một phần đem bán khắp nước, những nơi nào thiếu[3]. Triều đình có một uỷ ban ngân sách, xét xem phải tiêu bao nhiêu, thu được bao nhiêu để tiết kiệm được những số tiền lớn, khỏi thất thoát vào những cái túi rộng của bọn tham nhũng. Người già, người thất nghiệp, người khốn cùng được trợ cấp. Chính sách giáo dục và chế độ thi cử được xét lại để tuyển những người có kiến thức thực tế, chứ không bàn suông về đạo Khổng bằng những câu hoa mĩ, khoa đại; giáo dục bớt chú trọng tới hình thức, tới nhớ nhiều, và theo lời một sử gia Trung Hoa thì trong một thời gian, bọn “học sinh tại các trường làng cũng bỏ thơ phú đi mà học sử kí, địa lí, kinh tế”.
 
Tại sao những gắng sức nhân đạo đó lại thất bại? Trước hết có lẽ vì cuộc thí nghiệm có nhiều yếu tố thuộc về hành động hơn là về lí thuyết thuần tuý. Đành rằng, theo nguyên tắc, bọn phú gia phải gánh phần thuế nặng nhất, nhưng sự tiêu pha của quốc gia cứ tăng hoài, quốc gia phải thu nhiều lúa ruộng, đó là một gánh nặng cho toàn dân, nghèo cũng như giàu. Cho nên chẳng bao lâu, bọn dân nghèo cũng đứng về phe người giàu, kêu ca rằng thuế má nặng quá; loài người bao giờ cũng muốn quốc gia lãnh thêm nhiều chức vụ, trách nhiệm nhưng lại không chịu trả cái giá của một chính quyền như vậy [nghĩa là muốn quốc gia bảo đảm an toàn cho mình, nhưng không muốn đóng thuế]. Lại thêm, Vương An Thạch tuy giảm số lính chính qui, thường bị cho dân đỡ phải nuôi, nhưng để bù vào số giảm ấy, ông buộc gia đình nào có hai người đinh trở lên thì bắt một người làm “bảo đinh”, dạy cho võ nghệ, hễ có chiến tranh thì dùng làm lính[4]. Ông giao ngựa và cỏ, lúa cho dân nuôi, dân phải săn sóc kĩ để khi có chiến tranh thì nhà nước lấy mà dùng[5]. Khi có ngoại xâm và các cuộc nổi loạn trong nước, tân pháp của Vương An Thạch hoá ra mất lòng dân. Sau cùng, còn một nguyên nhân nữa: ông gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng những nhân viên đủ liêm khiết; con “quái vật quan lại” bị chứng tham nhũng nặng tới mức Trung Hoa cũng như nhiều quốc gia khác từ thời đó tới nay đã phải lựa chọn: hoặc là để cho tư nhân ăn cắp, hoặc là để cho công chức gian lận.
 
Bọn thủ cựu – cựu pháp – do một người em ruột của Vương An Thạch [Vương An Quốc] và sử gia Tư Mã Quang cầm đầu, chứng tỏ với nhà vua rằng tân pháp không thể thực hiện được: con người, đa số là tham nhũng, bất tài nên chính quyền không kiểm soát nổi kĩ nghệ, đó là một ảo tưởng; cách tổ chức xã hội tốt hơn cả là theo chủ nghĩa phóng nhiệm, mặc cho dân chúng sản xuất rồi phân phối theo bản năng kinh tế của họ. Bọn nhà giàu bị thiệt hại nhiều vì thuế nặng và vì nhà nước quốc hữu hoá thương mại, nên cho tiền dân nghèo để chê bai tân pháp, ngăn cản sự thực hiện tân pháp, kết cuộc phải bãi bỏ. Phe đối lập được tổ chức mạnh mẽ, làm áp lực với nhà vua và sau mấy năm liền hết lụt tới hạn hán, một ngôi sao chổi xuất hiện, nhà vua kinh hoảng, phải cách chức Vương, huỷ bỏ các sắc lệnh trước, trao quyền cho phe chống Vương. Một lần nữa, mọi sự trở lại như cũ[6].
 

2. Tri thức phục hưng

Tấn bộ của sự bác học – Giấy và mực – Tiến tới sự phát minh nghề in – Cuốn sách đầu tiên – Giấy bạc – Hoạt tự - Tuyển tập, tự điển, các bộ toàn thư

 

Trải qua bao nhiêu chiến tranh, cách mạng, thay đổi triều đại, đời sống dân Trung Hoa vẫn tiếp tục, xét chung thì ít bị các biến cố xa xôi đó làm xáo trộn, và thường thường, biến cố đã kết thúc từ lâu rồi, họ mới được nghe nói tới. Nhà Tống bị người Kim đuổi khỏi miền Bắc, xuống phương Nam lập lại triều đại [gọi là Nam Tống], đời kinh đô từ Biện Lương [ngày nay là Khai Phong] xuống Lâm An [ngày nay là Hàng Châu]; tại kinh đô mới này, lối sống xa hoa, phong nhã cũng phát triển mạnh như ở kinh đô cũ, và các thương nhân khắp thế giới đổ xô lại mua những sản phẩm cực quí, cực đẹp của kĩ nghệ và nghệ thuật Trung Hoa. Vua Huy Tôn đặt ra những kiểu trang phục mới ở Biện Lương, vì ông là một nghệ sĩ hơn là một quốc trưởng – trong khi rợ Kim tiến vô kinh đô thì ông chẳng mãi vẽ đấy ư? và ông lập ra một viện hàn lâm để khuyến khích – bằng cách triển lãm và định giá – các nghệ thuật sau này làm vẻ vang cho nhà Tống. Người ta sưu tập các đồ đồng, bức hoạ, bản viết tay và các bảo ngọc; nhiều tiệm sách lớn được thành lập mà vài tiệm tránh được cái hoạ binh lửa. Các học giả, nghệ sĩ ùa lại cả hai kinh đô ở phương Bắc và phương Nam.
 
Dưới đời Tống, nghề in bắt đầu xuất hiện, mới đầu rất khiêm tốn, trong văn học Trung Hoa. Sau bao nhiêu cố gắng kiên nhẫn, liên tục trong mấy thế kỉ, bây giờ phát minh mới đem áp dụng được dưới hai hình thức chính; mới đầu khắc cả một trang sách lên gỗ, rồi sau dùng hoạt tự bằng một kim loại đúc trong những cái khuôn. Phát minh đó, hoàn toàn của dân tộc Trung Hoa, là phát minh lớn nhất trong lịch sử, sau sự phát minh ra chữ viết.
 
Trước hết phải tìm một thứ gì giản tiện hơn lụa hay tre để in chữ lên. Lụa đắt quá, mà tre thì nặng quá: Mặc tử đi đâu cũng phải chở theo ba xe sách bằng tre, trọn tài sản của ông; còn Tần Thuỷ Hoàng thì mỗi ngày phải vận dụng bằng tay cả trăm kí lô văn thư. Vào khoảng 105 sau T.L, đời Đông Hán, một viên hoạn quan tên là Thái Luân tâu với vua Hán Hoà Đế rằng đã phát minh ra được một thứ giấy rẻ tiền hơn, nhẹ hơn, làm bằng vỏ cây, cây gai, giẻ rách và lưới cũ. Thái Luân là một vị đại thần được phong tước hầu, vì âm mưu với hoàng hậu, bị tố cáo, “về nhà tắm rửa, chải đầu, bận bộ áo đẹp nhất rồi uống thuốc độc tự tử”. Cách chế tạo đó truyền bá rất mau vì những tờ giấy cổ nhất người ta được biết, do Aurel Stein tìm được trong một bức tường ốp của Vạn lí trường thành, là những công văn kể những biến cố xảy ra trong khoảng từ 21 tới 137 sau T.L, có lẽ vào thời Thái Luân; những công văn đó đề năm 150 sau T.L, nghĩa là khoảng 50 năm sau khi Thái Luân báo cáo phát minh của ông ta. Thứ giấy đầu tiên ấy làm toàn bằng giẻ rách cũng như loại giấy tốt, bền mà chúng ta dùng ngày nay. Người Trung Hoa cải thiện phương pháp gần đến mức hoàn hảo, trộn thêm keo, nhựa và một thứ hồ để cho giấy thêm dai và dễ hút mực. Khi họ dạy kĩ thuật đó cho người Ả Rập ở thế kỉ VIII, rồi người Ả Rập lại truyền bá qua châu Âu ở thế kỉ XVI, thì phương pháp đã hoàn hảo rồi.
 
Mực cũng thấy xuất hiện ở phương Đông trước tiên vì mặc dầu người Ai Cập đã chế được giấy, mực từ thời Thượng cổ, nhưng chính người Trung Hoa đã dạy cho châu Âu chế tạo mực bằng bồ hóng; cái mà người ta gọi là “mực Ấn Độ” thực ra là mực Tàu. Mực đỏ (son) chế bằng chất sul-fua thuỷ ngân (sulfure de mercure) đã được dùng ở Trung Hoa từ đời Hán; mực đen xuất hiện ở thế kỉ IV, và từ đó mực đỏ để dành riêng cho nhà vua. Mực đen làm cho nghề in mau tiến bộ vì dùng nó thì dễ phết lên bản gỗ mà nó lại gần như không tẩy, gột được. Người ta đã thấy ở Trung Á những khối giấy bị ngâm dưới nước lâu quá, gần cứng như đá, mà chữ viết bằng mực vẫn đọc được.
 
Thói quen dùng con dấu để kí tên là nguồn gốc của nghề in, ngày nay chữ “ấn” là con dấu cũng có nghĩa là in nữa. Những dấu đó mới đầu in lên đất sét; vào khoảng thế kỉ thứ II, các kinh được khắc trên đá rồi ít lâu sau, người ta nghĩ ra cách phết mực lên để phóng lại. Thế kỉ thứ VI, có những con dấu lớn bằng gỗ mà các đạo sĩ dùng để in bùa; một thế kỉ sau, các vị tăng cũng dùng cách đó để in lại các kinh. Những “ấn phẩm” cổ nhất mà chúng ta được biết là một triệu lá bùa in ở Nhật bản vào khoảng 770 sau T.L bằng chữ Phạn và chữ Trung Hoa. Đời Đường người ta làm nhiều bản khắc như vậy nhưng có lẽ đã thất lạc hoặc bị tiêu huỷ hết trong cảnh loạn lạc thời Minh Hoàng.
 
Năm 1907, ông Aurel Stein, được các đạo sĩ Trung Hoa ở Tân Cương[7] cho phép tham cứu các “thiên Phật động” (hang ngàn ông Phật) ở Đôn Hoàng. Một trong số những động đó hình như đã bị bịt kín vào khoảng 1035 sau T.L, mãi đến năm 1900 mới được đục ra, và người ta đã tìm thấy 1.130 bó tài liệu, mỗi bó gồm mười hai, có khi hơn nữa, cuốn giấy viết tay; toàn thể thành một thư viện chứa 15.000 cuốn sách, giấy vẫn còn tốt y như mới nguyên. Chính trong những bản viết tay ấy mà người ta kiếm được cuốn sách in cổ nhất hiện nay chúng ta được biết, tức cuốn Kinh Kim Cương, nó là một cuộn giấy, trang cuối có mấy hàng này: “Wang Chieh [?] in ngày… (tức ngày 11.5.868 dl) để phát không vì nhớ đến công ơn cha mẹ”. Trong đám viết tay này còn thấy ba cuốn sách in nữa. Một cuốn có đặc điểm rất mới mẻ này: các tờ giấy không cuốn lại như Kinh Kim Cương mà gấp lại thành sách nhỏ như sách ngày nay. Cũng như châu Âu cuối thời Trung cổ và gần đây ở các dân tộc sơ khai, chính tôn giáo đã cổ xuý cho nghề in mạnh hơn hết, vì tu sĩ nào cũng muốn truyền bá đạo của mình bằng ấn phẩm và hăng hái muốn cho mọi người có được những lá bùa, những kinh kệ in trên giấy. Các quân bài có lẽ cũng cổ như các ấn phẩm tôn giáo đó, xuất hiện ở Trung Hoa năm 969 - sớm hơn nữa, chưa biết chừng – rồi từ Trung Hoa truyền vào châu Âu cuối thế kỉ XIV.
 
Những cuốn đầu tiên ấy in bằng mộc bản. Chúng ta biết được điều đó do một bức thư một người Trung Hoa viết vào khoảng 870: “Một hôm ở Tứ Xuyên, tôi thấy trong một tiệm nọ một cuốn kinh [chắc là kinh của Khổng giáo] in trên một bản gỗ”. Hình như lúc đó, nghệ thuật in đã phát triển khá rồi, thực lạ lùng, sự phát triển ấy xảy ra trước hết ở các tỉnh miền tây như Tứ Xuyên, Tân Cương[8] tức những tỉnh được các vị tăng Ấn Độ tới khai hoá và trong một thời gian có một nền văn hóa độc lập với văn hóa tại các kinh đô ở phía Đông. Thuật in đó truyền qua miền Đông từ đầu thế kỉ thứ X khi một tể tướng tên là Feng Tao thuyết phục nhà vua bỏ tiền ra in các kinh của Trung Hoa. Phải hai chục năm mới xong công việc đó gồm một trăm ba mươi quyển kinh có cả lời chú giải[9]. Nhờ vậy mà đời Tống kinh được truyền bá rộng rãi hơn, tri thức được phục sinh và đạo Khổng được vững vàng hơn.
 
Một ứng dụng đầu tiên nữa của thuật in là giấy bạc. Công việc in giấy bạc bắt đầu ở Tứ Xuyên, thế kỉ thứ X, rồi triều vua nào cũng ham phát hành giấy bạc, tới nỗi chưa đầy một thế kỉ, có sự lạm phát. Năm 1294, Ba Tư lại bắt chước cách đó mà hoá ra giàu có; năm 1297, Marco Polo ngạc nhiên rằng sao người Trung Hoa lại trọng những mảnh giấy lộn ấy. Mãi đến năm 1656 châu Âu mới học được cách ấy và bắt đầu in giấy bạc.
 
Hoạt tự cũng là một phát minh của Trung Hoa nhưng họ không có tự mẫu, nên phải đúc 40.000 chữ, tốn kém quá không thể làm được. Ngay từ 1041, Pi Sheng[10] đã làm hoạt tự bằng đất sét, nhưng vì lí do kể trên, sự phát minh ấy không dùng được vào việc gì. Năm 1403, người Triều Tiên chế tạo được chữ đầu tiên bằng kim loại trong lịch sử[11]. Người ta khắc chữ lên gỗ cứng, dùng khuôn đúc bằng đất sét, khuôn nung lên thành đồ sứ để đổ kim loại và ông vua Triều Tiên hiền minh nhất hiệu là Thái Tôn [?] hiểu ngay rằng phát ninh ấy có lợi cho sự cai trị và cả cho sự duy trì văn minh nữa, bảo: “Muốn khéo trị dân thì phải biết rõ luật và các kinh của đạo Khổng, có vậy thì mới công bằng mà giữ được chính đạo, nước mới yên ổn, có trật tự. Nước chúng ta ở về cực Đông và cách Trung Hoa cả một cái biển, chỉ nhận được rất ít sách của Trung Hoa. Những cuốn in bằng mộc bản thường không hoàn toàn, dùng cách đó thì khó mà in được hết thảy những sách hiện có. Cho nên trẫm ra lệnh đúc chữ bằng đồng đỏ và in tất cả các sách mà trẫm sẽ kiếm được để truyền cho hậu thế. Hậu thế sẽ mang ơn chúng ta vạn đại… Nhưng phí tổn in, dân sẽ không phải chịu, trẫm sẽ không bắt dân đóng thuế. Trẫm và hoàng tộc sẽ chịu hết, vị đại thần nào muốn góp tiền thì tuỳ ý”.
 
Hoạt tự từ Triều Tiên truyền qua Nhật Bản rồi mới trở về Trung Hoa, nhưng hình như sau khi Gutenberg (1400-1468) phát minh được thuật in ở châu Âu, sau Triều Tiên mấy thế kỉ. Ở Triều Tiên, hoạt tự được dùng trong hai thế kỉ rồi bỏ; ở Trung Hoa lâu lâu người ta mới dùng tới, mãi cho tới khi các thương nhân và các nhà truyền giáo từ phương Tây qua chỉ cho họ thuật in ở châu Âu. Từ thời Feng Tao cho tới thời Lí Hồng Chương [cuối đời Thanh], người Trung Hoa vẫn thích in bằng mộc bản, vì in lối chữ Trung Hoa thì cách ấy có vẻ tiện cho họ hơn. Mặc dù in cách đó rất chậm, họ cũng đã tuôn ra thị trường vô số sách cho dân chúng đọc. Trong khoảng từ 994 tới 1063, người ta in những bộ đoạn đại sử [sử chép riêng một thời đại], gồm mấy trăm cuốn, thành thử các nhà văn có một kho bác học vô giá và mới mẻ; và tác phẩm của họ đạt được các giới trung lưu, đôi khi tới một số bình dân nữa; văn học có tính cách dân chủ hơn[12], nhiều hình thức hơn. Nghệ thuật in mộc bản là một nguyên nhân chính của sự phục sinh văn nghệ đời Tống.
 
Được phát minh ấy kích thích, văn học Trung Hoa hoá ra phong phú lạ lùng, tiến trước phong trào phục hưng ở Ý tới hai thế kỉ. Các kinh điển được in lại cả trăm lần, chú giải cả ngàn lần; các sử gia bác học cặm cụi nghiên cứu dĩ vãng để viết lại và dùng nghệ thuật in mới mẻ, kì diệu đó, truyền bá cho hàng triệu độc giả; người ta in những bộ tuyển tập thi văn, những bộ tự điển lớn; những bộ Bách khoa toàn thư vĩ đại vô tới cả nông thôn. Bộ Bách khoa toàn thư đầu tiên có giá trị là bộ của Wu Shu (947-1002)[13], không thể sắp theo mẫu tự được, nên phải sắp theo môn, theo đề tài; bộ đó chú trọng tới các hiện tượng vũ trụ. Năm 977, vua Tống Thái Tôn sai soạn một bộ Bách khoa toàn thư quan trọng hơn gồm 30 cuốn, hầu hết là trích trong số 1690 cuốn đã in từ trước. Sau này, dưới triều Minh Vĩnh Lạc [tức Minh Thành Tổ] (1403-1425), người Trung Hoa lại soạn một bộ nữa gồm mười ngàn cuốn, vì đồ sộ quá, nên in không nổi; chẳng may bản viết tay còn lại bị thiêu huỷ - trừ một trăm sáu mươi cuốn – trong vụ loạn Quyền phỉ năm 1900. Chưa bao giờ người ta thấy một nền văn minh được các học giả chi phối tới mức đó.
 

3. Triết học phục hưng

Chu Hi – Vương Dương Minh – Siêu thiện ác

 

Các học giả ấy không nhất thiết là môn đồ Khổng tử, trong một ngàn rưỡi năm có nhiều học thuyết khác thành lập ra và bây giờ người ta hăng hái bàn cãi nên theo hay nên chống đạo Khổng. Đạo Phật đã gây sự dao động trong tâm hồn người Trung Hoa, bây giờ ảnh hưởng tới các triết gia. Nhiều nhà cũng tập thói quen tham thiền; có nhà còn trách Khổng tử là đã bỏ phần siêu hình học, cho lối giải quyết vấn đề nhân sinh và vấn đề tinh thần của đạo Khổng có vẻ hời hợt, tàn nhẫn quá. Phép nội tỉnh được coi một phương pháp khám phá vũ trụ, và nhận thức luận (épistémologie) xuất hiện ở Trung Hoa. Nhiều ông vua theo đạo Phật hay đạo Lão để được lòng dân hoặc để điều khiển dân, và có lúc người ta đã tưởng đạo Khổng hết ảnh hưởng rồi.
 
Chu Hi đã cứu vãn tình thế ấy. Shankara ở Ấn Độ, thế kỉ thứ VIII đã gom những ý đôi khi thâm thuý nhưng tản mạn trong các Upanishad [phần thuyết pháp trong các kinh Veda] cho có hệ thống mà thành lập một triết thuyết mới lưu hành nhất đương thời, triết thuyết Vedanta; Thánh Thomas d’Aquin ở châu Âu, thế kỉ XIII, dung hoà triết lí Aristote và tư tưởng của thánh Paul, mà làm cho triết lí kinh viện thắng thế một thời; Chu Hi ở Trung Hoa, thế kỉ XII, cũng vậy, gom các châm ngôn mập mờ của Khổng tử để dựng một triết thuyết chặt chẽ vững vàng, tới nỗi các học giả đương thời phải phục và nhờ vậy, Khổng giáo lại chiếm được ưu thế trong sinh hoạt chính trị cùng tinh thần của dân tộc Trung Hoa.
 
Thời đó các triết gia tranh luận nhau nhiều nhất về Chu Hi và các địch thủ của ông, cách giải thích một đoạn trong sách Đại học. Khổng tử muốn nói gì khi ông bảo muốn trị nước thì trước hết phải tề nhà mình, muốn tề nhà mình thì trước hết phải sửa thân mình, muốn sửa thân mình thì trước hết phải chính cái tâm của mình, muốn chính cái tâm thì trước hết phải làm cho tinh thành cái ý, muốn làm cho tinh thành cái ý thì trước hết phải có tri thức xác đáng, tri thức xác đáng ở chỗ xét kĩ mọi vật (trí tri tại cách vật).
 
Chu Hi bảo ý nghĩa đoạn đó không có gì tối tăm về triết lí, luân lí và đạo trị nước. Ông chấp nhận hoàn toàn mà không hề phản kháng khuynh hướng thực nghiệm (hay chứng nghiệm) của Khổng tử; và mặc dầu ông cho vấn đề bản thể (ontologie) một địa vị quan trọng tới nỗi Khổng tử nếu biết được, tất phải ngạc nhiên, nhưng rốt cuộc học thuyết của ông vừa vô thần vừa kích thần, điểm đó chắc Khổng tử lấy làm thích. Kinh Dịch từ trước vẫn thống ngự môn siêu hình học Trung Hoa, Chu Hi cũng nhận như kinh đó rằng có một sự tương phản rõ rệt, trong sự thực: dươngâm; nhưng đôi khi người ta thấy hai cái đó hoà hợp với nhau và luôn luôn tác động lên ngũ hành: kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ để tạo ra vạn vật; cũng vậy, khí – luật trời và vật chất – hợp tác với nhau để điều khiển vũ trụ, tạo cho vũ trụ hình thức của nó. Nhưng trên tất cả, là thái cực, cái tuyệt đối, lí của các lí, cơ cấu của vũ trụ. Chu Hi cho cái thái cực đó là thiên (trời) trong đạo Khổng chính thống, Thượng Đế chỉ là một luật diễn tiến hợp lí, không có nhân tính, không có hình thể. Đạo trời chỉ là lí.
 
Chu Hi bảo thiên đạo đó cũng là nhân đạo (đạo của người), cũng là đạo trị dân. Đạo đức chỉ là sự hoà hợp với thiên đạo và biết áp dụng đạo luân lí vào việc trị nước tức là khéo trị nước. Thiên nhiên vốn thiện thì bản tính con người cũng thiện, theo luật thiên nhiên tức là minh triết. Ông Choi Mao Shu [?] không nhổ cỏ ở cửa sổ “vì cho rằng sự sinh trưởng của cỏ cũng chính đáng [hợp lẽ trời] như sự sinh trưởng của ông ta”. Vậy thì gần như có thể kết luận rằng bản năng của loài người cũng vốn thiện nữa, có thể vui vẻ làm theo bản năng được; nhưng Chu Hi lại bảo chúng thuộc về cái khí (vật chất), phải bắt chúng theo cái mới được. Muốn vừa làm một luân lí gia vừa làm một luận lí gia, khó thực!
 
Triết thuyết của Chu Hi, có những điểm mâu thuẫn, nhưng người cầm đầu phe chống đối ông, tính tình rất dễ thương và hơi đặc biệt: Vương Dương Minh, không quan tâm tới những mâu thuẫn ấy. Vương vừa là một ông thánh, vừa là một triết gia; ông quen lối thiền định của Phật giáo đại thừa. Ông cho rằng sự lầm lẫn của Chu Hi không phải là về luân lí mà về phương pháp; theo ông sự tìm hiểu vạn vật không nên bắt đầu từ sự tìm hiểu ngoại vật[14] mà phải bắt đầu từ cái vũ trụ vô cùng sâu kín của cái “ngã”, như người Ấn Độ đã chỉ. Tất cả sự hiểu biết cóp nhặt được trên thế giới từ thời khai thiên lập địa, cũng không thể giảng được một cây trúc hoặc một hạt lúa.
 
Một hôm tôi nói với một người bạn của tôi họ Tiền: “Nếu muốn thành một hiền nhân, phải tìm cái lí của hết thảy mọi vật dưới gầm trời, thì tôi tự hỏi, kiếm đâu được một người như vậy?”. Tôi trỏ sáu cây trúc trước nhà tôi và bảo anh ta “cách”, nghĩa là tìm cái lí của chúng. Anh Tiền suốt ngày đêm tìm dưới bụi trúc. Nghiền ngẫm ba ngày mà chưa ra, anh ấy mang bệnh, bảo tại anh thiếu nghị lực, sức mạnh. Tôi bèn ra thay anh, cũng không tìm ra cái lí của cây trúc, sau bảy ngày, mệt óc quá chịu không nổi, tôi cũng phát bệnh. Chúng tôi nhìn nhau thở dài, bảo: “Phải có số phận mới làm thánh được. Trời không cho mình làm thánh rồi”.
 
Thế là Vương Dương Minh thôi không tìm hiểu vũ trụ nữa, bỏ luôn cả việc tìm các kinh, thư của Khổng giáo; ông cho rằng đọc trong cái tâm của mình, thiền định để tìm hiểu cái “ngã” lại dễ đạt được sự minh triết hơn là đọc tất cả các sách, tìm hiểu cả vạn vật. Bị đày làm cai trạm ở tỉnh Quí Châu, một nơi núi non, dân còn dã man, mà lại đầy rắn độc, ông tìm được trong bọn thảo khấu vài người bạn và một số môn sinh, dạy cho họ triết lí, nấu cơm cho họ ăn, hát cho họ nghe. Một đêm, vào giờ tí, họ ngạc nhiên thấy ông từ trên giường nhảy xuống đất mừng rỡ la lớn: “Rõ ràng là cái thiên tính của tôi đủ rồi, đi tìm cái lí trong sự vật là lầm lẫn”. Bọn họ chẳng hiểu gì cả, nhưng ông vẫn dần dần giảng cho họ thuyết duy tâm của ông: “Tâm tức là lí, trong vũ trụ có cái gì ngoài cái tâm, có cái lí gì ngoài cái tâm đâu”. Từ đó ông không suy diễn rằng Thượng Đế chỉ do con người tưởng tượng ra; trái lại ông cho rằng Thượng Đế là một sức mạnh tinh thần bàng bạc khắp vũ trụ, cực lớn, không thể là một người được, mà lại có thể có thiện cảm hay ác cảm với con người.
 
Từ quan niệm hoàn toàn duy tâm ấy, ông cũng đạt tới những qui tắc luân lí y hệt với Chu Hi. “Thiên lí toàn thiện, chấp nhận, theo đúng thiên lí, tức là có đạo đức”. Khi người ta bảo ông, trong thiên nhiên, có hiền nhân mà cũng có những con rắn, thì ông đáp – mà thánh Thomas d’Aquin, Spinoza và Nietzsche sau này chắc cũng đáp như ông – rằng “thiện” với “ác” như là những thành kiến, có lợi cho cá nhân hay nhân quần thì gọi là thiện, có hại thì gọi là ác. Còn thiên nhiên thì siêu thiện ác, không biết những danh từ con người tạo ra đó. Một môn đệ của ông [tên là Khản] kể lại rằng – nếu không phải là bịa ra – cuộc đối thoại dưới đây mà chúng ta có thể đặt cho nhan đề là Siêu thiện ác:
 
Một lát sau thầy bảo: “Quan niện thiện và ác đó phát khởi từ thân thể ta, cho nên nó sai”. Tôi không hiểu rõ. Thầy giảng thêm: “Sinh ý của trời đất có thể so sánh với trường hợp hoa và cỏ. Làm sao phân biệt được thiện và ác trong hoa, cỏ. Anh thích ngắm hoa thì cho hoa là “thiện”, cỏ là “ác”. Tới lúc anh cần dùng cỏ thì anh sẽ cho cỏ là “thiện”. Anh phân biệt thiện ác như vậy chỉ do anh thích hay không thích. Do đó mà biết là anh lầm”.
 
Tôi thưa: “Nếu vậy thì không có thiện có ác chăng?” Thầy bảo: “Khi cái lí mà tĩnh thì không phân biệt thiện và ác; khi nó động thì có thiện và ác. Không động cái khí tức là không có thiện có ác nữa, như vậy là chí thiện… [Truyền tập lục].
 
Tôi thưa: “Vậy thiện và ác không ở trong sự vật”.
 
Người bảo: “Chúng không có trong tâm của anh”[15].
 
Vương Dương Minh và đạo Phật gióng lên tiếng chuông duy tâm siêu hình đó là điều có ích cho các môn đồ Khổng giáo lúc nào cũng nghiêm chỉnh, kiêu căng, vì tuy phái này có những quan niệm đúng nhất về bản tính của con người và về chính trị, nhưng mắc cái tật hãnh diện về sự minh triết của mình, riết rồi thành một giới quan lại cố chấp, ghét những tư tưởng tự do, phiêu lưu. Lần lần phái Chu Hi thắng thế, bài vị của Chu được long trọng được đặt trong Khổng miếu, lối chú giải ngũ kinh tứ thư của ông được các môn đồ Khổng giáo chính thống suốt bảy trăm năm coi là đúng nhất, như vậy chỉ là lương tri đã thắng những tế nhị của óc siêu hình; nhưng một dân tộc cũng như một cá nhân, có thể vì hợp lí quá, thực tế quá, bình phàm quá, mực thước, quân bình quá, lúc nào cũng có lí mà hoá ra không ai chịu nổi. Một phần vì Chu Hi và đạo Khổng hoàn toàn thắng thế mà Trung Hoa phải có một cuộc cách mạng.

[1] Tức Triệu Khuôn Dẫn. (Goldfish).
[2] Phép đó gọi là phép “thanh miêu”: nông dân vay từ khi lúa xanh tới lúc lúa chín trả lại với số lời 2 phân (mỗi tháng?). (ND).
[Trong cuốn Sử Trung Quốc, cụ Nguyễn Hiến Lê bảo số lời là 2, 3 phân mỗi tháng, và cụ còn cho biết thêm: “địa chủ cho vay thì có khi lãi tới 20 phân mỗi tháng”. (Goldfish)].
[3] Phép “quân du” và phép “bình giá”. (ND).
[4] Tức phép “bảo giáp”: cứ năm nhà làm một “bảo”. Bảo đinh phải luân phiên canh phòng trộm cướp, tức như dân phòng. (ND).
[5] Tức phép “bảo mã”. Nhà vua không giao lúa, cỏ cho người nuôi ngựa mà miễn một phần thuế cho họ. (ND).
[6] Coi cuốn Tô Đông Pha – Cảo Thơm tái bản 1974. (ND).
[7] Theo Từ Hải thì Đôn Hoàng thuộc tỉnh Cam Túc. Durant lầm? (ND).
[8] Theo Từ Hải thì Đôn Hoàng thuộc tỉnh Cam Túc. Durant lầm? (ND).
[9] Feng Tao: Phùng Đạo 馮道 (882-954) - 130 quyển kinh Khổng giáo được in trong khoảng 932-953 (http://en.wikipedia.org/wiki/Feng_Tao). (Goldfish).
[10] Pi Sheng: Tất Thăng 毕昇 (990-1051). (Goldfish)
[11] Theo tập Tin tức Đại Hàn (số tháng 10-1973) của Sở Thông tin Đại Hàn thì ngày 15.5.1973, người ta mới tìm thấy tại thư viện Đại Hàn ở Hán Thành một cuốn sách cổ về Phật giáo nhan đề là Chongyong Tap Sunjong Simyo Popmum, cuốn đầu tiên in bằng mẫu tự kim khí hiện nay được biết. Cuốn đó in khoảng 1275-1298. (ND).
[12] Durant muốn nói sự dùng bạch thoại để viết truyện? (ND).
[13] Tức bộ Sự loại phú 事類賦 của Ngô Thục 吳淑 (947-1002). (Goldfish).
[14] Bản tiếng Pháp in lầm là monde interieur (nội tâm). Tôi đã sửa lại như vậy (monde exterieur). (ND)
[Đúng là bản tiếng Pháp in lầm. Nguyên văn tiếng Anh là: external universe. (Goldfish)].
 
[15] Nguyên văn đoạn này – trừ hai hàng cuối - ở trong Trung Quốc triết học sử của Phùng Hữu Lan. Tôi trích thêm hai câu này nữa về thiện và ác :
Vô thiện vô ác thị tâm chi thể, hữu thiện hữu ác thị ý chi động (không thiện không ác là cái thiện của tâm; có thiện có ác là ý phát động).
Về Dương Vương Minh coi thêm sách của Phan Văn Hùm hoặc Đào Trinh Nhất. (ND).