Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê
CHƯƠNG IV - (2)

III. ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

 

1. Ở thôn quê

Cảnh nghèo của nông dân – Các phương pháp canh tác – Gặt - Trà – Rau và cây ăn trái – Tính khắc khổ, kiên nhẫn của nông dân

 

Tất cả nền văn học cực đa dạng của Trung Hoa, tất cả những tư tưởng tế nhị của họ và tất cả những cái tô điểm đời sống của họ đều nhờ đất đai phì nhiêu của họ cả. Nói như vầy có lẽ đúng hơn: nhờ sức lao động của họ, vì sự phì nhiêu của đất đai là nhờ sức người chứ không phải tự nhiên mà có. Trong nhiều thế kỉ, những người sống đầu tiên sống trên đất Trung Hoa đã phải chiến đấu với rừng rú, với thú dữ, sâu bọ, lụt lội, hạn hán, với muối, phèn, và băng giá, rồi mới biến đổi được những miền hoang vu mênh mông ấy thành ruộng vườn tươi tốt. Cuộc chinh phục thiên nhiên cứ phải diễn lại hoài; chỉ đốn rừng bậy bạ trong một thế kỉ là một miền biến thành sa mạc[1]; chỉ vài năm bỏ bê là đồng biến thành rừng rậm. Cuộc chiến đấu khó nhọc và nguy hiểm; lúc nào các rợ ở chung quanh cũng có thể xâm lăng, chiếm các miền khó nhọc lắm mới khai phá xong. Chính vì vậy mà nông dân không sống trong những trại cách xa nhau mà ngay từ buổi đầu đã tụ họp nhau thành xóm nhỏ, đắp một bức tường chung quanh, ban ngày ra đồng làm ruộng, có khi ngủ trọn đêm ở ngoài đồng để canh trộm nữa.
 
Phương pháp canh tác của họ rất giản dị, ngày nay cũng không khác ngày xưa bao nhiêu. Đôi khi họ dùng cày – mới đầu bằng gỗ, rồi bằng đá, sau cùng bằng sắt – nhưng thường thường họ xới đất rất kĩ bằng cây cuốc. Họ bón ruộng bằng đủ các thứ phân họ kiếm được, kể cả phân người, phân chó. Từ một thời rất xa xăm, họ đã đào rất nhiều kinh dẫn nước sông vào ruộng kê; họ đào cả qua miền núi đá những đường nước sâu để tìm một ngọn suối ngầm rồi dẫn nó tới một cánh đồng khô cạn. Họ không biết cách luân canh [năm này trồng giống này, năm sau trồng giống khác], không biết phân nhân tạo, nhiều khi không có cả trâu bò, mà cũng làm được hai hay ba mùa mỗi năm – trên một nửa đất đai trồng trọt được của họ - và họ đã bắt đất phải sản xuất nhiều thực phẩm cho họ, hơn bất kì một dân tộc nào khác trong lịch sử. Họ trồng nhiều nhất là lúa và kê, rồi tới lúa tiểu mạch (lúa mì), lúa đại mạch (orge). Lúa không những để ăn mà còn để cất rượu, nhưng nông dân ít khi được uống nhiều rượu. Họ thích nhất là trà; sau lúa là trà chiếm nhiều đất trồng trọt nhất. Mới đầu trà chỉ dùng làm thuốc trị bệnh, rồi mỗi ngày nó phổ biến, tới đời Đường thì nó đã được xuất cảng và được các thi nhân ngâm vịnh. Thế kỉ XV, cả Đông Á thích cái thú thanh nhã uống trà; người ta ganh đua nhau tìm những giống trà tốt hơn, và có những cuộc thi xem thứ trà nào ngon nhất. Trung Hoa còn sản xuất nhiều rau mà vài thứ như đậu nành và măng rất bổ; còn những loại gia vị cay, nồng như hành, tỏi, và cả ngàn thứ trái cây. Không có đồng cỏ, nên trâu bò ít, chỉ dùng để kéo cày; còn để ăn thịt thì chỉ có heo và gà vịt. Một số đông dân sống nhờ đánh cá ở sông biển.
 
Gạo, mì ống, miến, rau và một vài con cá, đó là thức ăn chính của hạng người thường; hạng phong lưu thì ăn thêm thịt heo, thịt gà; còn hạng giàu có thì rất thích thịt vịt[2]. Trong các bữa yến tiệc ở Bắc Kinh, đôi khi người ta dọn ra cả trăm món nấu bằng thịt vịt. Sữa bò rất hiếm, trứng gà cũng vậy mà lại ít khi tươi; người ta làm một thứ sữa đậu nành và một thứ đậu phụ [tàu hũ] tựa như phó mát [phô mai]. Nấu ăn đã thành một nghệ thuật và người ta làm đủ các món súp hải tần [?] với yến sào; có những món rất ngon làm bằng vi cá và ruột cá, bằng châu chấu, bằng con trùng, con nhộng; người ta ăn thịt ngựa, thịt la, thịt chuột, thịt rắn, thịt mèo, thịt chó. Người Trung Hoa thích ăn; trên bàn ăn của nhà giàu thường thấy bày tuần tự bốn chục món, thực khách ăn rất mạnh, ba bốn giờ mới xong bữa.
 
Người nghèo không cần ăn lâu như vậy. Nông dân phải làm tối tăm mặt mũi, mà chỉ trừ vài trường hợp rất hiếm, còn thì ít ai tin chắc được rằng không có lúc phải chết đói. Như ở mọi xứ khác, kẻ nào mạnh và khôn lanh cũng gây dựng nổi những cơ đồ lớn lao; tài sản trong nước tập trung vào trong tay một số ít người. Lâu lâu, như dưới triều Tần Thuỷ Hoàng, người ta chia ruộng cho người cày, nhưng rồi chẳng bao lâu đất đai lại tập trung vào một số người vì luôn luôn có kẻ khôn, người dại. Đa số nông dân làm chủ khoảnh đất của mình, nhưng dân số tăng lên mau hơn diện tích đất khai phá, thành thử khoảnh đất của họ cứ mỗi ngày một nhỏ đi. Rốt cuộc họ nghèo mạt, không hơn gì bọn cùng dân ở Ấn Độ. Lợi tức một gia đình nông dân trung bình không quá 1.200 quan (cũ) mỗi năm[3], nhiều kẻ chỉ sống bằng vài xu mỗi ngày, và năm nào cũng có hằng triệu người chết đói. Từ hai ngàn năm nay, mỗi năm Trung Hoa có ít nhất là một cơn đói kém; một phần vì họ sinh sản mau quá, đất đai không nuôi nổi; một phần cũng vì phương tiện chuyên chở vừa ít vừa đắt. Thành thử miền này chết đói mà miền khác dư lúa gạo. Sau cùng, trả vốn và lời cho đại điền chủ và đóng thuế rồi, còn dư được giạ lúa nào thì nước lụt cuốn đi hết. Sông Hoàng Hà mà họ gọi là “tai ách của Trung Hoa”, có thể chuyển dòng chảy ra một hướng khác, làm cho ở đây cả ngàn làng bị chìm dưới nước, mà ở chỗ kia cả ngàn làng khác hoá khô cằn, không sản xuất được gì[4].
 
Nông dân Trung Hoa thời nào cũng thản nhiên, can đảm đương đầu với những thiên tai ấy. Một câu phương ngôn bảo: “Sống cuộc đời phù du này, chỉ cần một cái nón và một chén cơm”. Họ làm lụng cực nhọc nhưng chậm chạp: không bị máy móc thúc đẩy, họ ghét tiếng động của máy, tốc độ của máy mà họ cho là nguy hiểm. Họ không nghỉ thứ bảy và chủ nhật; nhưng có nhiều ngày lễ, tết: Tết Nguyên đán, tết Hoa đăng…; những dịp đó họ được nghỉ ngơi, mà đời họ tươi lên, mơ mộng, xúc động, cả trong những mùa u ám nhất trong năm. Khi đông tàn, tuyết tan, đất được thấm nhuần những giọt mưa ấm áp đầu xuân, nông dân lại ra đồng làm lụng và hát những bài ca tràn trề hi vọng, đã có từ thời cổ thời xưa.
 

2. Trong các cửa tiệm

Các nghề mọn – Lụa – Xưởng – Các phường – Lao công – Đường sá và kinh – Thương nhân – Tín dụng và tiền tệ - Các thí nghiệm về tiền tệ - Lạm phát giấy bạc

 

Vậy mà trước thế kỉ XVIII, kĩ nghệ Trung Hoa đứng đầu thế giới. Từ thời xưa nhất trong lịch sử của họ, chúng ta đã thấy những thợ thủ công làm việc suốt ngày và thương nhân buôn bán tấp nập trong các thị trấn. Những kĩ nghệ phổ biến nhất là nghề nuôi tằm dệt lụa, do phụ nữ làm tại một nơi gần nhà, hoặc ngay trong nhà họ. Kĩ nghệ dệt lụa là một kĩ nghệ có từ rất lâu đời rồi, xuất hiện ở Trung Hoa có lẽ vào đệ nhị thiên niên kỉ trước T.L. Người Trung Hoa nuôi tằm bằng lá dâu tươi, và đạt được những kết quả phi thường: cứ một cân[5] tằm mới nở (700.000 con) nuôi bốn mươi hai ngày thì cân nặng được 9.500 cân[6]. Tằm đủ lớn rồi, họ đặt lên những cái phên tre hay rơm, để chúng nhả tơ làm kén. Người ta nhúng kén vào nước sôi để kéo tơ, rồi dệt thành lụa, gấm, vóc, làm những tấm nệm, đồ thêu trang hoàng đời sống của giới thượng lưu[7]. Còn người nuôi tằm và dệt tơ thì phải bận đồ vải.
 
Từ nhiều thế kỉ trước T.L, song song với những tiểu thủ công nghệ tại gia đó, còn có nhiều xưởng nhỏ tại các thị trấn. Ba trăm năm trước T.L đã có một giới lao động thị thành gồm chủ và thợ họp nhau thành phường. Thứ tiểu kĩ nghệ ấy phát đạt lên, các thị trấn hoá đông dân hơn, tấp nập hơn và tới thời Hốt Tất Liệt (thế kỉ XIII) về phương diện kĩ nghệ, Trung Hoa đã có thể so sánh châu Âu thế kỉ XVIII rồi. Marco Polo viết: “Mỗi nghề có cả ngàn xưởng và mỗi xưởng dùng mười, mười lăm, hai mươi, có khi tới bốn mươi thợ… Bọn chủ nhân giàu nhất không thèm mó tay vào công việc nữa mà chỉ vênh vang đi đi lại lại coi sóc, xem xét”. Những phường ấy, như các nghiệp đoàn ngày nay, rán hạn chế sự cạnh tranh, định tiền công, giá cả, số giờ làm việc; nhiều phường còn hạn chế sức sản xuất để giá khỏi xuống. Có thể vì họ cố duy trì những truyền thống của nghề nghiệp mà khoa học Trung Hoa mới chậm tiến, cuộc cách mạng kĩ nghệ chậm xảy ra; ngày nay tất cả những chướng ngại, do chế độ đó gây ra mới một làn sóng bị cuốn đi hết.
 
Những phường ấy đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ mà người Âu Tây thường giao cho nhà nước; họ tự đặt ra qui chế cho họ và buộc mọi người phải theo đúng; họ có những uỷ ban hoà giải chủ và thợ, hai phe được cử đại diện, nhờ vậy mà ít có những vụ bãi công; tóm lại họ thành như một tổ chức tự trị, tự chế định để lo cái lợi cho mỗi người mà tránh được cái cảnh lưỡng nan, một là chịu hậu quả của chủ nghĩa phóng nhiệm, hai là bị nhà nước ức chế. Không phải chỉ ngành thương mại và ngành kĩ nghệ có chủ và thợ mới thành lập những phường; ngay những ngành nhỏ nhoi hơn: nghề thợ cạo, nghề làm bếp, nghề khuân vác, v.v… cũng có phường; cả bọn hành khất cũng họp nhau thành đoàn thể có qui tắc rất nghiêm. Tại các thị trấn, một thiểu số dân lao động là nô tì; thường thường là những gia nhân bắt phải ở với chủ trong bao nhiêu năm đó hoặc suốt đời. Gặp lúc đói kém, có kẻ đem bán con gái hoặc những đứa trẻ mồ côi, thường với giá rẻ mạt; thời nào cha cũng có quyền bán con gái làm tì thiếp cho các nhà giàu. Nhưng số nô lệ không bao giờ đông đảo như ở Hi Lạp và La Mã; đa số thợ thuyền là những người lao động tự do, hoặc thuộc vào một phường nào đó, còn đa số nông dân được làm chủ ruộng của họ, họp nhau thành làng xóm gần như độc lập, không bị chính quyền trung ương chi phối.
 
Hàng hoá thì gánh hoặc vác; người thì ngồi trên kiệu do phu khiêng, vai họ chai, họ an phận. Đôi khi người ta dùng lừa để kéo xe, nhưng thường thường xe do người đẩy. Sức lao động rẻ quá, nên không có lí gì để dùng loài vật hoặc máy móc mà phát triển sự chuyên chở. Vì dùng những phương tiện cổ lỗ như vậy nên chẳng phải sửa sang đường sá, đường hư tới mấy thì vẫn đi được. Khi bọn tư bản Âu Tây đã làm xong đường xe lửa đầu tiên năm 1876, một đường dài mười sáu cây số nối Thượng Hải với Ngô Tùng, dân chúng phản kháng, bảo động tới thần linh; họ làm dữ tới nỗi nhà Thanh phải mua lại đường đó, phá, liệng đầu máy và toa xuống biển. Thời Tần Thuỷ Hoàng và Hốt Tất Liệt, có những quốc lộ lát đá, nhưng bây giờ chỉ còn vài dấu vết lờ mờ. Đường trong thành phố chiều ngang chỉ có hai thước rưỡi, cho đỡ nắng. Cầu có nhiều và có cây rất đẹp như cây cầu bằng cẩm thạch ở Di Hoà Viên. Thương nhân và khách đi đường dùng đường thuỷ cũng nhiều bằng đường bộ. Có bốn chục ngàn cây số kinh để bù vào sự thiếu đường xe lửa, và Vận Hà – bắt đầu đào vào khoảng năm 300 sau T.L, tới đời Hốt Tất Liệt mới hoàn thành – dài trên ngàn cây số, nối Thiên Tân với Hàng Châu, là công trình vĩ đại thứ nhì của Trung Hoa, sau Vạn lí trường thành. Sông rạch đầy thuyền lớn thuyền nhỏ qua qua lại lại, chở các hàng hoá mà không tốn kém bao nhiêu, lại dùng làm chỗ ở cho hàng triệu người nghèo.
 
Người Trung Hoa có thiên tư về thương mại, có thể kiên nhẫn trả giá hàng giờ. Các triết gia Trung Hoa đồng ý với nhà cầm quyền, thời nào cũng khinh bọn thương nhân; nhà Hán đánh thuế họ rất nặng và cấm họ ngồi kiệu, bận đồ gấm vóc tơ lụa. Giai cấp thượng lưu để móng tay rất dài, cũng như đàn bà phương Tây đi giày cao gót, để tỏ rằng mình không mó tới việc gì cả. Thời xưa, hạng sĩ đứng đầu, rồi tới nông, công, thương vì người ta cho rằng thương nhân chỉ trao đổi các sản vật do mồ hôi nước mắt của người khác chứ không sản xuất gì cả. Mặc dầu vậy, bọn thương nhân vẫn làm giàu, chở sản phẩm Trung Hoa đi khắp châu Á, hang cùng ngỏ hẻm nào cũng đi tới, và rốt cuộc thành những cột trụ vững nhất chống đỡ nền tài chánh của quốc gia. Nội thương bị ngăn trở vì quyền li kin [?], còn ngoại thương thì lo bị ăn cắp trên bộ, ăn cướp trên biển; nhưng thương nhân Trung Hoa vẫn tìm được cách cho thuyền đi vòng bán đảo Mã Lai hoặc cho thương đoàn đi qua Turkestan, chở hàng tới Ấn Độ, Ba Tư, Mésopotamie, tới cả La Mã nữa. Lụa, trà, đồ sứ, giấy, đào, hạnh, thuốc súng, quân bài, đó là những thứ họ xuất cảng nhiều nhất; ngược lại, họ mua về lá alfalfa [một thứ cỏ cao độ một thước ở Algérie để làm giấy, đánh thừng, làm nệm…], thuỷ tinh, đậu phụng, thuốc lá và thuốc phiện.
 
Sự buôn bán được dễ dàng nhờ từ thời cổ đã có một tổ chức tín dụng và đúc tiền. Thương nhân thường cho vay lẫn nhau, lãi rất cao, trung bình là 36% một năm, mà thời xưa ở Hi Lạp và La Mã thì cũng vậy, vì họ phải chịu nhiều sự rủi ro. Chỉ khi nào cần tiền người ta mới vui vẻ, tử tế với họ; một tục ngữ cổ Trung Hoa bảo: “bọn ăn cắp mở ngân hàng”. Thứ tiền cổ nhất là vỏ sò, dao, lụa; thứ tiền đầu tiên bằng kim loại xuất hiện trước thế kỉ V trước T.L. Nhà Tần tuyên bố dùng vàng làm bản vị, nhưng rồi triều đình lại đúc tiền bằng hợp kim đồng với thiếc, thành thử tiền vàng biến lần lần trên thị trường[8]. Khi Hán Vũ Đế tung ra thứ tiền bằng hợp kim bạc với thiếc, bị bọn làm bạc giả lủng đoạn mà thất bại, người ta dùng những miếng da dài 30 phân để thay tiền, những miếng đó là thuỷ tổ của giấy bạc sau này. Vào khoảng 807, trong nước thiếu đồng – cũng như ngày nay chúng ta thiếu vàng – vì số hàng hoá tăng lên hoài, vua Hiến Tôn [nhà Đường] buộc dân có bao nhiêu đồng phải nộp hết vô kho của nhà nước, rồi nhà nước cấp cho một thứ biên lai, gọi là “phi tiền” [tiền bay], hình như dân Trung Hoa chấp nhận thứ tiền bay đó với một tinh thần “triết nhân”. Sau chế độ ấy bị bãi bỏ vì không cần tới nữa, nhưng sự phát minh ra thuật in bản gỗ gợi ý cho chính phủ dùng cách in này để làm ra tiền, và khoảng 935 tỉnh bán tự trị Tứ Xuyên, rồi năm 970, triều đình ở Trường An bắt đầu phát hành giấy bạc. Đời Tống, người ta lạm phát giấy bạc, khiến nhiều người bị phá sản. Marco Polo bảo: “Sở giấy bạc của triều đình ở trong thị trấn Cambaluc (Bắc Kinh) và coi cách sở đó hoạt động, người ta có thể đoán mà không lầm mấy rằng họ biết thuật luyện kim (alchimie) vì họ cũng dùng những cách ấy để làm ra được bạc”, và ông ta tả cách người Trung Hoa dùng vỏ cây dâu tầm ăn để làm thành những miếng giấy mà dân chúng chịu dùng thay tiền vàng, khiến cho đồng bào Venise của ông không tin, khinh ông là nói láo. Đó là nguồn gốc của giấy bạc, nó không ngớt tuôn vào thị trường khắp nước, khi thì kích thích, khi thì làm tê liệt đời sống kinh tế.
 

3. Óc phát minh và khoa học

Thuốc súng, pháo thăng thiên và chiến tranh – Kim chỉ nam – Sự nghèo nàn về các phát minh kĩ nghệ - Địa lí – Toán học – Vật lí học – “Phong thuỷ” – Thiên văn – Y học – Vệ sinh

 

Dân tộc Trung Hoa hình như có tài phát minh hơn là tài lợi dụng các phát minh của họ. Thuốc súng phát hiện ở đời Đường, nhưng mới đầu chỉ dùng để làm pháo thăng thiên, mãi tới đời Tống (1161 sau T.L) mới chế tạo những lựu đạn để dùng trong chiến tranh. Người Ả Rập nhờ buôn bán với Trung Hoa mà biết chất mang tiêu (salpêtre), chất cần nhất để làm thuốc súng, và gọi là “tuyết Trung Hoa” [vì nó trắng như tuyết]. Họ truyền bí mật chế tạo thuốc súng vào miền Tây Á, người Sarrasins dùng nó trong chiến tranh. Còn Roger Bacon, người Âu đầu tiên nói đến thuốc súng thì có lẽ biết cách chế tạo nó nhờ đọc sách Ả Rập hoặc nhờ nói chuyện với Rubruquis [một nhà truyền giáo] đã đi khắp Trung Á.
 
Kim chỉ nam còn cổ hơn nhiều. Theo các sử gia Trung Hoa thì người phát minh ra nó là Chu Công ở đời Thành Vương (-1115 -1078) để một đoàn sứ giả ngoại quốc[9] biết hướng mà trở về quê hương; ông cho phái bộ đó năm cổ xe, một cổ có một “cây kim chỉ hướng nam”. Chắc người Trung Hoa đã biết từ lâu từ tính của đá nam châm, nhưng trước đó họ chỉ dùng để trang hoàng các đền thờ. Kim chỉ nam được mô tả trong bộ sử Tống thư, viết vào thế kỉ thứ V sau T.L, theo bộ ấy thì nhà thiên văn học Trương Hành (mất năm 139 sau T.L) có công tìm lại được phát minh đã có từ trước rồi mất đi. Một cuốn sách viết hồi đầu thế kỉ XII là cuốn đầu tiên chép rằng các nhà hàng hải, đã biết dùng kim chỉ nam, mà các nhà hàng hải ấy là những người ngoại quốc – có lẽ Ả Rập – vượt biển từ Sumatra tới Quảng Châu. Ở châu Âu, mãi vào khoảng 1190 mới thấy kim chỉ nam được ám chỉ tới trong một bài thơ của Guyot de Provins.
 
Mặc dầu phát minh ra kim chỉ nam, thuốc súng, giấy lụa, cách in, cách làm đồ sứ, nhưng người Trung Hoa không có tài phát minh kĩ nghệ. Họ có óc tưởng tượng về nghệ thuật, phát triển các thể riêng của họ, đạt được một mức hoàn hảo, tỏ ra những nét tế nhị, thanh nhã mà từ xưa tới nay không có một dân tộc nào hơn họ được; nhưng cho tới năm 1912, họ vẫn dùng những khí cụ cổ lỗ trong đời sống kinh tế, có lẽ một phần họ ghét máy móc [vì cơ giới sinh ra cơ tâm, hoặc có cơ tâm mới chế tạo ra cơ giới], một phần nữa họ dự cảm được những tai hoạ của kĩ nghệ hiện đại, nó làm cho con người phải làm lụng vội vã, mau như cái máy, mà một nửa nhân loại mất việc làm để cho một nửa kia giàu có. Người Trung Hoa là dân tộc đầu tiên biết đốt than đá, ngay từ năm 122 trước T.L, họ đã đào được một ít than đá, nhưng rồi không tìm cách khai thác các mỏ than, mà hầu hết các mỏ khác thì cũng vậy. Tuy biết chế tạo thuỷ tinh mà họ vẫn mua của phương Tây. Họ không chế tạo đồng hồ, đinh ốc, chỉ có ít cây đinh xấu xí. Trong hai ngàn năm, từ đầu đời Hán đến cuối đời Thanh, kĩ nghệ Trung Hoa không tiến được bao nhiêu, cũng như ở châu Âu, từ thời đại Périclès tới cuộc cách mạng kĩ nghệ.
 
Trung Hoa thích sự lễ độ do truyền thống, sự an tĩnh của suy tư, học hỏi hơn là sự náo nhiệt của tiến bộ khoa học, sự thô lỗ của giới phú hào. Trong số tất cả các nền văn minh lớn, văn minh Trung Hoa ít cống hiến cho nhân loại nhất về kĩ thuật, kĩ nghệ. Hai thế kỉ trước T.L, họ đã có những bộ sách rất đầy đủ về canh nông, tằm tang, và nhiều bộ rất quí về địa lí. Một nhà toán học thọ trăm tuổi, Chang Ts’ang[10] (mất năm 152 tr. T.L), đã lưu lại một bộ về đại số và hình học, trong đó lần đầu tiên nhân loại biết dùng những số âm. Tsu Ch’ung-chih[11] tính được đúng số Pi với sáu số ở phần lẻ; ông cải thiện kim chỉ nam; tương truyền ông còn thí nghiệm một kiểu tàu tự động. Năm 132 sau T.L, Trương Hoành chế được một máy đo địa chấn[12], nhưng xét chung thì môn vật lý học của Trung Hoa có tính cách khoa học huyền bí của môn “phong thuỷ”[13] và của thuyết âm dương. Hình như các nhà toán học Trung Hoa học được môn đại số của Ấn Độ, còn môn hình học thì họ tự tìm ra được, vì cần đo đất cát, vườn ruộng. Các nhà thiên văn học thời Khổng tử biết tính đúng ngày nào có nhật thực, và đặt được căn bản cho lịch Trung Hoa – mỗi ngày mười hai giờ, mỗi năm mười hai tháng, tháng tính theo mặt trăng; cứ hai, ba năm họ lại thêm một tháng nhuận để cho năm âm lịch hợp với sự vận hành của các mùa và mặt trời. Đời sống trên mặt đất hòa hợp với sự vận chuyển của tinh tú; các ngày tết đều do cả mặt trời và mặt trăng qui định; trật tự tinh thần của xã hội cũng phải theo sự vận hành đều đặn của tinh tú.
 
Từ thời nào tới giờ, y học Trung Hoa cũng vừa là kinh nghiệm, vừa là mê tín. Ngành đó xuất hiện trước khi có sử; trước khi phương Tây có Hippocrate thì Trung Hoa đã có nhiều y sĩ giỏi. Ngay đời Chu, nhà nước đã tổ chức mỗi năm những kì thi cho ai muốn làm y sĩ, và định số tiền thù lao y sĩ được phép nhận, tuỳ theo họ đậu cao hay thấp. Thế kỉ thứ IV trước T.L, một vị đại thần đã muốn mổ xẻ thây của bốn chục tên bị xử tử để tìm hiểu các bộ phận trong thân thể, nhưng kết quả chỉ là gây những cuộc tranh biện chẳng ích lợi gì cho y học, và công việc tìm hiểu đó bị bãi bỏ trong một thời gian. Đầu thế kỉ thứ II, Trương Trọng Cảnh (Chang Chung Ninh)[14] viết sách về cách tiết thực (diététique)[15] và về bệnh thương hàn [thương hàn luận], cả hai cuốn ấy đều được coi là cổ điển, ngàn năm sau vẫn dùng. Thế kỉ thứ III, Hoa Đà viết một cuốn về giải phẫu học và chế được một thứ thuốc mê để uống; để mất cuốn đó thì thật là một điều xấu hổ cho lịch sử. Vào khoảng 300 sau T.L, Wang Shu-ho[16] viết một cuốn nổi danh về phép bắt mạch. Đầu thế kỉ thứ IV, Đào Hoằng Cảnh (T’ao Hung-chinh)[17] tả kĩ 750 dược phẩm của Trung Hoa và một trăm năm sau, Ch’ao Yuan-fang[18] viết một cuốn nổi danh về phụ khoa và nhi khoa. Đời Đường xuất hiện nhiều bộ toàn thư về y học, đời Tống có những cuốn viết riêng về từng bệnh. Cũng đời Tống, triều đình mở trường dạy Y khoa, nhưng đa số y sĩ đều theo học một thầy riêng để vừa học vừa tập nghề. Có rất nhiều dược phẩm, cách đây ba thế kỉ mà một tiệm thuốc trung bình bán được mỗi ngày 15.000 quan Pháp. Phép chẩn bệnh có vẻ kì cục, có kẻ rởm tả một vạn chứng nóng lạnh và phân biệt được hai mươi bốn thứ mạch[19]. Muốn ngừa bệnh đậu mùa người ta truyền đậu (inoculation) – chứ không chủng đậu (vaccination) – chắc là bắt chước Ấn Độ; người ta dùng thuỷ ngân để trị bệnh giang mai. Bệnh này hình như xuất hiện ở Trung Hoa vào cuối đời Minh, lan tràn rất mau khắp nước và dân chúng hình như được miễn dịch (immunisé) một phần nào, khỏi bị những biến chứng nặng nhất. Vệ sinh chung và vệ sinh cá nhân, phép phòng bệnh và môn giải phẩu thời nay vẫn còn rất thô sơ; các thành phố không có cống để thoát nước dơ, nếu có thì cũng sơ sài quá, và nhiều thành phố không có nước trong sạch để uống, không biết tổ chức việc hốt rác, thực là thiếu hẳn những bổn phận sơ đẳng của một xã hội có tổ chức.
 
Xà bông là một xa xí phẩm rất hiếm, rận chấy nhung nhúc, cho nên người Trung Hoa nghèo phải kiên nhẫn chịu ngứa và tập gãi. Từ đời Tần Thuỷ Hoàng tới đời Từ Hi thái hậu (cuối đời Thanh), y học Trung Hoa tiến bộ rất ít, mà tây y từ Hippocrate tới Pasteur thì cũng vậy. Tây y theo đạo Ki Tô mà vô Trung Hoa, nhưng hiện nay bệnh nhân vẫn theo đông y, chỉ đi bác sĩ phương Tây khi nào cần phải mổ xẻ thôi.
 

IV. MỘT TÔN GIÁO KHÔNG CÓ GIÁO ĐƯỜNG

Tin dị đoan mà lại theo chủ nghĩa hoài nghi – Ma quỉ - Thờ Trời – Đạo Khổng – Đạo Lão – Thuốc trường sinh – Đạo Phật – Bao dung tôn giáo và chiết trung – Hồi giáo – Ki Tô giáo – Tại sao Ki Tô giáo thất bại ở Trung Hoa?

 

Xã hội Trung Hoa không dựng trên một cơ sở khoa học mà dựng trên một cơ sở kì dị, độc nhất vô nhị, gồm tôn giáo, luân lí và triết lí. Trong lịch sử nhân loại không có dân tộc nào vừa tin dị đoan lại vừa có tinh thần hoài nghi, vừa sùng kính quỉ thần, tổ tiên lại vừa có tinh thần duy lí, chống đối tăng lữ, vừa không chịu ảnh hưởng của tăng lữ, lại vừa thờ nhiều thần thánh như họ, trừ dân tộc Ấn Độ. Chỉ có cách này là giảng được những sự mâu thuẫn ấy chăng? Triết gia của họ ảnh hưởng tới dân chúng không đâu bằng, mà cảnh khốn cùng của dân chúng khiến họ có những hy vọng hão huyền, hy vọng ở thần thánh.
 
Tôn giáo của những người đầu tiên ở trên đất Trung Hoa cũng giống những tín ngưỡng của hầu hết các dân tộc “thiên nhiên” [tức những dân tộc sơ khai]: họ sợ sệt tin có linh hồn, thờ những ma quỉ luôn luôn lởn vởn chung quanh họ, họ kính trọng một cách ngây thơ mà nên thơ những hình thể làm cho họ bối rối, và những năng lực sinh sản của đất đai, họ sùng bái trời vì sức nóng của mặt trời và những trận mưa làm cho cây cỏ nẩy nở, khiến họ nghĩ rằng có những liên quan thần bí giữa đời sống trên mặt đất với những sức huyền bí của Trời. Họ thờ gió mưa, sấm sét, cây cối, núi đồi, rồng và rắn, nhưng trong những cuộc lễ lớn, họ xưng tụng nhất phép màu sinh sản và mỗi mùa xuân, trai gái họp nhau múa hát rồi giao hoan ngay giữa ruộng để cầu xin đồng ruộng noi gương họ mà trúng mùa. Tư tưởng[20] và thầy pháp lúc đó liên kết chặt chẽ với nhau, và cứ theo các truyện có tính cách tuyên truyền mà các sử gia đời sau bịa đặt ra, thì các ông vua thời sơ khai của họ là những vị thánh anh dũng, trước khi ra trận đều khấn vái quỉ thần và quỉ thần luôn luôn phù hộ họ.
 
Tôn giáo sơ khai coi trời và đất là hai phần của một thực thể vũ trụ rất lớn, và liên quan với nhau cũng như đàn ông với đàn bà, vua với bề tôi, dương với âm. Đạo Trời và đạo người liên quan mật thiết với nhau; đạo người như sự vận hành của tinh tú, chỉ là một phần của đạo Trời. Thượng Đế là ông Trời vạn năng đó, là cái đạo, cái hoà điệu linh thiêng bao trùm hết thảy từ người tới vật; bổn phận con với cha, vợ với chồng, tôi với vua, chư hầu với thiên tử, thiên tử với Thượng Đế, đều phải theo hòa điệu. Quan niệm khá cao mặc dầu hơi mập mờ đó, ở lưng chừng giữa hai quan niệm này: coi Thượng Đế có nhân cách như khi cầu nguyện ông Trời, và coi Thượng Đế không có nhân cách như khi các triết gia coi Trời là tất cả những sức mạnh công bằng và nhân từ chi phối cả vũ trụ, vạn vật. Lần lần, triết lí càng phổ biến thì chỉ hạng bình dân mới còn giữ quan niệm trên, còn giai cấp có học thì chỉ theo quan niệm dưới (coi Trời là những sức mạnh, là cái đạo) và đó là căn bản của tôn giáo chính thức ở Trung Hoa.
 
Từ những dò dẫm đầu tiên ấy mà phát sinh ra hai yếu tố căn bản của tôn giáo chính thống: một yếu tố là sự thờ phụng tổ tiên phổ biến khắp nước; một yếu tố nữa là sự cúng Trời và thánh [tức các vĩ nhân] của đạo Khổng. Mỗi ngày người ta cúng tổ tiên vài món ăn thường và khấn vái tổ tiên phù hộ cho, vì người bình dân tin rằng ông bà ông vải còn sống ở một cõi nào đó, có thể giúp đỡ hoặc trừng trị con cháu. Hạng trí thức cũng cúng vái như vậy nhưng không thực là thờ phụng mà chỉ là truy niệm tổ tiên; nhớ tới và sùng kính người đã khuất là một điều tốt cho tâm hồn, cho nòi giống vì như vậy cũng là kính trọng đường lối tổ tiên đã vạch ra, mà có muốn canh tân thì cũng do dự, do đó ít có sự xáo trộn trong nước. Sự thờ phụng tổ tiên ấy có vài điểm bất lợi: Trung Hoa đầy những ngôi mộ rất lớn không ai dám đụng tới, mà sự cày bừa, xây đường xe lửa bị trở ngại, nhưng theo các triết gia Trung Hoa hại ấy không đáng kể so với cái lợi là chế độ chính trị được vững, phong tục, tinh thần dân tộc được tiếp tục từ đời này qua đời khác. Có lẽ nhờ tục thờ cúng tổ tiên đâm rễ sâu vào tâm hồn dân tộc, nhờ đất đai mênh mông mà ít phương tiện chuyên chở mà lần lần dân tộc Trung Hoa có một sự thống nhất mạnh mẽ về tinh thần; thế hệ sau ràng buộc với thế hệ trước bằng truyền thống, và đời sống cá nhân hoá ra cao thượng lên vì được dự vào lịch sử tôn nghiêm của nòi giống.
 
Tôn giáo chính thống được các học giả theo vừa rộng hơn lại vừa hẹp hơn tín ngưỡng của dân chúng ấy. Lần lần, từ thế kỉ này tới thế kỉ khác, Khổng tử được trọng vọng thêm và sau được triều đình đưa lên hàng thánh nhân, chỉ hơi kém Thượng Đế một chút thôi, trường nào cũng dựng bia, tỉnh nào cũng cất đền thờ ông, và Xuân Thu nhị kì, nhà vua cùng các quan lại tế lễ, để tưởng niệm một vị đã có ảnh hưởng rất tốt tới dân tộc. Những người thông minh không coi ông như vị thần, nhưng đại chúng thì thờ ông như thần thánh, dù theo chủ nghĩa vô thần, người ta cũng có thể lại tế ông, coi ông như tổ tiên của mình. Nhưng Khổng giáo chính thức nhận có Thượng Đế, sức mạnh tối cao của vũ trụ; mỗi năm nhà vua rất long trọng tế Thượng Đế ở trấn Nam Giao, mặt dầu không coi Thượng Đế có tai mắt như chúng ta. Đạo Khổng không nói đến sự bất tử (…).
 
Tôn giáo đơn sơ và gần như duy lí ấy không làm cho đại chúng thoả mãn. Và rất ít, phần tượng trưng, không đáp được những hi vọng, mơ mộng của con người, không khuyến khích sự tin dị đoan, mà chính những dị đoan làm cho đời sống hằng ngày cuồng nhiệt hơn. Vì ở Trung Hoa cũng như các nước khác, dân chúng thích dùng cái nên thơ của sự linh dị mà tô điểm cho đời sống bình phàm hằng ngày; họ lờ mờ thấy ở trong không gian, trên mặt đất, cả một thế giới quỉ thần, thiện hay ác, lởn vởn chung quanh họ, và họ muốn dùng những câu thần chú hoặc những lời cầu khẩn để các quỉ thần ấy không làm hại được họ, hoặc phù hộ cho họ nữa. Họ nhờ thầy bói dùng mai rùa hay cỏ thi đoán tương lai cho họ theo Kinh Dịch; họ muốn những nhà phong thuỷ để mả hoặc để hướng cho nhà họ; họ thuê bọn phù thuỷ cầu mưa hay nắng cho họ. Họ ghét những trẻ sinh phải ngày hung, và có những thiếu nữ cuồng nhiệt, tự tử để cầu phúc hoặc gây hoạ [?] cho cha mẹ. Đặc biệt là người Hoa Nam có óc thần bí, không ưa tính cách lạnh lùng, duy lí của Khổng giáo và muốn có một tôn giáo tặng họ niềm an ủi này là được hưởng đời sống vĩnh cửu.
 
Cho nên vài nhà thần học bình dân mượn ngay những học thuyết hơi mơ hồ của Lão tử rồi lần lần tạo nên một tôn giáo[21]. Lão tử và Trang tử cho đạo là qui tắc sống, là một phương tiện để cho thế giới được thái bình, chứ không bao giờ có ý coi nó là một đấng thần linh, lại càng không cho rằng nhờ theo nó mà khi xuống hố rồi vẫn còn được sống trên một cõi nào khác. Nhưng tới thế kỉ II, có một số người bảo được Lão tử truyền cho một thứ thuốc bất tử, và sửa đổi[22] học thuyết của Lão tử. Thứ thuốc ấy được nhiều người ham lắm và tương truyền nhiều ông vua lạm dụng mà chết. Khoảng 148 sau T.L, một thầy tu thần bí bán một thứ bùa rất giản dị mà trị được bách bệnh lấy năm hộc lúa. Có thể rằng thứ bùa đó trị được bệnh cho vài người, còn những kẻ không hết bệnh thì ông đổ tại thiếu đức tin, nên bùa không công hiệu. Thế là thiên hạ ùn ùn theo tôn giáo mới, dựng đền, quyên rất nhiều tiền tặng các thầy tu [hay thầy phù thuỷ?] đó, đem lòng tin dị đoan của họ ra thờ tôn giáo mới. Lão tử thành một vị thần [Thái thượng Lão quân], bảo ông ở bụng mẹ tám mươi năm rồi mới ra đời, cho nên mới sanh ra ông đã già, đầu đã bạc, minh triết ngay rồi. Người Trung Hoa thích tưởng tượng ra những quỉ thần mới, rồi dùng pháo để cho quỉ sợ mà phải lánh đi, còn các thần biếng nhác, thiêm thiếp thì họ đánh thức dậy bằng tiếng chiêng, tiếng trống, bằng pháo thăng thiêng, bắt nghe những lời khấn vái cầu nguyện của họ.
 
Trong một ngàn năm, Đạo giáo thu hút được hằng triệu tín đồ, thuyết phục nhiều ông vua và kiên nhẫn giành ảnh hưởng với Khổng giáo, ngăn cản triều đình thu thuế để tiêu vào việc nước. Sau nó phải thua, không phải vì đạo Khổng hợp lí, mà vì một tôn giáo mới mạnh hơn, an ủi được hạng bình dân hơn, tức đạo Phật. Đạo này từ Ấn Độ bắt đầu truyền sang Trung Hoa trong thế kỉ thứ nhất sau T.L, lúc đó không còn là học thuyết nghiêm khắc, ảm đạm mà Đức Phật đã truyền bá năm trăm năm trước, không còn là một đạo khổ hạnh mà là một tôn giáo linh động, vui vẻ thờ vô số thần linh hiền từ trong một cảnh thiên đường rực rỡ; tức môn phái Đại thừa mà các nhà thần học phái Kanishka đã sửa đổi cho thích hợp với cảm xúc của hạng người chất phác. Phật giáo Đại thừa này tặng cho Trung Hoa được nhiều vị thần có tai mắt như người, chẳng hạn Phật A Di Đà ở thiên đường, Phật Quan Âm mới đầu là đàn ông, sau thành đàn bà, rất từ bi tha thứ cho mọi người, lại thêm các La Hán, là mười tám vị trong số các đệ tử đầu tiên của Đức Thích Ca, luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ nhân loại đau khổ và u mê, lạc hướng. Khi nhà Hán sụp đổ, Trung Hoa chìm đắm trong cảnh loạn lạc, dân chúng kiệt sức và chán nản hướng về đạo Phật, cũng như thời đó ở Âu châu, thế giới La Mã hướng về đạo Ki Tô. Đạo giáo mở vòng tay đón tôn giáo mới và lần lần hoà hợp chặt chẽ với đạo Phật trong tâm hồn người Trung Hoa. Một số ông vua ngược đãi đạo Phật, các triết gia tố cáo tính cách dị đoan của nó, các chính khách lo ngại vì thanh niên tự giam mình trong các ngôi chùa, không giúp gì được cho quốc gia, nhưng sau cùng chính quyền phải nhận rằng tín ngưỡng mạnh hơn chính quyền; các ông vua sau phải hoà giải với các vị thần mới, cho phép các ông sư đi khuất thực, xây chùa chiền, còn nhà Nho và các quan lại đành an phận nhìn thấy đạo Khổng của mình chỉ còn là tôn giáo của giới thượng lưu. Đạo Phật chiếm nhiều đền cũ, dựng chùa ngay bên cạnh các đền Đạo giáo trên ngọn núi Thái Sơn thiêng liêng, tập cho dân chúng quen đi hành hương, giúp cho văn học, kiến trúc, cả ấn loát nữa tiến bộ, tiêm vào tâm hồn Trung Hoa một chút khoan hậu, nhân từ. Rồi, cũng như Đạo giáo, nó bắt đầu suy đồi, bọn tăng lữ sa đoạ, một số thần linh ngoại đạo và các tà giáo trong dân chúng xâm chiếm nó; rốt cuộc ảnh hưởng về chính trị của nó vốn yếu ớt, không thời nào được mạnh, gặp lúc Khổng giáo phục hưng (đời Chu Hi) nhà Tống thì tiêu ma luôn. Ngày nay chùa chiền hoang vắng, gần như không có một nguồn lợi nào, các nhà sư phải sống cực khổ.
 
Nhưng đạo Phật đã thầm nhuần tâm hồn dân tộc và vẫn còn bàng bạc trong mớ tín ngưỡng mơ hồ, phức tạp của giới bình dân. Vì ở Trung Hoa, các tôn giáo có tính cách bao dung, chứ không độc chiếm, tự cho là độc tôn, như ở Âu, Mĩ, cho nên không bao giờ gây ra nội loạn (tức chiến tranh tôn giáo). Khổng, Lão, Phật vui vẻ sống chung với nhau chẳng những trong nước mà cả trong tâm hồn tín đồ nữa; nhiều người Trung Hoa theo cả tam giáo, lại thờ thần sông thần núi nữa. Người dân Trung Hoa cơ hồ như một triết nhân; ngờ rằng không có gì chắc chắn cả; xét cho cùng, các nhà thần học có lí chưa biết chừng, có thể có thiên đường được lắm, thế thì tốt hơn hết cứ tôn trọng tất cả các tôn giáo, cúng dường cho thật nhiều để khi mình chết, các tu sĩ tụng kinh siêu độ cho. Lại thêm, khi gặp vận may, cửa nhà vui vẻ, làm ăn khấm khá, thì đàn ông Trung Hoa ít nghĩ đến thần thánh, họ cúng vái tổ tiên còn việc lễ đền lễ chùa thì để cho các nhà tu hành và bọn phụ nữ. Đàn ông Trung Hoa là con người ít có tinh thần tôn giáo nhất trong lịch sử nhân loại; họ lo kiếm ăn trên cõi trần này, có khấn vái thần thánh thì không phải để được lên thiên đường mà để kiếm thêm được ít tiền nuôi vợ nuôi con. Khấn vái mà thần thánh không phù hộ, họ vẫn nghèo mạt, thì họ báng bổ thần thánh, có khi họ liệng thần thánh xuống sông nữa. Một tục ngữ Trung Hoa bảo: “Có người nào tạc ngẫu tượng mà thờ thần bao giờ đâu; thần làm bằng gì, họ biết quá rồi mà”.
 
Do đó mà người Trung Hoa không cuồng nhiệt theo Hồi giáo, Ki Tô giáo, vì những tôn giáo ấy cũng chỉ như Phật giáo, hứa cho họ lên thiên đường mà họ thì lại muốn hạnh phúc ngay trên cõi trần này. Đa số mười lăm triệu tín đồ Hồi giáo ở Trung Hoa không phải là gốc Trung Hoa mà có máu ngoại nhân ít nhiều, hoặc kết thân với ngoại nhân Ki Tô giáo do tín đồ Cảnh giáo đưa vô Trung Hoa vào khoảng 636 sau T.L. Vua Đường Thái tôn có thiện cảm với họ, che chở họ. Năm 781, những tín đồ Cảnh giáo Trung Hoa dựng một cái bia ghi ơn che chở của các vua chúa, và hi vọng rằng nhờ sự che chở đó, đạo Ki Tô sẽ lan tràn khắp Trung Hoa. Từ đó các tu sĩ giòng Tên siêng năng, dũng cảm và thông thái, và các mục sư đạo Tin Lành được các nhà tỉ phú Mĩ bảo trợ, rán thực hiện ước vọng của các tín đồ Cảnh giáo. Ngày nay ở Trung Hoa có khoảng ba triệu tín đồ Ki Tô giáo: trong một ngàn năm mà chỉ cải giáo được có một phần trăm dân chúng[23].

[1] Sườn núi hóa trụi, không giữ được nước mưa nữa, lớp đất tốt trên mặt trôi đi hết, đất thành khô cằn; mà nước mưa đổ xuống thung lũng như thác, ngập lụt hết. (ND)
[2] Vịt Tứ Xuyên rất nổi tiếng. (ND).
[3] Tức 12 quan mới, bằng khoảng 15.000 đồng V.N 1973. (ND).
[4] Từ xưa tới nay sông Hoàng Hà đã đổi dòng sáu lần, khi thì đổ ra Hoàng Hải, khi thì đổ lên Bột Hải (như hiện nay). (ND).
[5] Cân ở đây là cân Anh, pound, khoảng 450 gram. (Goldfish).
[6] Từ đời Thượng cổ, châu Âu đã biết kéo tơ kén của các con tằm hoang (nghĩa là không do người nuôi), nhưng mãi tới khoảng 552 sau T.L. các tu sĩ Cảnh giáo mới đem phương pháp nuôi tằm, dệt lụa vô phương Tây. Các phương pháp ấy từ Constantinople truyền qua đảo Sicile (thế kỉ XII), rồi qua Anh (thế kỉ XV).
Ở Pháp, người ta bắt đầu dệt lụa ở Tours năm 1480, nhưng tới năm 1520, vua François I mới phân phát trứng tằm nhập cảng từ Ý cho dân chúng trong miền thung lũng sông Rhône.
[7] Đôi khi người Trung Hoa đem khoe với khách tới chơi nhà những tấm gấm vóc như khoe đồ sứ hay những bức hoạ của họ vậy.
[8] Hiện nay thứ tiền thường dùng vẫn bằng đồng; một đồng ăn khoảng một phần ba hoặc một nửa xu Mĩ; và một lượng (tael) [bạc hay vàng? hay một quan?] là một ngàn đồng.
[9] Việt Thường, lúc đó ở vào tỉnh Quảng Đông ngày nay. (ND).
[10] Chang Ts'ang: Trương Thương 張蒼 (Goldfish).
[11] Tsu Ch’ung-chih: Tổ Xung Chi 祖冲之 (429-500). (Goldfish).
[12] Máy đó gồm tám con rồng bằng đồng đặt trên những ruột gà rất nhạy, ở vành một cái chén lớn, giữa chén có một con cóc há miệng. Trong miệng mỗi con rồng có một viên nhỏ bằng đồng. Khi có động đất thì con rồng ở gần chỗ động đất nhất nhả viên đồng đó vô miệng con cóc. Có một lần con rồng nhả viên đồng ra mà những người chung quanh không thấy đất rung chuyển gì cả. Mọi người cho ông là bịp; nhưng rồi một sứ giả lại cho hay tại một tỉnh ở xa mới có động đất.
[13] Ngày trước ta gọi là môn địa lý, tìm đất để mả, cất nhà. (ND).
[14] Chắc sách in lộn: Chinh mới đúng. (ND).
[Bản tiếng Anh: Chang Chung-ning. (Goldfish)].
[15] Chắc là bộ Kim qui yếu lược. (ND).
[16] Wang Shu-ho: 王叔和 Vương Thúc Hoà. (Goldfish).
[17] Đào Hoằng Cảnh 陶弘景 (sách in lầm: Đào Hoàng Cảnh). (Goldfish).
[18] Ch’ao Yuan fang: Sào Nguyên Phương 巢元方 (Goldfish).
[19] Hai mươi tám thứ nữa kia. (ND).
[20] Chắc sách in lầm. Nguyên văn tiếng Anh là King: nhà vua. (Goldfish).
[21] Tức Đạo giáo mà chúng ta nên phân biệt với Lão giáo chỉ có tính chất triết học. (ND).
[22] Đúng hơn là giải thích theo một lối mới. (ND).
[23] Ki Tô giáo hết hy vọng thành công từ đầu thế kỉ XVIII, do những cuộc tranh biện giữa các tu sĩ giòng Tên và các nhà truyền giáo thuộc các phái khác của Ki Tô giáo. Các tu sĩ giòng Tên là những nhà tâm lí khôn khéo đã tìm ra được những thể thức khiến cho các yếu tố căn bản của tinh thần kính tín Trung Hoa – tức sự thờ phụng tổ tiên và Trời – có thể khoác một cái vỏ Ki Tô giáo mà không làm cho các chế độ đã thấm nhuần tâm hồn Trung Hoa bị trốc rễ, không làm cho tinh thần họ mất sự quân bình; các tu sĩ giòng thánh Dominique và giòng thánh Francois d’Assise trái lại, mạt sát tất cả thần học và nghi lễ Trung Hoa là những phát minh của quỉ. Vua Khang Hi sáng suốt, rất có thiện cảm với Ki Tô giáo, giao các hoàng tử cho các tu sĩ giòng Tên dạy dỗ; có hồi ông còn muốn theo đạo Ki Tô nữa với một số điều kiện nào đó. Khi Giáo hội xử vụ tranh biện đó, chuẩn y thái độ cứng rắn của hai giòng Dominique và Francois d’Assise thì Khang Hi không nâng đỡ Ki Tô giáo nữa. Các ông vua sau tấn công mạnh mẽ Ki Tô giáo. Gần đây thái hậu Từ Hi, vốn thích [?] Âu Tây, cấm truyền đạo Ki Tô, khuyến khích các nhà cách mạng chống đạo ấy.