Nam Phương là một phụ nữ, từ khi lọt lòng mẹ đến khi đi học rồi lấy chồng làm vua, lên ngôi Hoàng hậu đều được sống trong nhung lụa, kẻ hầu người hạ. nên khi Cách mạng Tháng 8 nổ ra, toàn dân đứng lên lật đổ ngai vàng, lật đổ chế độ phong kiến và kháng chiến chống Pháp để dành độc lập tự do thì bà Nam Phương rất lo sợ. Khi nghe tin phái đoàn Chính phủ Lâm thời Việt Nam vào Huế để yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị và phải nộp ấn kiếm cho Cách Mạng thì bà Nam Phương lại càng lo sợ hơn nữa. Đến 2 giờ chiều ngày 26 tháng 8 năm 1945, vua Bảo Đại đã loan báo việc đồng ý thoái vị và trao ấn kiếm cho phái đoàn Chính phủ tới tiếp nhận. Bảo Đại triệu tập các quan trong triều đúng giờ trên phải có mặt ở Thế Miếu, nơi thờ tiên đế nhà Nguyễn để vua báo cáo trước tổ tiên. Nhưng tới giờ phút chót các quan văn võ đều lẫn tránh, chỉ có 4 người tới dự. Khi lễ báo cáo yết Liệt Thánh tất, thì quan văn võ mới lục đục kéo nhau vào điện Kiến Trung để làm lễ bái biệt vua và hoàng hậu. Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương đều đứng, còn các quan văn võ đều xếp hàng ngang và chấp tay cúi đầu vái ba vái. Lúc đó, Bảo Đại mặt lạnh như tiền, còn bà Nam Phương thì tỏ vẻ buồn, hai hàng nước mắt nhỏ từng giọt xuống gò má. Lễ xong mọi người ra về, không ai nói với nhau đều gì, chỉ cúi đầu im lặng lủi thủi đi. Đến sáng ngày 27 – 8, ông Phạm Khắc Hòe vẫn đến văn phòng làm việc như thương lệ. Nhưng độ mươi phút sau thì có người thị vệ của bà Nam Phương khệ nệ bê cái khay có phủ tấm vải vàng và để chiếc mũ Cửu Phượng của bà trên đó, chiếc mũ này có đính 9 con Phượng bằng vàng ròng. Chiếc khay đặt trước mặt ông Phạm Khắc Hòe và người thị vệ thưa: -Dạ bẩm, Ngài Hoàng ban đưa mũ Cửu Phượng “trả” lại cho cụ. Ông Hòe ngơ ngác hỏi: -Sao lại “Trả” cho tôi, ông đưa về tâu với Ngài rằng tôi không dám nhận và xin phép Ngài cho tôi qua chầu để nói rõ lý do. Độ hai mươi phút sau, bà Nam Phương tiếp ông Hòe ở điện Kiến Trung. Và bà hỏi: -Tại sao tôi cho người đưa cái mũ Cửu Phượng qua trả mà ông lại không nhận? Ông Hòe thưa lại: -Tâu, chúng tôi không dám nhận, vì đó không phải là của ngự tiền văn phòng, và hơn nữa cũng không phải là của riêng chúng tôi. Theo thiển ý chúng tôi, thì từ nay, trừ những cái thật sự là của riêng Ngài, của Hoàng đế, của Đức Từ và các quan chức nhân viên thường trú trong đại nội, tất cả mọi thứ trong hoàng thành này từ cung điện, nhà cửa, ngọc ngà, châu báu, kiệu, xe, tán, lọng, áo xiêm, hài cho đến bàn ghế, giường tủ, hồ sơ, sách báo, dụng cụ văn phòng, dụng cụ nhà bếp … đều là của chính quyền nhân dân, phải được kiểm kê đối chiếu sổ sách và bàn giao lại đầy đủ cho các nhà chức trách mới … Vậy, cho nên đối với tất cả những tài sản, những vật dụng ở điện Kiến Trung mà không phải của riêng Hoàng gia, xin đề nghị Ngài ra lệnh cho người chầu hầu phải xếp đặt lại mọi thứ đúng theo chỗ của nó, chớ không nên mang đi nới khác, lỡ ra mất phải truy cứu trách nhiệm thì phiền lắm. Cuộc nói chuyện giữa bà Nam Phương với ông Phạm Khắc Hòe đang diễn ra thì Bảo Đại ở trong đi ra. Nhìn thấy Bảo Đại xuất hiện ông Hòe vội đứng dậy, nhưng Bảo Đại vẫy tay bảo ông Hòe cứ ngồi, rồi Bảo Đại cùng ngồi bên cạnh bà Nam Phương, bảo bà cứ tiếp tục câu chuyện. Bà Nam Phương nhìn ông Hòa và nói: -Qua những lời ông nói, tôi càng thêm trách ông. Ông Hòe thưa: -Tâu, chúng tôi chưa hiểu ý Ngài muốn nói chi? Nếu chúng tôi có lỗi lầm chi đáng trách, thì xin Ngài cho biết rõ để chúng tôi nhận lỗi. Bà Nam Phương thong thả và chậm rãi nói: -Tôi muốn nói rằng, ông là người của Việt Minh cài vào Đại Nội đã từ lâu. Điều này, tối hậu thư ngày 23 – 8 của Việt Minh đã thể hiện khá rõ. Hôm nay, qua cách ông sắp xếp và bàn giao tài sản cho Việt Minh, tôi càng thấy rõ hơn vai trò của ông. Ấy thế mà ông không hề nói cho tôi biết trước một chút xíu chi cả. Việc chi cũng phải nước đến chân mới nhảy … Nhưng ông Hòe nói: -Tâu, nếu chúng tôi quả thật là “người của Việt Minh cài vào Đại Nội đã từ lâu” thì đó là một vinh dự cho chúng tôi. Chúng tôi không can chi mà phải chối. Nhưng sự thật chúng tôi không có chân trong tổ chức Việt Minh, chúng tôi chỉ làm việc theo mong muốn của Tổ Quốc, theo sự thúc dục của lương tâm và với tấm lòng thiết tha mà chúng tôi đã tích cực vận động Hoàng đế thoái vị và chúng tôi vô cùng sung sướng khi ngài chấp nhận lời khuyên của chúng tôi. Theo lương tâm của chúng tôi thì cuộc vẫn động kéo dài gần hai tuần lễ là cả một quá trình báo cho hoàng gia biết trước những gì sẽ xảy ra để hoàng gia khỏi bị bất ngờ, tránh được tình trạng nước đến chân mới nhảy. Nếu chúng tôi cứ để cho hoàng đế ngã theo những người như Phạm Quỳnh, Nguyễn Duy Quang … thì chắc chắn chúng tôi đã chẳng có hạnh phúc được ngồi hầu chuyện với hai Ngài một cách thân mật và thẳng thắn như ngày hôm nay. Vợ chồng Bảo Đại, Nam Phương nghe ong Hòe nói như trên thì ngồi im và tỏ vẻ cảm động cùng nhìn nhau. Sau đó, bà Nam Phương quay sang nhìn ông Hòe và nói “Câu chuyện hôm nay đã làm cho tôi hiểu và quý ông hơn. Để tỏ mối thiện cảm ấy, tôi có một vật kỷ niệm nhỏ tặng ông”. Sau đó, bà Nam Phương trao cho ông Hòe một chiếc cặp da bóng loáng, và còn liếc nhìn Bảo Đại. Thấy bà vợ có hành động như vậy, Bảo Đại vội đứng dậy đi vào trong nhà và mấy mấy phút sau trở ra nói: “Tôi cũng tặng ông một chút kỷ niệm nhỏ” rồi trao cho ông Hòe một bộ nút áo chẽn bằng đá xanh có núm bịt vàn.g Ông Hòe cảm động, cảm ơn Bảo Đại và Nam Phương rồi cáo từ ra về.