Ngày 20-7-1954 hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, những cuộc hành binh càn quét cướp phá của quân đội viễn chinh Pháp buộc phải chấm dứt. Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và vùng mỏ HònGai Cẩm Phả thuộc vùng kiểm soát tạm thời của Pháp trước khi chúng cuốn cờ về nước. Chẳng còn bao lâu nữa ranh giới tạm thời chia đôi đất nước được thiết lập ở vĩ tuyến 17 lấy cầu Hiền Lương làm dấu mốc. Bà chủ quán Bar không còn mạnh mồm mượn oai “Sở Cẩm” để nạt nộ, dọa dẫm nhằm giữ An làm bồi bàn không công nữa. Thế nhưng những cuộc giao lưu ái tình của bà vẫn đều đều diễn ra, nửa kín đáo, nửa công khai. Quán Bar vần ngày ngày mở cửa bán bìa rượu hảo hạng, khách đông hơn. Bây giờ bạn tình của bà chủ quán có cả sĩ quan quân đội Pháp. Một chuyện xảy ra tại quán Bar vào buổi tối. Ông Thuận đến nhà hàng, đầu chải Bơ-ri-ăng-tin bóng lộn, chân đi giày đơ-cu-lơ ( deux couleur )trắng đỏ, com lê màu mỡ gà. Mùi nước hoa bung ra từ mái đầu, ngực áo. Thời điểm này không may mắn cho ông. Bà chủ ngồi sát sạt, kề đùi bên viên quan ba người Pháp, cằm hắn đầy râu quai nón đen sì. Cặp mắt xanh lét của viên võ quan háu háu như dán ánh mắt lên bộ ngực ngồn ngộn đang phập phồng của bà chủ quán Bar. Bà liếc mắt lẳng lơ đưa tình như mời mọc, làm viên quan ba khoái trá cười tình nhe hàm răng trắng ởn. Bước vào phòng, bất ngờ được chứng kiến cảnh ấy, mặt ông Thuận hầm hầm, mắt ánh lên vẻ giận dữ bực bội. Ông Thuận điên tiết, máu ghen nổi lên, miệng lẩm bẩm chửi: “Đồ đĩ thõa”. Ngẩng mái đầu phi-dê quăn tít, thờ ơ nhìn ông Thuận như chưa từng quen biết, bà chủ quán nghiến răng, cười nhạt rồi đưa mắt cho viên quan ba Pháp như ngầm bảo, hãy tống cổ thằng vô duyên, lố bịch kia. Thằng Pháp đứng bật dậy, huơ tay, nói bập bẹ tiếng Việt, cút. Ông Thuận bối rối, mặt tái dại, đưa ánh mắt cầu mong người tình của mình rủ lòng che chở. Viên võ quan sấn tới, vung tay tát lệch mặt ông Thuận cùng một cú giầy đinh đạp thẳng vào bụng. Ông Thuận kêu thất thanh, ngã dúi dụi, tóc xõa xượi dính cát, mặt hằn vết ngón tay, áo com lê màu mỡ gà in dấu giày đinh màu đất bụi. Ông lồm ngồm bò dậy và lủi mất, thằng Pháp miệng chửi “Mẹc xà lù”. Sau cái lần nếm đòn nhục nhã, lại bị người tình thờ ơ lạnh nhạt, ông Thuận không bén mảng đến nhà hàng nữa. Có lẽ ông đã hiểu một điều giản dị, ở cái vùng tạm chiếm này, người Pháp có quyền hung bạo chà đạp và rằng người đàn bà ham hố chung đụng thân xác với nhiều đàn ông thì ắt hẳn bà ta coi đàn ông là giống đực mà giống đực thì nhan nhản, chẳng cần tình nghĩa với một thằng đực nào. Chính những ngày nhộn này ở thành phố lại là thời cơ dễ dàng nhất cho An trốn khỏi nhà hàng quán Bar. Sáng ấy bà chủ đang yên giấc, An dậy thật sớm, xếp hai bộ quần áo của mình vào tay nải mang theo, anh lủi thủi lẻn khỏi nhà ra bến xe đi Hải Phòng, hôm sau từ Hải Phòng ra Cẩm Phả mỏ. Hỏi thăm người dân phố mỏ, anh tìm đến nhà mình. Phút gặp lại mẹ và các em mừng mừng tủi tủi nhưng mẹ An lại băn khoăn, liệu con mình có làm phật lòng ông bác và mẹ nuôi tốt bụng hay không. An giãi bày sự thật với mẹ, mẹ con lẫn lộn buồn vui. An sẽ phải làm quen với đất mỏ. Hỏi han người dân nơi đây, điều đầu tiên anh biết về Cẩm Phả là nơi đây không có trường trung học. Anh lắc đầu, buồn ngao ngán như kẻ thất tình và anh đủ trí lực để hiểu một điều cốt yếu, mẹ không thể đủ sức, đủ tiền nuôi An lúc này. Vùng than Cẩm Phả phố xá bé nhỏ lầm lụi, đường phố lô nhô đất đá, mặt đường đen đúa bụi than. Ven mặt phố hiếm hoi lắm mới nhìn thấy một vài cây dâu da, chùm hoa trắng như mâm xôi dưới trời nắng nóng hầm hập. Phiến lá nào cũng cõng bụi than lem nhem. Ở sườn đồi, sát ngay phía sau lán nhà thợ mỏ, đoàn xe hỏa chạy xình xịch kéo những toa than đầy có ngọn, bánh sắt nặng nề nghiến trên đường ray nghe ai oán. Ngày ngày, tầng mỏ và hầm lò như nuốt chửng những người phu mỏ. Họ nai lưng trên tầng than hoặc chui sâu vào hầm lò tối bưng để đào than, xúc than cho chủ mỏ người Pháp. Bốn giờ sáng, tiếng còi tàu nghe âm u, kéo dài lê thê “ủ, ủ, ủ …”. Âm thanh bao trùm không gian, giục giã phu mỏ thức giấc. Mắt nhắm mắt mở đoàn phu mỏ rời mái nhà, lán thợ, tất bật ra bến xe lên tầng mỏ hoặc xuống hầm lò. Đã mấy ngày nay An lê bước khắp nơi ở miền mỏ lam lũ này. An bước chân đến mỏ Cọc 6 rồi Đèo Nai. Ở đây người ta khom lưng đẩy những toa xe goòng bánh sắt chở đầy than, lăn bánh trên đường ray. Những chiếc khăn mỏ quạ màu đen trùm kín khuôn mặt phụ nữ mỏ để tránh bụi bẩn. Đứng trên tầng mỏ Đèo Nai, An thả mắt về phía vịnh Bái Tử Long. Xa xa, màu xanh mờ mờ của biển như phủ khói sương. Những dãy đảo đá nhấp nhô, trầm mặc, im lìm như ngồi suy tư trên biển. An thấy mình bơ vơ, lạc lõng và bé nhỏ quá. Những ngày này, ở lứa tuổi mười lăm, mười sáu như An khó có thể kiếm được việc làm ưng ý. Từ tầng mỏ trở về với lán nhà phu mỏ, lô xô mái nhà ngói thấp, xen những mái nhà tranh tre nhuộm màu bụi, tâm trạng An mang nặng nỗi chán trường. Anh lại lê bước đến khu trường tiểu học. Mái trường được xây cất ở phố nhỏ vắng vẻ, buồn tênh, leo tèo vài lớp học. Vậy mà mái trường buồn tẻ này đã làm thức dậy những hồi ức cùng nuối tiếc của An về mái trường và thuở học sinh nơi quê nhà. Lòng buồn buồn khó tả. Những ngày này miền mỏ cũng thật tà khác thường, chẳng bình yên. Nhiều phu mỏ nghỉ việc một vài ngày để dò nghe chuyện thế cuộc. Ở chợ, ngoài đường và trong những gian nhà, người ta bàn bạc, trò chuyện về chế độ mới sẽ được xác lập, chuyện di cư vào Nam. Hôm nay rộ tin này, ngày mai lan truyền tin khác. Thật có, giả có, tin tức đồn thổi nhiều lắm. Nhiều cai ký, giám thị, người cộng tác với chính quyền Pháp và cả thường dân cũng rục rịch chuẩn bị di cư. Người thì lo sợ bị phân biệt đối xử, mắc vòng lao lý, kẻ thì mong đổi đời ở đất phương Nam. Tin đồn thổi, Đức mẹ vào Nam làm đồng bào công giáo hoang mang. Có những tin loan truyền có sức lôi cuốn, ai vào Nam sẽ được cấp nhà, cấp đất. Lại có tin vô cùng hấp dẫn với An, ở miền Nam nhiều trường học được mở để đón nhận học sinh miền Bắc di cư, được nhận học bổng toàn phần. Mong được đi học như người khát nước mong dòng nước ngọt, như ngọn lửa âm ỉ bấy lâu nay vẫn cháy trong lòng An thì giờ này tin loan truyền kia như ngọn gió mạnh thổi bùng khao khát được cắp sách đến trường. Đất phương Nam bỗng chốc trở thành miền đất hứa có sức lôi cuốn kỳ lạ với anh. Trên đương phố mỏ, trước cửa nhà, những người sắp di cư vào Nam, họ đã bầy bán hàng trăm thứ đồ dùng, vật dụng bởi không thể mang theo xuống tàu di cư vào Nam. Nào là giường, tủ, bàn ghế, áo quần, chăn màn, bát đĩa. Có cả cột kèo, tre pheo, nứa lá. Tất cả là đồ cũ. Họ bán tống bán tháo với giá cả rẻ rúng, vừa bán vừa cho. Đêm đã đi vào chiều sâu, phố mỏ chỉ còn những tốp người làm ca hai, bóng họ đen đúa đổ dưới ánh trăng mờ đục, đang rảo bước về nhà. An trằn trọc không ngủ được. Ý nghĩ mông lung trong óc… Ở Cẩm Phả mình được đoàn tụ với mẹ và các em, rồi đây sẽ xin được việc làm, góp sức cùng mẹ nuôi các em. Chúng sẽ học tiểu học ở đất mỏ này. Với An, nơi đây, sẽ không còn một lựa chọn nào khác là làm phu mỏ… Con đường lên mỏ bụi cuốn mù mịt sau bánh xe. Làm việc trên tầng mỏ phải cật lực cuốc, xúc rồi khom lưng đùn đẩy xe goòng, mạt mày đen đúa bụi than… Khoảnh khắc này, trong đầu An lại chợt nhớ cái tin đồn đang loan truyền ngoài phố mỏ từ mấy ngày nay, nhất là cái tin về trường học được mở ở miền Nam để đón nhận học sinh di cư… Phải rồi, chú Hòa cũng lựa chọn con đường theo học…trong đầu An đã định hình con đường dứt khoát di cư vào Nam. An sẽ giã biệt mẹ và các em. Nước mắt ứa ra lúc nào anh không hay biết cứ như thể cuộc chia ly đang diễn ra. Anh thở dài một hơi rồi nhè nhẹ đặt bàn tay lên đầu, lên ngực, lân la sờ từng khuôn mặt các em như thể để nhận dạng từng đứa, thằng Pha, thằng Ban, thàng Chu. Anh nhẹ nhàng nhồm dậy để chúng nó khỏi giật mình, cúi xuống áp má lên từng đứa. Lại nhè nhẹ nằm xuống, tay lau nước mắt. Mẹ An đang ngủ say, nhịp thở đều đều, lúc này An có cảm giác nghe sao mà nặng nề. Anh muốn trò chuyện với mẹ quá và rồi, anh nói thầm trong dạ, không thành tiếng thành lời: “Con sẽ giã biệt mẹ. Mong mẹ rộng lòng hiểu cho con. Con biết rằng mẹ vẫn mong muốn cho con được ăn học. Bây giờ đã 16 tuổi mà con chẳng đỡ đần được là bao cho mẹ, tha thứ cho con mẹ nhé. Mà sao ông trời bắt tội mẹ con mình mãi thế này”. Bây giờ nước mắt An lại trào ra, trào nhiều hơn. Ngày hôm sau, An không dám nói ý định di cư vào Nam của mình, ngại rằng mẹ sẽ giữ lại. Anh viết lá thư dài bốn trang giấy gửi mẹ giãi bày nguyện vọng ra đi, mong mẹ tha thứ cho mọi lỗi lầm. Giọt nước mắt của anh nhỏ xuống trang thư hoen vài con chữ. Thư để lại được giấu trong ngăn tủ. Và rồi, ngày hôm sau nữa, chờ cho mẹ đi làm, trong lúc các em vẫn còn đang ngủ, anh mua ba gói xôi để lại cho các em. Trước lúc ra đi anh cúi xuống đặt nụ hôn cuối cùng lên má chúng, nhẹ tay xoa đầu nó rồi vội vã rời nhà ra bến xe đi Hải Phòng. Đến Hải Phòng phải chờ mấy ngày để lên tàu há mồm vào Sài Gòn bởi đoàn người chờ di cư vào Nam đông quá. Ngay chiều hôm ấy, đi làm về, linh tính mách bảo, mẹ An phán đoán chính xác, con bà đã trốn nhà về Hải Phòng tìm đường di cư vào Nam. Lòng buồn thương tê tái, ánh mắt bà chốc chốc lại ngơ ngác như người mất hồn. Sáng hôm sau mẹ An nghỉ việc, tức tốc đi Hải Phòng, nửa ngày tìm kiếm ở nơi bến cảng để gặp con. Bà nuôi sẵn ý định giữ con ở lại, bắt con quay về. Hôm sau quay về Cẩm Phả, bà nói với những người quen biết rằng, không gặp được An ở bến cảng. Thực ra, để cho việc ra đi của An nguôi ngoai trong lòng bà mới kể rõ sự thật. Bến cảng chiều hôm ấy nườm nượp người bước chân xuống tàu há mồm để di cư vào Nam. Già có, trẻ có. Vợ chồng con cái dắt díu nhau lên tàu. Cảnh chộn rộn, bao nhiêu là người mắt đỏ hoe, lã chã nước mắt. Gặp An nơi bến tàu huyên náo ấy, anh chào mẹ rồi quỳ xuống van xin: “Cho con được vào Nam theo học…”. Mẹ không còn lòng nào níu giữ An. Nước mắt ứa ra, mẹ nói với An: “Thôi đứng dậy, mẹ không giữ nữa đâu, cố mà học hành…”. Mẹ cho An mấy chục bạc, An cầm rồi trả lại, nói: “Mẹ giữ lấy để nuôi các em con…”. Sau chặng đường hành trình một tuần trên biển, tàu há mồm cập bến cảng Sài Gòn. Ai cũng lộ vẻ mệt mỏi bởi vừa trải qua chặng đường biển dài gần hai nghìn cây số. Mắt trũng sâu, mặt mũi phờ phạc hốc hác vì say sóng, vì ăn uống kham khổ thiếu rau xanh, ít nước uống và còn vì sinh họat bó buộc trên tàu như tù đầy. Tuy nhiên ai nấy vô cùng phấn khích vì tàu đến bến. Vui như vừa trút được gánh nặng đường trường. Nụ cười đã nở trên môi, ánh mắt mọi người rạng rỡ. Trời Sài Gòn nắng chang chang, từng làn gió sông, gió biển thi thoảng ào đến nhưng không đủ mạnh để xua đi cái nóng. An và đoàn người di cư được dẫn tới khu lều bạt dựng tạm dùng làm nơi tiếp đón đồng bào di cư. Trong lều, nóng ngột ngạt với đoàn người lôi thôi nhếch nhác. Nồng nực hơi người quện với mùi mồ hôi. Được uống cốc sữa bột do các nhà chức trách cấp phát, mồ hôi càng túa ra. An được đưa tới trạm tạm cư này cùng đoàn người vừa rời tàu lên cảng đến đây. Nghe người ta mách bảo, anh lại tìm đến trại tạm cư khác với hy vọng điều kiện sinh hoạt khá hơn. Ai cũng được phát mười đồng trợ cấp một ngày, chỉ đủ ăn hai bữa lưng lửng bụng. Bệnh viện Bình Dân đường Phan Thanh Giản, trường Tôn Thọ Tường đường Trần Hưng Đạo, nhà thờ Huyện Sĩ, trường Giáo lý và một vài cơ sở công quyền đều trở thành trại tạm cư. Trại nào cũng đông nghẹt người di cư tá túc. Ai nấy chen chúc nhau từ trong nhà đến ngoài hành lang, thật khó tìm được chỗ để trải trọn vẹn manh chiếu. Tầng trên, tầng dưới và ngay cạnh cầu tiêu, nơi nào có thể ngả lưng để kiếm giấc ngủ qua đêm là đã có người chiếm chỗ. May mắn, An tìm được một góc ngoài hành lang của trường học, không khí bớt ngột ngạt hơn nhờ ở hàng cây phượng vĩ rợp bóng quanh trường tuy rằng nắng vẫn chênh chếch chiếu, nắng choi chói đôi mắt. Nơi này vừa đủ cho một chỗ đặt mình. An không thấy có gia đình nào được cấp chỗ ăn, chỗ ở đàng hoàng. Những gương mặt đăm chiêu, sầu não cùng những lời than phiền có thể bắt gặp ở tất cả các trại tạm cư. Lúc này không có niềm vui, nụ cười trong ánh mắt, đây đó vang lên tiếng khóc của trẻ thơ và những lời dỗ dành ngon ngọt của mẹ của bà chúng. Mệt mỏi, căng thẳng nhưng đang ở lứa tuổi ăn được, ngủ được, An thiếp đi, mặc cho cả khu trường láo nháo, ồn ào cứ như thể cái chợ họp liên miên suốt ngày đêm. Trại tạm cư như cái chảo rang hầm hập làm bùng nổ những câu chuyện phiền muộn, thấm đẫm cảnh ngộ thời thế, nghe đều não lòng. Chợt tỉnh An không biết mình đã ngủ lâu chưa. Ngồi dậy, anh lắng nghe những người nằm, ngồi xung quanh mình nhỏ to trò chuyện. Một bà ở miền quê, nhai trầu thuốc bỏm bẻm, giọng rầu rĩ: - Ra đi thế này, gia đình tôi đã bỏ lại ngôi nhà năm gian với sáu sào vườn, tám mẫu ruộng thượng đẳng điền. Bây giờ thành vô gia cư. Quay sang, An rụt rè, tò mò hỏi: - Bà có nhà cửa, nhiều ruộng vườn như thế, sao lại phải ra đi? Một ông ngồi bên cạnh, tỏ ra am hiểu thời thế cướp lời: - Như thế chế độ mới quy bà là địa chủ, tránh sao ruộng đất không bị người ta tịch thu. An chợt tạt ngang liên hệ đến nhà mình, ở quê vẫn còn mấy mẫu ruộng, không biết chừng họ cũng quy mẹ mình là địa chủ. Anh cười một mình tự hài hước, địa chủ kiêm phu mỏ Cẩm Phả. Người khác tiếp lời: - Tôi lại thấy an tâm, bởi vào đây tin chắc là mình được sống. Các ông bà, ai mà chẳng có chút tiền bạc, của cải mang theo. Dần dà có điều kiện kiếm thêm sẽ mua nhà mua cửa. Chưa đủ tiền thì thuê nhà ở tạm, rồi cũng ổn. Bây giờ cứ coi là vạn sự khởi đầu nan. - Ở Hải Phòng, nhà tôi hai tầng mặt phố, tầng một là cửa hiệu bán vải vóc. Người ta rỉ tai bảo rằng, buôn bán là tiểu thương, tư sản bóc lột. Nếu cứ ở ngoài Bắc thì chẳng thể giữ nổi tài sản lại nhiều chuyện rắc rối khó lường nên đành bán tống bán tháo mọi thứ để vào Nam. Ai ngờ thời thế đảo lộn… ông thở dài. Một ông mặt vuông chữ điền, vẻ chất phác thật thà nói: - Nhà tôi chẳng được khá giả như nhà các ông các bà nhưng nghe người ta nói Đức Chúa vào Nam, tôi là tín đồ công giáo nên bước theo chân Chúa. Bàn tay ông mau lẹ làm dấu thánh. Một bà vẻ mặt nhăn nhó tham gia chuyện: - Ông nhà tôi ngày trước làm Chánh tổng. Nhờ trời cũng có ngót chục mẫu ruộng, vào vụ phải thuê người cày cấy. Người ta khuyên, sắp cải cách ruộng đất, các ông Chánh ông Lý là cường hào địa chủ, chẳng còn mong có ngày mở mày mở mặt nữa. Không biết chừng còn bị phiền phức, hãy di cư vào Nam mà làm ăn. Quê tôi lại đang rục rịch cải cách ruộng đất, vậy nên phải trốn bỏ làng quê, nhắm mắt đưa chân. - Trốn đi cũng phải, thế là khôn. Nhắm mắt đưa chân vào chỗ sống thì ai mà chẳng làm. Rồi đây khắp nơi cải cách ruộng đất, lôi thôi lắm bà ạ. Ở Thái Nguyên người ta tiến hành cải cách ruộng đất từ 1953 kia. Nghe nói, vô khối người bị chế độ mới quy kết cho là địa chủ cường hào là Việt Nam quốc dân đảng nên bị bắn mất mạng. Mỗi người một cảnh đời, chẳng ai giống ai. Đời này nhiều ngang trái nhưng cũng lắm vẻ đa dạng, không thể cứ rập khuôn máy móc, trăm người như một. Địa chủ có loại đầy tội lỗi, có loại vô can, có kẻ dựa vào giàu sang quyền thế để cướp đoạt làm giàu. Họ khôn ngoan, lợi dụng cảnh mất mùa đói kém, cảnh thuế má ngặt nghèo để bóp hầu bóp cổ, mua rẻ bán đắt những thửa ruộng của dân nghèo, tích tụ hàng chục, hàng trăm mẫu ruộng tốt nhất làng. Loại địa chủ tham lam, táng tận lương tâm ấy, ruộng đất của họ bị tịch thu đã đành. Tuy nhiên, nhiều người chí thú làm ăn, chịu đựng hai sương một nắng, chân lấm tay bùn, họ sống tằn tiện để dành dụm đồng tiền tậu trâu, tậu ruộng trở nên khá giả. Họ cùng có năm, mười mẫu ruộng tốt. Địa chủ như thế làm gì mà xấu xa nên tội. Họ là địa chủ vô can. An chợt nghĩ tới chuyện ông Cà, kỳ quặc lắm. Ông tên thật là Ca, người làng Xuân Giao gọi chệch là Cà. Bởi nhà ông có vại cà to tướng, quanh năm sẵn cà muối, cà nén. Sau những buổi làm đồng, đi cày đi cấy, cào cỏ tát nước trở về, trước bữa ăn ông lót dạ củ khoai, quả ổi. Rồi, vào vại cà nhón mấy quả, ăn với vài bát cơm. Sau đó ra chum vục gáo nước, uống ừng ực mấy ngụm thế là xong bữa. Bởi ăn uống kham khổ như vậy, ông Cà có của ăn của để, tiền dành dụm được bao nhiêu ông tậu ruộng tậu đất, cơ ngơi có hơn chục mẫu. Ông là địa chủ như thế đấy, liệu ruộng vườn của ông có giữ nổi không? Ở trại di cư, bao nhiêu là chuyện An mới nghe lần đầu trong đời. Nó không hấp dẫn lý thú như thần thoại cổ tích nhưng đủ sức lôi cuốn vì nghe lạ tai lắm. Lạ mà có thật. Thật mà như viễn tưởng. Nó đã và đang diễn ra ở nơi này nơi kia bởi sự thay đổi lớn lao của thời cuộc. Những chuyện được nghe, vui ít buồn nhiều, người kể chuyện như nhân chứng sống làm cho An phải phân vân suy nghĩ. Đôi lông mày rầm rậm của anh cứ như nhíu lại rồi giãn ra không biết bao nhiêu lần. Tư duy non nớt của lứa tuổi 16 như đang chiụ sự va đập của thực trạng xã hội- dù nó chỉ là một phần, cái phản ánh chỉ từ một phía. Tuy nhiên thực trạng ấy không phải bao giờ cũng dễ dàng lý giải được một cách khách quan giàu thuyết phục. Thực trạng mà anh được nghe dần dần trở thành những định kiến khắt khe, không thiện cảm của anh đối với thể chế mới ở đất Bắc… chỉ năm bữa, nửa tháng nữa thôi, quân Pháp buộc phải rút hết về nước, chế độ mới sẽ được xác lập… Bây giờ thì sự ồn ào quá mức của trại di cư đông nghẹt người cùng nắng nóng của thời tiết Sài Gòn và những dư vị của những chuyện vừa mới nghe làm anh bức bối khó chịu, cặp lông mày của An nhíu lại mãi. Sang thu, trời Sài Gòn dễ chịu như thể để xoa dịu những nỗi cực vì nắng nóng của những người di cư trong các trại tạm cư. Ngả đường gần bờ sông Sài Gòn tràn lan những làn gió mang luồng hơi mát từ biển từ sông ùa vào. Buổi chiều khoảng năm giờ, nắng vàng nhàn nhạt, nắng và gió như bảo nhau cùng dìu dặt với con người và phố xá. Từng tốp người mới đến Sài Gòn, nhiều học sinh di cư thả bước dọc theo đường Catina (tự do) từ nhà thờ Đức Bà đến bờ sông Sài Gòn để ngắm phố phường hoa lệ. Cửa hàng nhiều tầng lộng lẫy, khách sạn sang trọng, xe hơi bóng nhoáng. Ánh đèn lung linh giữa hàng me trong gió lao xao. Sài Gòn còn đẹp hơn trong trí tưởng tượng của An. Tuy vậy, cái đẹp của phố phường là cái đẹp ngoại cảnh, chỉ làm cho người ta khuây khỏa chút ít theo bước chân thưởng ngoạn. Thoáng chợt, An thầm ao ước được dắt mấy đứa em, cho chúng nó được ngắm phố phường hoa lệ của cái thành phố được mệnh danh là Hòn ngọc viễn Đông. Chắc chúng háo hức, thích thú lắm. Lòng bâng khuâng chiếm ngự, anh quay bước trở về trại tạm cư. Chính phủ của ông Ngô Đình Diệm bắt đầu quan tâm tới những học sinh di cư mất liên lạc với gia đình, An nằm trong số đó. Trại học sinh di cư Phú Thọ mới được xây cất trên nền bãi rác cũ của thành phố. An được chuyển đến trại mới này. Khu trại với những căn nhà tầng lợp tôn, trông xa giống như một chuồng bồ câu khổng lồ. Học sinh cùng lớp ở chung một nhà. Hai người một lô dài 3 mét rộng 2 mét. Mặt sau là cửa xếp có thể dùng làm bàn học. Trại cho ăn hai buổi trưa, chiều, hàng tháng cấp cho chín chục đồng tiêu vặt. Không có tiền ăn sáng vậy nên cái đói dai dẳng, không thôi hành hạ lứa tuổi ăn được, ngủ được. Không hẹn mà nên, An tình cờ gặp chú Hòa ở trại Phú Thọ. Gặp nhau, hai chú cháu mừng rỡ khôn tả. Hai thân phận, hai nỗi buồn tứ cố vô thân giờ này chụm lại để cùng đương đầu với sự thiếu gia đình, thiếu tình thương đang thách đố. Họ cùng được an ủi. Xa quê hương, xa gia đình thì tình cảm ruột thịt, chú cháu như bạn hữu càng trở nên có ý nghĩa. Nó được xiết chặt một cách hồn nhiên. Chú Hòa kể cho An nghe, sau khi thi và đậu Tú tài I ở Hà Nội, chú mất liên lạc nói đúng hơn là không liên lạc được với gia đình vì Hà Nội thuộc vùng kiểm soát ba trăm ngày của thực dân Pháp. Không nguồn tiếp tế, phải trải qua những ngày làm gia sư để kiếm sống nuôi thân. Lúc này hiệp định Giơ-ne-vơ được thực thi theo tiến độ đã định, đất nước sẽ chia làm hai miền. Hoàn cảnh thời cuộc bắt Hòa phải chọn một trong hai con đường “đi hoặc ở lại”. Nếu ở lại, chưa chắc gì được tiếp tục đi học và nếu được đi học, Hòa phải học theo chương trình khác và như thế sẽ nhiều phiền toái. Thêm vào đó là mối lo sợ về sự phân biệt đối xử của chế độ mới với gia thế con ông Chánh Huyện. Điều này làm Hòa lo lắng, phân vân nhiều nhất. Mối lo cứ len lỏi tự nhiên vào giấc ngủ chập chờn làm anh sút cân, khiến người gày gò, mặt hốc hác như kẻ thiếu ăn dài ngày. Hoang mang, lo ngại được nhân lên theo những tin đồn thổi hỗn tạp ở Hà Nội. Mà tin thất thiệt ở Hà Nội thì nhiều hơn bất cứ nơi nào ở Miền Bắc, kể cả tin nghe ớn lạnh cả xương sống, Mỹ sẽ thả bom nguyên tử. Bao nhiêu là lý do hùn hợp với nhau giục Hòa lựa chọn con đường vào Nam, mà ngọn lửa khao khát và đam mê học lên Đại học chưa lúc nào thôi bùng cháy trong lòng anh. Vả lại tuổi mười tám đôi mươi vốn lắm mộng mơ, giàu hoài bão, pha chút phiêu lưu muốn biết đây biết đó. Sài Gòn là hòn ngọc Viễn Đông mà Hòa mới chỉ đọc và rồi hình dung qua bài “Thành phố Sài Gòn” trong Quốc văn giáo khoa thư. Anh quyết định vào Nam càng sớm càng tốt để được đi bằng máy bay, một phương tiện mà lúc này anh có quyền mơ ước. Hòa cũng tự tin nghĩ rằng, với bằng Tú tài I trong tay, việc học lên đại học cũng giống như leo thang, bước từ nấc thang này lên nấc thang khác. Hòa vẫn nhớ ngày lên đường di cư…Xe tải chở Hòa và một số đồng bào tới sân bay Gia Lâm trong lúc người dân Hà Thành còn chìm trong giấc ngủ. Anh mở to cặp mắt, chằm chặp nhìn Tháp rùa, Hồ Gươm khi chiếc xe lao nhanh qua đường bờ hồ. Khung cảnh bờ hồ tĩnh lặng huyền ảo quá. Không gian như pha loãng màu sữa làm thành màu đêm bao phủ. Mặt hồ lấp lánh sắc màu huyền thoại linh thiêng này? Câu ca dao thuở nào như giọt ngân thánh thót trong tâm khảm Hòa: Thăng Long, Hà Nội đô thành/ Nước non ai vẽ nên tranh họa đồ./ Cố đô rồi lại tân đô,/ Nghìn năm vạn vật cửa ô vẫn còn. Liễu vẫn rủ bên hồ như nét buồn trầm tư. Trong thinh lặng vô tình của tạo vật huyền diệu, đẹp mà nao nao buồn, phút giây nao lòng, khắc khoải nhớ mẹ, Hòa buột miệng kêu: “Mẹ ơi! Con giã từ đất Bắc”. Nước mắt anh ứa ra nhiều, tràn hai gò má. Sau ngày di cư vào miền Nam, ở tại Sài Gòn, nhờ có bằng Tú tài I Hòa dễ dàng xin vào học lớp đệ nhất để rồi thi Tú tài II. Còn An, anh xin theo học lớp đệ lục trường trung học Chu Văn An. Khó mà nói hết niềm vui của học sinh như Hòa và An khi lại được cắp sách đến trường. Đã qua rồi cái chặng phải bơ vơ giữa ngã ba đường bởi thời cuộc tác động và đổi thay đến chóng mặt. Cuộc hành trình cập bến học đường phải qua đoạn đường dài hàng ngàn dặm, phải biền biệt xa quê hương, xa gia đình, xa những người thân yêu. Không biết có còn ngày nào để được gặp lại nữa không. Hai chú cháu đã nhỏ không ít những giọt nước mắt đau buồn và cả lo âu cùng những băn khoăn về con đường phía trước. Khi niềm vui đủ độ thăng hoa, người ta có nhu cầu tâm lý cần được chia ắẻ. Hòa và An muốn báo tin vui với mẹ mình ở đất Bắc rằng con đã được tựu trường. Và nữa, lúc này hai chú cháu cũng nóng lòng muốn biết tin tức của gia đình. Hai người ra bưu điện mua hai tấm bưu thiếp. Bưu thiếp là phương tiện thông tin duy nhất của dân chúng hai miền Nam Bắc, thay cho thư tín. Nó được phát hành ở bưu cục hai miền, được lưu hành từ ngày Nam Bắc chia đôi, tồn tại trong vòng hai năm trời. Tờ bưu thiếp để ngỏ hai mặt, màu vàng nhạt, làm bằng chất liệu như tờ bìa, dài 15cm, rộng 10cm, in hình bản đồ Việt Nam. Dòng đầu tiên của tờ thiếp in lời khuyến cáo của nhà đương cục hai miền. Người viết bưu thiếp chỉ được quyền thông tin đời sống, sức khỏe gia đình, không được phép thông tin chính trị xã hội. Ai viết trái với điều đã khuyến cáo, bưu thiếp ấy sẽ bị loại bỏ. Chỉ duy nhất ở Việt Nam, ngày ấy có phương tiện “thư tín”- bưu thiếp độc đáo này. Quyền tự do thư tín đích thực không có cơ sở để tồn tại ở cái đất nước mà hai miền là hai chế độ xã hội, chính trị đối kháng nhau, mang tên hai quốc gia độc lập: Việt Nam dân chủ cộng hòa ở miền Bắc và Việt Nam cộng hòa ở miền Nam. Duy chỉ có người dân lương thiện là phải tuân thủ chịu đựng. Muốn thông tin được nhiều trên tờ bưu thiếp bé nhỏ, chữ viết phải nhỏ như con kiến. Rủi ro cho kẻ học vỡ lòng, quen viết chữ to, chỉ mới viết được vài ba chục chữ đã kín đặc hai mặt tờ thiếp. Gửi thiếp ra Bắc, tính ngày tính tháng, ngong ngóng mong tin tức hồi âm, ba tháng sau Hòa nhận được tấm thiếp mẹ gửi. Mẹ Hòa viết có đoạn ý tứ kín đáo: “ Quê mình đang cải cách ruộng đất. Bố con ông Cành có quyền thế nhất làng, nhất xã. Đất đai của mẹ và các anh vì nhiều quá nên bây giờ không được giữ lại”. Đọc đi đọc lại tờ thiếp nhiều lần, đôi mất sáng của anh chớp chớp mãi bởi óc cứ lan man suy luận về ngôn từ kín đáo của mẹ. Hòa trao tấm thiếp cho An xem. An tập trung đọc tờ thiếp vài lần. Đọc rồi, hai chú cháu chụm đầu, nhỏ to suy luận, bàn bạc ý tứ của tờ thiếp. Cả hai biết rằng, người viết bộc lộ thái độ bất mãn xã hội thì tờ thiếp sẽ không có cơ hội đến tay người nhận, vậy nên ý tứ phải viết sao cho khôn khéo kín đáo. Người đọc phải cố gắng giải mã những con chữ với nghĩa tiềm ẩn của người trong cuộc. Tờ thiếp đã cho hai chú cháu biết ông Cành, thằng Cội đang nắm quyền hành ở làng Xuân Giao- quyền thế nhất làng, nhất xã thì cũng là ngang chức lý trưởng thời thuộc Pháp. Điều này suy luận không khó lắm, bây giờ người ta gọi bằng cái từ của thời mới là chủ tịch thì phải. Còn thằng Cội, có công trạng gì? Có tài cán gì? Nó được tu nghiệp ở đâu mà mau lẹ lên chức thế nhỉ! Hai chú cháu nhìn nhau, cùng lắc đầu, không lý giải được. Cội có quyền trong tay thì thật đáng ngại - An nghĩ. Còn, “đất đai không được giữ lại” có nghĩa là bán đi à? Hòa hỏi An là để bày tỏ thắc mắc của mình dù biết rằng An cũng chẳng thể giải đáp được. Hòa thì biết rõ hơn An về tính của mẹ mình. Chỉ khi nào đời sống lâm vào cảnh ngộ cực kỳ khó khăn, nếu chỉ còn một lựa chọn là bán đi những thửa ruộng lúc ấy bà mới chịu bán đất, bán ruộng. Vậy là, gia đình Hòa đang lâm vào thế khốn khó. Hòa và An không thể suy luận thật chính xác mấy chứ “ không được giữ lại” mang cái nghĩa là đã bị trưng mua, trưng thu hoặc ruộng đất đã bị tịch thu trong cải cách ruộng đất. Hòa lan man nghĩ, anh Khiêm, anh Tản, anh Minh đều là quân nhân trong quân đội Việt Minh chống Pháp thì làm gì có chuyện ruộng đất của mẹ và của các anh ấy bị tịch thu. Đầu óc Hòa cứ rối lên như bát canh hẹ. Điều mẹ viết khó suy luận, khó giải hơn là một bài toán hóc búa. Rồi, cả hai chú cháu trở nên lặng lẽ với suy nghĩ của riêng mình, chẳng còn muốn suy luận theo chiều buồn bã, vô bờ bến. Hố thành kiến ngăn cách với chế độ miền Bắc nới rộng thêm trong lòng hai chú cháu. Sau khi chú Hòa nhận được thiếp mười ngày An cũng nhận được tờ bưu thiếp của mẹ gửi vào. Mẹ và các em vẫn bình an làm cho anh yên lòng. Bây giờ mẹ làm công nhân mỏ, không còn gọi là phu mỏ như trước nữa. Tờ bưu thiếp mẹ viết có đoạn nghe là lạ: “Ruộng đất và vườn thổ nhà ta ở quê được trưng thu, trưng mua”. An chẳng hiểu trưng thu, trưng mua là thế nào. Cặp lông mày của anh nhíu lại với những suy nghĩ của mình. Thế rồi, anh lật từ điển để tra cứu nghĩa gốc của mấy chữ ấy, nhưng tìm mỏi mắt mà không thấy từ “trưng thu”, trưng mua” đành phải bó tay. Anh thầm trách mấy nhà làm từ điển đã không đưa vào cuốn sách những từ cần tìm hiểu. Hòa và An không thể biết rằng, ruộng đất bị trưng thu, trưng mua trong cải cách ruộng đất sẽ được bồi thường chút ít, bồi thường bằng những thùng thóc tẻ. Đất đai, ruộng vườn của địa chủ, phú nông bị trưng mua, trưng thu hoặc tịch thu. Tịch thu là mất trắng. Tờ thiếp của mẹ còn cho An biết, Bá Hoán chị ruột của mẹ anh cũng đã di cư vào Nam trên chuyến tàu há mồm cuối cùng rời bến cảng Hải Phòng. Mấy tháng trời An cất công tìm Bá Hoán. Anh đặt ra thời gian biểu của việc tìm kiếm. Nhờ các buổi chiều không phải đến trường học, An dành các buổi chiều thứ hai, thứ tư, thứ sáu cho việc tìm Bá. Các buổi chiều khác đi bán báo hoặc học võ thuật để phòng thân. Anh tìm đến trại tạm cư này rồi trại tạm cư khác ở trong và ngoài đô thành Sài Gòn bằng bàn chân cuốc bộ dẻo dai của mình. Người ta ân cần hỏi anh, bà ấy là người tỉnh nào, bao nhiêu tuổi, dáng người thế nào, mang họ gì? Vì ở các trại tạm cư thường là tập trung người ở nhiều tỉnh thành khác nhau ở miền Bắc vào. Có người ở Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, lại cũng có người ở Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên…Trại này có người tên Hoán nhưng lại là người Hà Nội, trại kia có người tên Hoán nhưng lại là người Ninh Bình. Trại khác có cô Hoán tầm tuổi mười tám đôi mươi, chưa chồng, người Phủ Lý…Tìm hỏi đến người phụ trách trại để xem danh sách, tên tuổi, quê hương người tạm cư. Người ta khước từ và nói rằng, vì lý do an ninh nên người bên ngoài không thể được tiếp cận danh sách người của trại. Vả lại, ai người ta thèm cho một thằng bé học sinh tuổi trẻ được xem danh sách kia. Việc tìm ra Bá Hoán không dễ dàng, tuy nhiên An vẫn không thôi ý định tìm Bá Hoán. Thế rồi, tình cờ một buổi chiều đi bán báo, An rảo bước rao bán quanh mấy phố gần chợ ông Tạ. Ở một góc phó, người ta đang xúm xít, tò mò xem một bà người Bắc đang bị một thằng mặc sắc phục cảnh sát mặt mũi bặm trợn, trông vẻ ngổ ngáo, mắt trợn trừng áp chế. Viên cảnh sát hung hăng, đá tung gánh hàng tạp hóa. Khăn mặt, kim chỉ, gương lược, lọ cao, dây chun, bút vở học trò văng vãi ra mặt hè. Nó đòi phải nộp năm chục bạc vì đã ngồi bán ở vỉa hè này, thuộc quyền cai quản của nó. Bà kia nhỏ nước mắt, mặt nhăn nhó, năn vỉ van xin. An rảo bước tiến lại và sững sờ nhận ra, người đàn bà miền Bắc kia không phải người xa lạ, mà chính là Bá Hoán, chị ruột của mẹ anh. Không một lời nói, anh rẽ đám đông tiến lại gần, trừng mắt nhìn thằng vô lại. Ánh mắt anh như cháy lửa giận dữ, đôi lông mày vốn đã xếch thì giây phút này trông càng xếch hơn. An cắn chặt hai hàm răng, những thớ thịt đường gân hai bên cằm như săn lại thành một khối rắn chắc, chuẩn bị cho một hành động dồn sức quyết liệt sắp diễn ra. Không một lời nói, mà hành động võ thuật sẽ thay cho ngôn ngữ giao tiếp. Bằng một miếng võ cực mạnh mà anh học được của võ sư lừng danh Sài Gòn được tung ra. Thằng cảnh sát dính đòn, ngã lăn trên hè phố. Gượng đứng dậy, nó rút súng chĩa vào ngực An. An kịp tung một cú đá ở tầm cao, khẩu súng văng ra mặt phố. Tay thằng ấy tê dại như thể bị trời giáng, ánh mắt giận dữ nhìn An, mặt hằm hằm tức giận nhưng thoáng lộ vẻ sợ hãi. Cùng lúc, người đi đường xúm lại đông hơn, mấy người giúp Bá Hoán nhặt nhạnh hàng tạp hóa vương vãi. Người ta giận dữ, rộ lên lời nguyền rủa: “ Quân đốn mạt, ức hiếp bà già…” Anh xích lô sấn đến, nghiến chặt hàm răng vung quả đấm nhằm vào mặt viên cảnh sát, An mau lẹ đỡ và gạt tay anh xích lô bằng một thế võ phòng thủ rồi từ tốn nói, xin bác tha tội cho nó. An quay sang nghiêm giọng với viên cảnh sát, nếu từ nay ông còn nạt nộ ức hiếp dân thường sẽ có ngày mất mạng. Kẻ hung hăng, làm việc sai trái, phi đạo lý vốn sợ lẽ phải lên tiếng. Vả lại, kẻ vô lại cậy thịt đè người, sau khi dính đòn, đã đủ tỉnh táo để biết rằng mình đang phải đối mặt với đối thủ có võ khá lợi hại. Nó nhặt lại súng, ném cái nhìn hằn học về phía An rồi tháo lui. An lờ mờ rút ra bài học giản dị cho mình. Trước những thách đố, không thể nhút nhát lùi bước, không thể quỳ lạy bọn người hung bạo, gắng hết sức mình để giành chiến thắng. Bá Hoán mừng rỡ, xúc động được gặp cháu, giọt nước mắt cảm động vui mừng chảy trên gò má. Còn gì mừng vui hơn, ở phương trời xa xôi này chẳng có mấy thân nhân. Hai bá cháu từ này bớt đi phần nào cô quạnh, có cơ nương tựa vào nhau, không phải vì tiền tài vụ lợi mà là tấm lòng và tình yêu thương ruột thịt sưởi ấm lòng người. Chuyện trò với An về việc mình di cư vào Nam, bá Hoán coi mình là người có chút may mắn vì được lên chuyến tàu cuối cùng vào Nam… Quê chồng đã thuộc quyền chế độ mới cai quản. Đã lâu rồi chồng Bá lâm bệnh nặng rồi mất. Góa chồng Bá ở vậy, âu cũng là số kiếp. Người làng thạo tin nói với nhau rằng, chỉ năm bữa nửa tháng nữa quê mình sẽ thực thi cải cách ruộng đất. Người có hàng chục mẫu đất như bà, cửa nhà năm gian bề thế, vườn tược hàng mẫu thì chắc chắn bị qui là địa chủ bóc lột. Ruộng đất sẽ bị tịch thu chia cho bần cố nông, căn nhà năm gian cũng chẳng thể giữ lại được, lại khó mà yên thân. Bá hoang mang, lo lắng. Đêm ngày mất ăn mất ngủ. Thở dài mãi cũng chẳng đến bến bờ nào. Tiếc của cũng chẳng thể giữ được. Thế là, Bá bán rẻ mấy chục thùng thóc, bỏ lại nhà cửa ruộng vườn, tiếc ngẩn ngơ. Trên đường từ quê lên tỉnh, Bá bịt mặt, cải trang thành bà ăn mày, quần áo lôi thôi rách rưới để che mắt và khơi lòng trắc ẩn của người đời. Đêm tới, Bá lọt vào thành phố Nam Định còn đang thuộc quyền kiểm soát ba trăm ngày của giặc Pháp. Thở phào nhẹ nhõm. Rồi từ Nam Định, Bá tức tốc lên Hải Phòng, xuống tàu vào Nam. Nghe câu chuyện của Bá Hoán, An ngậm ngùi thương Bá, ánh mắt buồn buồn, đăm chiêu nghĩ ngợi làm đôi lông mày hơi xích của anh nhíu lại gần nhau. Lại thêm một lý do để anh thành kiến với thể chế mới ở miền Bắc. An chưa thể nghĩ được việc bao người không tấc đất trong tay, họ đang nóng lòng chờ mong cuộc cải cách ruộng đất với khẩu hiệu “người cày có ruộng”. Ở khía cạnh này cải cách ruộng đất mang ý nghĩa xã hội rộng lớn. Học xong lớp đệ nhất, kỳ thi đến, Hòa đậu Tú tài II, ngấp nghé ngưỡng cửa trường Đại học, anh xin vào cư trú ở Đại học xá Minh Mạng để chờ kỳ thi đại học. Đại học xá chỉ dành cho học sinh đã thi đậu tú tài hoặc cao đẳng, đại học. Tuy ở Đại học xá, điều kiện sinh hoạt và trợ cấp khá hơn trại Phú Thọ nhưng vẫn không có tiền mua sách vở, quần áo. Hòa viết Cour (giáo trình) Toán, Lý, Hóa cho trường tư thục trung học Chu Mạnh Trinh. Nghề viết Cour tương đối dễ kiếm ra đồng tiền, người viết bỏ công tìm dịch sách Pháp rồi xào nấu lại, cho có vẻ “tự sáng tác”. Niên học 1955-1956, Bộ Công Chánh mở kỳ thi đặc biệt tuyển sinh viên Cao đẳng, Hòa dễ dàng vượt qua kỳ thi ấy. Đến năm thứ ba, sinh viên Cao đẳng có điểm trung bình 14/20 được theo học kỹ sư. Học kỹ sư, sinh viên được lĩnh lương cán sự. Đó là những ngày tươi đẹp, huy hoàng nhất của đời sinh viên đối với Hòa. Một chiều, sau ngày lĩnh lương, Hòa diện bộ quần áo tươm tất, cưỡi xe máy Môbilét, thong dong trở về trại học sinh di cư Phú Thọ để tìm An. An đã học đệ tam mà vẫn mặc bộ quần áo tàng tàng, chiếc quần rêu xám bạc màu, mảng quần đầu gối phải chần bằng đường chỉ máy khâu, chiếc áo caro cộc tay xơ xác sợi vải. Hòa muốn gặp cháu để cho nó chút tiền sắm bộ quần áo mới. Không thấy An trong phòng, hỏi học sinh ở phòng bên cạnh, họ nói, buổi chiều An thường ra phố bán báo. Hòa ra cổng trại, đứng chờ cháu. Giờ này học sinh trại Phú Thọ lẻ tẻ trở về, ngực áo phanh ra vì nóng bức. Sáng đến lớp, buổi chiều học sinh trung học có mặt ở khắp các địa bàn trong thành phố. Người bán kem, kẻ bán báo, làm gia sư, phụ việc rửa ảnh. Ai may mắn được nhận làm kế toán trong nhà hàng. Tiền kiếm được dành để mua áo quần sách vở. An trở về trại vào lúc phố xá đã giăng giăng những ngọn đèn. Về muộn như vậy bởi người ta thường mua báo sau buổi đi làm trở về nhà. Gặp An, chú Hòa nói, học sinh trung học như cháu, ai không nhận được sự trợ giúp của gia đình đều lâm vào cảnh thiếu thốn nhiều bề, phải lăn lộn kiếm thêm đồng tiền. Chú hiểu rõ điều này. Nhìn bộ quần áo An đang mặc dính dấp mồ hôi, ánh mắt Hòa rưng rưng, lộ rõ vẻ ái ngại thông cảm. Chú chậm rãi nói tiếp, bây giờ chú may mắn hơn cháu, đã được hưởng lương cán sự. Việc chi tiêu không phải chi li tính toán. Hòa rút ví tiền trong túi, lấy ra năm chục đồng, nói, cháu cầm tạm để chi tiêu. An nhìn chú, ánh mất lộ vẻ xúc động biết ơn. Anh nói, cháu cảm ơn chú, bây giờ đi bán báo, đã bớt khó khăn hơn trước. Đến khi nào cần chi tiêu lớn, cháu sẽ xin chú. An không nhận tiền của chú. Hòa nhìn thẳng vào mắt cháu và biết rằng không nài ép được nó. Lòng tự trọng và ý thức tự lập đang cựa quậy trong suy tư của nó. Ánh mắt Hòa đượm buồn, nét mặt không vui. Kể cũng lạ, trên đời này có người không bị mất tiền, không phải chi dùng đồng tiền cũng buồn. Được dùng đồng tiền đúng nơi đúng chỗ thì vui. Và đặc biệt là được cưu mang, san sẻ, trợ giúp cho những cảnh ngộ khó khăn, niềm vui sẽ lớn hơn. Người được thụ hưởng có thể không vui bằng người ban phát. Giờ đây Hòa nằm trong quy luật chi phối của tâm lý này. Chia tay với cháu, Hòa mang nét mặt buồn buồn. Ngày cũng như đêm, bước chân ra khỏi trụ sở Đội Cải cách ruộng đất, bao giờ ông Cành cũng đóng bộ cho tề chỉnh, oai nghiêm. Quần bộ đội, áo đại cán bốn túi màu cỏ úa, vai đeo xà cột, chiếc dép lốp sáu quai ôm gọn bàn chân to bè. Ông ý thức được chức Đội trưởng nhiều quyền lực, được nể trọng, cần phải được tô sức bằng trang phục tương xứng, sao cho đĩnh đạc. Gặp ông trong ngõ thôn, đường làng người ta chào ông với vẻ kính cẩn, có phần khúm núm sợ sệt, muốn lấy lòng. Trung nông, bần nông, cố nông mau miệng: “Chào ông Đội Cành”. Kẻ bị quy là địa chủ, họ lễ phép, cất giọng cho to: “Con chào ông Đội Cành ạ!”. Thấy vẻ họ khép nép, ông mỉm cười, lòng dâng ngập niềm vui hả dạ với cái tên ghép “Ông Đội Cành”, người ông lâng lâng với ý nghĩ, giai cấp địa chủ đã bị đánh gục. Chính ông là người dắt dẫn, tổ chức cải cách ruộng đất- cuộc cách mạng long trời lở đất ở mấy làng Xuân Giao, Xuân Thành… Giờ này gà đã lên chuồng, ông Cành thủng thẳng bước đến nhà bà Nón mẹ thằng Cán-bà là “rễ” cốt cán. Làn gió thu từ cánh đồng mơn man, phóng khoáng lùa qua bờ tre, ùa vào thôn xóm. Ngọn tre lao xao, ngả nghiêng theo chiều gió. Tiếng thân cây tre già đầu ngõ cọ vào nhau kẽo kẹt như đưa võng. Lẻ tẻ từ bếp của vài nhà bần nông, cố nông trong xóm, ánh lửa chờn vờn le lói hắt ra, lọt qua hàng rào bụi tre, xuộm màu vàng đục. Tiếng chày thậm thịch, hương cốm nếp lan vào những khúc ngõ quanh co. Ông Cành vừa bước vừa gật gù với ý nghĩ, mấy gia đình bần cố nông vừa được chia mấy thúng nếp non “quả thực” của địa chủ. Mỗi nhà được vài cân, họ đồ xôi, giã cốm. Ông Cành bước vào sân nhà bà Nón, bà ta cùng cô Mê-em gái của mình đon đả chào, rồi nhanh nhảu dọn mâm cơm thịt vịt. Đĩa thịt vịt luộc chất đầy tú hụ, đặt cạnh bát nước mắm cua đồng màu nâu đen, ba bát tiết canh nhỏ màu tím đỏ rắc lổn nhổn mấy hạt lạc rang giã giập, một chiếc rá con giữa mâm đựng đầy lá ngổ xanh mơn mởn. Dưới bếp, nồi măng ninh cổ cánh đang lục bục xôi. Vùi dưới đống tro còn nóng là nồi xôi nếp đã chín, mùi thơm phì ra dưới nắp vung, ngào ngạt đến nức mũi làm cho ông Cành ba lần nuốt nước miếng. Cô Mê lôi ra một chai rượu trắng nút lá chuối từ cạnh chân giường rồi với tay cầm chiếc cốc trên chiếc chõng tre, mau lẹ dùng vạt áo của mình thoăn thoắt lau miệng cốc hoen màu nước vối. Giờ này thằng Cội và thằng Cán rủ nhau sang làng Xuân Thành làm một công đôi việc. Chúng sang làng bên ấy để hoàn tất việc “bắt rễ” và “xâu chuỗi” chuẩn bị cho cuộc tổ khổ ở đấu trường để “đánh gục giai cấp địa chủ, nâng cao uy thế nông dân” và với thằng Cội thì quan trọng hơn, hứng thú hơn là để được gặp người con gái mà nó đang mê mệt đắm đuối. Ông Cành tụt đôi dép lốp, cởi chiếc áo đại cán quăng lên giường. Cô Mê lúng liếng cặp mắt lươn bảo, anh cứ tự nhiên cởi chiếc quần dài, mặc quần đùi, ngồi ăn cho dễ chịu. Người nhà cả ấy mà. Nghe bùi tai, ông Cành cởi luôn chiếc quần dài. Cô Mê là người có tiếng dễ dãi, ham trò chuyện gần gũi với đàn ông. Là gái lỡ thì, hai mươi tám tuổi đầu, vóc người đẫy, ngực căng, bờ vai lẳn, má hây hây mà chưa cùng ai. Ở cái làng này, lẳng lơ quá cũng khó lấy chồng. Đàn ông ngại lấy cô làm vợ nhưng lại không ngại nhích sát bên cô để cấu véo lung tung, nghe tiếng cười hi hí và bị đấm thùm thụp vào lưng. Đàn ông chê cô Mê, mắt lươn lại hay toe toét cười thành ra vô duyên. Mỗi khi cười hết cỡ thì chẳng còn nhìn thấy đâu là đụn rạ, bờ tre, đâu là con trâu con chó. Ngực cô đẫy đã mỗi khi rảo bước nó núng nính, rung rinh như muốn rứt tung hàng cúc bấm để được tự do hóng mát. Lũ thanh niên lớn tuổi, tán chuyện xằng bậy: nhè lúc cô Mê cười tít mắt, thằng nào táo tợn ôm ghì, cô ấy cũng chẳng biết là ai. Mở mắt ra, biết nó bờm xờm, lại cười tít mắt, má đỏ hây hây, mặc nó sấn sổ đè mãi lên bụng mình. Ba người ngồi vào mâm, cô Mê nhanh nhảu rót rượu đầy cốc cho ông Cành. Sau những lời mời mọc, hai chị em gắp thịt vịt chất đầy bát cho ông. Trăng thu chênh chếch, vầng trăng lưỡi liềm mới nhú như ngoắc vào đầu ngọn tre. Bát tiết canh được ăn chóng vánh, nhai miếng thịt vịt luộc, ông Cành hỏi: - Thịt vịt béo, ngon đáo để, mua vịt ở chợ à? Bà Nón cười hì hì: - Lão Viết chăn vịt biếu đấy. Sáng tinh mơ hắn đến nhà em nói là biếu chị đôi vịt, nhờ nói đỡ cho việc dân làng tố mình dữ quá. - Hắn tốt quá nhỉ! Mà nhờ nói đỡ là đỡ cái gì? Nói với ai? Bà Nón liến thoắng: - Chuyện rò re róc rách là thế này, trước kia không ai chịu tố ai, sau cái ngày phóng tay phát động quần chúng nông dân vùng lên, ai không chịu tố bị ngờ là chưa dứt khoát với giai cấp bóc lột, mất lập trường giai cấp. Cuối cùng cả cái làng này, ai cũng tham gia vào việc tố. Tố tràn lan, tố lẫn nhau. Con tố bố mẹ bóc lột mình làm giàu. Nàng dâu tố bố chồng gạ gẫm chuyện chăn gối. Ông Cành gật gù: - Đúng hướng đấy, thành công lắm. Bà Nón cướp lời: - Để tôi kể tiếp. Lão Viết chăn vịt đàn, bị nhiều dân làng ghét cay ghét đắng. Cũng bởi tại lão ấy khôn ngoan vặt vãnh, thường xuyên len lén lùa đàn vịt của mình vào ruộng lúa, thỏa sức xơi thóc lúa của người ta. Bây giờ người ta được dịp, tố lên tố xuống. Lão hãi quá, sợ bị quy là địa chủ phá hoại sản xuất của nông dân. Biết em là “rễ” cốt cán được các anh gần gũi tin tưởng nên muốn nhờ nói giùm với Đội tha cho. Nghe thủng câu chuyện, ông Cành tớp ngụm rượu vơi đến đáy cốc, khà một tiếng rồi thủng thẳng nói lửng lơ: - Biết vậy. Thằng này khôn ngoan. Ông chọn miếng thịt vịt to đẫy, màu thịt vịt nhuốm ánh trăng vàng nhợt nhạt, gắp đưa vào miệng, bình thản nhai. Nuốt trôi miếng thịt vịt, ông với tay cầm điếu cày, vê điếu thuốc nhét vào nõ điếu. Cô Mê nhao xuống bếp, châm đóm lửa mang lên. Rê rê ngọn lửa trên mõ điếu, ông Cành rít thuốc lào nổ tanh tách, nhả làn khói mùi hôi hôi, khen khét. Ông lim dim, thả mắt về phía vầng trăng đậu trên ngọn tre như thể mê mải thưởng ngoạn. Nhưng không, ông hoàn toàn vô cảm với ánh trăng. Dòng suy nghĩ lăn tăn đến, nó được thăng hoa cùng men rượu… Phải rồi. Sau khi phóng tay phát động quần chúng, cao trào đấu tố ở làng quê như diều gặp gió. Hút thêm một điếu thuốc lào cho đã, nhả khói mù mịt, ông ngược dòng hồi tưởng… Đang là đại đội phó, ông được điều động làm công tác cải cách ruộng đất, tham gia tập huấn ở Đại Từ, Thái Nguyên. Và rồi, được trên tín nghiệm giao trọng trách Đội trưởng cải cách ruộng đất. Việc tìm ra 5 phần trăm địa chủ, theo gương Trung Quốc chẳng khó khăn gì, thậm chí còn dễ xơi là đằng khác. Riêng làng Xuân Giao này, Lý Mốt có chục mẫu đất cho phát canh thu tô, Xã Thộn có sáu mẫu thượng đẳng điền, thuê người cày cấy, họ đều là địa chủ. Bà Chánh Huyện, mấy đứa con Chánh Huyện ai cũng nhiều ruộng lắm đất, tất cả là địa chủ. Ông lên danh sách địa chủ phú nông, bút sa gà chết, đôn lên vài người là quyền của ông, vượt chỉ tiêu nên đã được biểu dương là Đội trưởng cải cách có lập trường giai cấp vững vàng, không khoan nhượng với phần tử bóc lột. Chao ôi khối đứa dính đòn của ông, tàn đời vì cái thành phần địa chủ, khó mà ngóc lên được. Không có cái chỉ tiêu phần trăm kia thì làm gì cái làng Xuân Giao nhỏ bé này lắm địa chủ đến thế. Và nếu không có khen thưởng biểu dương thì cũng chẳng cần đôn thành phần giai cấp địa chủ, phú nông lên làm gì. Chẳng có thằng chó nào là không vị thành tích, muốn vinh danh. Đột nhiên trong đầu ông nảy ra sự so sánh. Ở đời người ta ham lừng lẫy hơn người. Ông Cành nhoẻn cười, cảm giác tự hào lâng lâng xâm chiếm.Bây giờ ông nghĩ tới ông Bình - Đội trưởng đội cải cách xã Xuân Lạc,cùng cụm cải cách trong huyện với ông Cành.Ngày cùng nhau tập huấn ở Thái Nguyên ông Bình ham đọc, cẩn thận ghi chép tài liệu hướng dẫn, bảo rằng phải đọc thật kỹ để nắm chắc chủ trương chính sách cải cách ruộng đất, khi làm đỡ sai phạm. Ông Cành cười khẩy nghĩ, thằng Cành này chỉ cần nắm cái đại thể, chung chung rồi tùy cơ biến báo. Mình chỉ văn hóa lớp hai, lớp ba, ngại đọc, chịu thua ông ta mấy lớp đấy. Vậy mà bề dày thành tích cải cách ruộng đất của thằng Cảnh này, ông ta bì sao kịp. Sau khi rít đuốc thuốc lào nổ tành tạch, bây giờ thì ông nhớ tới cuộc họp mới đây mà hai người trò chuyện. Ông Cành chê bôi, hỏi ông Bình: - Xã Xuân Lạc của ông không đạt 5% địa chủ, phú nông à? - Xuân Lạc ruộng đất ít, không nhiều địa chủ tích tụ ruộng đất. - Sao không đôn lên cho đủ? - Chẳng nỡ lòng làm thế. Đôn lên là sai đấy. - Sao xã ông mở ít cuộc đấu tố thế. - Bởi vì cả xã chỉ có một địa chủ cường hào.Ngoài ra, ở Xuân Lạc có vài người, nếu chỉ căn cứ vào số ruộng đất có trong tay thì là địa chủ đấy, nhưng lại là loại địa chủ do chí thú làm ăn, dành dụm tiền mua ruộng đất nên không phải đấu tố họ. Ông Bình còn bảo, thế là đúng chủ trương chính sách.Chao ôi! Ông ta trung thực, thật thà quá thì bới đâu ra thành tích. Có học mà ngu mà dại, ông Cành nghĩ thế, sánh sao được với sự biến báo của thằng Cành này. Ông ta không bị cấp trên phê bình nhưng chẳng được biểu dương khen thưởng như mình.Rổi việc “bắt rễ” và “xâu chuỗi” cũng được hội nghị tổng kết rút kinh nghiệm, nêu gương ông là lãnh đạo đội xuất sắc, đã “ba cùng” đi sâu đi sát quần chúng. Nhờ công lao “bắt rễ” và “xâu chuỗi” đạt được hiệu quả cao, nhiều bần có nông đã trở thành “cốt cán”, hỗ trợ cho thành công của cải cách ruộng đất. Họ trở thành nông cốt của chiến dịch “ đấu tố”, hạ uy thế của giai cấp địa chủ. Ông Cành không lạ gì, có kẻ lợi dụng sự “phóng tay” trong cải cách ruộng đất để trục lợi, muốn ngoi lên thành “rễ” cốt cán, muốn được chung phần “quả thực”. Loại người ấy đã “ tố điêu”, dù thâm tâm biết rằng mình đang bịa đặt, nói dối, vu khống. Cũng có kẻ tư thù, ân oán, hiềm khích với nhau đã dựng chuyện tố bậy. Tố không cần bằng chứng vẫn được ghi vào hồ sơ tội trạng- lũ địa chủ khiếp hãi nhất chuyện này. Bước đi quan trọng trong cải cách ruộng đất là hạ uy thế của giai cấp địa chủ, phân loại địa chủ, địa chủ kháng chiến, địa chủ thường, địa chủ cường hào ác bá, địa chủ phản động. Bọn cường hào ác bá, bọn địa chủ phản động phải lĩnh án tử hình hoặc tù đầy khổ ải. Muốn thế phải dầy công chuẩn bị “đấu trường tố khổ ” cho thật chu đáo. Bần cố nông được khuyến khích, động viên tham gia tố khổ. Ra đấu trường phải sao cho không vấp váp, nói năng trơn tru, dòng dạc, hoặc lâm li, sa xót, động lòng người. Bởi thế, phải có bước thực tập như diễn viên, công phu thực hành trước. Thấy ông Cành lặng lẽ, bà Nón, cô Mê đồng thanh giục, uống rượu đi anh. Cô Mê gắp miếng đầu cánh, đặt vào vào bát cho ông nói, nhất phao câu nhì đầu cánh. Ông Cành cười hề hề, nheo nheo mắt nhìn khuôn ngực mây mẩy của cô Mê giọng ề à, nói lẳng lơ bóng gió: - Tôi chỉ mê phao câu. Cô Mê đấm thùm thụp vào lưng, vào đùi ông Cành, cười hí hí. Dưới ánh trăng mờ dễ xui khiến người ta bạo dạn hành động, nhất là lúc trái tim rộn rạo đập. Cái lẳng lơ, lãng mạn cũng được dịp bột phát bởi ánh trăng mờ tỏ kia. Bây giờ thì ông thích ánh trăng bởi sự lờ mờ của nó. Ông chiếu cái nhìn tình tứ vào mắt cô Mê, đôi mắt trô trố của ông như muốn tìm kiếm sự đồng lòng, bàn tay mau lẹ xoa cặp mông to đẫy, bè bè cuả cô.Cô Mê lúng liếng cặp mắt chờn vờn, nhoẻn nụ cười tình tứ. Ông khoe với hai người đàn bà: - Là đàn bà con gái, các bà không biết lần ra đâu trường tố khổ vừa rồi, để hạ uy thế của địa chủ Chánh Huyện và Lý Mốt tôi đã dày công chuẩn bị ra sao, làm việc gì cũng phải mưu toan tính toán. - Chao ôi! Chúng em đàn bà con gái, tuy là “rễ” là “cốt cán” đấy, nhưng cứ theo sự bầy đặt của Đội mà làm ấy mà. - Đúng là thế. Vậy nên bây giờ, tôi xin kể để hai vị cốt cán nghe thấu từng bước của đấu tố. - Anh cứ vừa uống vừa kể. Phải uống cho hết chai rượu, ăn bằng hết thịt vịt trời cho, còn phải xơi hết nồi măng và nồi xôi nếp được chia “ quả thực” nữa đấy. Cô Mê tiếp rượu cho ông Cành, ông Cành giọng xuề xòa. - Xin chiều ý các bà - ông lại uống, lại nhai. Giọng ông khẽ khẽ, rè rè vì rượu, mắt trô trố hấp háy: - Chắc các bà còn nhớ buổi tối tố khổ ở đấu trường vừa rồi chứ? - Nhớ quá đi chứ! Em là “rễ” ngồi ghế chủ tịch đoàn mà lại – bà Nón liến thoắng. - Đấy! Đấy! Tôi đã chỉ đạo, ai lên đấu trước, đấu sau, tố thế nào, xỉa xói ra làm sao, nói gì, khi nào người tố phải tỏ ra xúc động, bật ra tiếng khóc hu hu mới giỏi, mới là thành công mỹ mãn – Ông Cành lại liên hệ tạt ngang, thằng Bình sang đây mà được dự đấu tố để học hỏi kinh nghiệm, chắc phải phục lăn phục lóc mưu sâu hiểm của mình. - Buổi tố ấy, em khóc nức nở, có đúng không anh? – Cô Mê hỏi. - Tuyệt, đúng lúc lắm – Ông Cành nháy nháy một con mắt với cô Mê rồi nói, tôi biết thừa là cô điêu. Tôi hỏi thật cô nhé! Địa chủ Lý Mốt có lần nào bắt cô đội một tạ phân bắc ra đồng để về cô bị quay lơ ra ốm ròng ba tháng trời không? Gánh năm bảy chục cân thì còn được. Bố bảo đứa con gái nào đội nổi một tạ phân bắc. Cô Mê hi hí cười trừ, mắt nhắm nghiền, chẳng còn nhìn thấy ông trăng đang lơ lửng trên trời. Ông Cành lại thừa cơ xoa mông, nắn đùi, chớp nhoáng day ngực cô Mê, cho phép bàn tay mình tọa lạc lâu giữa hai đùi nong nóng của cô Mê. Bà Nón vô tâm, chẳng để ý bàn tay kín đáo của ông. Bà lại liến thoắng: - Nhớ lời anh dặn, ở đấu trường, em dõng dạc bắt địa chủ Chánh Huyện và Lý Mốt phải quỳ. Cả đấu trường vỗ tay hoan hô ràn rạt. Có hạ nhục như thế mới đánh gục được uy thế địa chủ, nâng cao uy thế của nông dân, thật mắt mặt, hởi lòng hởi dạ. - Phải quá đi chứ. Làm đúng chủ trương chỉ đạo đấy. Ông Cành giọng lè nhè: - Tôi tiếc lắm, muốn quy cho địa chủ Chánh Huyện là cường hào ác bá nhưng vướng quá. Bà Nón cướp lời: - Sao lại vướng. Bà ta còn có thêm một tội, thằng Hòa con bà ta vào Nam theo giặc, thế là có tội với dân với nước. - Nhưng phúc bảy mươi đời cho địa chủ Chánh Huyện, may mà mấy thằng con lớn gia nhập vệ quốc quân từ ngày toàn quốc kháng chiến. Bây giờ chúng là cán bộ trong quân đội ta. Thằng Tản là chính ủy trung đoàn, thằng Khiêm là chính trị viên phó tiểu đoàn, bét nhất thằng Minh cũng làm chức trung đội trưởng. - Thì quy cho nó là địa chủ thường. - Cũng không ổn. Sự thể rành rành như thế, đành phải quy Chánh Huyện là thành phần địa chủ kháng chiến. Ruộng đất của địa chủ Chánh Huyện vẫn cứ bị tịch thu, nhưng nó không bị tù, bị tử hình. Nhà cửa, vườn tược của nó bị chia năm xẻ bảy cho nông dân. “Quả thực” của nó phải chia cho bần cố nông. Bà Nón hỏi: - Kỳ chia quả thực vừa rồi, chị nhà ta cũng có phần chứ. - Tất nhiên. Tàn bữa ăn, mâm bát chỏng chơ, bà Nón tranh phần dọn dẹp rửa ráy. Đêm đã khuya, đường làng vắng vẻ, ông Cành sóng bước cùng cô Mê, hai người nắm tay nhau, ngả sát vào nhau, bước về nhà cô Mê. Ông ngủ lại nhà cô. Khi vầng trăng mờ nhạt đã mất hút trên nền trời, gà eo óc gáy, ông Cành bật dậy, mau lẹ mặc bộ quần áo đại cán, rảo bước về trụ sở của Đội. Về đến trụ sở, trời vẫn chưa sáng rõ, màn sương vẫn như còn e ấp, bịn rịn nơi bờ tre chòm xóm. Để giết chết cái thời gian vô vị này, ông Cành lại vê thuốc lào, châm lửa hít rõ sâu điếu thuốc lào. Thuốc lào làm cho ông tỉnh táo. Dư vị còn đọng lại của cái buổi chiều tối hôm qua vừa được ăn thịt vịt vừa được “ăn tình đàn bà” làm ông hứng khởi. Đôi mắt trô trố của ông lóe niềm vui nhưng con người ông lại lặn sâu vào suy tư riêng của mình. Bây giờ thì ông tự đánh giá hành vi của mình. Con người ta phải biết tận dụng thời cơ và quan trọng hơn là biết “đánh đổi”. Thời kháng chiến chống Pháp ông đã đánh đổi năm mạng du kích lấy con trâu mộng. Trong cải cách ruộng đất thằng Cành này đã đánh đổi sinh mạng chính trị của bao người, nống lên tỉ lệ địa chủ, phú nông. Năm, bảy đứa cuộc đời bị tàn lụi, lên bờ xuống ruộng vì ông quy họ là địa chủ, phú nông mặc dù họ chỉ là trung nông. Và nữa, cái làng Xuân Giao nhỏ bé này bói đâu ra hàng chục địa chủ. Sự thật này được báo cáo lên cấp trên, họ sẽ thể tất, chẳng ai bắt bẻ. Thế nhưng thằng Cành này quyết phấn đấu vượt chỉ tiêu, nặn ra con số phần trăm để được biểu dương khen thưởng với thành tích tìm ra bẩy phần trăm địa chủ bóc lột. Đổi lại, ông vơ lấy cái danh xuất sắc. Còn các chuyện “đấu trường tố khổ”, người ta lập ra để đấu tố địa chủ cường hào ác bá ngoan cố. Lợi gió bẻ măng, muốn hạ nhục địa chủ nào là quyền của ông, ông chỉ đạo tiến hành năm, bảy cuộc đấu tố. Hạ nhục con người, hạ nhục địa chủ vơ lấy cái lợi ấy làm cho bất cứ ai ở cái làng Xuân Giao này phải e ngại, kiêng nể ông. Cuộc cải cách ruộng đất nhằm mục đích cho người cày có ruộng, thực hiện ước mơ nghìn đời của người nông dân. Chủ trương, mục đích sáng rõ như ban ngày. Thế nhưng ở làng Xuân Giao và mấy làng bên cạnh dưới quyền ông Cành, ông đã điều hành theo mẹo mực khôn ngoan, nhào nặn chủ trương chính sách theo quyền hạn không hạn chế của mình. Mỗi ông Đội là một “Tiểu Vương”. Ông như một nghệ sỹ có biệt tài biến tấu. Khi có quyền lực trong tay, thiếu thiết chế kìm hãm người ta dễ lộng hành, lũng đoạn bao nhiêu là chuyện, chuyện lớn, chuyện nhỏ, chuyện công, chuyện tư. Cội sang làng Xuân Thành lần này, ngoài công việc của Đội cải cách ruộng đất, để hoàn thành hồ sơ địa chủ, phú nông, anh còn dự định gặp Thương, người con gái mà anh đã từng biết mặt biết tên từ cái ngày cô ta còn cắp sách đến trường Trung Linh. Như có ma lực cuốn hút kỳ lạ, đưa đẩy bàn chân của Cội tìm đến nhà Thương. Được gặp mặt, trò chuyện, ngắm nhìn giờ đây đã trở thành khao khát, thành niềm đam mê của anh. Anh bước mau trên đường làng Xuân Thành, miệng huýt sáo. Chiếc quần xanh sĩ lâm cùng với áo đại cán và xà cột khoác vai, tôn lên cái vẻ chững chạc của Cội và như một sự trình làng về người cán bộ đang trên đường công tác. Không biết có phải người ta mất cảm tình với Cội bởi nước da thiết bì đen đúa, mắt ốc nhồi nhiều lòng trắng, hay do anh lạnh lùng nghiêm nghị mà địa chủ, phú nông từ xa đã tránh mặt anh. Thực ra, họ có chút e ngại với cán bộ của Đội cải cách ruộng đất. Và nữa, người ta thấy nhục khi buộc lòng phải chào anh cán bộ hai chục tuổi, đáng tuổi con tuổi cháu mà phải thưa là “ông” và xưng là “con”. Ở cái tình thế không tránh được, phải giáp mặt, người ta chào. Nhưng với Cội, đã thành thói quen, không thấy cần thiết phải đáp lại lời chào của địa chủ, phú nông. Ngay cả với bần, cố nông, anh cũng chỉ ngước mắt và gật đầu… Gặp thời vận, Cội đang phải chăn trâu cắt cỏ, lêu lổng ở làng, anh được bố - ông Cành, xin cho theo học một lớp tập huấn nghiệp vụ cải cách ruộng đất ngắn hạn, chỉ trong vòng hơn ba tháng, Cội trở thành đội viên trẻ tuổi của Đội cải cách ruộng đất, dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của bố. Cội đã dự định và tính toán, lần này sẽ nói chuyện thẳng thắn với bố của Thương để ông ấy khuyên giải con gái mình, thành trợ thủ đắc lực cho cuộc tình duyên mà mình quyết theo đuổi. Giây phút này Cội phơi phới niềm hãnh diện hồn nhiên, thằng Cội này mê và lấy làm vợ đứa con gái nào xinh đẹp bậc nhất ở cái làng này. Vả lại, Thương sánh duyên với Cội là lấy được tấm chồng cán bộ, là con trai của ông Đội trưởng cải cách ruộng đất đầy uy quyền. Hãnh diện lắm chứ. Như thế là đẹp đôi phải lứa. Ý nghĩ của Cội bay bổng. Trai gái ở cái làng này phải trầm trồ, tấm tắc bái phục anh cán bộ cải cách ruộng đất trẻ tuổi khéo chọn vợ, thật là trai tài gái sắc. Cội vừa đi vừa huýt sáo. Bước chân vào nhà Thương, giờ này cô đang cào cỏ ngoài đồng. Ông Thưởng bố của Thương tiếp Cội. Uống xong cốc nước anh nghiêm giọng: - Do yêu cầu công việc của Đội, muốn hỏi ông, năm đói Ất Dậu nhà ông có thóc cho vay phải không? - Sao anh ta lại hỏi điều này – ông Thưởng thoáng phân vân, tim ông đập mau hơn, Đội muốn tìm chứng cứ gì đây ở một trung nông như mình. Tốt nhất là không quanh co, trả lời đúng sự thật: - Đúng là như vậy. Cũng xin trình bày để Đội rõ, năm đói ấy, bà con họ mạc, nhiều người không còn hạt thóc, hạt gạo mà ăn, có cơ chết đói. Nhà tôi vì tằn tiện từ mấy mùa trước nên để ra được dăm ba thùng thóc, cho vay không lấy lãi. Nhà này vay dăm bơ, nhà khác vay bảy bơ xay ra nấu cháo, ăn cầm hơi. Chỉ mong họ vượt qua cái đận thóc cao gạo kém, chết đói đầy đường. Cội biết ông Thưởng nói đúng sự thật. Bởi anh đã được nghe một người dân làng kể chuyện, nhờ vay được thóc nhà ông Thưởng mới có những bữa cháo mà ăn. Nhờ vậy, đứa con mới đẻ của bà vào năm đói mới không chết đói. Và rồi đến vụ mùa sau, trả thóc vay, đem biếu ông Thưởng nải chuối, chục trứng gà. Ông chỉ nhận nải chuối, cho lại chục trứng. Tuy vậy, Cội vẫn nói lửng lơ đầy ngụ ý: - Thế thì nhà ông khấm khá quá. Địa chủ, phú nông cũng chẳng thừa thóc gạo vào cái năm đói kém mà cho vay. Ông Thưởng phân vân chột dạ. Sao lại so sánh người ở thành phần trung nông như ông với địa chủ, phú nông thể nhỉ? Mà là hơn cả địa chủ. Làn da trên mặt ông bỗng chốc biến sắc, tay ông run run cầm chén nước. Kinh nghiệm công tác đã qua, Cội nhạy cảm phát hiện ra thoáng lo âu này. Anh giấu kín nụ cười khoái trá trong khóe mép, bồi tiếp một câu: - Nhà ông có hơn ba mẫu ruộng, sáu sào vườn, nhà năm gian là khá giả đấy. - Đó là trước ngày tổng khởi nghĩa tháng Tám. Sau này để nuôi con ăn học, tôi đã bán đi mẫu ruộng. Bây giờ có hơn ba mẫu đất thì đã là phú nông. Phải khôn khéo, bóng gió cho ông Thưởng biết rằng, thằng Cội này có thể quy cho ông là trung nông và cũng đủ chứng lý quy cho ông là phú nông thuộc giai cấp bóc lột. Thành phần giai cấp là sinh mạng chính trị của gia đình, bản thân, con cái. Chẳng ai trong thời buổi này lại có thể yên tâm với cái thành phần giai cấp bóc lột. Ai cũng sợ thời này. Vui vì thành phần, lo vì thành phần, hưởng lợi vì thành phần, thiệt thòi cũng vì thành phần giai cấp. Bị quy là thành phần giai cấp bóc lột khác gì mang cái án tiền sự, sống trong buồn lo, bị họ hàng thân nhân coi rẻ. Phải tận dụng thời cơ, cột ông Thưởng trong vòng khống chế, điều khiển của mình. Muốn được quy là trung nông thì phải thực hiện yêu cầu của thằng Cội này - Cội hạ quyết tâm với chính mình. Mà yêu cầu của mình chỉ đơn giản, dễ như trở bàn tay, là ông hãy khuyên con gái mình làm vợ thằng Cội. Anh nhếch mép nghĩ thô tục, đổi cái L. lấy thành phần trung nông. Đôi mắt lồi đầy uy lực, nhiều lòng trắng của Cội gia tăng sức ép, nhìn như xoáy vào mắt ông Thưởng, anh nói chậm, rành rẽ: - Thành phần của ông là trung nông cũng phải, nhưng xét nhiều mặt thì người ta đủ chứng lý, có thể quy ông ở thành phần phú nông. Cũng còn tùy, việc này do Đội trưởng cải cách ruộng đất quyết định. “ Người ta” ở đây là Cội mà “Đội trưởng cải cách ruộng đất” chính là bố anh ta, còn chữ “tùy” thật là mập mờ khó hiểu. Ông Thưởng lặng người, lo bời bời, đầu ong ong u u. Ông nghe rõ tim mình đập thình thịch, nặng nề, những nhịp không bình yên, mặt ông bợt bạt. Bố con anh ta có đủ quyền lực quy cho ông là phú nông. Chao ôi! Mình là phú nông bóc lột ư? Ông Thưởng làm dấu thánh trước ngực, cầu bề trên sáng láng che chở. Ông ngồi ngây người, bất động như phỗng mà mồ hồi lại rịn ra trên trán và thái dương. Căn phòng đột nhiên lắng xuống. Bụi tre, cây cau, cây mít trước nhà ngả nghiêng chao đảo trong con mắt đờ đẫn, dài dại của ông. Cội đảo mắt, biết rằng lời nói của mình như liều thuốc hiệu nghiệm đang tác động mạnh mẽ. Khi mặt trời đã đứng bóng, Thương vác cào cỏ từ ngoài đồng trở về nhà. Thấy bóng dáng Thương, Cội trở nên hoạt bát, gương mật tươi tỉnh, tay vuốt mớ tóc rồi chỉnh lại tà áo. Anh đảo mắt, trô trố nhìn, dõi theo bước chân của Thương bước về phía cầu ao. Quần cô xắn cao, khỏa bàn chân trên mặt nước lộ bắp chân tròn, thuôn thuôn, trắng ngần. Bàn tay, cánh tay và dáng người mềm mại bên cầu ao, cùng với mái tóc dài đổ về phía bờ vai chấm mặt nước làm thành bức tranh thiếu nữ tuyệt mỹ. Bức tranh ấy hút lấy đôi mắt Cội một hồi lâu. Thế rồi, Cội quay sang nói với ông Thưởng bằng giọng thân tình: - Bác có cô con gái xinh xắn quá, khối người muốn làm rể đấy…Ngưng lại trong giây lát, anh lại nói tiếp, nếu Thương chưa cùng ai thì…- Cội bỏ lửng không nói hết câu, một lúc sau lại nói, Thực ra tôi biết Thương từ lâu, nếu bác cho phép - Cội lựa lời để buông lời nói then chốt, à à, bác coi tôi là con trong nhà thì tốt nhất. Tôi mong như thế và bác chẳng thua thiệt gì. Ông Thưởng không khỏi ngạc nhiên trước sự cởi mở của anh cán bộ Đội trẻ tuổi. Bây giờ anh ta không gọi mình là “ông” mà là “bác” nghe gần gũi hơn. Anh ấy lại nhũn nhặn “nếu bác cho phép” và rồi “coi tôi là con trong nhà”, và rằng “mong được như thế”. Thái độ và lời nói của Cội vừa bày tỏ làm ông Thưởng có phần yên lòng. Nó tựa như liều thần dược, làm chuyển biến mau lẹ trạng thái thần kinh của ông. Niềm vui như dòng mạch tươi mát thấm chảy vào tâm can. Cơ thể ông đã biến mất cái cảm giác rã rời suy sụp. Ánh mắt của ông Thưởng giờ này trở nên linh hoạt hơn. Tuy vậy, ông có chút phân vân. Anh Đội Cội muốn làm con cái trong nhà này ư? Có thật là anh muốn làm rể nhà mình không? Ngụ ý của anh ta là đùa hay thật? Nếu đó là sự thật, anh đã phải lòng cái Thương. Ông đưa mắt nhìn con. Nó là đứa nết na lại xinh đẹp. Người ta yêu nó, thương nó, là bố ông mừng cho con. Thế nhưng việc nó yêu ai, lấy ai là quyền của nó, nào phải là quyền của ông. Thương bước vào nhà, chào khách và nhận ngay ra Cội, biết anh ta bây giờ là người trong Đội cải cách ruộng đất. Thương ngại ngùng lúng túng và có chút e ngại. Cội bắt chuyện: - Cô Thương có nhận ra người quen không? Thương không trả lời mà gật đầu dè dặt. - Thực ra chúng mình đã biết nhau lâu rồi phải không? Từ nay, Thương cứ tự nhiên coi tôi là bạn, là người thân của gia đình, đừng có ngại. Thương lẳng lặng không lên tiếng, cô xin phép bố để mình xuống bếp nấu nướng. Ngồi trên nhà, lòng dạ bồn chồn, Cội ngong ngóng Thương từ bếp bước lên. Nhưng không, nấu xong nồi cơm, Thương ngồi lỳ mãi dưới bếp, nấu tiếp ấm nước, bởi cô ngại giáp mặt phải trò chuyện với người khách mà giờ phút này mình không thiện cảm tuy không xa lạ. Đành phải ra về, Cội chào ông Thưởng rồi bước nhanh xuống bếp. Ngó cổ vào cửa bếp, Cội nhìn hau háu đôi má ửng hồng vì lửa bếp của Thương, anh thả giọng như hò hẹn tâm tình: - Chào Thương nhé! Rồi tôi lại có dịp đến chơi. Thương đáp lại bằng từ “vâng” miễn cưỡng cho phải phép với khách. Cội ra về rồi, Thương phân vân lắm. Linh tính mách bảo, người con trai này đang để ý đến mình. Anh ta vơ vào “là bạn, là người thân”. Mình nào có muốn làm bạn với con người ấy. Những hồi ức về những ngày còn cắp sách đến trường tái hiện sống động, đã mấy lần hắn chặn đường gây sự, bờm xơm vô duyên với mình… Giờ thì, còn hẹn “đến chơi” như là thân tình lắm ấy. Rồi mai, ngày mai sẽ ra sao? Thương đăm chiêu, lo ngại và muốn xua đuổi ngay những ý nghĩ về con người ấy. Tuần hai ba lần Cội đến chơi nhà ông Thưởng, lúc thì buổi trưa, khi thì vào buổi chiều tối đã nhọ mặt người. Ánh mắt Cội lấc láo, đưa tình lồ lộ, giọng nói làm duyên vừa vồ vập vừa lẳng lơ. Khi thì tỏ ra thương cảm: “Làm đồng nắng nôi, khổ thân em”, khi thì như khao khát bên nhau: “Được trò chuyện với em mãi mà không chán”, lại có khi vơ vào táo tợn: “Chào cô vợ sắp cưới của anh”. Cội cười hềnh hệch. Chưa bao giờ Thương đủ can đảm để nhìn thẳng vào cặp mắt trô trố với ánh mát dạn dĩ đang xăm soi, lấn tới của Cội. Ông Thưởng ngồi trong nhà, nhiều lần chứng kiến Cội bạo dạn sấn lại trò chuyện, có lần nắm chặt bàn tay con gái ông nói, sắp tới, anh cùng bố mẹ sẽ sang nhà em đặt vấn đề ăn hỏi đấy. Và rồi, chẳng lâu la gì, Cội nói với ông rằng, bác đừng lo gì về thành phần giai cấp nếu hai người nên duyên vợ chồng và rằng, cán bộ đội cải cách ruộng đất không bao giờ lấy vợ thuộc thành phần giai cấp bóc lột. Ông Thưởng với nét mặt lộ rõ vẻ căng thẳng, chậm rãi nói với con gái: - Thành phần giai cấp nhà mình có điều phức tạp, thật không ngờ. Nghĩ kỹ rồi, bố mẹ mong con thành hôn với anh Cội. Như vậy là con đã cứu vớt gia đình, cứu vớt bố mẹ đấy. Thương tròn mắt nhìn bố, ánh mắt ngơ ngác, cô ngỡ ngàng hỏi: - Bố nói gì lạ quá. Con có làm gì đâu mà bảo rằng để cứu vớt bố mẹ, con không hiểu nổi. - Nói ra dài dòng lắm – Ông Thưởng kể vắn tắt cho con nghe chuyện năm đói Ất Dậu mà gia đình đã xử sự với dân làng. Đầu ông cúi xuống như người đang nhận lỗi, giọng buồn buồn. Quyền trong tay người ta, nhà mình bị quy là phú nông thì nhục nhã lắm, đất đai bị trưng mua bằng mấy thúng thóc. Con đồng ý lấy anh Cội thì… - Ông Thưởng đột ngột dừng lại, tin rằng con mình đã đủ hiểu. - Con nào có cảm tình với anh ấy, xấu người, xấu nết quá. Con cũng chưa vội lấy chồng, ở nhà phụ việc đồng áng để bố mẹ đỡ vất vả. Bố mẹ thương con thì đừng ép con, phải lấy hạng người như thế, thà chết còn hơn. Nghe rõ lời than thở và phản ứng gay gắt của con, bà Thưởng mủi lòng lã chã nước mắt, nói với ông Thưởng: “Đừng ép uổng con, khổ thân nó”. Bà còn nói cứng, nếu gia đình mình bị quy là phú nông cũng chẳng ngại. Ừ thì phú nông đấy, sợ ai nao? Ông Thưởng rầu rầu nét mặt, giọt nước mắt lăn trên gò má. Ông lắc lắc mái đầu vẻ ngao ngán chua xót. Thương đăm đăm nhìn bố, dõi nhìn giọt nước mắt và gương mặt buồn bã của ông. Lần đầu tiên trong đời Thương thấy bố khóc, cô động lòng thương cảm. Dạo này sao mà bố già đi mau quá. Mái tóc chen những sợi trắng, gương mặt lúc nào cũng đăm chiêu vẻ u uất trong lòng. Mới hơn bốn mươi tuổi mà trông bố như ông lão. Bất chợt những bài học về tình cha con, tình mẫu tử và lòng hiếu thảo trong sách Giáo khoa thư mà cô học ngày nào, bây giờ như nhắc nhở cô. Rồi mông lung suy nghĩ, nhớ đến ngày còn cắp sách đến trường Trung Linh, hình ảnh bạn học người mà cô thầm yêu vụt hiện lên. Dáng nét An sống động trong tâm tưởng. Thương thở dài, cặp mất phơn phớt xanh như thả ánh nhìn vào chốn vô định. Thương nhanh tay làm dấu thánh Bỗng giọng nói nặng nề của bố cắt đứt dòng suy nghĩ lan man của cô: - Bố mẹ nào lại không thương con nhưng thân gái rồi con sẽ lấy chồng. Không thể khác được đâu con ạ. - Con sẽ xin thưa chuyện với bố mẹ sau. Ông Thưởng im lặng không nói nữa, ông bước vào căn buồng tôi tối. Đêm ấy Thương một mình một bóng, ngồi thui thủi ngoài hiên. Tiếng côn trùng ngoài vườn thi nhau rả rích như hòa tấu bản nhạc não nề. Gió nhè nhẹ thổi ngoài bụi tre, lá tre xào xạc trong đêm vắng. Phải lựa chọn một trong hai điều, lấy Cội hoặc từ chối cuộc hôn nhân này. Từ chối ư? Sẽ không phải chung sống, không phải làm vợ của người mà mình không yêu, không mảy may thiện cảm. Thương lại lăn tăn nghĩ đến An, dù rằng giờ này cô chẳng nhận được một chút tin ngắn ngủi nào về An. Thương vào buồng, moi từ đáy tủ cuốn sách bài tập Toán mà An đã cho, với cái tên ngắn ngủi của anh được ghi rõ trên bìa. Cầm sách trong tay, cô lại quay ra ngồi dưới mái hiên, áp cuốn sách vào ngực, tựa lưng vào cột. Lặng lẽ với cuốn sách trong tay, nước mắt ứa ra từ lúc nào Thương không biết và cũng không lau nó… Nếu từ chối cuộc hôn nhân với Cội, người ta sẽ quy cho gia đình là phú nông, bố mẹ sẽ buồn phiền, đau đớn về cái thành phần bóc lột ấy. Thương bố quá, ông phải hạ mình, nhờ con cứu vớt bằng việc gả con gái cho người mà nó không yêu, không một chút động lòng rung cảm, một kẻ thô lỗ, trơ tráo vô học để đánh đổi lấy thành phần trung nông trong sạch. Chao ôi! Từ tấm bé đến giờ mình đã làm được điều gì để trả công ơn sinh thành của cha mẹ. Sao lại phải để cha mẹ khổ tâm, phiền muộn đến héo hắt. Phận con, phải làm gì đây? Khó mà thoái thác cuộc hôn nhân này, âu cũng là số phận run rủi. Tiếng thở dài chốc chốc lại buột ra. Thương thầm nói với bố mẹ, con sẽ không làm cho bố mẹ buồn tủi nữa đâu, con chịu được khổ bố ạ… Bây giờ thì bàn tay Thương gạt dòng nước mắt ứa ra. Tiếng gà canh một, canh hai rồi canh ba, Thương vào giường, gượng nhẹ đặt lưng xuống chiếu để không làm cho bố mẹ cô phải thức giấc. Thương nhắm mắt nhưng không tài nào ngủ được, nước mắt lặng thầm tuôn chảy ướt đầm một mảng gối, cô không hề hay biết.