- 1 -

Như ngàn vạn trẻ sơ sinh lúc lọt lòng mẹ, bé Hoà oe oe cất tiếng khóc chào đời. Nhưng thật lạ, tiếng oe oe non nớt không dứt, cứ dồn lên như những đợt sóng âm, dằng dặc từ khi trời hửng sáng đến lúc mặt trời đứng bóng. Hoà khóc ba ngày ba đêm. Chỉ đến khi rã rời không đủ hơi sức để khóc, Hoà mới chịu ngậm núm vú để bú bầu sữa căng tròn ngọt ngào của mẹ rồi ngay sau đó chìm lịm vào giấc ngủ ngon lành. Kéo dài ba tháng, dù là đêm trăng thanh gió mát hay là đêm mưa phùn giá lạnh, không sót đêm nào Hoà không khóc dạ đề. Nghe mà ái ngại, não lòng. Bà lão trong làng không xem người, xem mặt mà chỉ lắng nghe tiếng khóc ấy, nói: “Cuộc đời thằng bé này sẽ khác người, nhẫn chịu những chuyện đau lòng”.Ông Chánh Huyện lắc đầu, nhìn con đang ngằn ngặt khóc, nói với bà vợ: “ Nó là con trai mà khóc ngày khóc đêm, khác thường lắm, gan lì đấy, nhưng đời nó sau này sẽ khổ”. Bà Chánh mủi lòng, ôm chặt đứa con yếu đuối trong lòng rồi cúi xuống đặt nụ hôn rõ lâu lên đôi má thơm ngậy mùi sữa của nó. Bà ngắm nhìn mãi gương mặt, hình vóc của đứa con dứt ruột đẻ đau: vầng trán rộng, mắt sáng, sống mũi cao thẳng, mặt trái xoan, chân tay nhăng nhẳng dài, trông khôi ngô sáng sủa. Bà mong ước đứa con lớn lên trong vòng tay ôm ấp của mẹ sẽ có ngày giàu sang danh giá.
Bà vợ cả ốm rồi mất sớm, ông Chánh Huyện tên là Hào, trước năm 1945 làm Chánh Huyện nên người ta gọi như thế, lấy vợ kế. Hoà là con của bà vợ kế. Những đứa cháu của Hoà, con các anh mà bà cả sinh ra, có đứa lớn tuổi hơn Hoà.Chỉ có An con anh Lề là sàn sàn tuổi chú Hoà. Chú cháu từ tấm bé đã thân thiết như bạn hữu cùng trang lứa, tuy rằng chú hơn cháu hai tuổi. Có người lầm tưởng hai chú cháu là anh em ruột bởi hai người chơi bời có nhau, đi học rủ nhau. Người trong làng bảo, chú cháu nó dính vào nhau như liền khúc ruột.
Điều người làng nhận xét là đúng. Cuối năm 1954 sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đất nước tạm thời chia đôi, quân Pháp rút về nước. Hoà theo trường vào Nam bằng máy bay, An trốn nhà lên tàu há mồm ở Hải Phòng theo dòng người từ miền Bắc di cư vào Nam.
Trẻ nhỏ sít soát tuổi nhau thì chẳng kể là anh em cũng dễ thân thiết, là chú cháu thì càng gần gũi.
Thế giới tuổi thơ ở thôn quê trước năm 1954 thường đam mê với những trò chơi thả diều, câu cá, trèo cây bắt chim, đánh khăng, đánh đáo, bơi lội trên sông. Gái thì nhảy dây, nhảy vô, giải danh, chơi ô ăn quan, bịt mắt bắt dê…
Lũ trẻ ở làng Xuân Giao nơi Hoà và An chôn rau cắt rốn, khi dứt tiếng súng của lính Pháp càn quét, khi ngưng tiếng súng của du kích đánh trả, hoặc sau buổi tan trường, cuối buổi chăn trâu cắt cỏ chúng lại tụ tập vui chơi nơi cuối thôn, đầu đình. Những con trâu căng bụng đã ăn no cỏ, được buộc thừng dưới gốc tre, gốc nhãn và lũ trẻ lao vào những trò chơi quen thuộc. Dưới mái đình là trung tâm tụ hội của dân làng, sân đình là tụ điểm vui chơi của lũ trẻ.
Đình làng được xây từ thế kỷ 18,19 toạ lạc gần con đường cái quan rải đá lổn nhổn như nắm đấm, củ khoai. Con đường ấy chạy dọc giữa làng, có đôi lần xe lu bánh sắt của lục bộ chạy bằng hơi nước nổ máy xình xịch lăn trên đường. Bọn trẻ hồn nhiên ném đá vào bánh xe để được nhìn những viên đá xanh bị nghiền nát rồi vỗ tay đèn đẹt cười thích thú. Song song với con đường cái quan là con sông đào rộng chừng chục mét, nước lặng lờ. Cây cầu cong cong xây bằng gạch đỏ như một nét hoa mĩ của khuông nhạc vắt ngang dòng sông, nối đường làng với khuôn viên mái đình. Cây cầu từng chứng kiến lũ trẻ trong làng vào mùa hè, hò hét, nói cười, thi nhau lao ùm ùm từ mặt cầu xuống lòng sông, thoả sức bơi lội, lặn ngụp. Dọc theo ven sông, cách nhau chừng năm ba chục mét lại có những mái lều lợp rạ lợp tranh xơ tướp cùng những vó lưới lặng lẽ, cần mẫn quanh năm thả xuống lòng sông. Bốn gọng vó lưới bằng thân tre đực già, uốn khum khum như bốn vó của loài nhện khổng lồ, ngày đêm nhòm ngó rình rập trên mặt nước, sẵn sàng bổ xuống dòng sông để tấn công, chộp bắt bầy tôm cá khờ khạo xấu số. Bao quanh mái đình là vườn nhãn xanh tốt quanh năm, tán lá xum xuê. Vào mùa thu hoạch, quan viên trong làng tính đếm rồi bán chác, chia phần. Quả chín ăn rồi, vỏ nhãn, hạt nhãn vứt rải rác khắp các ngõ thôn. Ngôi đình có chính điện thờ Thành Hoàng và Khổng Tử. Ban thờ, bát hương sơn son thiếp vàng. Thềm đình có hai con ngựa đá đứng chầu, nghe nói thiêng lắm. Đã lâu lắm rồi, có người đùa bỡn, nhảy đại lên lưng ngựa, ôm cổ ngựa nhún nhảy, la hét, chồm chồm như đang phi nước đại. Chỉ một tuần sau, người ấy bị “Ngài vật chết” sùi bọt mép, giẫy đành đạch như cá trên thớt. Cột và dầm của mái đình to lừng lững, một vòng tay ôm không xuể, bằng đá xanh được đẽo gọt vuông vức, chạm trổ hoa văn hình muông thú, hoa lá, cây quả thật kỳ công. Phía trước sân đình là hai cây hoa gạo cùng với rặng nhãn xanh mướt. Hoa nhãn nở cuối xuân, hoa gạo rực rỡ đỏ ối vào đầu hè chang chang nắng. Nối tiếp là đồng làng thẳng cánh cò bay, hai mùa lúa tốt. Tít xa, nhô lên khỏi màu xanh của đồng lứa là những tháp chuông của nhà thờ Phú Thượng, Phú Hạ. Chuông chùa ngân nga vào buổi chiều, nối theo là tiếng chuông nhà thờ gióng giả từ xa vọng đến, nhè nhẹ ngân nga như bám vào ngọn tre, tan vào cánh đồng bát ngát. Làng Xuân Giao theo đạo Phật kề cận với giáo phận Thiên Chúa hùng mạnh. Những chuyện đau lòng trong thời kháng chiến chống Pháp - nhất là vào những năm 1948-1953 giữa làng công giáo toàn tong với làng nhiều tín đồ Phật giáo đã diễn ra.
Buổi chiều mùa hè, An sang nhà ông nội rủ chú Hoà ra sân đình chơi. An mang theo chiếc diều cong cong như vầng trăng khuyết, cánh diều bằng giấy được dán bằng nhựa cây sung và nhựa quả cậy. Chú Hoà vui vẻ đi cùng, tay cầm theo cuốn Quốc văn giáo khoa thư. Biết Hoà hiền như con gái lại mau nước mắt, bà Kế dặn cháu, đừng để đứa nào chòng ghẹo chú. Hai chú cháu ra sân đình cùng nhau thả diều. Hoà nâng cánh diều trên đầu, An rải dài và cầm căng đầu dây. Khi cánh diều rời tay chú cũng là lúc An chạy nhanh bước chân cho cánh diều nương mình hoà vào khoảng không từ từ cất cánh lên cao. Gió đồng làng dào dạt phóng khoáng trong không trung, nâng cánh diều bay bổng. Sợi dây diều se bằng sợi đay được nới lỏng theo cánh diều bay. Chỉ dăm ba phút diều đã lơ lửng trên trời xanh. Tay cầm sợi dây diều căng căng, nằng nặng khơi niềm hứng thú cho chủ nhân của con diều đang lượn lờ. Sáo trúc gắn vào thân diều gặp làn gió thổi, phát ra âm thanh vi vu lan rộng trong không trung có sức cuốn hút. Hoà và An ngửa mặt, mắt chăm chú dõi theo cánh diều lơ lửng, lắng nghe tiếng sáo, lòng lâng lâng vẻ mặt hớn hở thích thú. Khi cánh diều đã chiếm ngự hết tầm độ cao, nó lơ lửng như vầng trăng giữa bầu trời yên tĩnh. Đó cũng là lúc Hoà rời sân đình, bước qua cây cầu ra đường cái quan, tìm kiếm viên đá nhỏ trên mặt đường. Ghè, đập rồi mài đá trên mố cầu cho đến khi nó tròn vo, nhẵn thin như viên bi. Mài đến khi phồng rộp đầu ngón tay mới có được viên bi đá. Đút viên bi đá vào túi, lát nữa Hoà sẽ cho cháu. Tìm đến chỗ ngồi quen thuộc của mình dưới gốc nhãn, chăm chú đọc Quốc văn giáo khoa thư. Cùng dưới gốc của mấy cây nhãn lớn, bóng râm rợp mát, nhóm con gái chơi rải ô ăn quan, nhóm khác giải danh, chơi chuyền bằng những chiếc que tre, tốp kia nhảy dây nhảy vô rúc rích cười nói. Bọn con trai đánh đáo, mấy đứa chơi bi.
Thằng Cội và thằng Cán là đôi bạn chí thân, hai đứa mặc quần đùi, áo nâu bạc màu, mặt cháy nắng. Nó không nhập cuộc vào các trò chơi mà rảo bước qua lại sân đình, ngó nghiêng nhìn lũ con gái, chúng nháy mắt ra hiệu với nhau về ý định sẽ hành động. Đám con gái thấy thằng Cội và thằng Cán tiến đến, vội vun lại những viên sỏi nhỏ, thu lại những que chuyền đang chơi, bảo nhau dè chừng hai thằng phá đám. Cội và Cán đến gần, mau lẹ móc trong túi một nắm quả ké đầy những gai lông vò lên đầu hai đứa con gái, dù biết rằng thế nào cũng nhận được những món quà nguyền rủa thậm tệ “lũ khốn nạn” “đồ du côn” từ miệng con gái.
Cội và Cán chẳng biết sợ ai. Ngày còn theo học lớp đồng ấu dã rủ nhau chơi trò tai quái. Đã mấy lần chúng bảo nhau bắt sâu róm, đào lấy vốc giun đem đến lớp, len lén đút vào cặp sách con gái. Có lần chúng nó còn gói bãi cứt chó, đút vào ngăn bàn thầy, chỉ vì buổi học hôm trước thầy đã phạt thằng Cội phải quỳ trước lớp vì mắc tội đi học muộn. Lại có lần cuối giờ học, nó bí mật dung lưỡi câu cá móc vào đít quần đứa con gái ngồi bàn trên. Sợi cước mang lưỡi câu được buộc chặt vào chân bàn. Trống tan trường, cô gái đứng dậy, thế là trong tích tắc đồng hồ, “soạt”, đít quần bị lưỡi câu móc toạc, mông đít phút chốc lộ trắng hếu. Lũ con trai che miệng cười khúc khích. Đám con gái trông thấy vội quay đi, xấu hổ đỏ mặt. Cô gái quần rách mông uất ức chảy nước mắt, một tay cầm mảnh vải quần rách che mông, tay kia lau nước mắt, miệng chửi không dứt: “Tổ sư thằng hại bà”. Chẳng thể bắt được tay, day tận mặt nhưng ai cũng đoánthằng Cội và thằng Cán chơi cái trờ quái quỷ này. Lũ con gái cạch mặt, không bao giờ thèm trò chuyện với hai đứa. Đến khi đọc thông viết thạo, dù rằng chưa mãn khoá lớp đồng ấu, thằng Cội và thằng Cán rủ nhau cùng bỏ học. Bỏ học rồi chúng càng ngỗ ngược. Ban ngày ban mặt, hai đứa rủ nhau chui qua hàng rào, luồn qua khóm tre, chui vào vườn của người trong làng khi biết chủ nhân vắng nhà. Chúng vặt trộm quả na, quả ổi, quả nhãn, vặt trộm nhà kia quả chanh, quả khế. Mấy lần hai đứa rủ nhau ăn trộm trứng gà trong ổ, gà kêu cục ta cục tác. Có trứng trong tay, chúng đập vỡ một đầu quả trứng kề miệng hút chùn chụt. Không may bị bắt quả tang, người ta chửi rủa và đòi bắt đền bố mẹ hai đứa. Ông Cành bố thằng Cội dữ đòn, bắt Cội nằm úp sấp, quật sợi roi mây lằn mông đít thằng con bất trị. Nó cắn môi, đôi mắt trô trố chỉ rơm rớm nước mắt mà chẳng chịu van xin, nhẫn lỗi. Thế rồi, ông Cành cũng không chịu đền trứng gà cho người ta. Sau khi tớp mấy ngụm rượu, mặt ông đỏ như da gà chọi rồi chửi đổng, có của thì phải giữ, hớ hênh thì mất, bắt đền cái con cặc tao. Thằng Cán thì dát đòn, leo lẻo van xin, rối rít lạy mẹ tha tội rồi hứa sẽ từ bỏ cái thói xấu ăn trộm vặt. Thế nhưng mỗi khi thằng Cội rủ rê đi hái trộm hoa quả, nghe bùi tai, nó quên biến lời hứa với mẹ, chỉ còn nghĩ đến túi quả căng đầy, được ngấu nghiến ăn đến no nê. Hái trộm được chanh non, khế chua nó chầm muối ăn rau ráu như đàn bà ăn giở.Hai đứa không ưa những ai cùng trang lứa cắp sách tới trường, Cán bảo, một lũ ngu, chỉ biết cặm cụi với sách vở học hành. Thằng Cội vỗ ngực cười khẩy, tuyên bố dõng dạc, chúng tao chỉ cần biết đọc biết viết, biết làm hai con tính cộng trừ là đủ lắm rồi. Bây giờ nhìn thấy Hoà ngồi một mình đang mải mê đọc sách, ngứa mắt, Cội bàn với Cán đến giật cuốn sách trong tay Hoà. Nó cướp sách không phải để đọc, để học mà chỉ là để thoả mãn cái thú chơi ngang ngược. Cả hai len lén đến từ phía sau lưng, đẩy Hoà ngã chổng vó. Thằng Cội vồ lấy cuốn sách, hai đứa hớn hở, đủng đỉnh bước đi, cười hềnh hệch. Chúng không ngờ là An đang có mặt thả diều ở góc sân đình. Hoà lồm ngồm bò dậy, móc viên bi đá trong túi ném thằng Cội. Viên bi không trúng đích, Cội quay lại cười giễu cợt. Không chịu được, Hoà gọi, An ơi! Thằng Cội, thằng Cán cướp sách của chú rồi. Hoà gào to, trả sách cho tao. Nghe rõ tiếng gọi của chú, An vội vã buộc sợi dây diều vào gốc nhãn mặc cho cánh diều chao đảo. An chạy tắt băng qua góc sân đình để đón đầu rồi quát to, trả sách chú tao, đồ kẻ cướp. An tung cứ đá đủ mạnh vào trụ chân thằng Cội, nó ngã sấp mặt, cuốn sách Quốc văn giáo khoa thư tuột khỏi tay văng ra mặt đất. Trong lúc thằng Cội lổm ngổm bò dậy, thằng Cán co cẳng chạy tháo thân. An tiến tới giáng quả đấm vào mặt Cội, trúng mũi nó, máu mũi đỏ ối chảy ra. Biết rằng không đủ sức đánh lại An và Hoà, Cội tháo chạy. Hoà thu lại cuốn sách. Vừa chạy, Cội vừa buông lời đe doạ hằn học để vớt vát thể diện, rồi có ngày chú cháu mày biết tay thằng Cội này. Hoà và An vẫn ở lại sân đình. An đến với sợi dây, con diều của mình, Hoà lại ngồi tựa lưng gốc nhãn đọc Quốc văn giáo khoa thư.
Sau này, khi đã trưởng thành, Hoà vẫn thuộc lòng những bài trong Quốc văn giáo khoa thư ở lớp đồng ấu:Yêu cha mẹ, Người học trò tốt, Gọi dạ bảo vâng, Đứa trẻ lễ phép…Những lời răn dạy của cuốn sách như những hạt mưa rơi rả rích thấm dần vào đất, thấm vào suy nghĩ và hành vi của cậu học trò siêng năng, đa cảm giầu suy nghĩ. Những lời giáo huấn nghĩa lý của cuốn sách ấy như quẩy hành trang mang theo trong suốt cuộc đời Hoà. Đúng như một nhà phân tâm học lừng danh đã đúc kết: “ Điều gì học từ thời còn trẻ thì giữ lâu hơn những điều học khi khôn lớn”.
Ngay từ thủa theo học lớp đồng ấu, Hoà có thói quen thức dậy từ tờ mờ sáng khi những chú gà trống đua nhau thi thố tiếng gáy nơi xóm mạc gọi bình minh. Rồi sau đó, thắp ngọn đèn dầu, mở sách đọc to những bài học của mình cho cả nhà nghe tiếng, cứ như là muốn thưa với cha mẹ rằng, con đã thức và chăm chỉ học hành. Vì hiếu học tự giác như vậy, ông bà Chánh huyện mừng lắm nên đã chăm chút việc học cho Hoà. Học xong trường làng, luôn luôn đứng nhất lớp, năm học cuối tiểu học, bố cho Hoà theo học trường Trung Linh và rồi học tiếp bậc thành chung ở trường Hồ Ngọc Cẩn cạnh toà giám mục ở Bùi Chu. Chú Hoà học ở trường nào thì bố mẹ của An cũng muốn con mình theo học cùng trường với chú để chú kèm cặp. Chú học lớp trên, cháu học lớp dưới. Học ở bậc thành chung, tháng nào Hoà cũng được vinh danh, ghi tên trong tấm bảng danh dự treo trên tường cạnh góc bảng đen. Định lý, định luật của môn học Toán, Lý, Hoá, Hoà đọc không sai sót một chữ. Học trò trường Trung Linh và Hồ Ngọc Cẩn biết danh trò Hoà bởi thầy hiệu trưởng nêu tên Hoà - tấm gương trò giỏi siêng năng. Nữ sinh trong lớp ở tuổi dậy thì, mái tóc dài mượt mà, ánh mắt trong trẻo ngưỡng mộ những chàng trai giỏi giang. Hoà lọt vào tầm nhìn tự nhiên mà kín đáo, khéo léo đưa duyên mà dịu dàng đáng yêu. Hoà còn nhớ cô gái ấy, cặp mắt đen huyền, gương mặt trái xoan, mái tóc thoảng hương bưởi, bao lần đứng xếp hàng vào lớp, cố ý đứng sát bên Hoà với ánh mắt lúng liếng đưa duyên. Anh khéo léo nhích xa một chút như kẻ tự nhiên vô tình. Tình yêu lúc này còn là vùng cấm địa mà Hoà không muốn thâm nhập, anh có ý thức về bổn phận của mình là cắp sách đến trường học tập, chưa phải lúc để thương để nhớ. Việc học như được đến với chân trời cùng bao điều mới lạ, được cập bến này rồi bến khác, khơi dậy những hoài bão, chiếm ngự toàn bộ tâm trí của Hoà. Muốn nuốt lời giảng của thầy vào bụng, Hoà đến với những trang sách chứa đựng kiến thức. Môn Toán, Lý, Hoá với Hoà như thách đố như mời chào vẫy gọi, nó trở thành niềm đam mê. Học tập trở thành tình yêu và niềm vui đối với ai có ý chí và năng lực. Thế giới học đường với những trang sách mở là nguồn dinh dưỡng nuôi những khát vọng vươn tới những thành tựu dưới mái trường.
Con đường cái quan từ làng Xuân Giao qua Trung Linh nối liền với Bùi Chu. Ngày hai buổi chú cháu Hoà cuốc bộ đến trường phải qua những ụ hố chằng chịt, ngoằn ngoèo. Mùa đông nón lá áo tơi để chống lại gió bấc mưa phùn. Mùa hè, đôi bàn chân bỏng rát vì đá dăm và đường nhựa, cuối năm học mới có được đôi săng đan cao su. Học trò miền quê đồng bằng Bắc Bộ lúc này phải đối mặt, đương đầu với súng đạn, pháo kích như cơm bữa cùng những trận càn quét của giặc Pháp vào làng. Có lần bất chợt gặp lính Tây đen, Tây trắng giầy đinh lộp cộp, súng dài trong tay, hành quân tiến vào làng xóm. Gặp học sinh trung học trên đường chúng bắt đứng lại rồi lục soát, ngờ có lựu đạn hoặc truyền đơn của Việt Minh. Sách, bút lọ mực rơi tung toé trên mặt đường. Học trò biết tiếng Pháp, giải thích mạch lạc, chúng xoắn tai, đá đít rồi cho đi. Lần khác, thằng Tây trắng vớ lục soát một nữ sinh. Nó giật phăng cặp sách quăng bên vệ đường. Đôi bàn tay lông lá của nó chộp lấy ngực nắn bóp rồi bạo dạn sờ mó cơ thể nữ sinh. Nó vừa hôn vừa cắn, miệng phả ra làn hơi khen khét, hôi hôi của mùi thuốc lá rẻ tiền. Hoảng sợ quá, nữ sinh mặt tái bợt bạt như không còn một giọt máu, lưỡi líu lại, miệng không cất nổi tiếng kêu cứu. Thằng Tây ôm xiết cô gái, hôn lấy hôn để, lũ lính cùng đồng đội cười hô hố, chúng nhìn cô bằng cặp mắt xanh lét ánh lên vẻ thèm muốn. Trong tích tắc, ngực áo nữ sinh bị xé toạc, lộ làn da trắng ngần, phô cặp vú mới nhú. Nữ sinh bất chợt thét to. Thật may mắn, tình cờ từ luỹ tre xa vọng đến tiếng nổ đẹt đùng nghe chat chúa, có lẽ là tiếng súng của du kích trong làng khởi đầu cuộc chống càn. Và nữa, giữa đường cái quan, không một bụi tre, không một mái lều trợ giúp cho lũ lính giở trò dâm dục.Trong tình huống thuận lợi ấy, Hoà và An bảo nhau tiến đến. Với vốn tiếng Pháp học dưới mái trường đủ để giao lưu, cả hai nối lời xin buông tha nữ sinh. Buộc lòng phải rời nữ sinh, nó xổ ra một mớ những lời chửi tục “Mẹc xà lù”, “Cu sông”, “Lơ siêng” rồi đá Hoà và An quay lơ bên vệ đường. Nữ sinh ấy tên là Thương cùng học một lớp với An, người làng Xuân Thành kề bên làng Xuân Giao.
Sau cái ngày ghê sợ ấy, mỗi lần đến trường, Thương lại cắp cặp đứng chờ bên khóm tre nơi khúc rẽ đầu làng Xuân Giao để cùng với Hoà, An đến trường. Cứ chợt nghĩ tới cái lần bị thằng Tây ôm hôn, suýt nữa bị làm nhục, tim Thương lại đập thon thót. Bây giờ thì cô mong được Hoà và An che chở và thầm biết ơn hai người. Những lần đến trường, có khi Thương mang theo vóc chắt nếp rang, củ khoai luộc hoặc vốc cốm đầu mùa ủ trong lá sen tươi lại có lúc bẻ trong vườn nhà mấy quả ổi, quả khế ngọt giành để chia đều cho Hoà và An. Hoà khái tính chưa lần nào chịu nhận phần hơn. Thương sẵn lòng mang giùm chiếc cặp sách cho An nhưng cũng ý tứ đến gần cổng trường là trả lại để tránh những cặp mắt xoi mói, dòm dỏ và những lời đàm tiếu của lũ bạn trong lớp. Cả năm trời, không ai biết, không ai ngờ tình cảm riêng tư kín đáo của Thương giành cho An. Vả lại, ngày ấy, học sinh trung học đến trường là chuyên tâm vào việc học, không mấy ai công khai thổ lộ tình yêu. Yêu đương dưới mái trường như là một nghịch lý, người khe khắt còn cho là dơ dáng, thiếu đứng đắn. Nữ sinh mắc vào vòng yêu đương là lẳng lơ đĩ thoã. Tuổi chớm yêu nhiều xao xuyến nhưng lại dè dặt biểu lộ nhất là đang tuổi đến trường. Tuy vậy, tình yêu có những động thái riêng bởi sự thôi thúc của trái tim. Thương kín đáo buông ánh mắt chất chứa những xao động trong lòng, cứ như thể ánh mắt ấy muốn âu yếm giành riêng cho An. Chiếc cặp của An, Thương ân cần giành lấy như một trách nhiệm và có cả niềm vui để mang đến trường. ÌTnh yêu tuổi học trò là thế. Đã có lần An bất chợt bắt gặp ánh mắt là lạ của Thương, An vô tư chưa hiểu điều gì đã xảy ra nơi ánh mắt ấy. Còn Thương vẻ bẽn lẽn, cặp má bỗng chốc ửng hồng, mí mắt cụp xuống, tim đập thánh thót, rồi ngay sau đó cặp mắt lại vô tình ngước nhìn trìu mến. Gương mặt chữ điền, sống mũi thẳng, cánh mũi rộng, cặp lông mày chỉ hơi xếch, đôi khi nhíu lại của An làm Thương ưa nhìn, ưa ngắm hơn bất cứ ai.
An vẫn nhớ ghi lời mẹ dặn: con mới chỉ được xếp thứ năm thứ mười trong lớp, thua xa chú Hoà, bao giờ vượt lên xếp thứ nhất thứ nhì trong lớp thể nào mẹ cũng mua cho chiếc cặp sách mới và cho theo mẹ lên thành phố Nam Định chơi một lần. Nam Định hấp dẫn vô cùng đối với trẻ vùng quê An. An được nghe đứa bạn cùng lớp kể chuyện mình được theo cha mẹ lên Nam Định chơi: Nơi ấy phố phường tấp nập, nhà cửa san sát hai bên mặt đường, toàn nhà ngói, nhiều nhà hai tầng, ba tầng…Ban đêm, đèn điện như sao xa. Chao ôi! Cửa hàng cửa hiệu bao nhiêu là hàng hóa, bánh kẹo. Phở nghi ngút khói, thơm lừng, ngon ơi là ngon. Lạ nhất là que kem ngọt lịm mà lạnh tê đầu lưỡi, ngùn ngụt khói. Đúng là như thế. Mẹ An cũng kể như vậy. Tháng, một hai lần bà vẫn cuốc bộ từ gà gáy tinh mơ, đi vài chục cây số đến thành phố cất hàng tạp hoá, từ cái kim, cuộn chỉ đến khăn mặt, bút, vở, đường, dầu hoả về bán ở làng Xuân Giao.
Được mẹ khích lệ, lại được chú Hoà kèm cặp môn Toán, Lý, chỉ trong vòng ba tháng An trở thành học sinh khá về môn Toán. Như một quy luật dưới mái trường, trò càng học khá, càng chăm học. Với An, học bài làm bài giờ đây đã trở thành niềm vui.
Cũng bởi An sẵn lòng cởi mở nên Thương và nhiều bạn bè trong lớp không ngại ngần nhờ An gỡ cho những mắc míu ở bài tập này bài tập kia. Trống tan trường, đôi khi Thương vẫn nhờ An nán lại lớp học mươi mười lăm phút để giải những bài toán, bài lý khó. Thương bảo, mình chẳng thích nhờ vả người khác, chỉ muốn nhờ An mà thôi. Giọng nói của cô êm ái đầy cảm xúc với ánh mắt dìu dịu trong trẻo.
Gia đình Thương theo đạo Thiên Chúa, cặp mắt Thương phớt xanh như pha nước biển. Thương đang tuổi trăng tròn, nước da mịn màng, gương mặt trái xoan, đôi môi đậm đỏ mà gọn, cánh mũi xinh xắn như bảo nhau tô điểm cho vẻ đẹp trời cho của nữ sinh duyên dáng. Trên đời này, người xấu cũng có tiếng, người đẹp như bông hoa khoe sắc, bắt mắt người đời. Thanh niên, tuổi trẻ rất hay bình phẩm về con gái có nhan sắc mà họ biết mặt. Dù chẳng được yêu, không phải là người mà mình theo đuổi vậy mà, mấy chàng học sinh đệ tứ, đệ tam học trên Thương một, hai lớp vẫn nhập vai giám khảo, bình phẩm và hạ thang điểm. Họ nhận xét, bình giá từ mái tóc, hàm răng, đôi môi, nụ cười, gương mặt, nước da,…rồi cùng thống nhất, cái Thương lớp đệ lục dung nhan xinh xắn. Cho điểm 8. Dáng vẻ thuỳ mị cho điểm chung cuộc 9. Họ không cho điểm 10. Điểm 10 là điểm hoàn mỹ, lý tưởng, tuyệt đối. Trên đời này chỉ có tương đối là tuyệt đối, hoạ chăng chỉ có Đức Mẹ hoặc hoa hậu là giành được điểm tuyệt đối mà thôi. Một vài chàng trai bạo dạn, buông thả những lời có cánh, mong chiềm được mối thiện cảm của người đẹp nhưung họ chỉ nhận được nụ cười mỉm và làn da bỗng chốc ửng hồng trên gò má của Thương mà thôi. Thương lặng im, không đáp lời.
Những năm 1948-1953, giặc Pháp tăng cường càn quét, cướp phá các thôn làng không theo đạo Thiên Chúa quanh giáo phận Bùi Chu trong đó có làng Xuân Giao. Sát cánh cùng đội quân lê dương Tây đen, Tây trắng là lũ lính Bảo Hoàng (lính nguỵ) người Việt. Từ lúc trời tờ mờ sáng, màn sương giăng mắc khắp mái rạ bờ tre, đại bác, moóc- chi- ê (đạn súng cối) bắt đầu tác oai tác quái. TIếng rít khô sắc như xé màn sương kèm theo tiếng nổ đanh gọn là của đạn moóc- chi – ê, xen kẽ tiếng nổ ùng oàng dữ dội như thét gầm của đại bác làm rung chuyển xóm làng. Đại bác và moóc-chi- ê bắn cấp tập, kéo dài chừng nửa tiếng đồng hồ báo hiệu trận càn quét lớn sắp diễn ra ở làng Xuân Giao.
Rải rác mái nhà trúng đạn pháo, cột kèo mái rạ tan tác, xơ tướp. Những bụi chuối, cây xoan, cây khế bị phạt ngang thân. Bờ ao, sân nhà bị cầy lên. Một góc mái đình trúng đạn bị sạt lở. Đây đó, đầu thôn cuối làng có tiếng than khóc nghe ai oán. Đến khi nghe rõ tiếng súng trường rào rạt ngoài bờ tre, trên mái lá với âm thanh lẹt đẹt, đoàng đoàng đan vào nhau là lúc lính Lê dương và lũ lính Bảo Hoàng đã tràn vào làng.
Du kích không cản nổi cuộc càn quét lớn, có người bị tử trận, lính Lê dương chặt đầu, cắm cọc bêu họ ở đầu làng.
Nhà bị đốt cháy, tiếng lửa đùng đùng, khói cuộn, tro bay. Tiếng xi-la-xi-lô của giặc Tây, lính nguỵ chửi tục gào thét.
Nghe tiếng đạn nổ, chó hốt hoảng cụp đuôi chạy, núp vào bụi tre, khóm chuối. Gà kêu quang quác vì sự rượt bắt của lũ lính, lợn sề và đàn con bị bắn chết ngay tại chuồng. Lợn thịt bị bắt, trói lại, kêu eng éc như bị chọc tiết. Bọn lính Bảo Hoàng bắt dân làng dắt trâu, khiêng lợn về đồn.
Dẫn đầu tụi lính ngụy là thiếu uý người Việt, đồn trưởng Thuỷ Nhai. Hắn đốc thúc lính xộc vào những căn nhà trong làng để vơ vét của cải, thóc gạo. Bọn người nhà của lũ lính thuộc dân làng tề theo chân làm nhiệm vụ khuân vác của cải thu được. Không biết có sự thù hận xa xôi nào chăng? Hay có một thế lực nào dẫn dụ mà những người kia lại nhẫn tâm theo lũ quỷ ác. Đồn trưởng Thuỷ Nhai mắt trợn trừng, ria sâu róm đen nhánh, mặt hầm hầm vẻ dữ dằn, tay cầm súng lục cùng ba tên lính mang súng dài, mặt lạnh lùng như đanh lại, ập vào nhà ông Cành bố thằng Cội.
Từ khi nghe rõ tiếng súng trường đẹt đùng nối nhau, kinh nghiệm mach bảo bọn lính đang tiến vào thôn xóm. Mặt tái mét, quần xắn ống cao ống thấp. ông Cành cùng vơí vợ lật đật, run rẩy mang chiếc nồi đồng dìm xuống ao. Hai vợ chồng khiêng mấy thúng thóc, hổn hển thở, vùi thóc dưới đống rạ. Sau đó, ông hộc tốc ra chuồng gà, trói nghiến chúng lại đem giấu trong bụi dong riềng um tùm. Ông cầu trời, sao cho của cải nhà mình không lọt vào tay lũ giặc tham lam cướp bóc.
Chợt nghĩ tới con trâu trong chuồng, tim ông Cành đập hoảng loạn, mặt càng tái dại, cặp mắt trô trố của ông như mất hết thần sắc. Con trâu nó lại chẳng bé như cây kim sợi chỉ, không rẻ như mớ tôm mớ tép. Trâu kia mà bị mất vào tay lũ lính thì đau hơn hoạn, uất chết đi được. ông nghĩ thế rồi lắc đầu, thổi phù một làn hơi dài buồn bã. Chính vào cái thời điểm hoang mang tột đỉnh, như kẻ mộng du, ong ong, u u trong đầu, chợt óc ông bừng tỉnh cùng mưu mẹo khôn ngoan. Phải. Phải lắm, đàn gá nhà ông sẽ là vật hiến tế cho “quỷ dữ” để cứu mạng trâu, dù rằng mất đi đàn gà cũng tiếc đứt ruột. ông nói mưu chước khôn ngoan ấy với bà vợ. Bà vợ gật gù khen giỏi. Ông Cành bước xấp bước ngửa ra bụi dong riềng mang năm con gà đã buộc chân, xách chúng về đặt ngay trước cửa nhà.
Thiếu uý đồn trưởng Thuỷ Nhai còn trẻ, bộ ria mép đen nhánh như vệt nhựa đường, mắt to nhiều lòng trắng, lông mày xếch, kém ông Cành trên chục tuổi. Lăm lăm khẩu súng lục ánh lên màu nước thép, đạn đã lên nòng, đồn trưởng nghiêm sắc mặt, lạnh lùng hất hàm, hỏi trống không vẻ hách dịch của kẻ có uy quyền.
- Gia chủ là ai?
Ông Cành cúi lom khôm trước cửa, mau lẹ thụp lậy như tế sao. Mặt lấm lét nhìn đồn trưởng, giọng run run, nhũn nhặn:
- Thưa quan lớn, vợ chồng chúng con đây ạ
- Nhà có mấy người?
Thằng Cội và em nó mặt tái mét, từ trong nhà ló mặt ra cửa. Ông Cành đưa mắt nhìn hai con, vội vã lên tiếng:
- Dạ! Nhà con cả thẩy có bốn người. Hai thằng bé kia là con.
Đưa mắt nhìn lướt qua hai đứa bé rồi xéo mắt tập trung nhìn mấy con gà đã lớn, lông mượt, mào đỏ chót, đồn trưởng Thuỷ Nhai nghiêm nét mặt, dằn giọng:
- Mầy con gà này dành để tiếp tế cho du kích Việt Minh chứ gì?
Hoảng sợ quá, vợ chồng ông Cành cũng quỳ xuống, không ngừng vái lậy, lưỡi líu lại, nói líu ríu:
- Chúng con không dám thế, không dám thế - ông vân vi giãi bày:
- Chúng con biết quan lớn khó nhọc đến đây. Nhà chăn thả được đàn gà, chọn mấy con béo tốt: gà trống thiến, gà mái tơ, giành để biếu quan lớn – ông Cành sờ nắn ức và lườn của mấy con gà rồi tiếp tục bày tỏ, gà béo lắm, thịt ngon phải biết quan lớn ạ.
Mấy con gà đột nhiên kêu oang oác, vỗ cánh phành phạch như phụ hoạ cho lời nói của ông Cành. Viên thiếu uý chẳng muốn nghe thêm lời dông dài, hắn lạnh lùng xẵng giọng:
- Biết rồi, khổ lắm - hắn quay sang ra lệnh cho lính:
- Chúng mày mang gà về đồn – viên thiếu uý ậm ọe hắng giọng, hất hàm về phía ông Cành:
- Ông phải tức khắc bắt ngay mấy con gà khác, về đây làm thịt cho các quan.
Ông Cành nở nụ cười héo hắt, quay sang bảo vợ rút rơm nhóm bếp. Bà Cành lập cập thổi lửa phù phù, tay run run đặt nồi nước chuẩn bị cho việc làm lông và luộc gà. Ông Cành tất bật bước chân, lật đặt bước mau về phía cuối vườn, chui sâu vào bụi dong riềng lôi ra ba con gà mái ghẹ đã buộc chân, lẩm bẩm rủa thầm: “Quân đốn mạt”. Nhưng rồi ông mỉm cười, nghĩ rằng mưu sâu của mình đang thành tựu, miệng lẩm bẩm: “ Thả con săn sắt, bắt con cá rô… đổi gà lấy trâu, trên đời này mấy ai có được mưu chước khôn khéo như thằng Cành”. Chỉ mươi phút gà đã được cắt tiết, làm lòng. Lửa rơm cháy đùng đùng, ba con gà đã luộc chín, da gà bóng nhẫy, vàng ươm, mùi thịt gà thơm phưng phức khiến lũ lính và anh em thằng Cội thi nhau nuốt nước miếng. Ông Cành tất tưởi chui vào bếp, lấy đĩa muối rồi hối hả bước ra vườn vặt quả chanh cốm cùng nắm lá chanh. Thịt gà luộc được chặt thành miếng to, viên thiếu uý và lũ lính nhồm nhoàm nhai, nuốt, không ngớt miệng khen thịt gà ngon, gia chủ tốt bụng. Được lời khen, vợ chồng ông Cành vui hớn hở như mở cờ trong bụng. Anh em thằng Cội dán mắt vào những miếng thịt gà mà tụi lính đang ăn ngấu nghiến. Thèm quá, nước miếng tứa ra nhưng nó biết mình không có phần. Trẻ con ở vùng quê có bao giờ được thoả thuê ngoạm những miếng thịt gà béo ngậy, to tướng như bọn lính kia đâu? Mười ba, mười bốn tuổi, chưa phải là người lớn nhưng cũng không phải là quá bé. Cội mơ hồ khao khát, sẽ có một ngày nó được ăn nhiều, ăn thoả thích thịt gà. Nó có quyền được ăn, không ai cấm đoán như mấy thằng lính kia.
Đồn trưởng Thuỷ Nhai, cầm trong tay chiếc đùi gà luộc còn ấm nóng, hắn chầm vào đĩa muối chanh, hàm răng khoẻ khoắn ngoạm một miếng rõ to rồi đứng dậy, cầm theo miếng đùi gà bước về phía chuồng trâu. Vợ chồng ông Cành tim đập thon thót, vẻ mặt căng thẳng, trĩu nặng lo âu. Đôi mắt ông Cành dõi theo từng bước đi của đồn trưởng. Viên thiếu uý ngó nhìn con trâu mập mạp đang bình thản cọ đôi sừng cong đen nhánh vào thành chuồng, vẫy đuôi xua muỗi. Hắn gật gù mái đầu. Trong giây lát, loé lên trong suy nghĩ, một dự định đã thành hình. Thiếu uý nhếch mép cười mỉm.
Quay bước rời chuồng trâu, trở lại bên mâm thịt gà, hắn hạ giọng như tâm tình với ông Cành:
- Con trâu của nhà ông có giá lắm.
- Dạ
- Trâu mộng to, khoẻ, vợ chồng ông giỏi chăm sóc quá. Vào vụ cày bừa không có nó thì…
- Viên thiếu uý buông lửng câu nó, ông Cành tiếp lời:
- Sắp vào vụ cày bừa, không có nó thì vất vả lắm, khốn nạn vì không có trâu cày, lỡ cả thời vụ.
- Thiếu uý tỏ ra hiểu giá trị của con trâu đối với nhà nông, hắn gật gù:
- Con trâu là bạn của nhà nông. Trâu là nhất, mất nó thì tiếc đứt ruột.
Hai chữ “mất nó” phát ra từ miệng thiếu uý làm ông Cành giật mình e ngại. Bây giờ thì giọng ông Cành lộ rõ sự khúm núm thay cho van lạy với dụng ý cầu xin. Ông tán dương viên đồn trưởng:
- Quan lớn nói chỉ có đúng, chẳng sai vào đâu được. Phải lắm! Con trâu là đầu cơ nghiệp. Nhà nông chúng con quý trâu hơn vàng. Nó là cánh tay phải của mình, sống chết cũng cố mà giữ lấy trâu để…
- Viên đồn trưởng buông lời mơn trớn, thăm dò:
- Tôi thấy ông là người tử tế, thiện chí với quân đội Bảo Hoàng, thật đáng khen - Thiếu uý chậm rãi, có lẽ rồi đây ông vẫn thiện chí với chúng tôi chứ? Hắn xoay xoay khẩu súng lục trong lòng bàn tay, tung nhẹ, khẩu súng quay tròn trên không trung nửa khoe uy lực của sung đạn nửa đe dọa rồi bắt lấy như một diễn viên xiếc tung hứng, vẻ suy nghĩ rồi hạ giọng: ông hợp tác với tôi chẳng sợ thua thiệt đâu!
Ông Cành nhoẻn miệng cười xun xoe, luôn miệng:
- Dạ! Dạ! Vâng! Quý hoá quá, được giao hảo với quan lớn là phúc đức cho con.
Viên thiếu uý đồn trưởng chòng chọc nhìn xoáy vào mắt trô trố của ông Cành, thầm nghĩ, thằng cha này dùng được.
Ngừng lại một hồi rõ lâu, đồn trưởng bất ngờ nghiêm giọng:
- Lát nữa có lệnh của quan Tây, chúng tôi rút quân. Ông phải dắt con trâu kia về đồn Thuỷ Nhai. Tôi sẽ nói chuyện dài dài với ông sau.
Mệnh lệnh của đồn trưởng thật bất ngờ, ngoài dự kiến của ông Cành, làm ông phát hoảng. Vợ chồng ông cùng quỳ trước mặt đồn trưởng, chắp tay sụp lậy không ngớt, ông dãi bầy, van xin:
- Chúng con không phải là người chống đối quan trên. Xin quan lớn rộng lòng thương, đừng bắt trâu nhà con, tội nghiệp lắm. Ơn trời biển này, con xin ghi lòng tạc dạ.
Viên đồn trưởng đanh mặt, đôi lông mày xếch như lưỡi gươm tăng thêm vẻ dữ dằn, hắn nghiêm giọng:
- Cứ mang về đồn rồi xét sau. Không nhiều lời, mất thời gian. Nhà nào dính líu đền du kích thì bắn giết bằng hết, cả người, cả trâu, nhất định không bỏ sót.
Uất ức quá như thể bỗng chốc bị vu oan, ông Cành nước mắt giàn giụa:
- Bọn du kích rồ dại chống lại các quan, chúng như trứng chọi đá. Con không phải là hạng người tối mắt tối mũi mà theo chúng. Xin quan lớn như đèn trời soi xét cho…
Bông có tiếng súng nổ dồn dập trong làng như cắt ngang lời ông Cành. Viên đồn trưởng cũng giương cao nòng súng, bóp cò, bắn nối theo, chẳng cần ngắm vào mục tiêu nào. Súng bắn dồn dập như phủ đầu, tín hiệu của việc bắt đầu cuộc rút quân. Đồn trưởng vẫy khẩu súng lục trong tay ra lệnh cho lũ lính rút quân rồi chĩa nòng súng về phía ông Cành nói:
- Dắt trâu theo tôi ngay, không được một phút chậm trễ, kẻo bỏ mạng, nghe chưa!
…Bao nhiêu chuyện vừa diễn ra trong cuộc càn quét của giặc vào Xuân Giao. Bà lão trong làng được chứng kiến cảnh thương tâm, vừa kể chuyện, bà ngậm ngùi, nước mắt ứa ra: chuyện nghe tiếng đạn đại bác, tiếng moóc- chi- ê nổ dồn dập, thanh niên trai tráng trong làng nhanh chân chạy dạt sang làng bên cạnh ngoài vòng càn quét. Kẻ chậm chân không kịp trốn chạy thì chỉ còn một con đường chờ sẵn, ấy là con đường chết. Họ trở thành tấm bia sống cho những nòng súng sẵn sàng khạc lửa đạn gieo chết chóc. Chuyện anh Câm tai điếc trong làng Xuân Giao. Từ buổi lọt lòng mẹ, anh đã mang tật bẩm sinh vừa câm vừa điếc. Không nói được thì huơ chân huơ tay, miệng nhoẻn cười, ú a ú ớ. Anh không hề biết lũ giặc đã tràn vào thôn xóm. Lính Tây sau lưng anh, chúng lăm lăm khẩu súng trong tay, quát to ra lệnh, thằng kia, đứng lại, giơ tay lên - mệnh lệnh bằng tiếng Pháp. Sự câm điếc đã phản bội anh, không cho anh có cơ hội để nghe mệnh lệnh của tử thần đang gõ cửa. Anh vẫn bước, súng nổ giòn, đạn găm vào đầu vào lưng. Anh Câm ngã vật, nằm trên vũng máu, mắt mở trừng trừng, ngơ ngác như đang muốn hỏi, mình vì sao phải chết, chết vì cớ gì?
Và nữa, cánh quân Tây đen, Tây trắng sau khi đã đốt cháy rụi mấy mái nhà rạ xơ xác của dân làng, chúng tràn vào nhà ông Chánh Huyện. Nhà hai tầng, xây năm 1940, từ cái ngày ông Hào còn đương chức, là người giầu có bậc nhất trong làng, sản nghiệp có đến vài chục mẫu tư điền. Viên sĩ quan trung uý, quan hai da trắng người Pháp, đeo lon hai vạch vàng, chỉ huy trưởng cuộc càn quét. Cặp mắt y xanh lét, râu quai nón màu râu ngô, lăm lăm khẩu súng ngắn ánh màu thép. Đảo mắt nhìn toà nhà hai tầng, kề bên là dãy nhà ngói năm gian trong khuôn viên rộng, có sân gạch tường hoa bao quanh và cổng gỗ lim to bản, nặng trình trịch. Mấy cây mít góc sân, xanh dầy tán lá, thân cánh bám chi chit những quả non mới nhú. Nó hiểu, đây là cơ ngơi của nhà giàu. Viên trung uý xổ ra một tràng tiếng Pháp để hạ mệnh lệnh. Lũ lính lê dương súng trong tay, mau lẹ xộc vào căn nhà hai tầng và dãy nhà ngói để lục soát. Không có người nào ẩn nấp trong nhà. Bà Chánh Huyện và đàn con sợ hãi ngồi túm tụm bên nhau ngoài cửa. Âu lo hiện trên nét mặt, mấy sợi tóc bạc lất phất trước mặt cùng với những nếp nhăn hằn sâu, làm cho đuôi mắt như thể bị rạn nứt, khiến người ta lầm tưởng người đàn bà này đã ngoài năm mươi tuổi, dù rằng bà Chánh Huyện mới trên bốn mươi. Bởi vậy, những con quỷ Lê dương dâm dục đã không để mắt đến bà. Âu cũng là may mắn. Từ ngày ông Chánh không may lâm bệnh nặng, tiền thuốc thang chạy chữa rất tốn kém. Năm ấy, trời đại hạn, mặt ruộng nứt nẻ, cây lúa héo khô, vàng rụi, thóc lép trắng đồng. Hoàn cảnh ngặt nghèo, hoạ vô đơn chí, bà Chánh Huyện buộc lòng phải cho những mẫu tư điền theo nhau đội nón ra đi. Của cải khánh kiệt, may còn giữ được cái xác nhà.
Thế rồi, chẳng cưỡng lại được mệnh trời, ông Chánh vĩnh biệt ra đi, bỏ lại vợ con. Cảnh nhà càng sa sút. Bà Chánh goá chồng, ở vậy nuôi đàn con dại, phải thường xuyên đối diện với bom đạn của giặc Pháp càn quét xóm làng. Bởi vậy, gương mặt bầu bầu của bà quanh năm rầu rầu, ánh mắt buồn bã sầu muộn như không bao giờ còn muốn nở nụ cười trước cuộc đời.
Viên sĩ quan Pháp hất hàm, hỏi bằng tiếng Pháp:
- Ông chủ nhà này làm gì? Có ở nhà không?
- May mắn quá, Hoà đủ vốn từ tiếng Pháp để hiểu thằng Tây kia nói điều gì. Anh trả lời lưu loát:
- Cha tôi trước năm 1945 làm Chánh Huyện. Chẳng may ông lâm bênh hiểm nghèo nên đã qua đời.
Đưa tờ giấy chứng tử cho viên trung uý, anh rơm rớm nước mắt, Hoà không khỏi lo lắng thấp thỏm.
Đọc lướt nhanh giấy chứng tử, ngước nhìn tấm ảnh lớn lồng trong khung với mũ áo chỉnh tề của ông Hào, chụp thủa còn đương chức đương quyền, treo chính giữa gian nhà, nó như xác minh cho điều Hoà nói. Viên sĩ quan Pháp chừng như biết rằng gia đình này không phải là thân nhân của du kích. Bây giờ thì hắn nhìn Hoà chằm chặp, vẻ ngạc nhiên. Không thể ngờ một thằng bé Việt Nam ở chốn thôn quê lại nói trôi chảy tiếng mẹ đẻ của hắn. Đôi mắt xanh lét của hắn dịu lại, như pha màu nước biển. Dắt khẩu súng ngắn vào bao, nó xoa đầu Hoà, nở nụ cười thân thiện rồi móc túi cho Hoà chiếc kẹo. Hoà nhoẻn miệng cười, nói lời cảm ơn bằng tiếng Pháp đúng ngữ điệu “méc-xi”. Viên sĩ quan hỏi:
- Mày học lớp mấy?
- Thưa ngài, tôi học lớp đệ tam trường Hồ Ngọc Cẩn.
Hồ Ngọc Cẩn là trường học lớn ở Bùi Chu, một số sĩ quan Pháp đóng quân ở Nam Định biết trường trung học này bởi lúc bấy giờ trường trung học có rất ít ở các tỉnh thành. Viên sĩ quan Pháp gật gật mái đầu tóc xoăn xoăn:
- Tao có nghe tên trường học này.
Ánh mắt nó thoảng buồn nhìn xa xăm. Dòng chảy ký ức cuốn theo những kỷ niệm gia đình vợ con, đang trôi ngược về nước Pháp và ngưng tụ ở mái ấm gia đình mà nó có thằng con trai đang đi học. Viên trung uý giọng buồn buồn:
- Tao có đứa con bé hơn mày, nó cũng đang cắp sách tới trường.
Thế rồi, nó nhún vai, giải thích về trận càn quét- Chúng tao đến cái làng của mày để tìm diệt du kích Việt Minh. Muốn diệt Việt Minh thì phải huỷ diệt làng mạc, nhà cửa của tụi du kích và lẽ đương nhiên phát hiện ra du kích thì tiêu diệt. Chiến tranh là thế, mày hiểu chứ?
Hoà buộc lòng phải gật đầu như thể đồng tình vào lời giải thích của viên võ quan. Cứ phải bắn, phải giết, phải thiêu trụi xóm làng ư?- Hoà nghĩ, xóm làng này là của dân làng, nào phải chỉ là của những du kích. Hoà tự tin đáp lời:
- Những ngôi nhà của dân làng bị thiêu đốt, gia súc, của cải bị cướp đi, họ không phải là du kích. Có sự lầm lẫn nào chăng?
Viên sĩ quan lại nhún vai:
- Ô la la! Chiến tranh, chiến tranh là thế!
Cũng thật là lạ, không hiểu là do có chút thiện cảm với thằng bé nói trôi chảy tiếng Pháp hay vì một lý do nào khác, viên sĩ quan Pháp đã khoát tay, dứt khoát không cho lũ lính dưới quyền được phép châm ngọn lửa đốt nhà bà Chánh Huyện. Bọn lính Lê dương bĩu môi, trố mắt ngạc nhiên. Chúng nói với nhau, chẳng hiểu thằng bé kia đã nói điều gì mà ngăn cản được mệnh lệnh đốt nhà của ông trung uý. Bởi biết tiếng Pháp nên Hoà nghe được điều này, anh vui vui, mỉm cười.
Phải đợi cho lũ lính Lê dương và Bảo Hoàng rút quân khỏi làng, Hoà mới tức tốc chạy sang nhà An. Hoà chứng kiến cái cảnh: căn nhà gỗ năm gian đã cháy thành tro bụi. Tro tàn phủ dầy thành lớp trên sân gạch. Cột kèo bằng gỗ chảy thành than vẫn còn nghi ngút khói, nền nhà hừng hực nóng. Gió thổi mạnh cuốn tro tàn ra cổng, rải đầy trước ngõ. Cây mít, cây chanh, cây khế, trồng gần nhà vì lửa nóng táp đến, lá quăn lại, khô cong queo như vỏ đỗ.
Bếp làm bằng tre pheo, nứa lá nên ngọn lửa tàn nhanh hơn. Mấy đứa em trai của An giờ này đang lúi húi cời đống tro tàn còn nóng, mong tìm thấy những vật dụng còn sót lại trên nền bếp. Bởi khóc nhiều nước mắt tràn ra gặp tro than, dính vào làm cho gương mặt đứa nào cũng loang lổ màu đen nhẻm.
Nhìn lũ cháu nhỏ, Hoà động lòng, nước mắt ứa ra từ lúc nào, anh hỏi An:
- Mẹ cháu đâu?
An sụt sịt, quệt nước mắt:
- Mẹ cháu đi cất hàng trên tỉnh, hai ngày nay vắng nhà.
- Các cháu có giấu có chạy được thứ gì trước khi tụi lính đốt nhà không?
- Không giấu được là bao bởi em cháu còn bé, mình cháu chạy không xuể. Chỉ mới kịp vội vã liệng cái mâm đồng, cái nồi và mấy chiếc bát đĩa xuống ao là lũ lính Bảo Hoàng đã ập vào nhà. Chúng quát hỏi chủ nhà, không thấy người lớn, nó sục sạo trong nhà vơ luôn quần áo. Làm gì có của nả mà kiếm chác, chỉ có mấy thùng thóc, thúng gạo nó khuân đi bằng sạch. Rồi, chẳng cần hỏi han thêm nữa, ra chuồng trâu, nó mở chuông, dắt trâu đi. Sau đó, sẵn mồi lửa trong tay, chúng đốt nhà ngay lập tức.
Chú Hoà lắng nghe rồi than thở, giọng não nề như giọng người lớn tuổi:
- Khổ thân các cháu.
An lại kể, đôi lông mày nhíu lại:
- Nhà cháy, lửa đùng đùng bốc cao theo ngọn gió, cháu liều chết, chạy ào vào trong nhà, vơ vội vơ vàng được vài cái quần áo của các em mà tụi lính bỏ lại và cái cặp sách.
Nhìn cảnh căn nhà đã cháy thành than, gương mặt nhem nhuốc tro bụi của các cháu rồi liếc nhìn cặp sách của An, vẻ mặt Hoà đăm chiêu, tư lự. An còn tiếp tục đến lớp ư? Từ nay nó không còn mái nhà nương thân, đàn em thì nhỏ dại, liệu mẹ nó có còn đủ sức cho con đến trường không? Khổ thân anh em chúng nó. Hoà chợt nghĩ tới bố chúng nó. Anh Lễ theo kháng chiến, nghe nói bị ngã nước, ốm đau liên miên phải tìm đường ra thành thị chạy chữa rồi xin làm ký lục ở công sở, chịu tiếng “dinh-tê” về với địch. Giờ này chẳng có tin tức gì và cũng không biết ở nơi đâu, bặt vô âm tín.
Còn mẹ An? Bà đảm đang chịu đựng, tần tảo nuôi con. Cả cái gia đình năm miệng ăn trông vào bà. Con dâu nhà ông Chánh Huyện chẳng mấy ai vất vả sớm khuya, chịu thương chịu khó như mẹ An. Qua vụ gặt hái đến ngày nông nhàn, cũng bởi gánh nặng con cái phải vất vả mưu sinh, bà lặn lội lên tỉnh cất hang về bán ở cái làng Xuân Giao này để kiếm tiền cho con ăn học. Nhờ thế, nhà có đồng ra đồng vào, An được cắp sách đến trường. Mẹ An không than thở về nỗi vất vả nuôi con, cũng không than thở về nỗi một thân một mình lo toan mọi việc. Tuy nhiên, bà không thể không buồn, bởi vậy rất ít khi An được chứng kiến mẹ vui. Nụ cười của mẹ thật hiếm hoi. Những người nặng nề tâm trạng thường ít nói ít cười, như người trầm cảm, giấu giếm cả giọt nước mắt. Khi có được niềm vui hiếm hoi thì tiếng cười của mẹ An cũng không rổn rảng. Sau này phải xa mẹ, di cư vào Nam, bao giờ lòng An cũng trĩu nặng nỗi niềm biết ơn, thương mẹ. Mỗi khi nhớ đến mẹ thì ám ảnh nhất lại là nụ cười buồn hiếm có của bà.
An vẫn nhớ chuyện mới xảy ra cách đây dăm ngày. Ông Húc chỉ huy du kích xã, dáng người thâm thấp, vậm vạp, môi dầy, lông mày đậm, tiếng nói oang oang đến nhà gặp mẹ An. Ông mang theo khẩu súng trường trung chính, tựa súng trước cửa như muốn khẳng định uy quyền của vị chỉ huy. Mắt ông nhìn xoáy vào mắt người tiếp chuyện, giọng ông gay gắt giáng đòn phủ đầu:
- Chúng tôi biết, bà vẫn thường xuyên lên tỉnh thuộc vùng kiểm soát của giặc Pháp mua hàng của chúng về đây bán kiếm lời, như thế là tiếp tay cho địch đấy.
Không thể nhẫn chịu người ta ghép cho mình vào tội trạng “tiếp tay cho địch”. Tiếp tay cho địch nhục nhã lắm. Mẹ An nhìn thẳng vào đôi mắt nghiêm lạnh, ráo hoảnh của ông Húc rồi đốp chát trả miếng:
- Ông Húc ạ, đừng có vu oan giá hoạ như thế. Miệng gần lỗ tai, ông nói cho lỗ tai ông nghe. Ông thừa biết, tôi một nách bốn con dại, phải tần tảo nuôi chúng. Việc phải đi cất hàng trên tỉnh về bán để kiếm ra đồng tiền nuôi con sao lại nỡ nói liều là tiếp tay cho địch. Nói như thế là phải tội với trời - Vẫn với giọng phẫn nộ, mẹ An không buông tha – Tôi xin hỏi ông, vợ ông mua bóng đèn, cuộn chỉ của tôi đấy, như thế có là tiếp tay cho địch không? Tiếp tay cho địch là Việt gian à?
Như thể một võ sĩ vừa ra đòn đã lập tức bị đối phương phản đòn quyết liệt. Ông Húc núng thế, biết mình nỡ lời, đang phải đối diện với người đàn bà chẳng vừa, không dễ đe doạ, có phần đáo để. Ánh mắt ông bớt phần nghiêm lạnh, ông Húc hạ giọng xoa dịu:
- Tôi không dám nói bà là Việt gian nhưng khuyên bà điều này, vào vùng địch nguy hiểm lắm.
- Ông nói thế còn nghe được. Thế nhưng, nguy hiểm tôi cũng phải chịu, chẳng nỡ để con tôi không có miếng ăn, không được học hành. Ai bố thí cho con tôi nào?
Ông Húc có phần nói đúng, vào vùng địch kiểm sóat không ít khó khăn nguy hiểm. Lên tỉnh mua hàng, bọn nhà đoan đánh thuế. Chúng chặn lại, nghi mẹ An là phần tử mua hàng về tiếp tế cho du kích Việt Minh, có lần bị tống giam một vài ngày. Bà phải nhờ người họ hàng có mối quen biết xin cho cái giấy phép hành nghề buôn bán vặt. Thời buổi loạn lạc này. kiếm kế sinh nhai khó cả đôi đường. Đường mua phải chịu thuế má nặng nề thăn chặn. Đường bán bị ngăn chặn đe doạ. Có ai cảm thông cho người phụ nữ phải nhọc nhằn một nắng hai sương, tần tảo nuôi con. Lúc này, mẹ An và cả An nữa thấy lờ mớ trước mắt mình những hàng rào vô hình muốn ngăn chặn cuộc sống sinh nhai đầy khó khăn. An không thể hiểu nổi, vì sao mua cây kim, sợi chỉ, thếp giấy, lọ mực về bán lại là tiếp tay cho địch. An biết mẹ mình không bao giờ là Việt gian. An hiểu rằng, nhờ mẹ mua hàng về bán kiếm lời nên anh có tiền mua sách bút. Đôi lông mày xếch của anh nhíu lại, suy nghĩ của An được đẩy tới mang nặng nỗi bất bình oán trách việc gán cho mẹ cái việc tày đình nhơ nhớp “ tiếp tay cho địch” của ông Húc.
Chiều muộn, mẹ An gánh hàng về, mồ hôi nhễ nhại, ướt đầm lưng áo. Vừa bước chân đến đầu làng đã có người cho hay làng bị giặc càn quét, nhà bà bị đốt thành tro và rằng ông này, bà nọ… đã bị lũ giặc bắn chết. Cái tin dữ dội ấy như sét đánh khiến bà bàng hoàng, mặt tái mét, đôi chân bủn rủn như muốn sụm xuống. Mẹ An vẫn cố quẩy gánh hàng mau bước về nhà.
An cùng ba đứa em trai ngồi ở cổng mong ngóng nhìn về hướng đầu làng mong mẹ về. Trông thấy đàn con đủ cả bốn đứa chạy đến đón mẹ, bà mừng mừng tủi tủi, nước mắt trào ra. Các con oà khóc, tranh nhau nói với mẹ: “ Nhà ta cháy mất rồi! Trâu bị bắt rồi!” “ Mẹ ơi! Đêm nay ngủ ở đâu? ”. Thằng Chu nũng nịu, mếu máo: “Con đói”. Bà bảo các con: “ Mẹ biết, mẹ biết cả rồi, các con đừng khóc nữa.”
Nhìn đống tro tàn, thỉnh thoảng có làn giáo cuón theo làn tro bụi bay lả tả, mẹ An không cầm được nước mắt. Bà khóc nhưng không thành tiếng, không vật vã, không kêu gào thảm thiết. Lau khô dòng nước mắt hoen trên hai gò má, bây giờ thì cắn chặt hai hàm răng, nước mắt bà ráo hoảnh, gương mặt bà lộ rõ sự lo âu căng thẳng nhưng không nhăn nhó, lòng bà rối bời. Bà giục An chia gói kẹo bột cùng mấy tấm bánh tẻ cho các em rồi sang nhà chú Hoà vay mấy bơ gạo để nấu cơm. Bà ngồi lặng yên ôm thằng Chu vào lòng.
Trăng bắt đầu ló, khi ẩn khi hiện trong mây mờ.Ánh sang mờ tỏ soi chiếu xuống nền nhà chất đầy tro tàn. Ánh trăng nhuộm màu đen đúa, nhợt nhạt. Dòng suy nghĩ của mẹ An bắt đầu cuồn cuộn không thôi. Những phân vân, lo âu thi nhau ập đến. Ngày mai và rồi sau này sẽ sống ra sao,bà thở dài. Tối hôm nay sang ngủ nhờ bên nhà bà Chánh. Tạm thời năm bữa nửa tháng thì được nhưng ở nhờ mãi sao đành! Mẹ An lặng lẽ trầm ngâm… Còn việc nuôi nấng đàn con, cho chúng có bữa ăn để sống lại càng nan giải. Đang độ tháng ba ngày tám, thóc cao gạo kém. Lúa bây giờ chỉ mới trổ đòng đòng, vài tháng nữa mới có hạt thóc, hạt gạo thu hoạch…Hay là thuê mướn người ta dựng tạm túp lều mái rạ.
Bỗng nghe văng vẳng từ xa tiếng khóc ai oán của thân nhân những người vừa bị giặc giết trong trận càn làng của giặc, mẹ An lắc đầu thở dài.