Dịch giả: Huy Tưởng
Chương 21
TRỞ VỀ VỚI NHỮNG CÂY LỰU

Tờ Atlantic Monthly đã nhận và cho đăng một truyện ngắn của tôi, tựa là Những Cây Lựu, truyện mà trước đó đã bị loại bởi 17 tờ báo khác, trong loạt viết về gia đình Garoghlanian ở Fresno, lấy tên chung: Tên Tôi là Aram, sau đó được nhà Harcourt, Brace in thành sách vào năm 1938, và lập tức được chọn là sách hay trong tháng, nhờ vậy mà tôi cũng kiếm thêm được kha khá. Nơi lần đầu tiên nhìn thấy những cây lựu mọc tràn trên mặt đất có một ý nghĩa rất lớn đối với tôi, nên vào một năm nọ, tôi đưa thằng Aram con tôi đến đó, lúc ấy nó còn bé xíu, và truyện này viết về thời kỳ ấy. Tôi không bao giờ quên được những cây lựu có hoa đỏ lập loè, nên lúc nào có dịp về Fresno tôi đều phải ghé lại nơi đó, bởi tôi thực sự nhớ tiếc một loại cây xinh đẹp không còn mọc ở nơi cố quận ấy nữa.
 
Có những cuộc du hành mà chúng ta đi rồi lại đi nữa, giống như những sách chúng ta đọc, hoặc như âm nhạc chúng ta nghe, những khuôn mặt chúng ta gặp, những người chúng ta có dịp trao đổi, và mỗi lần như thế đều có một cái gì khác lạ và thay đổi, hoặc gần gần như vậy.
Có những nơi tôi nghe nói tới khi còn nhỏ nhưng chưa bao giờ được thấy, chẳng hạn như thành phố Goshen, gần Fresno. Từ đó tôi nuôi ý định đi Goshen, nhưng đến nay vẫn không sao thực hiện được, cho dù tôi đã đi đến hầu hết các thành phố lân cận của Fresno. Có thể Goshen không hề là một thành phố, hoặc nếu là thành phố chăng nữa, thì cũng là một thành phố không ra thành phố, mờ nhạt và tầm tầm buồn nản, này một ngã tư, một cửa hàng với con chó săn nằm lim dim dưới mái hiên và một chú gà trống đỏm dáng đầy hãnh tiến, ích kỷ kè kè hai em gà mái bên cạnh, đại loại như thế.
Oleander cũng là một nơi giống như Goshen, nhưng dù đã từng đến đó tôi cũng chả còn hình dung lại nó như thế nào.
Fresno là trung tâm một thung lũng lớn, tên San Joanquin lại đọc là "Wahkeen", còn anh Leo thì hát cho bọn học trò ở trường trung học Long Fellow nghe bài ca như sau:
San Joaquin, ngời thung lũng xanh,
Em đẹp nhất trần đời, không đâu sánh.
Hoa cam nở, hương lừng khắp chốn,
Mặt trời lên, toả ánh dương tràn…
Đi từ Fresno đến trung tâm và miền duyên hải Bắc California, ta có nhiều hướng để tới, mỗi lối có một phong thổ khác nhau rất nhiều, có nơi ngoằn ngoèo khúc khuỷu như khi qua Coast Rangers, có nơi đường bẩn thỉu giữa những ngọn đồi, trên thì diều hâu bay liệng, dưới thì bầy cừu và một mục tử cùng con chó chạy lăng xăng, cũng có nơi gây cho ta cảm giác như đang lạc vào một xứ sở xa lạ nào. Nhưng một khi đã đến đó rồi, thì ý nghĩ duy nhất trong đầu bạn sẽ là "Nếu ở đây có được nhiều người khá giả đến và biến nó thàn những vườn rau, vườn nho, thành một thành phố thì hay biết mấy nhỉ?"
Chà, thế mà họ không làm gì mới ác chứ, nhưng dù sao đi nữa thì đó cũng không là một chuyện dễ dàng chi mấy, vì dù cần thiết chăng nữa, người ta vẫn thích ở New York hơn chứ.
Những con đường, những xa lộ chạy quanh Fresno thì luôn luôn thú vị, nhưng con đường và đất đai mà tôi nhớ mãi, là chốn này:
Câu chuyện về 640 mẫu đất khô cằn mà người chồng dì Út tôi, chú Dikran, mua và muốn biến thành một khu vườn.
Dikran chọn khoảng hai mươi mẫu để trồng lựu. Tôi cũng làm việc trên khu đất này với một người tê nlà Nazaret Torossian. Kế hoạch bị hỏng, những cây lựu bị bỏ rơi, chú Dikran xoay qua những chương trình khác.
Năm tháng trôi qua, chúng tôi không có dịp để trở về thăm những cây lựu tuyệt diệu mang đầy quả nũng nịu ấy nữa. Nhưng một năm nọ, tôi có dịp cùng thằng Aram, con trai của tôi, lúc đó nó mới lên năm, lái xe về thăm chốn cũ một cách ngẫu nhiên. Chẳng là, khi chạy đến đại lộ Ventura, nơi sắp đến vườn nho của ông chú Levon, chỉ cần rẽ phải là đến ngay nhưng tôi lại quẹo trái, và như có một sức hút vô hình, chúng tôi hướng về phía xa xưa ấy.
Aram hỏi, Mình đi đâu đây bố?
Tôi giải thích, Đâu khoảng hai mươi lăm năm trước, bố có trồng vài cây lựu dưới vùng gần đây.
Đến đúng vào chỗ cũ, tôi dừng xe lại, rồi hai bố con xuống xe và bắt đầu đi bộ qua khu đất khô cằn, như tôi đã từng qua đó một phần tư thế kỷ trước đây.
Cây ở đâu, bố?
Thì tụi bố trồng chúng ở nơi đây, nhưng giờ chúng không còn nữa.
Thế chúng ở đâu?
Không ở đâu cả. Chúng chết hết cả rồi.
Tất cả khu đất đều  bị những con thú hoang như cóc sừng và thỏ rừng chiếm cứ, và hình như cũng chẳng có gì hại cho lắm. Tôi tin là mình còn có thể tìm thấy một vài cây cố sống lay lắt, nhưng cũng không sao có được.
Hai bố con trở lại xe và lái đi.
Thằng con tôi hỏi, Loại gì vậy, bố?
Những con thú nhỏ ấy hả?
Không, những gì mà bố đã trồng cơ.
À, lựu.
Con muốn trông thấy một cây.
Tôi đưa thằng con đến nhà chú tôi ở Sanger, chỉ cho nó một cây lựu già của vườn kế bên, nặng trĩu những quả. Tuy chưa chín hẳn, nhưng tôi cũng hái cho nó một quả.
Khi chúng tôi trở lại khách sạn ở Fresno, và khi về phòng riêng, tôi thấy thằng con lấy trái lựu trong túi ra. Nó ngắm quả lựu một lát rồi nhẹ nhàng để lên bàn giấy.
Sáng hôm sau chúng tôi quay về San Francisco bằng lối Pacheco Pass.
Khi tới nhà, thằng con tôi cất những đồ đạc các thứ, đoạn đặt riêng quả lựu lên bàn học.
Quả lựu nằm ở đó một thời gian khá lâu. Khoảng hơn một tháng sau trông nó thảm lắm, mẹ thằng nhỏ hỏi nó xem có nên vất đi không.
Thằng nhỏ nói, Không, con thích nó.
Vài ngày sau, cả gia đình lái xe đi Fresno, và thằng nhỏ nói, Mình lái ra chỗ đó nữa đi, bố.
Chỗ nào?
Nơi mà bố trồng cây lựu đó.
Vậy là một lần nữa, hai lần trong vòng bốn mươi ngày, tôi đi lại một chỗ mà suốt hai mươi lăm năm chưa hề lai vãng.
Khi hai bố con đi bộ vào khu đất khoảng một trăm thước, tôi dừng lại để châm điếu thuốc, và tôi thấy thằng con tôi lấy quả lựu trong túi ra. Nó nhìn quả lựu lần chót, rồi nhìn quanh toàn thể một vòng, đoạn rất cẩn thận chôn đặt quả lựu xuống đất.
Tôi đợi xem nó sẽ nói gì, nhưng vì nó vẫn im bặt nên tôi cũng không tiện cất tiếng, một lát sau chúng tôi trở lại xe và lái về Fresno.
Thằng nhỏ không bao giờ nói về quả lựu nữa.
Tôi cũng không cố tìm hiểu, vì người ta vẫn luôn luôn hành xử theo một lời kêu gọi thiêng liêng nào đó, và không nhất thiết phải tìm hiểu hay tra hỏi tại sao.