Dịch giả: Nguyễn Đức Dương
THỨ TƯ

Ngay tại ngã tư đường Đông-Nam “A” và phố Số Bốn có một ngôi nhà gạch nhỏ ba tầng rất đỗi khiêm tốn. Chỉ cách Thư Viện Quốc Hội có đâu bốn dãy phố, lại nằm lọt thỏm giữa những toà ngang dãy dọc ở hai bên chái, ngôi nhà quả khó lòng thu hút nổi sự chú ý của khách qua đường, nếu không có được cái lượt nước vôi quét tường trắng toát bên ngoài, khiến nó nổi bật hẳn lên giữa những mặt tiền xanh xanh, đỏ đỏ hoặc trắng bẩn, đã dãi dầu nhiều, nên bệch bạc cả đi của đám nhà cửa chung quanh. Ngoài ra, dãy hàng rào thấp, bằng gang, ở mặt trước và thảm cỏ xanh rì,tuy nhỏ thôi, nhưng được chăm sóc rất chu đáo, cũng tôn thêm cái vẻ tĩnh mịch rất đáng giá, mà những toà nhà kế bên không sao có được.
Tuy vậy, hoạ hoằn lắm mới gặp được một khách qua đường để mắt đến ngôi nhà. Lý do thật đơn giản: những người sinh sống tại khu này thì đã quá quen mắt đi rồi, còn hàng trăm viên chức làm việc trong các công sở và ở Thư Viện Quốc Hội, nằm trên đồi Capitol kia, thì lấy đâu ra thời giờ để ngắm cảnh, mặc dù ngày nào họ cũng lê bước qua đây đôi ba bận. Riêng đám khách du lịch đông đúc, hết tốp nọ đến tốp kia, vẫn thường lảng vảng quanh ngọn đồi này, thì chẳng bao giờ thèm lạc bước đến đây, vì ngôi nhà nằm khuất nẻo quá. Nói cho công bằng thì cũng có đôi ba người đặt chân đến đây, nhưng thường chỉ vì tình cờ: họ rẽ vào để cầu cứu một thầy cảnh sát là “hay xảy ra các loại tội phạm hình sự”, bất chấp những hệ thống bảo đảm an ninh cẩn mật của các nhà chức trách, để giữ gìn các di tích lịch sử của đất nước tại đây.
Nhưng ví thử một vị khách qua đường nào đó, vì quá tò mò mà để ý đến ngôi nhà và bắt đầu ngắm nghía nó kỹ lưỡng hơn, thì chắc hẳn anh ta cũng chẳng phát hiện được một nét gì đặc sắc hoặc khác thường cả. Bất quá anh ta cũng chỉ nom thấy tấm biển đồng to tướng (tư vuông mỗi bề đến nửa mét), nhìn thẳng xuống vạt cỏ trước sân và mách bảo với khách rằng đây là trụ sở Trung ương của Hội Văn – Sử Hoa Kỳ. Nhưng ở Washinton này, một thành phố vốn có đến hàng trăm danh thắng và trụ sở trung ương của vô vàn hội này hội nọ, thì công dụng của toà nhà sẽ hoàn toàn chẳng khiến ai ngạc nhiên hết. Còn nếu vị khách qua đường nọ mà tỏ ra quan tâm đến nghệ thuật kiến trúc và không thể thờ ơ với những thành tựu của ngành mỹ thuật công nghiệp, thì chắc hẳn anh ta sẽ dán mắt vào hai cánh cửa gỗ sồi màu đen tuyệt đẹp mà chẳng rõ vì lẽ gì lại bị trổ một lỗ cửa tò vò to tướng, kệch cỡm, bất chấp mọi thứ tỷ lệ hài hoà trong nghệ thuật. Và nếu thói tò mò của anh ta còn lấn át luôn cả tính e thẹn, thì hẳn anh ta sẽ với tay ra để mở luôn cánh cửa hàng rào. Nhưng dù có làm thế đi nữa, chưa chắc anh ta đã để ý đến cái tiếng “tách” khẽ của chiếc then cửa bằng nam châm, vốn là một khâu trong toàn bộ mạng lưới của hệ thống báo động điện tử. Rồi bước dần thêm vài bước nữa – là khách sẽ đặt chân lên cái bậc tam cấp đầu tiên; và leo tiếp mấy bậc nữa, anh ta đã đứng ngay bên cạnh cửa gỗ trứ danh kia và giơ tay bấm chuông.
Nếu lão Walter mà đang ngồi nhấm nháp cà phê trong căn bếp bé tí, như lão vẫn quen làm, hoặc giả đang bận sắp xếp lại mấy cái thùng đựng sách cho gọn mắt, hoặc giả đang quét sàn, thì khách sẽ nghe bên tai cái giọng the thé, chối tai, của mụ Russell, vừa quát lớn: “Vào đi”, vừa vội vàng chìa tay ra ấn khoá điện tự động.
Điểm đầu tiên khiến khách ngạc nhiên là đồ đạc bày biện trong cái văn phòng trung ương của hội này sao mà ngăn nắp đến thế và cửa nhà đâu đâu cũng đểu hết sức sạch sẽ, tinh tươm đến thế. Ngay từ lúc còn đứng trên cái bậc tam cấp thấp nhất, cặp mắt của khách đã rơi đúng ngay tầm với mặt bàn của lão Walter, nhưng tiếc thay trên bàn lại không có qua một thứ giấy má, sổ sách gì. Khách hẳn còn ngạc nhiên hơn nữa, vì không tài nào hiểu nổi công dụng của cái thành bàn ở phía trước: tại sao lại phải thửa bằng thép dày 5 ly đạn bắn không thủng? Khi khách rẽ sang phải để bước lên cầu thang, thì anh ta sẽ gặp ngay mụ Russell. Không như trên bàn làm việc của Walter, bàn mụ ta chất đầy ắp không biết cơ man nào là giấy má, sổ sách, đến nổi che lấp luôn cả chiếc máy đánh chữ cũ kỹ, to tướng, nằm chềnh ềnh ở ngay chính giữa. Thấp thoáng sau cái đống giấy má bừa bộn ấy là mái đầu bạc trắng của mụ nhân viên văn thư, với mái tóc lưa thưa, mà bao giờ cũng dựng ngược lên và cắt ngắn quá, khiến người ngoài chẳng ai thèm chú ý đến gương mặt mụ cả. Cái kim cài áo hình móng lừa, nổi rõ con số “1932”, trang điểm cho nửa bên trái của cái bộ phận thân thể mà dễ tính lắm, may ra mới có thể tạm gọi là ngực. Đã thế, trên mép mụ lúc nào cũng phì phèo một điếu thuốc lá rẻ tiền.
Tuy nhiên, ngoài mấy bác đưa thư và đám nhân viên chuyên vận chuyển bưu kiện ra, thì chẳng mấy ai lại có thể đột nhập sâu vào cái trụ sở này đến như vậy, mà không hề gặp qua một trở ngại. Những vị khách tốt số kia, mà khi đã chịu đựng nổi cái nhìn thử thách của lão Walter, nếu lão ta có mặt tại bàn làm việc, sẽ lập tức rơi ngay vào vòng ảnh hưởng của mụ Russell. Mụ sẽ đưa ngay khách đến gặp nhân viên hữu quan (nếu khách đến vì công việc), dĩ nhiên là sau khi biết chắc khách đã được phép của cấp trên. Còn nếu khách chỉ là một gã “tò mò táo tợn”, thì mụ ta sẽ cất cái giọng đều đều, đến phát ngấy lên được, để đọc cho khách nghe một bản tưởng trình dài năm phút về lai lịch của “Hội Văn Sử Hoa Kỳ”, rồi nói rõ tôn chỉ và mục đích, cùng nhiệm vụ của việc phân tích tác phẩm văn chương, cũng như những thành tích cùng thành tựu mà Hội đã thu được. Đoạn, mụ sẽ trao cho khách vài tập sách mỏng, mà anh ta phải miễn cưỡng nhận lấy, rồi tuyên bố là hiện giờ, tất cả các nhân viên có thể giải đáp những vấn đề chi tiết mà khách quan tâm, đều đi vắng hết: và khuyên khách nên viết thư đến để hỏi kỹ thêm những gì cần biết, nhưng không bao giờ bảo rõ phải viết cho ai và gởi vào địa chỉ nào. Tiếp đó, mụ cất tiếng chào gọn lỏn và dứt khoát: “Tạm biệt!”.
Sững sờ vì cách cư xử quá ư cứng nhắc và dứt khoát ấy, khách thường ngoan ngoãn cáo lui ngay, nên hắn chẳng để ý gì đến cái hộp nhỏ, đặt trên bàn lão Walter (nó đã tức khắc ghi ngay dung mạo của khách lên phim) và đến ngọn đèn đỏ con con trên cửa, vẫn cháy sáng suốt từ khi anh ta vừa đẩy cửa bước vào cho đến tận lúc trở gót quay ra. Nhưng vẻ ngán ngẩm của khách chắc hẳn sẽ lập tức nhường ngay chỗ cho trí tưởng tượng tung hoành, nếu anh ta chợt hiểu ra rằng mình vừa đặt chân vào nơi làm việc của một trong vô vàn những ban, những phòng của Cục Tình Báo Trung Ương Mỹ.
Cơ quan tình báo này được thành lập vào năm 1947, sau khi một sắc luật về an ninh quốc gia được ban hành, cũng như sau khi nổ ra những sự kiện nổi tiếng trong thế chiến thứ hai: Mỹ bị bọn Nhật bất ngờ tấn công vào Cảng Trân Châu. Giờ đây, cơ quan này là mắt xích lớn nhất và năng nổ nhất trong mạng lưới tình báo cực kỳ đông đúc và rộng khắp của nước Hoa Kỳ. Mạng lưới đó có một biên chế gần hai trăm nghìn nhân viên, với một ngân sách hàng năm lên đến hàng tỷ đô la. Hoạt động của Cục cực kỳ đa dạng. Nó bao quát không biết cơ man nào là phương thức – từ tiến hành các điệp vụ bí mật và do thám, nghiên cứu kỹ thuật, tài trợ các nhóm hoạt động chính trị đủ mọi loại, cho đến việc đỡ đầu các chính phủ đồng minh và trực tiếp thực hiện các chiến dịch quân sự. Những hoạt động đa dạng ấy, vốn nhằm thực hiện một nhiệm vụ là đảm bảo an ninh quốc gia, đã biến Cục thành một trong những cơ quan trọng yếu nhất của chính phủ. Cựu giám đốc của CIA là Allen Dulles có lần đã nhận định: “Sắc luật về an ninh quốc gia năm 1947… đảm bảo cho hoạt động tình báo của chúng ta một vị thế đầy trọng trách và có những ưu thế to tát đối với chính phủ mà không một tổ chức tình báo nào của chính phủ các nước khác trên thế giới có thể có được”.
Một trong những khía cạnh hoạt động cực kỳ quan trọng của CIA là tiến hành nghiên cứu và phân tích một cách đơn thuần và cực kỳ tỷ mỉ. Hàng trăm nhân viên, ngày nào cũng như ngày nào, cứ phải lần giở hết từ trang nọ đến trang kia mọi loại tạp chí kỹ thuật, mọi ấn phẩm định kỳ của Mỹ và nước ngoài, phải ngồi hàng giờ bên máy ghi âm, máy thu hình và thu thanh, để nghe những bài diễn văn và những bài phát biểu, cùng những chương trình phát hình và phát thanh của các đài truyền hình và phát thanh ở trong nước, cũng như nước ngoài. Công tác nghiên cứu đó chính là nhiệm vụ của hai trong số bốn Cục sau đây của CIA. Cục Thông tin đảm trách việc do thám về kỹ thuật. Nhân viên Cục này chuyên soạn thảo những báo cáo chi tiết về những thành tựu khoa học và kỹ thuật mới nhất của tất cả các nước trên thế giới, kể cả Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Cục Mật vụ đảm nhiệm những hình thức nghiên cứu khoa học chuyên biệt. Gần 80 phần trăm thông tin mà Cục nhận được đều rút ra từ các nguồn tin công khai: sách, tạp chí, xuất bản phẩm định kỳ, các loại chương trình phát thanh. Cục xử lý những thông tin đó, rồi trên cơ sở ấy, soạn thảo ra ba loại báo cáo chủ yếu dưới đây: loại đầu đề xuất những dự báo dài hạn cho các khu vực hoặc những vấn đề mà Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm; loại thứ hai – dành cho những nhận định tổng quát hằng ngày về các biến cố chính trên trường quốc tế và tình hình chính trị chung trên toàn thế giới; còn loại cuối cùng – đề cập đến những thiếu sót trong hoạt đông hiện hành của chính cơ quan mình.
“Hội Văn Sử Hoa Kỳ”, mà trụ sở trung ương đặt tại Washington, cùng một chi điểm nhỏ nữa, đóng ở Seattle, chỉ là một tổ công tác trực thuộc, do một tiểu ban khiêm tốn, nằm trong Cục Mật vụ, quen gọi là Ban 17, điều hành.
Nhiệm vụ chính của các nhân viên trong Hội là moi ra từ các tác phẩm văn chương mọi cách thức hoạt động gián điệp, tình báo được miêu tả trong đó, cùng những hành động có liên quan đến chúng. Nói khác đi, phận sự của các nhân viên Hội này là thường xuyên nghiền ngẫm các tiểu thuyết tình báo, gián điệp và trinh thám. Họ phả ghi lại những tình huống được miêu tả trong hàng nghìn tập truyện loại ấy với đầy đủ mọi tình tiết của các “vụ việc”, rồi phân tích chúng thật cặn kẽ, thật toàn diện. Nhờ vậy, hội viên nào cũng được dịp nghiền ngẫm hết sức kỹ lưỡng sáng tác thuộc thể loại trinh thám. Số sách đó, phần lớn đều là tài sản của CIA và được tàng trữ tại trụ sở chính của Cục, đặt ở Langley, bang Virginia. Tuy thế, “Hội Văn Sử Hoa Kỳ” cũng có một thư viện riêng, gồm trên dưới ba nghìn quyển, đặt ngay tại trụ sở của nó. Trước kia, hội đóng ở kế bên toà nhà của Thượng viện. Nhưng từ mùa đông năm 1971, khi cơ quan CIA dời về căn cứ mới ở Langley, thì trụ sở của Hội cũng được chuyển ra ngoại ô Washington. Đến năm 1970, số sách cần nhập về để nghiên cứu tăng lên rỏ rệt, đòi hỏi phải tính đến việc bảo quản và các khoản tốn kém về tiền bạc. Hơn nữa, viên phó giám đốc CIA, người cai quản Cục Mật vụ lúc bấy giờ, còn đặt vấn đề: phải tính toán đến khả năng sử dụng hợp lý nhất các khoản kinh phí, để đài thọ cho một cơ quan có biên chế đông đúc như thế, lại chuyên đảm nhiệm một công việc thuộc loại tuyệt mật, và vì thế cần phải được trả lương với một mức cao hơn. Rốt cục Hội lại bị dời về trung tâm Washington, và được bố trí tại một địa điểm ngay sát nách Thư viện Quốc Hội để thuận tiện cho hoạt động.
Các nhân viên chuyên trách việc nghiên cứu và phân tích của Hội phải theo dõi thật sát sao mọi tác phẩm trinh thám mới được công bố. Công việc thường được họ phân chia với nhau trên cơ sở thoả thuận tay đôi hoặc nhiều bên. Nhờ vậy, mỗi nhân viên đã nghiễm nhiên trở thành một chuyên gia có uy tín của từng tiểu loại mà họ ưa thích nhất và của từng tác giả mà họ có thiện cảm nhất trong thể loại truyện trinh thám.
Sau khi đọc xong một tác phẩm, nhân viên của hội phải gửi về tổng hành dinh của CIA một bản tóm tắt nội dung, kèm theo một bản miêu tả chi tiết các phương pháp và kỹ thuật tiến hành những điệp vụ hoặc hành động bí mật, mà tác giả đã sử dụng trong truyện. Hằng ngày, nhân viên của Hội cũng nhận được từ Langley những bản báo cáo đặc biệt, được soạn riêng cho họ. Đây là những bản lược thuật hết sức vắn tắt các sự kiện biến cố xảy ra trong thực tế. Báo cáo chỉ nhắc đến những chi tiết thật sự cần thiết, còn tên họ người thực hiện thì hoàn toàn bỏ qua. Các sự kiện của điệp vụ, một hành động cụ thể nêu trong báo cáo sẽ được đem ra so sánh, đối chiếu với những tình tiết tương tự trong các tác phẩm hư cấu của một tác giả nào đó. Nếu người nhân viên chuyên trách công tác phân tích phát hiện được một sự trùng khớp, dù là nhỏ nhặt đến những mấy đi nữa, thì Tổng hành dinh sẽ lập tức gửi thêm đến những tài liệu bổ sung, để nhân viên này có điều kiện tìm hiểu kỹ hơn. Nếu sự trùng khớp đó lại được xác nhận, thì thông tin về vấn đề đang xét sẽ được chuyển ngay sang một tiểu ban cơ mật hơn trong Cục Mật vụ để kiểm nghiệm lại. Sau khi kiểm tra như thế, tiểu ban ấy sẽ kết luận về vấn đề này. Nếu đó chỉ là sự trùng khớp tình cờ, thì dĩ nhiên mọi chuyện đều êm đẹp. Nhưng nếu sự trùng khớp đó chính là tác giả đã biết được quá nhiều những điều không đáng biết, thì thật không may cho anh ta: sớm, muộn rồi anh ta cũng sẽ phải giơ lưng ra mà hứng chịu những biện pháp “ngăn chặn” do thượng cấp của tiểu ban nói trên cho thi hành, theo chính những đề nghị tương ứng của tiểu ban nọ.
Các chuyên gia phân tích và nghiên cứu của Hội thường cũng được thượng cấp khuyến khích là nên gửi kèm theo một bản đề nghị hoặc khuyến cáo thoả đáng, khuyên các điệp viên và nhân viên tác nghiệp nên làm gì trong các hoạt động thực tế. Những bản đề nghị hoặc khuyến cáo ấy sẽ được chuyển đến các chỉ đạo viên tương ứng – những người vẫn thường xuyên tìm kiếm các phương pháp và “ngón nghề” mới mẻ để tiến hành các điệp vụ bí mật của CIA trong tương lai.
Sáng hôm ấy, Ronald Malcolm cũng đang phải ngồi soạn thảo một trong những báo cáo kiểu đó. Tuy nhiên, thay vì làm việc, anh chàng lại “cưỡi” lên cái ghế gỗ hồ đào, cằm ghếch trên cái lưng tựa đầy vết sây xát. Bây giờ là chín giờ kém mười lăm. Nhưng Malcolm vẫn cứ giữ nguyên cái tư thế mà anh đã ngồi từ lúc hắt chỗ cà phê còn thừa trong tách đi, chửi đổng một câu rõ to, rồi phóng như bay lên phòng làm việc trên tầng hai, khi đồng hồ mới chỉ tám giờ rưỡi. Cà phê thì anh ta đã uống ở nhà rồi, tuy thế vẫn đang còn muốn nhấp thêm một tách nữa. Song anh ta không dám rời mắt khỏi khung cửa sổ vào lúc này.
Số là sáng nào cũng thế, cứ vào khoảng từ tám giờ bốn mươi đến chín giờ, một thiếu nữ đẹp mê hồn vẫn duyên dáng diễu ngang qua trước khung cửa sổ phòng Malcolm và đi về phía Thư viện Quốc Hội. Cho nên sáng nào anh chàng cũng phải dõi mắt trông theo, nếu không bị bệnh tật đến quấy rầy hoặc không phải hoàn thành gấp một việc gì đó chẳng thể dừng. Đối với Malcolm, chuyện ấy đã trở thành một thứ lễ nghi độc đáo; nó giúp anh ta bò ra khỏi chăn đệm, rồi mải miết cạo râu và hộc tốc cuốc bộ đến sở.
Tiết trời đang độ giữa xuân. Hương hoa anh đào đang cố len lỏi qua màn sương sớm tràn vào phòng. Nhác thấy bóng cô gái, Malcolm hối hả nhắc ghế lại sát bên cửa sổ, nhổm hẳn người lên, trố mắt ra nhìn.
Cô gái bước đi trên phố, dáng đi không được tự nhiên, nom như thể đang bơi trên đường, mắt nhìn thẳng và đầy vẻ kiêu hãnh, một niềm kiêu hãnh vốn bắt nguồn từ một lòng tự tin, tuy hãy còn rụt rè, nhưng không giấu diếm, là mình xinh đẹp. Mái tóc màu hạt dẻ sáng bồng bềnh sau vai, rồi tuôn dài như một dóng suối xuống gần tận thắt lưng. Cô không hề son phấn, và những hôm không đeo kính, Malcolm còn có thể nhìn thấy rõ cả đôi mắt to, cân đối, hài hoà một cách tuyệt vời với cái mũi dọc dừa, với khuôn miệng hơi rộng, với gương mặt trái xoan, cùng cái cằm nghiêm nghị. Chiếc áo săng-đay màu nâu nhạt ôm sát lấy thân người. Chiếc vấy len Scotland càng tôn thêm vẻ quyến rũ của bộ đùi rắn chắc, đầy đặn. Đôi cẳng chân cân đối uyển chuyển bước tránh những vũng nước trên đường. Thôi chỉ còn ba bước chân sải rộng nữa thôi là nàng đã mất hút!
Malcolm thở dài và lại gieo người xuống ghế. Từ trong cuộn ru-lô máy chữ nhô lên nửa trang giấy đầy chữ. Anh tin chắc thế nào cũng kịp làm xong phần việc định mức cho buổi sáng hôm nay, nên lại cầm cái tách không, bước ra khỏi căn phòng làm việc nhỏ, trang trí bằng những tờ giấy dán tường sọc đỏ sọc xanh xen kẻ.
Đến đầu cầu thang, Malcolm dừng lại. Trong nhà này có đến những hai quầy cà phê. Một quầy đặt ở tầng dưới, trong gian bếp bé tí, ngay sau chỗ làm việc của mụ Russell. Một quầy nữa ở tầng ba, chỗ bàn đóng kiện sách báo, đằng sau mấy cái giá để sách. Mỗi quầy đều có cái hay, lẫn cái dỡ của nó. Quầy ở dưới tầng một thì tách cà phê có nhỉnh hơn và đầy đặn hơn, nên hầu hết nhân viên ở đây đều uống ở dưới đó. Ngoài ra, chỗ làm việc của mụ Russell và của lão cựu huấn luyện viên về môn đội hình Walter (“Trung sĩ Jennings, nếu ngài không phản đối!”) Cũng như văn phòng của ngài hội trưởng, tiến sĩ Lappe, và của viên thủ thư kiêm kế toán mới, là Heidegger, đều ở tầng dưới. Vì thế, cả mấy người đó đều dùng cà phê của quầy này. Người pha cà phê dĩ nhiên là mụ Russell. Mụ không phải thuộc hạng người “thực bất tri kỳ vị”, tuy vậy, quầy của mụ có hai điểm bất tiện. Nếu Malcolm, hay Ray Thomas, cũng là nhân viên phân tích và cũng làm việc trên tầng hai, xuống dưới đó uống, họ sẽ có nguy cơ cham trán với tiến sĩ Lappe. Những cuộc gặp mặt kiểu ấy kể cũng khó được gọi là dễ chịu. Hơn nữa, mụ Russell còn có cái tật là xức nước hoa lắm quá: hay như biệt hiệu mà Ray đã đặt cho mụ: “Lò nấu nước hoa của nàng Polly chúng ta”.
Quầy trên gác ba ít ai thèm đến, vì đấy là căn cứ địa của Harold Martin và Tamatha Reynold, cũng là hai nhân viên phân tích, bạn đồng nghiệp của Malcolm. Thỉnh thoảng, Ray hoặc Malcolm cũng có mò lên. Thậm chí cả lão Walter nữa, lão cũng hay lân la lên đó, phần để “thông gió” cho tách cà phê, phần để ngắm thêm bận nữa cái dáng người mảnh dẻ của cô Tamatha xinh đẹp. Tamatha là cô gái ưa nhìn về mọi phương diện, nhưng lại chẳng hề có một tí khái niềm nào về kỹ thuật pha cà phê. Hơn nữa, mỗi lần Malcolm trèo lên tầng ba uống cà phê, anh không chỉ có nguy cơ trở thành nạn nhân của tài gia chánh của cô Tamatha kháu khỉnh, mà còn có nguy cơ bị Harold Martin dồn sát vào chân tường bằng những tin tức thể thao và những kết quả các trận thi đấu vừa rồi, cùng hàng lô hàng lốc những ý kiến và dự đoán từ cái lĩnh vực, vốn gắn liền với những kỷ niệm về quê hương cùng những cuộc phiêu lưu táo tợn của anh ta trong những năm còn mài đũng quần trên ghế trường trung học. Bởi thế, phân vân một lúc, Malcolm đành quyết định rẽ xuống tầng một.
Khi đi qua bàn mụ Russell, Malcolm thấy mụ ta lần đầu cất tiếng chào bằng cái giọng khinh khỉnh quen thuộc của mụ. Thỉnh thoảng, anh cũng dừng chân lại “tán tỉnh” dăm câu, để kiểm tra xem cách cư xử của mụ có khá hơn không. Nhưng gặp những việc như thế, mụ Russelll bao giờ cũng tất bật sắp xếp lại giấy tờ và bất kể Malcolm đề cập đến chuyện gì, bao giờ cũng đều bỏ ngoài tai, để dành thì giờ tuôn ra hàng tràng dài những lời than vãn đầu ngô mình sở: nào là mụ phải làm việc nhiều, nào là mụ đau ốm luôn, nhưng chẳng ai thèm kính nể mụ. Vốn biết trước thế rồi, nên sáng hôm ấy Malcolm chỉ mỉm cười giễu cợt suông và cố ý nghiêng người chào mụ thật lịch duyệt.
Đến lúc Malcolm bưng tách cà phê lên tay, toan bước nhanh lên thang gác, thì sau lưng anh chợt vang lên tiếng chốt cửa lách cách. Anh chàng đành bấm bụng dừng lại, chuẩn bị đón nghe bài giảng đạo quen thuộc của ngài tiến sĩ hội trưởng.
- Ồ, ông Malcolm, tôi có thể … ông cho phép gặp ông một lát được chứ ạ? Chỉ phiền ông một tích tắc thôi!
Hú vía! Người nói câu đó là Heidegger, chứ không phải ngài Lappe. Malcolm thở phào nhẹ nhõm, rồi mỉm cười, quay lại với gã kế toán viên kiêm thủ thư, vóc người ốm yếu, khuôn mặt đỏ gay đỏ gắt như gà chọi, đến nổi cái đầu hói nhẵn của hắn như thể sáng rực lên. Chiếc sơ mi trắng quen thuộc, vói hai cái cúc to tướng đính ở hai góc cổ áo và chiếc cà vạt đen hẹp bản càng làm cho cái đầu kếch sù của hắn nổi bật hẳn kên trên cái cổ khẳng khiu.
- Chào Rich, - Malcolm lên tiếng. – Khoẻ chứ?
- Khoẻ…Ron ạ. Khoẻ thôi. – Heidegger cười hề hề như mọi người, vẻ đặc biệt xúc động. Tuy đã cai rượu hoàn toàn suốt nửa năm nay và công việc lúc nào cũng ngập đầu ngập cổ, nhưng thần kinh hắn vẫn dễ bị kích động như dạo trước. Bất cứ câu hỏi nào về tình trạng sức khoẻ, ngay cả những câu hỏi vô thưởng vô phạt và lời chào thông thường nhất, cũng gợi lại cho Heidegger những ngày khốn khổ, khi mà hắn vẫn tái người vì sợ hãi mỗi lần lén lút, mang rượu vào nhà vệ sinh uống trộm, rồi phải hối hả nhai kẹo cao su như điên, cho át bớt cái mùi tai hại, vốn có thể biến thành “mối đe doạ ngấm ngầm” cho nền an ninh của toàn bộ cơ quan CIA ấy đi. Sau nhiều ngày “tình nguyện” đi chữa bệnh, rồi nhiều tháng ròng thui thủi sống trong “địa ngục” cô đơn, Heidegger đã bình phục dần. Mãi đến lúc đó, các bác sĩ điều trị mới rỉ tai cho hắn biết là bọn nhân viên của Cục an ninh, vẫn thường bí mật theo dõi các nhà vệ sinh, từ lâu đã biết rõ những việc làm lén lút của hắn…
- Ông ghé vào phòng tôi… tôi muốn nói ông có thể quá bộ vào phòng làm việc của tôi một lát, được không ạ?
Malcolm sung sướng với bất kỳ lời “đề nghị” nào, miễn là khỏi phải quay về phòng để làm báo cáo:
- Dĩ nhiên.
Họ đưa nhau vào căn phòng bé tí dành cho viên kế toán kiêm thủ thư, rồi ngồi xuống: Heidegger – sau bàn làm việc của gã, còn Malcolm – trên chiếc ghế đệm của gã nhân viên trước đây bỏ lại. Cả hai cùng nín thinh đến mấy phút đồng hồ.
“Tội nghiệp cho anh chàng nghiện – Malcolm nghĩ bụng. – Đã một phen bở vía thế rồi, mà bây giờ vẫn còn nuôi hy vọng lấy lại được lòng tin của cấp trên. Lúc nào anh chàng cũng tin rằng sẽ được phục hồi chức cũ và sẽ được rời khỏi căn phòng bụi bặm bé tí, với giấy dán tường màu xanh lục, của một gã viên chức quèn, để chuyển sang một căn phòng khác, tuy cũng bụi bặm như thế, nhưng lại được coi là loại cơ mật hơn.
“May lắm thì căn phòng mới của cậu cũng chỉ được trang trí bằng thứ giấy dán tường thuộc một trong ba cái màu, mà thượng cấp cho là sẽ tạo ra được “không khí làm việc hữu hiệu nhất” thôi Heidegger ạ.
Một căn phòng “xinh đẹp” với màu tường y như đằng phòng làm việc của mình và hàng trăm, hàng nghìn viên chức nhà nước khác, thì có gì là đáng ao ước kia chứ?”
- Sự thể nó thế này… - Heidegger lên tiếng, giọng to một cách khác thường so với căn phòng bé tí. Gã đâm bối rối, vì nói quá to, nên vội vàng ngả người vào lưng ghế, hạ giọng, tiếp: - Tớ… tôi rất buồn vì phải đem những chuyện vớ vẩn thế này làm phiền anh, Ronald ạ…
- Ồ, đừng lo, Rich ơi.
- Vâng, thế thì được. Sự thể nó thế này, Ron ạ… Anh không bực với lối xưng hô suồng sã như thế chứ? Tôi, như anh biết đấy, tôi là dân mới về. Thành ra tôi mới quyết định: phải xem lại giấy tờ, sổ sách mấy năm gần đây, để quen công quen việc hơn. – Heidegger lại cười hề hề, vẽ kích động. – Những lời chỉ giáo của tiến sĩ Lappe có thể nói chưa đâu vào với đâu cả.
Malcolm theo gương bạn: anh cũng nhoẻn miệng cười khì. Nếu có ai đó dám mở miệng chế riễu tiến sĩ Lappe, thì người đó rõ ràng là dân chơi được – Malcolm nghĩ bụng. Biết đâu ít nữa gã Heidegger này lại sẽ là chỗ thân thiết của chính mình?
- Vâng. Anh làm việc ở đây đã hai năm, đúng không nào? Từ độ ta dời trụ sở ở Langley về đây, chứ ít đâu! Heidegger tiếp.
“Đúng thế thực”, - Malcolm tự nhủ thế là gật đầu tỏ ý xác nhận. Hai năm hai tháng mấy ngày.
- Sự thể nó thế này… Tôi bỗng phát hiện được mấy điểm… không ăn khớp trong giấy tờ, sổ sách, mà tôi cho là phải có phận sự làm sáng tỏ. Tôi nghĩ chắc anh có thể giúp được tôi ít nhiều. Heidegger nín lặng. Malcolm chỉ lặng thinh nhún vai, vừa tỏ ý sẵn sàng, nhưng lại vừa tở ý ngạc nhiên.
- Sự thể nó như thế đấy. Tôi phát giác được hai chỗ không ăn khớp kỳ lạ, nói đúng hơn là mấy điểm sai khác thuộc hai công tác trong địa hạt công tác tài vụ. Điểm thứ nhất liên quan đến sổ sách thu chi. Hình như các anh không rành lắm về các khoản này? Bởi thế, mai kia tôi sẽ tự tìm hiểu lấy. Còn điểm thứ hai thì động chạm đến chuyện sách vở nhập khẩu về. Khoản này tôi đang cố làm sáng tỏ bằng cách hỏi ý kiến tất cả các nhân viên trong tiểu ban chúng ta, để xem cách giải thích của tôi có thể thuyết phục được họ không, rồi mới viết báo cáo, trình lên tiến sĩ. – Anh ta lại im lặng, chờ cái gật đầu đồng tình của Malcolm. Nhưng Malcolm lại biểu lộ vẻ chán ngán với câu chuyện đã làm Heidegger xúc động.
- Có bao giờ các anh… tôi muốn hỏi: các anh, từ trước đến giờ, có khi nào nghe nói đến chuyện sách vở ở tiểu ban ta bị mất mát không nhỉ? Khoan đã, xin chờ một chút… anh ta vội vã thanh minh, khi thấy vẻ chán ngán trên nét mặt Malcolm – cho phép tôi nói lại những điều tôi đang nghĩ: cho dễ hiểu hơn. Đã bao giờ anh nghe nói đến chuyện sách ta đã đặt mà không được nhập về, hay sách lẽ ra phải có trong thư viện của tiển ban ta, nhưng lại không thấy trên giá?
- Không, tôi chưa bao giờ nghe thấy: chưa hề có ai phàn nàn về khoản đó, - Malcolm đáp, vẻ mặt càng tỏ ra ngao ngán. – Giá anh hỏi tôi những quyển nào không có hay những quyển nào có thể không tìm thấy ở đây, thì… - Anh không nói hết câu và cố ý để câu nói cứ lơ lửng như thế, mặc cho Heidegger muốn hiểu sao thì hiểu.
Heidegger lập tức vồ ngay lấy câu nới bỏ lửng ấy:
- Đấy, toàn bộ vấn đề chính là ở chỗ ấy. Tôi thực sự chẳng hề biết tí gì về khoản này. Tôi muốn nói là tôi không hoàn toàn tin chắc rằng chúng ta có bị mất sách hay không, và nếu có mất, thì mất những quyển nào, và tại sao chúng lại bị mất. Mọi chuyện quả là một mớ bòng bong!
Malcolm nín lặng đồng tình.
- Anh biết đấy, - Heidegger tiếp, vào năm 1968 ta có tiếp nhận từ cở sở thu mua của ta trên Seattle hàng nghìn quyển sách. Tất cả số sách họ gửi về, ta đều nhận đủ. Nhưng tôi tình cờ nhận thấy rằng nhân viên nhận sách của chúng ta ở dưới này chỉ ghi trong biên nhận có năm thùng: trong khi đó thì trên phiếu gửi lại viết rất rõ ràng có những bảy thùng tất cả. Tôi xin nói thêm để anh rõ: cái phiếu gửi ấy có đầy đủ mọi chữ ký – cả của người kiểm hoá, cả của nhân viên chúng ta trên ấy và cả của các nhân viên vận chuyển nữa. Như thế tức là rõ ràng chúng ta bị mất đứt đi hai thùng sách, mặc dù trên thực tế, tổng số sách trên ấy gửi về, ta đều nhận đủ hết, không hề thiếu một quyển nào. Anh hiểu tôi muốn nói gì rồi chứ?
Tuy hơi trái với lương tâm, nhưng Malcolm cũng đành phải nói thật ý nghĩ của chính mình:
- Anh muốn nói gì, cố nhiên là tôi hiểu, mặc dù tôi cho rằng đây chắc hẳn chỉ là một sự sơ suất vặt vãnh gì đó thôi. Một nhân viên nào đó trong tiểu ban ta chưa biết thấu đáo mấy phép cộng, trừ, nhân chia, thế thôi. Dẫu sao thì sách vở ta đều nhận được đủ, như anh vừa nói đấy. Đã thế, thì việc quái gì lại đi bới chuyện ra cho ốm xác?
- Thế tức là anh hoàn toàn chưa hiểu tí gì! Heidegger kêu lên, người chồm hẳn ra đằng trước và Malcolm phải sửng sốt vì sự căng thẳng thần kinh lộ ra trong giọng nói của hắn. – Tôi là người chịu trách nhiệm về toàn bộ số giấy tờ và sổ sách ở đây. Khi nhận công việc, tôi đã phải kiểm tra xem giấy má, sổ sách có ổn cả không và có phù hợp với thực tế hay không. Bây giờ, sự sơ suất kia đã làm rối tung hết thảy mọi thứ giấy tờ, sổ sách quyết toán. Đó là chuyện hoàn toàn chẳng hay hớm gì. Ít nữa,, nếu người ta phát hiện được, thì mọi thứ đều đổ lên đầu tôi cả, chứ ai vào đó. Một mình tôi thôi nhé! – Lúc nói xong câu đó, Heidegger đã chồm hẳn người về phía Malcolm, đến nỗi hắn gần như đang nằm vắt ngang trên mặt bàn, và giọng nói oang oang của hắn choán hết cả gian phòng chật chội.
Tất cả những thứ ấy khiến Malcolm chán ngán đến cùng cực. Anh chẳng thấy chút hứng thú nào, nếu cứ phải ngồi nghe tiếp những câu ba hoa đầu ngô mình sở của Heidegger về chuyện sổ sách không ăn khớp. Hơn nữa, anh rất lấy làm khó chịu với cặp mắt nảy lửa của Heidegger nó cứ long lên sòng sọc sau cặp mắt kính dày, trong cơn kích động mạnh. Phải chuồn thôi. Anh bèn chồm dậy, nhoài người về phía viên kế toán:
- Rich này, anh nghe tôi bảo đây. Tôi thừa biết là chuyện sổ sách nhầm lẫn rất hệ trọng đối với anh. Nhưng tôi e rằng tôi chẳng giúp ích được gì đâu. Chắc sẽ có một nhân viên nào đấy trong tiểu ban ta biết được một đôi điều gì đó mà tôi không nắm vững lắm. Nhưng cả điểm đó nữa, tôi cũng rất ngờ vực. Còn nếu anh muốn hỏi ý kiến tôi, thì tôi chỉ có thể khuyên thế này: hãy quên hết mọi thứ, rồi giấu thật kín chuyện này đi, Rich ạ. Anh cứ làm như là mình chả hề phát giác được gì. Gặp những chuyện kiểu ấy, thằng cha kế toán cũ, lão Johnson mà anh thay chân hắn đó, bao giừ cũng cư xử như vậy đấy. Còn nếu anh vẫn giữ nguyên ý định cũ, quyết định dò cho ra manh mối thì tôi khuyên anh là, dù gì đi nữa, cũng đừng bao giờ đem câu chuyện ấy ra mà nói cho tiến sĩ Lappe. Vì chỉ nghe qua là ông ấy đã nẫu ruột nẫu gan ra rồi. Đến khi thấy chuyện lôi thôi đến mức chẳng biết đâu mà lần, ông ta sẽ càng cáu tơn. Rốt cục, chẳng còn được yên thân với ông ấy nữa…
Malcolm đứng lên, bước ra cửa. Anh ngoái cổ nhìn lại lần chót thì thấy viên kế toán gầy gò run lên vì sợ hãi trong chiếc ghế gỗ, cặp mắt trống rỗng nhìn trừng trừng vào quyển sổ kế toán để mở ở trên bàn.
Mãi đến khi bước ngang qua chỗ làm việc của mụ Russell, Malcolm mới thở phào nhẹ nhõm. Anh hắt chỗ cặn cà phê nguội ngắt còn trong tách vào bồn rữa mặt, rồi lững thững leo lên gác. Về đến phòng, anh gieo người xuống ghế, ghếch cả hai chân lên bàn, rồi nhắm mắt lại.
Lát sau, anh mở mắt ra, ngước nhìn lên bức phiên bản kiệt tác Don Quichotte của Picasso. Bức tranh chiếm một chỗ hết sức trang trọng trên bức tường, dán kín giấy đỏ đến già nửa, ngay trước mặt. Mọi chuyện trong đời Malcolm vốn bắt đầu từ chính nhân vật Don Quichotte này. Nhờ nhà hiệp sĩ cao lênh kênh nọ mà Malcolm có công ăn việc làm trở thành nhân viên của CIA. Câu chuyện cách đây vừa đúng hai năm…
Vào giữa tháng chín năm 1970, Malcolm phải dự một kỳ thi viết cuối khoá về môn văn chương, một môn thi mà anh cứ phải hoãn đi, hoãn lại mãi. Hai giờ đầu, mọi chuyện đều diễn ra hết sức trôi chảy: Malcolm trình bày vừa súc tích, vừa lưu loát bản chất của văn chương tự sự trong mỹ học của Platon; phân tích tâm trạng của hai kẻ hành hương trong Truyện Canterbury của Chaucer; thẩm định về vai trò và ý nghĩa của hình tượng con chuột cống trong tiểu thuyết Dịch hạch của Camus và nêu lên những kỹ xảo tuyệt vời của Salinger, khi ông miêu tả những hành động của nhân vật chính Haden Colefield trong tác phẩm Vực thẳm trên đồng hắc mạch. Nhưng lúc chuyển sang câu hỏi cuối cùng, Malcolm đâm cắn bút, như húc đầu phải một bức tường đá: người ta đòi hỏi thí sinh phải “phân tích tỉ mỉ ít nhất ba tình tiết quan trọng trong tiểu thuyết Don Quichotte của Cervantes, để nêu bật được ý nghĩa tượng trưng của từng tiết một và mối liên quan giữa chúng với nhau, cũng như với một nội dung của toàn bộ tiểu thuyết; đồng thời, nói rõ phương thức mà Cervantes đã dùng, khi đưa những tình tiết trên vào tác phẩm, nhằm khắc hoạ cô đọng hơn nhân vật Don Quichotte và Sancho Pansa.
Malcolm chưa đọc Don Quichotte bao giờ: Anh ngồi cắn bút năm phút đồng hồ quý báu, mắt nhìn trân trân vào tờ giấy in câu hỏi. Rồi anh thận trọng mở tờ giấy thì trắng tinh ra, nắn nót viết:
Tôi chưa đọc Don Quichotte bao giờ. Nhưng theo tôi nghĩ, gã hiệp sĩ này đã thất bại thảm hại trong cuộc tỉ thí với những chiếc cối xay gió. Tôi không tin chắc lắm là Sancho Pansa cũng sẽ cam chịu cảnh đó.
Những cuộc phiêu lưu của Don Quichotte và Sancho Pansa, cặp nhân vật cao thượng, gắn bó với nhau như hình với bóng, những người vẫn được coi là chiến sĩ đấu tranh cho công lý, có thể đem ví với những cuộc phiêu lưu của hai nhân vật chính trong các thiên tiểu thuyết trinh thám của nhà văn Rex Stout là Nero Wolf và Archie Goodvean. Chẳng hạn, trong thiên truyện trinh thám cổ điển Hắc sơn, nhân vật Wolf…
Sau khi kết thúc bài tường thuật hết sức tỉ mỉ và dài dòng về những cuộc phiêu lưu của Nero Wolf, lấy thiên truyện Hắc sơn làm nguồn văn liệu chính, Malcolm ngán ngẫm đem bài thi lên nội rồi thất thểu ra về.
Hai hôm sau, anh bị gọi lên phòng làm việc của vị giáo sư dạy văn học Tây Ban Nha. Malcolm sửng sốt; anh không bị cật vấn một câu nào về bài thi hôm trước! Trái lại, vị giáo sư cứ dò hỏi cặn kẽ rằng có thật là Malcolm rất say mê tiểu thuyết trinh thám không? Phân vân một lúc, anh đành thú thực: truyện trinh thám đã giúp anh giữ được sự thăng bằng thần kinh trong suốt những năm theo học tại trường cao đẵng. Vị giáo sư nọ mỉm cười, hỏi tiếp là anh có muốn tiếp tục “giữ thăng bằng thần kinh” theo kiểu đó, mà lại được trả thù lao tử tế không. Dĩ nhiên là Malcolm ưng thuận ngay. Vị giáo sư gọi điện, báo cho ai đó, và ngay ngày hôm ấy, Malcolm đã được tiếp xúc với nhân viên đầu triên trong cơ quan CIA tại bữa cơm chiều hội ngộ.
Ở đây, chẳng có gì đáng lấy làm lạ hết: nhiều vị giáo sư đại học, nhiều viên trưởng khoa và đại diện khác nữa của giới học thuật, lâu nay, vẫn âm thầm đứng ra tuyển mộ người cho CIA trong khắp nước Mỹ.
Sau hai tháng ròng thẩm tra, Malcolm đã được tuyển dụng vào làm việc cho CIA với tư cách là “nhân viên tạm tuyển”, y như 17% những ai có nguyện vọng muốn phục dịch Cục Tình báo Trung ương. Được ít lâu, Malcolm lại phải dự qua một khoá huấn luyện, tuy gọi là đặc biệt, nhưng rất chung chung và hời hợt nữa, rồi mới chính thức được bước chân qua cánh cổng bằng gang, trèo lên những bậc thang gác của toà trụ sở “Hội Văn-Sử Hoa Kỳ”, đánh bạn cùng mụ Russell và tiến sĩ Lappe, trở thành nhân viên thực thụ của cái cơ quan tình báo khổng lồ đó.
Malcolm mỉm cười, ngắm bức tường gian phòng làm việc. Nó đã gợi anh nhớ lại một chiến công đối với tiến sĩ Lappe, đã được anh chuẩn bị rất công phu. Mới “nhập Hội” được ba ngày, Malcolm đã đến nhiệm sở trong bộ áo quần vẫn mặc hồi còn đi học, không vét tông, không cà vạt. Anh cứ giữ lối ăn mặc đó trong suốt một tuần lễ, bỏ ngoài tai mọi lời xì xầm bóng gió của đồng sự, cho mãi đến hôm được tiến sĩ Lappe gọi lên văn phòng, để trao đổi “thân tình trong chốc lát” về vấn đề phép tắc xử thế nơi công sở. Vị “tiến sĩ hội trưởng nhân hậu” tuy đồng ý với Malcolm rằng lề thói quan liêu rất dễ dẫn đến hậu quả là làm cho không khí làm việc trở nên tẻ nhạt và phần nào nặng nề, khó thở, nhưng ông vẫn nhắc khéo cho anh chàng nhân viên dưới quyển rằng: nếu biết tìm cách “trang điểm” cho thật “ưa nhìn”, thì bầu không khí của công sở sẽ trở nên, theo lời tiến sĩ, “chan hoà ánh nắng”, nghĩa là sẽ sáng sủa hơn, tươi tắn thêm và lắm màu lắm vẻ hơn. Malcolm chẳng đáp lại câu nào, sau khi nghe bài thuyết giáo tràng giang đại hải đó. Nhưng sáng hôm sau, anh đã đến sớm hơn thường lệ, ăn mặc chỉnh tề, diện cả com-lê, cà vạt hẳn hoi, và lễ mễ mang theo một cái hộp bằng các tông lớn tướng.
Trước khi lão Walter kịp báo cáo lên với tiến sĩ vào lúc mười giờ về những gì đã xảy ra, Malcolm đã hoàn tất việc trang hoàng cho bức tường dán giấy bồi màu đỏ rực, như xe chữa cháy, ở ngay phía trước bàn làm việc. Choáng váng, tiến sĩ Lappe ngồi im; trong khi đó thì Malcolm, với vẻ mặt hết sức thản nhiên, đã múa may ba tấc lưỡi, cắt nghĩa cho ngài hội trưởng cái phương thức trang điểm rất mực tân kỳ, mà anh mới nghĩ ra, để làm cho bầu không khí nơi làm việc thêm “chan hoà ánh nắng”.
Đúng lúc đó, hai nhân viên phân tích nữa bỗng đẩy cửa bước vào. Họ lên tiếng tán thưởng phương thức trang trí tối tân của Malcolm. Vị “tiến sĩ hội trưởng nhân hậu” không còn biết làm gì khác hơn là rụt rè nhận định rằng có lẽ Malcolm có lý, khi anh ta quyết định đem lại cho gian phòng một vẻ ngoài sáng sủa và tươi tắn; nhưng lối trang trí ấy vị tất đã nên đem phổ biến rộng khắp trong trụ sở Hội. Malcolm liền chớp ngay lấy thời cơ, bày tỏ sự tán thành thành thực với ý kiến sáng suốt của cấp trên. Khi mấy tờ giấy dán tường lại được đem cất lại vào gian nhà kho trên tầng ba, thì bộ com-lê và chiếc cà-vạt của Malcolm cũng lập tức biến mất. Tiến sĩ Lappe cho là hãy nên tỏ ra khôn ngoan: thà cứ nhượng bộ sự gàn dở của một gã nhân viên đơn độc, còn hơn là phải đương đầu với cuộc nổi loạn của toàn bộ đám nhân viên trong Hội.
Malcolm thở phào nhẹ nhõm, rồi bắt tay ngay vào việc miêu tả tiếp phương pháp kinh điển của Jahn Dixon Carra để tạo ra các tình huống “sau những cánh cửa khoá trái”.
Lúc này, Heidegger lại tiếp tục công việc của hắn ta. Tuy vẫn nhớ đến lời khuyên của Malcolm về cách thức cần cư xử với tiến sĩ Lappe, nhưng nghĩ đến chuyện giấu diếm cấp trên điều sai sót mà mình phát giác được, hắn ta lại toát mồ hôi hột. Ngoài ra, hắn còn hiểu rằng nếu tỏ ra tận tâm với công việc và dò tìm được ngọn nguồn của cái sai sót đó, hay ít ra chứng minh được với cấp trên năng lực của mình trong việc xử lý những vấn đề rắc rối, thì cơ hội để phục chức và được cấp trên chiếu cố rõ ràng sẽ tăng thêm gấp bội. Bởi thế, hắn đã phạm phải một sai lầm không thể tha thứ. Thói tự phụ và tâm trạng hoảng hốt (hai khoản ấy mà hội lại với nhau thì bao giờ cũng dẫn đến một kết cục chẳng ra gì!) là ngọn nguồn của tấn bi kịch dưới đây.
Hắn viết một tờ trình ngắn, gửi lên trưởng ban 17. Lời lẽ tuy được cân nhắc đâu ra đấy và đầy vẻ úp mở, nhưng vẫn ám chỉ rất rõ đến cái sai sót, mà hắn vừa mới tâm sự cùng Malcolm. Thông thường, mọi thứ giấy tờ công vụ bao giờ cũng phải trình lên cho tiến sĩ Lappe xem trước, mặc dù lâu nay vẫn hay xảy ra không ít trường hợp ngoại lệ. Giả như Heidegger cũng tuân theo thông lệ ấy, thì mọi chuyện hẳn đã tốt đẹp: ai chứ tiến sĩ Lappe thì đừng hòng được ông cho phép chuyển lên cấp trên những thứ giấy tờ công vụ phê phán các sơ suất này nọ. Thừa hiểu chuyện đó, Heidegger đã tự tay bỏ bản tờ trình vào một chiếc phong bì gửi công văn, dán lại cẩn thận, rồi nhét vào chiếc bao vải đựng các thứ văn kiện cần chuyển đi.
Cơ quan CIA vẫn có hai chiếc ô tô riêng, được vũ trang đầy đủ, chuyên dùng để chở công văn, giấy tờ của các cơ sở trực thuộc, đóng tại Washington và các vùng phụ cận, về Tổng hành dinh, mỗi ngày hai lần, trưa và tối. Tại Langley, cách thủ đô tám dặm, người ta sẽ tiến hành phân loại, và chuyển những thứ ấy đến các địa chỉ cần thiết. Bản tờ trình của Rich đã được chuyển đi vào chuyến trưa, ngay trong ngày, trên một trong hai chiếc xe thư chuyên dùng kia.
Ngay sau khi rời khỏi tay Rich, bản tờ trình đã lập tức trải qua một chuyến phiêu lưu kỳ quặc và rất đỗi dị thường. Cũng như bất cứ thứ giấy tờ nào khác, được chuyển đến và chuyển đi từ “Hội Văn-Sử Hoa Kỳ”, bản tờ trình đã không được đưa thẳng đến bộ phận phân loại, mà lại rơi vào tay một nhân vật mắc chứng suyễn kinh niên, có một căn phòng làm việc rộng thênh thang trong một toà nhà lớn thuộc cánh phía đông của Tổng hành dinh CIA. Ông này đọc bản tờ trình ấy hai lần: lần đầu chỉ lướt qua, lần sau, đọc kỹ từng dòng một. Rồi ông ta rời ngay phòng làm việc, cho thi hành những biện pháp khẩn cấp nhằm huỷ hết tất cả các “khoản” cùng những hồ sơ lưu trữ, liên quan cả đến công việc, lẫn những nhân viên của Hội, có dính dáng đến câu chuyện được nêu trong bản tờ trình của Heidegger. Xong ông ta lại hối hả quay ngay về phòng làm việc, gọi dây nói, hẹn gặp ai đó tại một cuộc triển lãm nghệ thuật tạo hình, đang được tổ chức tại thủ đô lúc bấy giờ. Kế đó, ông ta cáo ốm, rồi lên xe buýt, về Washington. Đến nơi, ông ta đã trò chuyện hết sức sôi nổi với một nhân vật tướng mạo rất đường bệ, chắc hẳn là một chủ nhà băng có thế lực. Cuộc trò chuyện giữa hai người diễn ra trong lúc họ đi tản bộ dọc đại lộ Pennsylvania.
Ngay tối hôm đó, nhân vật có vẻ ngoài đường bệ ấy đã tức tốc hẹn gặp một người nữa. Cuộc “hội ngộ” lần này diễn ra tại một quán rượu huyên náo, khách khứa ra vào chen chân không lọt, tên là Clyde, nằm trong quận Georgetown, nơi mà dân cư sinh sống quanh Đồi Capital thường tụ tập. Sau đó, hai người cũng đã đi dạo. Chốc chốc, họ lại dừng chân để ngắm bóng mình in hình trong các tủ kính bán hàng. Nhân vật thứ hai này vẻ ngoài trông cũng rất mực chững chạc, nhưng xem ra có thể nói chắc đó là một người “dễ gây ấn tượng mạnh”, mà không sợ mang tiếng quá lời. Ánh mắt anh ta ẩn hiện một nét gì đó, khiến không ai nghĩ rằng anh ta là một chủ nhà băng. Lúc này, anh ta chăm chú lắng nghe những điều nhân vật có vẻ ngoài đường bệ đang nói.
- Tôi sợ cánh mình sắp vướng vào một chuyện lôi thôi to.
- Thật thế ư?
- Thật chứ. Waserby vừa hay được tin trưa nay. – Rồi ông ta vắn tắt kể lại nội dung bản tờ trình của Heidegger.
Nhân vật có vẻ ngoài dễ gây ấn tượng chỉ liếc mắt đọc qua một lần mảnh giấy của gã thủ thư kiêm kế toán.
- Tôi hiểu ngài muốn nói đến chuyện gì rồi.
- Tôi biết là anh sẽ hiểu ngay tức khắc. Ta phải tính liệu mọi đường thôi; mà phải làm gấp đi, không được trì hoãn mới ổn.
- Tôi sẽ cho thi hành ngay mọi biện pháp cần thiết ạ.
- Dĩ nhiên.
- Ngoài ra, - người thứ hai nói tiếp, vừa huơ huơ bản tờ trình trước mặt, - ngài nên hiểu là ta còn phải tính liệu cả đến những chuyện lôi thôi khác, có thể sẽ nảy sinh tiếp theo sau đó.
- Ồ, dĩ nhiên. Tôi rất lấy làm tiếc, nhưng chẳng còn cách nào khác cả.
Người thứ hai gật gù ra dáng thông cảm, để tỏ ý tán thành, rồi ngước nhìn người kia, chờ nghe tiếp.
- Ta phải tin chắc, tin chắc mười mươi rằng thế nào ta cũng sẽ vướng phải những chuyện lôi thôi kia.
Người thứ hai lại gật đầu, chờ nghe tiếp.
- Còn khoản này nữa. Đó là sự khẩn trương. Ở đây, thời gian là nhân tố cực kỳ quan trọng. Vì thế, anh hãy xuất phát từ tiền đề đó mà hành động.
Người thứ hai ngẫm nghĩ một lát, rồi lên tiếng:
- Vội vã quá có thể đưa đến…, những hành động hấp tấp và sai lầm.
Người thứ nhất trao cho anh ta chiếc cặp đựng những hồ sơ “đã được thủ tiêu”, moi ra từ tủ lưu trữ của “Hội Văn-Sử Hoa Kỳ”, rồi nói tiếp:
- Hãy làm những gì mà nghĩa vụ đòi hỏi ở anh.
Nói xong, họ vội chia tay ngay, gần như chỉ kịp gật đầu chào. Người thứ nhất đi bộ qua bốn dãy phố, rồi rẽ vào một góc đường, trước khi lên tắc xi. Ông ta hài lòng vì đã ngã ngũ được với nhân vật kia. Còn người thứ hai thì đứng nhìn theo bóng ông bạn một hồi lâu, rồi mắt vẫn chăm chú quan sát khách qua đường, chờ thêm dăm ba phút nữa, lại quay về cái quán rượu ban nãy, gọi dây nói cho ai đó.
Khuya hôm ấy, vào lúc 3 giờ 15 phút, Heidegger đẩy then cửa lúc nghe thấy có tiếng gọi giật giọng, tựa như tiếng cảnh sát. Nhưng đến khi mở cửa ra, hắn lại thấy hai người đàn ông, mặc thường phục, mỉm miệng cười với mình. Một người dáng cao lênh khênh và gầy gò. Còn người kia thì tướng mạo rất dễ gây ấn tượng, nhưng có thể nói dứt khoát anh ta không phải là chủ nhà băng, nếu bạn nhìn thẳng vào mắt anh ta.
Cả hai bước vào, rồi với tay, đóng sập ngay cửa lại.