Chương 37
Chu Ân Lai mà người căm ghét, hãm hại: mãi mãi sống trong lòng trăm họ! Lũ bốn tên mà người tin cậy, bảo vệ: nhân dân rủa bây chết sớm đi!

9 giờ 57 phút ngày 8-1-1976, Chu Ân Lai qua đời, nhà cầm quyền công bố thành lập Ban lễ tang gồm 107 thành viên, trong đó có Mao Trạch Đông, Vương Hồng Văn, Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình, Chu Đức… Tuy nhiên, qui cách lễ tang đã bị hạ thấp, với việc lễ vĩnh biệt thi thể lẽ ra phải tổ chức ở Nhà Quốc hội, thì lại làm tại nhà tang lễ bệnh viện Bắc Kinh (mặc dù đây không phải nơi Chu qua đời), việc rắc tro hài cốt được thực hiện trên chiếc máy bay An-2 cũ kỹ chuyên dùng phun thuốc trừ sâu cất cánh từ một sân bay cấp huyện, Mao không dự lễ truy điệu v.v… Tuy nhiên, tình cảm sâu nặng của người dân đối với vị Thủ tướng của họ vượt xa ý muốn của Mao. Hàng triệu người đã tự động đứng hai bên đường tiễn biệt ông từ bệnh viện tới nơi hoả táng. Nhiều cán bộ và dân chúng tự đeo băng đen hoặc hoa trắng để tang ông. Nhiều người cảm thấy như đất dưới chân mình sụt xuống.
 
Chu Ân Lai sau khi từ trần thanh danh nổi như cồn, trở thành ngọn cờ để toàn đảng, toàn quân, toàn dân đấu tranh tẩy chay âm mưu gia đình trị của Mao.
 
Ở Bắc Kinh, nhà cầm quyền cấm các đơn vị lập bàn thờ Chu, quần chúng liền phát hiện Đài liệt sĩ trên Quảng trường Thiên An Môn là nơi tưởng niệm lý tưởng nhất. Ngày 19-3, học sinh Trường Tiểu trọc Ngưu Phòng khu Triệu Dương đặt vòng hoa đầu tiên trên Đài liệt sĩ tưởng niệm Thủ tướng Chu. Những ngày tiếp theo, số vòng hoa ngày càng nhiều. Công nhân nhà máy cơ khí hạng nặng Bắc Kinh dùng cần cẩu đưa đến quảng trường một vòng hoa “xé không rách, lay không chuyển” làm bằng thép. Công nhân viên chức Nhà máy 109 thuộc Viện Khoa học Trung Quốc dựng ở phía sau Đài liệt sĩ 4 tấm bia thép lớn, mang 4 dòng chữ chĩa mũi nhọn vào “lũ bốn tên”:
Hồng tâm dĩ kết thắng lợi quả
Bích huyết tái khai cách mạng hoa
Thảng hữu yêu ma phún độc hoả
Tự hữu cầm yêu đả quỷ nhân
(Tạm dịch nghĩa: Trái tim đỏ làm nên thắng lợi, máu đào lại nở hoa cách mạng.
Nếu có yêu ma phun lửa độc, tất có người bắt quỷ, trừ ma).
 
4-4 là tiết thanh minh, tuy có lệnh cấm của chính quyền thành phố, 2 triệu lượt người đã kéo đến Quảng trường Thiên An Môn tưởng nhớ ông Chu, trong đó có đội ngũ trên 1000 công nhân viên chức Nhà máy đồng hồ Thanh Vân, hơn 3.000 công nhân Nhà máy điện cơ Thự Quang. Theo thống kê của Cục Công an Bắc Kinh, riêng ngày 4-4 trên 1.400 đơn vị tham gia tưởng niệm, với 2.073 vòng hoa được đặt quanh Đài liệt sĩ, và vô số thơ, lời điếu, trong đó có 48 vụ “công kích ác độc Mao Chủ tịch và Trung ương Đảng”.
 
Tối 4-4, Vương Hồng Văn chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, cho rằng vụ Thiên An Môn là sự kiện phản cách mạng đứng sau là Đặng Tiểu Bình. quyết định dọn sạch Quảng trường Thiên An Môn, bắt phản cách mạng, tổ chức chiến dịch tố cáo âm mưu của kẻ thù trong cả nước. Khi thảo luận việc tước hết các chức vụ và khai trừ đảng tịch của Đặng, Chu Đức và Diệp Kiếm Anh bỏ ra về, Lý Tiên Niệm im lặng, Hoa Quốc Phong, Trần Tích Liên, Ngô Đức… đề nghị thỉnh thị Mao.
 
Nghe Mao Viễn Tân báo cáo tình hình, Mao Trạch Đông nói:
- “Như vậy là họ nã súng vào tôi, tưởng nhớ Thủ tướng, hỏi tội Giang Thanh và Trương Xuân Kiều, tóm lại là muốn lật đổ Đại cách mạng văn hoá”
 
Chống Chu, phê Đặng, Mao không ngờ lại dẫn đến kết quả này. Mao quá tín vào quyền uy của mình. Sau sự kiện 13-9, chính vì Mao dựa vào Chu, sử dụng Đặng, toàn đảng, toàn quân và toàn dân mới tiếp tục ủng hộ ông ta. Nay Mao bỏ rơi hai người này, định chuyển giao quyền lực cho Giang Thanh, thì toàn đảng toàn quân và toàn dân đều quay lưng lại.
 
Mao quyết tâm làm theo ý mình cho đến cùng, phê chuẩn đàn áp quần chúng trước Thiên An Môn. 9 giờ 35 phút sáng 5-4, 5 tiểu đoàn cảnh vệ, 3.000 công an, 10.000 dân quân ra tay đàn áp, bắt tại chỗ 38 người, phá huỷ các vòng hoa. Kể cả trước và sau ngày 5-4, có 388 người bị bắt. Sáng 7-5, nằm trên giường bệnh, Mao chỉ thị:
- Tước mọi chức vụ của Đặng Tiểu Bình, giữ lại đảng tịch, Hoa Quốc Phong làm Thủ tướng kiêm Phó Chủ tịch thứ nhất ĐCSTQ.
 
Mao dặn thêm khi họp Bộ Chính trị chính thức thông qua quyết định trên, không báo Đặng Tiểu Bình, Diệp Kiếm Anh và Tô Chấn Hoa đến họp, để đảm bảo nghị quyết được nhất trí thông qua.
 
Ngày 15-6-1976, trong lúc bệnh tỉnh ngày càng nặng, Mao gọi Giang Thanh, Hoa Quốc Phong, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Uông Đông Hưng, Vương Hải Dung đến nói:
- Đời ta làm hai việc. Một là đấu tranh với Tưởng Giới Thạch mấy chục năm, đuổi Tưởng ra hải đảo; kháng chiến 8 năm, mời người Nhật về nước; đánh đến Bắc Kinh, vào Tử cấm thành. Về việc này, số người có ý kiến khác không nhiều, chỉ có vài người muốn ta sớm thu hồi mấy hòn đảo đó. Việc thứ hai là phát động Đại cách mạng văn hoá, người ủng hộ không nhiều người phản đối không ít. Cả hai việc trên đều chưa kết thúc, di sản này trao lại cho thế hệ sau. Trao lại như thế nào? Không trao được trong hoà bình thì trao trong rối ren, làm không tốt là biển máu. Các người làm ra sao? Có trời biết được.
 
Khi nói những câu trên, đầu óc Mao hoàn toàn tỉnh táo. Ông ta tổng kết cuộc đời mình, nói đã làm hai việc, một là đánh bại Tưởng Giới Thạch, đuổi người Nhật về nước; hai là phát động Đại cách mạng văn hoá. Có nghĩa là trong 17 năm từ 1949 đến 1965, ông ta chẳng làm gì cả. Ông ta đổ mọi sai lầm trong thời kỳ đó lên đầu Lưu Thiếu Kỳ, từ ba cuộc cải tạo lớn đến Đại tiến vọt, chết đói 37,55 triệu người, thiệt hại 120 tỉ NDT.
 
Nói một cách thực sự cầu thị, từ năm 1953, Mao đã thực hiện đường lối sai lầm “tả” khuynh với đặc trưng chủ nghĩa xã hội không tưởng, đường lôi sai lầm này gây thiệt hại nhiều so với đường lối Lý Lập Tam và Vương Minh. Sai lầm của Lý và Vương chỉ gây thất bại cục bộ, mất vài vạn quân, mất căn cứ địa trong vài huyện, còn sai lầm của Mao làm chết đói 37,55 triệu người. Một lãnh tụ đảng luôn miệng nói giải phóng nhân dân, phục vụ nhân dân, mang lại hạnh phúc cho nhân dân phạm tội ác lớn như vậy, mà lại cự tuyệt nhận sai lầm, không từ chức, lại phát động Đại cách mạng văn hoá, cách chức, đánh đổ, thậm chí dồn vào chỗ chết khoảng trên 80% đảng viên cộng sản chính trực, những người không tán thành cách làm tuỳ tiện của Mao từng có ý kiến bất đồng với ông ta. Nó tàn khốc, vô tình gấp bao nhiêu lần so với đường lối Vương Minh. Nếu đường lối sai lầm “tả” khuynh của Mao không chiếm vị trí chủ đạo, không có việc phê phán Lưu Thiếu Kỳ “xác lập trật tự xã hội dân chủ mới” năm 1953, không có việc chống Chu Ân Lai hữu khuynh năm 1958, không có Công xã hoá và 3 năm Đại tiến vọt, không có cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh Bành Đức Hoài, thì sẽ không gây ra thảm án lớn chưa từng có làm chết đói 37,55 triệu người. Mao Trạch Đông kéo Đảng cộng sản và nhân dân Trung Quốc theo ông ta vật vã trong 1/4 thế kỷ, đến năm 1978 lại quay về chủ nghĩa dân chủ mới, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc đến lúc này mới đi vào quỹ đạo dân chủ mới. Đại diện đường lối đúng đắn của Đảng trong thời kỳ xây dựng phải là những nhà lãnh đạo đã kiên trì đường lối Đại hội 8 Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, Trần Vân. Công cuộc cải cách-mở cửa hiện nay đã kế thừa và phát trên đường lối đúng đắn đó.