Dịch giả: Đặng Ngọc Long
- 12 -

51

 
Gió thổi căng chiếc váy trắng. Dôia lên boong thượng, đi về phía buồng vô tuyến điện báo. Ả nheo mắt hít thở bầu không khí mằn mặn. Bên trên, đứng từ cầu chỉ huy mà nhìn, ánh nắng tưởng như vô tận tỏa xuống mặt biển lóng lánh tựa pha lê.
Dôia bám vào tay vịn, ngắm nhìn mãi không chán mắt. Chiếc du thuyền thân hẹp lao băng băng giữa cảnh gió nước mênh mông.
Tất cả quá khứ đen tối và u ám của Dôia như bị đẩy lùi lại, như tan đi trong làn ánh nắng này.
"Ta tươi trẻ, ta trẻ trung, - Ả cảm thấy như vậy lúc đứng trên boong thượng tràn ngập ánh nắng, - Ta xinh đẹp, ta tốt bụng biết bao".
Gió vuốt ve cổ ả, mặt ả. Ả hân hoan mong được hưởng hạnh phúc. Tuy chưa đủ sức rời khỏi ánh sáng, bầu trời, biển cả, ả vẫn xoay nắm đắm cửa lạnh lẽo, đi vào cái buồng con lắp kính trong suốt, nơi rèm che được buông xuống ở phía ánh nắng chiếu vào. Ả cầm lấy ống nghe, chống khuỷu tay lên bàn, lấy bàn tay che mắt.
Chuông đồng hồ lanh canh điểm 12 tiếng. Mới có ba phút kể từ khi ả đứng dậy khỏi chiếc ghế bành dưới lớp mái che.
Ả đặt tay lên cần gạt, đẩy sang bên trái, vặn máy theo làn sóng ba mươi bảy mét rưỡi. Từ khoảng trống đen sẫm của ống nghe bỗng vang lên giọng nói sẵng và chầm chậm của Rôlinh:
- Bà Lamôlơ, bà Lamôlơ, bà Lamôlơ... Hãy chú ý lắng nghe, hãy chú ý lắng nghe...
- Vâng, tôi nghe đây, cứ yên tâm, - Dôia thầm thì.
- Tình hình chỗ bà tốt đẹp cả chứ? Có bị giông bão gì không? Có thiếu thốn gì không? Hôm nay, cũng vào giờ như thường lệ, tôi sẽ rất sung sướng được nghe thấy giọng nói của bà... Bà hãy sử dụng làn sóng như mọi khi... Bà Lamôlơ, bà đừng đi xa quá khu vực mười một độ kinh Đông và bốn mươi độ vĩ Bắc. Không loại trừ khả năng gặp gỡ trong thời gian sắp tới. Mọi việc của chúng tôi đều ổn. Công việc rất tốt đẹp. Con người cần im lặng vẫn im lặng. Cứ yên tâm và hãy sống hạnh phúc, mọi chuyện đều thuận lợi...
Dôia gỡ ống nghe ra. Một nếp nhăn hằn ngang trán ả. Ả nhìn kim đồng hồ và rít răng nói: "Ớn lắm rồi!" Những lời tỏ tình hàng ngày qua làn sóng điện này khiến ả hết sức bực tức. Rôlinh không thể, không muốn để ả được yên.... Y sẵn sàng phạm bất kỳ tội ác nào, miễn là ả cho phép y hàng ngày rên rỉ vào micrô: "... Cứ yên tâm và hãy sống hạnh phúc, mọi chuyện đều thuận lợi".
 

52

 
Sau những vụ giết người ở Vinlơ Đavrê và Phôngtenơblô và sau chuyến đi hối hả cùng Garin trên những con đường cái vắng vẻ ngập ánh trăng để tới Havrơ[1], Dôia và Rôlinh không gặp nhau nữa. Y đã bắn về phía ả vào đêm đó, đã toan lăng nhục ả, nhưng rồi y im lặng. Hình như lúc ấy y còn cúi gục trong xe mà thầm khóc nữa.
Đến Havrơ, ả lên chiếc du thuyền "Aridôna" của Rôlinh và lúc rạng đông thì ra đến ngoài vịnh Bixcai. Ở Lixbon[2], ả nhận được giấy tờ mang tên bà Lamôlơ và trở thành chủ nhân của một trong những chiếc du thuyền lộng lẫy nhất phương Tây. Từ Lixbon, ả đi đến Địa Trung Hải và tại đây, chiếc "Aridôna" lênh đênh ven bờ biển nước Ý, luôn luôn ở trong khu vực mười một độ kinh Đông và bốn mươi độ vĩ Bắc.
Mối liên lạc được thiết lập ngay giữa du thuyền và đài phát sóng riêng của Rôlinh ở Mêđông, ngoại ô Pari. Thuyền trưởng Gianxen thường xuyên báo cáo cho Rôlinh về mọi chi tiết của chuyến viễn du. Rôlinh hàng ngày liên lạc với Dôia. Tối nào ả cũng thông báo cho y về "tâm trạng" của ả. Đã mười ngày trôi qua trong cảnh đơn điệu như vậy và giờ đây, thiết bị vô tuyến trên chiếc "Aridôna", sau khi sục sạo trong không gian, đã bắt được những làn sóng ngắn của một thứ tiếng khó hiểu. Người ta báo cho Dôia biết, và ả nghe thấy một tiếng nói khiến tim ả lặng đi.
- Dôia, Dôia, Dôia, Dôia...
Giọng Garin vang lên trong ống nghe như một con ruồi lớn đập cánh vào cửa kính. Y nhắc đi nhắc lại tên ả và cứ cách quãng lại nói:
- Hãy trả lời trong khoảng từ một đến ba giờ đêm.
Rồi lại:
-... Dôia, Dôia, Dôia... Hãy thận trọng, hãy thận trọng...
Ngay đêm đó, những làn sóng điện bay lướt trên mặt biển tối sẫm, lướt trên châu Âu đang ngủ và những đống tro tàn cổ kính của Tiểu Á, lướt trên những bình nguyên châu Phi đầy cây cối khô héo để mang đi một giọng phụ nữ:
... Gửi đến người yêu cầu trả lời trong khoảng từ một đến ba giờ đêm...
Dôia nhắc đi nhắc lại lời nhắn gọi này nhiều lần. Rồi ả nói tiếp:
-... Em muốn gặp anh. Dù đó là một việc phi lý chăng nữa. Hãy hẹn đến bất kỳ một cảng nào của Ý. Không cần gọi đúng tên em, em sẽ nhận ra giọng nói của anh...
Ngay đêm đó, ngay phút đó, khi Dôia kiên nhẫn nhắc đi nhắc lại lời nhắn gọi, hy vọng rằng ở một nơi nào đó tại châu Âu, châu Á, châu Phi, Garin cũng đang dò tìm những làn sóng điện của chiếc "Aridôna" thì cách đấy hai nghìn cây số, ở Pari, trên cái bàn con kê cạnh chiếc giường mà Rôlinh đang nằm, kéo chăn đến tận mũi và sắp sửa ngủ, chuông điện thoại bỗng reo vang. Rôlinh chồm dậy cầm lấy ống nghe. Giọng Xêmiônốp vội vã báo:
- Ngài Rôlinh, bà ấy đang nói chuyện.
- Nói chuyện với ai?
- Tôi không nghe rõ lắm, không thấy nêu tên.
- Được, ông cứ nghe tiếp đi. Ngày mai báo cáo cho tôi biết.
Rôlinh treo ống nghe lên, lại nằm xuống, nhưng không thể ngủ được nữa.
Nhiệm vụ thật khó khăn: giữa những tiếng nhạc phốcxtơrốt, giữa những lời quảng cáo ầm ĩ, giữa những bài thánh ca nhà thờ, giữa những bản báo cáo về nền chính trị quốc tế, giữa những vở nhạc kịch, giao hưởng, tin tức về thị trường chứng khoán và những câu đùa cợt của các nghệ sĩ hài hước nổi tiếng, giữa tất cả những âm thanh lan tràn khắp châu Âu như một trận cuồng phong ấy, phải bắt cho được giọng nói yếu ớt của Dôia.
Để làm việc đó, Xêmiônốp suốt ngày đêm ngồi ở Mêđông. Gã đã thu được vài câu nói của Dôia. Nhưng chỉ như vậy thôi cũng đã đủ khơi dậy trí tưởng tượng ghen tuông của Rôlinh.
Y cảm thấy mình thật đáng khinh bỉ sau cái đêm ở Phôngtenơblô. Senga sống sót, mối nguy hiểm đáng sợ lơ lửng trên đầu y. Y phải ký thỏa ước với Garin, một kẻ mà y sẽ sung sướng được treo cổ lên cành cây như treo cổ một gã da đen. Có lẽ, Rôlinh sẽ tỏ ra bướng bỉnh vào lúc ấy - thà chết, thà lên máy chém còn hơn liên minh với một kẻ như thế, nhưng ý chí của y đã bị Dôia làm suy sụp. Bằng cách thỏa thuận với Garin, y đã tranh thủ được thời gian, và biết đâu, mụ đàn bà điên rồ kia sẽ nghĩ lại, sẽ hối hận, sẽ trở về với y... Y đặt một trong những điều kiện của bản thỏa ước là Dôia sẽ lên du thuyền đi du lịch một thời gian dài (Điều đó cần thiết để xóa sạch dấu vết). Y hy vọng sẽ thuyết phục, cảnh tỉnh, lôi kéo được ả bằng những cuộc trò chuyện hàng ngày qua đài phát sóng. Có lẽ, niềm hy vọng đó là chuyện ngu ngốc tệ hại nhất trong đời Rôlinh.
Theo thỏa thuận với Garin, Rôlinh lập tức bắt đầu "cuộc tổng tiến công trên mặt trận hóa học". Ngay hôm Dôia lên chiếc du thuyền ở Havrơ, Rôlinh đáp tàu hỏa trở về Pari. Y báo cho cảnh sát là y đã đến Havrơ và ban đêm, trên đường trở về, y bị một toán cướp tiến công (ba tên bịt kín mặt). Chúng cướp tiền và ô tô của y. (Trong lúc ấy, theo ước định với nhau, Garin phóng xe từ phía Tây sang phía Đông nước Pháp, vượt qua biên giới ở Lúcxămbua và dìm chiếc xe của Rôlinh xuống ngay con kênh đào đầu tiên mà y gặp).
"Cuộc tiến công trên mặt trận hóa học" mở màn. Báo chí Pari bắt đầu một chiến dịch gây náo động chưa từng thấy. "Tấn bi kịch bí ẩn ở Vinlơ Đavrê", "Cuộc tiến công bí hiểm vào một người Nga trong công viên Phôngtenơblô", "Vụ ăn cướp trắng trợn của ông vua hóa học", "Hàng tỷ đô la Mỹ ở châu Âu", "Sự diệt vong của nền kỹ nghệ quốc gia Đức", "Rôlinh hoặc Mátxcơva". Tất cả những chuyện ấy được làm rối tung lên một cách thông minh và khéo léo thành một mớ bòng bong mắc nghẽn ở cổ họng bọn người hủ lậu vốn là những kẻ cầm giữ các giá trị. Thị trường chứng khoán rung chuyển tận gốc. Giữa những hàng cột xám xịt của nó, cạnh các tấm bảng đen, nơi những bàn tay mắc chứng kinh giật đã dùng phấn viết viết xóa xóa các con số của những tờ chứng khoán đang mất giá, là những con người đã phát rồ đang lồng lộn, gào thét, mắt chực nổ tung, miệng sủi bọt màu nâu.
Nhưng những kẻ đó chỉ là lũ tép riu, và tất cả những chuyện đó chẳng có ý nghĩa lắm. Những nhà công nghiệp kếch sù và chủ ngân hàng lớn nghiến chặt răng giữ lấy những tập cổ phiếu. Không dễ gì mà đè bẹp họ dù có bằng đôi sừng của Rôlinh chăng nữa.
Đòn giáng từ phía Garin đang được chuẩn bị chính là để thực hiện chiến dịch quan trọng nhất này.
Đúng như Senga dự đoán, Garin đang ráo riết chế tạo ở Đức một bộ máy theo mẫu của y. Y đi hết thành phố này đến thành phố khác để đặt các nhà máy sản xuất các bộ phận khác nhau. Để liên lạc với Pari, y sử dụng mục tin riêng trong tờ báo xuất bản tại Côlônhơ. Về phần mình, Rôlinh thỉnh thoảng lại đăng trong một tờ báo lá cải ở Pari vài ba dòng chữ: "Hãy lập tức chú ý vào chất analin, "Mỗi ngày đều đáng giá, đừng tiếc tiền...", v. v...
Garin trả lời: "Tôi sẽ hoàn thành sớm hơn dự định...", "Đã tìm được địa điểm...", "Tôi đang bắt tay vào việc...", "Một chuyện mắc míu không lường trước..."
Rôlinh: "Tôi rất lo lắng, hãy định ngày đi..."
Garin trả lời: "Hãy đếm đến ba mươi lăm kể từ ngày ký thỏa thuận".
Áng chừng vào quãng thời gian ấy, Rôlinh nhận được tin báo bằng điện thoại của Xêmiônốp vào ban đêm. Y giận điên lên - người ta dám xỏ mũi y. Những mối liên lạc bí mật với chiếc "Aridôna", ngoài mọi hậu quả khác, còn nguy hiểm nữa. Nhưng y không để lộ ý đồ của mình, dù chỉ là một lời, khi nói chuyện với bà Lamôlơ ngày hôm sau.
Giờ đây, trong lúc mất ngủ, y bắt đầu "ngẫm nghĩ" một lần nữa "ván cờ" của mình với kẻ thù hết sức nguy hiểm kia. Y thấy mình sai lầm. Hóa ra Garin không được "bảo vệ" chu đáo lắm. Sai lầm của y là ở chỗ đã đồng ý cho Dôia đi du lịch - kết cục ván cờ đã được quyết định trước đối với y rồi. Nước "chiếu hết" sẽ thực hiện trên chiếc "Aridôna".

 

53

 
Nhưng trên chiếc "Aridôna", tình hình diễn ra không hoàn toàn như Rôlinh nghĩ. Y nhớ Dôia là một phụ nữ thông minh, bình tĩnh, tính toán, lạnh lùng và trung thành. Y biết ả rất khinh bỉ đối với những nhược điểm của nữ giới. Y không thể cho phép kéo dài việc ả mê đắm cái gã lang thang không một xu dính túi kia, cái tên kẻ cướp Garin kia. Một cuộc du ngoạn thoải mái trên Địa Trung hải nhất định sẽ làm đầu óc ả tỉnh táo ra.
Dôia quả thật như trong cơn mê khi ả bước lên du thuyền ở Havrơ. Vài ngày cô độc giữa biển cả đã làm ả bình tĩnh lại. Ả thức dậy, nói năng, ăn uống và ngủ thiếp đi dưới bầu trời trong xanh, giữa cảnh mây nước rực rỡ và trong tiếng sóng êm đềm vỗ bất tận. Ả rùng mình vì ghê tởm khi nhớ lại căn phòng bẩn thỉu và xác Lơnoa nhe răng ra, mắt trắng dã, nhớ lại dải khói ngùn ngụt chạy ngang ngực Mỏ Vịt, quãng rừng thưa ẩm ướt ở Phôngtenơblô và mấy phát súng bất ngờ của Rôlinh, dường như y giết một con chó dại.
Nhưng đầu óc ả không tỉnh táo ra như Rôlinh hi vọng. Cả lúc tỉnh lẫn lúc mơ, ả như nhìn thấy những hòn đảo tuyệt đẹp nào đấy cùng những lâu đài bằng đá hoa có các bậc thang chạy dài xuống biển. Ả như nhìn thấy những đám người xinh đẹp, nghe thấy tiếng nhạc du dương, trông thấy những lá cờ bay phần phật... Và ả là chúa tể của cái thế giới kỳ ảo này...
Những giấc mơ và những hình ảnh tưởng tượng của ả khi ả ngồi trong chiếc ghế bành dưới lớp mái che màu xanh ấy là sự tiếp nối cuộc trò chuyện với Garin ở Vinlơ Đavrê (một giờ trước khi xảy ra vụ tàn sát). Lúc này, Garin là người duy nhất trên thế giới có thể hiểu được ả. Nhưng gắn liền với y lại là cặp mắt trắng dã của Lơnoa và cái mồm há hốc khủng khiếp của Gaxtông Mỏ Vịt.
Chính vì thế mà tim Dôia như lặng đi khi ả bất ngờ nghe thấy giọng Garin trên làn sóng điện... Từ khi ấy, ngày nào ả cũng kêu gọi y, van xin y, đe dọa y. Ả vừa muốn gặp y lại vừa sợ gặp y. Ả mơ thấy y là một vệt đen ngòm trên nền trời biển xanh thẳm... Ả cần kể cho y nghe về những cảnh mơ mơ thực thực ấy. Ả cần hỏi y xem vòng đai Ôlivin của y ở đâu? Ả lồng lộn đi lại trên du thuyền, làm thuyền trưởng Gianxen và viên thuyền phó khiếp đảm.
Garin trả lời:
- Em hãy đợi một chút. Tất cả những gì em muốn rồi em sẽ có. Chỉ có điều là hãy biết ham muốn. Em cứ mong muốn đi, cứ phát điên đi - như vậy càng tốt. Anh cần em là một phụ nữ như vậy. Không có em, trái tim anh sẽ mất hết sức sống.
Đó là buổi liên lạc mới nhất của y qua làn sóng điện mà Rôlinh đã bắt được. Hôm nay, Dôia đợi Garin trả lời cho câu hỏi của ả là phải đợi y trên du thuyền đích xác là vào ngày nào. Ả bước lên boong và tì khuỷu tay vào lan can, những làn hơi của dải đất chưa nhìn thấy bốc lên mờ mờ và cột khói xám xám như bất động bên trên ngọn núi lửa Vêduyvơ.
Trên cầu chỉ huy, thuyền trưởng Gianxen buông bàn tay cầm chiếc ống nhòm xuống, và Dôia cảm thấy ông ta đang mê mẩn nhìn ả. Làm sao ông ta không nhìn ả cho được khi tất cả những cảnh trời nước tuyệt đẹp kia được tạo ra chỉ để bà Lamôlơ đứng bên lan can, trên vực thẳm xanh thẳm, ngắm nghía chúng.
- Ông lại gần đây, ông Gianxen.
Gianxen sải bước trên boong thuyền nóng hầm hập, nhẹ nhàng tiến lại gần.
- Ông Gianxen, ông không nghĩ rằng tôi là kẻ điên rồ chứ?
- Tôi không nghĩ thế, bà Lamôlơ ạ, và tôi sẽ không nghĩ như vậy, dù bà có ra lệnh gì cho tôi chăng nữa.
- Cảm ơn ông, tôi phong ông làm đội trưởng đội vệ binh danh dự của nữ thần Dôia.
Gianxen hấp háy hàng mi nhạt màu, đưa tay lên mũ chào. Rồi bỏ tay xuống, lại hấp háy hàng mi lần nữa. Dôia bật cười, và đôi môi của Gianxen cũng nở một nụ cười.
- Ông Gianxen, hiện nay có khả năng thực hiện những mong muốn ngông cuồng nhất... Có khả năng thực hiện tất cả những gì mà một người phụ nữ có thể nghĩ ra vào một trưa nóng nực như thế này... Nhưng sẽ phải chiến đấu đấy...
- Xin tuân lệnh, - Gianxen trả lời ngắn gọn.
- Tốc độ của chiếc "Aridôna" là bao nhiêu?
- Gần bốn mươi hải lý một giờ.
- Những loại tàu nào có thể đuổi kịp nó ở ngoài khơi?
- Rất ít tàu có thể đuổi kịp được...
- Có lẽ chúng ta sẽ phải chịu một cuộc đuổi bắt lâu đấy.
- Bà ra lệnh dự trữ thật đầy đủ nhiên liệu lỏng?
- Đúng thế. Và cả nước ngọt, đồ hộp, rượu sâm banh nữa. Ông Gianxen ạ, chúng ta sẽ làm một công việc rất nguy hiểm.
- Xin tuân lệnh.
- Nhưng Gianxen ạ, tôi tin vào thắng lợi.
Đồng hồ điểm mười hai giờ rưỡi... Dôia bước vào buồng vô tuyến điện báo, ngồi xuống bên máy. Ả chạm tay vào cần máy thu. Từ đâu đó vang lên vài nhịp phốcxtơrốt.
Ả nhíu mày nhìn đồng hồ. Garin vẫn im lặng. Ả lại đẩy cần máy, cố giữ cho các ngón tay khỏi run rẩy.
... Một giọng xa lạ, chậm rãi, nói bằng tiếng Nga vào tận tại.
"... Nếu bà yêu quí cuộc sống... hãy lên bờ ở Naplơ vào thứ sáu... hãy đợi tin tức ở khách sạn "Xplenđiđơ" cho tới trưa thứ bảy".
Đấy là đoạn cuối của một câu gì đó được phát đi trên làn sóng bốn trăm hai mươi mốt mét, loại làn sóng mà Garin thường xuyên sử dụng suốt thời gian đó.

 

54

 
Trong căn phòng Senga nằm, suốt ba đêm liền, người ta quên đóng cửa chớp. Lần nào anh cũng nhắc cô y tá thuộc dòng tu Cácmêlita về việc đó. Anh chăm chú theo dõi để chiếc chốt nối hai cánh cửa chớp phải cài chặt lại.
Trong ba tuần qua, anh đã bình phục nhiều. Anh đã có thể trở dậy và tới ngồi bên cửa sổ, gần những cành ngô đồng rậm rạp hơn, gần lũ sáo đen hơn, gần đám bụi nước lấp lánh như cầu vồng giữa bãi cỏ hơn.
Từ đây, anh nhìn thấy toàn bộ khu vườn nhỏ bé của bệnh viện có dãy tường đá bao quanh. Vào thế kỷ mười tám, nơi này thuộc một tu viện đã bị cách mạng phá hủy. Các tu sĩ không ưa những con mắt tò mò. Tường cao, và trên thành tường lởm chởm những mảnh thủy tinh sáng lấp lánh.
Chỉ có thể trèo qua bức tường này bằng cách dùng thang. Những phố nhỏ giáp với bệnh viện thì tĩnh mịch và vắng vẻ, nhưng đèn đường lại quá sáng, vả lại rất hay nghe thấy tiếng chân cảnh sát vang lên bên kia tường, giữa không khí tĩnh mịch, do đó vấn đề dùng thang bị loại bỏ.
Dĩ nhiên, nếu không có những mảnh kính vỡ gắn trên bờ tường thì một người lanh lẹn có thể không cần thang vẫn leo qua được. Sáng nào Senga cũng từ sau cửa sổ quan sát toàn bộ bức tường cho đến từng viên đá nhỏ. Mối nguy hiểm chỉ đe dọa từ phía này mà thôi. Kẻ được Rôlinh phái đến chắc gì đã dám mạo hiểm xuất hiện từ bên trong bệnh viện. Nhưng anh không một chút nghi ngờ về việc kẻ âm mưu hãm hại anh trước sau cũng xuất hiện.
Giờ đây, anh đang chờ bác sĩ đến khám để xin ra viện. Anh biết trước như vậy. Bác sĩ thường đến mỗi tuần năm lần. Lần này hóa ra là ông bị ốm. Senga được báo cho biết là nếu bác sĩ trưởng chưa khám lại thì anh không thể được phép ra viện. Anh chẳng buồn phản kháng nữa. Anh thông báo cho sứ quán Liên Xô biết để họ mang thức ăn đến cho anh. Súp bệnh viện thì anh đổ vào bồn rửa, còn bánh mì bệnh viện thì anh vứt cho lũ sáo.
Anh biết rằng Rôlinh nhất định sẽ thủ tiêu nhân chứng duy nhất. Giờ đây, anh gần như không ngủ vì quá lo lắng, kích động. Cô y tá thường xuyên đem báo đến cho anh - suốt ngày anh sử dụng chiếc kéo và nghiên cứu các mảnh báo cắt ấy. Anh đã cấm Khơlưnốp không được đến bệnh viện. (Henrích đang ở Đức, trên bờ sông Ranh, nơi anh ta thu thập tin tức về cuộc đấu của Rôlinh với công ty anilin của Đức).
Buổi sáng, như thường lệ, sau khi lại gần cửa sổ, Senga nhìn bao quát khắp khu vườn rồi lập tức lẩn ra sau rèm. Anh thậm chí còn cảm thấy vui vẻ nữa. Thế là rốt cuộc, thời cơ đã đến rồi! Trong vườn, ở mạn Bắc, chiếc thang của người làm vườn thấp thoáng sau cây đoạn, dựa vào tường, đầu thang nhô cao chừng ba chục phân bên trên những mảnh thủy tinh.
Senga nói:
- Thật khéo quá!
Chỉ còn phải chờ đợi thôi. Mọi việc đã dự tính hết. Tay phải anh tuy đã không phải băng bó nữa, nhưng vẫn còn yếu. Tay trái vẫn bị nẹp và bó thạch cao, vẫn bị quấn băng chặt vào ngực. Bên tay bị bó thạch cao phải nặng ít nhất là dăm sáu cân. Đấy là thứ vũ khí duy nhất mà anh có thể dùng để tự vệ.
Đến đêm thứ tư, cô y tá lại quên đóng cửa chớp. Lần này, Senga không phản kháng và từ chín giờ anh giả vờ ngủ. Anh nghe thấy tiếng cửa chớp đóng mạnh ở cả hai tầng. Cửa sổ buồng anh lại vẫn để mở toang. Khi đèn tắt, anh nhảy xuống giường và dùng răng cùng bàn tay yếu ớt cởi cuộn băng giữ tay phải.
Anh dừng lại, nín thở lắng nghe. Cuối cùng, cánh tay đã đong đưa tự do. Anh có thể gập lại đến tận khuỷu. Anh nhìn ra khu vườn sáng ánh đèn ngoài phố - chiếc thang vẫn dựng ở chỗ cũ, sau cây đoạn. Anh cuộn tròn chăn, nhét xuống dưới vải trải giường: trong bóng tối lờ mờ, ngỡ như vẫn có người nằm trên giường.
Bên ngoài yên tĩnh, chỉ nghe thấy tiếng nước nhỏ giọt. Ánh hồng tim tím run rẩy trong những đám mây đen trên bầu trời Pari. Không nghe thấy tiếng ồn ào từ các đại lộ vọng đến đây. Cành ngô đồng đen sẫm lơ lửng bất động.
Đâu đó có tiếng ô tô xình xịch. Senga dỏng tai nghe - hình như anh nghe thấy tiếng tim đập thình thịch trong lồng ngực con chim đang ngủ trên cành ngô đồng. Chắc hẳn nhiều thời gian đã trôi qua. Trong vườn bắt đầu vang lên tiếng kẽo kẹt và xào xạc, hệt như có người chà sát gỗ vào vôi.
Senga bước sát vào tường sau bức rèm. Anh thả bàn tay bó thạch cao xuống. "Ai? Không phải. Ai nhỉ? - anh thầm nghĩ, - Chẳng lẽ lại là chính Rôlinh chăng?"
Lá cây bắt đầu sột soạt, lũ sáo nháo nhác. Senga nhìn khoảng sàn gỗ sáng mờ mờ bên cửa sổ, nơi nhất định phải xuất hiện bóng người.
"Hắn sẽ không bắn đâu, - anh thầm nghĩ - phải đợi một thứ gì đó như phốtgen[3] chẳng hạn..." Trên khoảng sân gỗ, bóng một đầu người đội chiếc mũ chụp sâu xuống bắt đầu nhô lên. Senga đưa rộng tay ra để cú đánh được mạnh hơn. Bóng người nhô lên đến vai rồi giơ lên những ngón tay doãng ra...
- Senga, đồng chí Senga, - bóng đó thầm thì bằng tiếng Nga. - Tôi đây, đừng sợ...
Senga chờ đợi mọi chuyện, trừ những lời lẽ này, trừ cái giọng nói này. Anh bất giác bật kêu lên một tiếng, để lộ mình. Người kia liền lập tức nhảy qua cửa sổ và đưa cả hai tay ra để tự vệ. Đó là Garin.
- Tôi nghĩ là anh đang đề phòng bị tiến công, - y vội vã nói, - đêm nay người ta nhất định sẽ giết anh. Đối với tôi, điều đó không có lợi. Tôi quyết định mạo hiểm để cứu anh bằng được. Ta đi đi, tôi có xe đây.
Senga rời khỏi bức tường.
Garin vui vẻ nhe răng cười khi thấy cánh tay bó thạch cao vẫn còn giơ lên để chuẩn bị đánh.
- Senga ạ, thề có Chúa là tôi không có lỗi gì hết. Anh còn nhớ giao ước của chúng ta ở Lêningrat chứ? Tôi xử sự trung thực. Câu chuyện khó chịu trong rừng Phôngtenơblô hoàn toàn là do gã Rôlinh khốn kiếp gây ra cho anh. Anh có thể tin tôi được. Ta đi đi, từng giây bây giờ đều là quí giá...
- Cứ cho là anh sẽ đưa tôi đi, nhưng sao đó thì sao?
- Tôi sẽ che giấu anh... Chỉ một thời gian ngắn thôi, anh đừng sợ. Cho tới khi tôi nhận được "một nửa của Rôlinh"... [4] Anh vẫn đọc báo đấy chứ? Rôlinh bị xúi quẩy luôn, nhưng y không thể xử sự một cách trung thực được. Anh cần bao nhiêu, anh Senga? Anh cứ nói thoải mái đi. Mười triệu, hai chục triệu hay năm chục triệu? Tôi sẽ đưa giấy biên nhận cho anh...
Garin nói khẽ, vội vã như trong cơn mê sảng, - mắt y giật giật:
- Đừng làm bộ ngốc nghếch nữa, Senga ạ. Anh là người giữ nguyên tắc chứ gì?... Tôi đề nghị anh cùng làm việc chống Rôlinh... Nào, ta đi đi...
Senga bướng bỉnh lắc đầu:
- Tôi không muốn, tôi sẽ không đi đâu.
- Nhất định anh sẽ bị giết chết.
- Để xem xem đã.
- Đám hộ lý, đám gác cổng và ban quản trị - tất cả đều đã bị Rôlinh mua chuộc rồi. Anh sẽ bị bóp cổ... Tôi biết... Anh sẽ không sống qua nổi đêm nay đâu... Anh đã báo trước cho sứ quán của anh rồi chứ gì? Được được... Đại sứ của anh sẽ đòi hỏi phải giải thích. Chính phủ Pháp cùng lắm thì xin lỗi là hết... Nhưng anh không vì thế mà dễ dàng hơn đâu. Rôlinh cần loại bỏ nhân chứng... Y sẽ không thể để anh bước qua ngưỡng cửa của sứ quán Liên Xô...
- Tôi đã nói là tôi không đi kia mà... Tôi không muốn...
Garin lấy lại hơi thở. Y nhìn ra ngoài cửa sổ:
- Được, nếu thế thì tôi đành cưỡng bức anh phải đi vậy. - Y lùi lại một bước, đút tay vào túi áo măng tô.
- Cưỡng bức tôi nghĩa là thế nào?
- Là thế này đây...
Garin rút phắt trong túi ra chiếc mặt nạ phòng hơi ngạt và vội vã áp lên miệng. Senga không kịp kêu lên - một dòng chất lỏng nhờn nhờn phun mạnh vào mặt anh. Chỉ thoáng thấy bàn tay Garin bóp bóp bầu cao su... Senga sặc sụa trong hơi thuốc mê ngọt ngào, thơm ngát...

 

55

 
- Có tin tức gì không?
- Có. Chào anh Henrích.
- Tôi từ nhà ga đến thẳng đây. Đói lả đi như vào năm mười tám ấy.
- Nhưng trông anh vui vẻ lắm, Henrích ạ. Biết được nhiều chuyện phải không?
- Cũng biết được chút ít... Ta sẽ nói chuyện ở đây chứ?
- Được, chỉ có điều là nhanh nhanh lên.
Henrích ngồi xuống cạnh Khơlưnốp trên chiếc ghế dài bằng đá hoa đặt bên chân tượng đài Hăngri IV[5] cưỡi ngựa, quay lưng về phía những ngọn tháp màu đen của Côngxécgiơri[6]. Bên dưới, nơi đảo Xitê nhô mũi nhọn hoắt ra, có một cây lệ liễu nghiêng mình xuống mặt nước. Ngày xưa, đây là nơi những hiệp sĩ thuộc dòng tu Tamplie[7] đã quằn quại trên ngọn lửa. Xa xa, bên kia hàng chục chiếc cầu soi mình xuống dòng nước, mặt trời đang lặn trong ánh mờ mờ vàng rực. Ngồi trên các hàng bậc ven sông và trên sà lan bằng sắt chở cát là những tay câu cá người Pháp, những kẻ bị phá sản vì lạm phát, vì Rôlinh và vì chiến tranh thế giới.
Ở tả ngạn, trên bờ ngắn bằng đá hoa, mãi xa cho tới tận trụ sở Bộ Ngoại giao, những người bán sách cũ đang buồn bã ngồi dưới ánh nắng ban chiều, bên những cuốn sách chẳng ai cần đến nữa trong thành phố này.
Tại đây, Pari cũ đang tàn tạ dần. Cạnh những quán sách cũ ven bờ sông, cạnh những lồng chim và những người câu cá buồn bã, vẫn còn thấy những người đứng tuổi đang dạo bước. Mắt họ đờ đẫn, ria họ che kín miệng, họ mặc quần áo rộng thùng thình và đội mũ rơm cũ kỹ... Khi xưa, đây là thành phố của họ... Ở nơi kia, trong tòa nhà Côngxécgiơri kia, Đăngtông đã từng gào thét như con bò bị lôi đến lò sát sinh. Còn ở kia, ở bên phải, đằng sau những mái nhà lợp graphít của điện Luvrơ, nơi những khu vườn của điện Tuylơri chìm trong màn sương mù, đã từng xảy ra những biến cố nóng bỏng, khi tiếng đạn của đội quân tướng Galiphê[8] rú rít dọc theo phố Rivôli. Trời, nước Pháp hồi đó chói lọi vàng son biết bao! Mỗi viên đá ở đây - nếu chúng biết nghe - đều sẽ kể về quá khứ vĩ đại. Vậy mà bây giờ - chính quỷ sứ cũng không thể hiểu nổi - kẻ làm chủ thành phố này lại là con quái vật Rôlinh từ bên kia đại dương đến, và những người tư sản lương thiện chỉ còn cách ngồi ủ rũ mà quăng cần câu... Ô hô hô!
Sau khi chêm tẩu thuốc nặng, Henrích nói:
- Tình hình như thế này. Công ty anilin của Đức là công ty duy nhất không thỏa hiệp chút gì với bọn Mỹ. Công ty đã được nhà nước trợ cấp hai mươi tám triệu mác. Giờ đây, mọi nỗ lực của Rôlinh đều hướng vào việc bẻ gãy công ty này.
- Y bán phá giá chăng?
- Vào ngày hai mươi tám tháng này, y sẽ bán một số lượng khổng lồ các cổ phiếu trong lĩnh vực anilin.
- Đó là những tin tức rất quan trọng đấy, anh Henrích ạ.
- Đúng thế, chúng tôi đã lần được dấu vết. Rõ ràng Rôlinh tin rằng y thắng cuộc, mặc dù giá cổ phiếu không hạ một xu nào... mà hôm nay đã là hai mươi rồi... Anh có hiểu thứ duy nhất mà y trông cậy vào là gì không?
- Có lẽ chúng đã chuẩn bị xong xuôi hết chăng?
- Tôi nghĩ rằng bộ máy của Garin đã được bố trí rồi.
- Những nhà máy của Công ty anilin nằm ở đâu?
- Nằm bên sông Ranh, gần N. Nếu Rôlinh đánh gục được công ty này thì y sẽ làm chủ toàn bộ nền công nghiệp châu Âu. Chúng ta không được để xảy ra tai họa ấy. Nghĩa vụ chúng ta là cứu thoát ngành anilin của Đức. (Khơlưnốp nhún vai, nhưng yên lặng). Tôi hiểu: cái gì tất yếu thì nhất định sẽ xảy ra. Tôi với anh không thể ngăn chặn được sức ép của Mỹ. Nhưng ai mà biết được, lịch sử đôi khi gây ra những chuyện khó hiểu, bất ngờ.
- Giống như các cuộc cách mạng chứ gì?
- Cứ cho là như vậy đi.
Khơlưnốp đưa mắt nhìn Henrích, vẻ hơi ngạc nhiên. Mắt anh ta tròn, vàng, độc địa.
- Anh Henrích ạ, giai cấp tư sản sẽ không cứu châu Âu đâu.
- Tôi biết.
- Thế ư?
- Trong chuyến đi vừa rồi, tôi đã quan sát kỹ... Bọn tư sản - Pháp, Anh, Đức, Ý - đang bán đứng thế giới cũ một cách tội lỗi, mù quáng, trắng trợn. Nền văn hóa đã kết thúc bằng cảnh bán đấu giá... Như vậy đó!
Henrích đỏ bừng mặt lên:
- Tôi đã tới gặp các nhà cầm quyền, đã nói bóng gió đến mối nguy hiểm, đã yêu cầu họ giúp đỡ trong việc truy lùng Garin... Tôi đã nói với họ những lời lẽ khủng khiếp... Họ cười vào mũi tôi. Thật đáng giận! Tôi không phải loại người chịu lùi bước.
- Vậy anh đã biết được gì ở vùng sông Ranh?
- Tôi đã biết được một vài tin tức... Công ty anilin đã nhận được những đơn đặt hàng quân sự lớn của chính phủ Đức. Quá trình sản xuất trong các nhà máy của công ty này hiện đang ở giai đoạn nguy hiểm nhất. Họ đang sử dụng tới gần năm trăm tấn tétơrit.
Khơlưnốp đứng phắt dậy. Chiếc can mà anh dựa vào cong hẳn đi. Anh lại ngồi xuống.
- Trên báo chí đã loáng thoáng xuất hiện những bài báo về sự cần thiết phải di tản các khu công nhân càng xa càng tốt khỏi những nhà máy đáng sợ này. Trong công ty anilin có đến hơn năm vạn người làm việc. Tờ báo đăng tin đó đã bị phạt tiền... Bàn tay của Rôlinh...
- Henrích này, chúng ta không thể để mất một ngày nào nữa.
- Tôi đã đặt vé chuyến tàu mười một giờ hôm nay rồi.
- Chúng ta sẽ đi N.?
- Tôi nghĩ rằng chỉ đến đấy mới có thể lần ra dấu vết Garin.
- Bây giờ thì anh hãy xem xem những gì tôi đã làm được nhé, - Khơlưnốp lấy trong túi ra một tập mảnh báo cắt. - Cách đây ba hôm, tôi ở chỗ Senga. Anh ấy đã cho tôi biết những suy nghĩ của anh ấy. Theo anh ấy, Rôlinh và Garin nhất định phải liên lạc với nhau...
- Dĩ nhiên rồi. Liên lạc hằng ngày ấy chứ!
- Bằng bưu điện? Hay bằng điện báo? Anh nghĩ sao, Henrích?
- Không đời nào. Không thể có một chút dấu vết gì bằng chữ viết hết.
- Vậy thì bằng vô tuyến điện?
- Để khắp châu Âu nghe thấy ư?... Không...
- Hay là qua một nhân vật thứ ba?
- Cũng không phải... - Henrích nói. - Tôi hiểu, anh chàng Senga của anh là một tay cừ lắm. Anh cho tôi xem các mảnh báo cắt nào...
Anh tự xếp tất cả lên trên đầu gối rồi chăm chú đọc những đoạn gạch đỏ:
"Hãy tập trung chú ý vào chất anilin", "Tôi đang bắt tay vào việc", "Đã tìm được địa điểm".
"Đã tìm được địa điểm" - Henrích thầm thì nhắc lại, - đây là tờ báo xuất bản ở E... một thị trấn gần N... "Tôi rất lo lắng, hãy định ngày đi". - "Hãy đếm đến ba mươi lăm, kể từ ngày ký thỏa thuận". Đúng, chỉ có thể là chúng thôi. Đêm ký thỏa thuận ở Phôngtenơblô là hai mươi ba tháng trước. Thêm ba mươi lăm nữa sẽ là ngày hai mươi tám - đúng thời hạn báo cáo cổ phiếu trong lĩnh vực anilin...
- Anh đọc tiếp đi, đọc tiếp đi, Henrích... "Ông đã thi hành những biện pháp gì?" Đó là Garin hỏi từ K. Hôm sau, trên tờ báo ở Pari đăng câu trả lời của Rôlinh: "Du thuyền đã sẵn sàng. Hai ngày nữa sẽ cập bến. Sẽ báo tin qua làn sóng điện". Còn đây, bốn ngày trước, Rôlinh hỏi: "Sẽ nhìn thấy ánh sáng chứ?" Garin trả lời: "Xung quanh rất trống trải. Khoảng cách năm cây số".
- Nói cách khác, bộ máy được bố trí trên núi: phát tia từ khoảng cách năm cây số thì chỉ có thể từ một nơi cao mà thôi. Anh Khơlưnốp ạ, chúng ta còn ít thời gian lắm. Nếu lấy tâm là các nhà máy mà quay một bán kính năm cây số thì chúng ta sẽ phải lục lọi một vùng có chu vi ít nhất là ba mươi lăm cây số. Còn có tin tức gì nữa không?
- Không. Tôi đang định gọi điện cho Senga. Nhất định anh ấy phải có những mảnh cắt trong báo hôm qua và hôm nay.
Henrích đứng dậy. Trông thấy rõ những bắp thịt của anh ta phồng lên dưới lớp quần áo. Khơlưnốp đề nghị gọi điện cho Senga từ tiệm cà phê gần nhất ở bờ sông bên phải. Henrích đi qua cầu nhanh vùn vụt, khiến một ông già nhỏ bé, cổ ngẳng, đội chiếc mũ đầy bụi, mặc chiếc véttông lem luốc và có lẽ thấm đẫm những giọt nước mắt cô độc vì than khóc những kẻ bị chiến tranh cướp đi, phải lắc đầu và đưa mắt nhìn theo mấy người ngoại quốc đang chạy:
- Chà, các vị khách nước ngoài này... Khi tiền rủng rỉnh trong túi thì tha hồ chạy và xô đẩy cứ như đang ở nhà mình ấy... Thật man rợ!
Tại tiệm cà phê, Henrích đứng uống nước xô đa cạnh quầy hàng bằng kẽm. Qua lớp kính buồng điện thoại, anh ta nhìn thấy lưng Khơlưnốp. Khơlưnốp đang nói chuyện. Anh nhún vai, tì cả người vào máy, rồi anh vươn thẳng dậy, bước ra khỏi buồng: mặt anh bình thản nhưng trắng bệch như mặt nạ.
- Bệnh viện trả lời là đêm qua Senga đã biến mất. Họ đã thi hành mọi biện pháp tìm kiếm... Theo tôi thì anh ấy đã bị giết chết.

[1] Một hải cảng lớn ở miền bắc nước Pháp - ND
[2] Thủ đô Bồ Đào Nha - ND
[3] Một loại hơi độc - ND.
[4] Tức là Dôia - ND.
[5] Hăngri IV (1589 - 1610): vua Pháp trong những năm 1594-1610, người sáng lập triều đại Buốcbông bị lật đổ năm 1789. Năm 1598, đã ban tự do tín ngưỡng cho giáo phái Canvanh (chú thích của nguyên bản).
[6] Một trong những nhà tù lớn nhất của Pari (chú thích của nguyên bản).
[7] Một trong những dòng tu thánh chiến được thành lập trong thời gian diễn ra các cuộc thập tự chinh. Về sau dòng tu này không những trở thành một lực lượng vũ trang hùng mạnh, mà còn là những nhà tài phiệt lớn nữa. Năm 1307, tất cả thành viên dòng tu này có mặt trên lãnh thổ nước Pháp đều bị bắt, bị tra tấn rồi bị lửa thiêu, tài sản lớn của họ bị nhà vua tịch thu (Chú thích của nguyên bản)
[8] Galiphê (1830 - 1909): một trong những tên đao phủ chính đã đàn áp Công xã Pari năm 1871. (Chú thích của nguyên bản).