Lần đầu tiên cô gái gặp Yann là hôm sau, ngày cô đến dự lễ xá tội, ngày 8 tháng Chạp, ngày kỷ niệm Đức Mẹ, thần hộ mệnh của dân chài, sau ngày rước một thời gian ngắn, đường phố rợp bóng băng cờ dính kín hoa lá mùa đông. Ngày lễ xá tội hôm ấy chỉ thấy nhộn nhạo mà không vui, có phần nào thô kệch, thậm chí làm toát lên không khí sợ hãi, kinh hoàng. Suốt ngày thành phố Paimpol om sòm chuông trống hát hò. Linh mục đọc kinh, con chiên cầu khẩn; thuỷ thủ rủ rỉ những điều cũ kỹ; Rồi từ ngoài biển vọng vào tiếng thở than của sóng gió. Thuỷ thủ nắm tay nhau đi nhung nhăng ngoài phố, người nào cũng say mềm, ném vào phụ nữ những cái nhìn hau háu sau những ngày dài chịu đựng ngoài biển khơi, nhóm các cô gái, đầu đội mũ trắng, ngực căng, run rẩy, đôi mắt còn ánh lên những thèm khát của những ngày hè. Trong các ngôi nhà cũ kỹ bằng đá granit lúc nhúc những người như có tiếng kể lể những nỗi gian truân trong cuộc chống chọi với mưa nắng, với sương tuyết bão bùng, với tất cả những gì do biển cả xô đến, kể về những chuyện phiêu lưu, tình ái, những chuyện nóng bỏng một thời. Bên cạnh những quán rượu là thánh đường với những bậc thềm rắc đầy lá cây, cửa mở rộng, khói trầm nghi ngút, đèn nến sáng rọi, và các đồ lễ của thuỷ thủ treo trên mái vòm nhà thờ. Bên cạnh những mỹ nhân là vợ goá các dân chài bị đắm thuyền, những người yêu của các thuỷ thủ mất tích. Họ từ nhà thờ những ngưoiừ quá cố đi ra, trên vai là chiếc khăn tang dài và chiếc mũ trắng trên đầu. Họ cúi gằm và lặng lẽ bước đi giữa những ồn ào của cuộc sống như một cảnh báo ảm đạm. Và cạnh đấy là biển cả, vừa là những người nuôi dưỡng, vĩ đại cũng lại là kẻ giết tróc khủng khiếp của nhiều thế hệ dân chài, cũng đang om sòm dự phần vào ngày lễ hội. Cô gái cảm thấy lo âu khi nghĩ rằng miền đất này bây giờ lại là nơi sinh sống lâu dài mãi mãi của mình. Cô đi dạo với các bạn để xem những trò vui, họ chỉ cho cô biết tên các chàng trai Islande đang có mặt trên quảng trường. Một nhóm đang đứng lại nghe hát. Họ quay lưng lúc phía cô. Một trong số họ làm cô chú ý. Anh ta cao lớn có đôi vai rộng. Cô lẩm bẩm một mình, như có ý chế nhạo: “Người gì mà to thế!” Trong bụng như muốn nói: “Cô nào lấy anh ta thì trong nhà kềnh càng quá nhỉ!” Anh kia như cũng hiểu ý quay lại nhìn cô từ đầu đến chân và như muốn nói: “Cô này là ai nhỉ? Trông thật là xinh! Mình chưa được thấy bao giờ”. Rồi anh ta vội cúi mặt xuống để khỏi mang tiếng bất lịch sự và giả như đang chú ý nghe hát. Cô gái chỉ còn nhìn thấy bộ tóc của anh ta, bộ tóc đen dài có nhiều lọn chờm xuống tận gáy. Cô đã hỏi tin nhiều người, nhưng không dám hỏi tên người trẻ tuổi? Một người mới thoáng qua đã thấy là vóc dáng cao đẹp, đôi mắt nghiêm nghị hơi dữ tợn, hai con ngươi màu nâu hung hung, đưa đi đưa lại rất nhanh, tất cả đã gây cho cô ấn tượng và cả e ngại. Chàng trai ấy chính là con ông Gaos, bà Moan đã nhiều lần kể cho cô gái nghe về anh ta, và nói anh ta là bạn của Sylvestre. Ngay chiều hôm ấy anh ta và Sylvestre đã khoác tay nhau đi dạo, gặp hai bố con cô gái, họ đã đứng lại chào hỏi… Cô gái đã nhận ra cậu em Sylvestre ngày bé. Vì là chị em họ với nhau, họ vẫn thân mật mày tao như trước. Đúng là lúc đầu, cô gái có rụt rè, thấy một gã con trai mười bảy tuổi có bộ râu đen, nhưng nét mặt thì vẫn non choẹt, hiền lành chẳng có gì thay đổi như vẫn thường gặp hàng ngày. Khi Sylvestre về Paimpol cô đã giữ lại ăn cơm chiều. Sylvestre đã nhận lời ở lại, ăn uống tự nhiên… … Nói đúng ra, cái anh chàng Yann ấy đã không có vẻ gì phong nhã trong lần gặp đầu tiên ấy; anh ta chỉ hơi nhấc mũ chào, dáng điệu bẽn lẽn, vội nhìn cô gái rồi quay đi chỗ khác, như có ý không hài lòng với cuộc gặp gỡ ấy và vội vàng bỏ đi. Một cơn gió to nổi lên giữa lúc có đám rước đã làm lá cây rơi rụng khắp đường và kéo mây đên đến trên bầu trời… Trong lúc mơ màng Gaud đã như thấy lại tất cả những cảnh tượng ấy: một đêm buồn đã ập xuống khi kết thúc lễ hội; những băng cờ dính hoa lá bị gió làm bay tung xuống chân tường những gã con trai Islande, những con người quen sống với gió bão, quen làm náo động, vội kéo vào trú mưa trong các quán hàng, cái anh chàng to lớn đứng trước mặt cô, rồi vội quay đi dáng điệu bối rối. Sự thật đã thay đổi biết bao từ thời gian ấy!... Cái buổi lễ hội ấy, ầm ĩ ấy khác với cảnh tĩnh lặng bây giờ biết chừng nào. Cũng là cái thành phố Paimpol ấy mà sao chiều nay, một chiều tháng năm tại cửa sổ này lại tĩnh mịch đến thế. Gaud ngồi một mình, miên man suy nghĩ, nặng mối tương tư. Lần thứ hai họ gặp nhau là trong một đám cưới. Con trai ông Gaos được chỉ định đưa tay cho Gaud vịn. Lúc đầu cô gái không thích thế, đi diễu ngoài phố với một anh chàng to lừng lững người ta cười chết, lúc đi đường lại chẳng biết gì với anh ta. Về người anh ta man rợ thế nào ấy làm cô hãi. Đến giờ đưa dâu, mọi người đã tề tựu cả, chỉ riêng có Yann vẫn chưa thấy đâu. Có người bàn cứ đi đừng đợi. Cô gái nghĩ bụng mình ăn mặc diêm dúa thế này chỉ là vì Yann. Vắng anh ta, không có một chàng trai nào khác làm cô vui lòng, lễ hội và khiêu vũ chẳng có ý nghĩa gì... Nhưng cuối cùng Yann đã đến, ăn mặc cũng tươm tất. Anh xin lỗi bố mẹ cô dâu và trình bày lý do đến muộn, số là anh nói, bên nước Anh báo tin có một đàn cá tự nhiên đi qua vùng biển Auriguy trong buổi chiều hôm nay. Vậy là tất cả tàu thuyền đang có mặt ở Ploubazlance phải chuẩn bị ra khơi. Cả làng xôn xao, các bà phụ nữ chạy đến các quán rượu tìm chồng, giục đi, và chính các bà cũng ra giúp kéo buồm buộc chèo, tóm lại cả làng rộn lên... Yann đứng giữa đám rước dâu kể chuyện rất sôi nổi, vừa nói, vừa khoả tay, vừa cười, để lộ hàm răng trắng bóng. Thỉnh thoảng anh ta lại chêm vào giữa câu nói một tiếng “hú” như kiểu thuỷ thủ gọi nhau khi có việc ở ngoài biển, nghe như tiếng gió thổi, thật buồn cười. Anh ta đã phải tìm ngay một người thay và nói mãi ông chủ tàu của anh mới đồng ý. “Đấy là lý do vì sao tôi đến chậm và tôi đã phải bỏ buổi đánh bắt này để khỏi thiếu mặt ở đám cưới”. Anh nói thêm. Lý do đó hoàn toàn dễ hiểu, không ai giận anh. Trong cuộc sống người ta vẫn ít nhiều lệ thuộc vào sự diễn biến bất ngờ của biển, vào sự thay đổi của thời tiết, vào sự di cư lạ lùng của cá. Nhiều ngư phủ nghe Yann kể chuyện cứ tiếc mình đã không có may mắn vớ được món lợi to như người dân chài xứ Ploubazlance. Muộn một chút nhưng cũng chẳnh sao các chàng trai cô gái vịn tay nhau, đàn sáo nổi lên réo rắt, đám rước dâu lên đường. Lúc đầu Yann chỉ nói với cô những chuyện bình thường như những người chưa quen biết nhau trong nhiều đám cưới. Thật vậy, họ là hai người duy nhất lạ nhau trong đám đưa dâu này, còn các đôi khác thì hoặc là họ hàng hoặc là người yêu của nhau. Cũng có một vài đôi đã hứa hôn với nhau và chỉ trong thời gian ngắn cũng sẽ tổ chức hôn lễ. Buổi tối, lúc khiêu vũ, hai người lại quay về câu chuyện đàn cá di cư. Yann đột nhiên nhìn thẳng vào mắt cô gái nói một câu làm cô bất ngờ. “Ở Paimpol và ở cả thế giới, chỉ có mình cô mới có thể làm tôi bỏ lỡ cuộc đánh bắt này, cô Gaud ạ...” Gaud bất ngờ khi nghe anh ta dám nói như thế với cô. Rồi thích thú với lời tỏ tình ấy, cô gái trả lời: “Xin cảm ơn anh, anh Yann ạ. Tôi cũng chỉ thích được đi cùng anh lúc rước dâu hơn là đi với bất cứ ai khác”. Từ lúc ấy đến hết buổi khiêu vũ, hai người nói với nhau về chuyện khác, họ nói thì thầm và dịu dàng hơn... Cuộc khiêu vũ vẫn tiếp tục. Đàn sáo vẫn rộn ràng. Đôi nào vẫn đôi ấy nhịp nhàng đưa chân. Yann có đến nhảy với một vài cô gái khác cho lịch sự, rồi quay luôn lại với Gaud. Họ lại mỉm cười nắm tay nhau, theo nhịp âm nhạc bước lên, lại tiếp tục rủ rỉ thân mật. Với vẻ thật thà, Yann đã kể chuyện về nghề đánh bắt của mình, những nỗi vất vả và những gian nguy, về lương bổng, anh kể cả những khó khăn bố mẹ anh phải đương đầu để nuôi nổi một đàn mười bốn đứa con mà anh là lớn nhất. Đến nay gia đình anh đã qua giai đoạn khó khăn nhờ vào món bố anh vớt được ở biển Manche, nhà nước chia cho mười nghìn francs. Có tiền ấy bố anh đã nâng nhà thêm một tầng. Ngôi nhà ấy bây giờ ở thôn Plaubazlanec xóm Pors-Even, ngay bờ biển Manche, trông khá đẹp. “Nghề chài lưới ở Islande vất vả lắm” Yann nói. “Ngay từ tháng hai hàng năm đã phải ra đi, đến ở một nơi rét mướt, trời mù, biển dữ...” Gaud ngồi nhớ lại từng chi tiết câu chuyện hôm ấy. Cô nghĩ: “Nếu anh ta không có ý định kết hôn với mình thì sao lại kể cho mình nghe tỷ mỉ, như kể cho người yêu vậy? Anh ta có phải là một người bộp chộp, chuyện trò lung tung đâu...” “... Nghề đi biển vất vả nhưng mà kiếm được – anh ấy nói – Tôi sẽ không bao giờ đổi nghề. Mỗi năm được 800 francs có khi 1200 francs, khi nào quay lại đất liền, người ta trả, tôi đem về cho mẹ”. “Anh đem về cho mẹ à, anh Yann?” “Vâng, tôi đem cả về. Dân Islande chúng tôi là như thế đấy, cô Gaud ạ. (Yann nói điều đó như là một việc tất nhiên. Vì vậy mà trong người tôi không mấy lúc có tiền. Cứ chủ nhật mẹ tôi lại cho ít tiền tiêu khi đi Paimpol. Năm nay bố tôi may cho tôi bộ quần áo mới đang mặc đây, không thì tôi chẳng dám đi dự đám cưới, chẳng dám đưa tay cô vịn nếu tôi vẫn mặc bộ quần áo năm ngoái....”. Đối với cô đã quen nhìn cách ăn mặc của các thanh niên Paris thì bộ áo mới của Yann chẳng lấy gì làm sáng lắm, cái áo vét ngắn tũn, cái gile kiểu quá thời; thế nhưng vóc người của anh thì đẹp không chê vào đâu được, dáng vẻ vẫn đàng hoàng. Anh mỉm cười, nhìn thẳng vào mắt cô gái mỗi khi anh nói điều gì để xem ý tứ của cô ra sao. Đôi mắt anh thật thà, thẳng thắn, anh kể những chuyện đó cũng để nói cho cô gái biết anh không giàu có gì. Cô cũng mỉm cười, nhìn vào gương mặt anh; cô nói ít, chú ý nghe nhiều càng lúc càng thấy anh có sức hấp dẫn. Ở anh vằ có nét thô kệch quê mùa, vừa có nét trẻ con dễ bảo. Giọng nói của anh nghiêm trang, với những người khác thì cộc lốc, cục cằn, nhưng với cô thì lại trở nên dịu dàng, óng mượt, chỉ riêng với cô, anh ta biết uốn lời nói như tiếng đàn rung. Thật lạ lùng, không thể ngờ được, một người con trai lớn như thế, dáng điệu ung dung đĩnh đạc như vậy, mà ở gia đình lại vẫn coi như một đứa trẻ, cho thế là bình thường; một người đã bôn ba khắp chốn, trải qua mọi gian nguy, vậy mà vẫn dành cho bố mẹ một sự kính nể, phục tùng tuyệt đối. Rồi cô gái so sánh Yann với những kẻ khác, với mấy đứa du đãng ở Paris đã từng theo đuổi cô, thì cô thấy Yann hơn hẳan, tốt hơn nhiều. Cô gái cũng kể cho Yann nghe rằng gia đình cô không phải từ xưa tới nay vẫn khá giả như thế này, bố cô lúc trước cũng là dân chài trên biển Islande, vẫn có cảm tình với người dân Islande, và bản thân cô cũng đã trải qua thời kỳ chân đất chạy trên bãi cát, lúc còn nhỏ, sau ngày mẹ cô qua đời. Cô gái kể những điều này ra muốn để Yann thấy rằng hai người tương xứng. ... Chao ôi! Cái đêm vũ hội ấy, một đêm dịu ngọt, quyết định và duy nhất trong đời, cái đêm ấy giờ đây đã xa rồi, bấy giờ là tháng chạp mà bây giờ đã là tháng năm. Tất cả những chàng trai tham gia vũ hội ngày ấy giờ đây đang sống rải rác trên biển Islande dưới ánh mặt trời chiếu sáng giữa chốn mênh mông vắng lặng, trong khi ở đây, mảnh đất Bretagne này đang yên tĩnh trong tối tăm. Gaud vẫn ngồi trước cửa sổ. Quảng trường Paimpol, nhà cửa vây kín bốn mặt, càng về đêm càng trở nên buồn chán. Khắp nơi yên lặng. Khoảng trên các mái nhà là một khoảng trống của vùng trời sâu thẳm, cao vút, cách xa mặt đất. Chốc chốc một căn nhà cửa đóng lại. Một hai ông già dân chài từ các quán rượu đi ra, lê bước về các phố nhỏ. Một vài cô gái về khuya tay cầm bó hoa tháng năm. Một cô quen Gaud giơ cao bó hoa như muốn chia sẻ hương thơm của món quà tặng trong buổi đi dạo. Màu trắng của các bông hoa gai hiện rõ trong ánh sáng lờ mờ từ trên cao hắt xuống. Lẩn trong không khí còn phảng phất mùi hoa hồng dây mọc trên nóc các bức tường bằng đá granit, và cả mùi rong biển từ ngoài cảng bay vào. Những con dơi mải đuổi theo các con mối cánh trắng lướt đi lướt lại trong không. Gaud đã qua nhiều đêm ngồi bên cửa sổ này, ngắm nhìn quảng trường buồn rượi mơ màng đến các chàng thuỷ thủ Islande đi mãi không về. Cô cũng nhớ lại buổi vũ hội đêm nào... Đêm ấy trời nóng quá. Nhiều người đã thấy choáng váng trong đầu, phải giải lao. Cả Yann và Gaud cũng phải tạm ngừng. Thấy hai người ngồi nghỉ, một vài cô gái khác đến mời, anh đã nể lòng đứng dậy tiếp tục. Anh nhảy rất đẹp, chân bước nhịp nhàng, người thẳng đứng như cây sồi trong rừng đại ngàn, những vòng quay vừa nhẹ nhàng, duyên dáng, vừa có vẻ quý phái lịch sự. Mái tóc màu nâu cuộn thành lọn to xoã trên trán, phất phơ trước gió những lúc quay tròn. Người Gaud lớn, đôi lúc anh phải nhẹ rạp lưng xuống ôm chặt lấy cô khi quay nhanh. Thỉnh thoảng Yann chỉ cho cô nhìn em gái mình là Marie đang nhảy với Sylvestre. Anh cười một cách hiền hậu khi thấy hai người rè rặt bên nhau, kính cẩn, e thẹn, rủ rỉ những điều chắc là thân mật. Anh rất thích thú nói khẽ với Gaud: “Hai em chúng mình thật dễ thương, thật đẹp đôi!”. Hết khiêu vũ, trước khi ra về họ hôn nhau thật nhiều, hôn một cách thật thà, thẳng thắn, trước mặt mọi người. Mọi cặp hôn nhau riêng hai người bạn chúng ta thì không. Yann không dám thế. Chỉ có đến những vòng quay cuối cùng, anh ôm Gaud sát vào ngực mình một chút, còn Gaud chẳng những không cưỡng lại mà còn tựa hẳn người mình vào anh. Trong cô đã rộn lên những cảm giác của tuổi hai mươi và bị ấn tượng sâu sắc. Hai ba cô bạn gái đứng gần đấy nói khẽ với nhau: “Trông kìa, nó mới táo tợn làm sao! Cứ trông anh chàng chòng chọc!” Đúng là cô gái có nhìn anh một cách đắm đuối, nhưng cái đó có thể thông cảm, vì anh là người đầu tiên, người duy nhất cô để ý trong đời mình. Sáng ra, khi mọi người tản mát ra về, Gaud và Yann đã chào nhau theo một cách riêng, như kiểu họ chỉ xa nhau trong chốc lát và hứa hôm sau lại gặp lại. Cô đã ra về cùng lối với bố, nhanh nhẹn, vui vẻ không chút mệt mỏi, thích thú thở hít, yêu quí cái rét đóng băng ngoài trời giữa buổi sáng ảm đạm, thấy cái gì cũng ngọt lành, thơm thảo. ... Trời tối đã lâu. Cửa sổ các nhà bên cạnh lần lượt đóng hết. Nhưng Gaud vẫn còn ngồi đấy cửa vẫn để mở. Một đôi người đi đường về muộn vào giờ này trông thấy bóng chiếc mũ trắng của cô gái hẳn phải thì thầm: “Chắc cô ta đang nghĩ đến người yêu”. Đúng vậy, cô đang nghĩ đến người yêu, mong mỏi, nhớ nhung đến muốn khóc được. Cô đang cắn môi, vành miệng giật giật. Mắt vẫn dõi trong đêm tối tuy chẳng nhìn thấy gì. ... Nhưng tại sao, từ sau buổi vũ hội không thấy anh ấy quay lại? Anh ấy thay lòng đổi dạ rồi chăng? Bất thường có gặp, anh ấy vội tránh, nhìn đi chỗ khác. Đã nhiều lần cô hỏi Sylvestre nhưng Sylvestre cũng không hiểu tại sao, còn hỏi lại: “Có đúng là chị sẽ lấy anh ấy nếu bố chị cho phép không, chị Gaud? Ở cái thành phố này chị chả tìm được ai hơn anh ấy đâu. Anh ấy bề ngoài thì vậy nhưng là người khôn ngoan rất mực, chẳng mấy khi sai lầm. Đôi lúc có ngang ngạnh, nhưng cơ bản là người rất lành. Lại là một thuỷ thủ tài năng. Mỗi mùa đánh bắt đến, các chủ thuyền lại tranh nhau thuê anh ấy...” Phép của cha thì chắc chắn là được rồi, vì từ xưa tới nay có bao giờ cha cô làm điều gì trái ý cô đâu. Cha cô sẽ không ngăn cản, sẽ cho phép. Còn anh ấy nghèo cũng không sao. Anh ấy là một thuỷ thủ giỏi, chỉ cần có ít tiền đi học một lớp thuyền trưởng sáu tháng, lúc đó nhiều chủ tàu muốn đến giao thuyền cho anh ấy ngay. Anh ấy có cao lớn một tí cũng được. Đối với phụ nữ khoẻ mạnh quá mới khó coi, còn năm giới khoẻ mạnh lại là đẹp. Một điều quan trọng nữa là anh ấy không hề có tai tiếng gì về chuyện trai gái, cũng chẳng hứa hẹn gì với ai, đối với cô nào cũng như cô nào, đến chơi bời thăm hỏi người này người khác như nhau, ở Lazardrieuse cũng như ở Paimpol, không phân biêt. ... Có người kể rằng anh ta nóng tính, một hôm anh ta vác cả cái bàn đá hoa ném vào cửa một quán hàng vì chủ quán không mở cửa cho anh ta vào. Cái đó, cô thấy tha thứ được, tính nết của thuỷ thủ đôi lúc như thế... Nhưng nếu anh ta tốt vậy thì sao anh ta tìm đến với cô rồi sau anh ta lại bỏ mà đi? Cần gì mà anh ta nhảy với cô suốt cả một đêm nói năng thật thà, thổ lộ mọi chuyện gia cảnh với cô như với một người vợ sắp cưới? Giờ đây cô không thể thay đổi được, không thể tìm đến với người khác. Tính cô như thế, đã từ xưa rồi. Ngày còn bé người ta vẫn mắng cô là ngang bướng, cứ ý mình, không chịu nghe người khác. Bây giờ cô cũng vẫn như vậy. Cả mùa đông năm ngoái cô sống trong sự chờ đợi, nhưng không thấy anh quay lại. Ngay lúc ra đi để đến Islande, anh cũng không lại chào cô. Bây giờ vắng anh là vắng tất cả. Thời gian còn kéo dài cho mãi đến khi mùa thu trở lại. Khi ấy cô sẽ quyết đinh, sẽ dứt điểm... Đồng hồ toà thị chính điểm mười một tiếng. Ở Paimpol mười một giờ là khuya lắm rồi. Gaud phải đóng cửa tắt đèn đi ngủ... Yann có phải chỉ đơn thuần là vụng về không? Hay cũng giống cô, anh ta tự ái, sợ rằng cô giàu có hơn, sẽ từ chối anh?... Cô đã định cứ hỏi thẳng anh xem sao. Nhưng Sylvestre lại gàn, khuyên không nên làm thế, một người con gái làm thế là táo tợn quá. Nhất là ở Paimpol người ta đang có dư luận về cách ăn mặc và dáng điệu của cô... ... Cô chậm rãi bỏ quần áo, đầu tiên là cái mũ trắng bằng vải mỏng, rồi đến cái áo dài xinh đẹp may đúng kiểu thành phố. Cô vứt tất cả lên thành ghế. Tiếp theo là cái váy bó sát người, đối tượng của sự bàn bạc lâu nay. Cơ thể cô thật tuyệt hảo. Những đường nét tự nhiên hiện ra, thật đầy đặn, mềm mại, chẳng khác một pho tượng đá hoa, cô bước đi thật uyển chuyển, mà đứng lại thì làm người ngây ngất. Ánh sáng từ ngọn đèn nhỏ hắt lên kín đáo soi đôi vai thon thả và bộ ngực nở nang của cô, một thân hình đẹp như vẽ, chưa một con mắt nào được ngắm bao giờ. Cô đã biết gương mặt xinh đẹp của mình nhưng còn tấm thân ngọc ngà của mình thì hẳn là cô chưa thấy được. Ấy vậy mà ở xứ Bretagne này, trong các gia đình đánh cá, sắc đẹp của các cô con gái lại là truyền thống, nhưng các cô không hề biết, đáng lẽ phải phô trương ra thì các cô lại xấu hổ che đậy lại. Ở các thành phố thì không như vậy, người ta đã đưa ra để trình diễn, để vẽ, để nặn. Bây giờ cô giỡ các lọn tóc ra, tóc rơi loà xoà xuống vai, xuống lưng. Cô lấy tay cuộn tóc thành búi nằm gọn trên đỉnh đầu, như vậy để cho dễ ngủ. Lúc này trông cô giống như một pho tượng thần La Mã. Nhưng rồi chả biết thế nào cô lại đưa tay lên đầu, cầm lấy búi tóc mở tung ra, như một dòng nước màu huyền, tóc chảy tràn xuống lưng, xuống ngực. Cô lấy mấy ngón stay mân mê những sợi tóc, hững hờ như một đứa trẻ đùa nghịch một đồ chơi nhưng lại nghĩ đâu đâu. Rồi cơn buồn ngủ đến mặc dù đang trong buồn phiền nhớ nhung, cô thả mình trên giường, mớ tóc toã ra như một tấm màn che lên cơ thể mềm mại óng ả. Trong lúc này, tại căn lều của mình, bà lão Moan cũng thiu thiu trong giấc ngủ chập chờn mơ tưởng về thằng cháu nội và lúc mình từ giã cuộc đời. Còn ở ngoài khơi Biển Bắc, trên con tàu Maire đang chảo đảo trước sóng gió, hai thuỷ thủ trẻ, Yann và Sylvestre đang rủ rỉ hát cho nhau nghe một bài hát quen thuộc, trong tay nắm chặt chiếc cần câu dưới ánh sáng mờ mờ của một ngày dài bắc cực. Lúc ấy đang tháng Sáu, tức là ngót một tháng sau những sự kiện trên đây. Trên biển Islande diễn ra một sự kiện ít khi có mà thủy thủ gọi là “Yên lặng trắng” không khí im phăng phắc, không một ngọn gió thổi, gió đi đâu hết. Bầu trời như có một màn trắng đục bao phủ. Còn chân trời thì xám xịt như màu chì, mặt nước lặng ngắt không chuyển động hắt lên một ánh sáng lợt lạt làm nhức mắt và ớn lạnh. Trên mặt biển chỉ có những mảng loang loáng lúc hợp lúc tan, những quầng mỏng và nhẹ như người ta hả hơi lên tấm gương. Mặt nước giống như một bức tranh mơ hồ, hình ảnh quấn quýt vào nhau rồi lại rời ra, vẽ lên thật mau rồi xóa đi cũng thật mau. Lúc này khó có thể nói là sáng hay chiều, mặt trời vẫn đứng yên một chỗ, chẳng chỉ rõ thời khắc nào, vạn vật như đông cứng. Một quầng rộng bao quanh mặt trời lan mãi tới mênh mông. Yann và Sylvestre đứng câu bên cạnh nhau, rủ rỉ bài hát Jean François, một bài hát kéo dài vô tận, cuối đoạn sau lại bắt sang đầu đoạn trước, nhìn nhau mỉm cười. Má người nào cũng hồng lên trước hơi mặn bốc lên từ biển, hít thở không khí trong lành đầy sức sống. Vậy mà mọi vật chung quanh họ như chết cứng, thế giới như tận số hoặc là chưa khai sinh, ánh sáng lạnh lẽo, mọi vật im lìm như vĩnh viễn nguội đi dưới cái nhìn ma quái của một con mắt to tướng là mặt trời. Bóng con tàu Marie đổ dài trên mặt biển, lê thê như buổi chiều hiện lên xanh lét giữa nền trời bàng bạc dưới lớp nước có thể nhìn thấy những gì loang loáng đi qua: vô vàn con cái giống nhau, kể đến hàng vạn hàng vạn, lặng lẽ trườn đi cùng hướng như có một cái đích chung nào đấy. Đó là một đàn cá thu kéo nhau đi theo cùng một hướng, tạo thành những vệt dài song song màu xám, đuôi vẫy uyển chuyển mềm mại, lặng lẽ. Cũng có lúc đang bơi, bỗng có tiếng quẫy đuôi, tức thì cả đàn cùng quay lại, ánh bạc từ bụng sáng lên, rồi lại vẫy một cái đuôi, cả đàn ngoắt lại, rồi cùng hướng, cùng chiều, tiếp tục bơi đi, để lại trên mặt nước hàng ngàn con sóng nhỏ lăn tăn ánh kim màu sáng đục. Mặt trời mỗi lúc xuống thấp thêm, rõ ràng là chiều rồi. Xuống càng thấp, chân trời màu xám như chì càng rực lên, chuyển dần sang màu vàng, vành tròn của mặt trời càng rõ nét, càng thật. Lúc này có thể nhìn mà không thấy chói mắt, như nhìn vào mặt trăng vậy. Mặt trời lúc này có vẻ thật gần, tưởng như một con thuyền đi tới đó có thể đụng vào, như va phải một quả bưởi đang trôi trên mặt nước. Cuộc đánh bắt lúc này thật mau lẹ; cá rủ nhau đến, con nào cũng háu ăn, đớp mồi lia lịa, sẽ quẫy để cho lưỡi câu móc chặt vào; hai tay giữ chặt cần câu, các ngư phủ ta lấy đã giật mạnh, kéo lên, tháo con cá ra, ném vội cho người trong khoang nắm lấy mổ bụng, ướp muối. Dân chài tỉnh Paimpol rải rác khắp nơi trên mặt biển. Đây đó hiện lên những cánh buồm trắng nổi bật trên nền xám phía chân trời. Hôm ấy là một ngày làm ăn thoải mái dễ dàng, chẳng khó nhọc gì. Hai chàng thủy thủ của chúng ta vẫn vừa câu vừa rủ rỉ bài hát Jean François. Đối với Sylvestre, Yann thường vui đùa như đứa trẻ con, nhưng cũng chỉ với mình Sylvestre vậy thôi; còn đối với người khác thì anh lại tỏ ra kín đáo, nghiêm nghị, nhưng rất hiền, rất tốt, hay giúp đỡ, miễn là đừng trêu chọc anh ta. Hai chàng thủy thủ của chúng ta thì hát bài hát ấy, còn những người khác lại hát bài hát khác, nhưng cũng rủ rỉ buồn buồn, mơ hồ như thế. Thời gian lặng lẽ trôi qua. Trong ca bin bếp lò vẫn ủ lửa. Cửa sườn tàu đã đóng lại cho dễ ngủ. Những người ở đây không cần phải có nhiều không khí. Chỉ có dân ở thành phố mới cần nhiều không khí. Còn thủy thủ suốt ngày suốt đêm sống trong khoảng không rộng lớn, bộ ngực họ lúc nào cũng căng phồng, họ ngủ ngay được,ngủ rất say, không nhúc nhích, nằm chỗ nào dù rộng, dù chật họ vẫn ngủ được. Cứ sau ca làm việc là họ ngủ, bất kể thời tiết thế nào, bất kể giờ giấc. Ở một nơi suốt ngày suốt đêm vẫn có ánh sáng thì cần gì phải phân biệt giờ giấc. Nên họ cứ ngủ, ngủ được, ngủ say, ngủ tốt, không cựa quậy, không mơ màng, lấy lại sức khỏe. Thảng hoặc trong giấc ngủ họ có mơ màng về gia đình vợ con hay về người yêu thì họ choàng mở mắt tự nhủ vài ba tuần lễ nữa, xong vụ đánh bắt về sẽ biết tin tức. Nghĩ vậy rồi họ lại nhắm mắt ngủ tiếp. Những lúc như thế cũng hiếm khi. Vì họ quen rồi, xa gia đình, vợ con, xa người yêu, xa bà con anh em, đối với họ là chuyện thường. … Họ vẫn hát Jean François. Jean François. Từ phía chân trời hiện ra một vật mờ, một làn khói mảnh như cái đuôi từ dưới nước dâng lên, xẫm hơn màu da trời. Với đôi mắt thành thạo họ nhận ra ngay đó là một con tàu; thuyền trưởng reo: Tàu của nhà nước đi tuần đấy! Con tàu đưa đến cho họ tin tức về Tổ quốc, trong đó có bức thư của bà cụ già do bàn tay một cô gái viết. Con tàu từ từ đến gần. Đã nhìn thấy rõ thân tàu sơn đen. Đúng là tàu của nhà nước đi tuần vùng biển phía Tây này. Một làn gió nhẹ thổi.Mặt biển đang phẳng lặng bỗng gợn lên từng mảng màu xanh lục. Những mảng màu kéo thành những vệt dài trông như những nan quạt, chẽ ra như chân con sứa. Bầu trời rạng ra,những đám hơi nước dồn xuống thấp, chồng lên nhau, bồng bềnh như những khối bông to màu xám, dựng thành những bức tường chung quanh mặt biển. Những con tàu đánh cá từ mọi hướng trên mặt biển kéo đến. Tất cả những tàu của Pháp đang đánh bắt ở vùng này, tàu Bretgne, tàu Normandie, tàu Boulogue, tàu Dunkergue đều hối hả nhào đến. Giống như đàn chim đang rải rác tìm mồi, khắp bốn phương trời, nghe tiếng gọi đã vội vàng tụ tập lại đây, đậu kín cả mặt biển, chung quanh con tàu nhà nước. Nhiều con thuyền đã căng buồm hối hả chạy lại cho nhanh. Cả quốc đảo Islande ở xa vậy mà hình như cũng muốn mon men lại gần, để lộ ra những núi đá trọc, ngày thường chẳng mấy khi nhìn rõ hoặc có nhìn thấy chăng nữa thì cũng chỉ một bên và rất lờ mờ. Một điều kỳ lạ là hôm nay bên cạnh Islande lại như có một Islande nữa, màu sắc cũng như thế và sẫm dần thêm. Nhưng Islande thứ hai này chỉ là huyền ảo, cái mà người tưởng là núi, thực ra chỉ là những mảng hơi nước tụ lại. Mặt trời đang ở sát chân trời, không sao vượt lên cao hơn, vẫn đứng nguyên tại chỗ và ánh lên sau các lớp hơi nước, chẳng khác một cái đĩa đang lăn bỗng khựng lại giữa một đống ngổn ngang. Con tàu nhà nước vừa dừng lại, hàng trăm con thuyền đánh cá bâu vào với hy vọng sẽ nhận được tin tức từ đất liền gửi ra. Con tàu mang ra nhiều thư, người bưu tá rút dần từ trong túi vải dày và lần lượt giơ lên gọi tên người nhận để phân phát. Có hai thư cho tàu Marie, thuyền trưởng Guermeur, một của Gaos Yann, một của Moan Sylvestre. Nhiều phong bì khó đọc tên vì chữ viết không rõ, vì gặp mưa gió làm nhòe nhạt, có cả những phong thư phải qua nhiều chặng, nhiều tay đã nhàu nát. Bưu tá phải mất nhiều thời gian để luận, để đoán. Thuyền trưởng đã phải giục nhiều lần. “Khẩn trương lên! Sắp có giông gió đấy!” Ông ta lo ngại vì thấy nhiều thuyền ọp ẹp như chiếc vỏ dừa, liệu có chống chọi được với gió bão, một khi gió bão xảy đến. Yann và Sylvestre đọc thư chung. Hai người vẫn có thói quen như thế. Họ tìm một chỗ ngồi lảnh ra trên boong tàu, ôm vai nhau, đọc nhẩn nha như thể thấm kỹ mọi tình hình từ đất liền nhắn nhủ. Thư của Yann là lời kể của Marie Gaos, người vợ chưa cưới của Sylvestre, thư của Sylvestre là lời nói của Yvonn, bà buồn vì không có ai hoàn cảnh như mình để trò chuyện. Cuối thư có câu ghi thêm: “Gửi lời thăm sức khỏe con trai ông Gaos”. Đọc xong, Sylvestre đưa lá thư của nó cho Yann xem chữ viết và hỏi: Nhưng thừa biết đây là chữ viết của ai rồi, Yann nhún vai, quay mặt đi như muốn nói: Tôi chán cái cô Gaud rồi. Sylvestre gấp cẩn thận lá thư bỏ vào phong bì, để vào túi áo lót, vẻ buồn rầu. Nó nghĩ bụng: “Vậy là họ không cưới nhau nữa! Nhưng sao thế nhỉ?...” Lúc ấy chuông điểm 12 giờ đêm trên con tàu nhà nước. Nhưng hai thủy thủ của chúng ta vẫn còn ngồi đấy nghĩ về người thân, nghĩ về những người đã khuất, nghĩ về trăm nghìn chuyện. Lúc này mặt trời vừa chìm xuống nước lại từ từ nhô lên.