ôm sau, tôi lại quyết định trở ra chiếc tàu phen nữa. Bóng dáng chiếc xuồng lớn cứ lởn vởn trong đầu óc tôi hoài và tôi cứ bồn chồn muốn đem nó về dùng càng sớm càng tốt. Phải nói khéo mãi, lần này vợ tôi - vốn rất hay lo lắng về những chuyến đi như thế này - mới chịu để cho ba đứa lớn cùng đi, bởi vì tôi sẽ cần đến nhiều cánh tay giúp việc. Tôi hứa sẽ phải trở về ngay chiều nay và thế là chúng tôi ra đi với đủ thứ thức ăn để ăn trên tàu cả ngày. Mấy đứa trẻ thì rất phấn khởi được đi chuyến này, nhất là Éc-nét, chưa trở ra tàu lần nào nên lại càng tưởng tượng ra lắm điều thích thú. Chẳng mấy chốc đã đến chiếc tàu bị nạn. Chúng tôi chuyển ngay xuống thuyền những thứ xét thấy có ích và có thể lấy về được. Nhưng mục đích chính vẫn là chiếc xuồng lớn nằm trong kho ở sát sườn tàu, bên dưới phòng các sĩ quan. Nhưng làm thế nào đưa được nó ra khỏi nơi đó? Mặc dù xuống đã được tháo rời từng mảnh, những cánh tay yếu đuối của chúng tôi vẫn không thể đưa nó ra chỗ khác để ghép lại và nhất là hạ nó xuống nước sau khi ghép xong! Tôi suy nghĩ mãi, rất lo lắng mà không tìm ra được một cách nào tốt, tuy nhiên tôi vẫn không chịu từ bỏ ý định. Nhưng thì giờ trôi qua nhiều rồi, không thể trù trừ nữa. Chúng tôi cứ việc dùng búa phá quang thêm chung quanh chiếc xuồng rồi quyết tâm bắt tay vào việc. Suốt một thời gian dài, chúng tôi làm việc theo kiểu đó, nghĩa là sáng đi tối về, cả ngày ở trên tàu lo ghép cho xong chiếc xuồng. Vợ tôi cũng quen dần mà không tỏ ý lo ngại lắm. Chúng tôi hì hục làm việc, lắp mộng, đóng chốt và dần dần chiếc xuồng đã thành hình. Dáng nó thanh tao, nhẹ nhàng có thể chạy buồm rất tốt. Chúng tôi dùng nhựa và giẻ rách xảm lại thật kỹ càng. Giữa xuồng có một cột buồm có thể hạ xuống được, lại có đủ cả những thứ cần thiết để căng buồm. Chúng tôi cũng không quên sắm sửa cho nó quá mức một chút tức là đặt vào sau lái hai khẩu đại bác nhỏ cùng đạn dược cần thiết. Chiếc xuồng xinh đẹp vẫn cứ nằm yên trong xưởng. Chúng tôi ngắm nghía nó mãi và đi quanh nó như là những đứa trẻ con thực sự, nhưng vẫn chưa tìm được cách đưa nó ra khỏi nơi này. Đành bó tay hay sao? Nhưng làm thế nào mở được một lối ra cho chiếc xuồng qua cái mớ ngổn ngang những xà ngang cột dọc, rồi những ván gỗ sườn tàu rất dày, bên ngoài lại bọc đồng? Tôi vẫn không nản lòng và bất chợt, một ý nghĩ táo bạo nhưng có thể nguy hiểm vụt nảy ra trong óc tôi. Trên tàu, có một cái cối bằng gang. Tôi đổ đầy thuốc súng vào cối, lấy một tấm ván gỗ sến đậy chặt lên rồi lại dùng móc sắt néo kỹ vào tai cối. Tôi đã đục một cái rãnh bên dưới tấm ván và xâu qua đó một ngòi pháo dài đủ cho lửa cháy dần chừng hai giờ đồng hồ trước khi bén vào thuốc súng trong cối. Tôi lấy nhựa gắn kín chung quanh tấm ván lại, quấn một dây xích sắt quanh cối cho vững thêm rồi đem treo vào thành sườn tàu bên cạnh chiếc xuồng. Mọi việc xong xuôi, tôi bảo các con tôi sửa soạn lên đường. Chúng còn đương lo chuyển mọi thứ lên thuyền nên không trông thấy tôi làm việc đó. Tôi xuống thuyền cuối cùng sau khi đã châm lửa vào ngòi pháo, hồi hộp chờ đợi một kết quả hú họa. Tới bờ, tất nhiên là dỡ đồ đạc xuống thật nhanh vì tôi còn muốn quay trở ra tàu ngay sau khi nghe tiếng nổ. Trong khi chúng tôi làm việc cật lực, một tiếng nổ dữ dội vang lên trên mặt biển. Vợ tôi và lũ trẻ giật nẫy mình, sợ đến nỗi bỏ rơi tất cả những gì đương cầm trong tay. - Cái gì thế hở bố? - Bọn trẻ con hỏi. - Có lẽ là tiếng súng kêu cứu của một chiếc tàu đương bị nạn - Phrê-đê-rích kêu lên - Phải đi cứu họ ngay! - Không phải đâu! - Vợ tôi nói - Mẹ đoán rằng tiếng nổ đó xảy ra ở chiếc tàu của chúng ta. Có lẽ các con đã đốt lửa vô ý thế nào đó để lan đến một thùng thuốc súng. - Có lẽ mẹ chúng nó đoán đúng đấy! - Tôi bảo vợ tôi thế - Chúng ta phải ra ngay xem sao! Ai muốn đi nào? Không trả lời, cả ba đứa nhỏ nhảy ào vào thuyền và sau khi đã hứa sẽ trở về ngay với bà mẹ hay lo nghĩ, chúng tôi quay mũi thuyền. Chưa bao giờ chúng tôi đi nhanh như thế này, bọn trẻ vì tò mò, tôi vì nóng ruột. Lại gần chiếc tàu, tôi yên lòng vì thấy không có khói và lửa ở sườn tàu tuôn ra và vị trí chiếc tàu vẫn không thay đổi. Đáng lẽ ghé vào chỗ cũ, chúng tôi vòng quay mũi và hướng thuyền sang phía bên kia. Mặt biển đầy những mảnh vỡ, sườn tàu bị phá thủng. Chiếc xuồng lớn không chút suy xuyển mà chỉ hơi nghiêng đi một chút, lộ ra bên trong cái lỗ hổng lớn vừa bị cối thuốc súng phá tung. Trông thấy thế, tôi reo lên, vui sướng không thể tả, khiến bọn trẻ rất đỗi kinh ngạc vì chúng đương sửng sốt trước sự phá hoại vừa xảy ra. - Thắng lợi! Đại thắng lợi! Nó thuộc về chúng ta rồi, chiếc xuồng lớn thuộc về ta rồi! Mẹo của ta đã thành công và bây giờ thì đưa nó xuống nước cũng dễ thôi! - À, bây giờ thì con bắt đầu hiểu rồi - Phrê-đê-rích nói - Chính bố đã phá cho nố sườn tàu để mở đường cho chiếc xuồng lớn. Nhưng mà bố ơi, bố sắp xếp thế nào mà khéo thế? - Bố sẽ nói cho các con hiểu tất cả những việc đó. - Tôi bảo chúng nó và buộc thuyền vào một cái xà trên tàu - Bây giờ thì phải dập tát cho kỳ hết, không để một đốm lửa nào trên tàu đã! Chúng tôi trèo ngay lên sườn tàu bị vỡ, xem xét kỹ lưỡng khắp mọi nơi và vui mừng không thấy một chút lửa nào cả. Ván, xà ngang, cột dọc, tất thảy đều gãy tung. Chiếc xuồng không vướng vít gì nữa, chỉ còn cách mặt biển chừng vài ba bộ. Chúng tôi dọn dẹp cũng nhanh để lấy một lối đi. Hôm trước đã khôn ngoan lắp chiếc xuồng trên trục gỗ tròn, bây giờ chúng tôi chỉ việc đẩy nó xuống nước, cũng như trước kia đã hạ thủy chiếc thuyền chậu. Chúng tôi dùng kích và những chiếc đòn bẩy đẩy dần chiếc xuồng trống rỗng. Một dây cáp vững chãi buộc chặt hai bên sườn xuồng. Sau khi chúng tôi hợp sức đẩy nó ra khỏi tàu và chuồi xuống biển, nó bập bênh nổi và khẽ lắc lư rất đẹp mắt. Trời cũng xế chiều, chẳng làm gì thêm được nữa. Chúng tôi tạm neo chiếc xuồng lại đó và bố trí mọi việc cần thiết để đề phòng chống sóng dữ rồi cùng nhau xuống thuyền chậu trở về bờ ngay để tránh cho bà vợ tôi phải kéo dài nỗi lo âu. Trên đường vào bờ chúng tôi bàn nhau hãy giấu chưa cho bà ấy biết câu chuyện cái xuồng, để dành cho bà sự kinh ngạc vui sướng khi thấy mai kia nó cập bên sở Nhà dưới lều. Bởi thế, chúng tôi nói thác đi rằng lửa bén vào một thùng thuôc súng nhưng may mắn chỉ phá vỡ một lối khác ở sườn tàu, mà nhờ đó chúng ta chuyển đồ đạc lại càng thêm thuận tiện. Nghe nói thế, vợ tôi thở dài. Tôi đoán chắc rằng trong thâm tâm bà ước mong xác chiếc tàu chìm xuống biển sâu để khói có những chuyến đi mạo hiểm như thế nữa. Còn phải một thời gian làm việc cật lực mới hoàn tất việc trang bị cho chiếc xuồng. Sau cùng, khi đã sắm sửa cho nó đủ các cột buồm và dây dợ cần thiết để lên buồm, chúng tôi chuyển xuống một lô những thứ mà chiếc thuyền chậu yếu ớt không đảm đương được. Chúng tôi căng buồm lên. Được gió thuận, chiếc xuồng duyên dáng bắt đầu lướt trên sóng, nhanh như một con chim biển. Các con tôi thích thú khôn tả. Chúng tha thiết van nài tôi khi nào tới gần bờ thì cho phép bắn hai phát đại bác để chào bà mẹ yêu quý của chúng. Tôi không từ chối điều đó, muốn thưởng cho chúng đã biết giữ kín điều bí mật và làm việc rất dũng cảm để có được kết quả hôm nay. Thế là Phrê-đê-rích tự phong luôn mình là thuyền trưởng, giúp các em nó nạp hai khẩu đại bác ở cuối xuồng. Éc-nét và Ruýt-ly, tay cầm đuốc, sẵn sàng chờ lệnh của anh chúng, châm lửa vào ngòi khi xuồng vào tới tầm. Tiếng súng nổ ầm, dội vào vách đá trên bờ vang đi rất xa, khiến vợ tôi và Phrít đều hơi có vẻ lo ngại khi thấy bóng chiếc xuồng ngoài khơi tiến vào. Nhưng nghe tiếng chúng tôi reo mừng khi thấy người thân, hai mẹ con nhận ra ngay và vợ tôi giơ tay vẫy chào âu yếm. Riêng chú Phrít thì cứ ngẩn người ra mà ngắm nghía chiếc tàu nhỏ xinh đẹp. Khi chúng tôi cập vào bến đã chọn, hai mẹ con chạy ra đón. Vợ tôi nói: - Ác quá! Pháo binh của các người làm tôi lo sợ vô cùng. Tôi tưởng rằng lần này thì xác chiếc tàu phải nổ tan cả rồi! Nhưng mà bây giờ thì mấy bố con đều bình yên cả, tôi mừng quá đi mất! Phrê-đê-rích đặt một tấm ván làm cầu và vợ tôi bước ngay lên xuồng để xem. Cái gì bà cũng thích. Bà hết sức khen ngợi lòng dũng cảm và chí kiên cường của chúng tôi. - Quả thật mấy bố con đã làm được một việc rất tốt! Nhưng cũng xin đừng có tưởng rằng trong khi các người làm việc gian khổ như thế thì hai mẹ con chúng tôi ở nhà lại ngồi không! Chúng tôi không thể báo cáo được công việc một cách ồn ào như các người vừa làm lúc nãy đâu! Nhưng dăm đĩa rau dọn ra một cách lặng lẽ, đúng lúc và đúng chỗ, cũng cần được đánh giá đúng mức. Mấy bố con có muốn xem ngay công việc của chúng tôi ở nhà không? Lời mời quả là đưa ra rất khéo và kích thích tột độ óc tò mò của chúng tôi, cho nên không ai muốn hoãn cuộc đi thích thú ấy lại. Chúng tôi neo chắc chiếc xuồng vào bờ rồi theo vợ tôi đi về dãy núi có dòng Suối chó núi đổ xuống ấy và được chiêm ngưỡng cái vườn rau nguy nga ngăn thành luống thành vồng hẳn hoi. Tôi không thể nào nén nổi sửng sốt. Vợ tôi chỉ cho chúng tôi xem vườn rau: - Đó là công phu của tôi, hay nói cho đúng là của chúng tôi. - Vợ tôi nói với giọng tự hào và ôm lấy Phrít - Bởi vì chính thằng bé đáng yêu này cũng làm được việc không thua tôi mấy chút. Miếng đất này vốn là một đám lá đồ sộ đã mục nên rất xốp, cuốc xới cũng chẳng tốn công mấy! Tôi đã đem trồng vào nào là khoai tây, sắn và xa xa kia là đậu Hà Lan, đậu hạt các thứ. Về phía này, một dãy những luống đã gieo xà lách, cải củ, bắp cải và rất nhiều giống rau châu Âu. Còn đây là một khoảng dành cho mía, tôi cũng đã đánh đến đây những gốc dừa và gieo hạt dưa, chắc chắn đều sẽ mọc tốt. Cuối cùng, chung quanh những luống đó, tôi trỉa ngô; ít lâu nữa ngô mọc lên cao, lá ngô to bản sẽ che ánh nắng gay gắt cho cây non. Quả thật tôi không thể không ngạc nhiên. Tôi không thể tưởng tượng được một người đàn bà và một đứa nhỏ như thằng Phrít mà có thể trong một thời gian ngắn làm được một "công trình" như thế. Giỏi hơn nữa là cả hai đều đã giữ kín được việc mình làm trong suốt thời gian qua. Sau khi không tiếc lời khen ngợi "công trình" thiết thực và bổ ích đó, chúng tôi lại quay trở về chiếc xuồng. Đi đường vợ tôi vẫn suy nghĩ về trồng trọt và nhắc đến những mầm cây ăn quả đưa từ chiếc tàu về. - Tôi đã ươm chúng rồi! - Vợ tôi nói - Tôi rất chăm lo che chắn chúng cẩn thận, hàng ngày tưới luôn cho chúng mát. Nhưng nhất thiết phải mau mau đem chúng trồng vào chỗ thích hợp và chăm nom cẩn thận, nếu bố nó không muốn bỏ phí chúng. Tôi hứa với vợ tôi ngay hôm sau sẽ lo tới những mầm cây đó và sẽ sắp xếp vườn ươm bên cạnh vườn rau. Chúng tôi dỡ đồ đạc trên xuồng xuống, chất lên xe quẹt tất cả những gì có thể dùng ở Tổ chim ưng. Tất cả những thứ còn lại đều cất đật cẩn thận vào trong lều. Xong xuôi, chúng tôi thả neo xuống neo chặt chiếc xuồng, lấy dây cáp buộc nó vào một cái cọc rất vững, rồi lên đường trở về biệt thự trên cây và chẳng mấy chốc đã tới nơi. Vợ tôi thì muốn tránh xa cái nắng cháy da ở cánh đồng quanh Nhà dưới lều, còn tất cả chúng tôi thì muốn nghỉ ngơi sau cơn mệt nhọc Thời gian ở Nhà dưới lều và những chuyến đi về từ nhà ra chiếc tàu như con thoi, cũng không làm chúng tôi lãng quên ngày chủ nhật. Hôm chúng tôi trở về Tổ chim ưng, một không khí nghiêm trang lại được tạo lên như lần trước. Nhưng lần này, sau bữa cơm chiều, tôi cảm thấy cần phải cho lũ trẻ giải trí. Tôi vẫn tự đề ra cho mình là: làm cho trẻ con yêu thích với tất cả những gì cần phải yêu thích, nên tôi cho phép bọn trẻ được tổ chức những trò chơi hàng ngày của chúng. Cùng với thi bắn cung, tôi thêm vào những cuộc thi chạy, thi nhảy, thi vật, thi trèo cây bằng cành hoặc bằng dây thừng như các thủy thủ vẫn trèo lên ngọn cột buồm. Lũ trẻ mặc sức trổ tài. Khi tất cả những trò chơi đó đã bớt phần lôi cuốn, tôi tập cho lũ trẻ một trò chơi mới chưa đứa nào biết: đó là tập một kiểu ném thòng lọng, khí giới rất lợi hại mà thổ dân châu Mỹ vẫn dùng để bắt bò rừng, ngựa rừng. Lúc đầu chúng nó còn tỏ vẻ ngờ vực kết quả của thòng lọng. Tôi bèn lấy hai viên đạn chỉ cỡ lớn, dùi lỗ, xâu vào hai đầu một sợi dây thừng nhỏ dài độ một sải để làm tạm một chiếc thòng lọng rồi ném thử vào một cây nhỏ vừa tầm cho chúng thấy. Quả nhiên thòng lọng quấn quanh thân cây rất chặt. Tôi vừa kéo đầu dây cầm ở tay để riết chặt thêm thòng lọng vừa bảo lũ trẻ: - Đấy các con thấy không? Nếu cái cây kia là cổ một con cọp, bố có thể bắt nó dễ dàng. Kết quả đó làm cho bọn trẻ rất ham mê ném thòng lọng. Phrê-đê-rích chơi rất giỏi và tôi khuyên những đứa kia cố gắng theo cho kịp; một ngày kia cạn thuốc nổ thì dây thòng lọng có thể thay thế cho súng đạn rất tốt Ngày hôm sau biển động, sóng cồn, đứng trong ngôi nhà cao trên cây trông ra thấy rất rõ. Chúng tôi cũng không muốn quay trở lại với chiếc xuồng nữa và bây giờ thì cũng đã neo kỹ nó rồi. Vợ tôi lại nhắc tôi để ý tới những cây non vùng châu Âu mà bà đã khéo giữ gìn cho xanh tốt. Tôi bèn đi tìm ngay một khoảng đất thích hợp và được bọn trẻ giúp sức, tôi bố trí một khu vườn ươm rồi trồng cây con vào đó. Công việc ấy choán mất cả ngày tròn. Tối đến tôi cho gia súc ăn, đi dạo quanh nhà một vòng như thường lệ và đi ngủ hơi muộn. Tôi định đi thăm dò biên giới của xứ sở mới một chuyến và chỉ cho Phrê-đê-rích đi theo để tìm hiểu thêm xem đây là một hòn đảo trơ trọi hay là một mỏm đất nào đó trên đất liền. Để cho vợ tôi yên tâm, tôi nói là đi tìm chiếc xe quẹt hôm qua còn để lại trong rừng, hôm nay phải đưa về. Tôi đem theo hai con lừa và một con chó rồi hai cha con, khí giới đầy đủ, một bị đầy lương ăn trên lưng, rời Tổ chim ưng sau bữa sáng. Tới Rừng bầu, chúng tôi gặp ngay chiếc xe quẹt và tất cả mọi thứ trên đó. Chúng tôi cứ tạm để nó nằm yên đó để đi thăm dò thêm phía sau những thành núi đá và đi sâu vào trong nơi chưa từng đặt chân đến. Chúng tôi vẫn đem theo con lừa để mang hộ thức ăn cùng những vật săn bắt được hoặc những thứ gì khác mà chúng tôi không thể tự mang lấy trên mình. Tìm được một lối hẻm xuyên qua núi đá, chúng tôi lọt vào một miền tươi tốt, dày đặc những cây cối giống như phía bên kia. Đâu đâu cũng là những cây khổng lồ và những đám cỏ cao vô kể. Chúng tôi tiến lên một cách khó nhọc và rất thận trọng, nhìn ngang nhìn ngửa để không bỏ sót một thứ gì bổ ích cần lấy về và cũng để đề phòng mọi tai nạn. Con Tuyếc đi trước mở đường tai vểnh lên, mũi đón gió. Tiếp theo là chú lừa, đủng đỉnh và trang nghiêm, rồi tới chúng tôi, súng dưới cánh tay, đi theo những con vật trung thành và bình thản. Thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp những cánh đồng khoai tây hoặc bãi sắn. Từng đàn cu núi len lỏi giữa những thân cây sắn, nhưng chúng tôi cũng để cho chúng yên ổn vì thịt chúng chẳng ngon lành gì. Trên đường đi chúng tôi gặp một loại cây nhỏ rất đáng chủ ý: trên cành lủng lẳng rất nhiều quả trắng to bằng hạt đậu, bên ngoài có một chất nhờn bao bọc. Sau khi lấy một vài quả xát giữa mấy ngón tay, tôi nhận ra ngay cái chất nhờn ấy chính là một loại sáp và đó là cây sáp có thể dùng làm nến thắp. Tôi rất sung sướng đã tìm được chất đó, và hái ngay thật nhiều chùm hạt bỏ đầy một bao tải. Vợ tôi sẽ rất hoan nghênh sản vật mới này vì bà ấy thường hay phàn nản cứ phải đi ngủ sớm như lũ gà, nghĩa là ngay sau khi mặt trời lặn. Quả là một sản phẩm quý giá, chúng tôi không tiếc công sức và thì giờ để hái thật nhiều. Cứ len lỏi như thế trong rừng, chúng tôi gặp vô số những điều lý thú hoặc kỳ lạ khiến quên cả mệt nhọc: đây là những bông hoa đẹp lộng lẫy, nọ là những con bướm cánh muôn màu rực rỡ không khác những bông hoa, kia là những chú chim hình dáng và bộ mã khác nhau. Nghe chim non ríu rít trong tổ, Phrê-đê-rích chạy tới, trèo lên cây và khéo léo bắt được một chú vẹt non sắp tập bay. Nó bọc nhẹ nhàng con chim nhỏ trong khăn tay rồi khẽ bỏ vào túi áo trước ngực. Vui thích vì được con vẹt, nó nói rằng sẽ nuôi và dạy con chim học nói. Xa một chút chúng tôi nhìn thấy nhiều thứ chim khác cũng sống thành đàn và trú trong rất nhiều tổ dưới một vòm lá chung có lẽ do tất cả đàn góp sức làm nên. Cái vòm đó làm bằng rơm, cành khô, rêu và đất nhuyễn có thể che được mưa nắng. Chúng tôi dừng chân ngắm cái kỳ quan mới đó. Mãi đến khi sực nhớ ra rằng không còn thì giờ nữa, chúng tôi mới dứt ra đi, không khỏi luyến tiếc cái xóm vui ấy. Do đó, chúng tôi bàn về vạn vật học, nói đến những sinh vật sống thành đàn. Thằng con tôi rất chăm chú nghe chuyện. Đang nói chuyện, chúng tôi gặp những cây có hình dáng và lá có vẻ xa lạ hết sức: cây cao từ bốn mươi đến sáu mươi bộ, vỏ thì nứt nẻ, dính đầy những cục nhựa nho nhỏ đặt sệt. Nhựa ấy gặp không khí đông rắn lại, lấy ngón tay bóp nó cũng không bẹp xuống mà chỉ duỗi dài ra, bẻ nó không gãy mà chỉ tọp lại và duỗi dài ra; thả ra, nó trở lại hình dáng cũ. Vô cùng kinh ngạc nhưng cũng rất vui thích với sự phát hiện đó, Phrê-đê-rích chạy gọi tôi: - Con tìm thấy cao su! - Có thật không? - Tôi vội vàng hỏi - Nếu đúng như thế thì con đã tìm ra được một vật vô cùng quý giá đấy! Con tôi tưởng tôi nói đùa. Liệu cái chất nhựa co giãn này dùng được việc gì? Chúng tôi có vẽ tranh đâu mà cần đến tẩy! Tôi bèn giảng giải cho nó biết là thứ nhựa này dùng được rất nhiều việc chứ không phải chỉ có ích riêng cho người thợ vẽ. Nó có thể thay thế cho những thứ vải tốt nhất vì nó không thấm nước. Tôi lại nói thêm rằng chúng ta có thể tự chế lấy những đôi giày tuyệt tốt. Thằng bé thú vị lắm và đòi giảng cho biết làm thế nào để có giày đi ngay. Tôi bèn nói cho nó biết về cây cao su, cách lấy nhựa và cách làm ủng làm giày đơn giản. Hy vọng rồi đây sẽ có những đôi ủng giữ cho đôi chân khỏi bị gai góc, chúng tôi phấn chấn lạ thường. Chúng tôi lại đi một lát nữa trong một khu rừng rậm bao la. Tôi gặp rất nhiều những cây cọ không cao như loại cọ khác và trên lá phủ một lớp phấn trắng. Tôi đoán ngay đó là cây xa-gu (Một loại cây có nhiều ở miền nhiệt đới châu Á, còn gọi là "cây bánh mì", vì lõi chứa một thứ bột có thể làm bánh ăn no được) chính cống. Muốn biết chắc chắn tôi lấy búa bổ vào thân những cây bị gió lay bật gốc và moi từ bên trong ra được một cái lõi trắng, đầy bột, đích thị là chất xa-gu thường đem từ Ấn Độ qua châu Âu. Phấn khởi với sự phát hiện vô cùng quan trọng này, hai bố con bèn bổ dọc thân cây lấy ra được tới hai mươi lăm cân cái chất lõi quý giá đó. Mất trọn một giờ và lại bắt đầu thấy đói và khát nước, chúng tôi quay trở về Rừng bầu vì lương thực để lại đó. Chúng tôi ăn uống no nê, nghỉ ngơi thoải mái rồi chất tất cả mọi thứ tài sản lên xe quẹt, thắng chú lừa vào, cùng nhau trở về Tổ chim ưng. Vợ tôi rất hớn hở đón chúng tôi và tỏ vẻ vồ vấp đối với chất bột mới. Con vẹt xinh đẹp xanh đỏ của Phrê-đê-rích, rồi cây cao su sẽ cho chúng tôi tất cả các loại giày ủng không thấm nước, những sự việc ấy trở thành những câu chuyện chính trong bữa cơm chiều. Vợ tôi lại rất để ý tới những quả sáp và tỏ vẻ vui mừng sắp sửa có ánh sáng ban đêm, không còn phải đi ngủ sớm ngay sau khi mặt trời lặn như mấy lâu nay nữa.