ới cảm giác rằng cái cụm từ đó vẫn sai, em nghiêng đầu và nhìn chăm chăm vào ông chủ quán. Ông chủ quán cười khiến em cũng bật cười theo. Ông gật đầu ra hiệu cho một người trong số đám đông đứng đằng sau, rồi hỏi xin người đó một điếu thuốc lá. Đó là một khuôn mặt khá quen thuộc của quán Mozart. Người đó nhanh nhẹn rút một điếu thuốc lá từ túi áo ngực của mình, châm lửa giúp ông chủ quán, rồi hỏi với vẻ lo lắng, rằng ông chủ có đóng tiền bảo hiểm hỏa hoạn hay không. Ông chủ đáp lại giống như những gì đã nói với em. Đáp lại ý của ông chủ về việc hai nghìn ba trăm đĩa hát không thể nào lấy lại được, người đó bảo thế này. “Đĩa hát vẫn có thể mua được ở cửa hàng băng đĩa mà. Từ bây giờ ông lại sưu tầm lại từng đấy đĩa cũng được cơ mà”. Ông chủ quán với vẻ mặt bực bội lẩm bẩm như tự nói với mình, rằng có rất nhiều đĩa hát chẳng làm sao có thể tìm lại được nữa. Rồi ông chui qua sợi dây thừng, đến nói điều gì đó với nhân viên cứu hỏa. Em lặng lẽ len qua đám đông, rời khỏi nơi đó, vội vã rảo bước về nhà trên con đường vắng vẻ, không một bóng người. Chứng kiến quán Mozart bị thiêu rụi, em thấy mình cũng bị kích động mạnh. Em vừa nhìn xuống mặt đất vừa ngẫm nghĩ như thể chiêm nghiệm rằng cuối cùng thì điều đó cũng đã bắt đầu. Cuối cùng thì sự bất hạnh cũng đã bắt đầu. Những điều em đã nghĩ khi ngồi trên chiếc sofa trong căn phòng giám đốc ở công ty bố, khi quyết ý chia tay anh đang dần dần trở thành hiện thực. Em đã nghĩ như thế anh ạ. Anh có còn nhớ không? Trong lá thư đầu tiên, em đã viết, em có một linh cảm rằng bởi chia tay với anh mà từ đây sẽ bắt đầu một quãng đời bất hạnh. Vì một sự việc chẳng thể ngờ tới bất chợt xảy ra mà anh đã rời xa em. Rồi chưa đầy một năm sau, quán cà phê mang tên Mozart mà em vô cùng yêu quý bị thiêu trụi, những bản nhạc được sáng tác bởi người nhạc sĩ thiên tài nằm trong hai nghìn ba trăm đĩa hát cũng tan thành tro bụi. Và rồi, em sẽ còn mất đi cái gì kế tiếp theo đây?! Về đến nhà, vào phòng mình, em cởi chiếc áo khoác và ngồi xuống đầu giường. Nhìn sang chiếc đồng hồ, kim đồng hồ đã chỉ hơn bốn giờ. Không sao ngủ được, em bật bản nhạc mình thích nhất trong số các tác phẩm của Mozart, vặn âm lượng ở mức nhỏ nhất, ghé sát tai mình và nghe đi nghe lại. Đó là bản giao hưởng số 39 mà em đã đến tìm mua nơi cửa hàng băng đĩa lớn ở Umeda theo lời mách bảo của ông chủ quán. Đó là bản nhạc mà theo lời ông chủ quán, là một nhạc phẩm nổi tiếng hết sức kỳ lạ với nhịp một sáu. Sự sống và cái chết có lẽ là như nhau... Em nghĩ, tại sao mình có thể nghĩ ra những điều viển vông từ âm nhạc của Mozart thế nhỉ. Rồi em lại nghĩ về cái cụm từ mà khi nãy, ông chủ quán đã nói với em khi đứng trước ngôi quán đang bắt đầu bị thiêu rụi của mình. Đó là cụm từ mà em hoàn toàn không hề nói ra. Đó là cụm từ do chính ông chủ quán đã tự mình tạo nên từ những câu nói vẩn vơ của em. Con tạo xoay vần lạ kỳ của vũ trụ. Con tạo xoay vần lạ kỳ của sinh mệnh. Đó không phải là cụm từ có nhiều sức hút với một cô gái tuổi đời còn trẻ như em. Cùng với những cảm nhận rằng, những giai điệu của bản giao hưởng kia như những cơn sóng nhỏ lăn tăn đang khẽ vỗ rì rào vào từng ngóc ngách của căn phòng trong đêm khuya tĩnh lặng, em cũng có cảm giác cái cụm từ đó như muôn vàn phép thuật lạ thường soi tỏ cho em vô số những bí mật ẩn giấu trong số kiếp con người. Khi chứng kiến quán Mozart đang dần bị thiêu rụi, ông chủ quán đã nhìn thấy gì nhỉ? Suy nghĩ ấy đã vụt thoáng qua trong trí óc em. Em nằm dài trên giường và nhắm mắt lại. Từ lúc nào đó, ngọn lửa, tiếng gỗ cháy lốp bốp cùng hình ảnh ông chủ quán đã biến mất trong tâm trí em. Xâm chiếm hồn em lúc này là tán cây dịu mát trong một ngày hè của quãng đời sinh viên, ngày đầu tiên hai ta gặp gỡ, là ánh sáng hiu hắt của ngọn đèn chiếu hậu của chiếc ô tô tại con phố Midosuji, nơi hai ta đã nắm tay nhau đi về biết bao lần, là ánh sáng chói lóa nơi vùng biển nhầy nhụa ở Kobe mà em đã trông thấy từ cửa sổ tàu điện, vào cái ngày sau khi được bố chấp thuận cuộc hôn nhân của hai ta, quá đỗi vui sướng, em đã lên chuyến tàu Hanshin mà chẳng biết mình sẽ đi đâu nữa. Tất cả những hình ảnh kỷ niệm đó đang hòa quyện cùng bản giao hưởng số 39, vây kín những ý nghĩ mơ hồ, không hiện hữu thành lời trong em. Và khi ấy, em có cảm giác trong thoáng giây, mình hiểu được điều bí mật của cụm từ “con tạo xoay vần lạ kỳ của vũ trụ, con tạo xoay vần lạ kỳ của sinh mệnh” mà khi nãy ông chủ đã nói. Nhưng, điều đó chỉ diễn ra trong thoáng giây mà thôi. Trong tâm trí em lại chợt hiện lên bóng ma của Seo Yukako. Người con gái câm lặng với dung nhan và thể xác đẹp hơn em rất nhiều đang hiện hữu trong em. Và con người ấy đã chết, đã không còn trên thế gian này nữa rồi. Sáng hôm sau, khi em xuống nhà ăn bữa sáng muộn, bố bảo với em đại ý rằng, nếu em có mối quan hệ thân thiết với họ đến thế, thì cũng nên có chút quà gì đó thăm hỏi gia đình họ. Chị Ikuko cũng bảo thêm rằng, lúc này, món quà có ý nghĩa nhất với họ là tiền mặt. Em nghĩ trong hai, ba ngày này, vợ chồng ông chủ quán ắt hẳn phải vô cùng bận rộn với việc thu dọn mọi thứ sau đám cháy. Cho nên, vào ngày thứ tư kể từ hôm xảy ra vụ cháy, em cầm số tiền thăm hỏi đến căn hộ của hai vợ chồng ông chủ quán. Vợ chồng ông chủ rất vui khi thấy em đến thăm, liền dẫn em vào phòng khách, rồi cúi đầu nhiều lần để cảm ơn việc em đã đến tận nơi vào hôm xảy ra đám cháy mặc cho đêm hôm rét mướt. Ông chủ quán mãi không chịu nhận số tiền em mang đến. Em phải đặt số tiền đó lên trên bàn và khăng khăng rằng, đây là mệnh lệnh của bố em, nên em không thể mang nó về được. Cuối cùng thì ông chủ quán cũng nhận số tiền đó và nói lời cảm ơn với em. Đúng lúc ấy, lại có một người khách nữa đến thăm gia đình. Ông chủ quán giới thiệu: “Đây là cháu tôi. Cậu ấy là con cả của người anh trai đã mất của tôi”. Em và người ấy cùng chào hỏi, rồi giới thiệu tên với nhau. Người ấy là Katsunuma Soichiro, chính là chồng em bây giờ. Rồi em sẽ viết cụ thể về những tình tiết cho tới khi em và anh Katsunuma lấy nhau vào một lúc khác nhé. Rời khỏi căn hộ của gia đình ông chủ quán Mozart, em đến hiệu sách trước ga lật xem các cuốn tạp chí phụ nữ, tìm cách giết thời gian bằng việc dạo quanh quầy sách bỏ túi, ngắm nghía trang bìa của rất nhiều cuốn sách. Em muốn uống một tách cà phê ở đâu đó. Nhưng bởi, quán Mozart vừa mới bị thiêu rụi, nên em không có hứng vào một quán cà phê khác mà mình chưa đến bao giờ. Hôm đó là thứ Bảy thì phải. Khi tàu điện đỗ lại, một vài cô bé học sinh cấp ba bước xuống. Việc những cô bé này trở về nhà vào lúc quá trưa như thế chứng tỏ chắc chắn hôm đó là thứ Bảy. Với em vào thời điểm bấy giờ, những chuyện đại loại như hôm nay là thứ mấy, ngày nào, tháng nào, chẳng có chút can hệ gì tới cuộc sống của mình, nên lơ đãng nhìn những cô bé học sinh cấp ba với bộ đồng phục kiểu lính thủy ấy. Em nghĩ, công ty của bố vào thứ Bảy cũng chỉ làm việc đến trưa thôi. Hôm nay sau khi tan sở, hình như bố không có kế hoạch gì, nên có khi đến chiều là bố sẽ về tới nhà cũng nên. Em có linh cảm rằng với tính cách của bố, dần dần sắp sửa đến lúc bằng một ánh mắt ân cần, ông sẽ đưa ra một ý kiến dứt khoát nào đó đối với em. Đôi khi, những linh cảm của con người lại cực kỳ chính xác. Về đến nhà, em đã thấy bố nằm trên ghế sofa trong phòng khách và xem ti vi. Thấy em, bố chỉ tay vào chiếc ghế sofa trước mặt mình và bảo: “Con ngồi xuống đây. Bố có chuyện muốn nói với con”. Có những lúc, trong lòng em thấy vô cùng ngạc nhiên, và cũng nhiều lúc lại thấy tự hào vì những linh cảm chính xác của bản thân. Vậy mà, tại sao, người vợ có những linh cảm chính xác là em lại không hề nhạy cảm trước mối quan hệ bất chính kéo dài suốt một năm trời của anh kia chứ? Anh quả là một diễn viên với khả năng diễn xuất tài tình mà chẳng để ai hay biết. Em xin cúi đầu bái phục anh đấy. Bố nằm nghiêng trên ghế, mắt vẫn hướng về phía màn hình ti vi, và bảo rằng cũng sắp đến lúc em phải lo cho chuyện tương lai tiếp theo của mình rồi đấy. “Điều quan trọng nhất giúp con quên được, đó là con phải quên hết đi”. Bố nói vậy. “Con đã quên rồi”. Em trả lời. Chưa đợi em nói dứt câu, bố gợi ý luôn hay là em nên đi nước ngoài một chuyến xem sao. “Tóm lại, con hãy tự kết thúc chuyện đó đi. Đến nơi nào bây giờ nhỉ? Paris, Vienna, Hy Lạp. Con có thể đến những nơi thật xa tận Bắc Âu chẳng hạn. Hãy thong dong đi du lịch nước ngoài một mình. Hãy để cho mình được hoàn toàn thanh thản, không còn vương vấn một điều gì nữa, rồi hãy trở về nhà”. Em cúi đầu mắt dõi theo những hình thù họa tiết trên tấm thảm Ba Tư, lẩm bẩm: “Một mình đi du lịch nước ngoài thì buồn lắm. Con chẳng thích đi theo cách đó chút nào”. “Thấy con thế này, bố thấy thương quá mà chẳng biết phải làm sao”. Nghe câu nói ấy, em ngẩng mặt lên nhìn ông, thì thấy mắt ông ngân ngấn nước mắt. Đó là lần đầu tiên, em nhìn thấy những giọt nước mắt của bố. Bố nói, rằng ông không hề nghĩ là con gái mình lại rơi vào hoàn cảnh thương tâm đến thế này. Nhưng, người đã đưa con đến cảnh ngộ này, không ai khác chính là bố đây. Nếu như bố không quyết định chọn Arima làm người thừa kế công ty này, thì các con đã có thể giải quyết sự việc này như là chuyện riêng của các con. Chuyện này vẫn thường xảy ra ở ngoài xã hội mà. Chỉ cần con biết chấp nhận, rồi thì thời gian qua đi, rất có thể tình cảm vợ chồng của hai con sẽ lại được hàn gắn như thuở ban đầu. Nhưng, là giám đốc công ty xây dựng Hoshijima, bố buộc phải yêu cầu Arima rời khỏi công ty. Có lẽ khi ấy bố đã suy nghĩ hơi hấp tấp chăng. Bố đã cứng nhắc cho rằng việc Arima rời khỏi công ty cũng có nghĩa là nó sẽ đi khỏi nhà Hoshijima. Nhưng, cho đến quãng thời gian vừa qua, bố đã thấy đâu là cần thiết phải như vậy. Cho dù nó có mất quyền thừa kế công ty xây dựng Hoshijima, thì cứ mặc, đó đâu phải là lý do để nó phải rời xa con, phải vậy không con? Lẽ ra bố phải cân nhắc vấn đề một cách sâu sắc hơn. Lẽ ra khi ấy bố nên kiếm cho Arima một công việc khác, rồi cả hai đứa tạm thời sống tách nhau ra cho đến khi vết thương của con lành hẳn. Giá như khi ấy bố đợi thêm một thời gian nữa, quan tâm đến hai đứa hơn. Như thế mới là cách hành xử người lớn chứ. Tuy bố đã không nói hẳn ra, nhưng trong vai trò là bố vợ, ở bệnh viện, bố đã quở trách nó với những lời lẽ thâm thúy khiến Arima buộc phải tự đưa ra lời đề nghị ly hôn với con. Nhưng, những điều đó là giả dối. Bố là bố vợ của con, nhưng thật ra, bố đã chỉ đứng trên lập trường của giám đốc công ty xây dựng Hoshijima để liên tiếp quở trách nó mà thôi. Bố đã bóng gió xa xôi cho nó hay rằng, chắc hai đứa chỉ có cách duy nhất là chia tay nhau. Và bố biết rằng, cho dù sự việc đó đã xảy ra, con vẫn không hề muốn chia tay với Arima. Chắc chắn con không muốn chia tay nó đâu. Đó là điều mà bố đây hiểu rõ con nhất. Nghe những lời bố nói mà nước mắt em tuôn trào. Bố đã nói liền một mạch đến đó, rồi bỗng dưng, bố im lặng, và cứ thế hồi lâu, bố không nói thêm câu nào nữa. Một sự yên lặng kéo dài. Ngồi trên chiếc ghế sofa tại phòng khách được ánh mặt trời của ngày mùa đông rọi vào, em cứ thế, cứ thế lắng nghe tiếng nức nở nơi lòng mình. “Nhưng mà, con ngựa đã bị gãy chân trước, chiếc bình đã bị vỡ tan ra nghìn mảnh rồi mà. Phải vậy không hả bố? Trước khi con và anh Arima chia tay nhau, bố đã nói như thế với con tại quán cà phê ở Arashiyama còn gì. Nhưng, thực ra lúc đó không phải như vậy. Khi chúng con chia tay nhau, khi con đóng dấu vào lá đơn ly hôn, chân của con ngựa bị gãy, chiếc bình vỡ tan...”. Lúc em nói đến đó, bố ngồi bật dậy, chặn câu nói của em. “Arima nó là một thằng đàn ông tốt. Càng ngày bố càng thấy quý nó đấy”. Bố nói vậy, với vẻ mặt cau có đáng sợ, khiến em chẳng nói thêm được gì nữa, rồi bỏ về phòng mình. Chị Ikuko cầm hai tách trà vào phòng khách. Thấy mình em trong phòng đang cúi mặt khóc nấc như một đứa trẻ, có vẻ như chị cố tìm lời gì đó để nói với em. Nhưng rồi, chẳng còn gì, chị đặt ấm và tách trà lên trên bàn, rồi quay trở vào bếp. Em lơ đãng nhìn làn khói nước bay lên từ miệng vòi ấm trà và ngẫm nghĩ lại những lời cuối cùng trong câu nói của bố. Arima nó là một thằng đàn ông tốt. Càng ngày bố càng thấy quý nó đấy. Em cảm nhận thấy khả năng thuyết phục to lớn và tình yêu thương của bố chỉ với câu nói ấy của ông, một người vốn chỉ biết đến công việc và công việc, không mấy để tâm đến những chuyện gia đình ấy, một người vẫn thường lạnh lùng và chẳng mấy khi bị thuyết phục bởi một ai đó. Quả thực, người chồng trước đây của em là một người tốt. Còn bây giờ, từ sâu thẳm đáy lòng mình, bố đã nghĩ cho hạnh phúc của riêng em. Hai ý nghĩ ấy cứ len lỏi xót xa thương cảm với anh, cả nỗi hận với bố bỗng nhiên tan biến. Thay vào đó là những ý nghĩ bay lơ lửng trong một không gian trống rỗng, trắng xóa. Em ngồi tại chỗ đó trong bao lâu nhỉ? Em chợt nhận ra ánh mặt trời của ngày mùa đông hầu như đã tắt hẳn. Cây đèn đá phủ rêu ngoài vườn trở nên đen ngòm, bóng của nó phủ dài cả lên khung cửa sổ căn phòng của bố ở khu nhà kế bên. Em chỉnh trang lại đầu tóc, rồi đi vào bếp. Chị Ikuko khoe với em rằng hôm nay chị có một chuyện rất vui. Cậu con trai của chị sẽ tốt nghiệp cấp ba vào năm nay đã tìm được chỗ làm. Chị bảo con trai chị mơ ước trở thành đầu bếp, và bây giờ, mơ ước của cậu bé đã trở thành hiện tại. Một nhà hàng Pháp nổi tiếng ở Ashima đã nhận cậu vào làm việc. Đó là nhà hàng Mezon do rowa mà em và anh đã cùng nhau đến đó đôi ba lần. Chồng mất sau khi sinh con được ba năm, sau đó, chị Ikuko sống bằng nghề làm ruộng ở nhà chồng tại vùng Tanpa khoảng năm năm. Chị ở cùng với bố mẹ chồng, nhưng rồi sau đó, chị tách ra, đến ở nhờ tại nhà người chị gái ở quận Higashinada tại Kobe một thời gian. Khi mẹ em mất, gia đình muốn tìm một người thật thà, tốt tính đến giúp việc cho gia đình. Qua người quen giới thiệu, chị đến sống và làm việc cho nhà em. Gửi cậu con trai ở nhà người chị gái; kể từ đó, chị sống như người trong nhà với hai bố con em. Tất nhiên, chị ấy không bao giờ nói ra, nhưng cả em và bố đều nghĩ hẳn chị thấy buồn lắm khi phải sống xa cậu con trai duy nhất của mình như vậy. Đôi khi, em và bố vẫn hỏi han chị về điều này. Em và bố đã đề xuất là, chị ấy thử tìm thuê một căn hộ nào đó gần Koroen, và sống cùng cậu con trai tại đó, rồi ngày ngày đến làm việc tại nhà Hoshijima có lẽ sẽ tốt hơn chăng. Chắc chắn là chẳng cần viết ra, anh cũng biết quá rõ chuyện này rồi phải không? Chị Ikuko cũng thấy đó là một ý hay, nên bắt đầu đi tìm một căn hộ thích hợp. Nhưng đúng lúc đó, lại xảy ra sự việc của anh. Sự việc đó của anh và việc của chị Ikuko thực ra chẳng có liên can gì đến nhau, nhưng chị ấy thương em quá và lo lắng cho em hệt như mẹ em vậy. Chị Ikuko bỏ ý định đi tìm một căn hộ, bảo với bố và em rằng chị ấy muốn được sống và làm việc cùng mọi người trong nhà như từ trước tới giờ. Khi nào cô Aki khỏe lại tôi sẽ đi tìm sau. Còn từ giờ cho đến lúc ấy, chắc chắn là tôi sống và làm việc ngay tại gia đình sẽ tiện hơn cho mọi người. Tôi cũng có ý định khi cậu con trai lớn khôn rồi, tôi sẽ thôi không đi làm nữa, sẽ sống những tháng ngày rảnh rỗi cùng con trai. Cái thằng cu nhà tôi nó khó gần lắm. Nó còn bảo, lúc này không sống cùng mẹ cũng chẳng sao nữa kia. Chị thầm thì: “Aki, cô sẽ không chịu nổi khi cứ phải chăm sóc ông chủ khó tính như thế đâu. Cô cứ để việc đó cho tôi”. Kể từ lúc đó, cả nhà không đề cập đến việc chị Ikuko đến làm việc tại gia đình theo kiểu ngày ngày đi đi về về nữa. Như thể đã quen tính nết bố đến mấy chục năm trời, chị Ikuko thể hiện sự cảm thông, làm việc và cư xử với bố hết sức vui vẻ, không hề để bụng bản tính nóng nảy và sai bảo nhân viên theo kiểu độc đoán của bố. Với cách thức đó, chị chưa bao giờ làm cho bố phải bực mình, nên em lúc nào cũng thấy nể và thầm cảm ơn chị ấy. Những lần bố phải sống ở Tokyo một thời gian dài, nhiều lần chị Ikuko cũng đi đến đó cùng với bố. Điều đó cho thấy, bố đã rất tin cậy chị Ikuko. Em hỏi về chỗ làm của cậu con trai của chị, và nói cho chị biết rằng một khi con chị được học nghề ở cửa hàng Mezon do rowa thì cậu ấy có thể làm đầu bếp ở bất kỳ nhà hàng Pháp nào trên đất nước Nhật Bản này. Chị Ikuko bảo không biết thằng bé kiên trì đến đâu. Nhưng, dường như không giấu nổi nỗi vui mừng, nên cái cách cầm dao, rồi cả cách bày biện thức ăn của chị ngày hôm đó trông cũng rộn ràng một cashc lạ thường. Khi em bảo, thật tuyệt khi cậu bé lại được nhận vào làm ở nhà hàng quá nổi tiếng như vậy, chị nói: “Đấy là nhờ ông chủ nói giúp hộ chúng tôi đấy. Ông chủ viết cho vài dòng, rồi đưa cho thằng bé mang đến chỗ phỏng vấn, và được người ta nhận luôn”. Chị Ikuko vừa khẽ ngân nga vài câu hát, vừa thoăn thoắt dọn bữa tối. Em đi vào phòng của bố ở khu nhà kế bên. Bố đang ngồi bên một chiếc bàn thấp kiểu Nhật và viết gì đó. Em cảm ơn bố về việc bố đã giúp đỡ con trai chị Ikuko. Bố hơi ngoái đầu lại một cách lạnh lùng và bảo bố chẳng có quyền được con nói lời cảm ơn. Em khẽ gọi: “Bố!”. Và khi ấy, nước mắt em lại trào ra. Bố nhìn em, rồi bảo: “Con bé này, lại còn cất công vào tận phòng bố để khóc cơ đấy”. Đoạn, bố bỏ tờ giấy trông có vẻ như là một lá thư vào phong bì, và nói: “Thế nào? Con sẽ làm một chuyến đi du lịch nước ngoài chứ. Muốn mình được khuây khỏa, tốt nhất là đi đến một nơi khác để thay đổi không khí con ạ”. Rồi bố quay lại bàn, không nhìn về phía em nữa và khẽ lẩm bẩm: “Vậy à?”, rồi bặt không nói thêm câu nào nữa. Em ngồi xuống chỗ đằng sau lưng bố, quàng hai tay lên cổ bố, cọ một bên má vào lưng bố và thì thầm: “Con đã quên thật sự rồi bố ạ. Thật đấy bố ạ”. Nhưng càng nói, hình bóng của anh càng hiện lên trước mắt em. Bố lấy hai bàn tay mình xoa nhẹ lên cánh tay em, rồi bảo: “Con người luôn luôn thay đổi. Con người là sinh vật kỳ lạ, đôi khi người ta thay đổi từng giờ từng phút!”. Rồi bố khẽ nói với âm lượng như thủ thỉ cho riêng mình nghe: “Con là cô bé dịu dàng, chắc chắn con sẽ được hạnh phúc, con gái ạ”. Cho dù gần mười năm đã qua, âm hưởng lời nói quả quyết của bố khi đó, cùng vẻ lạn lẽo trong không khí ở căn phòng kiểu Nhật tĩnh lặng không chút lửa sưởi ấm quãng chừng gần mười sáu mét vuông ấy, chẳng hiểu sao không hề mất đi, mà vẫn len lén hiện hữu ở trung tâm của muôn vàn ký ức đã được ghi sắc trong trái tim em kể từ sau ngày đôi ta chia xa anh ạ.