Chương 18

    
hào em!
Quá khứ, hiện tại, tương lai... Tôi đã lĩnh hội những từ ngữ mang lời lẽ thuyết giáo ấy của em như là những từ ngữ chất chứa bao tâm huyết của em, của một người mẹ đã nuôi dạy đứa con trai bị khuyết tật bẩm sinh tên là Kiotaka cho đến ngày hôm nay, và từ nay vẫn phải tiếp tục nỗ lực chiến đấu nhiều hơn nữa với chính bản thân mình. Và thực tế, bản thân tôi đây cũng sắp tròn ba mươi tám tuổi rồi, vậy mà tôi thấy mình vẫn chẳng khác nào một cậu thanh niên còn búng hơi sữa. Quả đúng như nhận xét của em. Rốt cuộc thì tôi vào nhà nghỉ Kionoya ấy để làm gì? Chính vì cái thằng tôi là thế đấy, nên mười năm trời trôi qua, tôi đã tụt dốc, đã biến thành đôi giày rách nát bị người ta ném xuống cống. Dẫu vậy, bây giờ tôi vẫn đang làm việc. Tôi lần lượt đi bộ vòng quanh từng khu vực ở khắp Osaka này để làm công việc của mình. Cứ vào chín giờ sáng, tôi lại cho cuốn tạp chí mẫu, tờ rơi quảng cáo và tờ đơn cần thiết để xác nhận việc đồng ý ký hợp đồng vào cặp, rồi cùng Reiko cũng xách theo chừng ấy đạo cụ đi về hướng nhà ga. Chúng tôi chia tay nhau ở đó, rồi lên xe điện nhằm về phía khu vực nằm trong kế hoạch ngày hôm đó. Khu vực trong thành phố Osaka là do Reiko đảm nhiệm, các thành phố Hirakata, Neyagawa, Sakai ở bên ngoài thành phố do tôi phụ trách. Nếu đi bằng ô tô thì hồi này, hầu hết các phố đều cấm đỗ ô tô, nên rất có khả năng xe sẽ bị dán giấy phạt vi phạm quy định về đỗ xe trong khi tôi đang mải bàn chuyện trong các tiệm thẩm mỹ. Vả lại, các tiệm thẩm mỹ thường nằm trong các khu phố buôn bán sầm uất, hay ở những khu vực đông người qua lại như trước cửa nhà ga chẳng hạn, nên xe ô tô khó mà lách được vào những con phố chật hẹp ấy. Do vậy, chúng tôi đã đi đến quyết định rằng, khi đi làm công tác ngoại giao thì đi bộ tốt hơn là đi xe ô tô.
Tôi cầm trên tay tấm bản đồ và bắt đầu đi. Tôi vừa đi vừa đảo mắt nhìn quanh để tìm những biển hiệu có đề tiệm thẩm mỹ. Khi tìm thấy một tiệm thẩm mỹ nào đó, trước tiên tôi sẽ xem xét kỹ hình thức của cửa hàng đó. Những cửa hàng mà kính cửa sổ bẩn thỉu, hoàn toàn không có sự đầu tư, sáng tạo để thu hút khách hàng, thì cho dù có to đến mấy, họ cũng sẽ chẳng quan tâm gì đến cuốn tạp chí PR này đâu. Nhưng, cho dù đó chỉ là một cửa hàng nhỏ, có một mình chủ cửa hàng quản lý thôi, mà thấy trên cửa ra vào hay trên tường có dán ảnh các mẫu tóc hiện đang mà mốt, hay có gắn biển thông báo rằng, “Giảm 10% cho khách hàng làm vào các ngày trừ thứ Bảy và Chủ nhật”, thì dù lúc đầu họ có tỏ vẻ khó chịu đi chăng nữa, chỉ cần tôi kiên trì giải thích cho họ, dần dần, họ sẽ tỏ ý quan tâm và sẽ ký tên đóng dấu vào bản đăng ký hợp đồng, với mong muốn lấy thử tạp chí của một tháng.
Cảm giác đau đớn của đôi bàn chân vào cái hôm mà tôi đã đi bộ suốt cả một ngày trời, vào gần hai mươi tiệm thẩm mỹ, mà chẳng ký thêm được hợp đồng với một cửa hàng nào thật là khó diễn tả. Tôi vô cùng kinh ngạc khi bà chủ béo tròn như một chú lợn của một tiệm thẩm mỹ cuối phố khi đang nghe lời thuyết trình của tôi đã bất chợt nổi cáu. Bà ấy đã bóng gió yêu cầu tôi một việc này. Đó là, tôi phải gọi bà ta là thầy. Tôi cũng băn khoăn không hiểu vì sao mình lại phải gọi bà chủ cái tiệm thẩm mỹ bé tí ti kia là thầy, nhưng bà ta thì lại bảo là, trên thế giới này, việc gọi những người chủ cửa hàng là thầy là lẽ thường. Sau khi đã trình bày cặn kẽ một hồi, tôi bị bà ta chối phắt: “Tặng khách hàng những tập giấy trị giá hai mươi yên cho một bản thế này thì phí phạm quá”. Kể từ lúc đó, mỗi lần bước vào tiệm thẩm mỹ nào, cho dù có biết rõ người ra tiếp tôi là nhân viên của cửa hàng đó, lúc đầu bao giờ tôi cũng cứ hỏi: “Xin hỏi có phải thầy không ạ?”. Không biết bao nhiêu lần tôi kiên trì thuyết phục phải đến gần một giờ đồng hồ, khi người chủ cửa hàng có vẻ chuẩn bị đồng ý ký hợp đồng, thì người thanh niên học việc trẻ tuổi lại chêm vào: “Khách hàng cũng chẳng thích thú gì với việc chúng ta đưa cho họ cái thứ này đâu ạ. Thầy ơi, thầy nên bỏ qua nó đi ạ”. Cuối cùng, tôi lại chẳng ký được hợp đồng với những cửa hàng ấy. Tuy nhiên, cũng có những ngày, tôi vào ba cửa hàng thì cả ba cửa hàng đó đều đồng ý ký hợp đồng với tôi. Tôi cứ liên tục đi bộ như thế trong vòng ba tuần, và một đôi giày da của tôi đã rách toạc. Ở đầu mũi ngón cái chỗ đáy của cả hai chiếc giày đều bị thủng một lỗ, cái gót thì mòn vẹt đi. Đôi giày tôi mới tậu để dùng cho việc đi giao dịch, chỉ trong vòng ba tuần đã thê thảm thế đấy. Bù đắp cho điều đó, đôi bàn chân của tôi vốn mềm oặt như con sứa giờ đã chắc khỏe như bàn chân của một vận động viên leo núi. Trong vòng ba tuần vừa qua, Reiko đã ký hợp đồng được với mười hai cửa hàng, còn tôi cũng được mười sáu cửa hàng. Cộng với cả hai mươi sáu cửa hàng của tháng trước, lúc này con số đó đã tăng lên năm mươi tư cửa hàng. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã gửi thư quảng cáo tới năm trăm tiệm thẩm mỹ ở khắp vùng Kinki, và có mười hai cửa hàng đã gửi đơn xin ký hợp đồng. Tổng số bây giờ là sáu mươi sáu cửa hàng.
Hơi cường điệu một chút, tuy nhiên, đôi khi tôi có cảm giác như cái việc đi bộ để tìm các tiệm thẩm mỹ này giống như một kiếp người vậy. Có những lúc đứng ở ngã tư đường phố, tôi định vị trong đầu xem mình sẽ đi theo hướng nào. Rẽ phải rồi đi tiếp, người trên đường cứ thưa dần, tôi lạc vào con đường với một loạt các nhà máy, khi ấy tôi mới nhận ra là mình đang đi bộ trên một con đường mà chắc chắn sẽ chẳng có một tiệm thẩm mỹ nào. Nhưng, tôi đã đi được một quãng khá xa, lúc này chẳng thể nào quay đầu lại được nữa, tôi chỉ còn cách cứ thế bước đi như một gã khờ trên con đường chỉ toàn nhà máy nối tiếp nhà máy. Khi đặt chân đến chỗ trông có vẻ như con phố tôi muốn đến thì ánh chiều đã tắt, tôi lại còn chẳng rõ đấy là chỗ nào, và đi đường nào để trở về nhà nữa, rồi thì chỉ muốn ngồi phệt xuống chỗ đó, người mệt lử đử, và dò dẫm tìm đường trở về nhà mà chẳng muốn bước chân vào trong một tiệm thẩm mỹ nào nữa. Tương tự, có những khi, tôi đến một ngã tư đường, phân vân và tự nhủ, ây hà, đi theo lối này thôi. Ngay lập tức, tôi ra đến một khu đô thị mới, rồi tìm thấy một tiệm thẩm mỹ vừa mới khai trương, và họ nhanh chóng nhận lời ký hợp đồng với tôi. Ngày ngày, tôi cứ thế đi bộ trên các dãy phố, phân vân không biết nên rẽ trái hay rẽ phải, khiến tôi có một cảm nhận kỳ lạ, thật giống như số kiếp con người.
Riêng việc đưa tạp chí đến sáu mươi sáu cửa hàng, chúng tôi vẫn buộc phải sử dụng xe ô tô. Tháng trước, chỉ cần một ngày là xong hết, nhưng tháng này phải mất tới ba ngày. Phân phát xong, tôi nghỉ ở nhà khoảng ba ngày. Tôi đến hiệu sách, tìm mua những cuốn sách phục vụ cho công việc biên tập cuốn tạp chí PR số tiếp theo rồi trở về nhà. Vào đến nhà, tôi thấy Reiko đang ngồi cúi đầu với nét mặt ủ rũ. Tôi hỏi cô ấy rằng, có chuyện gì vậy, nhưng cô ấy không đáp lại. Nhưng khi tôi nằm xuống, duỗi chân xem ti vi, có vẻ như không chịu đựng được nữa, cô ấy liền nói: “Cái cô Katsunuma Aki là ai vậy?”. Tôi giật mình nhìn Reiko. Tôi đã cất tất cả những lá thư em gửi vào sâu tít trong cùng của ngăn bàn làm việc của tôi kia mà. Đợt trước, Reiko đi làm ở siêu thị, còn tôi thì ngày ngày lông bông ở nhà, nên tôi vẫn thường nhòm vào hòm thư trước nhà và cứ thế thản nhiên nhận thư em mà chả lo bị cô ấy phát hiện. Nhưng, từ hai tháng trước, khi Reiko bắt đầu say sưa vào dự án kinh doanh này, tôi đã nhờ trước với bác quản lý khu nhà này bí mật cất giùm những lá thư gửi đến cho tôi, rồi hãy lẳng lặng đưa cho tôi sau. Tôi đã dúi vào tay bà cụ tờ giấy bạc năm nghìn yên để bà cụ giúp cho việc ấy. Bà cụ cười tinh quái rồi nhận số tiền đó. Nên, tôi không hiẻu làm sao Reiko lại biết được việc của em. Thấy tôi lặng im không nói, Reiko lôi từ trong ngăn kéo bàn làm việc của tôi ra một xấp thư dày cộp đến độ đáng kinh ngạc, gồm có bảy lá thư, bắt đầu từ lá thư đề ngày 16 tháng 1, theo dấu bưu điện. Những lá thư ấy vẫn cứ liên tiếp được gửi đến đây. Tóm lại, cô gái có tên là Katsunuma Aki là ai vậy? Reiko hỏi dồn tôi. Phong thư đã được cắt ra, bởi vậy rõ là nếu Reiko có ý định đọc trộm thì cô ấy hoàn toàn có thể đọc được. Nhưng, với câu hỏi “là ai vậy”, tôi suy ra là cô ấy chưa hề xem nội dung bên trong. Có lẽ Reiko đã kiềm chế việc muốn đọc những lá thư ấy, và đợi tôi về. Reiko bảo thế này. Lá thư đầu tiên thì đề tên là Hoshijima Aki, vậy mà từ lá thư thứ hai trở đi lại đề là Katsunuma Aki. Tóm lại người phụ nữ này là ai? Em muốn anh nói cho em biết cô ấy là gì với anh? Tôi cười hỏi: “Em đang ghen đấy à?”. “Em thèm vào mà ghen”. Reiko ngước mắt lên lườm lại tôi. “Phong bì đã cắt ra rồi, sao em không đọc trộm nó đi”. Nghe tôi hỏi vậy, Reiko cúi đầu, lẩm bẩm: “Em không thể làm cái việc tự tiện đi đọc thư của người khác...”. Tôi chưa từng kể cho Reiko nghe về quá khứ của mình. Chỉ có duy nhất một lần, vào hôm tôi chở cô ấy đi giao dịch, tôi có nói với cô ấy rằng trước đây, tôi đã từng sống ở quận Namano. Tôi vừa nhìn theo dấu bưu điện in trên những lá thư của em, vừa xếp chúng lần lượt theo thứ tự, rồi bảo với Reiko rằng, em đọc chúng đi. Tôi xin lỗi em vì đã cho người khác đọc những lá thư em gửi mà chưa được sự đồng ý của em. Bởi tôi nghĩ rằng, nếu đọc rất nhiều những lá thư em gửi đến cho tôi này, thì dẫu tôi chẳng kể thêm gì, cô ấy vẫn sẽ hiểu tất cả.
Dù sao tất cả cũng chỉ toàn là những lá thư rất dài. Lại còn những bảy lá nữa chứ. Ban đầu, Reiko cầm hết chúng ra chiếc bàn tròn, rồi ngồi ở đó và bắt đầu đọc chúng. Trong lúc ấy, tôi cứ thế nằm xem ti vi. Tôi thầm nghĩ không biết cô ấy sắp đứng dậy đi nấu cơm tối chưa nhỉ. Ấy nhưng cô ấy vẫn cứ tiếp tục đọc nghiến đọc ngấu những lá thư ấy. Tôi hỏi cô ấy rằng, anh đi ra ngoài ăn nhé, có được không. Reiko mắt vẫn dán chặt vào trang thư, lí nhí trả lời, vâng.
Tôi ăn tối ở một nhà hàng gần đó. Ăn xong, tôi ghé vào một quán cà phê trước cửa nhà ga và uống cà phê ở đó. Được ba mươi phút, thấy chẳng có việc gì để làm, tôi mượn người chủ quán cà phê một tờ giấy nháp và một cái bút bi, nghĩ ngợi xem để tăng số lượng khách hàng lên một trăm năm mươi cửa hàng, cần phải đưa ra hình thức kinh doanh gì, lại còn số tạp chí tháng sau nên đăng nội dung gì nữa, và viết vào giấy khoản tiền thâm hụt hiện tại, số tiền tiết kiệm còn lại. Vắt óc nghĩ ngợi, và trong khi nhìn những con số nối tiếp nhau được ghi trên giấy, tôi bỗng nhớ ra là đã lâu rồi không đi đến cửa hàng cắt tóc. Định bụng ngày mai sẽ đi cắt tóc, tôi chợt nghĩ ra một điều này. Đó là, hay là chúng tôi cũng làm tạp chí kiểu thế này dành cho các tiệm cắt tóc nhỉ. Hệ thống cũng tương tự như vậy, nhưng một khi đã là tiệm cắt tóc thì nội dung cũng phải thay đổi, phải hướng đến nam giới nhiều hơn. Phải rồi, mình mở rộng sân sang cả tiệm cắt tóc nữa. Nhưng, không được vội vàng đâu đấy. Để cho mảng tiệm thẩm mỹ đi vào quỹ đạo đã, để doanh thu của nó đi vào ổn định đã.
Rời quán cà phê, tôi đi qua khu chung cư, rẽ vào con ngõ nhỏ để đến xưởng in. Chỗ cửa sổ kính có dòng chữ “Xưởng in Tanaka”, đóng cửa, rèm bên trong cũng kéo kín. Nơi làm việc đèn vẫn sáng, tôi nghe thấy tiếng máy chạy. Tôi mở cửa kính, và thấy ông chủ xưởng in tay đeo đôi găng màu đen, vấy bẩn bởi mực dùng cho máy in, đang kiếm tra lại bản in nổi dính đầy mực in. Tôi hỏi ông ấy rằng, bác vẫn đang làm việc ạ. Ông chủ xưởng in dáng người thấp bé, mái tóc hoa râm liền ngừng tay lại, nháy nháy đôi mắt nhỏ xíu, cười niềm nở: “Mời anh vào”. Nào hộp mực, nào giấy dùng để in thử để bừa bãi khắp phòng, đến mức chẳng còn chỗ nào để mà đi nữa. Căn phòng thì nồng nặc mùi mực in, rồi mùi giấy. Còn nữa, mấy nghìn khuôn chữ in bằng chì trong hộp các tông nơi góc tường ánh lên dưới ánh đèn huỳnh quang. Ông chủ kéo chiếc ghế ở góc phòng, mời tôi ngồi. Rồi ông cởi đôi găng tay ra, bắt đầu nói chuyện: “Tháng này đã tăng thêm bốn mươi cửa hàng rồi đấy nhỉ”. “Cứ đà, chẳng mấy chốc mà lên thành một trăm năm mươi cửa hàng ấy chứ”. Tôi nói đại ý là chúng tôi cũng đã được xưởng in của ông giúp đỡ rất nhiều. “Tôi nghĩ số lượng đó sẽ tăng lên tới con số năm trăm”. Ông nói vậy với cách nói không hề lấy lòng chút nào. Năm trăm cửa hàng sẽ là một trăm nghìn bản. Trong số đó, sẽ có những cửa hàng một bộ lấy hai trăm bản là không đủ, phải là bốn trăm bản, sáu trăm bản kia. Và nếu vượt qua con số một trăm nghìn bản, mỗi một bản, xưởng chúng tôi có thể giảm xuống cho anh thành năm yên, chứ không phải bảy yên như bây giờ. Có những khách hàng trả cho chúng tôi khoản tiền mặt mỗi tháng năm trăm nghìn yên là rất quý với một xưởng in nhỏ như chúng tôi. Ông chủ xưởng in nói vậy với vẻ mặt chân thành. Vì vậy, tôi đã nói qua với ông ấy về kế hoạch mở rộng sân sang cả tiệm cắt tóc mà khi nãy, tôi mới nghĩ ra ở quán cà phê. “Hay lắm”. Ông chủ xưởng in vỗ đét vào đầu gối. Không nên bỏ qua các tiệm cắt tóc. Biết đâu, số lượng tiệm cắt tóc lại còn tăng hơn ấy chứ. Ông ấy nói vậy. “Các tiệm cắt tóc mọc lên ở khắp mọi nơi. Thời đại bây giờ, họ không thể giữ nguyên cách làm kiểu cũ nữa rồi”. Ông chủ khoanh hai tay vào nhau, mắt ngước lên trần nhà, nhẩm tính: Năm trăm tiệm cắt tóc, năm trăm tiệm thẩm mỹ, vị chi là một nghìn cửa hàng. Thế là phải in tới hai trăm nghìn bản cơ đấy. Ông leo lên chiếc cầu thang ở góc cuối cửa hàng, mang bia và cốc xuống, rồi rót mời tôi uống. Chúng tôi vừa uống bia vừa say sưa nói chuyện gần một giờ đồng hồ. Ông ấy rất muốn nói chuyện tiếp với tôi, nhưng tôi lại muốn mau mau nói cho Reiko nghe về cái kế hoạch mà mình vừa nghĩ ra, nên mặc dù ông ấy muốn giữ tôi lại, tôi vẫn đứng dậy cảm ơn ông và trở về nhà. Tôi vừa đi vừa nghĩ, một nghìn cửa hàng ư. Hãy tiến từng bước vững chắc. Mình sẽ tăng con số ấy lên một nghìn cửa hàng trong vòng mười năm cho coi. Tâm trạng tôi lúc bấy giờ giống hệt như của một cầu thủ ném bóng chày: Cho dù có suy đi tính lại trong suốt mười năm trời, dù khóc hay cười, thì cú ném bóng cuối cùng này sẽ là đòn quyết định cho sự thành bại của tôi.
Reiko đã ra khỏi chiếc bàn tròn, đang ngồi dựa lưng vào tường và vẫn đang tiếp tục đọc thư. Tôi lén nhòm vào, cô ấy đã đọc đến gần cuối lá thư thứ tư của em gửi. Tôi hỏi, em định đọc liền tù tì những lá thư này ư? Em không ăn tối sao? Reiko chỉ nói mỗi câu: “Vâng”, rồi chẳng hề ngẩng mặt lên. Tôi tự trải chăn, thay bộ đồ ngủ, rồi nằm xuống, và lại bấm nút ti vi. Đến lá thư thứ sáu và thứ bảy, Reiko nằm sấp xuống bên cạnh chỗ tôi nằm, rồi đọc tiếp. Lúc Reiko đọc hết toàn bộ những lá thư của em cũng là lúc kim đồng hồ chỉ đến con số mười hai. Để lại tập thư ấy vào ngăn kéo, Reiko đứng dậy, tắt đèn trong phòng, rồi ra bật đèn bếp, lấy đồ ăn còn thừa trong tủ lạnh ra, và bắt đầu ăn. Tôi tắt ti vi, nhỏm dậy, ra ngồi ở chiếc ghế cạnh chỗ Reiko, châm một điếu thuốc lá. Reiko bật khóc. Cô ấy ăn đậu phụ nguội, vừa ngoạm miếng giăm bông phết đầy mayonnaise, rồi vừa ấn cơm vào mồm vừa khóc. Vừa sụt sịt, cô ấy vừa lấy mu bàn tay lau nước mắt, rồi khịt khịt hít mũi. Lau đi lau lại, nước mắt từ khóe đôi mắt tròn vẫn cứ trào ra, lăn dài xuống hai gò má trắng mịn màng, rơi xuống mặt bàn. Ăn xong, Reiko vẫn vừa dọn dẹp bát đĩa vừa khóc. Sau đó, cô ấy đi rửa mặt, đánh răng, thay bộ quần áo ngủ, trải giường ngủ của mình bên cạnh chỗ chăn của tôi, rồi nằm xuống chẳng nói một lời, trùm chăn kín lên tít tận trên đầu. Tôi một mình ngồi thần ra một lúc ở chiếc ghế chỗ bếp, nhìn Reiko nằm im trùm kín chăn không chút cử động. Chẳng lâu sau, tôi rón rén lại gần cô ấy, rồi từ từ kéo chiếc chăn đang trùm kín đầu cô ấy ra. Reiko vẫn đang mở mắt như thế, và khóc. Tôi hỏi, sao em lại khóc như thế? Mắt đẫm nước, Reiko nhìn tôi, rồi cô ấy choàng tay ra phía tôi. Cứ thế, cô ấy kéo tôi vào trong chăn của mình, lấy đầu ngón tay lần lần vết thương ở cổ tôi. Chứng tỏ là cô ấy đã đọc hết bảy lá thư của em gửi cho tôi. Cô ấy hoàn toàn không biết nội dung của năm lá thư tôi đã gửi cho em. Thế nhưng, Reiko ôm ghì lấy tôi, rồi nói: “Em thấy quý chị vợ cũ của anh, anh ạ”. Cô ấy chỉ nói có vậy, còn sau, tôi có gợi chuyện thế nào đi chăng nữa, cô ấy cũng chỉ im lặng. Tôi ra khỏi chăn của Reiko, lấy những bức thư của em ra, xếp lên chiếc bàn tròn ở bếp. Một mình lặng yên vừa hút thuốc lá, tôi vừa nhìn tập thư đó. Em đã viết rằng, em biết đến một lúc nào đó, sự thư từ qua lại này sẽ phải kết thúc. Tôi nhìn về phía Reiko. Cô ấy vẫn đang trùm kín chăn, chẳng biết đã ngủ chưa, hay là vẫn đang sụt sịt. Và tôi biết, thời điểm ấy sắp đến rồi.
Có lẽ, lá thư này sẽ là lá thư cuối cùng tôi viết cho em. Sau khi tôi bỏ lá thư này vào hòm thư, tôi sẽ lại tìm đến các biển hiện có đề tiệm thẩm mỹ và tiếp tục rong ruổi trên con phố có tên Neyagawa. Và biết đâu sau vài năm nữa, tôi sẽ từ chuyến tàu Hanshin bước xuống nhà ga Koroen, đi qua khu tập thể xưa ấy, đến trước cửa ngôi nhà của em ở phía trước câu lạc bộ tennis. Thế rồi, tôi sẽ lặng lẽ nhìn vào ngôi nhà của em, ngắm nhìn cây mimosa già nua, rồi lại lặng lẽ trở về. Mong em luôn mạnh khỏe. Từ đáy lòng mình, tôi sẽ luôn âm thầm cầu nguyện cho con trai em sẽ khôn lớn trưởng thành theo đúng nguyện ước của em.
Chào em!
Ngày 3 tháng 10
Arima Yasuaki
Anh Arima Yasuaki!
Em ngồi nơi chiếc ghế băng dưới giàn đậu tía trong câu lạc bộ tennis, đọc lá thư cuối cùng của anh trong ánh nắng thu ấm áp và dịu nhẹ. Em như nhìn thấy bóng dáng anh, một tay cầm tấm bản đồ, rong ruổi trên khắp các nẻo đường.
Đọc thư anh, định bụng mình cũng sẽ viết một lá thư cuối cùng này nữa thôi, nhưng rồi một tháng trôi qua, chẳng hiểu sao em vẫn chưa cảm thấy muốn đặt bút để viết lá thư ấy. Chuyện là thế này. Vào cái ngày hôm ấy, quãng gần buổi trưa của một ngày thứ Năm đẹp trời. Bố em nói là hôm nay cụ nghỉ làm vì đã lâu rồi cụ không nghỉ phép. Bố không đến công ty mà ngồi ở mái hiên đầu nhà ngắm cây cối trong vườn. Bố rủ em cùng đi với cụ đến thăm mộ mẹ. Chẳng phải tiết thanh minh hay ngày giỗ mẹ, nhưng em vẫn muốn đi. Em nhờ chị Ikuko ba rưỡi đi đón bé Kiotaka tại điểm dừng của xe buýt đưa đón của nhà trường trước cửa nhà ga, rồi vội vàng đi thay quần áo. Ông cụ gọi điện đến công ty, lệnh cho họ đưa một xe ô tô đến, và bảo, bố ăn mặc thế này hơi nổi quá, rồi lôi ra cái áo vét màu ô liu đậm mà bố đã cất công đi may nhưng lại chưa hề một lần mặc nó. Bộ áo vét đó rất hợp với bố em. Em và bố ăn nhẹ trong lúc đợi xe ô tô. Bố bảo sẽ đãi em món ăn Kyoto rất ngon sau khi tảo mộ xong, nên hãy ăn tạm chút bữa trưa trước đi đã. Anh cũng đã một lần cùng với bố và em, ba người cùng đi tảo mộ mẹ rồi nhỉ. Em nhớ khi ấy hai chúng ta mới cưới nhau chưa đầy một tháng. Sau ngày giỗ lần thứ bảy của mẹ, ba người chúng ta đã đến viếng khu nghĩa trang được bao bọc bởi rừng cây rậm rạp ở quận Yamashina (Kyoto). Yamashina là nơi chôn rau cắt rốn của mẹ, nên bố đã chôn cất hài cốt của mẹ tại khu nghĩa trang này.
Nghe thấy tiếng anh lái xe Kosakai, em và bố đi ra xe. Bố nói với anh Kosakai: “Anh chở chúng tôi tới Yamashina. Tôi đi thăm mộ bà nhà”. Anh Kosakai làm lái xe riêng cho bố đến năm nay là được mười lăm năm. Được biết là cô con gái cả của anh mới cưới hồi đầu tháng Mười, thế mà lại nghe nói tháng Một năm tới đây, cô con gái thứ hai cũng sẽ tổ chức. Em nói với anh Kosakai: “Tổ chức gấp quá anh nhỉ”. Anh Kosakai vừa lái xe vừa nói: “Nhà tôi suýt thì phá sản đấy”. Em hỏi anh ấy sao hai chị em lại cưới liền thế, bố bật cười và trả lời thay anh Kosakai: “Không tổ chức ngay thì con chúng nó sẽ ra đời trước mất”. Em cũng bật cười. Anh Kosakai lấy một tay đập nhẹ vào cổ, nhếch mép cười ngượng nghịu và bảo, bây giờ nó đã bảy tháng rồi, nếu sinh sớm có khi nó sinh và đúng ngày cưới thì chết mất.