húng tôi dắt Song Tích bước trên cơn đường dẫn đến công xã. Trên lưng tôi có đeo một thiếc túi, trong đó có một ít bánh bột ngô, mấy củ hành lớn, một ít tương. Đây là sự đãi ngộ rất lớn của mẹ dành cho tôi, bởi tôi phải rời khỏi nhà đi xa, còn không thức ăn chủ yếu hàng ngày của tôi là những củ khoai héo quắt và đầy những con sâu đục bên trong. Ông Đỗ thì đeo một chiếc cặp sách màu vàng trên lưng, trên cặp sách có thêu chữ màu đỏ. Đây là một cặp sách kiểu Tây, trong hoàn cảnh bấy giờ chỉ có những thanh niên đại trí thức mới có khả năng sử dụng những cặp sách như thế. Tôi đã từng mơ tưởng là một lúc nào đó mình sẽ có được chiếc cặp sách quý giá này, nhưng đến giờ tôi vẫn chưa thỏa được mong ước. Ông Đỗ đang dương dương đắc ý với chiếc cặp sách thời thượng trên lưng dắt con Song Tích ở phía trước, chiếc cặp sách làm giá trị con người ông ta tăng thêm bao nhiêu phần. Tôi đeo chiếc túi cũ rích trên lưng và cầm một chiếc quạt đi sau Song Tích, không ngừng phe phẩy để đuổi ruồi nhặng cho nó. Chỉ cần chiếc quạt vung lên là ruồi nhặng bay tứ tung cả lên và để lộ vùng bị sưng tấy giữa hai đùi trước mắt tôi trông giống hệt một chiếc bánh đúc đậu xanh và có màu sắc bánh đúc đậu xanh. Nhưng chiếc quạt vừa dừng là ruồi nhặng đã đáp xuống bâu kín lại. Chúng tôi rời khỏi làng, đi qua chiếc cầu, bước trên con đường rải đá dăm nối với công xã. Nói không quá rằng, chúng tôi không thể đi nhanh hơn giun bò, không phải là chúng tôi không muốn đi nhanh mà là Song Tích không thể đi nhanh, ngay cả chuyện đứng cho vững của nó lúc này cũng đã là quá sức nhưng chúng tôi muốn nó đi, nó đành phải đi thôi. Đã ba ngày ba đêm nó không hề được nằm xuống, cũng không hề được đứng yên một chỗ được một phút nào, tôi nghĩ đầu óc nó lúc này cũng phải lú lẫn mất rồi. Nếu con người mà nhận hình phạt như vậy, e rằng đã gục chết từ lâu rồi, không chết vì mệt cũng chết vì lú lẫn thôi. Đúng là làm một con trâu chân chính không hề dễ tí nào! Nếu tôi là Song Tích, tôi sẽ nằm xuống, còn chuyện sống chết là chuyện nhỏ. Nhưng nó không phải là tôi. Ông Đỗ kéo phía trước, tôi đẩy ở phía sau buộc nó đi, nó phải đi, từng bước, từng bước, bước sau khó khăn hơn bước trước một cách rõ ràng... Mặt trời lên đến đỉnh đầu thì chúng tôi đi đến giếng nước ngọt. Cái giếng này cách làng tôi ba cây số. Ông Đỗ nói: - La Hán à, ông cháu ta đi thế này cũng không thể gọi là chậm đâu, cứ theo đà này, mười hai giờ đêm nay chúng ta sẽ đến trạm thú y thôi. - Thế mà không chậm nữa sao? - Tôi trố mắt nhìn ông ta - Tôi đi xem phim trên công xã, chỉ cần chạy hơn hai mươi phút là đến. - Thế này là đã nhanh lắm rồi, đừng có mà "bất tri túc" như thế! Nghỉ một tí, ăn một tí rồi đi tiếp. Chúng tôi dắt con Song Tích đến gốc liễu bên cạnh giếng nước và buộc lại, tôi mở chiếc túi, ông Đỗ mở cặp sách. Ông Đỗ cũng có mấy mẩu bánh bột ngô trong cặp sách, tôi nhìn ông ta rồi cũng lôi mấy mẩu bánh bột ngô và củ hành ra. Ông Đỗ cũng tiếp tục lấy ra một củ hành. Tôi lấy tương, ông ta cũng lấy tương... Nói tóm lại, không hẹn mà bữa trưa của ông Đỗ và tôi hoàn toàn giống nhau. Ăn xong, ông Đỗ lôi từ trong cặp sách ra một chai thủy tinh, trên cổ có buộc một chiếc dây thừng thật dài. Ông ta cầm lấy đầu chiếc dây thừng rồi thả chiếc chai xuống giếng, lắc lắc mấy cái rồi thả tay thật nhanh, chiếc chai chìm hẳn xuống mặt nước, một luồng bong bóng nối nhau nổi lên mặt nước. Nước đã đầy, ông Đỗ kéo nó lên. Tôi phục lăn, nhận xét: - Ông Đỗ, ông đúng là người có đầu óc, có kế hoạch... - Nếu để tao làm đội trưởng đội sản xuất, đảm bảo tao làm ngon hơn chú Mặt Rỗ nhà mày! - Cháu nghĩ làm đội trưởng sản xuất vẫn chưa xứng với tầm của ông. Ông phải làm gì đó thấp nhất cũng phải là bí thư đảng ủy công xã! - Mày chớ có nói hồ đồ như vậy! Bí thư đảng ủy công xã phải là người đầu đụng các vì sao trên trời, làm được đến chức ấy không phải người thường đâu! - Ông Đỗ, ông nghĩ thử xem, nếu bố cháu làm bí thư đảng ủy công xã, cháu sẽ như thế nào nhỉ? - Thằng oắt con người ghét quỷ hờn như mày mà đòi có bố làm bí thư công xã à? - ông Đỗ đưa chai nước cho tôi, nói - Được rồi, ông nhóc! Đừng có nằm mơ nữa, uống nước đi, uống xong thì đi! Tôi dốc cả chai nước vào bụng mình, những tiếng óc ách vang lên từ bên trong bụng tôi. Ông Đỗ tiếp tục thả chiếc chai xuống giếng kéo lên một chai nước đầy và đổ vào mồm Song Tích. Tôi chỉ thấy những dòng nước chảy quanh mép dưới nó rồi chảy xuống đất. - Dù sao thì cũng phải cho nó uống tí nước, nếu không nó chưa chết vì bệnh đã phải chết vì khát thôi - ông Đỗ nói. Vừa nói, ông Đỗ vừa tiếp tục ném thiếc chai xuống giếng rồi kéo lên chai nước nữa, bảo tôi nắm lấy hai chiếc sừng trâu để vặn mạnh, buộc nó phải vểnh mồm lên trên trời rồi nhét cả nửa chiếc vỏ chai vào mồm con Song Tích. Lần này thì tôi nghe thấy tiếng nước thảy róc rách từ cổ họng tuôn vào dạ dày nó. Ông Đỗ xoa tay, vô cùng phấn khởi. - Quá tốt, cuối cùng chúng ta cũng đã ép nó uống được ít nước, uống được nước là không thể chết được! Chúng tôi rời khỏi bóng mát của cây liễu quay lại con đường đá dăm. Đầu hạ, mặt trời đúng ngọ nóng rát, con đường rải đá dăm lấp lóa những tia phản quang. Tôi đề nghị là nghỉ thêm một lát nữa, chờ cho mặt trời xế bóng hãy tiếp tục đi. Ông Đỗ bảo nghỉ càng lâu thì sức càng kiệt quệ, lại còn tuyên bố là ánh nắng mặt trời có khá năng tiêu diệt vi khuẩn. Ông ta còn nói, Song Tích đang rét run, lẽ nào mày không thấy những luồng run như những con sóng đang chạy trên da nó hay sao? Tôi tin là ông Đỗ có những kinh nghiệm sống phong phú hơn mình nhiều, do vậy mà tôi không hề hé răng tranh luận, trong lòng cũng muốn đến trạm thú y càng sớm càng tốt để lão Đổng chữa trị cho nó nên lẳng lặng đi theo ông Đỗ và Song Tích. Kể ra, tôi vẫn còn là một đứa bé lương thiện! Tôi vơ một ít cỏ dại bên đường bện thành một thiếc vòng đội lên đầu. Trước mắt tôi, chiếc đầu hói nhẵn của ông Đỗ loang loáng mồ hôi. Tôi chạnh lòng, bèn lấy thiếc vòng cỏ trên đầu mình xuống và quăng cho ông Đỗ. Ông ta chụp lấy đội lên đầu và nói: - Thằng nhóc này, càng ngày mày càng được lên rồi đó. Tuổi trẻ là phải như vậy! Câu nói của ông Đỗ khiến lòng tôi ấm hẳn lên nhưng miệng vẫn nói: - Ông à, những lời ông nói nghe có vẻ cổ lỗ sĩ quá, giống như thời Bát Lộ quân ấy! - Tiếc thay là con người không thể có mắt trước mắt sau - ông Đỗ than thở - Nếu có mắt trước mắt sau, có nói gì đi nữa thì tao cũng đã trở thành người của Bát Lộ quân rồi! - Ông ơi, vì sao ngày ấy ông không đi theo Bát Lộ quân? - Tôi hỏi. - Nói ra có vẻ khó nghe lắm - ông Đỗ nói - Lúc ấy không ai nghĩ là Bát Lộ quân sẽ làm nên trò trống gì. Quân Bát Lộ ăn chẳng ra hồn, mặc chẳng nên thân, vũ khí lại càng thô sơ đếm đi đếm lại cũng chỉ có mấy khẩu súng cà tàng, gỉ sét, đạn cũng ít, mỗi người chì được phát hai nẹp đạn đánh nhau chỉ toàn dựa vào loại lựu đạn tự tạo, mười quả may ra nổ được năm. Quân đội Quốc Dân Đảng không giống như thế, quân trang rặt một màu xanh lục, trang bị súng ga-răng của Mỹ, đạn đầu đỏ đít xanh giắt khắp người. Loại súng này ấy à, chỉ cần kéo cò là mười mấy viên tuôn ra - pằng pằng pằng..., đinh tai nhức óc. Còn lựu đạn của họ ấy à, tròn tròn xinh xinh như quả cam nhỏ nhưng mỗi khi phát nổ thì trời đất tối sầm, có thể giết chết người đứng cách năm bảy mét. Rồi nào là xe mười bánh kéo những khẩu pháo lớn có thể bắn xa đến năm mươi cây số, rơi xuống đất là đào một cái hố sâu hoắm... Ông nhỏ à, lúc ấy không thể so với bây giờ. Bây giờ bị đánh cho vỡ đầu cũng phải đi lính cho được, lúc ấy có ai tình nguyện đi lính đâu. Đàn ông giỏi không đi lính, thép tốt không làm đinh! Cho dù có đi lính, tao cũng không tự nguyện theo Bát Lộ quân đâu, buộc phải đi thì tao theo quân Quốc Dân Đảng. Làm lính Quốc Dân Đảng oai hơn, ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn, tiền đồ cũng rộng mở hơn, Bát Lộ quân không phải là sự lựa chọn khôn ngoan của kẻ anh hùng thời loạn. Ông nhỏ à, nói ra có vẻ khó tin nhưng cho đến những năm bốn mươi, những người sống trên mảnh đất quê mình như tao, như ông nội mày chưa hễ biết lãnh đạo Bát Lộ quân là ai, sau đó mới nghe người cầm đầu là Chu Mao, sau đó nữa mới nghe mọi người nói Chu Mao vốn không phải là tên một người mà là hai người, Chu là đàn ông, Mao là đàn bà. Nhưng ngày ấy ai cũng biết Tưởng Giới Thạch, Tưởng ủy viên trưởng... - Thế thì ông nói thử xem, vì sao quân Quốc Dân Đảng lại bị Bát Lộ quân đánh cho tan tác? - Tôi hỏi. - Tao nghĩ là Bát Lộ quân chịu đựng được gian khổ, quân Quốc Dân Đảng không chịu đựng được gian khổ. Bát Lộ quân không có vẻ quan cách, quan lớn quan nhỏ đều không hống hách; quân Quốc Dân Đảng hống hách, quan lớn hống hách đã đành nhưng quan nhỏ hống hách càng tợn, càng nhỏ càng hống hách càng ngạo ngược. Chái nhà phía đông của tao đã từng có một vị thiếu úy quân Quốc Dân Đảng ở, ngay cả nước rửa chân cũng có cần vụ mang đến tận đầu giường, nhưng sư đoàn trưởng Bát Lộ quân lại quét sân cho nhà tao. Còn nữa, quân Bát Lộ không hề đụng đến đàn bà, không phải là họ không thèm mà không dám; quân Quốc Dân Đảng không phải như thế, mỗi khi trông thấy đàn bà đẹp là dắt ngay lên giường... Chỉ đơn cử bấy nhiêu thôi, quân Quốc Dân Đảng không thể không thất bại tan tác. - Ông đã nhìn ra quân Quốc Dân Đảng nhất định thất bại, thế sao ông không tham gia Bát Lộ quân? - Tôi hỏi. - Thời ấy ai nhìn cho ra, nhìn ra như vậy nhất định tao đã tham gia Bát Lộ rồi! - ông Đỗ trầm ngâm nói. - Nếu ngày ấy tao tham gia Bát Lộ quân, đến bây giờ cho dù có bị o ép gì cũng làm đến ngang tầm bí thư công xã, ăn đồ ngon, uống đồ ngọt, dưới mông có ghế mềm. Nhưng biết đâu được, có khi đã tan xác dưới những quả pháo hạng nặng của Quốc Dân Đảng rồi. Mệnh số con người trời đã an bài, cả đời này tao phải ăn bát cơm nào thì ông trời đã bày sẵn rồi, trăn trở lo lắng cũng chẳng thay đổi được gì đâu. Người không thể đối kháng với trời, tao là kẻ lúc nào cũng biết thế nào là đủ, so với trên thì không đủ nhưng so với dưới thì cũng đã thừa! Cứ thế những lời đối thoại của chúng tôi không đâu vào đâu cả hướng lên trời nói một câu, hạ xuống đất nói một câu chậm chạp chán nản cả người lẫn vật lê tấm thân mệt mỏi nhích dần về phía trước. Nói nhiều cũng mệt, chúng tôi lặng thinh để yên lặng bao trùm. Và chúng tôi nửa ngủ nửa thức đi trong sự yên lặng ấy, bây giờ nghĩ lại, bức tranh đồng quê lúc ấy có chúng tôi làm nhân vật trung tâm rõ ràng rất có thần: Một vầng mặt trời rực rỡ chiếu thẳng giữa đỉnh đầu; con đường rải đá dăm dưới ánh nắng biến thành màu vàng; một lão già đội vòng cỏ dại, lưng đeo cặp sách, mặt nghênh đón ánh nắng thẳng đứng, một con mắt lớn một con mắt nhỏ nheo nheo, một chiếc dây thừng vắt qua vai đang rướn chiếc cổ ra thật dài, đầu chúi về phía trước đi từng bước một. Cảnh này rất giống cảnh những người phu kéo thuyền trên sông mà sau này tôi đã nhiều lần xem qua. Sau lưng lão là một con trâu ốm yếu bị dây thừng kéo mạnh đến độ mặt luôn luôn phải vểnh lên trời, trên mặt trâu có nước mắt và ruồi nhặng, lưng trâu cong vòng và một chiếc đuôi trâu buông xuôi. Chỗ xấu nhất của trâu không nên đưa vào bức họa làm gì. Trọng tâm của bức họa này có lẽ là tôi. Tôi xấu người xấu nết nhưng không bao giờ tự nhận thức được chính mình, ưa làm trò quỷ, ưa tác quái tác oai, ngay cả chị tôi cũng đã từng hỏi mẹ: Mẹ ơi, mẹ nói đi, sao mà nó xấu thế? Thợ vẽ mà gặp nó cũng bó tay, làm sao vẽ cái mặt nó cho ra hình ra thù là một con người? Tất nhiên là mẹ chẳng lấy gì làm dễ chịu với những lời chất vấn của chị tôi nên bảo: Chó đẻ thì chó thân thiết, mèo nuôi thì mèo thương yêu, chúng mày không nuôi không đẻ nó ra nên chúng mày thấy nó xấu thôi! Đương nhiên, những lúc nổi điên lên thì mẹ cũng có chửi tôi xấu. Tôi bò trên miệng giếng, cố gắng nhìn thật kỹ khuôn mặt mình dưới đáy giếng, đúng là có rất nhiều vấn đề. Chẳng hạn, trong miệng tôi có một chiếc răng hổ rất nhọn rất dài, chị tôi bảo răng cào cỏ, chín sáu ba không đại loại. Tôi giận tím mặt, tìm một chiếc giũa và bắt đầu giũa, giũa cho đến khi nó bằng với những chiếc chung quanh thì dừng. Trong khi giũa, toàn bộ hàm răng tôi tê buốt, hình như não tôi cũng bị chấn động không nhẹ, nhưng tất cả là vì cái đẹp, tôi cương quyết làm đến tận cùng. Tôi đem chuyện này ra kể cho những người trong thôn nghe, hình như chẳng có ai tin, đều cho tôi là thằng bé thích nói phét. Đầu tóc tôi lơ thơ một nhúm tóc vàng quạch, mặt tôi lại có lang ben trắng lóa. Thời ấy, hầu như mặt đứa trẻ con nào cũng bị lang ben, nghe đâu dùng dấm bôi là có thể diệt được lang ben, tôi bèn quyết tâm ăn trộm dấm trong chạn của mẹ để bôi, nhưng bôi mãi mà lang ben vẫn không hết... Lúc này thì tôi đang đeo trên lưng một chiếc túi rách, mặc chiếc quần rộng thùng thình, một đôi giày to tướng, trong tay lại cầm một chiếc quạt giấy rách tươm thi thoảng gập người xuống để quạt dái của một con trâu... Đúng là người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm; cả ông Đỗ và tôi đều chẳng ra gì, trâu cũng chẳng ra gì, nhưng kể ra nếu đi vào hội họa thì chúng tôi cũng có những đặc sắc riêng. Nếu được thì cũng có thể vẽ thêm vào đó hàng cây bên đường. Hai bên đường phần nhiều là cây bạch dương, thi thoảng mới có chen một vài cây hòe. Trên những vòm cây bạch dương có rất nhiều loại sâu mà người vùng tôi gọi là "quỷ treo" dài ngoẵng, bám vào những cành cây mềm mại đung đưa trong gió. Ruộng lúa mạch hai bên đường đang thời kỳ đơm bông, có thể ngửi thấy trong không khí một mùi thơm dìu dịu. Một bức họa thật tuyệt vời! Nhưng toàn thân tôi đang đau nhức rã rời, mắt tôi hoa, đầu tôi choáng, trước mắt như có một màu đen sẵn sàng phủ xuống, cổ họng vừa khô vừa đắng, chân đau... Nhưng tôi biết, những điều đang hành hạ tôi vừa kể trên không thấm tháp gì so với những chịu đựng của Song Tích. Những gì nó đang chịu đựng kể ra phải cao hơn cả trời xanh, dày hơn cả đất vàng. Đầu nó không thể không đau không choáng, suy cho cùng thì bốn năm đêm vừa rồi chúng tôi ít nhiều có chợp mắt được một tí, nhưng Song Tích chắc chắn là không thể ngủ. Lúc này tôi đã nghĩ ra rồi, không cho những con trâu mới thiến nằm xuống rõ ràng là quá sức vô lý. Đừng nói là một con trâu bị thiến, một con trâu lành lặn mà bị buộc phải đứng một chỗ hoặc đi đi lại lại bốn ngày bốn đêm quả là một cực hình tàn khốc nhất thế gian này. Đằng này nó đã bị cực hình, mất máu, lại bị viêm nhiễm sưng tấy lên... Chân của nó đã sưng, máu trong người nó đã thiếu, bìu dái của nó lại đang chứa những chất dịch thối hoắc cương lên như một quả bóng... So với Song Tích, chút khổ mà tôi đã trải qua cũng thỉ là một cọng lông chim hồng. Ông Đỗ có chịu đựng nổi không? Xem ra thì ông ta cũng chẳng hơn tôi là mấy. Ông ta đã sáu mươi tám tuổi! Thời ấy, người sống đến sáu tám đã được xem là người cao tuổi. Ý của tôi là, tuyệt đại các bộ phận trên thân thể của ông Đỗ đã bị bụi vàng vùi lấp rồi. Răng ông ấy đã rụng gần hết, chỉ còn chơ vơ hai chiếc răng nanh to tướng đen sì. Hai thiếc răng này như cố níu kéo chút thanh xuân cho gương mặt ông ta, bởi hai chiếc răng này khiến mặt ông ta gần giống với mặt thỏ, mà thỏ thì cho dù có bao nhiêu tuổi cũng nhanh nhẹn hoạt bát và hiếu động, mà nhanh nhẹn hoạt bát và hiếu động là biểu hiện của tuổi thanh xuân... Một chuyện trọng đại nữa lại tiếp tục xảy ra đây: Tôi tình cờ nhặt được một con dao trên đường. Đây là một con dao có lưỡi hình tam giác, chuôi dao rất dài. Bởi cũng đã từng đổ mồ hôi rất nhiều trên cánh đồng quê nên tôi cũng tích lũy được một vài kinh nghiệm, thoạt nhìn là tôi nhận ra đây là loại dao chuyên dùng cho việc hái quả. Loại dao này rất sắc, độ sắc có thể cạnh tranh với loại dao chuyên dụng của lão Đổng. Sau khi nhặt được con dao, tôi quên phắt chuyện đau đầu đau chân và không biết quỷ thần xui khiến thế nào mà trong đầu tôi lại lóe lên ý nghĩa là xẻo quách cái bọc sưng tấy của con Song Tích đang ở ngay trước mặt mình. Tôi đã nhìn thấy bên trong toàn là máu mủ hôi thối vô cùng. Tôi còn nghe Song Tích lên tiếng van nài: Người anh em, hãy giúp tôi đỡ đau được một chút đi! Tôi nghĩ chuyện này không thể để cho ông Đỗ biết, ông ta mà biết thì kế hoạch của tôi không thể trở thành hiện thực được. Tôi đi gần với Song Tích hơn, nắm chặt con dao, lồng không hề do dự, tay không hề run, ngắm nghía thật chuẩn xác, một tay chụp lấy cái vật ấy, một tay kề dao, nhắm mắt chọc mạnh. Động tác của tôi rất nhanh, rất chuẩn và chiếc bọc cũng đã vỡ tóe ra, những gì bên trong bắn ra dính vào tay tôi, thối kinh khủng. Ông Đỗ vui mừng vô hạn, nói: - La Hán, mày đúng là một thiên tài! Chỉ cần một nhát dao của mày mà Song Tích đã có vẻ dễ chịu hơn rất nhiều, tao cũng dễ chịu lắm rồi... Mày mà nhặt được con dao này sớm hơn, không chừng Song Tích lúc này đã khỏe rồi, không cần phải đi lên công xã nữa... Tốt quá, tốt quá... Gặp đồng chí Đổng, tao sẽ đề nghị ông ấy nhận mày làm học trò, đôi mắt tao nhìn người không nhầm đâu, tao nhìn người nào là ra người nấy thôi... Ông ta nói xong thì bẻ một cành liễu, đi vòng ra phía sau Song Tích rồi dùng cành liễu chọc vào bìu dái nó ấn ấn thật mạnh để cho những thứ nước gớm ghiếc trăng trắng đỏ đỏ vàng vàng từ bên trong túa ra. Hình như song Tích rất đau, chân sau nhấp nhổm như muốn đá hậu, nhưng có lẽ không còn sức để giơ chân lên đá nữa nên cuối cùng động tác ấy của nó cũng chỉ dừng lại ở ý đồ. Chân sau nó động đậy nhấc lên khỏi mặt đất một tí rồi đặt xuống. Những luồng run chạy khắp thân thể biểu hiện là nó đang rất đau. Ông Đỗ thủ thỉ tâm sự: - Song Tích ơi là Song Tích! Mày cố gắng lên nhé, chúng tao cũng muốn tốt cho mày thôi... Những gì bẩn thỉu nhất từ trong chiếc túi ấy tiếp tục chảy ra, ban đầu là màu trắng, kế đến là màu vàng và cuối cùng là màu đỏ. Ông Đỗ ném cành liễu xuống đất, nói: - Tốt rồi, đảm bảo là đã tốt rồi! Chúng tôi tiếp tục dắt Song Tích đi. Đúng là nó đi có nhanh hơn một tí. Ông Đỗ bẻ một nhánh hòe có rất nhiều lá non đưa đến sát mõm Song Tích. Nó thè lưỡi liếm mấy cái, tỏ ý muốn ăn. Cho dù nó không thể ăn nhưng chừng đó cũng đủ làm cho chúng tôi cực kỳ hưng phấn. Ông Đỗ nói: - Được rồi, nhận ra cái ăn là được rồi. Đưa mày đến trạm để đồng chí Đổng tiêm cho một mũi, không qua ba ngày mày sẽ lại là một con trâu nguyên vẹn như xưa. Mặt trời lúc này đã như một chiếc đĩa màu đỏ tròn treo ở phía chân trời. Tôi đã trông thấy chóp cây bạch dương cao vút trong sân trụ sở công xã xa xa. Tôi phấn khởi kêu lên: - Sắp đến rồi! Sắp đến rồi! - Nhìn thấy núi nhưng ngựa chạy trối chết vẫn không tới nhìn thấy cây nhưng trâu chạy kiệt sức chưa chắc tới nơi. Ít nhất cũng phải ba cây số nữa - ông Đỗ nói - Chẳng qua, chúng ta vẫn đi nhanh hơn so với tưởng tượng của tao. Nói gì thì nói vẫn cứ nhờ một nhát dao của mày nhưng cũng không thể không kể đến những cú chọc cành dương liễu của tao. Mặt trời càng lúc càng đỏ. Công nhân xưởng gia công bông bên đường đã tan ca, những cặp thanh niên nam nữ mặc những bộ quần áo lao động mới toanh thong thả đi dạo trên đường. Từ trên thân thể họ, mùi xà phòng thơm thoang thoảng dễ chịu vô cùng, riêng những cô công nhân có chút nhan sắc thì không những có mùi xà phòng mà còn có cả một thứ mùi gì đó rất lạ vừa thơm vừa ngọt ngào mà tôi chưa hề được ngửi bao giờ. Ông Đỗ nheo nheo mắt nhìn tôi, hạ giọng nói: - La Hán, ngửi thấy mùi con gái thứ thiệt chưa? - Ngửi thấy rồi! - Còn trẻ, gắng phấn đấu đi, mai mốt kiếm một cô như thế về làm vợ! - Suốt đời tôi chẳng lấy vợ đâu! - Mày đúng là thằng xứng đáng được gọi là ăn mày nghiến răng phát tiết hận thù! Mày không cưới vợ, hay là mày định nhờ lão Đổng thiến luôn? Chúng tôi đang lời qua tiếng lại thì một đôi trai gái đang đi trên đường đứng lại. Người con trai có gương mặt trắng và mái tóc xoăn tít hỏi ông Đỗ: - Bác ơi, bác dắt trâu đi đâu vậy? - Đến trạm thú y! - Nó bị làm sao? - Bị cắt mất dái! - Cắt dái? Sao lại cắt dái của nó? - Nó đòi làm chuyện bậy bạ! - Chuyện bậy bạ là chuyện gì? - Cậu nghĩ chuyện bậy bạ gì thì nó cũng nghĩ chuyện bậy bạ như thế!: - Sao bác lại đem cháu ra đặt ngang hàng với con trâu? - Tại sao không thể đặt cậu ngang hàng với trâu? Trời đất sinh ra vạn vật vốn là bình đẳng, con người và các loài vật vốn là một! Mặt cô gái hơi đỏ lên, gắt: - Mao! Chúng ta đi thôi! Cô gái này mắt nhỏ mày thưa, đầu to, mặt cũng rất to, da mặt rất trắng, răng cũng rất trắng. Không kiềm chế được, tôi đưa mắt quan sát cô ta thật kỹ. Người con trai chạy ra phía sau Song Tích, quan sát thật kỹ giữa hai đùi nó, kêu lên: - Trời ơi! Các người tàn nhẫn quá! Tiểu Quách, Tiểu Quách! Lại đây mà xem sự tàn nhẫn rủa họ nè! Anh ta cuống quít đưa tay vẫy bạn gái nhưng hình như cô ta rất giận dữ hất mạnh bím tóc rồi đi thẳng về phía trước. Anh ta vội vã đuổi theo. Chiếc cổ của tôi cũng ngoẹo theo hướng đi của hai người và trông thấy anh ta đã quàng tay lên vai cô gái. Kỳ lạ thay, cô gái vẫn để yên cánh tay của anh ta trên đôi vai của mình. - Thôi, quay đầu lại đi, nhìn theo cũng chỉ nhìn bên ngoài chứ được cái gì - ông Đỗ nhắc nhở tôi. Tôi quay đầu lại, trong lòng có một chút ngượng ngập. Ông Đỗ nói tiếp: - Vừa nói lúc nãy là cả đời này mày không cần lấy vợ, nhưng chỉ nhìn thấy một đứa con gái tơ là mắt đã dính chặt vào người ta, tao thấy mắt mày như muốn lột quần áo con bé ra vậy! - Đâu có tôi trông theo người con trai đấy chứ! - Tôi thanh minh. - Đừng chối, lão đây cũng đã từng có một thời thanh niên rồi mới trở nên già cỗi thế này - ông Đỗ nói - Đứa con gái này trông chẳng khác gì một thiếc bánh bao mới ra khỏi lò hấp, sáng trưng, trắng nõn. Đúng là của ngon, đúng là của ngon! Khi chiếc loa phóng thanh của công xã đang phát bài "Quốc tế ca" cũng là lúc chúng tôi dừng chân trước cổng trạm thú y. Bảy giờ đúng, loa truyền thanh công xã bắt đầu phát chương trình ban đêm, đầu tiên là phát bài "Đông phương hồng", sau "Đông phương hồng" sẽ là dự báo những nội dung chính của chương trình phát thanh, kế tiếp sẽ là chương trình thời sự trong nước và quốc tế, tiếp theo là thời sự địa phương, sau thời sự địa phương thương là một vở kịch ngắn, tiếp theo là dự báo thời tiết, tiết mục cuối cùng là bài "Quốc tế ca". Sau bài "Quốc tế ca" sẽ là câu nói muôn đời: Các đồng chí bần hạ trung nông thân mến, chương trình phát thanh hôm nay đến đây là chấm dứt. Xin hẹn gặp lại trong chương trình phát thanh cũng vào giờ này tối ngày mai! Tạm biệt. Nghe hết câu nói này thì biết chính xác là chín giờ ba mươi, không sai một phút. Chúng tôi vừa đứng yên trước cổng trạm thú y thì cô phát thanh viên cũng vừa nói "Tạm biệt" với chúng tôi. Ông Đỗ nói: - Thế mà đã chín rưỡi rồi! Tôi ngáp dài nói: - Ở nhà, chỉ cần phát xong "Quốc tế ca", là tôi đã ngủ khì rồi! - Có lẽ đêm nay không thể ngủ được đâu, chúng ta phải tìm lão Đổng gấp để tiêm cho Song Tích, tiêm xong thì mới yên tâm được - ông Đỗ nói. Cánh cổng sắt của trạm thú y đóng im ỉm. Ghé mắt nhìn qua kẽ hở giữa hai cánh cổng có thể trông thấy bên trong. Trong sân có một chiếc giá gỗ cao ngất, hình như là có một cái giếng. Bên cạnh giếng là một vạt đất rộng, trên đó những loài cây tạp đang chen chúc um tùm. Một con chó đang hướng ra cổng sủa oang oang. Căn nhà thấp tè tối đen, chẳng trông thấy gì. - Ông ơi, chúng ta tìm lão đồng chí Đổng ở đâu hả ông? - Tôi hỏi. - Lão đồng chí Đổng nhất định là ở trong nhà. - Chẳng có đèn có đóm gì hết! - Không còn đèn có nghĩa là đã ngủ rồi! - Người ta đã ngủ thì chúng ta phải làm sao? - Bệnh của Song Tích có thể xem là loại bệnh cần cấp cứu, chúng ta gọi cổng thôi! - Lỡ chọc giận người ta thì làm thế nào? - Nghĩ ngợi nhiều làm gì cho mệt xác, vả lại đồng chí Đổng cũng đã ăn dái của Song Tích nên xét về lý là phải tiêm thuốc cho nó. Chúng tôi gõ vào cánh cổng sắt. Ban đầu chúng tôi không dám gõ mạnh nhưng quả thực, tuy tiếng gõ chúng tôi rất nhẹ nhưng âm thanh phát ra lại lớn vô cùng chẳng khác nào những phát súng nổ trong đêm yên tĩnh. Sau mấy tiếng gõ cổng, con chó đã xông ra đến nơi, đứng bên trong cánh cổng sắt và chồm lên, hai chân chụp vào cánh cổng, vừa chụp vừa sủa oang oang. Tiếng cánh cổng, tiếng thó sủa ầm ầm nhưng trong nhà hầu như vẫn không có động tĩnh gì. Tiếng chó đã kích thích lá gan của chúng tôi cho nên tiếng gõ cổng của chúng tôi cũng đã mạnh hơn, tiếng kêu cũng to hơn, nhưng vẫn không thấy có ai trả lời. Ông Đỗ nói: - Thôi đi cho rồi, nếu trong nhà mà có một người điếc cũng phải tỉnh ngủ thôi! - Như vậy là lão Đổng không ngủ ở đây. - Tôi nhận định. - Những người ăn gạo nhà nước như họ khác với nông dân chúng ta. Mỗi ngày họ làm việc chỉ có tám tiếng, tan việc rồi là thời gian của riêng họ. - ông Đỗ ra vẻ hiểu biết. - Chuyện này quá sức không công bằng. Chúng ta khổ cực gieo trồng lương thực, nuôi lợn nuôi dê để có cái đút vào trong miệng họ, tại sao họ lại đối đãi với nông dân chúng ta thế này? Thế không phải khẩu hiệu của họ đã từng nêu ra là "Vì nhân dân phục vụ" hay sao? - Mày mà là nhân dân à, tao mà là nhân dân à? Chúng ta chỉ là loại dân cỏ rác. Mà dân cỏ rác thì... chưa được xem là người. Chưa được xem là người thì xứng đáng được gọi là nhân dân sao? - ông Đỗ thở dài đánh sượt, nói tiếp - Chúng ta thì không kể, nhưng chỉ khổ cho Song Tích. Song Tích ơi là Song Tích! Năm ngoái thì mày hưởng phúc được rong chơi và nhảy lên lưng trâu cái tùy thích, năm nay mày phải trả nợ thôi. Cũng giống như Lỗ Tây lớn, Lỗ Tây nhỏ, năm ngoái chỉ gây ra tội nhẹ nên năm nay chỉ trả nợ một cách nhẹ nhàng. Ông trời rất công bằng, không ai chỉ có thể giành phúc mà tránh được họa đâu! Trong bóng đêm, chúng tôi cùng đưa mắt nhìn Song Tích, không thấy được những biểu hiện trên mặt nó, chỉ nghe được tiếng thở rất nặng nhọc và đứt quãng của nó. Ông Đỗ bật lửa, đi vòng quanh Song Tích một vòng, dừng lại khá lâu sau mông nó và quan sát thật kỹ vết thương. Chiếc bật lửa làm nóng tay, ông ta kêu xuýt xoa rồi tắt. Trước mắt tôi, bóng đêm ập xuống, đặc quánh như sơn, hình như những vì sao trên trời cao kia đang trở nên rực rỡ hơn. Ông Đỗ nói: - Tao thấy chỗ sưng của nó đã giảm đi rất nhiều, nếu nó muốn nằm cứ để cho nó nằm xuống thôi. - Quá đúng, ông à, chuyện tốt hay xấu, sống hay chết không phải là ở chỗ nằm xuống hay đứng lên - Tôi tán thành - Lỗ Tây lớn và Lỗ Tây nhỏ không phải cũng đã nằm một đêm như Song Tích nhưng bây giờ thì đã khỏe mạnh rồi đấy thôi! - Mày nói cũng có lý ít nhiều đấy, cứ để nó nằm xuống, ông cháu ta cũng chợp mắt một tí thôi! Câu nói của ông Đỗ thưa dứt, con Song Tích đã như một bức tường đổ ụp xuống, nằm bẹp dưới đất không hề nhúc nhích.