Chương 11

    
hú Mặt Rỗ dặn dò ông Đỗ phải coi chừng con trâu, tất nhiên không quên nhắc đi nhắc lại chuyện phải coi chừng chiếc xe đạp của Quách Hiếu Thắng. Trâu không thể mất, bởi trâu sống không ai cần, trâu chết không thể vác chạy được, nhưng xe đạp thì dễ dàng bị lấy trộm, thậm chí là bị cướp, chuyện này vẫn thường xuyên xảy ra trên địa bàn công xã. Dặn dò ông Đỗ xong, một tay chú cầm tờ giấy khai tử của Song Tích mà lão Đổng vừa mới cấp, một tay lôi tôi tiến thẳng vào khuôn viên trụ sở công xã.
Đây là lần đầu tiên tôi bước chân vào khu vực uy nghiêm và rộng thênh thang này. Hai bên con đường lớn, hai hàng cây nhựa ruồi đều tăm tắp; những dãy nhà mái ngói đỏ tươi cao ngất ngưởng như muốn đọ chiều cao với những cây bạch dương; những câu khẩu hiệu đại tự trên tường... Tất cả như đang khêu gợi tính tò mò hiếu động của tôi. Tôi cảm thấy mình bị kích thích đến độ hưng phấn nhưng đồng thời cũng cảm thấy có một chút sợ hãi. Tôi có cảm giác mình là một thằng ăn trộm vặt, tệ hơn nữa là giống như một tên đặc vụ đang bị rất nhiều đôi mắt theo dõi, tim tôi đập loạn xạ, đôi mắt láo liên nhìn đông liếc tây. Chú Mặt Rỗ hạ giọng quát:
- Cúi đầu xuống mà đi, không được liếc dọc liếc ngang như thế!
Chú Mặt Rỗ hỏi thăm một người đàn bà có gương mặt vô cùng vênh váo đường đến văn phòng của chủ nhiệm Tôn, người quản lý toàn bộ số trâu trong công xã. Lúc nãy khi nghe lão Đổng nói với chúng tôi rằng, chuyện sinh lão bệnh tử của trâu trên toàn công xã nằm gọn trong tay người này, trong lòng tôi thầm than thở là tại sao trên đời này lại có người nắm trong tay quyền lực vô biên đến như thế! Toàn bộ trâu trong công xã chắc chắn không dưới một nghìn, nếu sắp một hàng dễ có đến vài cây số dàn ra mà đi e rằng phải chật kín con phố trung tâm của công xã này. Bao nhiêu là trâu như thế mà chỉ có một người quản lý, rõ ràng ông chủ nhiệm Tôn này rất có năng lực và rất được tín nhiệm. Lúc ấy tôi nghĩ, giá như mình sau này được quyền quản lý trâu, mình chỉ cần quản lý được một nửa số trâu của công xã là đã cảm thấy thỏa mãn lắm rồi!
Tôi rón rén đi theo sau lưng chú Mặt Rỗ bước vào văn phòng của chủ nhiệm Tôn. Một người đàn ông to béo và trọc đầu không cần hỏi cũng biết ngay đó chính là chủ nhiệm Tôn - đang dùng một chiếc tăm to tướng xỉa răng bằng tay trái, ngón tay phải đang kẹp một điếu thuốc lá mà tôi biết đó là một loại thuốc rất đắt tiền, bởi trên mặt bàn trước mặt ông ta có một gói thuốc Phong Thu đã bóc. Thuốc lá Phong Thu là loại thuốc dành cho cán bộ cấp cao, người bình thường không thể mua được. Mùi khói thuốc rất thơm là chuyện đương nhiên. Điếu thuốc trên tay ông ta đã cháy gần hết và tôi đang mơ ước ông ta vứt nó xuống đất mặc dù tôi biết lúc này, ông ta có vứt nó xuống ngay trước mặt mình, tôi cũng không thể nhặt lên được bởi vì nếu tôi liều mạng nhặt nó lên, chú Mặt Rỗ không đá cho tôi văng ra khỏi phòng mới là chuyện lạ. Dù sao tôi cũng là đứa trẻ có nghị lực, trong những thời khắc quan trọng nhất vẫn có thể chế ngự được những dục vọng rất bình thường của con người. Chú Mặt Rỗ cúi người chào rất lịch sự, rồi cung kính hỏi:
- Thưa ông, ông chính là chủ nhiệm Tôn?
Người đàn ông chỉ hừ một tiếng, tôi nghĩ đó là câu xác nhận.
Chú Mặt Rỗ nhanh chóng trình tấm giấy chứng nhận của lão Đổng cấp cho ông ta, nói:
- Đội chúng tôi có một con trâu đã bị chết...
Chủ nhiệm Tôn cầm tờ giấy chứng nhận liếc qua một lượt hỏi:
- Thôn nào?
- Thôn Thái Bình ạ!
- Bệnh gì mà chết?
- Lão đồng chí Đổng bảo là bệnh truyền nhiễm cấp tính.
Chủ nhiệm Tôn lại hừ lên một tiếng, đưa tờ giấy lên trước mặt đọc lại lần nữa, nói:
- Các người làm ăn kiểu gì thế? Không biết trâu chính là tư liệu sản xuất à?
- Biết ạ, biết ạ! Trâu chính là tư liệu sản xuất của chủ nghĩa xã hội, sinh mệnh của trâu cũng là sinh mệnh của bần hạ trung nông!
- Đã biết như vậy tại sao lại để cho nó mắc bệnh truyền nhiễm?
- Chúng tôi sai rồi, chúng tôi biết lỗi rồi. Lần này trở về, chúng tôi sẽ phun thuốc phòng dịch toàn bộ trại chăn nuôi, sửa chữa sai lầm, hứa là từ nay trở đi không để cho chuyện khiến bần hạ trung nông đau khổ, nhưng kẻ thù giai cấp vui mừng như thế này xảy ra nữa đâu ạ.
- Người phụ trách chăm sóc trâu thuộc thành phần giai cấp nào?
- Bần nông ạ. Tổ tông tám đời của người này đều đi ăn xin!
Chủ nhiệm Tôn lại hừ lên một tiếng nữa rồi lấy cây bút máy đeo ở túi áo ngực xuống viết mấy chữ lên tờ giấy chứng nhận. Nhưng hình như cây bút đã hết mực nên viết mãi mà không ra chữ. Ông ta bực tức đè thật mạnh, nhưng chữ vẫn không hiện ra. Ông ta đứng dậy đến bên bậu cửa sổ lấy một bình mực đen xuống, phùng má thổi bụi trên bình mực, mở nắp rồi đưa đầu bút vào hút mực. Trong khi cây bút còn đang hút mực vào bụng, ông ta chậm rãi hỏi chú Mặt Rỗ:
- Trâu của các người để ở đâu?
Chú Mặt Rỗ không trả lời.
Tôi nghĩ rằng chú Mặt Rỗ không nghe câu hỏi của ông ta nên tranh thủ mở miệng để trả lời giúp cho chú:
- Trâu của chúng tôi đang nằm ngoài cổng của trạm thú y công xã!
Đôi lông mày rậm của chủ nhiệm Tôn cau lại, rút cây bút ra khỏi bình mực, nói:
- Bệnh truyền nhiễm không phải là chuyện chơi, mau mau đi ra xem thử thế nào!
Chú Mặt Rỗ vội vàng nói:
- Chủ nhiệm Tôn, không dám làm phiền ông. Chúng tôi sẽ nhanh chóng lôi nó về ngay thôi!
- Ông không được nói những lời như vậy! - Giọng chủ nhiệm Tôn rất lạnh - Làm cách mạng là phải tận tâm vì công việc! Đi!
Trong khi chủ nhiệm Tôn khóa cửa, chú Mặt Rỗ ném về phía tôi một cái nhìn hằn học.
Một đám đông đang bao vây Song Tích vào chính giữa, chủ nhiệm Tôn vừa quát vừa lấy tay vạch vòng người tiến vào trong. Ông ta vạch mồm, vạch mắt trâu ra xem xét thật kỹ rồi bước về phía sau cúi xuống nhìn giữa hai đùi sau của Song Tích. Ông ta thẳng người dậy, phủi phủi tay như muốn phủi những gì bẩn nhớp trên tay mình cho rơi xuống đất. Vòng người chung quanh tập trung tinh thần chờ đợi phán quyết của ông ta, không khí thẳng khác nào người thân của bệnh nhân đang chờ đợi kết luận của bác sĩ. Đột nhiên ông ta nổi cáu:
- Nhìn tôi làm quái gì? Các người vây lại đây để xem cái gì cơ chứ? Một con trâu chết thì có gì đáng xem hả? Giải tán, đi làm công việc của các người đi. Con trâu này bị bệnh truyền nhiễm cấp tính, các người không sợ bị lây bệnh à?
Mọi người vừa nghe đến dịch bệnh là đã vội vàng giải tán. Chủ nhiệm Tôn quát to:
- Ông Đổng!
Lão Đổng khom lưng chạy đến đứng im trước mặt chủ nhiệm Tôn, tay buông thõng, cúi người chào, nói:
- Chủ nhiệm Tôn, ông có gì sai bảo?
Chủ nhiệm Tôn quơ tay một vòng, rất vui vẻ nói:
- Đã là mắc bệnh truyền nhiễm sao ông còn để nó nằm ở đây? Người đi qua đi lại nườm nượp thế này, không sợ lây sang cho người à? Đồng chí Đổng, ông quá sơ sài rồi đó, bệnh này mà phát tán ra, lây lan cho người thì nó sẽ đem đến bao nhiêu là tổn thất về người và của, ông biết không? Tổn thất kinh tế còn có thể bù đắp, nhưng tổn thất về chính trị thì không có cách gì bù được, ông có hiểu chuyện này không?
Lão Đổng chùi hai tay vào quần, nói:
- Quả là chúng tôi quá sức sơ sài, thành thực tự kiểm thảo thành thực tự phê bình...
- Không thể tự kiểm thảo bằng miệng, tự phê bình bằng lời nói không, quan trọng hơn là phải thể hiện qua hành động. Mau đưa con trâu chết này vào lò mổ công xã. Ông chịu trách nhiệm giải phẫu nó, lấy mẫu để xét nghiệm vi khuẩn dịch, còn lại bỏ vào nồi nấu nhừ để làm phân bón!
Chú Mặt Rỗ cuống cuồng lao đến trước con trâu, kêu to:
- Chủ nhiệm Tôn! Con trâu này không phải chết vì bị dịch mà chết vì bị thiến!
Tôi thấy khuôn mặt dài ngoẵng của lão Đổng tự nhiên trắng bệch. Chú Mặt Rỗ chỉ tôi và ông Đỗ nói:
- Nếu ông không tin, cứ hỏi hai người này!
Chủ nhiệm Tôn đưa mắt nhìn lão Đổng hỏi:
- Đồng chí Đổng, chuyện này là thế nào?
Lão Đổng lắp bắp:
- Mọi chuyện là thế này, đúng là con trâu có bị thiến thật nhưng nó chết là do bị mắc bệnh truyền nhiễm...
- Mau đem cách ly! - Chủ nhiệm Tôn vung lay một cách dứt khoát - Mau đem phẫu thuật, xét nghiệm và tìm cách tiêu diệt vi khuẩn dịch bệnh, đừng để lây lan!
- Chủ nhiệm Tôn! Tôi van ông hãy cho phép chúng tôi kéo nó về... - Chú Mặt Rỗ van nài.
- Lôi nó về làm gì? - Chủ nhiệm Tôn tức giận quát lớn - Ông muốn toàn bộ trâu của đại đội ông bị lây bệnh truyền nhiễm à? Ông muốn toàn bộ trâu của đại đội ông lăn đùng ra chết như nó sao? Ông tên gì? Xuất thân từ giai cấp nào?
Chú Mặt Rỗ run lên, gương mặt vàng như nghệ, đôi môi mấp máy định nói gì đó nhưng không thể phát âm nổi lấy một tiếng.