Chương 1
Hư quyền

     ừ mười mấy năm nay, khoảng bốn chục công tác gián điệp của Văn Bình đã được Người Thứ Tám tiểu thuyết hóa, và in thành sách. Đây là bộ truyện đầu tiên về hành động phi thường của Z.28 được chính người trong cuộc, Z.28, thuật lại. Người Thứ Tám chỉ có nhiệm vụ ghi chép. Vì vậy từ trang đầu tiên đến trang cuối, bạn chỉ thấy tiếng ‘’tôi‘’ tự thuật của Văn Bình.

I

Hư quyền

Nhìều kẻ thương tôi hoặc ghét tôi đều cho tôi là con người sung sướng nhất trên trái đất.
Sung sướng nhất, vì tôi có quá nhiều tiền, muốn tiêu bao nhiêu cũng có, chơi xe hàng chục ngàn đô la một chiếc mà thay đổi hàng năm. Nhà hàng, khách sạn đắt tiền nào cũng đến như cơm bữa. Đàn bà đẹp thì nhét đầy cam nhông đổ xuống sông Đồng nai không hết. Tim phổi lại tốt kinh khủng, bao tử như được bọc thép, uống cả thùng rượu huýt ky, ăn cả mâm đại yến vẫn khỏe như không. Và võ nghệ lại độc nhất vô nhị, từ thuở mang bí số Z.28, tung hoành từ đông sang tây, từ bên này sang bên kia bức màn sắt, chưa hề chịu thua ai.
Thật ra, thiên hạ đã lầm. Vâng, tôi xin công nhận là tôi không khổ, nhưng bảo rằng sướng nhất đời thì chẳng đúng chút nào. Tôi có nhiều tiền là do thừa lệnh ông Hoàng làm thuê cho các sở gián điệp giàu sụ như Trung ương Tình báo CIA, MI của Anh quốc, đồng tiền kiếm ra là đồng tiền xương máu, mấy ông trùm tư bản quốc tế sẽ chẳng xì ra một cắc nếu nhân viên của họ có thể làm nên việc. Tôi đổi xe đua luôn luôn, nhưng có được thảnh thơi ở Sàigòn để diện với người đẹp đâu, và hàng năm tôi mua xe mới là vì sợ giữ xe cũ, các cơ quan do thám thù địch sẽ cho tôi ăn bom. Vâng, đàn bà đẹp thì tôi được hân hạnh quen nhiều, song thưa quý bạn, phương ngôn ta có câu ‘’lắm mối tối nằm không’’, có một người yêu, hoặc có một người vợ duy nhất sung sướng hơn nhiều vỉ khỏi bị ghen tuông. Trời ơi, đàn bà tuyệt đẹp ghen tuông lại ghê gớm gấp chục lần đàn bà trung bình. Cái khổ của tôi là họ đều gỉỏi võ, xoàng ra cũng thắt lưng đen nhu đạo …
Nói ra sơ quý bạn chê cười nhưng sự thật là tôi đã hơn một lần phải vào bệnh xá của Sở Mật vụ để khâu những vết thương ‘’tình ái’’ trên lưng và trên mặt. Từ ngày tôi có con với một nữ đồng nghiệp ban Biệt vụ, tôi vẫn tưởng cuộc đời sẽ được phẳng lặng sau bao nhiêu năm tháng bão tố, ngờ đâu sóng gió lại nhiều hơn trước.
Chịu không nổi, tôi đành phải xin ông Hoàng xuất ngoại thường xuyên. Lần này, sau khi hoàn thành mỹ mãn một điệp vụ ở Hoa Lục, tôi được phép nghỉ xả hơi 6 tuần lễ. Trước kia, nghỉ xả hơi là những ngày, những giờ, những phút, những giây đồng hồ thần tiên đối với tôi, nhưng từ ngày bệnh ghen tuông trở thành thói quen bên trong ban Biệt vụ, tôi sợ được nghỉ xả hơi còn hơn con nít sợ ông kẹ nữa. Bởi vậy, tôi chuồn một mạch lên Tân sơn nhứt, đợi chuyến máy bay sớm nhất để qua Vọng Các.
Cái số của tôi còn nặng nợ với phụ nữ nên hôm ấy đã run rủi cho tôi đụng đầu võ sĩ Ree trên sân bay. Ree là huấn luyện viên hiệp khí đạo của CIA Mỹ. Một công dân Cao Ly làm huấn luyện viên hiệp khí đạo cho khóa sinh CIA không phải là chuyện lạ, vì hiện nay họ dùng rất nhiều võ sĩ ngoại quốc, nhất là người Á đông. Nhưng Ree không giống các võ sĩ khác ở điểm độc đáo : Ree là  một trong số rất ít võ sĩ nổi danh về ‘’khí đạo‘’ còn sống trên thế giới.
Tôi cũng là chuyên viên về ‘’khí đạo’’. Khí đạo là một bộ môn võ thuật, gần như có vẻ siêu hình : chỉ xử dụng các đầu ngón tay và đầu ngón chân, khi đánh thì vận chân khí trong người ra. Không chạm thân thể đối phương mà đối phương vẫn bị trọng thương hoặc táng mạng. Nhà văn kiếm hiệp Kim Dung đã mệnh danh một cách hoa mỹ bộ môn này là ‘’chưởng phong’’. Kể ra Kim Dung bịa đặt khá nhiều. Tuy nhiên, trên một vài phạm vi, những điều tưởng tượng của nhà văn Trung hoa này đã gần sát với sự thật.
Về khí đạo, tôi chưa đạt tới trình độ thưọng thừa, nhưng cũng không đến nỗi kém cỏi. Nhắc đến khí đạo, trong làng võ cũng như nhắc đến kỹ thuật chế tạo phi thuyền Apollo đổ bộ nguyệt cầu, cho nên khi gặp tôi Ree tay bắt mặt mừng. Tôi cũng mừng không kém. Vì các võ sĩ khí đạo phải giao đấu luôn mới khỏi mai một tài nghệ.
Vì tôi đi Vọng Các để đổi gió, chứ không có công việc chính thức nào của Sở nên Ree đề nghị tôi ở lại giao đấu, tôi nhận lời liền. Ree và tôi về võ đường riêng của Sở, tọa lạc dưới hầm tòa bin đinh cao ngất ngưởng của Công ty Điện tử ở đại lộ Nguyễn Huệ, gần bờ sông. Tại đó, dưới quyền chủ tọa của ông Hoàng, chúng tôi giao đấu với nhau.
Đã 5 năm, Ree và tôi không gặp nhau. Ree là môn đệ của Koichi Tohei (1), một trong những võ sĩ có biệt tài đánh chưởng, cách xa 20 phân có thể làm đối phương bất tỉnh. Tôi học chưởng phong của một trường phái (2) xưa kia hùng cứ ở vùng biên giới Trung hoa và Tây tạng. Những lần giao đấu trong quá khứ tôi đều hòa với Ree.
Nhưng hôm ấy, tôi vừa vận khí từ đan điền (3) lên ngực để truyền ra ngón tay thì bị chặn nghẹt. Thì ra khí lực của Ree đã mạnh hơn tôi bội phần.
Nghĩa là tôi bị đại bại.
Tôi là người ham học võ, dầu phải trèo non lội suối đến tận cùng thế giới để tìm thày tôi cũng đi. Trận thua này làm tôi xấu hổ. Xấu hổ vì Nguyên Hương nhìn tôi, cười khinh khỉnh :
-Kết quả đấy, anh đã thấy rõ chưa ?
Nguyên Hương dùng tiếng ‘’kết quả‘’ để chỉ cái thú thức thâu đêm, uống rượu như hũ chìm và yêu đương vô hồi kỳ trận của tôi. Tôi thường tự hào là có lục phủ ngũ tạng bê tông cốt sắt, càng bê tha càng khỏe. Lời nói của Nguyên Hương như hàng trăm mũi dao nhọn đâm sâu vào tim tôi.
Nên tôi quyết gác chuyện yêu đương một thời gian để tầm sư học đạo. Được tin ở gần Thimbu có một võ sư chuyên về khí đạo, tôi bèn mầy mò lên đường qua vương quốc Butan. Tuy Butan là một quốc gia Á châu. Đại đa số người Á châu đều không biết, nhưng đối với tôi nó lại là một quê hương quen thuộc. Thimbu là kinh đô Butan. Butan là một dẻo đất đầy rừng gồm chưa đầy một triệu dân, nói tiếng Tây tạng, ở phía đông Hy mã lạp sơn, nằm lọt giữa Tây tạng, Ấn độ và Sikkim.
Butan là quê hương quen thuộc vì gái Butan ngoan ngoãn và hiền lành vô tả. Một công đôi việc, tôi đi Butan để luyện thêm bí thuật vận chân khí, và cũng để thăm lại những cô nàng có bộ ngực nở nang, cái eo nhỏ xíu, và nhất là cái mông tròn trịa và cặp giò thon cứng nhờ quanh năm ngày tháng trèo núi và trèo núi …
Nói cho đúng, gái Butan dễ thương thật đấy, nhưng nếu chỉ có thế thì tôi cũng chẳng cất công đến vương quốc sơn cùng thủy tận này làm gì. Sở dĩ tôi mượn cớ lên đường là vì Butan ở gần một nơi mà tôi vẫn coi là thiên đường ở hạ giới.
Nơi này là một khu đồi cao thuộc tiểu bang Assam, phía đông bắc Ấn độ, phía dưới vương quốc Butan nên thơ.
Lẽ ra tôi giữ kín hành động của tôi trong những ngày lưu trú  tại Butan và đặc biệt là tại Assam. Vì nói ra là thiên hạ sẽ biết. Hồi xưa lục địa Mỹ còn bán khai, vùng viễn tây đầy bệnh tật và dã thú nguy hiểm, vậy mà khi nghe nói có vàng và đồng ruộng phì nhiêu là hàng ngàn, hàng vạn, hàng chục vạn người lũ lượt kéo tới. Huống hồ bây giờ nếu tôi tiết lộ về thiên đường hạ giới…
Bè bạn đàn ông thường trách tôi tham lam, du lịch khắp hoàn vũ, hiểu biết và thưởng thức đủ mọi của ngon vật lạ thượng đẳng mà không chịu chia sớt cho ai. Sự thật tôi không tham lam lắm đâu, chẳng qua tôi mắc bệnh hay quên, nhiều kẻ còn nặng hơn tôi nhiều.
Lần này, tôi còn nhớ chút đỉnh nên tôi kể lại hầu quý bạn. Tôi đến Thimbu, ở lại gần hai tháng mà không tìm ra ông thầy dạy khí đạo. Tôi bèn đáp phi cơ về biên giới phía bắc Ấn độ.
Người Việt ta – và có lẽ nhiều dân tộc khác trên thế giới – đã hiểu lầm hoàn toàn về Ấn độ. Ta dễ hiểu lầm vì Ấn kiều ở Sàigòn, tục gọi là chà và đều đen thủi đen thui. Chà nghèo thì làm nghề gác cửa mặc cái quần không ra quần, thân thể bẩn thỉu như thể cả năm không được vọc nước. Chà giàu hoặc chà có học thức thì làm chủ nhà, chủ đất, hoặc buôn ngoại hóa dọc đại lộ Tự Do. Đàn bà Ấn phục sức một cách phi thẩm mỹ, một xúc vải mỏng xổ ra rồi quấn lung tung quanh người, trên vai. Da dẻ cũng như cột nhà cháy. Trông họ ai cũng tưởng họ không biết yêu là gì. Ấy thế họ lại là những người có nhiều kinh nghiệm vê ân ái nhất thế giới. Quý bạn nghe nói đến Kama Sutra không ? Đó là kinh điển của giới yêu nhau. Tác giả này là một người Ấn. Kama Sutra nghĩa là Siêu nghệ thuật Ân ái. Nó là một thi tập gồm trên dưới một ngàn hai trăm câu, mô tả tất cả những cái gì bí mật nhất giữa nam nữ, kèm theo các thủ thuật để gia tăng tình yêu (4)
Tôi đến biên giới đông bắc Ấn độ, trong tiểu bang Assam, là để sống bên cạnh những người am tường siêu nghệ thuật ân ái. Giới thám hiểm quốc tế cũng đến nơi này, song họ lại dại dột quan tâm đến tê giác hơn là đến ân ái như tôi. Tưởng cũng nên nhắc rằng gần triền núi Hy mã bao la có loại tê giác kỳ lạ, rất to lớn, rất khôn ngoan, và thân thể rất quý, nhiều bộ phận được dùng làm thuốc khỏe dành cho đệ tử phòng the… Thôi thì hàng chục thứ thuốc khác nhau, mang về các đô thị lớn bán cả trăm đô la một liều cũng có người mua dùng.
Hiện nay chỉ còn vài trăm con tê này sinh sống trong vùng đó. Tôi cất công đến Kaziranga và chỉ ở lại một ngày rồi lên đường đi Silong.
Silong là một tiểu thị trấn khá đẹp. Hồi thuộc Anh, các nhà triệu phú Anh, chủ đồn điền trà, thường gửi vợ con từ miền xuôi lên Silong để đổi khí hậu. Đường phố nhỏ xíu chạy ngoằn ngoèo trên những ngọn đồi thoai thoải, nếu không có bóng dáng binh sĩ biên phòng Ấn, súng ống kè kè thì du khách có thể lầm tưởng là Baguio ở Phi luật Tân.
Silong tạo cho du khách một cảm nghĩ thoải mái với những rừng thông xanh um thẳng tắp và những tòa nhà nghỉ mát hùng vĩ quét vôi trắng, cửa sơn đen. Baguio có khách sạn Thông Reo thì ở đây cũng có khách sạn Thông Reo.
Tôi đích thân lái xe từ Kaziranga đến Silong và ngụ tại khách sạn Thông Reo. Hôm sau, tôi băng đồi, xuyên rừng, tiến sâu vào triền núi Hy mã đến một vùng hiểm trở, tứ phía là vách núi thẳng tắp, giữa là thung lũng sâu như chậu nước rửa khổng lồ. Giữa thung lũng này sinh sống một bộ lạc không chịu ảnh hưởng của nền văn minh loài người, quanh năm chỉ quan tâm đến ái tình. Về ái tình, bộ lạc Muria (5) đã có những phong tục hết sức tự do. Bộ lạc sinh sống trong lòng chảo thiên nhiên này còn có những phong tục tự do hơn về tình ái.
Trai gái của bộ lạc đều sống chung với nhau trong những nhà ngủ cộng đồng gọi là gô–tun. Mục đích của tập quán này là tạo điều kiện cho nam nữ đến tuổi lập gia đình được học hỏi kinh nghiệm và thực tập trước (6).
Hiện nay, một số quốc gia tiên tiến cũng cổ súy và thực hiện phong trào tự do sinh lý nhưng vẫn không thú vị bằng phong tục gô–tun, vì ở đây có sự công bằng tuyệt đối, không có ái tình vụng trộm, hoặc ân ái độc quyền. Tất cả đều luân phiên, và nội lệ gô–tun không cho phép bất cứ cặp trai gái nào được ngủ chung với nhau trong ba đêm liên tiếp.
Tuy nhiên, cuộc sống cộng đồng này được diễn ra trong bầu không khí kỷ luật. Từ nhỏ, nam nữ đã được làm quen với gô–tun. Ban ngày, chúng làm lụng với cha mẹ, nhưng đến tối chúng phải về gô –tun để học, song phải từ 13, 14 tuổi chúng mới được thu nhận vào phòng ngủ. Khi vào đấy, hội viên phải triệt để tuân theo lệnh một trưởng phòng do toàn thể bầu lên.
Tối đến, toàn thể trai gái ngồi chung quanh đống lửa, ca hát và kể chuyện cho nhau nghe. Bẩn thỉu, lười biếng và bướng bỉnh là những tội khiến hội viên có thể bị trục xuất. Viên trưởng phòng phụ trách việc cắt đặt sự luân phiên ân ái cho mỗi đêm, không phân biệt đẹp, xấu, thích hay không thích nhau. Phong tục kỳ lạ này có cái lợi là tận diệt được sự ghen tuông và sự bất công như thường thấy trong xã hội văn minh.
Nhờ một người quen tôi được sống trong gô–tun. Những ngày ở đó cũng là những ngày sung sướng nhất của đời tôi. Không phải vì trong gô-tun có nhiều con gái đẹp. Tôi đến triền núi Hy mã không phải để tìm thú vui xác thịt vì thú này đầy rẫy trong các thủ phủ lớn. Tôi không còn là cậu thanh niên ngây thơ nên người đẹp gô-tun chưa đủ mãnh lực lôi cuốn tôi. Trên thế giới chưa nơi nào có nhiều của lạ bằng Hồng kông, Đông kinh, Hăm bua … vậy mà gót chân tôi đã quen hết hang cùng ngõ hẻm của ba thiên đường nhan sắc ấy.
Sở dĩ tôi đến triền núi Hy mã là để rũ sạch bụi đời. Tôi là nạn nhân của sự ghen tuông thường trực, thần kinh tôi bị căng thẳng cực độ. Tôi phải chứng kiến những cảnh ân ái dối trá, giấu diếm mỗi ngày. Tôi phải đến đây để hòa mình vào bầu không khí ái ân phóng khoáng và bình đẳng. Còn một lý do khác khiến tôi ngụ tại khách sạn Thông Reo đèo heo hút gió. Số là con gái chung chạ tự do với con trai trong gô-tun mà tỉ lệ thọ thai rất nhỏ, tối đa là 4 phần trăm. Nhiều nhà khoa học đã đến tại chỗ để nghiên cứu hiện tượng này và kết luận rằng phụ nữ địa phương ít mang thai vì họ thường ăn một lá cây đặc biệt. Lá cây này chỉ mọc trong hang đá phía bắc giải núi Hy mã hùng vĩ.
Đặc tính của nó thật lạ lùng. Hái về phơi khô, đổ nước xắc lên, nó trở thành một môn thuốc trừ thai hiệu nghiệm có một không hai trong lịch sử y học. Mỗi lần uống một thang thuốc như vậy, đàn bà con gái sẽ tránh thụ thai được ba tháng. Thuốc ngừa thai hoặc dụng cụ ngừa thai của Tây phương thường làm tính tình con người thay đổi, thậm chí cơ thể và nhan sắc cũng có thể thay đổi bất lợi nữa. Môn thuốc lá của nam nữ bên sườn núi Hy mã lại bồi bổ sức khỏe, và nhất là bồi bổ nhan sắc. Con gái uống vào sẽ có làn da mịn màng, cặp mắt long lanh, hơi thở thơm tho. Nghĩa là tóm lại môn thuốc lá này làm xấu hóa đẹp, biến yếu thành khỏe, đồng thời ngừa thai đắc lực. Một đại công ty dược phẩm cho biết tôi sẽ giàu hàng trăm tỉ nếu tôi mang được thứ lá kỳ dị này về tìm cách gây giống. Tôi không thích giàu song nghĩ rằng nếu kiếm thêm được dăm bảy chục triệu bạc cho ông Hoàng thì cũng tốt nên tôi mới hối hả lên đường. Ngoài ra (điều này, tôi xin quý vị tha lỗi cho tôi) trong một phút bốc đồng bên cạnh người đẹp, tôi trót bép sép khoe rằng có một thứ thần dược, vừa ngừa thai lại vừa tăng đẹp, khiến cho một số nhân viên Biệt vụ và bạn gái của tôi cuống cuồng lên đòi tôi đi hái cho bằng được. Sự sốt sắng quá mức của họ chứng tỏ rằng phái yếu ngày nay không còn là phái yếu nữa, vì nếu họ yếu họ đã không đủ sức yêu cuồng sống vội đến nỗi phải có thuốc kè kè bên mình.
Mọi lần ông Hoàng đều sai người đến phá đám những ngày nghỉ xả hơi của tôi. Lần này may thay ông Hoàng đã ban cho tôi hai chữ ‘’bình yên’’. Sau gần ba tuần lễ chán chê, tôi sửa soạn về nưóc thì mới thấy sứ giả của ông tổng giám đốc lò dò tới.
Ông Hoàng liên lạc với tôi ở hải ngoại bằng hai cách. Cách thông dụng là Lê Diệp hoặc Triệu Dung đáp máy bay đến tận nơi, chờ đêm khuya tôi đang bù khú trong phòng thì xô cửa xồng xộc bước vào. Triệu Dung là ‘’Anh Cả‘’ trong Sở nên cư xử có phần nghiêm trang hơn. Nghĩa là gọi dây nói báo tin trước, hoặc nếu là công tác tối mật không muốn đối phương biết thì đích thân tới nhưng gõ cửa đàng hoàng chứ không có hành động thảo khấu như gã sếu vườn đáng ghét và cũng đáng yêu Lê Diệp. Thật ra ông tổng giám đốc không hề ra lệnh cho Lê Diệp phá đám, nhưng Lê Diệp vốn thân tình với Nguyên Hương và một số nữ yêu trong ban Biệt vụ nên hắn cố tình chơi xỏ tôi cho bõ ghét. Chẳng hạn hắn rình ngoài cửa chờ tôi tắt đèn trên bàn đêm mới đập cửa ầm ầm, giả làm nhân viên công an đến xét giấy tờ. Thậm chí hắn còn dùng chìa khóa giả mở cửa vào phòng, núp sau tấm riềm… Chao ôi, nếu muốn kể hết đòn vặt của Lê Diệp đối với tôi thì phải viết đầy cuốn bách khoa tự điển.
Cách liên lạc thứ hai là bằng mật khẩu hoặc mật liệu. Mật khẩu nghĩa là trước khi lên đường tôi phải học thuộc một số câu nói và đáp để sau này tiếp xúc với sứ giả của Sở. Tôi có tính ham vui nên hay quên, hơn một lần tôi đã quên mật khẩu nên trong thời gian gần đây ông Hoàng đã áp dụng kỹ thuật mật liệu. Mật liệu tức là xử dụng một vật nào đó trong người như sơ mi, cà vạt, giầy, quẹt máy, bao thuốc để nhận diện nhau. Trong chuyến đi này, tôi được ông Hoàng đưa cho một cái cà vạt đen. Bề ngoài nó không khác cà vạt đen bằng lụa nhân tạo bày bán trong tiệm bách hóa sang trọng. Nhưng sự thật lại khác. Cà vạt được dệt bằng tay, lụa cũng là lụa riêng, cách dệt độc đáo. Ông Hoàng chỉ cho dệt hai cái giống nhau. Đuôi cà vạt được cắt theo hình răng cưa, nếu cà vạt này ăn khớp đường răng cưa với cái cà vạt kia là đúng.
Khi tôi khăn gói ra sân bay, ông Hoàng ân cần dặn tôi :
-Tôi đã chọn lộ trình của anh để khi cần họ có thể tiếp xúc kịp thời. Có lẽ họ sẽ đến khách sạn Thông Reo tìm anh. Mật liệu nhận diện là cái cà vạt này.
Tôi bèn nhăn mặt. Tưởng tôi từ chối, ông Hoàng vội giải thích trường giang đại hải là ‘’ta đang đói tiền nên phải tiếp tục làm thuê cho nhà giàu, và trong Sở chỉ có anh là có bản lãnh để hoàn thành những công tác khó khăn nhất’’ nhưng tôi đã gạt đi. Sở dĩ tôi nhăn mặt vì tôi biết nhân viên của sở gián điệp đồng minh nhà giàu sẽ đến gặp tôi không phải là giai nhân mà là đực rựa. Vì lẽ y mang cà vạt. Không lẽ đàn bà lại đeo cà vạt nghễu nghện trên cổ. Trừ phi là loại cà vạt dành cho nữ giới mặc với đồ ‘’din’’. Nhưng cà vạt này phải nhỏ xíu, màu sắc phải sặc sỡ. Trong khi cái cà vạt ông tổng giám đốc đưa cho tôi lại to bản do hãng thời trang nổi danh Jacques Fath ở Ba Lê vẽ kiểu, và dành cho đàn ông. Lang thang nơi đất nước người mà phải hoạt động chung với đực rựa thì chán hơn cơm nếp nát nữa …
Tôi sửa soạn bước ra cửa thì ông tổng giám đốc kêu giật lại :
-Thong thả, anh Văn Bình. Lần này không phải làm thuê cho ông Sì-Mít như trước nữa đâu.
Tôi hơi giật mình. Từ nhiều năm nay, mỗi khi phải mang sức lao động ra đổi lấy tiền cho Sở, tôi đều làm thuê cho ông Sì-Mít, tổng giám đốc CIA cơ quan điệp báo lắm tiền nhất thế giới. Kể ra, ông Hoàng không gắn bó mấy với CIA, chẳng qua vì giá biểu của ông quá cao, còn cao hơn đỉnh núi Hy mã lạp sơn nữa nên chỉ có ông Sì-Mít là có đủ đô la để trả. Đôi khi tình báo Anh quốc MI cũng nhờ vả ông Hoàng, nhưng chỉ bỏ tiền mua tin tức hoặc tài liệu, tối đặc biệt mới dám mở hầu bao. Tuy nhiên, trước khi ký xéc cũng tốn hàng lít nước bọt kỳ kèo mặc cả.
Những người không ở trong nghề cứ tưởng các sở do thám Tây phương tiêu xài đế vương lắm. Trên thực tế, họ so kè từng xu. Chẳng qua họ bó tay họ mới chịu vung ra hàng triệu đô la để mướn tôi. Nhờ trời, tôi đi làm thuê đã nhiều lần, lần nào cũng cách cái chết có một đốt ngón tay mà rốt cuộc vẫn sống phây phây.
Nghe ông Hoàng nói, tôi hơi giật mình vì nghĩ rằng nếu không đi làm thuê cho CIA thì biết làm thuê cho ai. Tiền công của tôi hơi đắt, song có đắt thì xông pha lằn tên mũi đạn mới thú. Sợ ông Hoành túng nên phải tính, túng nên phải nhận bừa những món tiền quá ít.
Nhưng ông tổng giám đốc đã nhìn thấu ruột gan tôi. Ông già đứng dậy, mân mê điếu xì gà Ha-van một cách khoái trá (có lẽ còn khoái hơn là tôi mân mê núi của nõn nà của hoa hậu Á Châu nữa ), miệng mỉm cười:
-Tôi quên chưa nói với anh là cách đây ba tháng Sở ta đã ký một thỏa ước điệp báo tay đôi với Cộng hòa Liên bang Tây Đức. Đúng ra đó là bản mật ước giữa sở điệp báo Tây Đức và ta. Mật ước này quy định việc giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là Tây Đức viện trợ tài chánh và dụng cụ điệp báo cho ta và ta trả lại bằng nhân lực.
Sự thành công của anh trong thời gian qua tại phía sau bức màn sắt, nhất là tại Liên sô và các quốc gia chư hầu Đông Âu đã làm ông tổng giám đốc điệp báo Tây Đức lưu ý. Hẳn anh đã biết Liên sô và các chư hầu Đông Âu chính là khu vực hoạt động truyền thống của Tổ chức Gehlen, sau này là sở điệp báo thống nhất Tây Đức. Nhân viên Tây Đức đã quen khu vực này như thể quen cách trang trí trong gia đình. Vậy mà từ 18 tháng nay họ đều thất bại.
Nói chung, mọi hoạt động quy mô của gián điệp đồng minh tại vùng đất phía đông đều thất bại. Trừ anh… Vì vậy Tây Đức muốn anh giúp họ.
-Thưa, vấn đề thù lao?
-Họ trả không hậu hĩ bằng Hoa kỳ, nhưng cũng được 80 %, nghĩa là còn hậu hĩ hơn Anh quốc. Tây Đức là cường quốc kinh tế hậu chiến vượt cả Anh và Pháp. Họ không thiếu gì tiền bạc. Họ chỉ cần được việc. Như thường lệ, anh sẽ hợp tác với họ. Dĩ nhiên, làm thuê để lấy tiền nên cái gì giấu được anh cứ giấu, nếu tiện tôi sẽ liên lạc với anh sau. À, còn điều này nữa, CIA không lạ gì anh, nhưng đối với điệp báo Tây Đức anh còn là người lạ. Người Đức vốn là một dân tộc tôn trọng nguyên tắc một cách cứng nhắc. Vi vậy, có thể họ sẽ thử tài anh.
Thử tài thì thử, tôi không cho đó là quan trọng. Họ bỏ ra nhiều tiền tất có quyền kiểm soát xem hàng hóa tốt hay xấu. Ông tổng giám đốc sợ tôi phật ý, làn sóng tự ái dâng lên cuồn cuộn trong lòng. Trái lại, tôi vẫn tỉnh bơ.
Tỉnh bơ vốn là bản tính của tôi. Nhưng hôm ấy, tại khách sạn Thông Reo dưới chân núi Hy mã, tôi không thể tỉnh bơ được nữa. Vì sứ giả của tình báo Tây Đức đến gặp tôi là một người đàn bà. Một cô gái có sắc đẹp hớp hồn.