1. Ngũ Tử Tư là người nước Sở, tên là Viên. Cha của Viên là Ngũ Xa, anh của Viên là Ngũ Thượng, tổ tiên là Ngũ Cử thờ vua Sở Trang Vương, hay can thẳng, có danh vọng cho nên đời sau nổi tiếng ở Sở. 2. Sở Bình Vương có thái tử tên là Kiến, Bình Vương sai Ngũ Xa làm thái phó, Phí Vô Kỵ làm thiếu phó. Phí Vô Kỵ không trung với thái tử Kiến. Bình Vương sai Vô Kỵ cưới vợ cho thái tử ở Tần. Người con gái ở Tần đẹp, Vô Kỵ ruổi ngựa về báo với Bình Vương. - Người con gái ở nước Tần rất đẹp, nhà vua có thể lấy cho mình mà cưới một người vợ khác cho thái tử. Bình Vương bèn lấy người con gái nước Tần, rất yêu quý nàng, sinh con là Chẩn và cưới một người vợ khác cho thái tử. Vô Kỵ sau khi đã đem người con gái nước Tần dâng vua Bình Vương để lấy lòng nhà vua, bèn bỏ thái tử mà thờ Bình Vương. Vô Kỵ sợ một ngày kia Bình Vương mất đi, thái tử lên ngôi sẽ giết mình nên gièm thái tử Kiến. Mẹ của Kiến là người đất Thái, không được Bình Vương yêu. Bình Vương càng bỏ xa Kiến, sai Kiến giữ huyện Thành Phụ, để phòng bị ở biên giới. Được ít lâu, Vô Kỵ lại ngày đêm nói xấu thái tử với vua: - Thái tử không thể không oán giận về chuyện người con gái nước Tần. Xin nhà vua cẩn thận đề phòng. Từ khi cầm quân ở Thành Phụ, thái tử giao thiệp với chư hầu xem ra có ý muốn vào làm loạn. Bình Vương bèn mời thái phó của thái tử là Ngũ Xa vào xét hỏi. Ngũ Xa biết Vô Kỵ gièm thái tử với Bình Vương, nhân nói: - Tại sao nhà vua lại vì một kẻ bầy tôi nhỏ bé siểm nịnh, tàn tặc mà làm hại đến tình cốt nhục? Vô Kỵ nói: - Nếu ngày nay nhà vua không lo ngăn cản đi thì việc sẽ xảy ra, nhà vua sẽ bị bắt. Bình Vương nổi giận bỏ tù Ngũ Xa rồi sai Tư Mã Phấn Dương đến Thành Phụ giết thái tử. Đi chưa đến nơi, Phấn Dương sai người báo trước với thái tử, nói thái tử hãy trốn đi ngay, nếu không sẽ bị giết. Thái tử Kiến trốn sang nước Tống. Vô Kỵ nói với Bình Vương: - Ngũ Xa có hai người con, đều là những người tài giỏi, nếu không giết thì sẽ là mối lo cho nước Sở. Ta có thể lấy cha họ làm con tin mà gọi họ đến. Nếu không, họ sẽ là mối lo cho nước Sở. Nhà vua sai sứ giả nói với Ngũ Xa: - Nếu nhà ngươi có thể gọi hai người con đến thì sẽ được sống, nếu không gọi được thì nhà ngươi sẽ bị giết. Ngũ Xa nói: - Thượng là người nhân hậu, nếu gọi thế nào cũng đến. Còn Viên là người cứng rắn, ngang bướng (câu này đánh giá tính cách của Tử Tư), có thể nhẫn nhục làm được việc lớn. Nó thấy đến sẽ bị bắt, thì thế nào cũng không đến. Nhà vua không nghe, sai người gọi hai người con. Sứ giả nói: - Các ngươi đến thì ta sẽ tha cho cha các ngươi được sống ; các người không đến thì ta sẽ giết Xa. Ngũ Thượng muốn đi, Viên nói: - Vua Sở gọi hai anh em ta đến không phải là muốn cha chúng ta sống đâu. Ông ta sợ có người trốn thoát sau này sẽ gây mối lo cho nên lấy cha chúng ta làm con tin, lừa gọi hai anh em ta đến. Hai anh em ta đến thì cha con đều chết chứ chẳng có ích lợi gì hết. Cha chúng ta chết, chúng ta đến chỉ làm cho sau này không có ai mà trả thù mà thôi. Không bằng trốn sang nước khác, mượn sức mạnh của nó mà rửa cái nhục của cha. Nếu tất cả đều chết thật không làm được việc gì hết. Ngũ Thượng nói: - Ta biết đến thì cuối cùng cũng không thể bảo toàn được tính mạng của cha. Nhưng chỉ tiếc một điều cha gọi ta đến để mong được sống mà ta không đến, sau này không thể rửa được điều nhục, rốt cục bị thiên hạ cười mà thôi. Thượng bảo Viên: - Em trốn đi! Em có thể trả thù cho cha. Anh sẽ về chịu chết. Thượng để cho người ta bắt. Sứ giả bắt Ngũ Tử Tư, nhưng Ngũ Tử Tư trương thẳng cung lắp tên vào nhắm sứ giả doạ bắn, sứ giả không giám tiến. Ngũ Viên bèn bỏ trốn. Nghe nói thái tử Kiến ở Tống, Ngũ Viên đến đây theo thái tử. Xa nghe tin con mình là Tử Tư đã trốn thoát, nói: - Vua tôi nước Sở rồi sẽ khổ cực về việc binh đao đây! 3. Ngũ Thượng đến Sở, Sở giết cả Xa lẫn Thượng. Ngũ Tử Tư đến Tống. Tống gặp cái loạn họ Hoa (Năm 522 trước công nguyên bọn Hoa Hợi, Hướng Ninh, Hoa Định muốn cướp ngôi Sở, sau đó bỏ trốn), Tử Tư bèn cùng thái tử Kiến trốn sang nước Trịnh. Người Trịnh rất quý họ. Thái Tử Kiến lại sang Tấn. Tấn Khoảnh Công nói: - Thái tử đã quen nước Trịnh, nước Trịnh tin thái tử, nếu thái tử có thể làm nội ứng cho ta, còn ta đánh bên ngoài thì thế nào cũng diệt được Trịnh. Nếu diệt được Trịnh, ta sẽ phong đất cho thái tử. Thái tử bèn trở về Trịnh. Việc này chưa xảy ra thì gặp lúc thái tử muốn giết một người đi theo mình. Người này biết mưu ấy bèn báo với Trịnh. Trịnh Định Công cùng Tử Sản giết thái tử Kiến. Kiến có người con tên là Thắng. Ngũ Viên sợ, bèn cùng Thắng bỏ trốn sang Ngô. Đến cửa ải Chiêu Quan, người Chiêu Quan muốn bắt. Ngũ Viên bèn cùng Thắng đi bộ bỏ chạy, suýt nữa thì không thoát được. Người đuổi theo ở đằng sau. Khi qua sông Giang, trên sông có một người đánh cá đang chèo. Ông ta biết Ngũ Tử Tư nguy cấp bèn chở thuyền cho Tử Tư. Sau khi qua sông, Tử Tư cởi thanh kiếm nói: - Thanh kiếm này giá đáng trăm lạng vàng, tôi xin biếu cụ. Cụ già nói: - Theo phép nước Sở, ai bắt được Ngũ Tử Tư thì thưởng năm vạn thạch lúa, tước đến bậc cầm ngọc khuê, chứ có phải chỉ thưởng cái kiếm giá trăm lạng vàng đâu? Ông cụ không nhận. Ngũ Tử Tư chưa đến đất Ngô, bị bệnh, dừng lại giữa đường, ăn xin. Khi Tử Tư đến Ngô, vua Ngô là Liêu vừa mới dùng công tử Quang làm tướng. Ngũ Tử Tư bèn nhờ công tử Quang để xin yết kiến vua Ngô. Sau đó ít lâu, Sở Bình Vương vì việc cái ấp ở biên giới nước Sở là Chung Ly cùng ấp Ty Lương ở biên giới nước Ngô đều làm nghề nuôi tằm, con gái hai bên tranh nhau đất trồng dâu, đi đến đánh nhau, nên nổi giận, đến nỗi hai nước đem binh đánh nhau. Ngô sai công tử Quang đánh Sở, lấy đất Chung Ly và Cư Sào của Sở, rồi đem quân về. Ngũ Tử Tư nói với vua Ngô là Liêu: - Có thể đánh bại được nước Sở, xin nhà vua sai công tử Quang đi đánh lần nữa. Công tử Quang nói với vua Ngô: - Anh chàng Ngũ Tư Tư kia vì cớ cha và anh đều bị giết ở Sở nên khuyên nhà vua đánh Sở. Chẳng qua anh ta muốn báo cái thù riêng mà thôi. Nếu ta đánh Sở thì cũng chưa thể đánh bại được nó. Ngũ Tử Tư biết đối với việc trong, công tử Quang đang ôm ấp một chí riêng, công tử Quang muốn giết vua để tự lập làm vua nên không thể đem việc ngoài (là đánh nhau với nước ngoài đối lập với việc trong là việc cướp ngôi vua Ngô) ra thuyết ông ta được. Tử Tư bèn tiến cử Chuyên Chư với công tử Quang, còn mình rút lui cùng con của thái tử Kiến là Thắng đi cày ở đồng nội. Sau năm năm, Sở Bình Vương mất. Trước kia Bình Vương cướp người con gái nước Tần của thái tử Kiến, lấy nàng và sinh con là Chẩn. Đến khi Bình Vương chết, Chẩn được lập để nối ngôi tức là Chiêu Vương. Ngô Vương là Liêu nhân lúc nước Sở có tang, sai hai công tử đem binh đánh úp nước Sở. Nước Sở đem binh chặn mất đường về của quân Ngô, quân Ngô không thể về. Nước Ngô bây giờ trong nước trống rỗng. Công tử Quang bèn sai Chuyên Chư bất ngờ đâm chết Ngô Vương là Liêu và tự lập làm vua. Đó là vua Hạp Lư của nước Ngô. Sau khi được lập, thoả được chí nguyện của mình, Hạp Lư bèn gọi Ngũ Viên cho làm hành nhân (chức quan lo tiếp khách và nhận những vật người ta dâng cho nhà vua), để cùng mưu việc nước. Nước Sở giết quan đại thần của mình là Khước Uyển và Bá Châu Lê, cháu của Bá Châu Lê là Phỉ chạy trốn sang Ngô. Ngô cũng cho Phỉ làm đại phu. 4. Trước đấy, vua Ngô sai hai công tử cầm quân đánh Sở, bị chặn đường không về được. Sau đó hai người lại nghe tin Hạp Lư giết vua là Liêu mà tự lập nàh vua, bèn đem quân đầu hàng Sở. Sở phong cho họ ở Thư. Hạp Lư lên ngôi được ba năm, bèn đem quân cùng Ngũ Tử Tư và Bá Phỉ đánh Sở, lấy đất Thư bắt hai vị tướng quân của Ngô đã làm phản. Nhân đấy Hạp Lư muốn đánh đến Sinh. Tướng quân Tôn Vũ can: - Dân mệt nhọc, chưa có thể đánh, hãy chờ. Hạp Lư bèn quay về. Năm thứ tư, Ngô đánh Sở lấy hai huyện Lục và Tiềm. Năm thứ năm,Ngô đánh Việt thua (xem Việt Vương Câu Tiễn thế gia). Năm thứ sáu, Sở Chiêu Vương sai công tử Nang Ngoã cầm quân đánh Ngô. Ngô sai Ngũ Viên đón đánh, phá tan quân Sở ở Dự Chương, lấy đất Cư Sào của Sở. Năm thứ chín, vua Ngô là Hạp Lư bảo Tử Tư và Tôn Vũ: - Trước đây các ông nói chưa có thể vào được thành Sinh, bây giòo thì thế nào? Hai người đều nói: - Tưởng Sở Nang Ngoã tham lam. Dân đất Đường, đất Thái đều oán giận hắn. Nếu nhà vua muốn đánh Sở một trận lớn thì trước tiên phải làm cho dân Đường và Thái theo mới được. Hạp Lư nghe lời, đem tất cả quân sĩ cùng dân Đường và Thái đánh Sở. Quân Ngô và quân Sở dàn trận sát sông Hán Thuỷ. Em của vua Ngô là Phù Khái cầm quân xin theo, nhà vua không nghe, Khái bèn đem bộ hạ của mình năm nghìn người đánh tướng Sở Tử Thường (tức Nang Ngoã). Tử Thường thua, chạy sang đất Trịnh. Quân Ngô bèn thừa thắng tiến lên, đánh năm trận rốt cuộc tiến đến thành Sinh. Ngày kỷ mão, Sở Chiêu Vương bỏ chạy. Ngày canh thìn Ngô Vương vào thành Sinh. Chiêu Vương bỏ trốn vào đầm Vân Mộng, bọn ăn trộm đánh nhà vua, nhà vua chạy vào nước Vân. Em của Vân Công là Hoài nói: - Bình Vương giết cha ta, ta giết con hắn cũng được chứ sao? Vân Công sợ em mình giết nhà vua nên cùng nhà vua trốn sang đất Tuỳ. Quân Ngô vây thành Tuỳ, bảo người Tuỳ: - Con cháu của họ Chu ở Hán Xuyên đều sẽ bị quân Sở giết hết. Người Tuỳ muốn giết nhà vua, nhưng người con của nhà vua là Cơ giấu vua đi và tự xưng làm vua để thay thế. Dân thành Tuỳ bói xem có nên nộp nhà vua cho quân Ngô không. Quẻ bói không tốt, họ bèn từ chối không trao nhà vua cho quân Ngô. Trước đây, Ngũ Viên chơi với Thân Bao Tư. Khi trốn đi, Viên có bảo Bao Tư: - Tôi thế nào cũng lật đổ nước Sở. Bao Tư nói: - Tôi thế nào cũng bảo tồn được nước Sở. Đến khi quân Ngô vào thành Sinh, Ngũ Tử Tư tìm Chiêu Vương không được, bèn sai đào mả Sở Bình Vương lên, đem thây ra quất ba trăm roi. Thân Bao Tư lúc này đã bỏ trốn vào trong núi, sai người bảo Tử Tư: - Nhà ngươi báo thù sao mà quá thế? Ta nghe nói người mà đông thì thắng trời, trời định cũng có thể phá người. Nhà ngươi là tôi của Bình Vương, đã từng quay mặt về hướng Bắc mà thờ nhà vua, nay làm gì đến nỗi trừng phạt cả thây người chết như vậy? Như thế chẳng phải là vô đạo hết sức sao? Ngũ Tử Tư nói: - Ông xin lỗi Thân Bao Tư hộ tôi, bảo: “Tôi trời chiều, đường xa, cho nên gặp việc trái với đạo lý cũng cứ làm (ý nói có dịp được báo thù là làm, kể gì đến đạo lý. Câu này sau thành một thành ngữ.) Thân Bao Tư bèn chạy sang Tần cầu cứu trong cảnh nguy cấp. Vua Tần không nghe. Bao Tư đứng trước sân vua Tần khóc bảy ngày đêm không dứt tiếng. Tần Ai Công thương nói: - Nước sở tuy vô đạo nhưng có bầy tôi như thế lẽ nào không bảo tồn nó! Bèn sai năm trăm cỗ xe đi cứu Sở, đánh Ngô. Tháng sáu, đánh quân Ngô thua ở Tắc. Gặp lúc vua Ngô ở lâu tại đất Sở để tìm Chiêu Vương, Phù Khái, em của Hạp Lư bèn trốn về tự lập làm vua. Hạp Lư nghe tin ấy liền bỏ Sở trở về đánh Phù Khái ở Đương Khê, làm thành họ Đương Khê. Sở lại giao chiến với Ngô, đánh bại Ngô. Vua Ngô bèn rút về. Hai năm sau, Hạp Lư sai thái tử Phù Sai cầm quân đánh Sở lấy đất Bàn. Sở sợ Ngô lại đem quân đến, bèn dời đô từ Sinh đến Nhược. Lúc bấy giờ nước Ngô nhờ mưu của Ngũ Tử Tư và Tôn Vũ, phía tây đánh bại nước Sở mạnh, phía bắc uy hiếp các nước Tề, Tấn, phía nam chinh phục người Việt. Sau đó bốn năm, Khổng Tử làm tướng quốc nước Lỗ. Năm năm, Ngô đánh Việt. Vua Việt là Câu Tiễn đón, đánh bại quân Ngô ở Cô Tô, làm Hạp Lư bị thương ở ngón tay. Quân Ngô phải rút lui, Hạp Lư bị bệnh vì vết thương, sắp chết bảo thái tử Phù Sai: - Con có quên Câu Tiễn giết cha con không? Phù Sai đáp: - Con không dám quên. Đêm ấy, Hạp Lư chết. Khi được lập làm vua (năm 494 trước công nguyên) Phù Sai cho Bá Phỉ làm thái tể, tập dượt việc chiến trận và bắn tên trong hai năm. Sau đó quân Ngô đánh bại quân Việt ở Phù Tiêu. Vua Việt Câu Tiễn bèn đem số quân còn lại năm nghìn người lên núi Cối Kê, sai quan đại phu là Chủng đem lễ vật hậu đến đưa cho quan thái tể của Ngô là Phỉ để xin giảng hoà, nộp nước xưng là thần, Ngô Vương toan bằng lòng. Ngũ Tử Tư nói: - Vua Việt là con người có thể chịu đựng cảnh khổ cực đắng cay, nếu ngày nay nhà vua không diệt đi thì sau này nhất định sẽ hối hận. Vua Ngô không nghe, dùng kế của thái tể là Phỉ, cùng giảng hoà với Việt. Sáu đó năm năm, vua Ngô nghe tin Tề Cảnh Công chết, các quan đại thần tranh nhau để được nhà vua yêu, vị vua mới nhu nhược, bèn cất quân đi về hướng bắc đánh Tề, Ngũ Tử Tư can: - Câu Tiễn ăn không hai món, viếng người chết thăm hỏi người ốm, ý muốn có lúc dùng đến dân. Con người ấy không chết thì còn là cái mối lo cho nước Ngô. Nay Ngô có Việt cũng như con người có cái bệnh trong gan trong ruột, thế mà nhà vua lại không lo đánh Việt trước, mà lo đánh Tề, chẳng phải là sai lầm sao? Vua Ngô không nghe, đánh Tề, quân Tề bị thua to ở Ngãi Lăng, quân Ngô thị uy với các vua nước Trâu và nước Lỗ rồi trở về, lại càng bỏ lơ mưu kế của Tử Tư. Sau đó bốn năm, vua Ngô đem quân về hướng bắc đánh Tề. Vua Việt Câu Tiễn dùng mưu của Tử Cống đem quân giúp Ngô, lại đem của quý đưa cho thái tể là Phỉ. Quan thái tể là Phỉ đã mấy lần nhận lễ vật của Việt, lại càng yêu quý, và tin nước Việt. Ngày đêm Phỉ bày đặt lời nói với vua Ngô. Vua Ngô tin dùng kế của Phỉ, Ngũ Tử Tư can: - Nước Việt là cái bệnh trong gan trong ruột của ta. Nay nhà vua nghe những lời phù phiếm, dối trá của nó mà tham đất Tề, đem quân đánh Tề. Tề cũng ví như ruộng đá không dùng được vào việc gì. Vả lại trong bài cáo của Bàn Canh (Vua đời Thương, cai trị từ 1401 đến 1374 trước công nguyên. Câu này lấy trong canh thư) có nói: “Có bọn cuồng loạn láo xược phải giết hết đi khiến cho chúng không còn có con cháu gì nữa, không cho chúng được làm hại cái giống tốt ở ấp này.” Đó là điều đã làm cho nhà Thương hưng thịnh. Xin nhà vua bỏ nước Tề mà đánh nước Việt trước. Nếu không làm thế thì sau này có hối cũng không kịp nữa. Nhưng vua Ngô không nghe sai Tử Tư đi sứ sang Tề. Lúc ra đi, Tử Tư dặn con: - Ta đã mấy lần can nhà vua nhưng nhà vua không nghe. Lần này ta sẽ thấy nước Ngô mất đấy! Mày cùng chết với nước Ngô thì vô ích. Bèn gửi người con cho Bão Mục ở Tề, mà trở về báo với vua Ngô. Quan thái tể nước Ngô là Phỉ vốn đã có hiềm khích sẵn với Tử Tư, nhân đấy nói dèm: - Tử Tư là người cứng rắn, tàn bạo, ít ân đức, hay nghi ngờ. Ông ta oán trách, tội sợ sẽ xảy ra tai hoạ lớn. Trước đây, nhà vua muốn đánh nước Tề, Tử Tư cho là không thể được. Nhà vua cuối cùng đánh Tề và có công lớn, Tử Tư xấu hổ về chỗ mưu kế của mình không được dùng, nên quay ra oán trách. Ngày nay, nhà vua lại đánh nước Tề. Tử Tư chỉ chuyên ra sức can ngăn, mắng nhiếc những người làm quan, chỉ trông nước Ngô thua để cho cái mưu của mình được thắng mà thôi. Nay nhà vua đem tất cả vũ lực trong nước để đánh Tề, Tử Tư can, nhà vua không nghe bèn cáo bệnh không đi theo. Nhà vua không thể không phòng bị, cái việc gây hoạ không khó đâu. Vả lại, Phỉ sai người rình mò xem, thì khi ông ta đi sứ sang Tề, ông ta giao con cho họ Bão ở Tề. Phàm con người làm bầy tôi người ta mà bên trong không được vừa lòng, bên ngoài dựa vào chư hầu, tự cho mình là mưu thần của tiên vương, nay không được dùng, thường uất ức oán trách, vậy xin nhà vua phải lo liệu sớm đi. Vua Ngô nói: - Nếu không có lời nói của nhà ngươi thì ta cũng đã nghi hắn. Bèn sai sứ giả trao cho Ngũ Tử Tư thanh kiếm Chúc Lâu nói: - Nhà ngươi hãy chết bằng cái này! Ngũ Tử Tư ngẩng lên trời than: - Than ôi! Tên sàm thần Phỉ làm loạn rồi! Nhà vua quay lại giết ta. Ta làm cho cha nhà ngươi thành “bá”. Từ khi ngươi chưa được lập làm vua, các công tử tranh giành nhau, nếu ta không liều chết can ngăn tiên vương thì ngươi cơ hồ không được lập. Khi được lập làm vua, ngươi muốn chia nước Ngô cho ta, nhưng ta không dám mong như vậy. Thế mà nay ngươi nghe lời bọn tôi siểm nịnh, giết bậc trưởng giả. Bèn nói với người xá nhân: - Thế nào cũng phải trồng trên mộ ta một cây tử đề có thể làm quan tài. Hãy móc mắt ta treo trên cửa phía đông của nước Ngô để cho nó thấy giặc Việt vào tiêu diệt nước Ngô. Bèn tự đâm cổ chết. Vua Ngô nghe tin nổi giận bèn đem thây Tử Tư, nhét vào túi da ngựa, thả trôi trên sông Giang. Người nước Ngô thương Tử Tư lập đền thờ trên sông Giang, nhân gọi nó là Tư Sơn. Sau khi đã giết Ngũ Tử Tư, vua Ngô bèn đánh Tề. Họ Bão ở nước Tề giết vua của mình là Điền Công mà lập Dương Sinh. Vua Ngô muốn trừng trị những người giết vua Tề, nhưng đánh không thắng, phải quay về. Sau đấy hai năm, vua Ngô mời các vua nước Lỗ và nước Vệ họp ở Thác Cao. Năm sau, nhân lúc nhà vua đi về phía bắc họp cácchư hầu ở Hoằng Trì để tôn nhà Chu, vua Việt Câu Tiễn đánh úp, giết thái tử nước Ngô, phá quân Ngô. Vua Ngô nghe tin quay về sai sứ giả đem lễ vật rất hậu đưa cho vua Việt để giảng hoà. Chín năm sau (473 trước công nguyên) vua Việt là Câu Tiễn tiêu diệt nước Ngô, giết vua Phù Sai, chém thái tể là Phỉ về tội không trung với vua, bên ngoài nhận của đút, ngầm giao kết với mình (với Câu Tiễn). Lúc đầu, Ngũ Tử Tư cùng trốn với Thắng, cho nên Thắng, con của thái tử nước Sở là Kiến ở Ngô. Thời vua Ngô Phù Sai, Sở Huệ Vương muốn mời Thắng về nước Sở. Diệp Công can: - Thắng là người dũng mãnh lại ngầm tìm những người liều chết vì mình, phải chăng có ý riêng gì? Huệ Vương không nghe, bèn mời Thắng về, cho ở Yển là ấp ở biên giới nước Sở, hiệu là Bạch Công. Bạch Công về Sở oán giận vua Trịnh đã giết cha mình, bèn ngầm nuôi những người dũng sĩ liều chết để báo thù nước Trịnh. Về Sở được năm năm, Bạch Công xin quan lệnh doãn nước sở là Tử Tây đánh Trịnh. Tử Tây hứa sẽ đánh. Quân chưa đi thì quân Tấn đánh Trịnh. Trịnh xin Sở cứu. Nước Sở sai Tử Tây đến cứu, ăn thề với Trịnh rồi trở về, Bạch Công là Thắng giận nói: - Người thù của ta không phải là nước Trịnh mà là Tử Tây. Thắng tự mài kiếm.Có người hỏi: - Để làm gì thế? Thắng nói: - Muốn giết Tử Tây. Tử Tây nghe vậy cười, nói: - Thắng chỉ như quả trứng thôi, làm được gì? Bốn năm sau, Bạch Công là Thắng và Thạch Ngật đánh úp, giết quan lệnh doãn nước Sở là Tử Tây và quan tư mã nước Sở là Tử Cơ ở đại triều. Thạch Ngật nói: - Không giết vua không được. Bèn bắt nhà vua đi điện Cao Phủ. Người đi theo Thạch Ngật là Khuất Cố cõng Sở Huệ Vương trốn chạy vào cung Chiêu phu nhân (Mẹ Huệ Vương). Diệp Công nghe tin Bạch Công làm loạn, đem tất cả những người trong nước ra đánh Bạch Công. Bọn Bạch Công thua chạy trốn vào núi, Bạch Công tự sát. Diệp Công bắt được Thạch Ngật hỏi: - Thây của Bạch Công ở đâu? Không nói thì ta sẽ nấu. Thạch Ngật nói: - Việc thành thì làm khanh tướng, không thành bị nấu nướng, cái đó vốn là phận sự của tôi. Cuối cùng vẫn không chịu nói xác Bạch Công ở đâu. Diệp Công bèn sai nấu Thạch Ngật, và tìm Huệ Vương về, lại lập làm vua. Thái Sử Công nói: - Oán thù đối với người ta thực là thâm độc làm sao. Bậc vua chúa còn không thể làm điều đó đối với bầy tôi, huống gì những người cùng hàng với nhau? Giả sử trước đấy Ngũ Tử Tư cùng chết với Ngũ Xa thì có khác gì con sâu con kiến! Vì bỏ cái nghĩa nhỏ nên rửa được cái nhục lớn, để danh tiếng lại đời sau. Than ôi! khi Tử Tư bị khốn quẫn trên sông, ăn xin trên đường cái, cái chi ông ta há phải trong giây phút nào quên thành Sinh đâu! Nhịn nhục lập nên công danh, nếu không phải kẻ liệt sĩ thì ai có thể làm được như vậy? (tác giả tự ngụ). Nếu Bạch Công không tự lập làm vua, thì cái công và cái mưu của của ông ta cũng không thể nói hết.