TÔN TỬ , NGÔ KHỞI LIỆT TRUYỆN

1. Tôn Tử tên là Vũ, người nước Tề, đem sách binh pháp yết kiến vua Ngô là Hạp Lư. Hạp Lư nói:
- Ta đã đọc cả mười ba thiên của ông rồi, nay ông thử áp dụng binh pháp điều khiển quân đội một cách tiểu qui mô có được không?
Tôn Tử đáp:
- Được ạ.
Hạp Lư nói:
- Đem đàn bà ra thí nghiệm có được không?
Tôn Tử đáp:
- Được ạ.
Vua bèn bằng lòng cho gái đẹp trong cung ra, tất cả một trăm tám mươi người. Tôn Tử chia ra làm hai đội lấy hai người quí phi vua nuông chiều làm đội trưởng, sai tất cả đều cầm giáo.
Tôn Tử ra lệnh nói:
- Các ngươi có biết quả tim, tay phải, tay trái và lưng không?
Bọn con gái nói:
- Có.
Tôn Tử nói:
- Khi ta nói “đằng trước” thì các ngươi nhìn vào quả tim, nói “bên trái” thì nhìn tay trái, nói “bên phải” thì nhìn tay phải, “đằng sau” thì nhìn đằng sau lưng.
Bọn đàn bà đều nói:
- Dạ.
Sau khi đã đưa ra kỷ luật, Tôn Tử bèn đặt phủ việt (những đồ nghi trượng ở trong quân đội), ban lệnh ba lần, nhắc nhở năm lượt. Sau đó đánh trống ra lệnh nhìn về bên phải. Bọn con gái cười rộ. Tôn Tử nói: - Kỷ luật không rõ ràng, nhắc nhở hiệu lệnh không kỹ càng, đó là tội của tướng.
Lại ra lệnh và nhắc lại ba lần năm lượt ; rồi đánh trống ra lệnh nhìn về bên trái. Bọn con gái lại cười rộ. Tôn Tử nói:
- Kỷ luật không rõ ràng, nhắc nhở hiệu lệnh không kỹ lưỡng là tội của tướng ; nay đã hiểu rõ kỷ luật rồi mà lại không theo kỷ luật là tội của đội trưởng.
Tôn Tử muốn chém hai người đội trưởng. Ngô Vương đứng trên đài xem, thấy ông ta sắp chém hai người ái cơ, hoảng sợ, vội vàng sai sứ giả truyền lệnh nói:
- Quả nhân đã biết cách dùng binh của tướng quân rồi! Không có hai ái cơ ấy thì quả nhân ăn không ngon, xin đừng chém!
Tôn Tử nói:
- Thần đã vâng mệnh lệnh bệ hạ làm tướng, tướng đã ở trong quân thì có khi không theo lệnh vua.
Bèn sai chém hai người đội trưỏong để thị uy, đem người kế tiếp theo làm đội trưởng. Sau đó lại đánh trống chỉ huy. Bọn con gái nhìn bên trái, bên phải, trước, sau, quì, đứng dậy đều nghiêm chỉnh đúng đắn, không ai dám ho he. Tôn Tử sai sứ giả báo với nhà vua:
- Binh đã chỉnh tề, bệ hạ có thể xuống xem. Bệ hạ có thể dùng nó thế nào cũng được, dù có sai nó nhảy vào lửa, nước cũng được.
Ngô Vương nói:
- Tướng quân ra quán trọ mà nghỉ, quả nhân không muốn xuống xem.
Tôn Tử nói:
- Đại Vương thích nói suông, mà không thể dùng trong việc thực.
Do đó, Hạp Lư biết Tôn Tử có tài dùng binh và cho Tôn Tử làm tướng. Phía tây quân Ngô phá nước Sở mạnh, đi vào đất Sinh ; phía bắc uy hiếp nước Tề, nước Tấn nổi tiếng ở chư hầu, Tôn Tử có công ở đấy.
2. Sau khi Tôn Vũ mất được hơn một trăm năm, có Tôn Tẫn.
Tẫn sinh ở giữa đất A và đất Quyến. Tẫn là con cháu của Tôn Tử. Tôn Tẫn xưa cùng Bàng Quyên học binh pháp. Sau đó, Bàng Quyên làm quan nước Nguỵ, được làm tướng quân của Huệ Vương, nhưng vẫn tự cho rằng mình không tài giỏi bằng Tôn Tẫn, cho nên ngầm sai người mời Tôn Tẫn đến. Khi Tẫn đến, Bàng Quyên sợ và ghét Tẫn hơn mình, bèn mượn pháp luật mà trị tội chặt hai chân và chàm vào mặt để cho ông ta giấu mình không xuất đầu lộ diện. Sứ giả nước Tề đến đất Lương, Tôn Tẫn mang thân đã bị hình phạt lén gặp, thuyết phục sứ giả. Sứ giả nước Tề cho là kỳ lạ mang trộm lên xe cùng về nước Tề. Tướng nước Tề là Điền Kỵ phục tài, đối đãi như là khách.
Kỵ nhiều lần đua ngựa đánh cuộc nhiều tiền với các công tử nước Tề. Tôn Tẫn thấy chân ngựa không hơn nhau lắm, ngựa có ba thứ giỏi, vừa và kém. Do đó, Tôn Tẫn nói với Điền Kỵ:
- Ngài cứ đặt cọc thật nhiều tiền đi, tôi có thể làm cho ngài thắng.
Điền Kỵ tin theo, đặt cọc với các công tử nghìn vàng. Đến khi ra trường đua, Tôn Tử nói:
- Nay ngài lấy con ngựa kém của ngài thi với ngựa giỏi của họ, lấy con ngựa giỏi của ngài thi với con ngựa vừa của họ, lấy con ngựa vừa của ngài thi với con ngựa kém của họ.
Sau khi đã đua ngựa ba lần, Điền Kỵ thua một, mà thắng hai, cuối cùng được nghìn vàng. Vì vậy, Kỵ tiến Tôn Tử với Uy Vương. Uy Vương hỏi về binh pháp, rồi tôn làm bậc thầy.
Sau đó, Nguỵ đánh Triệu, Triệu bị nguy cấp, cầu cứu với Tề. Tề Uy Vương muốn phong Tôn Tẫn làm tướng. Tẫn từ tạ nói:
- Người đã bị hình phạt không thể làm tướng.
Vua bèn cho Điền Kỵ làm tướng. Tôn Tẫn làm quân sư chở ở trong xe kín, ngồi bàn mưu kế. Điền Kỵ muốn đem quân đến Triệu, Tôn Tử nói:
- Muốn gỡ mối rối ren thì phải làm từ từ không được căng thẳng, muốn cứu những người đang đánh nhau thì không nên xông vào đánh giùm, tránh chỗ thực, đánh vào chỗ hư ; hình thế chống nhau, thì tức khắc gỡ được thôi. Nay quân Lương (Nguỵ cũng có tên gọi là Lương), và quân Triệu đánh nhau, ở ngoài binh khí nhẹ và quân lính tinh nhuệ kiệt sức, ở trong người già người yếu mỏi mệt. Chi bằng ngài cứ đem quân đi nhanh về Đại Lương, cắt đứt đường giao thông, đánh vào nơi trống của Nguỵ, thì Nguỵ nhất định phải bỏ Triệu để tự cứu lấy mình. Như thế là đánh một nơi mà giải vây cho nước Triệu, lại đồng thời làm cho quân Nguỵ kiệt quệ.
Điền Kỵ nghe theo. Quả nhiên quân Nguỵ rời bỏ Hàm Đan (Kinh đô của Triệu), đánh nhau với quân Tề ở Quế Lăng. Điền Kỵ phá tan quân Lương.
Mười ba năm sau (353), Nguỵ và Triệu đánh Hàn, Hàn cáo cấp với Tề. Tề sai Điền Kỵ làm tướng quân đi thẳng đến Đại Lương. Tướng Nguỵ là Bàng Nguyên nghe vậy rời bỏ Hàn quay về, bây giờ quân Tề đã đi khỏi biên giới về phía tây. Tôn Tử nói với Điền Kỵ:
- Quân của Tam Tấn (Tam Tấn là tên chung để chỉ Hàn, Triệu, Nguỵ, ở đây cốt chỉ Nguỵ ), vốn hung tợn và khinh quân Tề, quân Tề mang tiếng khiếp nhược. Người thiện chiến thì nhân cái thế của mình mà lợi dụng ( ý nói giả bộ khiếp nhược để nhử cho quân Nguỵ đuổi theo). Theo binh pháp, nếu chạy đi tìm lợi một ngày trăm dặm thì viên thượng tướng sẽ què; nếu chạy theo lợi một ngày năm mươi dặm thì quân sĩ chỉ đến một nửa. Ngài hãy sai quân Tề vào đất Nguỵ làm mười vạn cái bếp, ngày hôm sau làm năm vạn cái, lại ngày hôm sau nữa làm ba vạn cái.
Bàng Quyên đi được ba ngày cả mừng, nói:
- Ta vốn biết quân Tề nhát gan, mới vào đất ta ba ngày mà quân sĩ bỏ trốn đã quá nửa.
Bàng Quyên bèn rời bỏ bộ binh mang khinh binh, cùng lính tinh nhuệ một ngày đi gấp đôi đường để đuổi theo.
Tôn Tử trù tính họ đi đến đêm thì tới Mã Lăng. Đường Mã Lăng hẹp, hai bên hiểm trở, có thể phục binh bèn sai chặt cây to bôi trắng và viết: “Bàng Quyên chết dưới cây này!”. Lại sai một vạn quân Tề giỏi bắn tên nấp ở bên đường,hẹn, “Ban đêm thấy lửa đốt lên thì đều bắn tên ra.”
Bàng Quyên quả nhiên đêm ấy đến dưới gốc cây bị đẽo, thấy có chữ viết trên gỗ bôi trắng bèn sai xoi gỗ lấy lửa thắp đuốc. Đọc hàng chữ chưa xong, thì một vạn nỏ của quân Tề đều bắn ra, quân Nguỵ trốn chạy tán loạn. Bàng Quyên tự biết mình trí cùng, binh bại, bèn tự đâm cổ chết, nói:
- Thế là ta làm cái thằng ấy nổi danh!
Quân Tề thừa thắng phá tan tất cả quân Nguỵ, bắt Nguỵ thái tử là Thân đem về. Do đó, Tôn Tẫn nổi danh ở thiên hạ, đời truyền binh pháp của ông ta.
3. Ngô Khởi là người nước Vệ, thích dùng binh. Khởi thường học với Tăng Tử, thờ vua Lỗ. Người Tề đánh nước Lỗ, nước Lỗ muốn dùng Ngô Khởi làm tướng nhưng vì Ngô Khởi lấy con gái Tề làm vợ nên người Lỗ ngờ vực. Ngô Khởi muốn lập danh, bèn giết vợ để tỏ rằng mình không liên hệ gì với Tề. Về sau nước Lỗ cho Ngô Khởi làm tướng, cầm quân đánh tan quân Tề. Có người nước Lỗ ghét Ngô Khởi nói:
- Khởi là người tính nghi kỵ và tàn nhẫn. Lúc còn nhỏ, nhà cửa ông ta có hàng ngàn lạng vàng, đi du thuyết tìm công danh không được, Khởi bèn phá hết của nhà. Người làng xóm chê cười. Ngô Khởi giết hơn ba mươi người chê cười mình, rồi đi ra ngoài thành về phía đông, từ biệt mẹ, cắn vào cánh tay àm thề, “Khởi này không làm khanh, tướng thì nhất định không quay lại nước Vệ nữa.” Khởi bèn đi học với Tăng Tử. Được ít lâu, mẹ Khởi chết, Khởi cũng không về. Tăng Tử khinh bỉ và tuyệt giao với Khởi. Khởi bèn đến nước Lỗ, học binh pháp để thờ vua Lỗ, vua Lỗ nghi ngờ. Khởi giết vợ để làm tướng. Lỗ là nước nhỏ, lại mang danh chiến thắng, thì chư hầu sẽ mưu đánh Lỗ mất. Vả lại, nước Lỗ và nước Vệ là hai nước anh em, nay vua dùng Khởi thì tức là bỏ nước Vệ.
Vua Lỗ nghi ngờ, từ tạ Ngô Khởi không tin dùng.
Ngô Khởi nghe tin Nguỵ Văn Hầu hiền, muốn theo.
Văn Hầu hỏi Lý Khắc:
- Ngô Khởi là người như thế nào?
Lý Khắc đáp:
- Khởi tham lam và hiếu sắc, nhưng về mặt dùng binh thì Tư Mã Nhượng Thư (Xem Tư Mã Nhượng Thư liệt truyện) cũng không thể hơn được.
Vì vậy Nguỵ Văn Hầu cho Khởi làm tướng, đánh Tần, lấy năm thành.
Khi Khởi làm tướng thì cùng ăn mặc như người lính bậc thấp nhất, lúc ngủ không trải chiếu, đi không ngồi xe, thân hành mang lương thực, cùng chia khó nhọc với quân sĩ. Có người lính mắc bệnh ung thư, Khởi hút mủ cho anh ta. Mẹ người lính nghe vậy khóc. Có người hỏi:
- Con bà là lính, thế mà tướng quân thân hành hút mủ cho, bà còn khóc gì nữa?
Bà mẹ nói:
- Không phải thế. Năm xưa Ngô Công hút mủ cho cha nó; cha nó chiến đấu không được bao lâu rồi bị địch giết. Nay Ngô Công lại hút mủ cho con tôi ; không biết lúc nào hay nơi nào nó sẽ chết. Vì vậy cho nên khóc.
Văn Hầu cho Ngô Khởi giỏi dùng binh, thanh liêm, công bình, được lòng quân sĩ, nên cho Khởi làm quan thú Tây Hà, để chống lại quân các nước Tần và Hàn.
Sau khi Nguỵ Văn Hầu mất, Khởi thờ con Văn Hầu là Vũ Hầu. Vũ Hầu thả thuyền xuôi dòng sông Tây Hà, ở giữa dòng sông, quay nhìn nói với Ngô Khởi:
- Đẹp thay! Núi sông hiểm trở! Quả là của quí của nước Nguỵ!
Khởi thưa:
- Giữ nước cốt ở đức chứ không ở chỗ đất đai hiểm yếu. Ngày xưa, Tam Miêu bên trái là hồ Động Đình, bên phải là hồ Bành Lãi, nhưng vì không trau dồi đức nghĩa, nên bị vua Vũ diệt. Đô thành vua Kiệt nhà Hạ, bên trái là Hoàng Hà, bên phải là Thái Sơn, Hoạ Sơn, núi Y Khuyết ở phía nam, núi Dương Trường ở phía bắc, nhưng chính vì sự bất nhân nên bị vua Thang diệt. Nước của vua Trụ nhà Ân, bên trái là núi Mạnh Môn, bên phải là núi Thái Hàng, núi Thường Sơn ở phía bắc, sông Đại Hà chạy dọc phía nam, nhưng vì chính sự không có đức cho nên bị Vũ Vương diệt. Do đó mà xem, thì giữ nước ở đức chứ không ở chỗ hiểm. Nếu nhà vua không lo tu đức, thì người trong thuyền đều là nước địch vậy.
Vũ Hầu nói:
- Phải!
Liền phong Ngô Khởi làm Tây Hà Thú, rất nổi tiếng.
Nguỵ đặt tể tướng, cho Điền Văn làm tể tướng. Ngô Khởi không bằng lòng, bảo Điền Văn:
- Tôi muốn so sánh công lao với ông có được không?
Điền Văn nói:
- Được.
Ngô Khởi nói:
- Làm tướng ba quân khiến sĩ tốt vui lòng chết, nước địch không dám dòm ngó, ông có bằng Khởi không?
Điền Văn đáp:
- Tôi không bằng ông.
Ngô Khởi nói:
- Coi trăm quan, thân với vạn dân, làm cho kho tàng đầy đủ, ông có bằng Khởi không?
Điền Văn nói:
- Tôi không bằng ông.
Ngô Khởi nói:
- Giữ Tây Hà mà quân Tần không dám xâm phạm ở phía đông, Hàn, Nguỵ theo, ông có bằng Khởi không?
Điền Văn nói:
- Tôi không bằng ông.
Ngô Khởi nói:
- Cả ba việc này, ông đều thua tôi mà địa vị ông lại ở trên tôi là tại làm sao?
Điền Văn nói:
- Khi vua còn nhỏ, nước rối ren, các quan đại thần chưa thân, trăm họ không tin, trong lúc ấy thì giao nước cho ông hay cho tôi?(ý Điền Văn nói mình tài năng không bằng Ngô Khởi nhưng có đạo đức được mọi người tin cậy.)
Khởi im lặng một hồi lâu rồi nói:
- Giao cho ông.
Điền Văn nói:
- Vì thế cho nên địa vị tôi ở trên ông đấy!
Ngô Khởi mới tự biết mình không bằng Điền Văn.
Sau khi Điền Văn chết, Công Thúc làm tể tướng, lấy Nguỵ công chúa, muốn hại Ngô Khởi. Người đầy tớ của công chúa nói:
- Làm cho Ngô Khởi đi thì dễ thôi!
Công Thúc hỏi:
- Làm thế nào?
Người kia nói:
- Ngô Khởi là người khí tiết, liêm khiết lại thích danh. Ngài hãy nói với Vũ Hầu trước, “Ngô Khởi là người hiền mà nước Nguỵ nhỏ, lại ở sát biên giới nước Tần mạnh, thần trộm lo rằng Khởi không có bụng muốn ở lại.” Như thế, thế nào Vũ Hầu cũng hỏi, “Làm sao bây giờ?”. Ngài nhân thế nói với Vũ Hầu, “Hãy gã công chúa cho Khởi để xem thử, nếu bụng Khởi muốn ở lại thì Khởi sẽ nhận, nếu không thì ông ta nhất định sẽ từ chối. Do đó, mà đoán được.” Ngài nhân mời Ngô Khởi cùng về nhà, khiến công chúa giận mắng ngài, Ngô Khởi đã thấy công chúa khinh ngài thì thế nào cũng từ chối.
Qủa nhiên, Ngô Khởi thấy công chúa khinh Nguỵ tể tướng nên từ chối Nguỵ Vũ Hầu. Nguỵ Vũ Hầu nghi và không tin Khởi. Ngô Khởi sợ bị tội nên bỏ đi, liền sang Sở.
Vua Sở là Điệu Vương vốn nghe tiếng Ngô Khởi hiền, nên Khởi đến Sở liền được làm tể tướng. Khởi nêu rõ pháp luật, lệnh ra thì thi hành bỏ những chức quan không cần thiết, bỏ không chu cấp cho những người họ nhà vua đã xa đời, để hậu đãi nuôi dưỡng những người chiến đấu, cốt làm cho quân mạnh, phá tan những bọn chỉ đi nói suông về việc “họp tung” hay “liên hoành”. Kết quả: phía nam bình định Bách Việt, phía bắc lấy đất Trần, đất Thái, cự tuyệt Tam Tấn, phía tây đánh Tần.
Chư hầu lo Sở mạnh, những người quí tộc nước Sở ngày trước đều muốn hại Ngô Khởi. Đến khi Điệu Vương mất, các đại thần, tôn thất làm loạn đánh Ngô Khởi. Ngô Khởi chạy đến nấp bên thây vua. Những người nổi loạn bắn và đâm chết Ngô Khởi, nhưng cũng bắn phải thi thể Điệu Vương. Sau khi Điệu Vương được chôn cất, thái tử được lập bèn sai lệnh doãn giết tất cả những người bắn Ngô Khởi. Hơn bảy mươi người vì mắc vào tội bắn Khởi mà bị giết cả họ.
4. Thái Sử Công nói: Thế tục khi khen tài năng quân sự đều nói đến mười ba thiên của Tôn Tử. Sách binh pháp của Ngô Khỏi thế gian nhiều người có, nên không bàn, chỉ bàn những sự việc các ông ấy làm. Tục ngữ nói, “Người làm được chưa chắc đã nói được; người nói được chưa chắc làm được.” Tôn Tử trù tính đối phó với Bàng Quyên thật rõ ràng. Thế nhưng vẫn không thể sớm tự lo cứu mình khỏi bị hình phạt. Ngô Khởi bàn với Vũ Hầu rằng hình thế không quan trọng bằng đức; nhưng khi thi hành ở Sở, thì lại vì khắc bạc, ít ân đức, mà bỏ thân mình. Thương thay!

Truyện Sử Ký Tư Mã Thiên Lời giới thiệu THÁI SỬ CÔNG TỰ ĐỀ TỰA THƯ TRẢ LỜI NHÂM AN TẦN THỦY HOÀNG BẢN KỶ TẦN THỦY HOÀNG BẢN KỶ (tiếp theo) HẠNG VŨ BẢN KỶ HẠNG VŨ BẢN KỶ (tiếp theo) CAO TỔ BẢN KỶ CAO TỔ BẢN KỶ (tiếp theo) LỮ HẬU BẢN KỶ BÌNH CHUẨN (1) THƯ KHỔNG TỬ THẾ GIA KHỔNG TỬ THẾ GIA (tiếp theo) VIỆT VƯƠNG CÂU TIỄN THẾ GIA TRẦN THIỆP THẾ GIA LƯU HẦU THẾ GIA TRẦN THỪA TƯỚNG THẾ GIA TÔN TỬ , NGÔ KHỞI LIỆT TRUYỆN TRUYỆN LÃO TỬ TRUYỆN TRANG TỬ THÂN BẤT HẠI , HÀN PHI LIỆT TRUYỆN TƯ MÃ NHƯƠNG THƯ LIỆT TRUYỆN NGŨ TỬ TƯ LIỆT TRUYỆN THƯƠNG QUÂN LIỆT TRUYỆN Truyện Tô Tần Truyện Trương Nghi Mạnh Tử, Tuấn Khanh liệt truyện Bình Nguyên Quân, Ngu Khanh liệt truyện Ngụy Công Tử Liệt Truyện Phạm Thư, Thái Trạch Liệt Truyện Nhạc Nghị Liệt Truyện Liêm Pha, Lạn Tương Như Liệt Truyện Điền Đan Liệt Truyện Khuất Nguyên liệt truyện Truyện Lã Bất Vi Thích khách liệt truyện Lý Tư liệt truyện Trương Nhĩ, Trần Dư liệt truyện Kình Bố liệt truyện Hoài Âm Hầu Liệt Truyện Lịch Sinh, Lục Giả Liệt Truyện Quý Bố, Loan Bố Liệt Truyện Trương Thích Chi, Phùng Đường liệt truyện Ngụy Kỳ, Vũ An Hầu liệt truyện Lý Tướng Quân liệt truyện Nam Việt Úy Đà liệt truyện Cấp Ảm liệt truyện Du Hiệp Liệt Truyện Hoạt Kê Liệt Truyện