Nếu mọi chuyện xảy ra đều êm đẹp và đúng như dự tính thì con người ta đã chẳng vướng vào những cảnh ngang trái đau khổ, cũng như Tịnh vẫn nghĩ mẫu đối thoại trong sạch dễ thương qua điện thoại sẽ không gây ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình Nhung. Ai ngờ nó lại chính là khởi điểm cho cuộc tình tan vỡ mặc dù Nhung không còn hờn trách mỉa mai hay dằn vặt Tùng mà trái lại nàng cảm thấy vui và bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Mỗi tối quây quần bên mâm cơm, dù có Tùng hay không cũng không giảm bớt không khí ấm cúng trong gia đình. Một tuần rồi hai tuần trôi qua, sự đi hay ở của Tùng như một bóng mờ hiện diện trong căn nhà bưng kín. Tùng đã bắt đầu đặt dấu hỏi khi thấy vợ càng ngày càng dửng dưng lạnh nhạt, đôi khi chàng dẫn về thằng con trai út để cố tình cho Nhung ghen tương gây gỗ nhưng vô ích. Củi tươi nên không thể bén dưới ngọn lửa nhỏ. Cái làm cho Tùng khùng điên lên là càng ngày Nhung càng xinh tươi chín mọng như thứ trái cây trong vườn của mình mà không được quyền hái hay rờ mó. Ý nghĩ bị tước quyền làm chồng khiến tự ái Tùng bị tổn thương, con người đầy uy quyền chỉ biết ban phát tình yêu đã không còn mãnh lực thu hút mà ngược lại Tùng như bị quay tròn theo cơn lốc xác thịt, theo sự đòi hỏi mà chàng nghĩ chỉ có Nhung mới làm giảm bớt được sự khao khát. Nhung tự dưng biến thành con người mới lạ hoàn toàn mà Tùng chưa từng được khám phá. Càng thèm khát thì thể xác càng đòi hỏi để trí óc hao mòn đi đến độ mê muội ích kỷ. Tùng trở nên cay nghiệt với mọi người và ngay cả đến chính mình. Chàng thu gọn tư tưởng trong một vỏ hào, thù tiếng sóng thì thầm mê hoặc của đại dương, ghét ánh bình minh ló dạng, hằn học với ngay cả con ăn đầy tớ hoặc bạn bè thân cận. Tóm lại Tùng muốn mọi người phải chia xẻ sự đau khổ và mất mát của mình, sự mất mát mà chính ra chỉ có tình yêu mới bù đắp được. Tùng quên rằng mình đã giết chết tình yêu và niềm kính trọng của vợ, chàng cũng quên rằng sự lừa dối dù chỉ trong ý nghĩ hoặc việc làm tốt vẫn bị ảnh hưởng mạnh mẽ trong cuộc sống con người. Khi vợ chồng đã mất lòng tin yêu thì mọi việc làm đều trở thành trơ trẽn và vô nghĩa. Tùng sẽ phải đi lại từ bước đầu, phải tạo tình thương yêu và chinh phục như thời xa xưa. Trên đời có mấy ai kiên trì để làm như vậy? Một trăm cuộc tình đổ bể tan vỡ ai chẳng đổ lỗi tại nguyên nhân nọ nguyên nhân kia chứ đâu tự tìm lầm lỗi nơi chính họ. Tùng cho mình đúng vì những ngày tháng năn nỉ chiều chuộng đã là quá đủ để chuộc tội, những đè nén sinh lý khi Nhung bệnh là một hy sinh lớn lao của người chồng. Đâu ai ngờ sinh lý lại có một tầm mức quan trọng đến như thế, và cũng vì nó mà thêm một lần nữa Tùng lao đầu vào hố thẳm. Con người ta khi làm điều sai trái mà không cho rằng đó là lỗi lầm cần tránh bỏ thì thật tai hại và nguy hiểm. Ở Tùng, thoạt đầu chỉ là sự vui chơi qua đường hoặc trao đổi thể xác trong những chốn thanh lâu, quán rượu, vũ trường. Dần dần sự trao đổi biến thành nhu cầu, một thèm khát cần thiết trong cuộc sống. Và Tùng càng say mê hơn từ khi gặp Hạnh, một vũ nữ quá điêu luyện, một người đàn bà đẹp với những ngón sở trường đặc biệt làm điên đảo ngàn vạn thanh niên và đã bắt hồn xác của Tùng một cách dễ dàng. Từ một ý tưởng bị vợ hất hủi bỏ rơi, bây giờ Tùng mang tâm trạng của kẻ chiến thắng ái tình. Không cay cú, không oán hận vợ mà trái lại Tùng còn cảm thấy thương hại cho sự đần độn của Nhung. Trên đời chỉ có Nhung ngu dại mới để tự ái lên cao, để rồi mất hết, mất cả tình yêu và sự chiều chuộng của chồng. Tự ái đã được xoa dịu và phục hồi, Hạnh lại khéo léo chiều chuộng và cử chỉ săn sóc âu yếm dịu dàng như một người vợ hiền lành ngoan ngoãn khiến đôi lúc Tùng thoáng có ý nghĩ Hạnh sẽ được thế vào ngôi vị đó. Nhung bây giờ chỉ như một cục bướu nặng nề trên lưng cần cắt bỏ, đã không xơ múi được thì ly dị tội gì phải vất vả như thế. Ngày xưa cưới Nhung, Tùng theo đạo cho có lệ để dễ bề hợp thức hóa và theo sự đòi hỏi bên gia đình vợ. Thêm vào đó mẹ Tùng thờ Phật ăn chay trường mà còn tích cực khuyến khích con cứ theo đạo cho được vợ thì Tùng nghĩ theo đạo chỉ là hình thức tự đánh lừa mình. Lòng Tùng dửng dưng, học đạo thì học, rửa tội thì cứ rửa nhưng của thiên sẽ trả địa. Tùng chẳng ham vợ đến độ phải mua bán tín ngưỡng nhưng có điều lúc đó còn đang say mê Liễu, sợ mọi phiền toái rắc rối sẽ động đến tổ ấm dấu đút lén lút của mình nên mọi chuyện tiếp diễn đều xảy ra thật tốt đẹp theo ý hai gia đình để đánh tan mối nghi ngờ. Cưới vợ xong Tùng tuyên bố thẳng đạo ai người đó giữ; Tùng chỉ theo đạo trong lòng, thích thì đi nhà thờ, không thích thì ở nhà. Đạo nghĩa nguội lạnh ngay từ đầu nên phép hôn phối đâu có nghĩa gì đối với Tùng. Với Tùng, sống là phải hưởng thụ; có hưởng thụ có ăn chơi mới thực sự là người đàn ông. Ngày xưa vua chúa còn cả trăm vợ, bây giờ Tùng mới có ba vợ thì ăn nhằm gì. Hơn nữa đàn ông đã từng được ví như con ong cái bướm ve vãn bay lượn mặc tình hút nhị hương hoa - - nếu tả chân hơn như cái gậy muốn thọc đâu thì thọc - - Khi ý tưởng không bị bó buộc, giới hạn thì hành động đâu cần phải đắn đo suy tính. Tùng coi Hạnh như một nhu cầu, như một phần trong cơ thể, như con người ta cần phải ăn uống ngủ nghỉ thì những ngày giờ lui tới với Hạnh không có gì đáng phải suy nghĩ áy náy hay bận tâm. Riêng đối với Nhung, tình yêu và sinh lý phải đi liền với nhau, nàng không thể âu yếm thân mật hoặc khao khát yêu thương với một người nàng không yêu. Có lẽ đàn ông khác đàn bà và cũng có thể nàng khác hẳn những người cùng trang lứa vì qua cơn giao động mạnh, lòng Nhung đã hướng trọn về Tịnh, mỗi ngày một vài phút thì thầm tâm sự để mang đến một giấc ngủ yên bình, một cuộc sống êm đềm không thêm mơ ước. Nhung những tưởng khi yêu chỉ cần hai tâm hồn cùng kề cận thì sẽ mãi bền vững đâu ngờ sự ích kỷ tiềm ẩn trong cơ thể như một thứ siêu vi trùng nguy hiểm ngủ yên chờ cơ hội để hoành hành. Con vi trùng trong Nhung lỡ nằm ở một tế bào sống với sự tăng trưởng cực mạnh, mỗi ngày một lan rộng. Lan càng nhanh thì sự lạnh nhạt với chồng càng tăng. Nhìn một cục bột, người nội trợ còn nghĩ ra cách chế biến những chiếc bánh thơm ngon nhưng nhìn Tùng, Nhung không hề có một cảm xúc, thua một loài cây cỏ dại trong vườn lúc nhìn ngắm. Ai bảo chỉ có đàn ông mới biết phụ bạc ruồng rẫy vợ con, chỉ biết ham vui xác thịt hoặc chạy theo tửu sắc? Đàn ông khi hết yêu vợ đôi khi họ vẫn còn nghĩ đến bổn phận, vẫn biết tìm đường quay trở lại khi đã chán chê mê mỏi chứ với đàn bà thì tuyệt nhiên không. Có phải vì họ không đủ sức chịu đựng với miệng đời mai mỉa, không đủ sức kềm hãm đòi hỏi của xác thịt hay khi quyết định thoát ly, chính là lúc họ vừa thoát khỏi một hỏa ngục trần gian? Có trời mới hiểu được lòng dạ đàn bà, và chỉ có Nhung mới hiểu được chính nàng. Nàng hiểu rằng chu toàn bổn phận của người mẹ và giữ sự trong sạch với người yêu chỉ là cái lý do rất mỏng manh để bào chữa khi người đàn bà đã có chồng thầm lén yêu thương một người đàn ông khác. Không có một lý do nào chính đáng bênh vực cho sự hờ hững với chồng. Dù cho người chồng có thế nào đi nữa thì một người vợ gương mẫu nề nếp trong một gia đình cũng không thể nào vượt ngoài vòng lễ giáo để sống cho riêng tự Chỉ có tình cảm con tim mới dám đứng ra bênh vực cho nàng, cho những hành động đang suy tính thiệt hơn. Nhưng không tính cũng không được vì nàng biết sẽ có một ngày Tùng chán nản buông rơi. Ngày đó sẽ không xa vì chẳng ai theo đuổi mãi một xác chết, chẳng ai yêu thương một con người đã hết cả tình cảm. Nhung rùng mình, sắp sẵn cho mình một hành trang, dành dụm ít tiền bạc phòng hờ lúc lang thang phiêu bạt. Có phải tình yêu nàng đang đi đến sự chiếm hữu, đang muốn độc quyền nắm giữ trọn vẹn trái tim của Tịnh? Nhung để hồn lãng đãng theo cái tình yêu mà Tịnh luôn luôn nhấn mạnh sẽ không bao giờ có điểm tới, không hứa hẹn và không cả ràng buộc, một thứ tình chỉ biết cho đi và không được quyền đòi hỏi lại. Nhung không phải là Tịnh dù rằng nàng cố gắng giữ giới hạn trong phạm vi cố định. Giới hạn của nàng là hàng rào hoa lài và chiếc điện thoại, không được đến nhà chàng, không được tỏ tình cảm qua những lời nồng nàn mật thiết vì như thế có hại cho cả hai người. Tóm lại chỉ được thăm hỏi vài câu xã giao là cúp. Chẳng biết bên kia đầu giây Tịnh như thế nào chứ riêng nàng từng thớ thịt rung động. Hơi thở, lời nói tiếng cười đó như đã khắc nhập trong tim, tiếng cười im vắng nhịp tim nàng chậm lại, hơi thở Tịnh kéo dài tim nàng bóp thắt từng chập. Tất cả những gì liên quan đến Tịnh đều mang sự sống cho nàng, ngay đến chiếc điện thoại cứng còng cũng đã trở thành người bạn gần gũi thân thương nhất, mỗi khi nhìn nó Nhung thấy lòng ấm áp như sự hiện hữu của người yêu, mỗi khi có sự buồn phiền nàng lại chạy tới tự thì thầm an ủi. Người thiếu phụ tự buộc cho mình sự cô đơn và tự mơ mộng để mà sống. Sự mộng mơ mà nàng nghĩ không ảnh hưởng đến thực tại, cho nên nàng đã tự coi mình như người yêu của Tịnh. Từ tư tưởng đó mà tình cảm Nhung càng ngày càng đi đến vướng mắc, như cuộn chỉ tuột lõi càng lúc càng rối tung lên. Cái lầm lẫn tai hại của người đàn bà khi yêu ai họ đều nghĩ người đó phải yêu mình và thuộc quyền về mình cho nên thoạt đầu chỉ là cuộc xung đột rất nhỏ bằng những sự lo âu hoặc tiếng thở dài. Vài lần sau tiếng thở dài thay thế bằng câu trách móc tuy nhẹ nhàng nhưng cũng đủ làm trận chiến bùng nổ... Tịnh cố gắng nghe cho hết câu dù mặt chàng đang từ từ đỏ lên vì tức. - Rồi sao nữa? - Em nghe dạo này thầy đi chơi hơi nhiều. - Ừ hứ! Có sao đâu. Tịnh đã bắt đầu có lối trả lời cộc lốc. - Lại còn uống rượu nữa. - Này, người ta nấu rượu để uống hay để ngắm chơi vậy chị Nhung? - Nhưng mà rượu có hại cho sức khỏe. Tịnh đằng hắng khá lớn rồi cất giọng chắc nịch: - Chị đang tính dở thói "nhốt gà vào chuồng" đấy à! Nói thật tôi không phải là Tùng đâu. Nhung thở dài, càng ngày Tịnh càng khó chịu với nàng, mỗi một lời nói như một vết dao đâm, mỗi một tiếng hắng giọng như bàn tay ai xòe ra bóp cổ mình, giọng Nhung nghẹn lại: - Thầy tàn nhẫn quá. - Bây giờ mới biết sao? Tịnh đáp cộc lốc. - Nhưng em có làm gì đâu! Im lặng thật lâu có lẽ để dằn sự cảm xúc của Nhung, Tịnh nhẹ giọng: - Tôi không muốn ai đi vào đời tư của tôi. - Em không nghĩ đó là đời tư mà là những tật xấu. - Ơ hay, chị là cái quái gì mà cứ nhảy xổ vào cổ họng người ta ngồi? Chưa bao giờ Tịnh có thái độ khó chịu và nặng lời như thế, Nhung thấy chân tay mình run rẩy đứng không vững nhưng cũng cố nén hơi lấy giọng bình thản: - Thày đang có chuyện buồn? - Đang bực mình thì đúng hơn. Nhung thấp giọng: - Cho em chia xẻ với. Tịnh vẫn giữ sự lạnh lùng: - Không cần thiết. Lòng thấy tái tê và thèm khóc hơn bao giờ hết nhưng Nhung vẫn che đậy: - Thôi thầy nghỉ lúc khác em gọi lại. Chưa dứt câu, điện thoại đã cúp, tiếng ù ù bên tai thôi thúc cho nước mắt trào ra, Nhung dằn mạnh chiếc điện thoại trở về vị trí cũ theo động tác trả thù. Không ngờ càng ngày Tịnh càng kênh kiệu quá đáng. Đâu phải bức rào và cái vật đen đủi ngu ngốc kia đủ nuôi sống tình cảm của nàng? Đâu phải mỗi ngày nói với nhau một vài câu ngắn ngủi là vơi đi sự nhớ nhung? Giận Tịnh thì ít mà giận mình thì nhiều, kẻ hèn hạ mới xin xỏ tình yêu. Chẳng bao giờ nàng có ý định tìm Tịnh hờn trách dù bức rào chỉ là một cản trở vô hình. Yêu Tịnh nàng tự trói buộc trong một khuôn khổ, tự giam hãm trong một bức tường luân lý chứ không phải nàng bị khống chế. Có lẽ Tịnh nghĩ cắt được đường giây điện thoại là sẽ cắt được mối tình cuồng dại của nàng. Tịnh bảo yêu là cho đi chứ không đòi đáp trả mà trên đời mấy ai làm được như thế? Cho dù có đi chăng nữa thì chắc chắn con người si tình kia cũng đã làm chủ hoàn toàn được trái tim của người mình chọ Có tình yêu thì mới có sự hy sinh hoặc tha thứ, tình một chiều là tình chết. Nhung đè mạnh nét nguyên tử trên tập giấy trắng, dòng chữ nguệch ngoạc đậm mầu kéo theo sự hờn giận của nàng làm những trang đầu rách nát. Cũng may Tịnh không phải là tờ giấy. Từng trang rồi từng trang nàng lật qua rồi lại lật lại toàn đen nghẹt chữ "hận," "giận," "ghét" và chữ "không" kéo dài dính nhau tưởng không bao giờ dứt. Chắc chắn sẽ không bao giờ gọi cho con người khó ưa kia, từ nay ai sống chết cũng mặc... Nhung bỏ mặc cái "hơi thở và giọng nói" của Tịnh vào một xó không thèm nhìn tới nó nữa và ra vườn ngồi trên nhánh cây ngọc lan. Hôm nọ Tịnh phải dừng lại ngơ ngẩn vì hương thơm trong khi bây giờ cũng mùi thơm ngào ngạt đó Nhung còn ngửi thêm được mùi ngai ngái khó chịu của một loài hoa độc. Gió mát hây hây, hai giờ trưa thật im vắng, vạn vật chung quanh như chìm trong giấc ngủ của những người giầu có. Lòng nàng không thể thanh thản như lúc xưa mới về nhà chồng, cũng trên nhánh cây này Nhung cuốn thêm chiếc mền cho êm và thường nằm vắt vẻo nhìn bóng mát khổng lồ loang lổ ánh nắng, lúc đó nàng đang bước vào ngưỡng cửa thiên đàng với ngàn vạn cặp mắt thèm thuồng ghen tức. Bây giờ 10 năm sau cũng vẫn còn chán vạn kẻ khao khát ngôi vị đó trong khi Nhung lại thấy chán ngẫm. Cuộc sống trở nên vô nghĩa, sự chung đụng giữa vợ chồng đâm ra lố bịch như phường tuồng chèo. Cố bỏ vũng phiền muộn ngoi lên nào ngờ lại bị đạp trở xuống một vũng phiền muộn khác. Nhung không ngờ tình yêu của mình bị mang ra chà đạp. Có phải tại vì em là kẻ đã có chồng? Có chồng như gông đeo cổ, một bản án tù đày ngàn năm không thể xóa tên trong hồ sơ, một vết tràm bị đóng dấu ngay trên mặt, kẻ đã có chồng thì không được quyền yêu thương đến người đàn ông nào khác. Chúa đã tạo dựng ra con người và mong muốn họ được ấm no hạnh phúc, phép hôn phối cầm buộc để họ phải gắn bó với nhau suốt đời. Sợi dây cột mà không có đường mở; kẻ lỡ vào trong tù tàn một cuộc đời vì không có ngày ra. Dù cho có vùng vẫy tìm trăm phương ngàn kế để trốn thoát cũng vẫn còn mang vết tràm trên mặt. Tịnh ơi nào em đã tham lam và yêu cũng đâu phải là cái tội mà anh miệt khinh để tìm cách xa lánh? Anh mang mặc cảm yêu vợ người ta hay đang mang dùm cái mặc cảm cho em. Con đàn bà trắc nết lăng loàn, chồng mày phản bội thì đã có sao đâu, trai năm thê bảy thiếp; đàn ông được quyền 5, 7 vợ, các vua chúa ngày xưa ngoài vợ chính, thứ phi còn cả trăm cung tần mỹ nữ mà có ai đả động hay lên án? Nhiều người đã bỏ cả tuổi xuân xắc, chôn vùi cuộc đời trong cung cấm cho đến khi chết hoặc chưa hề được một lần kề cận bên chồng mà cũng chỉ dám buông lời than thở với trời với đất chứ đâu có tác yêu tác quái như mày! Mày còn có phước hơn chán vạn người đàn bà khác, Tùng chỉ có vợ có con với người ta chứ nào đã bỏ bê mày? Và ít ra con người hét ra lửa đó đã từng quỳ bên đầu giường nhỏ những giọt lệ. Tội cho anh phải không Tùng? Chẳng hiểu giọt nước mắt chảy từ trái tim mềm ướt hay từ cái dục vọng xác thịt làm anh mê muội? Chúa ơi, tại sao con không thể tiếp tục yêu và chiều chuộng Tùng như lúc xưa. Tại sao con không thể tha thứ cho người lầm lỗi đã muốn quay trở về và tại sao con không có sự chịu đựng an phận của một người vợ? Có phải tình yêu kia đã biến con thành một người đàn bà gớm ghê hay sự hận thù vì bị lừa dối đã làm tình cảm trong con đảo lộn? Xin như một cơn sốt ái tình; xin cho mối tình ngắn ngủi sớm ngủ yên để con quay trở về với bổn phận. Phải có sự tha thứ, mình không tha thứ cho Tùng thì sao lại đòi hỏi nhân loại phải tha thứ cho mình. Tòa án miệng đời khắt khe dành cho những người đàn bà lầm lỗi, cay nghiệt bóp chết cuộc đời đau khổ còn lại để đền bù sự ăn không ngồi rồi khi chồng quần quật nai lưng ra làm nuôi bằng đó miệng ăn. Mình không làm mà vẫn có ăn, có kẻ hầu người hạ, thì oan ức gì mà kêu gào, có khổ có đau cũng đâu chết được trong khi thiếu ăn vài ngày đã sắp đi đến cửa diêm vương chờ đợi. Nhung ơi, mày bình tĩnh lại đi, đừng đứng núi này trông núi nọ; đừng tưởng ngọn núi xa kia sẽ có ngàn cụm rừng mơ, sẽ có hoa thơm cỏ lạ dẫn dắt mày đi về đỉnh hạnh phúc. Qúa khứ mày đã được hưởng quá dư thừa cho kiếp làm vợ, mày còn hơn cả vạn người khác cơ mà... Nhung nằm lơ lửng trên nhánh cây mặc cho buồn phiền đi hoang, vài con chim sẻ chuyền trên cành cao kêu chíp chíp như tiếng gà con. Giống chim bé nhỏ mà còn được giang đôi cánh rộng giữa bầu trời tự do tại sao người đàn bà có chồng lại bị cột cổ như một nô lệ? "Làm thân con gái như hạt mưa sa giữa trời, trong nhờ đục chịu". Loài người tự làm án phạt để đeo vào cổ, hàng trăm hàng ngàn thứ gông cùm, xiềng xích nhưng chẳng thấy chiếc nào dành cho đàn ông. Gái chính chuyên chỉ có một chồng, gặp thằng chồng mèo mỡ bỏ nhà ra đi thì cứ ở vậy còng lưng làm nuôi con và chờ nó cho đến muôn đời muôn kiếp; có rục rịch thương yêu hoặc bước thêm bước nữa cũng phải chịu trăm ngàn mai mỉa xấu xa, chẳng những cho mình cho con mà còn ảnh hưởng cả đến giòng tộc tông chi họ hàng. Nhung không muốn làm cái gai nhọn ở mắt mọi người nhưng nàng không thể chịu ép mình sống trong sự giả dối. Đã vậy tại sao mày không nói thẳng là đã hết thương Tùng? Ừ, mà đã nói rồi nhưng nào ai tin. Xưa nay chỉ có đàn ông mới bỏ đàn bà chứ đàn bà đâu dám bỏ đàn ông. Gái hơ hớ chỉ cần đi rước đèn với bồ vài lần ngoài phố mà chưa đám cưới là đã có chuyện xầm xì bàn tán. Cơ thể con người khi ốm khi đau hay trái gió trở trời cũng là đề tài cho xóm ngõ đặt dấu hỏi. Đàn bà ôi đàn bà... Có ai làm đàn bà thì mới biết nỗi khổ của đàn bà, có ở trong hoàn cảnh éo le mới biết sự thiệt thòi của người vợ và có ai đã từng yêu thương mới biết tình yêu làm họ vượt qua mọi giới hạn. Bởi vì không giới hạn nên Nhung đã quên nhìn lại ngôi vị của nàng, thả lỏng tình cảm theo Tịnh như tháng ngày xa xưa mới lớn. Có thể Tịnh e ngại không muốn làm tan vỡ giấc mơ của nàng nên tìm cách gắt gỏng cau có để tránh né. Đã không yêu thì thôi tội gì phải thương hại bằng kiểu ấy. Nhung thấy tim mình bị bóp thắt liên hồi, cơn đau càng lúc càng xâm chiếm mãnh liệt, người nàng rũ rượi nhừ tử như vừa trải qua một cơn bệnh kịch liệt. Ánh nắng rọi nghiêng xuyên qua kẽ lá rơi đúng trên khuôn mặt trắng hồng, Nhung quay nghiêng ra chiều khó chịu.