(Viết về nữ sĩ Hồ Xuân Hương)
MIẾNG ĐỈNH CHUNG

Cực lạc là thế này đây: nhọc nhằn lận đận, uổng một đời thông minh? Ngồi một mình trong quán vắng, Xuân Hương đang chán chường cho thân thế, thì một người nón dứa áo xa bước vào. Trông vẻ chững chạc, tuổi chừng trên dưới ba mươi, hình như ở xa mới đến, giầy còn đầy bụi.
Khách vội nói ngay:
- May quá được gặp quý nương! Chả là bữa nọ bỉ nhân đã đến mà chưa được chiêm ngưỡng tư dung, nên chẳng ngại xa xôi, hôm nay phải đến nữa, vì quý nương đã dành cho một nửa cảm tình rồi...
- Dành cho một nửa cảm tình? Tiên sinh nói thế là sao cơ, tiện thiếp không hiểu?
- Bỉ nhân có vật này, quý nương trông thấy là hiểu ngay.
Liền rút trong túi ra một phong giấy đặt lên bàn trước mặt Xuân Hương. Nàng ngập ngừng nói:
- Phong giấy này dán kín, thiếp đâu dám đường đột…
- Không sao đâu. Hay thôi, để bỉ nhân đưa trình cho phải phép.
Khách cẩn thận bóc theo đường dán, lấy ra một mảnh hoa tiên. Hai tay nâng trình, Xuân Hương đỡ lấy mở ra xem, giật mình thấy tuồng chữ của mình viết:
Mảnh tình ví xẻ làm đôi được
Nửa để trong nhà, nửa đệ ra...
Bụng bảo dạ: Rõ nỡm thật! Bữa ấy mắc dở có hùm đây mà... Vội trấn tĩnh ngay:
- Xin tiên sinh miễn trách. Hôm ấy trong nhà làm bánh, đang mê man về nhào với nặn, nên mang lỗi thất nghênh.
- Quý nương coi đấy, bỉ nhân nói có sai đâu! Đã được một nửa đệ ra rồi, nay xin cho nết nửa để trong nhà...
- Cái đó không khó. Chúng ta là con nhà văn tự mà! Tiên sinh hạ cố, tất đã xem qua thơ của thiếp: dở hay tùy lượng đại phương, nhưng đó cũng là một nửa rồi. Còn nửa kia về phần tiên sinh...
- Ấy chết, quý nương tính sai rồi, nửa mà quý nương vừa nói đó, là nửa đệ ra ngoài, còn nửa để trong nhà đâu đã thấy?
- Thì văn thơ có xướng ắt có họa chứ? Xin được nghe giai cú đã, đi đâu mà vội?
- Bỉ nhân xin thú thật: về văn nôm thì khả năng không đủ nói tới, nhất là trước mặt Tạ, Ban... Chỉ xin ra đề để bỉ nhân học đòi làm đôi vần phú...
- Đã thế, dám xin tiên sinh cho kẻ ngu độn này được lãnh hội ít vần về Dịch đình Dương xa[6]chẳng hạn...
Xuân Hương bèn mời khách vào nhà trong, xếp chỗ tĩnh mịch, có đủ văn phòng tứ bảo lại thêm nậm rượu bình trà, để khách ngồi cấu tứ...
Chừng một giờ sau, khách thoát cảo, diện trình giai nhân. Nàng vừa đọc vừa tấm tắc khen: lời hay, vần chỉnh, ý lại sâu sắc, thật đáng tài khoa giáp. Kỳ này tiên sinh ứng cử đi, thế nào cũng vượt vũ môn! Bây giờ trời đã chiều rồi, mời tiên sinh nán lại dùng bữa cơm rau với em nhé!
Khách vui vẻ ở lại, hai người uống rượu ngâm thơ rất là tương đắc. Dần dà cũng như hồi nọ: tiên sinh với quý nương biến ra anh với em lúc nào không hay...
Sau đó, một tháng đôi tuần, có khi ba bốn, khách lại tìm đến uống chén tẩy trần cho quên dọc đường gió bụi. Rồi một hôm, khách ngập ngừng nói nhỏ:
- Chẳng dấu gì em, anh ở tỉnh nhỏ, không về đây được năng như ý muốn, vậy em thử tính dùm xem... hay là xuống tỉnh với anh cho vui...
- Nhưng còn bà cả, biết có ưng cho không?
- Không ưng rồi cũng phải ưng, cốt ở anh mà! Cứ tin ở anh là xong xuôi hết...
Nghe bùi tai Xuân Hương mềm lòng, lại nghĩ từ khi hùm đi, mình chẳng dòm nom gì đến quán thành ra vắng vẻ buồn tênh. Thôi thì lại làmhai lần nữa cũng đành, cho đáng cái kiếp dự phần tài sắc!
Thế là nhất quyết dẹp quán, theo chàng xuôi xuống Hưng Yên, chấp nhận mọi thử thách... Có biết đâu làm lẽ kỳ này khác xa kỳ trước: kỳ trước tổng Cóc máu mê cờ bạc bỏ mình trỏng trơ, nhưng vợ cả trọng tuổi không hành hạ mình. Còn kỳ này mình được chồng nặng tình âu yếm thì lại bị cô vợ cả trẻ trung cứ giữ riết anh chàng không dời nửa bước, đẩy mình vào cái cảnh ăn cơm nguội nằm nhà ngoài, chịu làm sao cho thấu!
Những đêm một mình một bóng, nàng không ngăn được nỗi hận lòng, lẩm bẩm rủa thầm:
Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung!
Mười đêm, chị giữ mười đêm cả
Suốt tháng, em nằm suốt tháng không
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm
Cầm bằng làm mướn, mướn không công
Thân này ví biết nhường này nhỉ
Thà trước thôi đành... ở vậy xong!
Nỗi niềm của vợ lẽ không ai thấu triệt bằng chồng. Nhưng chồng sợ điều tiếng trong gia đạo làm phố xóm chê cười, nên đành ngậm miệng, để hết tâm trí vào việc dùi mài kinh sử cho quên cay đắng.
Thật may mắn cho hai kẻ đa tình: nỗi đau ngấm ngầm tưởng không cách nào nguôi được, hay đâu con đường khoa hoạn lại giải thóat dùm cho: khoa thi vừa mở thì lều chõng mấy kỳ chồng đều trót lọt, đến khi yết bảng, tên chàng lồ lộ đứng vào số năm. Đúng là cá vượt vũ môn như lời Xuân Hương tiên đoán! Mừng này chưa hết lại tiếp nỗi mừng hơn: trong có vài tháng, được bổ tri phủ Vĩnh tường. Vội thu xếp việc nhà: mới đi nhậm chức nơi xa, chưa tiện đem theo hết gia tiểu, thì vợ cái con cột hãy ở lại phụng dưỡng mẹ già và trông nom ruộng nương nhà cửa, tạm chỉ một mình cô hai theo hầu cơm nước, yên ổn đâu đấy rồi sẽ tính sau...
Thế là một sớm Xuân Hương cùng chồng trực chỉ phủ đường. Đến nơi, nàng thở phào nhẹ nhõm: từ đây,vợ cả vợ hai cũng là vợ cả, câu nói đùa trở thành sự thật, mình nghiễm nhiên là bà phủ Vĩnh Tường tênh tênh một vai mạnh phụ...
Phủ đường nằm trên bờ sông Hồng, chung quanh cây cối um tùm, những khi rỗi rảnh vợ chồng đối diện đàm tâm, nàng chuốt nên lời thơ siêu thoát, không còn cái giọng tinh ranh bóng gió thủa còn non tuổi:
Thánh thót tàu tiêu mấy hạt mưa
Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ:
Xanh um cổ thụ tròn xoe tán
Trắng xóa trường giang phẳng lặng tờ.
Bầu rốc giang sơn say chập rượu
Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ
Ô hay, cảnh cũng ưa người nhỉ
Ai thấy ai mà chẳng ngẩn ngơ...
Ông Phủ vốn là cốt cách văn nhược, trong tuổi học trò quá chuyên cần đèn sách, nên sức vóc mỏi mòn, hôm nào tan buổi hầu sáng cũng phải nghỉ trưa tĩnh dưỡng. Những lúc này bà phủ được thong thả, hay ra ngồi chơi ngoài công đường, trò chuyện với những dân đứng chờ nộp đơn buổi chiều. Có khi xem đơn thấy việc nào không quan trọng thì tự ý giải quyết, cốt nhẹ việc cho chồng.
Một hôm, một ông hương cống xin phép mổ trâu.Ý chừng muốn tránh tiếng mổ cho là không nhã, nên ông viết: xin làm trâu. Bà phủ không nín được cười, phê ngay:
Người ta thì chẳng được đâu
Ừ thì ông Cống làm trâu thì làm!
Tha hồ cho ông cống làm thân con trâu!

° ° °

Lại có lần chị Nguyễn Thị Đào, vợ góa một anh lái đò đầu đơn xin rút hạn tang chồng để đi tái giá lấy chỗ nương tựa, vì quá nghèo khổ. Bà phủ cầm bút viết liền trên đơn:
Phó cho con Nguyễn Thị Đào
Nước trong leo lẻo, cắm sào đợi ai?
Chữ rằng: xuân bất tái lai
Cho về kiếm chút, kẻo mai nữa già...
Những chuyện này khi nàng kể lại cho chồng nghe, ông phủ chỉ cười, vì yêu cái tính của vợ hồn nhiên, không coi khuôn phép vào đâu cả.

° ° °

Vợ chồng sống bên nhau thật là xứng ý: khi trà rượu, khi văn thơ sử sách, cuộc đời ung dung tươi sáng, tưởng còn hạnh phúc nào hơn!
Tiếc thay, cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn: sức khỏe của ông phủ mỗi ngày một đuối, đến một hôm đi kinh lý miền xa bị cảm gió sương, lúc về nằm liệt cả tuần, rồi cứ lả dần, lả dần, đến khi tắt nghỉ trên tay người bạn chung tình...
Thế là một trời sụp đổ trước mắt Xuân Hương. Nàng oán tạo hóa bất công, hận cuộc đời nghiệt ngã, lòng thương chồng tưởng hàng trăm năm chưa dứt, đâu phải chỉ đến mãn tang là thôi! Vì thế nàng nghẹn ngào thổn thức:
Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ơi!
Cái nợ trần hoàn có thế thôi
Chôn chặt văn chương ba thước đất
Ném tung hồ thỉ bốn phương trời
Cán cân tạo hóa rơi đâu mất
Miệng túi càn khôn thắt lại rồi
Hăm bẩy tháng trời là mấy chốc
Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ơi!
Mọi việc tang lễ lo đầy đủ, Xuân Hương trở lại Thăng Long, mướn một căn nhà nhỏ ở phố Lý Quốc Sư[7]gần ngõ huyện Thọ Xương, để sớm hôm thờ cúng ông Phủ cho trọn đạo một vị vong nhân.
Một mình vò võ, càng nghĩ càng thấm thía câumá hồng phận bạc, rồi lại tự bào chữa: mình là con nhà dân dã, giá đừng trèo cao thì đâu đến nỗi ngã đau thế này.
Giữa lúc ấy, nghe phía huyện có tiếng khóc, hỏi ra mới biết là bà huyện khóc chồng chẳng may tạ thế hôm trước. Xuân Hương cảm thấy tình cảnh sao mà y hệt như của mình, vì bà huyện vốn là một cô gái quê, nên lẩm bẩm mấy câu nhắn người mà cũng là tự nhủ:
Văng vẳng tai nghe tiếng khóc chồng
Nín đi, kẻo thẹn với non sông...
Ai về nhắn nhủ đàn em bé:
Xấu máu, thì khem miếng đỉnh chung!