(Viết về nữ sĩ Hồ Xuân Hương)
QUÁN NGỌC HỒ

Tưởng thế thôi, chứ với đời Xuân Hương cũng còn có chỗ bấu víu: nhóm bạn học cũ vẫn năng tới thăm nom và hết lòng gỡ rối những khó khăn trong công ăn việc làm hàng ngày.
Một hôm, nghe Xuân Hương phàn nàn về thời buổi gieo neo, dệt cửi và mua bán sợi vải chăm chỉ hết mình mà cũng không được xởi lởi, một bạn đề nghị:
- Hay là Hương chịu khó xuống dưới phố thuê cửa hàng, có lẽ đỡ hơn?
- Trăm tội không gì bằng nghèo, anh ạ! Giá có vốn thì còn nói gì!
Anh khác gạt đi:
- Cần gì phải đi đâu? Hương cứ nghe tôi: Đây xa nơi thị tứ thật, nhưng có cảnh hồ Tây, có vườn Ngọc Hà, mùa nực thiếu gì khách thừa lương! Không những thế, những tài bảy bước thành thơ của Hương, tôi đi chơi trong đất Thăng Long này, thấy không đâu không có người hâm mộ. Vì thế, tôi tưởng tốt hơn hết là Hương mở ngay tại nhà một quán trầu nước, không sợ lỗ vốn đâu, sẽ có nhiều bạch diện thư sinh kéo đến, cho mà xem!
- Nhưng mình con nhà học trò, chưa mở quán bao giờ, thì biết đường nào mà lần?
- Cái đó không lo, tôi sẽ nhận việc trang hoàng cho ra vẻ một cái quán thanh lịch thu hút tao nhân mặc khách bằng những thú hấp dẫn như rượu Võng thị ngâm bồ, như trà đầu xuân ướp kim cúc... Ở vùng này lại có tôm cá Nghi tàm ngon nổi tiếng. Với lại có Hương nữa, chả tươm là gì. Chỉ cần Hương nhũn nhặn chiều khách, đừng riễu cợt quá mà người ta giận đấy...
Xuân Hương trầm ngâm một lát, nghĩ bụng: "Anh này bàn cũng phải, biết đâu cái quán này chẳng trở thành một thứ chợ đời, cho mình chọn bạn?" Ý đã quyết liền nói:
- Vâng thì mở quán, nhưng cũng phải đặt một cái tên cho văn vẻ, chứ chả lẽ gọi xuông là quán nước?
- Thì đó ta sẵn có hai thắng cảnh, là hồ Tây và Ngọc Hà, đặt ngay là quán Ngọc Hồ, chả đẹp chán rồi ư? Chữ hồ ( ) này không những đồng âm với họ Hồ ( ) lại còn với ( ) trong câu thơ của Vương xương Linh, gợi lên được ý nhất phiến băng tâm kia đấy...[1]
- Thôi đi, còn băng tâm cái con vồ gì nữa![2]
- Hương ạ, cái gì đã qua thì cho qua luôn, nghĩ đến cái sắp tới mới là thức thời...
- Cám ơn anh đã vạch cho một lối để đi tới. Vậy chúng ta bắt tay vào việc ngay nhé: năm sắp hết rồi, nên chuẩn bị để kịp khai trương vào dịp Tết cho may mắn.

° ° °

Ngôi nhà tường gạch mái tranh, hai lớp cách nhau một sân khá rộng. Trông ra đường có mảnh vườn xinh xinh, bên trồng hoa, bên râm bóng cây mít. Nhà trong là nơi phòng khuê. Nhà ngoài làm quán: ghế tre, bàn gỗ đơn sơ nhưng xếp đặt ngay ngắn, trang nhã. Hai bên vách, vôi mới trắng tinh, tay phải bức tranh Hai cô Tố Nữ, với bài thơ này:
Bao nhiêu tuổi thế, hử cô mình?
Chị đã xinh mà em cũng xinh!
Đôi lứa như in tờ giấy trắng
Ngàn năm còn mãi cái xuân xanh
Phiếu mai chi đám tình trăng gió
Bồ liễu thôi đành phận mỏng manh
Còn thú vui kia sao chẳng vẽ?
Trách người thợ vẽ khéo vô tình...
Tường phía trái, anh bạn vẽ chấm phá cảnh đánh đu ngày Tết, khoảng trên bài thơ vịnh:
Tám cột khen ai khéo khéo trồng
Người thì lên đánh, kẻ ngồi trông
Trai co gối hạc, khom khom cật
Gái uốn lưng ong, ngửa ngửa lòng
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới
Hai hàng chân ngọc ruỗi song song
Chơi xuân, có biết xuân chăng tá?
Cột nhổ di rồi... lỗ bỏ không...
Hai bên cột cửa ngoài dán đôi câu đối viết trên giấy hồng điều điểm kim nhũ:
Tối ba mươi khép cánh càn khôn, đóng chặt lại kẻo ma vương đưa quỷ tới
Sáng mồng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước xuân vào!

° ° °

Tính rằng sáng mồng một mở toang cho thiếu nữ rước xuân, nhưng lại e thiên hạ né điềm xông đất mà không dám đến, nên mồng bốn mới thực sự Ngọc Hồ mở quán. Mới đầu, một vài người rụt rè bước vào, ngày sau đông hơn, sau lại đông hơn nữa.
Mới biết anh bạn đoán đúng: phàm phu thì ít, phần nhiều là đám chữ nghĩa vì hiếu kỳ mà đến. Mà kỳ thật: phụ nữ bán quán thì thiếu gì, nhưng ít người có học, phụ nữ có học thì náu trong khuê các hoặc có sáng tác, cũng ở trong khuôn khổ cương thường, chứ có ai như Xuân Hương hễ xuất khẩu là trai lơ bóng gió, nói ra toàn những đìêu kiêng kị! Người ta coi cô nàng như một thứ yêu tinh thần nữ, nên ai cũng tò mò tới xem cho biết!
Vả lại nghe cô chủ quán đối đáp duyên dáng, ai chẳng nức lòng?
Một anh khóa xem bức vẽ Đánh Đu, nói nhỏ nhẹ:
- Cột nhổ đi rồi, lỗ bỏ không... Thì trồng cột khác khó gì!
- Thế mà khó đấy cậu ạ! Là vì cũng phải cột táu cột lim, chứ cột tạp thì được mấy nả!
Anh khóa trố mắt, lặng lẽ rút lui...
Anh thư sinh khác đọc bài thơ Hai cô Tố Nữ, thắc mắc:
- Còn thú vui kia sao chẳng vẽ, trách người thợ vẽ khéo vô tình... Tôi nghĩ người ta hữu tình đấy! Giấu đi để cho phải tìm, mới hay chứ!
- Chắc cậu hay chơi ú tim...
- Chơi ú tim đến lúc òa mới sướng...
- Vâng, cũng có khi ú tim mà tìm chẳng ra?
- Biết đâu chừng, cô nhỉ!

° ° °

Chiều hè oi ả, Xuân Hương ra hóng gió ngoài cửa quán, một anh khăn lượt áo the thủng thỉnh đi tới, thấy cây mít rủng rỉnh những quả, tủm tỉm nói:
- Mít nhà chắc thơm lắm đây, cô quán nhỉ?
Xuân Hương nghĩ bụng: trông cũng sạch nước cản đây[3]liền ứng khẩu:
Thân em như quả mít trên cây
Da nó sù sì, múi nó dầy
Quân tử có thương thì đóng nõ
Xin đừng mân mó... nhựa ra tay!
Anh chàng mặt đỏ dừ, giả vờ ấp úng:
- Thưa cô, tôi không am hiểu mấy về cây cối, cô bảo đóng nõ là thế nào cơ?
Tài trai mà không biết? Muốn đóng nõ, phải hái mít xuống đã...
- Thế à! Rồi phải làm sao nữa, hử cô?
- Rồi rút cuống mít ra lấy cái nõ là một khúc gỗ dài bằng gang tay, to bằng ngón chân cái, nong lô cuống cho rộng để nhựa chảy ra, nắng soi vào thì mít chóng chín. Nhưng nhựa nó ra tay, khó chịu lắm đấy!
- Ồ mít có gai, ai dám mân mó...
- Phải để ý vào chứ!
Có lần đằng ô Yên Phụ đem lại một rổ ốc nhồi, con nào con nấy tròn ủng. Xuân Hương cho ngâm nước vo gạo một đêm, hôm sau đem luộc chín, rồi nhân lúc vắng khách, gọi người nhà quây quần lại ngồi ngay nơi nền đất, lấy gai khều vẩy, vừa ăn vừa xuýt xoa, nước mắt nước mũi ràn rụa.
Vừa hay một ông khách vào quán, thấy thế nói đùa:
- Ốc ngon quá nhỉ! Nào cho tôi ngoáy vài con...
Trông khách có vẻ cục mịch, lại ăn nói sỗ sàng, Xuân Hương không buồn chào hỏi, thủng thỉnh ngâm:
Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi
Đêm ngày lăn lóc đám bùn hôi
Quân tứ có thương thì bóc yếm
Chứ đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi
Rồi cô đứng lên vào nhà trong, để mặc cho người nhà tiếp đãi...

° ° °

Một hôm trời đã nhá nhem, hai người mặc thường phục tới quán, một trông vạm vỡ, râu ria xồm xoàm, một thì loắt choắt, mày râu nhẵn nhụi. Ông này ỏn ẻn:
- Chẳng giấu gì cô quán, vị này là quan lãnh trong thành nội, còn bỉ nhân giữ chức thị vệ ở nội cung, chẳng mấy khi có dịp ra chơi bên ngoài. Nay nghe tiếng cô là tay tài nữ nên...
Rồi ông ta lắc lư ngâm hai câu:
Rằng nghe nổi tiếng tài danh
Thử xem có được mắt xanh để vào!
Xuân Hương cười nụ, nghĩ thầm: rõ khéo, để vào thì để vào đâu kia chứ? Nhưng cũng ôn tồn thưa:
- Em thì tài danh gì đâu, chẳng qua chỉ nôm na ít câu tục tĩu không đáng để vào tai bậc trí thức như các quan...
- Không sao đâu, có tục có thanh mới thành giai cú chứ.
- Vậy em xin phép mừng quan Thị trước một bài:
Mười hai bà mụ ghét chi nhau
Đem cái xuân tình vứt bỏ đâu?
Rúc rích thây cha con chuột nhắt
Vo ve mặc mẹ cái ong bầu
Đố ai biết được vông hay tróc
Còn kẻ nào hay cuống với đầu
Thôi thế thì thôi, thôi cũng được
Ngàn năm khỏi chịu tiếng trong dâu!
Quan Thị cảm thấy đau hơn hoạn, mặt mày xanh xám, mắc cở với bạn đồng hành, song cũng cố nén giận để chữa thẹn:
- Thơ cô hay đáo để... Đáo để! Nhưng... nhưng mà... nhưng mà thôi? Cô hãy tặng quan lãnh đây một bài đi, cho vui?
Bấy giờ, quán mới lên đèn, Xuân Hương tươi cười đáp:
- Vâng, em có mấy câu để tỏ lòng khâm phục tài thao lược của quan Lãnh:
Bác mẹ sinh ra vốn chẳng hèn
Tối tuy không mắt, sáng hơn đèn!
Đầu đội nón da loe chóp đỏ
Lưng đeo bị đạn rủ thao đen...
Vừa dứt câu thì quan Lãnh đẩy ghế đứng phắt dậy, mặt hầm hầm, kéo tay quan Thị bỏ đi, không một tiếng chào.
Mấy người khách quen, từ nãy giờ nghe thơ chỉ tủm tỉm đưa mắt nhìn nhau, giờ mới phá ra cười:
- Nữ sĩ sao mà độc miệng thế! Người ta quan cách thế mà nỡ ví với cái của nợ! Các quan giận là phải...
- Tôi cứ nghĩ lão ta không hiểu kia đấy. Nhưng biết nổi giận thì cũng là thông minh. Còn hơn nhiều tướng tá?

° ° °

Quán Ngọc Bô nổi tiếng đến độ người ngoại quốc cũng muốn tham quan! Một chú Tàu có máu văn nhân, một hôm tìm tới. Chừng mới theo đạo quân Tôn sĩ Nghị sang, nên chưa nói được tiếng ta, xồ một thôi tiếng Quảng đông, Xuân Hương không hiểu gì cả, nhưng thấy tia mắt có vẻ sỗ sàng. Liền cầm bút viết:
Chân đi hài Hán,
tay bán bánh Đường,
miệng nói líu lường
Ngây ngô, ngâý ngố
Chú Tàu cầm xem, đọc được mấy chữ Hán, Đường, Lương, Ngô còn thì chữ nôm rậm rì, chưa từng đọc qua, e rằng công kích sự xâm lược của mình chăng, nên uống chén trà rồi cười hề hề, đứng lên cáo thoái.

° ° °

Vào cữ tháng ba, một hôm Xuân Hương đang bận làm bánh trôi nước[4]thì người nhà vào thưa: Một cậu công tử có tiểu đồng điếu cháp theo sau, ngỏ ý muốn được gặp chủ quán.
Xuân Hương bảo hỏi xem là ai, thì mới hay là cậu Phạm Đình Hổ.
- À cậu Chiêu đây mà! Cậu là danh gia tử đệ đấy.
Cô giở bận một chút, hãy đưa mấy câu này ra trình trước đã...
Người nhà đem tờ hoa tiên ra, cậu chiêu giơ lên xem thấy bốn câu:
Quả cau nho nhỏ, lá trầu hôi
Này của Xuân Hương mới quệt rồi
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá, bạc như vôi
Liền gọi tiểu đồng mở cháp lấy giấy bút đáp lời:
Người Cổ lại còn đeo thói Nguyệt
Buồng Xuân chi để lạnh mùi Hương!
Xuân Hương đọc qua, mỉm cười: Cổ ghép Nguyệt là chữ Hồ, gọi hẳn tên họ mình ra, lại trêu mình trong cảnh quạnh hiu! Vội vấn khăn lại rồi cho mời khách vào.
Thấy người có vẻ tuấn tú phong cách hào hoa, nàng rất đẹp lòng, chào mời vồn vã:
- Chả mấy khi rồng đến nhà tôm, xin mời công tử ngồi đây, dùng chén trà đạm bạc này, may ra hương cúc Thúy sơn sẽ khiến buồng xuân đỡ lạnh chút nào...
Chiêu Hổ[5]cười nụ:
- Khẩu trầu ngoài kia đưa, tôi chưa dám thử xem "quệt" ra sao, vì sợ mình yếu bóng vía, chưa gì đã say... đâm ra ngất ngư...
Xuân Hương ửng hồng đôi má, vội nói lảng:
- Thật là quý vật tìm quý nhân đây nhá: chả nhân tết hàn thực, nhà có làm ít bánh trôi nước, để mời công tử nếm thử vài viên...
Thử vài viên? Quý nương nói đúng quá đi mất thôi? Nhưng tôi có tật "đưa cay" trước đã...
Xuân Hương vội lấy bình rượn Võng thị rót vào chén sứ, nâng mời. Chiêu ghé môi, nhấp nhắp, đầu gật gù, mắt liếc ngang, tay cầm thìa vớt viên bánh, nhấm nhí ra điều tán thưởng, rồi chậm rãi khen:
- Rượn ngon, người đẹp, bánh lại khéo! Áo ngoài mịn màng, viên đường bên trong lúc cắn vỡ, lại thơm ngát mùi mía Đường Chèo, thật là tuyệt phẩm...
Xuân Hương nhỏ nhẹ:
Công tử quá khen, chứ viên bánh tầm thường này có đáng gì, chẳng qua cũng tầm thường như em đấy mà thôi:
Thân em thì trắng, phận chưa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Dản nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son...
- Lòng son thơm ngọt thế này, lo gì phận ấy chẳng tròn!
Thế rồi chuyện nọ dọ chuyện kia, giây cà ra giây muống, văn thơ đẩy đưa tình tứ, tình tứ bốc ngụt hơi men, công tử với quý nương rồi đổi ra anh với em, anh lại biến ra ông, em nhảy lên chị, lúc nào không biết, khiến chiêu ta không ngăn nổi một vài cử chỉ chớt nhả làm cho giai nhân phải ra bộ lập nghiêm:
Anh đồ tỉnh? Anh đồ say?
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày?
Này này, chị bảo cho mà biết:
Chốn ấy hang hùm, chớ mó tay!
Chiêu thấy hang hùm mà là chốn ấy thì cũng bực lòng cho Hổ, đâm cù nhầy:
Này ông tỉnh! Này ông say!
Này ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày!
Hang hùm ví bằng không ai mó
Sao có hùm con bỗng trốc tay?
Phải rồi, không thế thì lấy đâu ra con mà bồng trên tay? Nói với người say như vay không trả, Xuân Hương thôi cũng đành vậy, chứ biết sao bây giờ...

° ° °

Từ đấy, hai người sống bên nhau trong cảnh già nhân ngãi non vợ chồng, khi rượu thơ, khi đàn địch, khi cây cảnh, khi cuộc cờ... Cuộc cờ trên bàn son rồi gợi hứng cho Xuân Hương miêu tả cuộc cờ người:
Chàng với thiếp canh khuya trằn trọc
Đốt đèn lên, đánh cuộc cờ người
Hẹn rằng đấu trí mà chơi
Cấm ngoại thủy không ai được biết
Nào tướng sĩ giàn ra cho hết
Thiếp cùng chàng hãy quyết một phen
Quân thiếp trắng, quân chàng đen
Hai quân ấy chơi nhau đà phải lứa
Thoạt mới vào chàng liền nhảy ngựa
Thiếp vội vàng vén phứa tượng lên
Hai xe hà, chàng gác hai bên
Thiếp sợ bí, thiếp liền ghểnh sĩ
Chàng lừa thiếp đương khi bất ý
Đem tốt đầu dú dí vô cung
Thiếp đương mắc nước xe lồng
Nước pháo bỗng nổ đùng ra chiếu
Chàng bảo chịu, thiếp rằng chửa chịu
Thua thì thua, quyết níu lấy con...
Khi vui nước nước non non
Khi buồn, lại giở bàn son quân ngà...
Nhưng khi chàng bảo chịu mà nàng níu không xong, thì nàng lại trách là bội bạc
Chú lái kia ơi, biết chú rồi!
Qua sông, đã lại đấm ngay bòi...
Trèo ghe vừa khỏi dòng sông ngược
Đấm cược ngay vào ngấn nước suôi
Mới được lên bờ, đà vỗ đít
Nào khi giữa khúc phải co vòi
Chuyến dò nên nghĩa sao không nhớ?
Sang nữa, hay là một chuyến thôi!
Khốn thay, một chuyến thôi hay là sang nữa, quyền còn đâu ở cậu chiêu? quyền thuộc... tạo hóa!

° ° °

Lại có hôm trời nắng, Xuân Hương giặt rũ xong đem phơi la liệt trên sân rồi ngồi nghỉ nhà trong, thì chiêu Hổ ở ngoài đi vào, đầu vướng phải một vạt áo dài. Xuân Hương ngó thấy, vừa cười ngặt nghẹo, vừa nói:
- Rõ đẹp chửa, anh đồ ơi!
Tán tía tàn vàng,
che đầu nhau đỡ khi nắng cực.
Chiêu Hổ bực mình, lẩm bẩm:
- Chà, quân này hỗn thật, những của nợ này mà gọi là tàn với tán, lại còn nói lái nữa chứ!
Rồi cất to tiếng:
- Nghe đối ngay đây:Thuyền rồng mui vẽ, vén buồm lên rồi sẽ lộn lèo!
Thế là cùng phá lên cười, Xuân Hương chờ chiêu Hổ khép cửa rồi cùng nhau... tránh nắng!

° ° °

Nhân ngày Phật đản, một bạn gái hẹn đợi Xuân Hương canh năm hôm sau đến tìm để cùng đi lễ chùa Diên Hựu (tức chùa Một Cột gần đó). Không ngờ qua một đêm mưa gió, Xuân Hương đến sáng rõ rồi mới sực tỉnh, tần ngần nói với chiêu Hổ:
- Lỡ hẹn mất rồi! Lạ quá, mọi khi cứ trống canh năm là dậy rồi, sao hôm nay chẳng nghe thấy tiếng trống? Hay là trống thủng rồi cũng nên...
Chiêu Hổ đương ngái ngủ, lẩm bẩm:
- Tại mình ngủ say chứ, sao lại đổ cho trống thủng? Nó thủng như em ấy...
Xuân Hương mỉm cười, khẽ ngâm:
Của em bưng bít những bùi nhùi
Nó thủng vì chưng kẻ nặng dùi
Ngày vắng bập bùng dăm bảy chiếc
Đêm thanh tùng cắc một đôi hồi
Khi dang thẳng cánh bù khi cúi
Lúc đứng chưa xong đã lúc ngồi
Nhắn nhủ ai về thương lấy với:
Thịt da, ai cũng thế mà thôi...
Chiêu Hổ lườm lườm vẻ trìu mến, hỏi:
- Thế sang nữa hay là một chuyến thôi?

° ° °

Cuộc dan díu này vừa đôi phải lứa, qua mấy tháng hè thật là khăng khít bên nhau. Đến khi trời đổ sang thu, chiêu Hổ dần dần thưa bóng. Chẳng phải có thay đổi gì trong lòng chàng, nhưng đã đến lúc nho sĩ phải vùi đầu trong nghiên bút để kịp dự khóa thi sắp tới. Một buổi, nhân trong quán có việc phải chi tiêu bất thần mà tiền chưa sẵn, Xuân Hương sai người đưa thư vay chiêu Hổ 5 quan. Chiêu dúi cho 3 quan cầm về. Nàng liền gửi lại mấy câu trách đùa Chú Cuội trên cây đa cung trăng:
Đã bảo là năm, lại có ba!
Trách người quân tử hẹn sai ra
Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt
Nhớ hái cho vài nắm lá đa...
Chiêu ta cãi bứa:
Rằng "gián" thì năm, quý mới ba
Tại người thục nữ tính không ra
Ừ rồi thong thả lên chơi nguyệt
Cho cả cành đa lẫn củ đa!
Xuân Hương bật cười, nghĩ bụng: người ta hỏi 5 quan, tuy không nói rõ, nhưng tất nhiên là 5 quan quý, nay lại vờ tưởng hỏi 6 quan gián, rồi xì ra 3 quan quý, ra cái điều yêu quý mới làm thế! Anh đồ láu lỉnh, coi vậy mà cũng... dễ thương...

*

Ừ rồi thong thả lên chơi nguyệt, sự chểnh mảng này không khỏi làm cho nguyệt nhung nhớ gốc đa, nên gửi lời thăm hỏi:
Đã bấy lâu nay luống nhắn nhe
Nhắn nhe toan những sự gùn ghè
Gùn ghè, nhưng vẫn còn chưa dám
Chưa dám cho nên phải rụt rè...
Anh đồ họa ngay, vẫn cái giọng ỡm ờ:
Hỡi hỡi cô hay tớ bảo nhe
Bảo nhe không được, gậy ông ghè
Ông ghè không được, ông ghè mãi
Ghè mãi rồi lâu cũng phải rè...

° ° °

Từ khi gặp Chiêu Hổ, Xuân Hương được đáp ứng dồi dào về nhu cầu thể chất, văn tài lại nẩy nở đến mức tinh vi, nên nàng thấy cuộc đời tràn đầy sinh thú, không còn ước vọng viển vông gì nữa.
Một hôm rảnh rỗi, nàng thủng thỉnh một mình đi đến Khán xuân đài. Đài dựng ngay chân núi Nùng, để khách thừa lương vãn cảnh. Đối cảnh sinh tình, nàng khẽ ngâm:
Êm ả chiều thu đến Khán dài
Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai
Ba hồi triêu mộ chuông gầm sóng
Một vũng tang thương nước lộn giời
Bể ai nghìn trùng khôn tát cạn
Nguồn ân muôn trượng vẫn chơi vơi
Nào nào cựclạc là đâu tá?
Cực lạc là đây chín rõ mười...
Cực lạc là đây chín rõ mười? Trong lúc sung mãn thì Xuân Hương nói thế, chứ có ngờ đâu khi lên tột đỉnh rồi ắt phải xuống, chín rõ mười thì mười rồi xuống chín và còn xuống nữa? Chả là vì hạnh phúc của nàng do chiêu Hổ đem lại, mà cậu chiêu thì sau buổi đầu bồng bột, lòng mến thương đã lắng, không còn ăn đêm ở ngày nơi quán Ngọc Hô nữa mà chỉ ừ, rồi thong thả lên chơi thôi, bởi nhiều lẽ.
Cuộc dan díu này cậu dấu diếm kỹ thế mà sao thiên hạ đồn rầm lên khiến cha mẹ răn đe, vợ con hờn giận, bạn bè cũng chê cười? Ấy chỉ vì những bài thơ xướng họa với Xuân Hương không biết do đâu truyền đi mà nhiều người thuộc thế! Thanh niên thì thích thú ngợi khen, nhưng người đứng tuổi, nhất là trong làng Nho, ai cũng cho là nhảm nhí. Thơ Xuân Hương lẳng lơ đã đành, thơ chiêu Hổ thật không ra phẩm hạnh người đọc sách thánh hiền. Thành thử chiêu Hổ cũng ngượng ngùng, rồi đâm hối hận là có tội với danh giáo. Huống chi, như trên đã nói, gần đến khóa thi rồi không thể đa mang tình nhi nữ được nữa. Thế là cậu bán sới.
Chừng một tháng sau, Phạm Đình Hổ đi dự thi, đỗ hương cống: cậu chiêu nay đã lên chân cống sinh, càng cần phải xét nét hạnh kiểm. Gia dĩ thân phụ đang giữ chức lớn trong triều, cũng muốn dẹp bớt tai tiếng cho con, nên tìm cách nâng đỡ cho sớm được xuất chính, để xa lánh đất Thăng Long, nhất là xa quán Ngọc Hồ. Nhân bấy giờ vùng Thanh Nghệ đương có mấy chân khuyết, thày Cống chỉ đợi có ít ngày là được lệnh bổ đi một huyện nhỏ tỉnh Hà tĩnh. Liền sắm sửa hành trang rồi dẫn thê tử lên đường nhậm chức. Được tin này, Xuân Hương không giận mà lại thương cho quan huyện mới đã bị bả vinh hoa nhốt vào vòng cương tỏa, làm thui chột khí phách của tuổi vàng son...
Nàng lại mừng cho mình may mắn không vướng phải chút hùm con! Cứ kể có mà bồng trốc tay đôi khi cũng đỡ buồn, nhưng ở buổi nhiễu nhương này, mẹ con rồi trông cậy vào đâu lúc mai kia mốt nọ? Cho nên Xuân Hương càng ngậm ngùi thân phận, càng chán chường cho tình người và ngán ngẩm tuồng đời. Nhớ lại câu mình tự hỏi: nào cực lạc là đâu tá? thêm thẹn thùng chua xót nghĩ tới cái hồi nào đó tưởng đã tìm ra giải đáp...
Thì bây giờ cực lạc là thế này đây?
Xuân Hương tìm khuây khỏa trong những cuộc nhàn du, gửi tâm hồn vào gió mây non nước. Có lần vui chân lên huyện Sài sơn, tỉnh Sơn tây, thăm chùa Phật tích ở xã Thụy khuê, tục gọi là chùa Thày nơi sư Từ Đạo Hạnh xưa, khi viên tịch thoát xác trong một hang đá mà người sau gọi là hang Thánh hóa. Xuân Hương tức cảnh:
Hang Thánh Hóa
Khen thay con Tạo khéo khôn phàm
Một đố giương ra biết mấy ngàm
Luồn đá, cỏ leo sờ rậm rạp
Lách khe, nước dỉ, mó lam nham
Một sư đầu trọc ngồi khua mõ
Hai tiểu lưng tròn đứng giữ am
Mới biết đây là Hang Thánh hóa
Chồn chân mỏi gối vẫn còn ham...
Nơi đây, còn một hang nữa mang cái tên éo le: hang Cắc cớ. Tên này làm nàng thoát ra ngay năm vần:
Trời đất sinh ra đá một chòm
Nứt ra đôi mảnh hỏm hòm hom
Kẽ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn
Luồng gió thông reo vỗ phập phồm
Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm
Con đường vô ngạn tối om om
Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc
Khéo hớ hênh cho lắm kẻ nhòm...
Dạo chơi xa gần, vẫn không quên được sự lòng hiu quạnh thường thốt ra lời thơ:
Tự tình
Chiếc bách buồn vì phận nổi nênh
Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh dênh
Lưng khoang tình nghĩa nhường lai láng
Nửa mạn phong ba luống bập bềnh
Cầm lái, mặc ai lăm đỗ bến
Dong lèo, thây kẻ rắp xuôi ghềnh
Ây ai thăm ván cam lòng vậy
Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh?
Ngồi nhẩm những đoạn tơ chắp nối, cố quên đi những phen phụ bạc ơ hờ, để tưởng lại một đôi nơi từng chớm với mình bao xúc cảm đằm thắm êm đềm, nàng giở lại những vần tình tứ mình gửi cho bạn thơ như Tốn Phong:
I
Chồn bước may đâu khéo hẹn hò
Duyên chi, hay bởi nợ chi, ru?
Sương sa áo lục nhồi hương sạ
Gió lọt cành lê lướt mặt hồ
Muốn chắp chỉ đào thêu trướng gấm
Mà đem lá thắm thả dòng Tô
Trong trần mấy kẻ tinh con mắt
Biết ngọc mà trao, mới kể cho...
II
Kiếp này chẳng gặp nữa thì liều
Những chắc trăm năm, há bấy nhiêu
Nghĩ lại luống đau cho phận bạc
Nói ra thêm nhẹ với thân bèo
Chén thề thủa nọ tay còn dính
Món tóc thời xưa cánh vẫn đeo
Được lứa tài tình cho xứng đáng
Nghìn non muôn nước cũng tìm theo
Hay cho thi hữu Sơn phủ:
Này đoạn chung tình biết với nhau
Tiễn đưa ba bước tới bên câu
Trên tay khép mở tênh chiều nhạn
Trước mặt đi về gấp bóng câu
Nước mắt trên hoa là lối cũ
Mùi hương trong nệm cả đêm thâu
Vắng nhau mới biết tình nhau lắm
Này doạn chung tình biết với nhau...
Bạn thơ của Xuân Hương không những chỉ ở trong đám văn nhân tài tử như Tốn Phong và Sơn Phủ, mà còn thấp thoáng nơi vai vế trong chính quyền nữa. Khoảng năm 1810, nàng từng xướng họa với Nguyễn Hầu, Nghi Xuân, Tiên Điền, tức là tác giả Truyện Kiều, lúc ấy ngồi chức tri phủ Thường Tín (Hà Đông). Rồi bẵng đi 3 năm, bỗng được tin hầu thăng chức Cần chánh điện học sĩ, bèn gửi mừng một luật Đường:
Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung
Mượn ai tới dâý gửi cho cùng
Chữ tình chốc đã ba năm vẹn
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không
Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập
Phấn son càng tủi phận long đong
Biết còn mảy chút sương đeo mái
Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong...
Hồi này Tố Như tiên sinh đang ở Thăng Long để sửa soạn sung chức chánh sứ sangTrung Hoa, không biết hôm sau khi được thơ, có đến thâm tạ người đẹp, hay bận rộn mà lơ là...