(Viết về nữ sĩ Hồ Xuân Hương)
BẼ BÀNG DUYÊN PHẬN

Mẹ con bà đồ hủ hỉ bên nhau, mẹ tất tả ngược xuôi, nay chợ Bưởi mai chợ Ngọc hà, con thì cặm cụi ngày đêm bên khung cửi. Tuy bận tay chân, Xuân Hương cũng không ngăn được lòng thơ lai láng, đối cảnh dễ sinh tình, lẩm nhẩm mấy câu khe khẽ mà tủm tỉm cười thầm:
Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau
Con cò mấp máy suốt đêm thâu
Hai chân đạp xuống nâng nâng nhấc
Một xuốt đâm ngay thích thích mau
Rộng hẹp nhỏ to vừa đúng cả
Ngắn dài khuôn khổ cũng như nhau
Cô nào muốn tốt ngâm cho kỹ
Có thấm vào trong mới dại màu
Bà đồ nghe lõm bõm, bực mình, phàn nàn:
- Thơ với thẩn? Đêm hôm làm đã cực nhọc, còn nâng nâng thích thích cái gì chỏng lỏn, khó nghe thế! Chả trách họ đồn đại ra ngoài cũng không oan...
Bà vốn đã phiền lòng về điều kia tiếng nọ, lại gặp lúc phường xóm không được yên ổn, nhà quê kẻ chợ cướp bóc tứ tung, nên chỉ mong sao con gái sớm có nơi có chốn cho đỡ lo ngại.
Trong xóm có viên phó tổng tên tục là Cóc, nhà rất giàu có. Tuy đã lớn tuổi, vợ con đầy đàn, nhưng quen thói ăn chơi, mỗi khi đi qua cửa, thấy Xuân Hương như quả chanh cốm ngon lành, đâm thèm nên mượn người ướm lời xin bà đồ cho cưới làm bậc hai. Bà đồ biết tính con gái cứng đầu cứng cổ khi nào chịu làm thân lẽ mọn, nhưng cũng cứ lựa lời, đêm vắng tỉ tê, nào cảnh nhà thanh bạch, nào nỗi nước loạn li, mẹ tuổi ngày càng cao, sức ngày càng yếu, mà thấy con còn lắng đắng chưa yên, lỡ ra có mệnh hệ nào thì nhắm mắt sao đành. Xuân Hương tự nghĩ: mình như con ngựa bạch mà đem thắng dây cương bằng thừng chả oan uổng lắm sao! Nhưng mẹ già đã chật vật vì mình quá nhiều rồi, cần phải được nghỉ ngơi. Thôi thì một hạt mưa dào đã không được vào vườn hoa thì cũng đành sa xuống giếng chứ sao: một liều ba bẩy cũng liều, miễn được cái vốn cho mẹ dưỡng già...
Thế là một buổi chiều, mấy người bên nhà ông tổng đến đón Xuân Hương. Nàng lạy mẹ, rồi rưng rưng nước mắt xách nón quai thao theo sang nhà chồng. Ở đây sự đối đãi không niềm nở lắm, nhưng cũng không đến nỗi tẻ nhạt... cho ông Cóc hài lòng. Ông không hài lòng sao được? Ông mở cờ trong bụng! Cho nên hương cũng đượm lửa cũng nồng... trong buổi ban đầu lưu luyến. Chỉ tiếc rằng sau đó chừng một tháng sự lưu luyến đó bắt đầu giảm độ rồi dần dần ông vắng bóng cả tuần trong chốn phòng hương. Lý do một phần là lực bất tòng tâm, phần nữa ông phải lấy lòng bà cả, nhưng phần lớn là vì ông vốn máu mê cờ bạc, thường mài miệt ở các sòng thâu đêm suốt sáng, đến khi về nhà là chỉ lăn ra ngáy khò khò, còn lúc nào đâu để thương ngọc tiếc hương! Cho nên Xuân Hương cảm thấy bẽ bàng, trong những đêm trăn trọc một mình không tránh được nổi tủi phận hờn duyên.

° ° °

Mối duyên không đượm này, rồi cũng không bền. Chừng nửa năm sau, ông tổng thốt nhiên đâm bệnh: cảm mạo thường thôi, ai ngờ trở thành trầm trọng, thuốc hay thầy giỏi không cải được mệnh trời, một buổi sáng ông trút hơi thở cuối cùng. Xuân Hương nức nở mấy câu, không tránh được giọng mỉa mai trong niềm cay đắng phận mình:
Hỡi chàng ơi, ới hỡi chàng ơi,
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi
Nòng nọc đứt đuôi từ đấy nhé!
Ngàn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi
Tục truyền khi con cóc chết, lấy vôi đánh dấu vào đầu nó thì ba năm sau nó sống lại, quay đầu về núi. Xuân Hương sẽ bỏ ngàn vàng không tiếc để mua lại cái dấu vôi, kẻo Cóc lại trở về...
Chôn cất xong xuôi, nàng lại xách nón trở về nhà với mẹ, tâm tư như trút được gánh nặng ngàn cân khi tìm lại được niềm an ủi trong tình thâm mẫu tử. Mẹ con sống êm ả bên nhau, rau dưa đắp đổi, thấm thoát gần một năm tròn. Bà đồ vì bao năm vất vả, sức vóc suy nhược nên những lúc mưa nắng thất thường, gió sương trái tiết, lại mệt mỏi, vài ngày không dậy được. Dần dà như chuối chín cây, tuy Xuân Hương hết lòng nâng giấc chăm nom mà không tránh được ngày rơi rụng. Cái tang này mới thật là một mất mát to lớn, vô cùng đau đớn cho Xuân Hương. Một thân vò võ, nước mắt nghẹn ngào, muôn phần cay đắng. Bà con lối xóm đi lại thăm hỏi, một vài môn sinh của ông đồ Nghệ khi xưa, dăm bẩy bạn đồng song cũ, nghe tin rủ nhau đến, giúp giập đỡ đần, Xuân Hương cũng khuây khỏa đôi chút.
Rồi ngày qua tháng lụn, nhang sớm đèn khuya, xong giỗ đầu đến giỗ hết, đạo hiếu lo tròn, bấy giờ mới thấy thân mình thật là quạnh hiu trơ trọi, không còn gì bấu víu với đời...