1. Vụ mùa mì ống ở Thụy Sĩ:
|
Thu hoạch mì ống từ... trên cây. |
Năm 1957, chương trình "Toàn cảnh" của hãng thông tấn danh tiếng BBC thông báo, nhờ mưa thuận gió hòa và sự biến mất của loài mọt ngũ cốc, những nhà nông Thụy Sĩ đã có một vụ mùa mì ống bội thu. Thông tin này đi kèm với hình ảnh nông dân Thụy Sĩ đang kéo những sợi mỳ ống xuống từ các cành cây...
Sau bản tin, hàng nghìn bạn xem truyền hình đã mắc lỡm. Nhiều người gọi điện tới BBC hỏi cách trồng cây mì ống. Hãng thông tấn trả lời một cách rất ngoại giao rằng: "Hãy thả một dúm mì ống vào một hộp nước sốt cà chua và chờ đợi điều tốt đẹp nhất sẽ tới".
2. Đảo quốc San Serriffe
Năm 1977, tờ báo Anh The Guardian phát hành một phụ san 7 trang để kỷ niệm 10 năm thành lập quốc gia San Serriffe, một nước cộng hòa nhỏ bao gồm nhiều hòn đảo nhỏ hình bán khuyên trên Ấn Độ Dương.
Một loạt bài báo trong tờ phụ san minh họa một cách rất "mùi mẫn" về địa lý và văn hóa của đảo quốc nhỏ bé này. Nó bao gồm 2 phần có tên gọi là Upper Caisse và Lower Caisse, thủ đô là thành phố Bodoni và người lãnh đạo là General Pica.
Điện thoại của tờ The Guardian hôm đó réo cả ngày khi các độc giả gọi tới để tìm kiếm thêm thông tin về địa điểm du lịch lý tưởng ấy. Rất ít người nhận ra rằng, tất cả các địa danh của đảo quốc đều được đặt tên theo các thuật ngữ của ngành in ấn. Trò chơi khăm này thành công đến nỗi hàng thập kỷ sau, độc giả vẫn hào hứng chờ đợi xem năm nay tờ báo cho họ "ăn" tin giả nào.
3. Cầu thủ bóng chày huyền thoại Sidd Finch
|
"Danh thủ" Siddfinch. |
Trong ấn bản tháng 4/1985, tạp chí Sports Illustrated đăng một bài báo về một cầu thủ mới đầu quân cho đội bóng Mets. Tên anh ta là Sidd Finch và anh có khả năng ném một quả bóng chày với vận tốc xấp xỉ 270 km/h (vận tốc thường chỉ khoảng 100 km/h). Bất ngờ nhất là trước đó, Sidd Finch chưa hề chơi bóng chày. Thay vào đó, anh ta khổ luyện "nghệ thuật ném" tại một ngôi chùa Tây Tạng, dưới sự hướng dẫn của "đại thi tiên Lama Milaraspa".
Cổ động viên của đội Mets hỉ hả ăn mừng sự may mắn kỳ diệu khi tìm được cầu thủ tài năng nhường ấy. Tờ Sports Illustrated sau đó tràn ngập thư của độc giả đề nghị cung cấp thêm thông tin. Nhưng trên thực tế, vận động viên huyền thoại Sidd Finch chỉ tồn tại trong óc tưởng tượng của người viết bài báo, phóng viên George Plimpton.
4. Chuông tự do Taco
Năm 1996, hãng Taco Bell tuyên bố đã mua được chiếc "Chuông tự do" từ chính phủ Mỹ và đặt lại tên cho nó là "Chuông tự do Taco". Ngay sau đó, hàng trăm công dân Mỹ đã giận dữ đổ tới công viên Lịch sử Quốc gia ở Philadelphia, nơi trưng bày quả chuông, để bày tỏ sự phẫn nộ của họ.
Cơn tức giận của công chúng chỉ dịu đi khi hãng Taco Bell "bật mí" đó chỉ là trò Cá tháng tư, vài giờ sau. Tuy nhiên, đỉnh điểm của trò đùa lại bắt đầu khi Mike McCurry, thư ký báo chí của Nhà Trắng, thừa nhận không những đã bán "Chuông tự do" cho Taco Bell mà còn bán cả đài tưởng niệm Lincoln cho một công ty khác.
5. Nixon tái tranh cử
Năm 1992, chương trình Talk of the Nation của đài phát thanh National Public thông báo, Richard Nixon, trong một động thái đáng ngạc nhiên, đã ra tranh cử một lần nữa. Khẩu hiệu mới của ông ta là: "Tôi đã và sẽ không làm gì sai trái". Theo sau bản tin là một đoạn ghi âm tiếng Nixon đọc diễn văn tranh cử.
Thính giả đáp lại bản tin bằng thái độ giận dữ, liên tục gọi điện tới đài để thể hiện sự công phẫn. Phải tới phần sau của chương trình, người dẫn John Hockenberry mới tiết lộ, thông tin đó chỉ là trò đùa. Giọng của Nixon là do nghệ sĩ hài kịch Rich Little thủ diễn.
6. Thú dũi băng đầu nóng
|
Thú dũi băng. |
Số báo ra ngày 1/4/1985 của tạp chí Discovery công bố, Tiến sĩ sinh học khả kính Aprile Pazzo đã khám phá ra loài sinh vật mới tại Nam Cực: loài thú đầu nóng khoan nước đá. Loài thú đặc biệt này có những vẩy cứng ở đầu có khả năng trở nên nóng bỏng nhờ được nối với nhiều mạch máu, cho phép con vật dũi qua nước đá với tốc độ cao. Nó sử dụng khả năng này để săn chim cánh cụt, làm chảy băng ở dưới con mồi khiến con chim tụt xuống hố rồi ăn thịt. Sau nhiều nghiên cứu, Tiến sĩ Pazzo cho rằng, có thể loài sinh vật này đã gây nên sự mất tích của nhà thám hiểm Nam Cực nổi tiếng Philippe Poisson năm 1837. Tờ báo trích đăng ý kiến của vị tiến sĩ: "Hẳn là, trong mắt loài thú dũi băng, ông ta trông giống một con chim cánh cụt".
Tờ Discovery nhận được thư hỏi về bài báo này nhiều hơn bất cứ tin tức nào đăng tải trước đó.
7. Đĩa bay hạ cánh tại London
|
"Đĩa bay" thực chất là một khí cầu. |
Ngày 31/3/1989, hàng ngàn người lái ôtô trên đường cao tốc ngoại ô London ngửa mặt lên trời dõi theo một vật thể bay hình chiếc đĩa tỏa sáng đang hạ cánh xuống thành phố của họ. Nhiều người đậu xe vào lề đường để quan sát vật thể bay đáng sợ trôi trong không khí. Cuối cùng, đĩa bay hạ xuống và người dân ngay lập tức gọi cảnh sát, báo về một cuộc xâm lược của người ngoài hành tinh. Những nhân viên công lực lập tức có mặt và một cảnh sát can đảm tiến tới gần vật thể bay, tay lăm lăm dùi cui. Khi cửa đĩa bay bật mở, một thân hình nhỏ bé trong bộ đồ bay màu bạc hiện ra, viên cảnh sát ù té chạy về hướng ngược lại.
Chiếc đĩa bay hóa ra là một khinh khí cầu dùng hơi nóng được cố tình thiết kế có dạng UFO. Tác giả của nó là Richard Branson, 36 tuổi. Tác phẩm của anh là một kết hợp giữa sự đam mê chơi khinh khí cầu với tính thích đùa. Anh dự định sẽ cho khí cầu hạ cánh vào đúng ngày 1/4 tại công viên Hyde Park của London nhưng gió đã thổi không như ý, buộc anh phải hạ cánh sớm một ngày và không đúng địa điểm.