Trong đêm đông của văn học nước nhà, tiểu thuyết "Su hào và bắp cải" lóe lên như một ánh sao băng. Nhưng tất nhiên, như số phận của mọi thứ tác phẩm trên đời, nó lập tức được đặt nằm ngay đơ dưới búa rìu dư luận.Chuyện ấy chẳng có gì đáng nói nếu như các nhà phê bình cứ trích dẫn... lời mình. Nhưng khổ nỗi, trong lúc hăng say bênh vực cho cuốn sách tội nghiệp kia, nhà lý luận X viết: "Đại văn hào Babetta có nói...". Ai có chút chữ nghĩa đều biết Babetta là một tên tuổi lừng danh thế giới và việc ông ấy có quan điểm đồng ý với X có thể coi như một nhát gươm kết thúc số phận của nhà phê bình Y, người đả kích cuốn "Su hào và củ cải".Công chúng và giới am hiểu nghệ thuật hồi hộp chờ xem cảnh Y quy hàng. Nhưng đời đâu đơn giản thế. Thay vì rút lui nhục nhã, Y viết một bài đích đáng trả lời X, trong đó trích dẫn "Nhà thơ vĩ đại Suzuki, thầy của nhà văn Babetta có viết...".Toàn giới văn học được một cú bàng hoàng. Mặc dù không ai biết Suzuki dạy Babetta ngày nào và học phí ra sao, nhưng thầy thì rõ ràng phải hơn trò. Cứ theo thứ tự suy luận ra, Babetta bênh X, Suzuki bênh Y thì Y phải đúng.Thiên hạ lại quay sang chờ đợi X quy hàng. Nhưng không, như thế là không hiểu X một tí nào. Ông ta hợp tác tung ra một bài dài 24 trang phản đối Y, và kết luận bằng một dòng búa bổ: "Yamaha, bố của Suzuki, có nói..."Thôi chết rồi, lần này thì Y phải toi, vì ai dám cãi bố, và nếu có cãi, cũng chỉ là một đứa con hư. Y cũng không cãi. Là một nhà lý luận điềm tĩnh và chuyên nghiệp, ông không vội vàng. Để một tuần cho dư luận bớt xôn xao, ông nhẹ nhà tung ra một bài báo sâu sắc, chứng tỏ mọi quan điểm của X là non nớt, ấu trĩ, áp đặt, thiếu căn bản. Để cho thiên hạ biết là mình căn bản hơn X, ông trích dẫn ngay ở đầu bài: "Lambetta, anh cùng cha khác mẹ với Yamaha, có nói...".Cả khối văn học được một phen lay chuyển. Không ai ngờ nổi Y lại quen sâu đến thế. Lambetta chẳng những có tác phẩm không kém gì Yamaha, sách lại được dịch ra 51 thứ tiếng (trong khi Yamaha chỉ được dịch có 50) lại còn có vai vế hơn trong dòng dõi. Như vậy chứng tỏ những gì X viện ra là thiếu cơ sở, là vay mượn, là thiển cận.Cuộc tranh luận tưởng đã kết thúc. Nhà phê bình Y tưởng đã ca khúc khải hoàn, thổi hồi kèn chiến thắng. Nhưng không, trong cuộc chiến tranh giữa các vì sao và giữa các đại văn hào ở trời... Tây, không dễ gì biết đâu là tập cuối cùng. Chỉ một ngày sau khi bài báo như quả bom tấn của Y phát nổ, X thả xuống một quả bom chùm. Ông quăng ra một bài tổng kết dài 30 trang, dẫn chứng 30 câu nói của 10 vị giáo sư, 10 ông bác sĩ tâm thần và 10 nhà triết học. Tất cả đều ở châu Âu và đều đoạt giải Nobel. Nhưng cái quan trọng nhất là lời nói của nhà lý luận vĩ đại Honda, không những là thầy, là bố, là anh cùng mẹ khác cha của Lambetta mà còn là ông... ngoại.Đến nước này thì Y không thể chịu được nữa. Quên béng mất cái lý do ban đầu là tiểu thuyết "Su hào và bắp cải", Y ném vào công luận một bài phê phán gay gắt X, chẳng phải ở những vấn đề nhận thức thẩm mỹ, mà những sai lệch về dòng dõi. Bởi theo Y, Honda không thể là ông ngoại được, đơn giản vì theo những tài liệu lưu trữ mới tìm thấy ở Paris, Honda chưa bao giờ... lấy vợ.X cũng đâu vừa. Ông hợp tác công bố những tài liệu vừa khai quật ở New York, cho thấy Honda có vợ, nhưng họ không đăng ký kết hôn.Cứ như thế, cuộc tranh luận giữa hai nhà phê bình, thay vì tập trung vào những vấn đề của "Su hào và củ cải", lại nghiêng theo phía khai thác dòng dõi của những nhà danh nhân châu Âu. Tất nhiên, phần thắng sẽ nghiêng về người nào có quen biết sâu hơn.