Mấy bữa nay, bệnh viện Nhi Đồng rối lên vì một ca cấp cứu đặc biệt. Hồ sơ bệnh án ghi: bệnh nhân Nguyễn Văn A, cầu thủ bóng đá giải thiếu niên nhi đồng. Nghi bị ngộ độc huy chương. Siêu âm ba chiều cho thấy trong bao tử của bệnh nhi lổm nhổm nhiều dị vật hình tròn. Bác sĩ trực đề nghị chuyển qua khoa ngoại để giải phẫu. Nhưng bác sĩ siêu âm bàn: - Không cần đâu. Những cái huy chương này không phải bằng vàng thực, thậm chí cũng không phải bằng kim loại màu vàng. Một số cái bắt đầu phân rã, chứng tỏ đây chỉ là loại huy chương bánh vẽ, làm bằng bột gạo, bột củ mì hay củ năng gì đó để đánh lừa bọn con nít thôi: chỉ cần cho uống một liều Nabica làm mềm dị vật, sau đó cho uống một liều thuốc xổ Fugacar thì bao nhiêu huy chương cùng giun đũa, giun móc... đều bị tống ra hết thôi. Thế là bệnh nhi được chuyển vào khoa nội điều trị theo phương án trên. Sau mấy bữa, bệnh có dấu hiệu thuyên giảm đôi chút nhưng ổ bụng càng ngày càng cứng ngắt, đại, trung và tiểu tiện vẫn không thông. Lạ hơn nữa, bệnh nhân này ở lứa tuổi thiếu nhi mà chỉ nằm bệnh viện mấy hôm, toàn thân bỗng mọc đầy râu ria lông lá. Chẳng lẽ các loại thuốc Nabica, Fugacar lại có những phản ứng phụ đáng sợ như thế? Bệnh viện Nhi Đồng đành phải mời thêm một bác sĩ chuyên khoa bên ngành thể dục thể thao sang hội chẩn. Vị bác sĩ này sờ nắn bệnh nhân một hồi rồi nói: - Vận động viên này vai u thịt bắp, bàn tay chai sần, râu ria lông lá... e phải đến 30, 31 tuổi chứ không phải thiếu nhi đâu. Các bác sĩ ở đây đã điều trị đúng hướng nhưng chưa đủ liều. Thay vì liều dành cho trẻ em, phải dùng liều thực mạnh dành cho người lớn mới được. - Sao kỳ vậy. Rõ ràng khi mới nhập viện, y vẫn là một cậu bé sạch sẽ trơn tru mà? Bác sĩ biệt phái của ngành thể dục mỉm cười giải thích: - Vậy là quý đồng nghiệp có điều chưa hiểu. Đây là một trong rất nhiều trường hợp khai sụt tuổi để dự thi đấu giải thiếu niên nhi đồng. Trước khi thi đấu, vận động viên này đã được các săn sóc viên dùng dao Gilette siêu mỏng để cạo mặt; dùng kềm cộng lực nhổ trụi lông. Lại dùng các loại mỹ phẩm dành cho các siêu sao, người mẫu sơn phết để tạo nên làn da mịn màng... Cứ thế chạy ào ào trên sân bóng thì ai mà biết được nó là U13? Nay đá xong giải, chân tướng mới lộ ra. - Ủa mà sao trong bụng nó lắm huy chương đến thế? - Thì đây cũng là loại ngôi sao chạy “sô” mà. Hết địa phương này đến địa phương khác thi đua lập thành tích để lên hạng, trụ hạng gì đó thì những nhân tài loại này phải lên ngôi chứ. Thế là rõ rồi. Bệnh viện Nhi Đồng bèn chuyển sang tuyến điều trị dành cho người lớn. Lúc này trên hành lang còn có rất nhiều bệnh nhi khác ngồi chờ khám. Các bệnh nhi này đều mặc đồng phục học sinh. Bé nào cũng xanh xao hốc hác, mắt trõm sâu, mặt mày đờ đẫn, ngơ ngáo. Một bác sĩ nói: - Hình như chúng có triệu chứng của bệnh Alzheimer - Bậy nào! Alzheimer là bệnh mất trí nhớ ở người cao tuổi, chẳng lẽ số này cũng là... cầu thủ bóng đá mà khai gian nhiều tuổi đến thế ư? Bác sĩ trưởng khoa nghi ngờ bảo cô y tá: - Kiểm tra hồ sơ lại xem thử tụi nó thực sự là U... mấy? Cô y tá thưa: - Các cháu này là học sinh cấp I, cấp II, tên tuổi đều là thứ thiệt. Các cháu không hề thi đấu bóng đá nhưng mới trải qua mùa thi học kỳ. Các cháu không bị khai gian tuổi nhưng đầu óc bị nhồi nhét nhiều thứ gian lận khác trong học hành, ôn tập, thi thử, thi tuyển, thi đấu, thi đố... lại bị ám ảnh bởi những con số chỉ tiêu thành tích: 100% - 99,99% - Hỡi ơi! Thời buổi này ai bảo chỉ có người cao tuổi mới mắc bệnh Alzheimer? Vậy thì chuyển hết các cháu sang bệnh viện tâm thần Chợ Quán. - E rằng bên đó cũng đã quá tải rồi. - Thôi được. Trước mắt hãy nấu một nồi cháo đậu xanh cho các cháu ăn để bạt tà, giải độc bớt đi đã. - Rồi sau đó thì sao, thưa bác sĩ? Vị trưởng khoa nhìn các bệnh nhi, thở dài nói: - Về lâu dài, bệnh viện Nhi Đồng chúng ta cần mở thêm một khoa gì đó chuyên trị các rối loạn tâm sinh lý liên quan đến chữ dục như: thể dục, đức dục, trí dục, công dân giáo dục và tính dục... Nói chung là những thứ bệnh xã hội do chạy theo thành tích ảo làm hư hỏng các thế hệ thiếu niên nhi đồng. Cần lắm chứ!