Chương 7

    
ưu Ly khổ sở ngồi ì trên chiếc Astrea đang chạy ngon lành tự nhiên tắt máy. Nãy giờ cô vừa đạp vừa đề hơn mười phút rồi, nhưng xe vẫn không nhúc nhích. Điệu này phải dắt bộ kiếm chỗ sửa thôi. Trời chuyển mưa rồi, chả biết dắt tới đâu đây nữa. Rầu rĩ, Lưu Ly khom lưng đẩy xe. Gió thổi mạnh như có giông, lá rụng đầy đường và quay tròn theo từng cơn trốc xoáy. Mây đen chụp kín bầu trời, không khéo lại mắc mưa.
Điều Lưu Ly sợ đã tới. Mưa ào ào đập vào mặt rát buốt, cô vội vã đẩy xe lên lề. Khúc đường vắng càng vắng hơn với hai dảy nhà đóng cửa im ỉm. Lưu Ly không trở chứng, cô đã về tới nhà lâu rồi chớ đâu phải hứng mưa như vầy.
Đang than khổ trong lòng, Lưu Ly chợt thấy một chiếc mô tô từ dưới đường vọt lên lề, thắng cái két trước mặt mình. Trái tim cô thắt lại khi nhận ra người điều khiển xe là Tường. Đúng là anh rồi nhưng Tường không đi một mình. Sau lưng anh, chung trong cái áo mưa còn một cô gái, tiếng cô ta cười ròn rã át cả tiếng mưa, cho cô biết hai người phải rất thân nhau nên mới....  trùm chung áo mưa như thế.
Tường ép sát xe vào mái hiên cho cô gái chun ra, mặt anh ướt mưa nhưng rất rạng rỡ. Anh không để ý tới xung quanh, nên không thấy Lưu Ly. Tự nhiên cô quay mặt nơi khác với nỗi thất vọng chưa từng có. Không nhìn Lưu Ly, vẫn thoáng thấy anh leo xuống xe, lấy chìa khóa mở cửa. Thì ra nhà Tường ở đây và chiếc Astrea của Ly đã chận ngang cửa nhà anh.
Giọng cô gái vang lên:
- Chị ơi.... dắt xe cho người ta vô nhà!
Lưu Ly miễn cưỡng bước đến, cô nghe Tường kêu lên ngạc nhiên:
- Lưu Ly! Ngọc Lưu Ly.
Cô gượng gạo cười rồi loay hoay dắt xe.
Tường mau mắn:
- Để đó cho tôi.
Vừa nói anh vừa chụp tay lái. Lưu Ly giật mình khi bị tay anh chạm phải. Cảm giác ấm áp đêm mưa nào vụt thức dậy trong hồn cô. Ly không buông, Tường cũng thế. Hai người như dằn lấy tay lái. Lưu Ly bối rối bỏ mặc cho Tường. Anh dắt xe cô vào nhà trước.
Lưu Ly ngập ngừng:
- Tôi trú mưa một chút sẽ đi ngay....
Tường kéo Ly vào nhà:
- Chừng nào đi hãy hay. Bây giờ còn mưa mà. Một mình giữa mưa lạnh lắm.
Lưu Ly cắn môi khi nghe anh nói thế. Cô bối rối trước cái nhìn sỗ sàng, soi mói của cô gái đi cùng Tường. Cô ta không giấu nổi vẻ bực dọc trên gương mặt rất vui, đã sụ xuống chầm dầm.
Đẩy chiếc mô tô của mình vô, Tường đóng bớt cửa lại. Anh nhìn vào cô gái rồi ra lệnh:
- Thúy Diệp! Vào trong lo nước nôi giùm anh. Nhanh nhanh nghe!
Lưu Ly e dè:
- Phiền anh chị quá. Tôi thấy ngại lắm! Anh chị cứ nhiên, để mặc tôi....
Tường không quan tâm tới lời của Lưu Ly. Anh trầm giọng:
- Ngồi xuống đi! Trông cô như con gà con mắc mưa. Lạnh lắm phải không. Chờ tôi một chút.
Lưu Ly tò mò nhìn quanh. Phòng khách không rộng, nhưng lịch sự và ấm cúng nhờ những bức tranh có gam màu nóng treo trên tường. Bộ salon sang trọng cô đang ngồi đã làm căn phòng sáng lên vì màu caphê sữa ngọt mắt. Không ngờ lại gặp Tường ở đây!
Lưu Ly tựa đầu vào ghế, mặc cho tâm trí trôi đi theo những xúc động đang dâng lên trong lòng.
Hôm trước Lưu Ly đã chắc mẫm sẽ được về quê với ba, ngờ đâu mẹ cô cương quyết không cho. Bà nói chắc nịch rằng:
- Nếu Ly bỏ đi như lần rồi, thì đừng trở về nữa.
Trước thái độ dứt khoát của bà, Lưu Ly đành nhượng bộ. Dầu sao cô vẫn nghe lời mẹ. Cô cũng như anh Đoàn, chưa đủ khôn để tự tung tự tác. Mẹ từng nói thế nhiều lần. Và có lẽ bà nói đúng, dù lần đó, Lưu Ly khóc vì không được theo ba.
Bây giờ gặp Tường rồi đấy. Cô sẽ nói gì, hỏi gì nhỉ? Tự nhiên cô hồi hộp quá. Anh bước ra vội vàng với chiếc khăn trắng tinh và cái áo gió trên tay:
- Lau tóc cho khô đi!
Thấy cô ngần ngừ, Tường cười:
- Khăn mới. Bảo đảm chưa ai xài.
Ly chợt thấy rộn rã vì nụ cười của anh, cô nghiêng đầu ngắm nghía:
- Cái áo này cũng vậy chứ?
- Áo đó của tôi, nhưng chắc không lạ với cô đâu.
- Cám ơn lòng tốt của anh, nhưng tôi sợ người ta trách mình phiền phức lắm!
Tường nhỏ nhẹ:
- Cô từng nói chỉ thích làm phiền tôi thôi mà! Quên rồi sao?
Lưu Ly chớp mi:
- Chưa quên nhưng cũng không dám nhớ. Vì tôi sợ phải nhớ hay quên lắm.
Đưa khăn sát tay cô, Tường ân cần:
- Có sợ cũng lỡ rồi. Không lau khô, mặc áo, sẽ bị viêm phổi đấy!
Lưu Ly bật cười. Không ngờ anh vẫn nhớ những lời cô nói đêm mưa hôm đó.
Cầm chiếc khăn, Ly lau nhè nhẹ mái tóc dài của mình. Cô bối rối khi thấy Thúy Diệp bưng khay nước ra, rồi quầy quả quay vào ngay. Lưu Ly đứng dậy:
- Chị ngồi đấy với em....
Thúy Diệp lạnh nhạt:
- Cô cứ tự nhiên, tôi còn nhiều việc phải làm lắm!
Lưu Ly nhìn Tường đầy trách móc:
- Sao anh không giới thiệu. Chị ấy là... là thế nào với anh vậy?
Tường rót nước trà ra tách:
- Cô nghĩ Thúy Diệp là gì của tôi cũng đúng hết. Trong nhà phải có bàn tay đàn bà mới ngăn nắp, gọn gàng. Sau mỗi ngày mệt nhoài vì công việc, tôi cần có cơm nóng, canh ngọt để ăn. Với tôi, Thúy Diệp rất quan trọng.
Lưu Ly chua xót cắn môi. Lời Tường vừa nói đủ đánh thức trái tim u mê của cô chưa? Vậy mà mấy tháng nay cô ao ước được nhìn thấy anh, trước đây mỗi khi đọc chuyện hay xem phim, Lưu Ly rất ghét những cô gái yêu đơn phương, say mê trong thầm lặng một người không hề nghĩ tới mình. Lưu Ly từng tự phụ tin chắc rằng cô chả đời nào lụy vì tình, đàn ông phải xếp hàng dài dài cho cô chọn, họ phải khổ vì cô mới được. Nhưng thực tế đã trái ngược. Chưa có gã đàn ông nào khổ vì Ly hết, khi mẹ còn nhốt cô như nhốt chim trong lồng thế này....
Duy chỉ một lần xổ lồng thôi, con chim khờ khạo bị trúng tên rồi. Đang là cô gái đầy kiêu hãnh, Lưu Ly đã trở thành một nhân vật luôn gây khó chịu, hoặc gợi lòng thương hại cho kẻ khác rồi sao? Cô không muốn thế đâu! Nếu vậy phải.... vực cho lý trí tỉnh lại thôi.
Làm ra vẻ bình thản, Lưu Ly khen:
- Anh thật hạnh phúc.
Tường thong thả đáp:
- Tôi cũng nghĩ thế. Nhưng tất cả mới là khởi đầu, tôi không bao giờ chủ quan khi nhớ tới những năm tháng mù mịt mình đã trải qua. À! Lưu Ly uống tý trà nóng cho ấm. Nếu biết hút thuốc, chỉ cần rít vài hơi là.... cân bằng nhiệt độ ngay.
Xốc lại chiếc áo gió khoác hờ hững trên vai, Lưu Ly bưng tách trà lên:
- Tôi chưa hút thử lần nào. Nhưng nhìn người khác trầm tư bên khói thuốc, tôi cũng có cảm giác ấm áp.
Tường mỉm cười, anh đốt một điếu ba số năm rồi nói:
- Lúc nào cô cũng dành cho tôi sự bất ngờ và thú vị.
Lưu Ly thành thật:
- Còn anh luôn gây cho tôi sự tò mò. Tôi vẫn thắc mắc không hiểu anh.... điên ở chỗ nào.
Tường nheo nheo mắt sau làn khói:
- Chỗ nào của tôi cũng điên hết, trừ trái tim.
- Anh ví von hay nhỉ. Tôi có đọc ở đâu đó cân danh ngôn thế này: "Người điên chính là người mất tất cả chỉ còn lại lý trí". Anh thì khác hoàn toàn.
- Đúng vậy! Nhờ chỉ còn... trái tim, tôi mới tồn tại tới bây giờ để... gặp cô.
Lưu Ly hơi bất ngờ, cô nói loanh quanh:
- Gặp tôi chỉ toàn phiền phức bực mình....
- Nhưng đó là những phiền phức dịu dàng.
Lưu Ly nghiêm mặt lại, cô thấy tự ái khi Tường đùa cợt như thế. Anh đang nghĩ gì về cô thế nhỉ?
Cô nói lảng đi:
- Anh cũng biết đùa nữa sao? Hình như ở Sài Gòn anh cởi mở, thoải mái hơn ở dưới quê.
Tường hơi nghiêng nghiêng đầu:
- Vì ở đây tôi là người bình thường. Người bình thường có đùa dai một tý cũng chả sao. Nói thế không có nghĩa là những lời của tôi vừa rồi là đùa.
Lưu Ly im lặng như ngầm bảo "Tôi không ưa cách.... tán của anh".
Tường cũng làm thinh, chỉ có tiếng mưa là rõ. Mưa ào à hất vào cửa kính, nhạt nhòa, lạnh buốt.
- Cô đang nghĩ gì thế?
- Không nghĩ gì hết mà chỉ trông mau tạnh mưa.
Tường khoanh tay nhìn cô:
- Ngồi gần tôi chán lắm sao? Hôm gặp ngoài vườn nhãn, cô bảo thích nói chuyện với tôi lắm mà!
Lưu Ly phản ứng ngay:
- Tôi chỉ thích nghe chuyện về anh thôi.
- Hôm nay còn thích không?
- Không!
Tường gật gù:
- Tôi cũng đoán thế. Phụ nữ thường hay thay đổi nhất là gặp điều không vừa ý. Dù tôi như thế nào, chúng ta cũng.... đồng hương mà! Ở.... cố hương có nhiều chuyện đáng nói lắm đấy!
- Như chuyện tự tử của dì anh chẳng hạn. Tôi thấy nếu vin vào cái chết của dì ấy mà gán.... nợ cho ba mẹ tôi thì hơi quá đáng.
Đang tươi cười, mặt Tường bỗng cau lại:
- Cô đã hỏi mẹ mình rồi sao?
Lưu Ly gật đầu. Tường hỏi:
- Cô nghĩ sao mà cho rằng tôi quá đáng?
Ngẫm nghĩ một chút, Ly nói:
- Ai cũng có quyền yêu, người may mắn sẽ được đối tượng của mình đáp lại. Dì anh bất hạnh nên đắm chìm mãi trong mối tình đơn phương. Dì ấy tự tử vì thất vọng khi tình yêu không như ý muốn. Ba tôi nào có lỗi gì?
Tường gằn từng tiếng:
- Ngoại tình, phụ rẫy vợ mà không có lỗi à?
Mặt nhíu lại suy nghĩ, Lưu Ly ngạc nhiên:
- Anh nói ai ngoại tình, phụ rẫy vợ?
Tường cười khẩy:
- Ba cô, người tôi từng gọi là dượng Trịnh chứ ai!
Lưu Ly kêu lên:
- Dượng Trịnh! Đúng là buồn cười, chỉ là do gia đình hai bên đính ước, chớ ba tôi đã cưới dì Ánh bao giờ đâu mà gọi ông là dượng.
Tường nhấn mạnh:
- Chưa cưới bao giờ sao? Ông ấy đã kể với cô như thế à?
Lưu Ly lắc đầu:
- Mẹ tôi đã kể thế.
Tường vung tay định nói gì đó, nhưng không hiểu sao anh ngưng lại, châm thêm một điếu ba số năm nữa. Mãi lúc sau anh mới trầm giọng:
- Cách đây mấy tháng tôi có gặp lại dượng Trịnh. So với trí nhớ của tôi, dượng ấy không thay đổi bao nhiêu. Tính tình vẫn điềm đạm, cởi mở như xưa.... Gặp tôi dượng mừng lắm, thăm hỏi đủ điều.
Lưu Ly cau nhàu:
- Anh lại gọi bậy rồi. Tôi thấy khó nghe quá!
- Xin lỗi, tôi quen miệng. Suốt hai mươi mấy năm nay, gia đình tôi vẫn gọi ba cô như thế, dầu dì Ánh chết lâu rồi, và ông Trịnh đã là chồng người khác.
Lưu Ly chống tay dưới cằm:
- Dì Ánh phải là người yêu mãnh liệt, cuồng nhiệt nên mới dám chết vì yêu.
Tường chậm chạp nói:
- Cô lầm rồi! Dì tôi tự tử vì uất hận. Dì hận nhiều hơn yêu....
Lưu Ly hoang mang:
- Sao lại tự tử vì hận chứ?
- Điều này ba mẹ cô biết rất rõ.
Lưu Ly bĩu môi:
- Nhưng tôi muốn nghe anh nói kìa.
- Mưa tạnh rồi đấy!
- Anh chưa nói tôi chưa về đâu. Vả lại xe tôi đạp không nổ, mưa tạnh cũng không về được.
Tường đứng dậy:
- Để tôi sửa giùm cô....
Lưu Ly khẩn khoản:
- Không cần! Anh nói đi mà! Tại sao dì Ánh lại hận, khi dì ấy yêu đơn phương?
Dụi đầu thuốc lá vào gạt tàn, Tường nhìn Lưu Ly thật lâu khi ánh mắt anh làm cô bối rối. Tường mới thong thả nói:
- Yêu không được thì hận. Đã hận thì phải trả. Dì tôi lấy cái chết đễ làm người sống phải ăn năn, ray rức suốt đời. Điều này chắc dì Ánh tính đúng, vì bao nhiêu năm rồi dượng Trịnh vẫn bị lương tâm trừng phạt. Dượng ấy tin rằng lập miếu thờ dì Ánh, thì sẽ thanh thản, nhưng tâm hồn người ta phức tạp, chớ đâu đơn giản như điều dượng nghĩ.
Lưu Ly thấy trong câu trả lời suôn sẽ của Tường có nhiều điều chưa thỏa đáng. Cô không hiểu sao người ta có can đảm chết để trả thù. Rồi oán thù ấy cứ kéo dài mãi chớ không dứt. Cô nhỏ nhẹ:
- Bây giờ gia đình anh vẫn tiếp tục hận thù gia đình tôi, vì cái chết dì Ánh của đấy à?
Tường bật cười:
- Điều này chắc do ba mẹ cô phao lên thôi! Chúng tôi đâu rảnh trí để hận thù người khác mãi.
Lưu Ly lườm Tường:
- Chính miệng anh nói gia đình tôi thiếu nợ gia đình anh đấy!
Tường nhún vai:
- Đúng vậy! Nhưng tôi có.... đòi nợ cô đâu, trái lại tôi rất tốt với cô kia mà!
Một lần nữa Lưu Ly phải tránh đôi mắt của anh. Tường bước tới chiếc Astrea. Anh đạp vài ba cái chiếc xe vẫn... làm thinh. Tường loay hoay xem ở phần máy rồi tiếp tục... đề. Lần này xe nổ ngon lành. Anh nói:
- Bị tuột dây bu ri chớ đâu có hư gì. Cô nên tìm cho mình một anh chàng tháo vát, dễ nghe, dễ bảo nhưng ít mồm mép là vừa rồi đó.
Lưu Ly nghiêm mặt:
- Sao anh biết tôi chưa có ai?
- Vì trông cô chanh chua, độc địa nhưng lại rất trẻ con, không giống người đã biết yêu lúc nào cũng rất ngoan hiền, dịu dàng nhưng lại ranh ma....
- Vậy là anh lầm to.
Tường tủm tỉm cười:
- Thế à! Anh chàng của cô chắc ngốc lắm mới thả rong cho người yêu xin đẹp đi lung tung như vầy. Nếu tôi là anh ta, thà đập đầu tự tử, còn hơn để... bồ mang ơn các đàn ông khác hai ba lần.
Lưu Ly cứng miệng. Hôm nay anh ta... mọc nanh rồi nên nói ra câu nào cô nghe đau câu đó. Ấm ức đến bên chiếc Astrea, Lưu Ly nói:
- Anh ấy dù có ngốc một chút vần còn hơn người tâm thần trăm ngàn lần.
Tường thản nhiên:
- Tôi cũng nghĩ vậy. Nhưng ngốc có nghĩa là không được thông minh, do đó có hơn người điên nặng, cũng hơn chút chút thôi chớ đâu hơn trăm ngàn lần như cô tưởng tượng.
Nhìn ra ngoài trời, Tường ngập ngừng:
- Định về thật sao? Mưa mới bớt chớ chưa tạnh hẳn đâu. Cô còn nhiều điều thắc mắc lắm mà!
- Bây giờ hết rồi! Tôi đã hiểu chuyện xưa kia và thấy thanh thản vì ba mẹ tôi không cố ý gây ra cái chết cho dì Ánh, gia đình anh cũng không nuôi mãi oán hờn xưa như bên nhà tôi vẫn luôn nghĩ. Thế là tôi an tâm rồi!
Tường trầm giọng:
- Cô không.... thèm thắc mắc gì về tôi nữa sao?
Lưu Ly gượng gạo nhếch môi. Anh hỏi câu làm động tới trái tim cô rồi. Sao cô lại không thắc mắc về anh chứ! Nhưng mọi thứ đã lỡ làng, biết nhiều về anh càng khổ thêm chớ ích lợi gì.
Nhè nhẹ lắc đầu, Lưu Ly nói cứng:
- Ngoài người yêu của mình ra, tôi không thắc mắc về người đàn ông nào cả.
Tường châm chọc:
- Ít ra cô cũng muốn biết tôi đã từng điên như thế nào chứ?
Lưu Ly vội vàng chống chế:
- Trước đây tôi có thắc mắc thật, nhưng bây giờ lại thấy không cần nữa.
Mắt Tường chợt sáng lên những tia tinh quái:
- Tại sao vậy?
Lưu Ly mím môi:
- Anh chả có gì tôi phải quan tâm thắc mắc cả. Hồi ở dưới, vì nghe lời đồn đại về "cậu Út Tường", tôi tò mò muốn biết người cứu mạng mình ra sao. Bây giờ tôi lại nghĩ khác. Biết quá nhiều về một người, đôi khi mình lại thất vọng.
Tường lắc đầu cười. Anh ra vẻ thú vị nhiều hơn giận:
- Phải Thúy Diệp mồm mép như cô, chắc ngôi nhà này vui lắm!
Lưu Ly nhẹ nhàng:
- Mỗi người có cá tính riêng. Anh sẽ ân hận nếu tôi là chị ấy.
Nghiêng đầu nhìn Tường, Lưu Ly khách sáo:
- Tôi xin phép về. Cám ơn anh đã cho trú mưa và sửa giùm xe.
Rồi cô chép miệng:
- Cứ mang ơn hoài, khổ tâm quá.... Cho tôi gởi lời chào chị Diệp nhé!
Tường dắt xe ra cho Lưu Ly. Cô đưa chiếc áo gió cho anh. Tường trầm giọng:
- Nếu không có người chờ cơm, tôi đã đưa em một đoạn rồi.
Ly rồ ga nói:
- Hôm ở Xa Cảng, tôi rất cần anh đưa về nhà. Còn hôm nay thì không. Xin cám ơn những gì anh đã làm cho tôi.
Mưa vẫn ray ray hạt nhỏ. Tường dựa cửa nhìn theo Lưu Ly với chút bâng khuâng. Lúc nãy anh đã không giấu được xúc cảm của mình khi gặp lại cô. Lưu Ly như một đóm lửa nhỏ làm ấm căn phòng của anh trong cơn mưa chiều nay. Tường biết mình đã vui quá mức, nói nhiều hơn bình thường, để bây giờ anh ân hận vì mình... dở quá! Gần ba mươi tuổi với bao nhiêu thăng trầm trong đời, anh đâu phải là cậu bé mới lớn, tim đập như đánh trống khi đứng trước con gái. Nhưng rõ ràng từ lúc gặp Lưu Ly cho tới bây giờ, trái tim chai sạn của Tường vẫn còn đầy ấp cảm giác êm đềm rất lạ. Anh vẫn thích trêu cho cô bé ấy nổi cáu lên mới kỳ. Nhưng có sự thật anh lại không dám nói ra, vì sợ cô bé luôn đặt lòng tin vào cha mẹ sẽ bị hụt hẫng. Lưu Ly còn ngây thơ quá nên không sao chịu đựng nổi, nếu cô biết ngày xưa mẹ ruột mình khi là con ở, đã quan hệ với ông chủ đến có mang....  Lưu Ly sẽ không tin vì mẹ ruột cô mà dì Ánh đã tự tử với đứa con mong đợi bao nhiêu năm trong bụng. Cô bé ấy không có tội gì đối với việc làm của ba mẹ mình ngày xưa. Dì Ánh đã chết trước khi Lưu Ly sinh ra. Lúc đó Tường còn bé nhưng anh nhớ như in hình ảnh rùng rợn ấy, vì anh là một trong đám trẻ chơi năm mười ngoài vườn xoài....
Bất giác Tường rùng mình. Lần ấy anh bị ốm liệt giường cả tuần vì sợ. Đám ma dì Ánh được tổ chức vội vàng, chôn liền trong đêm vào lúc không giờ. Ánh lửa bập bùng của những bó đuốc lá dừa vẫn ám ảnh anh tận bây giờ. Suốt thời thơ dại. Tường không dám léo hoánh tới gốc xoài dì Ánh tự tử. Thế nhưng sau đó không lâu, người ta lại phát hiện anh nằm chết giấc ở nơi lạnh lẽo, ảm đạm đó. Lần này anh cũng ốm liệt giường cả tuần lễ, đúng ra phải nói anh ngủ mê mệt cả tuần mới phải. Sau giấc ngủ dài đầy ác mộng đó, anh như người mất vía. Thế là mẹ và tên đàn ông ấy lu loa lên bảo rằng anh bị ma nhập. Anh có điên không, đâu ai biết. Nhưng mẹ, người cho anh sự sống, người biết rõ anh không điên sao lại nỡ đang tâm đẩy đứa con rứt ruột đẻ đau của mình vào cõi trầm luân?
Ngày ấy còn ngây thơ lẫn dại khờ, Tường không hiểu lòng mẹ nghĩ gì, cần gì, muốn gì, và sống dựa vào gì. Anh chỉ câm lặng làm người điên vì thương bà, vì bà là mẹ anh. Thế nhưng sự hy sinh ấy có được gì đâu! Bà không hối hận việc mình đã làm, mà ngày càng lún sâu vào cuộc tình bất minh bất chánh. Bà xem Tường như kẻ điên thật, dù ngày ngày vẫn cho anh đến trường học sau khi đã nghỉ mấy tháng vì bệnh. Mẹ đâu cần biết ở trường anh bị đối xử ra sao, có bạn bè để đùa vui không. Bà chỉ cần có nhiều thời gian rãnh rang để tìm gặp người tình mà không bị con cái theo dõi. Mẹ đã.... tống Hai Nhân ra tỉnh học, nên trong nhà lúc ấy chỉ còn Tường là kỳ đà. Kỳ đà đã biết nhiều chuyện quá nên, cho kỳ đà ra khỏi nhà càng tốt....
- Anh vào ăn cơm cho nóng.
Giọng Thúy Diệp mềm mỏng vang lên cắt dứt dòng hồi tưởng của Tường. Anh quay lại ngơ ngác:
- Đã có cơm rồi sao? Chiều nay cho anh ăn gì đây?
Thúy Diệp nhỏ nhẹ:
- Vẫn món anh thích. Cá trê chiên chấm nước mắm gừng, gà xào và canh....
Đang nói, cô ngừng lại vì nhận ra Tường hỏi cho có lệ chớ tâm trí anh đang trôi tận đâu. Thúy Diệp cố nén tiếng thở dài. Tường vẫn có những phút mất hồn, lạc vía như thế. Nhưng chiều nay Diệp bỗng thấy anh xa lạ hơn thường ngày. Mắt Tường xa xôi hơn. Mặt anh suy tư hơn, trầm ngâm hơn....
Trái tim Thúy Diệp hơi nghẽn lại và đau buốt, khi nghĩ tới cô gái lúc nãy....  Cô chưa bao giờ thấy anh mừng rỡ như thế trước bất cứ người nào. Tường là người lầm lì ít nói. Anh luôn che dấu xúc cảm của mình. Thế mà với cô gái kia, anh lăng xăng lít xít như trẻ con được quà. Dù nãy giờ đã nghe và biết Ly là ai, cô vẫn hỏi:
- Cô ta là ai vậy?
Tường giật mình:
- Em hỏi gì?
Mặt đỏ lên vì kích động, Diệp nhắc lại:
- Em hỏi cô ta là ai?
Tường thản nhiên đáp:
- À! Con gái của dượng Trịnh. Lúc nãy Lưu Ly định vào chào em, nhưng anh ngăn lại vì nghĩ chắc em cũng chả thích ba cái xã giao mất thời gian đó.
Thúy Diệp mai mỉa khi nghe Tường nói dối:
- Em có nói gì đâu. Sao anh lại giải thích dài dòng thế?
- Anh không muốn ai hiểu lầm bạn anh hết.
- Con ông Trịnh và bà Tư Lan thành bạn của anh hồi nào nhanh vậy?
Tường nhếch môi:
- Chuyện riêng của anh, chắc đâu cần giải thích với em. Anh ăn cơm đây? Em có thể về được rồi đó!
Mặt Thúy Diệp hơi cau lại. Cô lặng lẽ tới xát vách dắt chiếc xe đạp Trung Quốc ra, mắt đỏ lên như muốn khóc. Dầu biết rằng xong công việc mình phải về, nhưng bị nghe những lời cộc lốc từ miệng Tường, Thúy Diệp Không sao chịu nổi. Mới vừa vui vẻ yêu đời, chuyện trò ròn rã tức thời, anh đã lầm lì lạnh nhạt với cô rồi. Tường đúng là nhẫn tâm, thế nhưng Diệp không thể rời xa anh. Hằng ngày cô đến dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần ạo lo cơm nước rồi chờ anh về. Cô làm công việc với tấm lòng người vợ, nhưng Tường chưa bao giờ đoái hoài tới cô. Anh không xem Thúy Diệp như một người giúp việc, nhưng thực tế cô có khác thế đâu, khi mỗi tháng Tường vẫn lịch sự tế nhị gởi cô một phong thư tiền kèm theo hộp bánh, lọ dầu thơm hay xấp vải.
Từ ngày rời cái xóm cồn lên thành phố học may đến nay, cô đã nghe lời ba mình lo cơm nước cho cậu Út Tường. Tính ra cũng bốn năm năm rồi chớ ít ỏi gì. Thời gian đó đủ để một cô gái quê thoát xác thành người thành phố. Thúy Diệp đã học xong nghề, đã thành thợ chính cho một tiệm may khá nổi tiếng. Nhưng với Tường cô vẫn là chiếc bóng thầm lặng. Anh rất tử tế với Diệp, song điều cô mong đợi ở anh là tình yêu chớ không phải sự ân cần đó. Cô yêu anh và tiếp tục hy vọng, vì ngoài cô ra, Tường hầu như không để ý, quan tâm hoặc đặc biệt đến cô gái nào khác. Anh mải mê với công việc quên cả bản thân, và có lẽ quên cả yêu. Thế nhưng thái độ của anh chiều nay thì sao? Lần về thăm nhà vừa rồi, Thúy Diệp có nghe ba mình kể chuyện Tường cứu cháu gái ông Chín Trực, khi cô ta té sông. Lúc đó cô không quan tâm lắm vì Diệp quá biết mâu thuẫn lâu nay của hai gia đình. Nhưng bây giờ cô lại lo lắng... Trực giác của cô nhạy bén và cô không thể nào mất người yêu suốt bốn năm năm nay được.
Giọng Tường nhát gừng nhắc nhở:
- Đem theo áo mưa phòng hờ.
Thúy Diệp khịt mũi:
- Không cần đâu!
Máng cái áo lên ghi đông, Tường lững lờ:
- Em không cần nhưng anh cần. Nhỡ em bệnh, ai nấu cơm cho anh đây?
Thúy Diệp chẳng cười nổi, dù trước đây Tường vẫn đùa như thế, cô im im dắt xe ra rồi khép cửa. Trong nhà chỉ còn mình Tường. Anh ngả người lên salon chớ chưa đi ăn cơm. Anh biết mình đối với Thúy Diệp không công bằng, nhưng anh sợ phải dấn thân vào một cuộc tình ngoài ý muốn, nên luôn luôn dửng dưng đáp lại sự lo lắng chăm sóc của cô. Tường cố tình cho Diệp biết cô đến đây vì công việc chớ không vì mục đích nào khác, hàng tháng anh gởi tiền công cho cô hậu hĩnh, nếu thấy chưa hài lòng Thúy Diệp có thể nghỉ. Nhưng cô sẽ không nghỉ làm, dù Tường khe khắt hơn nữa. Tội nghiệp!
Tường thở dài. Tình yêu là điều hết sức lạ kỳ, nó có thể biết ghét thành thương, hận thù thành gần gũi. Trước đây gặp Lưu Ly ở ngoài vườn xoài, Tường không ưa gì cô, chẳng hiểu sao sau đêm đi cùng xe, họa cùng hưởng, mưa cùng đội, và cùng ngồi sát vào nhau, về nhà anh lại thấy nhớ cô bé lóc chóc ấy. Rồi anh tự xua đuổi hình bóng cô bằng công việc là bằng lý do "Lưu Ly là con gái của dượng Trịnh, người đã phụ bạc dì anh để bà phải tự tử chết."
Anh không được quyền nghĩ xa hơn cô. Nhưng lần đi đi về về quê, Tường khao khát gặp lại Lưu Ly, nhưng anh đã thất vọng. Ngay vào lúc Tường nghĩ sẽ gởi nỗi nhớ mong của mình vào vô vọng thì anh bất ngờ gặp cô. Cơn mưa chiều nay thật dễ thương. Dễ thương như em vậy đó, ngọc Lưu Ly trong suốt. Tường mỉm cười một mình. Mặc cho những chuyện ngày xưa đã ảnh hưởng như thế nào tới anh, Tường mơ màng nghĩ tới lúc đối diện với Lưu Ly. Lần này anh sẽ chủ động tìm cô, chớ không thể chờ vào sự bất ngờ, ngẫu nhiên như những lần trước nữa.