Chương 8

    
ưu Ly tò mò hỏi Đoàn:
- Ba mẹ đang cãi chuyện gì nghe căng dữ vậy?
Ra vẻ quan trọng, Đoàn thì thầm:
- Chuyện đất đai chớ chuyện gì. Toàn bộ đất ở dưới, ông nội đã sang tên cho ba hết rồi.
- Thì hôm trước em cũng nghe mẹ nói với giọng hết sức phấn khởi. Sao hôm nay lại gây?
Đoàn bất mãn:
- Tại ba với nội dễ dãi quá nên mất cả năm sáu công đất đang có huê lợi, mẹ bực mình cằn nhằn. Thế là gây! Mà mẹ gây là đúng. Thuở đời đất của mình mà để ai muốn làm gì thì làm.
Lưu Ly băng khoăn:
- Nhưng mà đất chỗ nào?
- Thì chỗ vườn xoài trước kia em từng nói với anh đó. Không biết nội và ba làm sao mà họ dám vô ở phần đất ấy.
- Họ là ai?
Đoàn chắt lưỡi:
- Bọn côn đồ nhà bà Hà chứ ai?
Lưu Ly kêu lên:
- Họ có giấy tờ không mà dám làm thế?
Đoàn ngao ngán:
- Ai mà biết! Mẹ cũng đang tra hỏi ba vụ này. Mẹ nghi trước kia ba đã.... lén cho ở bển năm công vườn, nhưng không hỏi ý nội. Bây giờ họ tới ở, sự việc đổ bể ra không chỉ ông nội giận, mà mẹ còn nổi cơn tam bành lục tặc lên vì ghen.
Lưu Ly le lưỡi thì thầm:
- Trời ơi! Sao lại ghen với người đã chết chứ?
Cô vừa dứt lời thì bà Lan trong hầm hầm bước ra. Hai anh em Ly im phăng phắt khi thấy mẹ nước mắt nước mũi tràn trụa. Mẹ mà khóc thì lớn chuyện rồi, mẹ mà khóc thì bảo đảm ba thua là cái chắc. Bà Lan gào lên:
- Ông ra đây đi! Có mặt con cái đầy đủ, hãy nói cho chúng nghe tại sao đất của mình mà người ta dám tới ở. Trời ơi! Thì ra bao nhiêu năm nay ông lừa tôi, không coi tôi ra gì hết. Tôi đã khổ một đời vì ba mẹ ông rồi. Ông chưa vừa lòng hay sao?
Lưu Ly lo lắng nhìn Đoàn. Anh ngó lơ ra cửa sổ với thái độ dửng dưng làm cô bực bội. Những lúc như vầy không bao giờ anh thể hiện cái chất đàn ông, cái trách nhiệm của con trưởng trong nhà hết. Hôm nay chắc anh cũng im ỉm ngồi nghe ba mạ gây nhau thôi. Cô sợ hãi nhìn ông Trịnh ngồi xuống salon. Ông hất hàm:
- Bà muốn tôi nói sao với con đây? Hừ! So với những gì bà đang có bây giờ thì mấy công đất ấy đáng là bao. Tại sao bà không nhớ lại quá khứ mà rộng rãi với mọi người một chút.
Bà Lan xòe hai tay ra:
- Hiện tại tôi có gì đâu? Hừ! Ông tưởng những gì ông cho tôi trong mấy chục năm nay là nhiều lắm sao? Có những thứ không gì bù đắp được.
Ông Trịnh lạnh lùng:
- Bà nói đúng đó! Có những thứ không gì bù đắp được. Vì vậy chuyện mấy công đất nhượng lại cho Sáu Tiến, bà không gì phải nói nữa hết.
Bà Lan cau có:
- Tại sao phải nhượng cho thằng chả ấy chứ? Tôi không hiểu hết cái từ "nhượng" của ông.
Đoàn cũng chen vào thắc mắc:
- Phải đó ba! Con không biết ông Sáu Tiến là ai, mà nhà bà Hà yêu cầu mình cho ổng ở trên miếng đất đó. Họ đâu có quyền đòi hỏi như thế.
Ông Trịnh trầm giọng:
- Sáu Tiến là bạn của ba hồi nhỏ. Chú ấy nghèo nên làm công cho nhà bác Hà ở bên cồn. Nay con trai út bác Hà lấy đất lại để lập khu du lịch gì đó, chú Sáu không có chỗ ở nên có xin ba cho sang ở bên khu vườn xoài, chớ nhà bà Hà đâu có yêu cầu gì.
Lưu Ly buột miệng:
- Khu đó hoang vắng, không ai chăm sóc hết mà!
Ông Trịnh gật đầu:
- Đúng vậy! Nếu chú Sáu ở, ổng sẽ coi sóc cho mình, mỗi năm thu huê lợi đâu có ít.
Bà Lan cười nhạt:
- Ông đừng hòng qua mặt tôi. Dù không về dưới bao giờ nhưng ở đó cũng là quê hương, bà con họ hàng cho tôi biết toàn bộ huê lợi miếng vườn đó bên con mẹ Hà hưởng trọn mấy chục năm nay. Ông và nội sắp nhỏ không cần biết tới. Nay Sáu Tiến đòi về đó ở tôi nghĩ cũng do mụ Hà bày đặt thôi. Sáu Tiến ở rồi làm sao ông đuổi đi được. Rồi huê lợi đó, sức mấy thằng chả đưa lại cho ông. Hừ! Tự nhiên cõng rắn về nhà! Ông cả tin người quá sức....
Ông Trịnh quát to:
- Bà im đi! Từ lâu tôi coi mình không có miếng vườn đó. Nay cho bạn bè ở nhờ, ba tôi chưa có ý kiến gì. Bà dám cản hả? Nếu cản thì ra khỏi nhà này đi!
Bà Lan sững sờ nhìn chồng, rồi lăn ra salon khóc rú lên:
- Ôi trời ơi, ngó xuống mà coi, người ta đuổi con vì mụ đàn bà đó. Ôi trời ơi! Ông Trịnh ơi! Ngày xưa ông dụ dỗ tôi. Thề sống thề chết với tôi. Hơn nữa cuộc đời tôi hầu hạ Ông, sanh con đẻ cái cho cả họ nhà ông có con trái nối dõi tông đường. Thế mà bây giờ vì người dưng ở đâu đâu, ông đành đoạn đuổi tôi đi. Ông có còn là người chồng tốt, người cha nghiêm cho con cái kính trọng nữa hay không?
Ông Trịnh lắp bắp:
- Bà.... bà... im đi! Đừng kéo chuyện ngày xưa ra nữa, chẳng hay ho gì đâu.
Bà Lan tru tréo:
- Tôi thì hay ho gì. Chỉ có người yêu đã chết....  thè lưỡi của ông mới đáng lập trang miếu mà thờ thôi.
Ông Trịnh đứng dậy vung tay lên. Đoàn vội kéo ông lại trong lúc Lưu Ly ôm lấy mẹ. Cô sợ quá sức! Chưa bao giờ Ly thấy ba mẹ đều giận đến mức.... mất khôn như vậy. Ba chưa khi nào đánh mẹ, thế mà lần này tay ông đã giơ khỏi đầu....  Lúc nãy nếu không có anh em cô ở nhà, chả biết chuyện gì đã xảy ra.
Ông Trịnh thở dài bỏ ra ngoài sân, Lưu Ly nghe tiếng xe của ba. Ông đi rồi mẹ vẫn nằm khóc thúc thít. Thấy Đoàn vào, bà mếu máo nói:
- Chúng bây phải cản không để ông Sáu Tiến vào đất đó. Không sẽ mất luôn đấy! Mẹ nghe dì năm ở dưới lên kể lão ta không vừa gì đâu. Có vợ có con hẳn hoi nhưng vẫn tằng tịu với con mẹ Hà. Bởi vậy mụ ta mới xúi lão tới xin ba tụi bây. Năm công đất đâu phải ít.... Trong khi ông ngoại các con mơ suốt đời một công đất cũng không có. Làm vợ bao nhiêu năm, đã bao giờ mẹ dám mở miệng xin ba các con đâu. Ổng vô tình với bên vợ thì thôi, mẹ cũng chả dám trách. Đằng này.. Híc! Híc! Đằng này ổng.... Híc! Híc! Trời ơi! Mẹ tức đến vỡ tim chết quá.
Đoàn mím môi:
- Mẹ đừng lo! Con không để mất đất dễ dàng vậy đâu. Con sẽ tìm cách thu huê lợi hàng năm trên vườn xoài đó nữa kìa!
Lưu Ly nói ngay:
- Anh tìm cách nào vậy?
Đoàn lừ mắt:
- Mày con nít biết gì mà xía vô.
- Vì không biết em mới hỏi chứ.
Đoàn nhìn mẹ, giọng ngập ngừng:
- Tốt nhất là tìm cách bán quách chỗ đó đi!
Bà Lan chưa nói gì, Lưu Ly đã chen vào:
- Xì! Đất đó bán ai dám mua!
Đoàn gắt gỏng:
- Sao mày ăn nói vô duyên quá! Bán giá hời thử coi người ta chê không?
Lưu Ly bỉu môi:
- Bán rẻ thì như cho rồi còn gì. Mình đâu túng tiền, bán làm chi chứ?
Bà Lan thở dài:
- Lúc nãy mẹ nóng quá nên hư chuyện. Với ba con các con phải dụ ngọt mới xong.
Đoàn cười hì hì:
- Đợi ba về mẹ thay đổi chiến thuật mấy hồi. Đàn ông nào cũng chết vì mật ngọt hết mà. Bây giờ mẹ vào phòng nghỉ đi. Chừng nào ba về, con sẽ nói là mẹ bệnh rồi.
Lưu Ly ngồi thừ trên ghế salon. Cô suy nghĩ và thấy mọi việc bắt nguồn từ Út Tường. Nếu anh ta đừng lấy lại đất bên cồn thì làm gì có chuyện ông Sáu Tiến.... di tản qua đất nhà cô. Tại sao anh ta đuổi thẳng tay người làm cho gia đình mình mấy chục năm vậy kìa? Có phải tại bà Hà đang dan díu với ông Sáu Tiến không?
Cô bật dậy với một quyết định bất ngờ. Phải đến gặp Tường mới được. Nghĩ tới Thúy Diệp tự nhiên Lưu Ly xìu xuống. Cô ta chẳng hiếu khách chút nào, nếu Ly đến đó không gặp Tường lại phiền. Nhưng chuyện này đâu dằng dai được, phải dẹp tự ái, sĩ diện qua một bên để tới nhà anh ta thôi. Với lại thật lòng Lưu Ly cũng muốn nhìn thấy Tường, nghe anh nói những lời không thật của người đã có vợ.
Nửa tháng nay ngày nào tan học, Ly cũng về ngang ngôi nhà đó, nhưng không bao giờ thấy mở cửa. Cô nhớ nhung khổ sở với nỗi buồn giấu kín. Bạn bè ít ỏi hồi học phổ thông giờ mỗi đứa một trường đại học. Cô thì rớt, đành theo khoa quản trị. Ở đại học mở, bạn thân không có ai, mỗi buồn tan trường lủi thủi đi về một mình lẻ loi chán ngắt. Cũng có thể tại cô khó khăn khi chọn bạn. Cũng có thể cô ngại mẹ dò xét quan hệ của mình, nên chả hứng thú tìm tri âm, tri kỷ để những lúc như vầy, chẳng ai hiểu lòng cô. Nhưng nếu có người khuyên Lưu Ly hãy quên Tường đi, cô quên được không?
Lưu Ly nghe tim mình thắt lại, đóm lửa nhỏ trong đôi mắt Tường đêm mưa nào bỗng cháy mãi không nguôi... Cô chạy vào phòng nằm rấm rức và nghe ngoài hành lang giọng anh Đoàn nghêu ngao: "Người đi qua đời tôi trong những chiều đông sầu, mưa mù giăng mấy vai, gió mù lên mấy trời.... " Tội nghiệp mẹ. Bà cố níu chân cô trong nhà, giam cô trong chiếc lồng son xinh đẹp và nghĩ rằng con gái mình sẽ không khổ vì yêu. Bà không biết rằng nếu Lưu Ly từng giao thiệp rộng, từng quen nhiều người thì hôm nay cô đã đâu khốn khổ thế này.
o0o
Thúy Diệp ngạc nhiên đến sững sờ khi thấy người gõ cửa là Lưu Ly. Hôm nay con bé trông xinh xắn dễ thương như con búp bê với bộ váy đơn giản nhưng sang trọng màu trắng. Con bé dám đến tìm Tường tại nhà. Thật là trơ trẽn!
Không thèm mở rộng cửa ra, Thúy Diệp lạnh lùng:
- Anh ấy đi vắng rồi!
Nở nụ cười thật duyên dáng, Lưu Ly nói:
- Tôi sẽ chờ để gặp cho được Tường, vì có chuyện quan trọng.
Thúy Diệp ngần ngừ rồi nép sang một bên để Ly bước vào. Nhất định hôm nay cô sẽ làm cho con nhóc này bẽ bàng tới mức không chờ đến khi Tường về.
Ngồi xuống salon, Diệp ném về phía Lưu Ly cái nhìn khinh thường:
- Cô vẫn thường chủ động tìm đến nhà đàn ông như vầy sao?
Lưu Ly cau mày. Cô không nghĩ vợ Tường lại nói những lời chói tai đến thế, nhưng do đã chuẩn bị tinh thần nên Ly thản nhiên đáp:
- Nếu không chủ động, công việc sẽ trễ nải. Mong chị thông cảm tôi nói chuyện với ảnh nhiều lắm là mười lăm phút.
- Về vấn đề gì?
Lưu Ly nhìn vào mắt Thúy Diệp:
- Đất đai ở dưới quê.
Thúy Diệp ngờ vực nhìn Lưu Ly. Dạo này Tường rất bận, anh đi về thất thường, lắm hôm bỏ cả cơm nước làm cô lo lắng. Thúy Diệp biết Tường đang xoay một số vốn khá lớn để xây khu du lịch bên cồn. Chẳng hiểu công việc của anh tới đâu, mà suốt ngày Tường lầm lì, bực dọc khiến Thúy Diệp phát sợ. Không dám hỏi thăm, cô chỉ cố làm những món ăn ngon, vừa miệng anh. Nhưng dường như Tường cũng chả màng tới việc ăn uống. Anh dùng bữa qua loa rồi lại đi, Thúy Diệp chưa nghe anh nói gì về đất đai hết. Vậy Lưu Ly muốn gặp Tường là sao nhỉ?
Thúy Diệp nôn nóng:
- Cô có thể nói rõ hơn không?
Lưu Ly ngần ngừ tính toán rồi nhỏ nhẹ:
- Xin lỗi! Tôi chỉ nói với riêng anh Tường thôi.
Thúy Diệp dài giọng:
- Bí mật dữ vậy sao? Hừ! Chắc cô nghĩ tôi không biết gì về gia đình cô hết. Nói thật nhe, cô đừng tưởng anh ấy đã quên chuyện ngày xưa mẹ cô giật chồng của dì Ánh, rồi tới đây như vầy. Khó coi lắm.
Lưu Ly chồm người tới trước:
- Nè! Đụng tới ba mẹ tôi là không được đâu. Ai giật chồng ai hả? Chị lớn mà nói bậy, tôi không nể à nha!
Khoanh tay đầy ngạo nghễ, Thúy Diệp khinh khỉnh:
- Tôi nói những chuyện ở dưới quê ai cũng biết hết, chớ không nói bậy. Hôm trước anh Tường vì lịch sự nên giấu lý do khiến dì Ánh chết. Tôi thấy cô hí hửng tin một cách ngây thơ những lời anh nói mà buồn cười.
Bỉu môi một cái, Diệp gằn từng tiếng:
- Đóng kịch hay lắm! Chối bỏ tội cho mẹ hay lắm! Chẳng lẻ lương tâm cô yên ổn khi nghe Tường nói không hận thù, không đòi món nợ xưa kia sao?
Lưu Ly vô cùng bối rối. Cô nghiêm giọng:
- Nếu cho rằng những lời Tường nói là sai, thì chị hãy nói sự thật đi!
Thúy Diệp nhún vai:
- Được! Tôi nói ra sự thật để cô em biết điều đừng tới làm phiền Tường nữa, vì tôi tin cô rất tự trọng, chớ không giống mẹ cô ngày xưa, từng phá hạnh phúc....
Lưu Ly lạnh lùng ngắt ngang:
- Chị khỏi phải dài dòng.
Thúy Diệp so vai nói một hơi:
- Trước khi ăn ở với bà Tư Lan, ông Trịnh đã cưới dì Ánh. Hai người sống với nhau ở Sài Gòn được chừng sáu năm. Vì dì Ánh ốm yếu hay đau ốm, bà Chín Trực mới đưa một cô giáo quê vừa mười bảy tuổi lên để phụ con đâu công việc nhà.
Liếc Lưu Ly một cái, Diệp châm chọc:
- Chắc cô biết cô gái quê ấy là ai rồi? Bà Tư Lan ngày xưa là một con ở chánh cống đấy!
Lưu Ly ngồi chết trân trên ghê. Cổ họng khô ran, cô cố giữ bình tĩnh để nghe Thúy Diệp nói tiếp:
- Tuy còn nhỏ tuổi nhưng cô gái quê ấy rất ranh am, thủ đoạn. Cô ta biết lợi dụng nhan sắc, tuổi trẻ, sự nghèo khó của mình để khơi gợi lòng thương hại của ông chủ vốn dễ tin, giàu lòng hào hiệp. Sau một lần mổ ruột, bà Ánh về quê ở với mẹ chồng để được chăm sóc kỹ lưỡng hơn, cô tớ gái thừa cơ hội đã mê hoặc ông chủ trẻ.
Lưu Ly nuốt nước bọt:
- Chị nói ngắn gọn giùm.
Thúy Diệp cười độc ác:
- Câu chuyện dài mấy mươi năm, làm sao kể ngắn gọn được. Nhưng vì bận làm cơm cho anh Tường tôi đành tóm lại vậy. Tới đâu rồi nhỉ? À.... khi dì Ánh trở lên thì chồng mình đã bị... giật mất rồi. Ông Trịnh năn nỉ quá, dì Ánh cũng đành bỏ qua. Thừa thắng xong lên, Tư Lan xúi ông Trịnh về xin cha mẹ cưới thêm vợ bé cho mình với lý do dì Ánh hiếm muộn.
Thấy Lưu Ly ôm đầu, Thúy Diệp hạ giọng:
- Gia đình chưa đồng ý, thì Tư Lan đã có thai. Dì Ánh chịu đau khổ không nổi, đành trở về quê ở với bà chị ruột, cạnh nhà cha mẹ chồng.
Lưu Ly gượng gạo thêm vào:
- Và sau đó dì ấy tự tử vì buồn?
Thúy Diệp nhếch môi:
- Nếu đơn giản như vậy thì có gì phải nói. Khi bà Tư Lan sanh con trai thì cả họ nhà ông Trịnh đều mừng như bắt được vàng. Dì Ánh tuy rất buồn nhưng vẫn cố sống trong an ủi vì mẹ ông Trịnh rất quý mến bà. Bẵng đi mấy năm biệt tăm, ông Trịnh lại trở về quê phụ gia đình việc vườn tược, để xin tiền mà không xấu hổ. Dạo đó nghe nói ông làm ăn bị thua lỗ lã ghê lắm! Gặp lại vợ cũ, ông rất xúc động. Vốn là kẻ đa cảm, đa tình, ông đâu thể bỏ mặc vợ, khi đêm đêm ông phải một mình. Thế là dì Ánh có thai. Điều khó tin đối với người vốn rất chậm đường con cái.
Lưu Ly mở to mắt nhìn Thúy Diệp, giọng cô ta vẫn đều đều:
- Hồi đó nhà dì Hà có một người bạn của chồng ở, để phụ việc trong nhà. Chẳng biết ông Trịnh nghe lời xúi dục của bà Lan ra sao mà nhất định nói giọt máu trong bụng dì Ánh là của ông Sáu Tiến chớ không phải của mình.
Lưu Ly muốn nhảy nhổm lên khi nghe Thúy Diệp nhắc đến tên Sáu Tiến. Cô hốt hoảng hỏi:
- Rồi sao nữa?
- Chính sự chối bỏ độc ác này mà dì Ánh mới tự tử, với cái thai ba tháng.
Đưa tay quẹt những giọt mồ hôi rịn ra trên trán, giọng Lưu Ly khàn đặc:
- Từ trước tới giờ tôi hoàn toàn không biết gì cả.
Thúy Diệp ngạo nghễ:
- Có ai bắt lỗi cô đâu mà phân trần! Làm sao ba mẹ cô dám kể những chuyện này với con cái? Hừ! Nhưng cuộc đời mà, cô cần phải biết cha mình đã sống như thế nào để tu tâm dưỡng tánh, vô chùa làm phúc, và nhất là đừng khi nào đi lại con đường ngày xưa mẹ mình từng đi.
Lưu Ly khó chịu trước cách kẻ cả của Thúy Diệp, nên dù đang hoang mang, cô cũng bực dọc nói:
- Tôi muốn biết sự thật chuyện ngày xưa chớ không cần nghe ai lên lớp cả.
- Vậy.... hết chuyện rồi đó! Cô còn có ý chờ Tường nữa không?
Lưu Ly làm thinh. Cô muốn gặp Tường vì chuyện ông Sáu Tiến xin ở nhờ làm ba mẹ gây gổ. Bây giờ rõ ra ba đồng ý cho ông ta ở vì nguyên nhân hết sức sâu xa. Chính vì nguyên nhân này ông mới khổ tâm định đánh mẹ. Nếu gặp Tường, anh sẽ giải quyết gì khi vấn đề này ngoài khả năng của anh?
Tất cả những lời Thúy Diệp vừa kể vẫn còn làm Lưu Ly choáng váng. Cô không hiểu sao Tường lại giấu mình. Tại anh thương hại cô à? Thật là kỳ. Anh cần gì phải tội nghiệp cô chứ!
Đang ngồi trên salon với biết bao câu hỏi thì Lưu Ly nghe tiếng mô tô ngoài cổng Tường về tới rồi. Dù đã cố dằn, trái tim đầy hoang mang của Lưu Ly vẫn loạn nhịp. Anh như sững sờ khi nhìn thấy cô. Không cần để ý tới Thúy Diệp, Tường lao vào nhà như con lốc. Tự nhiên Lưu Ly tủi thân vô cùng khi nghĩ anh từng dối mình. Mím môi lại, cô cố dằn ấm ức xuống, nhưng không hiểu sao nước mắt cứ chực trào ra. Tường ngồi sát bên cô ngạc nhiên:
- Sao vậy Lưu Ly?
Cô lắc đầu, mặt cúi gầm xuống. Tường đứng phắt dậy gắt gỏng:
- Em đã nói gì hả, Thúy Diệp?
Thúy Diệp thản nhiên:
- Nói những gì cô ta thắc mắc. Nãy giờ Lưu Ly chờ anh vì chuyện đất đai ở dưới quê. Chờ cũng lâu lắm rồi đó!
Lưu Ly gượng gạo:
- Nhưng bây giờ tôi thấy không cần nữa. Xin phép anh chị tôi về đây!
Tường cản lại:
- Không được!
Quay sang Thúy Diệp, anh bảo:
- Chiều anh không ăn cơm, em có thể đi đâu tùy ý.
Rồi chẳng cần biết Diệp còn đứng đó hay không, Tường chăm chú nhìn Lưu Ly, giọng anh hết sức dịu dàng:
- Sao vừa gặp tôi đã đòi về rồi?
Lưu Ly chớp mi ấm ức:
- Vì anh không thành thật chút nào?
- Tôi dối Lưu Ly chuyện gì nhỉ?
Cười nhạt, cô trả lời:
- Chị Thúy Diệp đã kể nguyên nhân dì Ánh tự tử cho tôi nghe rồi. Thì ra mọi người đều gạt tôi, kể cả anh, người tôi tin thành thật.
Mặt Tường thoáng cau lại một chút, anh hỏi:
- Lưu Ly tới là vì chuyện này à?
Lưu Ly lắc đầu. Cô buồn bã nhìn anh:
- Tại sao anh lại nói dối?
Tường hơi chồm người về phía trước, giọng nhỏ nhẹ:
- Tôi ghét khơi lại đống trò tàn. Tại sao phải kể, cho số người biết tấm bi kịch ấy tăng thêm chứ? Thật ra tôi đâu dối Lưu Ly, tôi chỉ nói xuôi theo những điều em được biết, với hy vọng em cứ vô tư, an tâm nghĩ tốt về ba mẹ mình.
Lưu Ly kêu lên:
- Nhưng anh có cảm nhận được sự hụt hẫng đến choáng váng của tôi không? Chắc không đâu? Anh làm ra vẻ cao thượng bỏ hết chuyện xưa kia, nhưng thật thì anh đang lợi dụng nó để làm áp lực bắt ba mẹ tôi đáp ứng yêu cầu của anh. Anh dễ ghét chớ không như tôi nghĩ....
Nói tới đây Lưu Ly chợt ngừng lại khi nhận ra mình đã... thổ lộ cả tấm lòng. Song hình như Tường không để ý câu sau cùng của cô, anh hấp tấp hỏi gằn:
- Lợi dụng để đáp ứng yêu cầu là sao?
Lưu Ly bĩu môi:
- Nếu không phải anh xúi thì ông Sáu Tiến gì đó làm sao dám đến xin ba tôi cho ổng ở trên vườn xoài được. Lâu nay toàn bộ huê lợi, nhà anh hưởng, bây giờ muốn cho người sang chiếm đất luôn à?
Tường nóng nảy đấm xuống bàn làm Lưu Ly giật mình. Từ trong bếp Thúy Diệp chạy ra ngạc nhiên:
- Chuyện gì vậy?
Khoát tay, Tường bảo:
- Em về đi. Chuyện này của chúng tôi.
Đợi Thúy Diệp giận dỗi dẫn xe ra ngoài xong, Tường hỏi ngay:
- Ai nói với em vấn đề này?
- Chả ai nói hết, nhưng không đúng sao?
Tường ngồi thừ người ra, hai tay nắm chặt vào nhau, mặt lầm lì, mắt trầm tư như đang suy tính dữ dội. Anh dịu giọng:
- Có đúng là Sáu Tiến xin qua vườn xoài ở không?
Lưu Ly giận dỗi:
- Sao lại hỏi tôi? Ông ta nêu lý do là cậu Út Tường lấy lại đất bên cồn lại để thành lập khi du lịch, nên không có chỗ ở kia mà! Hừ! Anh giả nai hay lắm! Ba mẹ tôi gây nhau vì thủ đoạn mượn người chiếm đất của nhà anh. Nếu không.... ai thèm tới đây làm chi.
Tường phân trần:
- Lưu Ly! Tôi chả biết gì về chuyện này hết.
Lưu Ly hơi thách thức:
- Bây giờ biết rồi. Anh tính sao?
Mặt Tường trở lại vẻ bình thản. Anh ngẫm nghĩ và nói:
- Tôi chưa thể trả lời bây giờ. Nhưng tôi hứa sẽ không có ai vào ở trên đất nhà của em hết. Em vừa lòng chưa?
Lưu Ly ngột ngạt:
- Tôi cũng chưa thể trả lời. Hừ! Nếu tôi không tới đây, anh lấy ai để hứa như vừa rồi?
Giọng Tường trầm hẳn xuống:
- Có thể em không tin, nhưng thú thật những điều em vừa cho biết về Sáu Tiến, đang làm tôi bực mình đây. Sáu Tiến đúng là thủ đoạn. Ông ta lợi dụng chỗ bạn bè để đòi hỏi quá đáng. Nhưng hạng người đó đâu xứng đáng để dượng Trịnh đối xử tốt như vậy.
Lưu Ly buồn bã:
- Chắc ba tôi vì người đã chết, chớ không vì ông ta đâu.
Thở dài một cái, cô khổ sở nhìn Tường:
- Những điều chị Diệp nói quả là kinh khủng. Tôi thấy sợ khi nghĩ một lát nữa quay về nhà sẽ gặp mẹ, sẽ nghe những lời bà dạy bảo, sẽ vâng vâng dạ dạ như trẻ con trước một người mẹ luôn đúng, tốt, giỏi về mọi mặt. Từ trước đến giờ tôi không hề thần tượng mẹ, bây giờ còn gì nữa đâu. Trong lòng tôi, hình ảnh một bà mẹ tầm thường cũng không có. Tất cả tan vỡ hết rồi.
Đưa tay lên che mặt, Lưu Ly nghẹn nào:
- Ba mẹ đã giấu tội lỗi của mình bao nhiêu năm nay. Tôi căm ghét bản thân và xấu hổ khi nghĩ tới những lúc đã cố tình tin là ba mẹ mình rất tốt.
Tường dịu giọng:
- Tôi hiểu! Em đang thất vọng vì sự thật ngoài sức tưởng tượng. Nhưng em không có lỗi trong chuyện này. Với em, ba mẹ vẫn tốt kia mà!
Lưu Ly rưng rưng:
- Vậy sao mọi người nhìn tôi bằng ánh mắt dè bỉu? Trước kia anh Hai Nhân mắng tôi những lời độc địa, rồi lúc nãy vợ anh cũng thế. Rõ ràng họ xem tôi như một tội phạm đáng khinh nhất. Việc gì anh phải an ủi chứ!
Tường ngập ngừng:
- Họ là những người nhỏ mọn, tâm địa hẹp hòi. Họ chưa biết khổ là gì nên không thông cảm với ai cả. Tại sao Lưu Ly phải làm khổ mình vì những kẻ như vậy?
Lưu Ly bật cười chán chường:
- Anh lại an ủi tôi bằng cách nói xấu vợ và anh mình à! Ôi! Thật là nhân thế tình thái. Tôi đã lầm người. Lầm tất cả mọi người rồi!
Dứt lời cô đứng dậy, nước mắt hoen mi. Tường vội vàng nắm tay Lưu Ly thảng thốt:
- Em đi đâu vậy?
Lưu Ly giật tay lại:
- Tôi chán mọi thứ! Chán lắm rồi, đi đâu mặt xác tôi, không cần ai thương hại hết.
Tường lắc đầu:
- Em lại chanh chua nữa rồi! Tại sao nói Thúy Diệp là vợ tôi nhỉ? Nói thế tội nghiệp cô ấy! Vì Diệp chỉ là người giúp việc cho tôi thôi....
Thấy Lưu Ly khựng lại, Tường vội kéo cô ngồi xuống. Tự nhiên Ly khóc ngon lành. Cô có cảm giác mình đang trôi nổi giữa trùng trùng sông rộng mà vớ được phao. Tường không phải là phao nhưng một lần nữa lại làm điểm tựa cho cô trong cơn hoảng loạn. Từ lúc nghe Thúy Diệp kể về ba mẹ mình tới giờ, Ly thèm khóc cho hả những đau đớn biết bao, nhưng cô đã dằn lòng. Lúc này mọi dè dặt trôi đâu cả, cô cứ tựa vào salon mà khóc vì tủi, vì khổ tâm.
Anh vỗ về:
- Cứ khóc đi.... em bé. Rồi tất cả cũng sẽ lắng xuống đáy thời gian như nó từng nằm sâu bao nhiêu năm nay. Em sẽ quên và quên đi thôi mà!
Lưu Ly tức tưởi:
- Anh đừng an ủi nữa. Lúc nãy nếu nghe mắng nhiếc, chắc tôi dễ chịu hơn. Tại sao lại như vậy chứ? Ba mẹ lừa tôi đến chừng nào đây.
Tường nói:
- Đâu cha mẹ nào can đảm kể với con cái những chuyện như vậy! Em không nên trách, mà nên nghĩ ba mẹ bây giờ cũng canh cánh bên lòng nỗi khổ riêng. Họ sợ ngày nào đó con mình rứt ruột sinh ra sẽ xem thường họ, thậm chí không nghe lời dạy dỗ vì những lỡ lầm của họ thời còn trẻ. Tôi chưa gặp dì Tư Lan lần nào, nhưng tôi tin dì ấy rất yêu thương và lo lắng cho em....
Lời Tường nói làm Lưu Ly nín khóc. Đúng là đối với con cái, ba mẹ không có lỗi. Lưu Ly không được quyền lên án khi chưa hiểu hết nỗi lòng của hai người. Dù dì Ánh đã chết vì bà, nhưng mấy chục năm nay mẹ sống thanh thản hay luôn bị dằn vặt, chưa bao giờ cô để ý hết. Cô chỉ đòi hỏi, phân bì, cho rằng mẹ không công bằng với mình chỉ vì bà hay nhấn mạnh một điều: Phải khe khắt, khó khăn với con gái.... Bà nhốt Lưu Ly trong lồng son vì sợ cô gặp những chuyện lỡ lầm như mình hồi còn trẻ phải không?
Lưu Ly hoài nghi nhìn Tường. Anh có thương hại cô không mà nói như thế?
Cô trầm giọng:
- Anh nói đúng, rồi tôi sẽ quên dần và quên đi chuyện này, nhưng bây giờ phải làm gì để đối xử bình thường với ba mẹ? Tôi sợ mình không đóng kịch được. Rốt cuộc ai cũng khổ hết khi bên lòng luôn canh cánh một nỗi niềm riêng. Tốt nhất cứ thẳng thắng nói những gì mình đã biết, có lẽ sẽ nhẹ nhõm hơn.
Tường chắc lưỡi:
- Điều ấy thì dễ rồi nếu em là người can đảm. Chậc! Nói thì hay lắm nhưng không đơn giản chút nào, khi động vào vết thương sâu kín luôn nhức nhói của ba mẹ. Em chịu đựng nổi cảnh cha mẹ phải ngồi gục đầu vì những lời lên án của mình không?
Lưu Ly thở dài. Cô nhìn khói thuốc bay dật dờ và hỏi:
- Nếu là anh, anh sẽ làm sao?
Tường nhẹ nhàng:
- Với quá khứ, tôi thích im lặng hơn.
- Im lặng đâu có nghĩa là đã quên.
- Đúng vậy! Quên hay nhớ không do trái tim mình định đoạt, nhưng vì người khác, ta phải biết dằn lòng.
Nhìn Lưu Ly, Tường nói tiếp:
- Đó là cách suy nghĩ, giải quyết của tôi, xin em đừng xem như lời khuyên.
Lưu Ly im lặng, trong phòng chỉ còn tiếng quạt rì rì rất nhỏ. Cô rụt rè nhìn anh:
- Tôi phải về thôi!
Tường vội kêu lên:
- Sao vội thế! Tôi vẫn còn nhiều chuyện chưa nói với em mà!
Lưu Ly ngập ngừng thoái thác:
- Tôi không còn tâm trí đâu để nghe nữa.
Tường gục gặt đầu:
- Tôi hiểu, nhưng nếu về nhà, hoặc cỡi xe lang thang khắp thành phố vào lúc này, em còn bị khủng hoảng hơn nữa. Dầu sao ở đây vẫn có người để Lưu Ly trò chuyện cho khuây khỏa.
Cô nhếch môi chán nản:
- Chắc gì anh hiểu tâm trạng của tôi.
Tường không trả lời. Anh liên tục bật rồi tắt cái hột quẹt trên tay, trán nhíu lại như đang quyết định chuyện quan trọng.
Chả hiểu sao Lưu Ly cũng không chịu về như cô vừa nói. Đúng là lúc này cô sợ có mặt ở nhà, sợ ngồi đối diện với mẹ hoặc ba trước mâm cơm. Còn lang thang một mình trên phố, thì cô chả thích, nên miệng nói về nhưng chân không nỡ nhấc lên. Nơi Ly đang cần là ở đây, với người lâu nay cô luôn nghĩ tới. Tường không bị ràng buộc với ai, sao cô lại dối lòng khi nói "phải về" chớ?
Giọng Tường bồng tràn đầy xúc động:
- Tôi không dám cho là tôi hiểu tâm trạng của Ly, nhưng tôi có thể chia sẻ, cảm thông với em bằng một câu chuyện....
Lưu Ly chớp mi:
- Chuyện kể về anh à!
Tường nhè nhẹ lắc đầu:
- Về nhiều người, trong đó có tôi.
- Có.... tôi không?
Tường nhìn cô mê mải rồi nói:
- Chắc chắn phải có, tôi tin vậy.
Không để ý đến câu nói đầy vẻ khó hiểu của anh, Lưu Ly ngồi yên với nét mặt chờ đợi.
Tường trầm tư:
- Hồi bé tôi rất được cha thương, có lẽ vì tôi giống ông nhiều hơn anh Nhân. Nhưng cha tôi chết trẻ, lúc tôi mới mười tuổi. Dù gia đình thuộc hàng giàu có, nhưng sớm mồ côi cha vẫn là bất hạnh. Và nỗi bất hạnh ấy đã giáng xuống đầu tôi.
Lưu Ly đoán mò:
- Không lẽ vì đau lòng trước cái chết của bác trai, mà anh đã.....đã điên?
Tường bỗng hơi gắt gỏng:
- Tôi chưa bao giờ điên hết. Trái lại thần kinh của tôi là thần kinh thép....
Thấy mặt Ly hơi xìu xuống, Tường vội vàng đùa với suy nghĩ sẽ làm cô vui lên:
- Em mà còn nghĩ tôi đã từng điên, chắc tôi sẽ điên thật mất.
Lưu Ly châm chọc:
- Vậy anh thử... điên đi, xem ra sao?
Tường cười cười:
- Điên có nhiều loại, riêng tôi khi điên hay cắn bậy lắm, xúi tôi... lên cơn rồi la làng nghen.
Lưu Ly cũng cười theo anh, bất chợt cô quên khuấy những dằn vặt trong lòng. Tường đùa cũng vì muốn cô khuây khỏa. Lúc nào anh cũng tốt với Ly hết, hay cô tưởng tượng thế?
Tự nhiên Lưu Ly bồi hồi khi nhận ra mình gần gũi anh biết bao. Dù chỉ gặp và trò chuyện với anh ba bốn lần, nhưng hình như....
Tiếng anh trầm trầm vang lên cắt dòng suy tưởng của Ly:
- Dì Ánh tự tử sau khi ba tôi chết được một năm. Chính tôi phát hiện xác dì ấy trên cây xoài. Lần đó vì quá sợ, tôi ốm liệt giường cả tuần, đêm nào cũng mê sảng làm mọi người lo dì sẽ... dắt tôi theo, vì dì Ánh rất thương tôi. Cả dượng Trịnh cũng thế, bao giờ gặp, ông cũng dúi vào tay tôi tiền....
Lưu Ly nghiêm nghị:
- Thế anh có... ghét ba tôi không?
- Hồi đó còn quá nhỏ tôi chưa hiểu biết chuyện của người lớn để có thể ghét hay ưa. Đến lúc đủ khôn ngoan thì phải đối đầu với những nghịch cảnh khác, tôi không nhớ đến chuyện thù hận, dượng Trịnh hay bà Tư Lan đâu.
Lưu Ly bĩu môi không tin:
- Vậy sao lần đầu gặp tôi ở vườn xoài, anh lạnh lùng nói không hề quên chuyện xưa. Đã vậy còn bảo tôi "xéo ngay" nữa.
Tường nheo nheo mắt:
- Vì lúc ấy trông em dễ ghét lắm!
Lưu Ly nhún vai:
- Tôi lúc nào cũng dễ ghét hết.
Tường nghiêng đầu ngắm cô:
- Lúc này thì không đâu.
Ly liếc anh một cái, mặt đỏ bừng. Cô chưa biết phải trả miếng thế nào, Tường đã nói tiếp:
- Thuở ấy tôi trả biết gì cả, con trai ở tuổi mười hai mười ba còn khờ lắm, đầu óc lúc nào cũng lo đá banh, thả diều chứ đâu để ý chuyện gì. Tôi rong chơi suốt ngày nhưng không đời nào dám léo hoánh tới chỗ dì Ánh đã thắt cổ, nhất là từ khi dượng Trịnh lập cái miếu thờ. Tôi xa lánh nơi ấy vì một nỗi lo sợ mơ hồ nào đấy cho cuộc đời mình sau này, nhiều hơn là sợ người đã chết. Thế nhưng đúng là số phận trớ trêu, dù không tới vườn xoài tôi cũng bị lôi tới.
- Sao lạ vậy?
- Chẳng có gì là lạ. Vì chuyện nào cũng có nguyên do cả.
Tường trần ngâm nói tiếp:
- Ngay ngôi nhà sàn của tôi bây giờ, xưa kia là ngôi nhà sàn bằng gỗ rất đẹp do ba tôi tự tay chọn từng cột mun, ván gỗ dựng lên. Khi ông chết rồi, tôi thường tới đó ngồi trên balcon nhìn xuống dòng sông phía sau nghĩ lung tung. Có một lần nghỉ học giữa chừng, tôi tới nhà sàn và lên lầu....
Nhếch môi một cái Tường nói tiếp:
- Em biết tôi đã thấy gì không?
Ly lắc đầu thật nhanh. Cô bỗng hồi hộp khi đôi mắt anh bỗng dưng tối xầm lại, giọng hết sức lạnh:
- Tôi đã thấy mẹ tôi và Sáu Tiến.... thật kinh khủng! Tôi choáng tới mức đâm đầu chạy rồi té từ cầu thang xuống đất. Lại lùng sao khi tỉnh dậy tôi lại nằm ngoài vườn xoài, lúc đó trời tối rồi, vây quanh tôi có rất nhiều người với những bó đuốc lá dừa bập bùng.
Tường rùng mình:
- Tôi không bao giờ quên những ánh lửa bập bùng như ma trơi đó.... Nó đã ám ảnh suốt thời thơ dại của tôi.
Lưu Ly kinh ngạc:
- Tại sao anh lại nằm đó? Bộ.... người nào đã lôi anh ra à!
Tường chua chát:
- Người nào bây giờ, ngoài mẹ tôi và Sáu Tiến!
- Nhưng tại sao hai người lại làm vậy?
- Tại họ muốn dựng một vở kịch, trong đó tôi phải làm một diễn viên bất đắc dĩ.
Lưu Ly trầm giọng:
- Anh càng nói tôi càng thấy khó hiểu.
Tường đứng dậy:
- Vậy em tự suy nghĩ xem. Cũng đơn giản thôi mà! Tôi vào tìm nước uống nhé!
Lưu Ly nhìn theo dáng cao lớn, nhanh nhẹn của Tường rồi nhíu mày. Cô suy nghĩ lung tung, nhưng không dám đưa ra kết luận vì thấy vô lý quá!
Trở ra với hai lon Pepsi trên tay, Tường khui rồi đưa Ly một lon. Anh tự nhiên uống và nói:
- Em nghĩ ra rồi chứ?
Lưu Ly gật đầu:
- Tôi có nghĩ, nhưng không tin rằng anh phải đóng vai diễn.
- Sao lại không, khi trên đời này chuyện gì chẳng xảy ra được. Chính hai người đã cho tôi uống thuốc ngủ, rồi kéo ra đó. Chờ đến tối mẹ mới hô hoán người nhà đi tìm vì tôi chưa về.
Uống thêm một ngụm nước ngọt nữa, Tường kể tiếp bằng giọng đều đều vô cảm:
- Chính chú Năm, ba của Thúy Diệp, tìm thấy tôi đầu tiên. Chú ấy bảo lúc đấy người tôi đã lạnh ngắt. Phải làm hô hấp, xoa bóp đủ thứ tôi mới mở mắt ra, nhìn trân trân xung quanh rồi lại mê man.... Rồi từ hôm đó trở đi, tôi luôn mê ngủ và bị nhốt một mình trong phòng tối.... Ai cũng bảo tôi bị mất hết hai hồn, năm vía rồi. Không khéo sẽ đi theo dì Ánh mất!....  Từ đâu chả hiểu, Sáu Tiến rước một lão thầy bùa. Lão dán bùa, bắt ấn, niệm thần chú gì chả biết. Chỉ biết sau mấy ngày tụng niệm, cả xóm này gọi tôi là "cậu Út" với giọng hết sức tôn kính.
Lưu Ly ấm ức:
- Nhưng anh đâu có khùng, sao không biện hộ cho mình?
Tường nhếch môi:
- Ai sẽ tin lời biện hộ của một thằng nhó khi chính mẹ nó đã khẳng định "Nó điên rồi vì dám phá nơi.... qua lại người cõi âm". Em biết không, ngày nào mẹ và Sáu Tiến cũng bắt tôi uống thuốc mà họ gọi là bùa. Uống thứ ấy vào tôi chập chờn, nửa tỉnh nửa mê. Còn không uống thì bị trói, bị đánh. Lão thầy pháp vứt vào người tôi biết bao thứ dơ bẩn, và nện tôi không biết bao nhiêu trận để phục hồn ma vớ vẩn nào đó ra khỏi thân xác đã nhừ đòn.
Lưu Ly xót xa nhìn gương mặt buồn bã của Tường. Anh bỗng dưng lạnh thinh như chìm vào cõi riêng đầy đơn côi. Cô chợt thấy nỗi đau của mình so với những gì anh phải gánh chịu ở tuổi mười hai mười ba, chả thấm vào đâu cả.
Tường mím môi:
- Thoạt đầu tôi chống cự, mắng chửi lại rất hăng, nhưng liền sau đó tôi nhận ra càng chống đối càng bị đòn, bị bỏ đói, nên tôi nhanh chóng ngoan ngoãn, cam chịu, nghe theo tất cả lời của lão thầy pháp, của mẹ và nhất là của Sáu Tiến. Trong mắt tôi lúc ấy Sáu Tiến mới chính là ma quỷ, hắn đang mỗi ngày bắt một phần hồn của tôi để thay vào đó là nỗi sợ hãi, nhục nhằn lẫn căm thù. Khi hiểu mục đích của mẹ và Sáu Tiến là muốn tôi không nói ra những gì đã thấy, hoặc có nói cũng chả ai tin, thì tôi cũng đủ khôn để biết rằng mình muốn yên thân, phải căm lặng, phải khùng khùng, điên điên như ý mẹ muốn. Và thế là tôi làm như Tôn Tẩn, chỉ khác Tôn Tẩn giả điên vì thằng bạn phản trắc còn tôi lại vì mẹ ruột của mình. Tôi đã già đi, khôn lõi, biết tính toán trước sau với lứa tuổi mười hai rất nhiều.
Tường bật quẹt lên rồi nhìn ngọn lửa xanh nhảy nhót trước mặt. Anh cười buồn:
- Xem như tôi mất trắng thời hoa niên thơ mộng.
Lưu Ly ngập ngừng:
- Không lẽ suốt thời gian dài anh cứ phải giả điên mãi.... làm sao chịu nổi?
Để hột quẹt lên bàn, Tường nói:
- Với tôi điên nghĩa là ù lì, im lặng, ngơ ngẩn, ngơ ngác. Để yên thân thì phải giả ngốc thôi! Sau một năm ở nhà vì.... bệnh, tôi được đi học lại. Ngoài thời gian ở trường, tôi rút vào góc riêng của mình và vùi đầu vào sách. Hồi còn sống ba tôi mê sách lắm ông mua nhiều chất đầy mấy cái kệ to trong ngôi nhà hiện nay mẹ tôi và Hai Nhân ở. Ngày này ngày nọ, tôi như một con mọt gậm dần hết đống sách ấy.
Lưu Ly hỏi:
- Còn mẹ anh và ông Sáu Tiến thì sao?
Tường thản nhiên:
- Họ vẫn là một đôi tình nhân, nhưng dè dặt, kín đáo hơn. Lợi dụng sự nhẹ dạ của đàn bà, Sáu Tiến bòn rút tiền bạc của mẹ tôi đem sắm sửa cho vợ. Bà biết, nhưng làm ngơ vì sợ hắn bỏ đi luôn. Trong lòng mẹ tôi chỉ còn lại mỗi mình Sáu Tiến nên càng ngày hắn càng lạm quyền, không coi bà ra gì. Hắn tự nhiên ở trong ngôi nhà sàn của ba tôi và xem nó như của mình....
Lưu Ly ngập ngừng:
- Chính vì vậy anh đốt nó?
Tường nhướng mày:
- Em cũng biết chuyện này nữa à?
Lưu Ly gật đầu:
- Tôi có nghe kể, nhưng không biết tại sao?
Tường khó nhọc nói:
- Tôi đã đốt nó vì lòng ích kỷ, vì sự bất mãn, lẫn bất lực trước cuộc sống mà tôi ngỡ không bao giờ đối chọi được. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy việc làm đó thật sai lầm.
Lưu Ly an ủi:
- Dù sao lúc ấy anh còn quá nhỏ kia mà!
Tường lại nói:
- Nhưng chính nhờ hành động quá khích này, Sáu Tiến không dám lộng hành, hắn về ở mảng đất bên cồn, thỉnh thoảng mới qua bên vườn và luôn dè chừng đối với tôi. Tính ra hắn nhờ làm quản lý cho gia đình tôi mà giàu lên. Trong khi ấy Hai Nhân chả hay biết gì hết, tối ngày ảnh chỉ nhậu nhẹt bê tha, miễn sao mẹ tôi cho nhiều tiền là được. Tôi cứ điên như vậy cho đến năm mười sáu tuổi. Khoảng thời gian sau này, tôi hết sợ khu vườn xoài rồi. Trái lại tôi thường ra miếu chơi. Nơi đó vắng vẻ không ai quấy rầy, tha hồ đọc sách.
Lưu Ly nghiêng đầu:
- Rồi vì đâu anh lên Sài Gòn và trở nên "ông chủ nhỏ" như bây giờ?
Tường mỉm cười:
- Chuyện đó dài lắm! Kể tới mai mới hết. Em có.... can đảm ngồi nghe không?
Cúi xuống nhìn đồng hồ, Lưu Ly cong môi:
- Tôi vốn tò mò. Ở lại một chút nữa đâu có sao. Anh kể tiếp đi!
Nheo nheo mắt Tường thong thả bảo:
- Nhưng tôi đói rồi! Mình sẽ tìm quán nào đó ăn tối. Chắc em không nỡ từ chối?
Lưu Ly nghiêm mặt vì câu nói tự nhiên của Tường:
- Tôi từ chối thẳng thừng dù anh đói cỡ nào.
Tường ngượng ngùng:
- Em nghĩ sai về tôi rồi.... Thật ra tôi rất xấu nết. Đói là phải ăn mới được. Có lẽ thời gian bị nhốt, bị bỏ đói và bị uống thuốc bùa quỷ quái gì đó đã để lại ấn tượng sâu trong tâm trí tôi, nên tôi sợ đói lắm!
Nhìn ánh mắt Tường, Ly chợt xúc động. Cô ân hận vì cách nói hơi gắt gỏng của mình vừa rồi. Cô ấp úng:
- Xin lỗi! Tôi không biết....
Tường dịu dàng:
- Bây giờ biết rồi, Lưu Ly nghĩ sao?
Ly làm thinh, cô chưa bao giờ đi vào tiệm một mình với đàn ông. Hồi còn học phổ thông, cô chỉ vô quán với bạn bè trai gái cùng lớp thôi. Nên Lưu Ly lấy lí do này để từ chối, biết Tường sẽ nghĩ gì. Mà tại sao phải từ chối cơ chứ! Cứ răm rắp nghe theo từng lời của mẹ có tốt đâu khi bà là cả một lầm lỗi, khác xa với những điều bà đã dạy Ly. Nhưng nếu nhận lời anh thì hay ho gì. Tốt nhất nên về vào lúc này.
Giọng Tường vang lên sốt ruột:
- Thế nào hả Lưu Ly?
Tránh cái nhìn da diết của anh, Ly đáp:
- Tôi không quen vào quán với.... người lạ.
Tường nhói ngực vì từ "người lạ" cô vừa dùng. Anh gượng cười:
- Tôi đâu dám ép. Hy vọng một ngày thật gần tôi sẽ không là người lạ nữa.... và tôi lại kể tiếp câu chuyện dở dang này cho em nghe.
Lưu Ly cắn môi ray rứt, khác với sự tự nhiên trước đây, cô bỗng dưng khách sáo, dè dặt với anh nhưng trong lòng buồn làm sao. Cô đã dối mình khi từ chối đề nghị của anh, đã vậy còn nói anh là "người lạ" nữa. Ly mơ hồ thấy Tường có chút tình cảm đối với mình, nhưng thật chủ quan mới vội khẳng định tình cảm đó, khi cô còn biết về anh quá ít. Câu chuyện Tường kể vẫn chưa hết, gia đình anh và cô có những quan hệ phức tạp, Ly thông cảm với nhiều đau khổ Tường đã trải qua, nhưng đâu có nghĩa cô hiểu hết về anh. Dễ dãi quá, người ta sẽ coi thường. Mẹ vẫn từng dạy thế kia mà! Và điều này mẹ không hề sai.
Vội vàng đứng dậy như sợ trái tim đa cảm của mình đổi ý, Lưu Ly nói thật nhanh:
- Tôi mong sẽ được nghe chuyện của anh. Còn bây giờ xin phép... tôi về.
Tường mỉm cười dẫn chiếc Astrea ra cho Ly. Nhìn cô phóng xe đi, anh nuốt tiếng thở dài dù biết Lưu Ly sẽ từ chối đúng như các cô gái con nhà nề nếp, Tường vẫn thất vọng khi thấy rõ Lưu Ly còn giữ một khoảng cách đầy dè dặt, khách sáo với anh. Nhưng Tường đâu có nản, anh nhất định sẽ chiếm được trái tim cô, con bé chua ngoa nhưng dư sức làm chao đảo hồn anh.