ưu Ly ngồi bó gối nhìn trân trân vào ti vi, nhưng hình như cô chả thấy, chả nghe gì cả. Tâm hồn cô đã bay bổng trốn nào rồi thì phải. Bà Lan gọi đến lần thứ hai, Ly mới giật mình: - Dạ! Mẹ nói gì á! Nhíu mày đầy khó chịu, bà gắt: - Vặn nhỏ lại. Ồn quá mẹ nhức đầu lắm! Lưu Ly ngơ ngác: - Mẹ không coi à! - Nãy giờ con coi, chớ mẹ có ghé mắt vào đâu. - Vậy thì con tắt. Nói dứt lời, cô nhấn rơ-mốt rồi đứng dậy bước ra cửa. Bà Lan lắc đầu nhìn theo. Từ hôm ở quê về tới nay, con bé y như mất hồn mất vía. Chả lẽ nó thất tình à! Con gái ở tuổi này mơ mộng phải biết. Lưu Ly hai mươi rồi mà vẫn chưa quen ai vì bà quá khó. Bạn trai tới nhà đều phải gặp bà trước, rồi mới gặp Lưu Ly sau. Đứa nào không vừa ý bà, đừng hòng ghé thăm con bé lần thứ hai. Ở thời buổi này, giữ kỹ con gái như bà là thượng sách, nhưng thả lỏng cho nó tự do giao tiếp bà không an lòng. Bởi vậy Lưu Ly tuy nghịch ngợm, bướng bỉnh và khá mồm mép, nhưng rất ngờ nghệch, khờ khạo khi ra đời. Nó y như một con búp bê xinh đẹp ngồi trong tủ kính, thản nhiên nhìn thiên hạ rảo qua mỗi ngày, nhưng không hề biết ngoài tủ kính ấy là gì. Đời đối với nó ắt hẳn là một bức tranh đẹp. Nó không giống bà ngày xưa nên không khổ. Vậy cũng tốt, bà muốn con mình cứ vô tư, sung sướng cho đến ngày bà chọn cho nó một tấm chồng xứng đáng, nhưng hình như Lưu Ly không hiểu lòng mẹ. Tuy không nói thẳng ra, bà vẫn biết nó trách bà thiên vị Đoàn, đối sử thiếu công bằng với nó. Bà Lan thở dài! Thật ra bà yêu thương anh em Lưu Ly như nhau, có điều với con gái bà khe khắt hơn. Còn tại sao phải khe khắt hơn, bà không biết. Hồi còn trẻ như Lưu Ly bây giờ, bà sống nghèo khó và nhọc nhằn ghê gớm lắm! Từ một con ở, bà phải vứt bỏ sĩ diện để ngoi lên địa vị bà chủ, đâu phải chuyện đơn giản. Bà Lan trầm ngâm tựa người vào salon. Nhìn Lưu Ly bây giờ, bỗng bà lại nhớ ngày xưa. Mười bảy tuổi phải lên Sài Gòn làm đầy tớ cho người lạ, bà đã biết tính toán lợi hại trong mỗi câu nói, mỗi việc làm với chủ, chớ đâu như Ly muốn nói gì thì nói, không cần uốn ba tấc lưỡi như bà luôn răn dạy. Là gái, đáng lẽ Lưu Ly phải giống tính bà mới đúng, ngược lại con bé mơ mộng, dễ tin người giống ba nó. Ông Trịnh thời trai trẻ rất đa cảm, dễ động lòng trắc ẩn và rất đam mê, chính vì vậy bà mới có cơ hội chiếm lấy ông từ tay người đàn bà khác hơn mình về mọi phương diện. Chính vì tính tình con gái giống chồng, bà mới không yên tâm khi nó đến tuổi bước ra đời. Phải chi Lưu Ly được một chút như Đoàn thì đỡ mệt biết bao! Thằng con trai đầu lòng của bà đúng là quý tử. Khi sanh nó ra bà đã đổi đời như bà đã tính toán và chờ đợi. Cả dòng họ hiếm hoi này xem Đoàn như báu vật. Nhờ Đoàn, từ con ở trong nhà, bà nghiễm nhiên thành bà chủ, được chồng cưng quý như vàng, dù gia đình ông dứt khoác không nhận bà là dâu. Ngày đó bà tin rằng mình sẽ lấy lòng ba mẹ chồng chả khó khăn gì, nhưng thực tế diễn ra đăng đẳng mấy chục năm cho thấy bà không làm được chuyện đó. Năm năm sau, sau khi sanh Đoàn, bà có thai. Lần này bà hy vọng lại là trai. Bà muốn nhờ đứa con trai này bà mẹ chồng sẽ đón mình về ở cứ như thâm tâm bà từ lâu vẫn ao ước thế. Ai ngờ bà sinh con gái. Trong khi ông Trịnh mừng hơn bắt được vàng, bà lại nằm khóc ròng. Không như lần sinh thằng Đoàn, dù chưa chấp nhận bà là dâu con, ba mẹ ông Trịnh cũng lên thăm cháu đích tôn, lần này hai người im hơi, lặng tiếng, không một lời nhắn thêm xem cháu gái ra sao. Nữ nhi ngoại tộc. Con gái hư giống mẹ. Họ đã in vào định kiến đó để hất hủi bà. Trước đây bà thương chồng đành chịu lụy. Lúc đó bà lại đâm ra thù, dù bà biết rõ lý do tại sao gia đình ông Trịnh không chấp nhận mình. Người bà thù nhất là mẹ chồng. Bà đã lấy tên mẹ chồng đặt cho con gái và hả hê vì cao kiến đó bà Lan lại thở dài lần nữa. Tất cả hận thù rồi cũng qua đi, chỉ còn thời gian là tồn tại. Hai người đối đầu với bà đều đã chết cả. Một người từ bỏ cõi đời khi mới ngoài hai mươi. Một người chết già trong quạnh quẽ vì con trai duy nhất và hai đứa cháu nội không ở gần Năm tháng chồng chất, tuổi đời càng cao, người ta càng hay hồi tưởng. Bà đang nhớ về quá khứ và thấy khổ nhiều hơn thanh thản. Bà vẫn còn sống, nhưng so với hai người đã chết, bà thua cuộc. Nếu có một vở cải lương hát về một cuộc tình tay ba, thì bà sẽ là nhân vật thứ ba thủ đoạn lẳng lơ chen vào phá hạnh phúc gia đình người khác mà trên sân khấu lẫn ngoài cuộc đời chả được ai ưa. Trong vở diễn bà sẽ bị loại cho kết cuộc có hậu. Nhưng thực tế ở đời mình, không ai loại được bà. Bà vẫn tồn tại ở vai trò làm mẹ làm vợ bao nhiêu năm nay. Ở thành phố này, mạnh kẻ nàp, kẻ ấy sống, không ai biết quá khứ của bà. Ngay cả con cái bà cũng thế. Chúng không được biết ngày xưa mẹ chúng đã thủ đoạn ra sao để chiếm được trái tim dễ tin người của cha chúng. Con cái bà chỉ biết một chiều rằng: "Bên nội khinh rẻ coi thường không nhận mẹ là dâu con, chỉ vì mẹ nghèo." Từ khi biết suy nghĩ, Đoàn và Lưu Ly đã được bà nhồi nhét những lời ấy nên chúng không ưa ông bà nội. Nhất là Đoàn. Cái thằng mới cố chấp làm sao. Nhưng thôi! Đừng nhớ tới quá khứ, đừng nhắc tới người đã chết, dẫu sao chăng nữa với họ bà vẫn có lỗi. Điều cần lưu ý bây giờ là Lưu Ly. Bà phải đọc cho bằng được những gì con bé nghĩ trong đầu mới an tâm. Bước ra sân, bà thấy Lưu Ly đang ngồi kế bên hồ bán nguyệt trồng hoa súng. Con bé ném từng viên sỏi nhỏ xuống hồ rồi nhìn những vòng tròn đồng tâm tan ra một cách chăm chú. - Con làm gì vậy? Lưu Ly giật bắn người khi nghe mẹ hỏi. Cô ấp úng: - Có làm gì đâu mẹ! - Sao ngồi thẩn thờ ở đây? Tránh đôi mắt sắc lẻm của mẹ, Lưu Ly lấp lững: - Con đang suy nghĩ. - Về chuyện gì? Tiếp tục nén một viên sỏi trắng bé bằng hạt đậu xuống nước, cô ngập ngừng: - Nhiều chuyện lắm. Rốt cuộc cũng chẳng tới đâu, vì có nhiều vấn đề con chưa biết. Bà Lan ngồi xuống kế bên: - Như vấn đề nào đâu? Lưu Ly im lặng. Cô không lạ gì những câu hỏi xẻ dọc xẻ ngang tâm hồn mẹ vẫn hay vặn vẹo, mà lần nào cô cũng phải trả lời. Cô đã chán ngắt những câu hỏi cung này. Cô muốn làm người lớn với những bí mật không thể chia sẻ cùng ai. Vì muốn chống đối sự kiềm kẹp của mẹ, nên Ly bỏ về ở với nội gần nửa tháng. Chả lẽ sự phản ứng đó của cô chẳng cho bà sự suy nghĩ nào cả sao? Tự dưng Lưu Ly cảm thấy bực bội. Cô xẵng giọng: - Con nói mẹ cũng chả hiểu. Bà Lan cười tự phụ: - Đã có chuyện nào mẹ không hiểu chưa? Lưu Ly nói đại: - Mẹ chỉ hiểu theo cách của mình. Cách đó không còn hợp thời nữa. Vả lại đây là chuyện riêng của con mà. Bà Lan ngạc nhiên trước câu trả lời của Lưu Ly. Con bé này trở chứng rồi đây. Chà! Mới xa mẹ nửa tháng đã bày đặt lý sự. Buồn cười thật! Bằng giọng điệu thật tự nhiên, bà nhỏ nhẹ: - Con có chuyện riêng sao? Mẹ nhớ con từng hứa không giấu ba mẹ bất cứ chuyện gì mà! - Thì con có giấu ba mẹ đâu. Có điều con chả biết sao hết về những suy nghĩ lung tung, lộn xộn của mình.... - Về một người nào đó phải không? Mặt Lưu Ly đỏ bừng lên, cô ấp úng: - Không phải! Sao mẹ lại nói thế? Bà Lan cố ý nhìn con gái: - Sao con lại đỏ mặt? Lưu Ly ngó lơ ra gốc sân, nơi có mấy nhánh sứ Thái Lan đang khoe hoa rực rỡ. Cô không hiểu sao trống ngực đập mạnh đến thế. Mẹ luôn bắt nọn bằng nhiều câu hỏi đại loại như vậy. Sao hôm nay lại hết hồn, và vì sao mình lại nghĩ ngay tới gã khùng ấy nhỉ? Có phải tại mẹ hỏi đúng tim đen của mình không? Cô ú ớ: - Tại mẹ hỏi kỳ quá! Nghiêm mặt lại, bà Lan đánh đòn tâm lý: - Mẹ để ý từ lúc dưới quê trở về tới giờ, con y như mất hồn. Tại sao vậy? Nhớ tới những điều muốn biết nhưng không ai chịu nói, và nhớ tới những lời Hai Nhân mắng mẹ, Lưu Ly ậm ừ: - Mẹ thừa biết còn hỏi con làm chi? Cô để ý thấy mẹ sửng người lại, mặt hơi tái đi. Nhưng vốn là người luôn giữ bình tĩnh trước mọi tình huống, nên chỉ vài ba giây thôi, bà đã thản nhiên: - Mẹ không biết gì hết. Nhưng có điều ấm ức sao lại giữ trong lòng? Chả lẽ con tin người ngoài hơn cả mẹ? Lại một đòn trận đầu nữa. Nếu không biết gì hết sao mẹ lại hỏi thế? Lưu Ly ngập ngừng, tính toán, cuối cùng cô bảo: - Con chỉ hỏi mẹ một câu thôi. Và mẹ phải trả lời chứ không lẫn tránh như ba và ông nội. Bà Lan chợt bối rối: - Với điều kiện mẹ phải hiểu, phải biết về vấn đề con muốn hỏi. Lưu Ly cười, cô cố ý nhắc lại lời bà lúc nãy: - Đã có điều gì mẹ không hiểu, không biết đâu! Mặt bà Lan đanh lại: - Vậy con hỏi đi. Một câu thôi! Lưu Ly nghiêm nghị: - Con muốn biết chuyện gia đình ông nội và gia đình bà Hà mâu thuẫn có liên quan tới ba mẹ không? Bà Lan cau mày: - Con muốn biết chi vậy? Lưu Ly lắc đầu: - Mẹ cứ trả lời con trước đi. Có không? Bà Lan hất mặt lên, giọng lạnh tanh: - Không! Mẹ chưa bao giờ được đặt chân vào nhà nội con, nên không hề biết bà Hà là ai cả! - Thế còn ba? - Ba lên Sài Gòn đã ba mươi năm. Những mâu thuẫn gì đó làm sao liên quan được. Lưu Ly đứng phắt dậy, giọng lạc đi: - Nhưng những người bên đó biết mẹ, họ đã chửi.... Bà Lan gằn từng tiếng: - Chửi cái gì? Lưu Ly liếm môi: - Họ bảo con giống mẹ, rặc giòng đĩ thõa. Bà Lan tái mặt: - Khốn nạn! Đứa nào dám nói thế. Mẹ đã bảo chỗ đó không ở được, vậy mà ba mày dám cho con về dưới chơi những nửa tháng để té sông té mương rồi nghe tầm bậy tầm bạ. Lưu Ly trầm ngâm: - Tại sao họ lại nói thế hả mẹ? Lấy lại bình tĩnh, bà Lan nói: - Tất cả vì gnah ghét thôi. Họ ganh với sự thành công của ba mẹ và ông nội. Lưu Ly lầm lì: - Con không tin. Họ không thể hiện sự ganh tị khi nói chuyện với con mà thể hiện lòng căm thù, oán ghét. - Nhưng cụ thể họ là ai trong nhà đó? Tại sao họ lại nói chuyện với con? Lưu Ly nhìn mẹ: - Con trai lớn bà Hà đã mắng như vậy lúc con sang cám ơn họ. Bây giờ mẹ khăng khăng bảo không hề quen biết gia đình ấy. Thật con chả biết phải tin vào đâu đây khi người ta nói một đường mẹ lại nói khác đi một ngả xa lắc xa lơ. Bà Lan đổi giọng thuyết phục: - Tại sao phải quan tâm đến chuyện phải tin vào ai? Dĩ nhiên con phải tin ba mẹ rồi, chớ chả lẽ tin vào người xấu. - Con không nghĩ họ xấu, dù Hai Nhân rất thô lỗ. Nói tới đây Lưu Ly chợt cắn môi khi hình bóng Tường vừa thoáng qua hồn cô. Nghiêm mặt lại, cô vụt hỏi: - Người ta bảo rằng ba mẹ nợ họ một món nợ rất lớn. Có đúng không? Bà Lan vội trấn áp: - Tại sao con tra hỏi mẹ những chuyện ở đâu đâu vậy? Cơ ngơi mình thế này, đất đai vườn tược nhà nội thế đó mà thiếu nợ à! Con có biết suy nghĩ không? Lưu Ly thong thả nói: - Con có suy nghì nên hiểu rằng nợ cũng có lắm chứ. Nợ tiền thì dễ trả, chỉ sợ nợ ân, nợ oán mới khổ thôi. Ngồi thừ ra bên hồ nước khá lâu, bà Lan nhếch môi thách thức: - Vậy theo con, ba mẹ nợ họ những gì? Lưu Ly chớp mi. Mẹ hỏi lẩy cô hay hỏi để dò dẫm đây? Dù hỏi ở trường hợp nào, mẹ cũng để lộ nhược điểm của mình rồi, Ly biết từ xưa đến giờ tính mẹ rất rành mạch, bà không bao giờ lập lờ giữa không và có. Đặt câu hỏi như thế ắt hẳn phải có vấn đề. Ngần ngừ một chút, Lưu Ly trả lời lấp lửng: - Con đang tìm hiểu, có lẽ cũng sắp biết rồi. Bà Lan lạnh lùng: - Nghe cho rõ đây. Mẹ cấm con tìm hiểu những chuyện bá láp này. Người ta lừa con, con biết không. Gia đình đang êm ấm, con muốn xáo trộn lên vì nghe lời bọn vô lại hả? Lưu Ly bạo gan ngập ngừng: - Sao mẹ biết họ là bọn vô lại? Bà Lan làm thinh, Lưu Ly hỏi tới: - Mẹ từng biết họ, đúng không? - Con không có quyền hỏi mẹ như vậy! Vào nhà đi. Lưu Ly lấm lét đứng dậy khi thấy mặt mẹ tái xanh, dấu hiện chứng tỏ bà đang xúc động mạnh hoặc giận ở mức kinh khủng. Những lúc như vầy sớ rớ bên bà là dại dột. Bỏ vô phòng, Lưu Ly nằm úp mặt vào gối. Hôm qua Đào có lên đây với mấy giỏ trái cây, con bé cho biết ông nội rất giận vì cô dám bỏ đi vào lúc chiều tối. Lưu Ly thở dài. Làm người già giận là có tội. Vậy cô rất nhiều tội, vì vừa rồi lại chọc giận cả mẹ. Nhưng đâu phải tại cô hỗn. Chẳng qua Lưu Ly muốn biết mẹ đã làm gì để gia đình Tường oán hận thôi. Mẹ khẳng định bà không biết, không liên quan tới họ, thế sao lòng cô nặng trĩu như vầy. Suốt tối, Lưu Ly rù rì hỏi Đào đủ chuyện. Cô được biết dạo này Út Tường ở dưới. Anh định xây dựng một khu du lịch gì tận bên cồn, sát phần đất của gia đình cô. Nhỏ Đào bĩu môi chêm thêm: "Du lịch gì ở cái hóc bà tó đó không biết! Thằng cha ấy đúng là điên nặng." Mém chút xíu là Lưu Ly buột miệng bênh Tường rồi, nhưng cô đã dằn được. Với Ly, chuyện đi chung xe cùng anh, và chuyện ngồi trong lòng anh vẫn là bí mật tuyệt đối. Cô rất muốn có người để thố lộ lòng mình, nhưng vẫn chưa tìm ra tri kỷ. Đào vô tâm lắm, biết con bé thông cảm cho cô không khi biết Ly đang quan tâm tới một người như Tường. Phải chi sáng nay cô được về dưới với Đào nhỉ? Lưu Ly đưa tay mở cassette, tiếng nhạt không lời êm êm vang lên làm cô nhớ về một khu vườn ngập lá, một dòng sông lênh đênh những vạt lục bình hoa tím. Càng suy nghĩ, Lưu Ly càng thấy bị Tường cuốn hút hơn bao giờ hết. Cô muốn biết sự thật về anh vì cô vốn rất tò mò, và cũng có thể vì cô.... - Ê! Ly Ly, ra anh hỏi chút coi. Ngồi bật dậy, cô thò đầu ra khỏi phòng, giọng ngạc nhiên: - Chuyện gì vậy ông tướng? Ra vẻ quan tâm, Đoàn hỏi nhỏ: - Em biết ông nội viết gì cho ba không? Ly ngẩn ra, cô nhìn anh mình: - Viết gì vậy? Đoàn trợn mắt: - Trời đất! Sao lại hỏi ngược lại tao? - Em có thấy thơ thẩn nào đâu mà biết. - Mày ở nhà tối ngày chỉ giỏi ngủ thôi. Thư con Đào đem lên cho ba hôm qua, mầy không thấy thật à? Ly ngơ ngác lắc đầu. Đoàn chép miệng: - Chắc lại chuyện đất đai. Lưu Ly buột miệng: - Đất đai làm sao? Đoàn nhún vai: - Con gái tò mò chi vậy? Nó đâu phải của em. Lưu Ly nhếch môi: - Chắc đất đai là của mẹ và anh, vậy anh đi mà hỏi mẹ. Không nghĩ là em gái mỉa mai mình, Đoàn nhăn nhó phân bua: - Mẹ cũng đâu biết chuyện này. Tình cờ thấy ba đọc thư, ông ghé mắt nhìn, ổng liền cất vào túi mà không thèm hé môi một lời. Anh hiểu là ổng muốn giấu nên đâu dám hỏi. Mới tức thời anh nghe ba nói với mẹ mai ổng về dưới với em. Anh tưởng em biết nội dung lá thư chứ. Lưu Ly lắp bắp vì bất ngờ: - Sao lại về với em? - Ai mà biết. Lưu Ly ngập ngừng: - Muốn biết ba về dưới làm chi, anh xin đi theo. Đoàn cười khan: - Sức mấy ba mẹ cho. - Anh chưa xin mà. Đoàn khoát tay: - Tao không hạp đất đó, về làm quái gì, nhưng nó sẽ là của anh sau này. Bao giờ thuộc về tao, tao sẽ bán không chừa một tấc. Lưu Ly khó chịu trước cách nói của Đoàn, cô với anh vốn khắc khẩu, nói vài ba câu là có gây. Bao giờ mẹ cũng bênh cậu quý tử của bà. Nên đối với Ly, Đoàn luôn lên mặt anh Hai, luôn vênh váo quá độ đến mức thấy chán. Liếc Đoàn một cái, Ly châm chọc: - Chắc anh định bán luôn mồ mả ông bà. Ai ngờ Đoàn thản nhiên đáp: - Chuyện đó có gì quan trọng. Mướn người ta lấy cốt cả dòng họ, đem bỏ vào chùa cho ấm. Chứ cứ để mồ mả ở dưới, ai rảnh mà về thăm. Lưu Ly trừng mắt nhìn anh mình. Chưa chi ông đã tính mọi thứ, đúng là chả bỏ công mẹ cho ổng đi du lịch nhiều chỗ. "Đi một ngày đàng học một sàng khôn" có khác. Nhưng khôn kiểu mất gốc như anh Đoàn thì đáng sợ quá. Cô đanh giọng: - Em không đồng ý chuyện bán cả mồ mả ông bà. Đoàn la lên: - Nói bậy! Ai bán mồ mả ông bà hồi nào. Gặp nội, mày nói tào lao cho ổng chửi thì biết tay tao. Lưu Ly hậm hực quay vào phòng, chưa kịp đóng cửa Đoàn đã gọi giật lại: - Nè! Về dưới nhớ để ý, nghe ngóng xem hai ổng bàn tính chuyện gì. Nếu là di chúc thì ráng coi nội lập di chúc ra sao. Ly mỉa mai: - Nữ nhi ngoại tộc. Em đâu có phần trong di chúc, tội tình gì phải nghe ngóng, rình coi. Anh muốn cứ xin theo cho thỏa chí.... tò mò. Đoàn lắc đầu: - Đâu được! Tao về dưới nguy hiểm lắm. - Nguy hiểm quái gì! Em ở cả nửa tháng có sao đâu! Té sông còn chưa chết đấy! Đoàn hạ giọng: - Mày là gái, tụi nó đâu thèm để ý. Cháu đích tôn như tao mới là mục tiêu của chúng. Lưu Ly ngạc nhiên: - Anh nói gì vậy? Ly thấy Đoàn hơi khựng lại. Anh khỏa lấp: - Tao đùa thôi. Về dưới buồn thấy mồ. Rồi còn công việc nữa. Chả lẽ bỏ làm đi chơi? Lưu Ly nghe tim mình đập mạnh. Cô dò dẫm hỏi tới với vẻ như mình rành hết mọi chuyện: - Dóc hoài! Anh mà đùa! Em biết anh sợ đám con nhà bà Hà nên không dám về. Đoàn nhíu mày rất thành thật: - Bà Hà nào? Thì bà Hà ở giáp vườn ông nội. Cái nhà to đùng đối diện nhà mình ở dưới đó. - Tao chả biết bà Hà nào hết, nhưng mẹ nói tao mà về dưới là bị... thịt ngay. Lưu Ly bĩu môi: - Xì! Làm như phim xã hội đên không bằng. Anh làm gì mà họ thịt anh? Đoàn không trả lời. Lưu Ly đứng dựa cửa giọng thì thầm: - Em nghi ba về kỳ này vì miếng đất trồng xoài đó quá! Nhà mình đang tranh chấp mà. - Miếng đất trồng xoài nào? - Chậc! Anh không về dưới em có nói anh cũng đâu biết. Đoàn chợt rùng mình, anh hỏi nhỏ: - Phải miếng đất có người tự tử không? Lưu Ly gật đầu: - Anh cũng biết vụ này nữa sao? - Thì chuyện đó lâu lắm rồi mà! - Kể cho em nghe đi! Đoàn lắc đầu ngay: - Thôi! Mẹ chửi tao chết! Lưu Ly hỏi tới: - Tại sao bà ta tự tử vậy? - Ai mà biết. Anh biết người tự tử là chị hay em gì đó của bà Hà mà em nói hồi nãy. - Lần rồi về dưới, em có gặp con bà ta, họ rất hằn học, thậm chí chửi em và mẹ nữa. Tại sao họ chửi, em không hiểu nổi. Bị chửi mà chả biết vì sao. Gặp anh, anh tức hông? Cái chết của bà ấy có liên quan gì tới ba mẹ mình. Anh kể đi? Đoàn trầm ngâm. Lâu lắm anh mới nói: - Em lớn rồi cũng nên biết chuyện ngày xưa của người lớn. Anh nghe mẹ kể hồi đó gia đình nội và gia đình bà Ánh có hứa làm sui với nhau từ lúc ba với bà ta còn nhỏ. Khi lớn lên ba lên Sài Gòn ăn học rồi thương mẹ. Bất chấp gia đình phản đối, ba mẹ lấy nhau. Bà Ánh vì thất vọng đã tự tử chết trong vườn xoài nhà nội, nơi mà hồi còn bé, ba và bà ấy vẫn thường đùa vui. Lưu Ly thắc mắc: - Như vậy ba mẹ đâu có lỗi gì. Tại sao con bà Hà nói ba mẹ thiếu họ một món nợ. Chả lẽ cái chết của bà Ánh là món nợ khiến hai bên xích mích nhau. Đoàn nói: - Đúng vậy! Họ rất thù mẹ, bởi thế bà đâu dám về dưới. Những ngày em ở nhà nội là những ngày mẹ ăn không no, ngủ không yên vì lo. Lưu Ly hoang mang nhìn Đoàn. Cô thấy trong chuyện này, có những điều không thuyết phục được mình. Nhưng dù sao thắc mắc trong lòng cô bao lâu nay cũng được giải tỏa phần nào. Nghĩ tới mẹ, cô thấy buồn cười. Bà tưởng cô còn bé lắm sao mà chuyện như thế cũng giấu. Ai cũng có quyền yêu. Ba mẹ yêu thương nhau đâu có tội gì. Chỉ tội cho tình yêu đơn phương của người đã chết. Cái chết của bà làm ba ân hận nên ông mới lập miếu để thờ. Xem ra ba cũng không tệ. Đoàn trầm giọng: - Mẹ nói, họ hàng của bà Ánh cứ giữ nối hận trong lòng mãi, do đó tốt nhất mẹ và anh đừng bao giờ trở về. Chính vì mâu thuẫn này mà anh không tha thiết tới quê hương. Anh muốn bán đất là vì thế đó! Lưu Ly chống ta lên cằm: - Bán đất, theo em là giải pháp xấu nhất. Cùng năm tháng, oán hờn gì cũng tan hết. Huống hồ chi chuyện tự tử này. Họ thù ba mẹ là bậy, chúng ta sẽ tìm cách giải hòa. Đất đai là vốn muôn đời. Bán đi là hết rồi. Đoàn cau mày: - Giải hòa bằng cách nào? Ba mẹ còn phải bỏ xứ. Mày giỏi nói cái miệng. Lưu Ly bướng bỉnh: - Em sẽ có cách của em. Đoàn lầm lì: - Không ai cần cái cách quỷ quái của mày. Liệu hồn đó, tao sẽ nói với mẹ cho mày khỏi tài khôn xía vô chuyện người lớn. Lưu Ly nghêng nghênh: - Ý anh muốn nói mình là người lớn chứ gì. Xì! Hơn người ta có năm tuổi mà đã đòi làm người lớn. Anh đã tự lập, tự nuôi mình được chưa? Đoàn sấn tới: - Còn ranh này.... Lưu Ly đóng sập cửa lại ngay: - Lắm chuyện phải không? Em chưa già mồm bằng bà Thủy Tiên của anh đâu. Bà giỏi nịnh để mẹ cho theo anh đi du lịch mà không tốn cắc nào. Làm người lớn như hai ông bà thì nhục lắm! Đoàn hầm hừ: - Mày có ngon thì ra đây hãy nói. Rút vô phòng ong óng cái mồm chả giống ai. Lưu Ly lăn mình trên giường tiếp tục trêu: - Nói hết rồi, ra làm chi nữa. Thôi.... ông đi dìa phòng đi. Tui đi ngủ! Ly còn nghe Đoàn leo nhéo gì nữa đó, nhưng cô không quan tâm vì đang tưởng tượng đến ngày mai.... Chắc chắn cô sẽ gặp lại Tường. Nhưng gặp để làm gì, nói gì, Lưu Ly hoàn toàn chưa nghĩ ra.