Chương 10


Chương 6

Thấy Hân ngồi thừ người ra, Thuấn nghiêng đầu trêu:
- Mừng quá rồi quên có anh kế bên hả nhỏ?
Hân như sực tỉnh, cong môi đáp:
- Nghèo... mà ham! Hổng dám mừng đâu! Em đang lo thì có.
- Ghê thật! Đanh đá, chua ngoa chưa từng thấy.
- Đanh đá, chua ngoa cỡ như em mà còn bị bắt nạt, bị ăn hiếp chớ nói chi hiền. Mà em hỏi thật nha. Em so với cô nàng Khương Liên và Tuyết Nga nữa, thì ai đanh đá nhất?
Thuấn cười giả lả:
- Cho anh xin mà Hân, đang bàn chuyện hai đứa mình tự nhiên em kéo người dưng vào, khổ quá! Bây giờ ai nhất đi chăng nữa thì anh cũng sắp là của em rồi, Hân khỏi phải lo: "Làm gí để giữ, để đừng mất anh... "
Nghe Thuấn nhắc, Hân đỏ mặt. Háy anh một cái, cô mới bắt đầu thổ lộ:
- Dạo này ba kỳ lắm!
- Sao lại kỳ? Kỳ là sao?
Hân đắn đo:
- Hình như ba không bằng lòng khi thấy anh đưa đón em.
Thuấn cười ngọt sớt:
- Vì vậy mà dạo này em lại lọc cà lọc cọc chiếc xe mini cà tàng?
Thấy Hân làm thinh, Thuấn nhỏ nhẹ:
- Ba không bằng lòng là phải thôi chớ có gì là lạ. Đó tại lỗi nơi anh, quen em bao lâu rồi mà cứ dậm chân tại chỗ, ông bố nào lại không lo cho con gái. Anh lại thấy kỳ chỗ khác kìa.
Nhìn nụ cười khó hiểu muôn thưở của Thuấn, Hân ngạc nhiên:
- Anh muốn nói ba kỳ chỗ nào?
Nhún vai tỏ vẻ bất bình Thuấn nói:
- Ở địa vị như ba dư sức sắm cho em một cái cúp hay tệ lắm cũng Chaly, sao ba lại nỡ để cô út đi xe đạp tới lớp hò hét bọn trẻ con đến khàn hơi khô cổ nhỉ?
Hân bối rối trước câu hỏi rất thực tế của Thuấn. Cô gượng cười hỏi một câu ngốc nghếch:
- Anh nghĩ là ba có dư nhiều lắm sao?
Thuấn nghiêm mặt như sắp giận. Giọng anh cộc lốc:
- Xin lỗi! Sao em lại hỏi anh như vậy? một câu hỏi rất đáng đời cho anh; thằng đàn ông vừa ngỏ lời xin em làm vợ đã nhắm vào gia tài ông bố.
- Anh hiểu lầm ý em rồi Thuấn. Thật ra em muốn nói là ba không đủ sức mua cho em xe gắn máy. Với lại ba không thích con cái đua đòi, se sua.
- Sao lại đua đòi? Chiếc xe là một phương tiện cần phải có mà. Suy nghĩ như ba và cả em thì quả là kỳ. Trong khi anh biết...
Hân lắng tai nghe nhưng Thuuan không nói tiếp, cô hỏi tới:
- Anh biết cái gì?
Thuấn buông thõng:
- Biết ba dư sức mua xe cho em, có điều tại ba không muốn. Có lẽ ba sợ người ta nói ông phung phí, sắm sửa lắm thứ cho gia đình từ ngày lên làm gíam đốc...
Hân gật đầu, giọng có vẻ tự hào:
- Anh nói đúng, ba em là như thế và em bằng lòng đi xe đạp để giữ tiếng cho ba.
Thuấn cười, vuốt má cô:
- Em đúng là cô giáo mẫu giáo, ngây thơ, trong trắng và dễ tin như lũ học trò của em.
Hân hĩnh mũi nói:
- Với anh em mới dễ thương như vậy, chớ với người khác em dễ ghét, phách lối, kiêu căng lắm kìa.
- Với người khác là người nào?
- Là người em không yêu, không thương.
Nhẹ nhàng Thuấn hỏi:
- Vậy con người thật của em hiện ra khi nào? Lúc dễ thương bên anh hay dễ ghét kiêu căng bên những người khác?
Không nghĩ là Thuấn mỉa mai mình, Hân thành thật đáp:
- Chỉ với anh em mới yêu, mới dành hết những ngọt ngào lo lắng, lẫn ghen tuông yêu dấu cho anh. Còn với thiên hạ, họ làm sao kệ họ, em không cần nghĩ tới đâu.
- Em sẽ chờ anh chớ Hân?
Han lo lắng:
- Chờ... là chờ như thế nào khi anh vừa... vừa...
Thuấn kéo cô sát vào người, biết rõ gia đình mình không ai ra vườn trong giờ này, Hân để yên cho Thuấn ôm. Cô lắng nghe giọng anh thầm thì:
- Lúc nãy anh nói, mà nói chưa hết ý thì mình đã bắt sang chuyện khác rồi. Hân này, thật ra anh vẫn chưa nghĩ anh sẽ lập gia đình vào lúc công danh sự nghiệp chưa có đâu. Dự định mở quán cà-phê coi như dẹp rồi vì đời anh bắt đầu có hướng đi mới và trong hướng đi này anh lại nghĩ tới em trước tiên, vì bao giờ anh cũng rất yêu em.
- Anh định làm gì hả Thuấn?
- Định nhờ mẹ qua xin hai bác gả em cho anh như hồi nảy anh đã nói chớ còn làm gì nữa. Có điều em phải chờ anh. Làm đám hỏi với em rồi anh sẽ đi.
Nhỏm người dậy, Hân thảng thốt:
- Đi đâu?
Giọng Thuấn trầm hẳn xuống để tạo sự quan trọng cần thiết cho Hân chú ý:
- Đi Mỹ, ba anh đồng ý bảo lãnh rồi.
Han cắn môi sửng sốt:
- Em thật không ngờ!
Thấy Hân ngồi gục đầu, Thuấn sốt ruột:
- Em nghĩ sao hả Hân?
Ngước nhìn anh với cặp mắt long lanh xúc cảm, Hân nói gấp rút suy nghĩ của mình:
- Em yêu anh nên sẽ chờ anh, nhưng anh phải nhớ điều này. Em chờ anh, người em yêu nhất từ hai năm nay chớ không phải em chờ một Việt kiều đâu. Nhưng xem chừng khó đó Thuấn.
- Anh hiểu! Vì vậy nên anh mới muốn em là vợ anh chớ không là người nào khác vì anh yêu em và tin em sẽ vượt khó để chờ anh.
Hân thở dài, cô úp mặt mình vào ngực Thuấn rầu rĩ:
- Anh ở lại không hay hơn sao Thuấn? Xa anh, em sợ mất anh lắm!
- Sao lại muốn trói chân anh hả cưng? Hồi xưa ba cũng từng đi du học năm, sáu năm đó, chớ có sao đâu. Anh muốn bay nhảy học hỏi nơi xứ người. Rồi anh sẽ về đưa em theo. Lẽ ra anh muốn em là vợ anh trước khi anh đi, nhưng anh nghĩ em sẽ khổ lắm, nếu phải nuôi con một mình mà không có anh kế bên.
Nghe Thuấn nói Hân thẫn thờ nghĩ tới mẹ mình. Ngày xưa bà từng ôm con đợi chồng đến bốn năm năm ròng rã. Cô cảm động khi cho rằng anh yêu cô thành thật nên không muốn cô mỏi mòn ôm con trông đợi anh về, mà biết đến ngày nào anh mới về chứ!
Môi Thuấn mơn man bên tai cô, giọng anh vỗ về:
- Mẹ sẽ sang bàn chuyện với ba mẹ, em thích không?
- Em lo nhiều hơn thích. Chắc gì ba em chịu khi biết anh sẽ xuất cảnh. Rồi chắc gì mai mốt anh còn yêu em khi xa em những mấy năm và cách cả nữa quả địa cầu.
- Bao giờ em cũng lo, hết lo cái này rồi lo chuyện nọ, rầu quá!
- Mà Thuấn nè! Anh yêu mình em phải không?
- Sao đa nghi đến thế hả trời? Chỉ chờ xem ngày để dạm hỏi nữa thôi mà vẫn còn ngờ vực.
Nhưng người ta vẫn có thể yêu người này và cưới người nọ.
- Nếu không vì hoàn cảnh trắc trở thì kẻ đó điên...
- Hoặc sở khanh, bội bạc.
Thuấn chột dạ, anh vả lả:
- Anh rất khó tính vì vậy anh chọn đúng người mình yêu để cưới làm vợ, dầu hiện giờ điều choán hết mọi suy nghĩ của anh là công danh, sự nghiệp, anh sẽ có tất cả nếu anh được ra đi. Nhất định anh phải trở nên giàu có Hân à!
Có một nỗi gì như sự thất vọng len nhẹ vào hồn Hân. Thật lòng của Thuấn ra sao nhỉ? Cô không hiểu được, quả thật là cô chưa đủ kinh nghiệm sống để hiểu cho thấu suốt tâm hồn của người đàn ông mà cô sẽ gọi là chồng.
Bàng hoàng với ý nghĩ vừa thoáng qua, Hân e ngại nhìn Thuấn. Đã có lần anh cho rằng "Mỗi mối tình đều kết thúc theo cách riêng của nó ". Chẳng lẻ mối tình của cô và anh kết thúc êm đẹp một cách bất ngờ vậy sao? Trong khi cô luôn luôn sợ bão tố sẽ nổi lên từ phía Thuấn, thì bây giờ ngược lại lòng cô rối rắm bất an vì bão tố sẽ nổi lên từ phía cô, có thể ba cô sẽ là bão đó. Hân cố nén tiếng thở dài:
- Em sợ ba mẹ không đồng ý.
Nghe Hân nhắc lại lần nữa, Thuấn sửng sốt:
- Tại sao vậy?
- Từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ em rời ba mẹ hơn nửa tháng, trừ lần đi an dưỡng ở Đà Lạt vừa rồi. Ba đã tính từ hồi em còn học phổ thông, em phải chọn một nghề gì tầm thường cũng được, miễn sao không đi xa, và nhàn hạ một chút, để em sẽ chăm sóc ba mẹ lúc về chiều.
- Không lẽ ba mẹ em buộc em chọn nghề dạy học vì lý do đó sao Hân? Hèn gì anh suy nghĩ không ra tại sao anh Lâm với chị Tú Quỳnh đều tốt nghiệp kỹ sư rồi tiếp tục học thêm cao học, riêng em chỉ là cô giáo mẫu giáo quèn.
Hân buồn hiu, Thuấn đã nói động tới nỗi niềm riêng của cô rồi. Cô là con gái út, lẽ ra phải sướng nhiều hơn cực, nhưng chuyện đời đâu phải lúc nào cũng như nhau. Anh Lâm và chị Quỳnh lớn hơn cô rất nhiều tuổi nên đã lập gia đình, rồi ở xa trước khi cô tốt nghiệp phổ thông. Chính cảnh nhà quạnh quẽ đã làm ba cô lo lắng khi nghĩ tới ngày đó, cô cũng sẽ rời ông như hai người con lớn.
Thế là ông khuyên cô nên thi vào sư phạm. Hân đã quen vâng lời cha mẹ nên cô không cãi mà chọn ngành mẫu giáo, vì cô rất yêu trẻ con, và với ngành này cô chắc chắn sẻ ở tại thành phố. Có thể ba cô đã nghĩ tới ông hơi nhiều, vì ông quen được chiều chuộng, phục dịch. Hân vội xua cái ý bất hiếu mà vô tình Thuấn vừa nhén lên trong đầu cô ra ngay, vì đó là suy nghĩ của ai rất lạ chứ không phải của cô, một con bé được mọi người khen là hiếu thảo nhất nhà. Không lẻ bây giờ còn bé có hiếu đó khi có chồng, lại bỏ cha mẹ gìa ở một mình, để đi tới nơi xa hơn cả nơi anh chị nó đang ở sao?
Rầu rầu Hân bảo:
- Kỹ sư hay nuôi dạy trẻ với em không quan trọng, điều quan trọng nhất là em muốn ở gần ba mẹ, dù trong gia đình có ba người, em luôn luôn phải phục tùng vâng, dạ, rồi đôi khi bị rầy la oan ức nữa. Nói thật, rất nhiều lúc em ao ước được bay cao như những cánh chim trời, em thèm được tự lập, sống phóng túng, ăn nói vui đùa tự nhiên như những đứa con gái khác trạc tuổi em. Tất cả điều đó em chỉ làm được, có được khi em ở bên ngoài ngôi nhà em đã lớn lên, hoặc ở bên lũ học trò của mình.
- Còn với anh thì sao?
Hân tư lự:
- Khi qúa yêu người ta hay bị lệ thuộc một cách tự nguyện, với anh em cũng thấy mình bị mất tự do. Không lẻ suốt đời rồi em cũng phải phục tùng, khép nép, vâng lệnh như mẹ đối với ba?
Thuấn vội vàng đáp:
- Em là vợ anh, đương nhiên em phải khép nép phục tùng chồng một cách tự nguyện rồi. Nói là nói vậy thôi, anh đâu phải như các ông cụ. Đời nay buộc vợ "Xuất gía tòng phu" chắc ly dị sớm.
Hân ra điều kiện ngay:
- Vậy là em xuất gia nhưng vẫn tòng phụ à nhe! Và nếu anh đồng ý thì anh đừng nghĩ tới chuyện xuất cảnh nữa. Không thì chắc chắn ba mẹ không gã đâu.
Thuấn ngần ngừ:
- Nếu anh đi vài năm, kiếm được một số vốn rồi trở về luôn thì sao?
- Thì để ba mẹ em quyết định.
Thuấn bực mình vô cùng, nhưng anh vẫn dịu ngọt với Hân. Anh cứ tưởng khi nói với cô chuyện hỏi cưới, rồi chuyện được bảo lãnh đi Mỹ, cô sẻ rơm rớm nước mắt vì mừng, vì sung sướng cho anh không hề nghĩ tới những khó khăn đưa đến như lời Hân nói nãy giờ. Theo anh, đời này con gái vớ được tấm chồng sắp đi nước ngoài thì còn gì hơn nữa để làm eo làm sách. Anh không cưới được Hân cũng có khối vạn cô khác, chỉ riêng Hân, cô sẽ khó khăn đấy, nếu như...
Thuấn đứt đoạn suy nghĩ khi nghe giọng Hân cất lên:
- Đã rất nhiều lúc em nghĩ ba mẹ anh không thích em, và em khổ sở vô cùng.
- Tại sao? -- Thuấn nhíu mày hỏi.
- Vì cách sống của gia đình em, bác gái chê cổ hủ, bản thân em không thuộc mẫu phụ nữ lanh lợi, hoạt bát để giúp chồng trên đường công danh sự nghiệp.
Biết Hân đúng nhưng Thuấn vẫn nói:
- Em lầm rồi! Đúng là mẹ anh rất tiến bộ trong suy nghĩ, trong cách sống nhưng với anh lại khác. Anh cần một người vợ chớ đâu cần một phụ tá. Anh cần một bà mẹ lo cho đàn con của anh. Anh thích mẫu người vợ đảm đang, an phận và chịu thương chịu khó vì chồng như mẹ em.
Nhếch môi cười, Hân hỏi nhỏ:
- Chỉ vì vậy nên anh mới chọn em trong biết bao nhiêu người anh đã quen.
Nhăn mặt, Thuấn nhìn cô:
- Đừng mỉa mai mà Hân. Anh yêu em hay không thì em biết rồi, sao lại nghĩ rằng anh lựa chọn. Tình yêu và hôn nhân đâu phải chọn mà được. Tự nó đến, tự nó chọn mình đó chứ.
Hân gượng gạo:
- Anh nói sao mà hay. Nhưng Thuấn à! Em không thể nào như mẹ em đâu.. Anh sẽ thất vọng khi tưởng ra em như vậy. Em muốn làm một phụ nữ của công việc, lanh lợi, hoạt bát trong môi trường hoạt động của em. Tốt nhất anh đừng hỏi cưới em.
Thuấn ngó cô đăm đăm:
- Hôm nay em làm sao vậy hả? Hân? Nói năng lộn xộn, ý tưởng lạ lùng, kỳ cục. Hay là em không yêu anh, không muốn làm vợ anh?
Đầu óc Hân rối bời, cô dấu mặt mình trong đôi tay im lặng. Thuấn vực cô dậy, kiên nhẫn vổ về như những lần nào hai người giận nhau anh cũng từng kiên nhẩn như vậy:
- Sao vậy cưng! Đừng xúc động vì qúa lo. Anh yêu em và hứa sẻ trở về ở đây luôn. Lúc ấy em muốn làm phụ tá cho anh hay nội tướng ở nhà gì anh cũng chịu hết.
Giọng Hân thiểu nảo, van vỉ:
- Tốt hơn hết anh đừng đi. Với số tiền phải bảo lảnh anh, bác trai sẻ gởi về, như vậy anh đã có món vốn kha khá, đi làm gì ở thời điểm muộn màng này hả anh?
Cố nén bực dọc, Thuấn lên mặt khôn ngoan:
- Đúng là đầu óc đàn bà. Anh nói cho em nghe, trong sự nghiệp, công danh, thời điểm này có thể muộn màng với người nhưng nó lại thuận lợi cho người kia dù ở mức khởi đầu, huống hồ chi qua bên đó anh không phải khởi đầu mà tiếp tục công việc của ba mình. Ông chỉ có mình anh, tại sao anh không hưởng thành quả của ba anh chớ?
Ngưng một chút, Thuấn tiếp tục vẽ vời:
- Rồi anh sẻ đem những thành quả đó về xứ, để xây dựng tương lai chúng mình cũng là góp phần xây dựng quê hương. Đó là mơ ước của anh, muốn làm giàu cho mình và cho mọi người.
Hân ngớ mắt ra nghe Thuấn nói, và cố sức nhớ tới gương mặt có đôi môi dầy hay trề của Huyền Sương. Rồi cô ta và mụ chị họ Khương Liên nào đó sẽ biết Thuấn là của ai, Hân là người như thế nào. Và nếu lòng Thuấn thật muốn trở về Việt Nam ở luôn, sau vài năm qua xứ người kiếm sống, thì tại sao cô không năn nỉ, ỉ ôi ba mẹ mình đồng ý chứ.
Xoa nhè nhẹ bờ vai Hân, Thuấn trấn an:
- Anh nghĩ rồi đâu sẽ vào đó. Chúng ta quen nhau lâu chứ có phải mới vài ba tháng đâu mà em lo quá vậy. Trước hết em hãy nói với mẹ chuyện hai đứa để mẹ bàn với ba. Hiểu ý anh chưa?
Hân gật đầu miễn cưỡng:
- Em hiểu!
Trả lời thế nhưng tâm trí Hân trống không. Cô lơ ngơ như lạc giữa cõi u mê, mù sương huyền hoặc nào đó. Nếu nhận lời của Thuấn có vội vàng không? Nếu không nhận lời anh mà chịu chờ tới ngày anh trở về, liệu tình yêu có còn không? Thật khó nói, và cô cũng thật khó hiểu lòng mình. Nó cứ loạn xạ thế nào ấy. Mà không loạn xạ sao được khi người ta bảo tình yêu không có quy luật nào cả.
Cô đang yêu, đang say ngà ngà vì hạnh phúc bất ngờ khi nghe lời Thuấn ngỏ chiều nay. Vậy bảo sao lòng cô không rộn lên với bao nhiêu là mâu thuẫn cho được chứ!
Ông Triều Lân chậm rãi bật lửa châm thuốc hút. Sau khi nuốt chừng vài hơi thuốc, ông đứng dậy bước về phía cửa sổ. Trời chiều rồi nhưng ông không muốn về nhà, ông chán cái không khí tẻ ngắt mà mấy mươi năm nay ông phải giam mình rất khéo léo trong vẻ đạo đức, trách nhiệm với vợ con. Hiện tại ông là người có quyền, ông phải sống sao cho đúng với uy quyền của ông chứ! Bây giờ mà về nhà sẽ gặp ngay vẽ săn đón cam chịu của vợ, rồi sự ngoan ngoãn vâng dạ trong ấm ức của con, rồi bản thân mình, cũng phải tỏ ra đạo mạo, mực thước trang nghiêm. Tất cả những điều đó ông đã quá chán chường. Ông đang muốn sống thực lòng mình mà lại hợp lệ bề ngoài với đời. Mà đời thì biết sao để nói. Chức giám đốc công ty du lịch béo bổ đang làm nhiều người thèm muốn, ghen tỵ, vì vậy ông không ngu dại gì vội vàng khoe hết những cái ông phải vắt kiệt hết năng lực của mình để có được. Thực tế đây ông phải khôn khéo, và ông đã khôn khéo đến mức nhà cửa vẫn tuênh toáng, con gái út ông mỗi ngày vẫn đi dạy bằng cái xe mini cũ thưở học trung học, vợ ông ngày ngày vẫn thả bộ ra chợ rồi xách giỏ về với những thức ăn đạm bạc. Thực ra mà nói, ông đã bắt vợ con ép xác khổ hạnh vì mình, nhưng ngoài ra, trong gia đình không ai biết cả, những đứa con và bà vợ quen tin yêu, sùng kính ông, càng tỏ ra thần phục tin yêu ông hơn nửa. Dưới mắt những người thân yêu, ông là hiện thân sống động nhất của mẫu mực, thanh liêm, ông không tha hoá như biết bao nhiêu kẻ khác đã từng ngồi trên chiếc ghế giám đốc này.