Bản dịch của Thu Trinh
Chương 4

Vào sáng chủ nhật, khi tiếng chuông nhà thờ đổ hồi trong những ngôi làng ven biển, ai nấy cùng với tình nhân của mình lại quay về nhà Gatsby, nhộn nhịp lướt những bước vui tươi trên  thảm cỏ nhà anh.
“Anh ta là tên buôn lậu.” Những thiếu nữ đã to nhỏ với nhau khi họ đi dạo qua lại giữa những ly cocktail và những bụi hoa. “Có một lần anh ta đã giết một người đàn ông chỉ vì người này đã khám phá ra anh ta là cháu trai của Von Hindenburg[1], và là anh em họ với quỷ dữ. Đưa cho tôi cánh hoa hồng được không cưng, nhân tiện rót cho tôi giọt rượu cuối cùng vào cái ly pha lê đó.”
Có một lần tôi đã viết lên trên những khoảng trống của tấm thời gian biểu tàu lửa tên những người đã đến nhà Gatsby mùa hè năm đó. Tấm thời gian biểu đó, trên mặt có đế ghi chú “Thời gian biểu có hiệu lực từ ngày mùng 5 tháng Bảy năm 1922” bây giờ đã cũ, chỗ những nếp gấp đã rã nát. Thế nhưng tôi vẫn có thể đọc được những cái tên đã phai màu mực và chúng vẫn có thể cho ta những ấn tượng khá hơn những lời chung chung của tôi tả về những người đã nhận lời mời hiếu khách của Gatsby và đã tỏ lòng kính trọng tế nhị tới anh bằng cách giả lơ như không biết những chuyện về anh ta. 
Từ East Egg thì có vợ chồng Chester Becker, vợ chồng Leech và một người đàn ông tên Bunsen mà tôi đã từng quen biết ở Yale. Có bác sĩ  Webster Civet, người đã bị chết đuối mùa hè năm ngoái ở tiểu bang Main. Rồi có vợ chồng Hornbeam, vợ chồng Willie Voltaire và cả nguyên dòng họ Blackbuck, những người chỉ luôn đứng tụ tập với nhau trong góc và hếch mũi lên như những con dê khi có ai lại gần. Có vợ chồng Ismay và vợ chồng Chrystie (hay nói cho chính xác hơn là ông Hubert Auerbach và bà vợ của Chrystie), có ông Edgar Beaver, người có mái tóc mà theo như người ta kể đã biến sang bạc trắng như bông chỉ trong vòng một chiều mùa đông không vì nguyên do chính đáng gì cả.
Nếu như tôi còn nhớ, thì có Clarence Endive đến từ East Egg. Anh ta đến chỉ có một lần mặc chiếc quần cộc ngang trên đầu gối, và đã đánh nhau với một tên vô công rồi nghề tên Etty ở trong vườn. Đến từ phía xa hơn bên kia đảo có  vợ chồng Cheadle, vợ chồng O. R. P. Schraeder và vợ chồng Stonewall Jackson Abram ở bang Georgia. Có vợ chồng Fishguard và vợ chồng Ripley Snell. Ông Snell đã tới đó ba ngày trước khi đi tù, ông ta say mèn nằm dài trên lối sỏi rồi bị xe của bà Ulysses Swett cán ngang qua cánh tay phải. Vợ chồng Dancy cũng có đến, còn có  S. B. Whitebait người đã ngoài sáu mươi tuổi. Có Maurice A. Flink, vợ chồng Hammerhead, và có cả nhà nhập cảng Beluga cùng dẫn theo mấy cô nhân tình.
Đến từ West Egg có vợ chồng Pole, vợ chồng Mulready, Cecil Roebuck, Cecil Schoen, thượng nghị sĩ Gulick và Newton Orchid người điều khiển công ty phim trường Films Par Excellence. Có Eckhaust và Clyde Cohen, có Don S. Schwartze (con trai) và Arthur McCarty, tất cả những người này đều có liên hệ tới ngành điện ảnh bằng cách này hay cách khác. Có vợ chồng Catlip, vợ chồng Bemberg và ông G. Earl Muldoon. Em trai của  ông Muldoon đó sau này đã bóp cổ chết vợ mình. Nhà quảng cáo Da Fontano cũng có đến, có Ed Legros và James B. (“Rot-Gut.”) Ferret và vợ chồng the De Jong và Ernest Lilly—họ đến đế cờ bạc, khi Ferret đi lang thang trong vườn thì có nghĩa là ông ta đã thua cháy túi và thế nào giá cả cổ phiếu của công ty Associated Traction cũng sẽ bị ảnh hưởng lên xuống thất thường ngày hôm sau.
Một anh tên Klipspringer đã ở đó rất thường xuyên và rất lâu đến nỗi bị đặt cho biệt danh là “người ở trọ”. Tôi nghi ngờ anh ta chẳng có nhà cửa ở đâu cả. Những người trong nghành sân khấu nghệ thuật đến đó gồm có Gus Waize, Horace O’donavan, Lester Meyer, George Duckweed và Francis Bull. Đến từ New York thì có vợ chồng Chrome,  vợ chồng Backhysson vợ chồng Dennicker, Russel Betty, vợ chồng Corrigan, vợ chồng Kelleher, vợ chồng Dewar, vợ chồng Scully, S. W. Belcher, vợ chồng Smirke và vợ chồng trẻ Quinn, bây giờ đã ly dị. Có Henry L. Palmetto người đã tự tử bằng cách lao mình vào trước xe lửa ở quảng trường Times Square.
Benny McClenahan lúc nào cũng đến với bốn cô gái. Không phải lúc nào cũng là cùng người cũ, nhưng họ hoàn toàn giống nhau đến nỗi không thể không lầm tưởng họ đã đến đây từ trước rồi. Tôi đã quên tên mấy cô này, tôi nhớ là nếu không Jacquelin thì là Consuela, hay Gloria hay Judy hay June gì đó. Còn họ của mấy cô này thì hình như là những cái tên du dương của các loài hoa, của những tháng trong năm hay là những cái tên trang trọng của những gia đình đại tư bản Mỹ nào đó mà nếu ta có gạn hỏi thì họ sẽ tự nhận mình là bà con.
Bên cạnh những người vừa kể, tôi nhớ rằng Faustina O’brien cũng có đến một lần và những cô con gái nhà Baedeker và con trai Brewer, người có chiếc mũi bị bắn đứt trong chiến tranh. Có Albrucksburger và vị hôn thê là cô Haag. Có vợ chồng Ardita Fitz-Peter và ông P. Jewett, người đã từng lãnh đạo hội cựu chiến binh Mỹ American Legion. Có cô Claudia Hip và một người đàn ông nghe đâu là tài xế của cô. Còn có một hoàng tử nào đó  được mọi người gọi là Công Tước, anh ta tên là gì thì tôi nếu có biết thì giờ cũng đã quên mất rồi.
Tất cả những người này đã đến nhà của Gatsby vào mùa hè đó.
Khoảng chín giờ một sáng cuối tháng Bảy, chiếc xe lộng lẫy của Gatsby lắc lư bò lên con đường gập ghềnh dẫn đến nhà tôi, phát ra một tràng những tiếng nhạc từ còi xe ba nốt nhạc. Đây là lần đầu tiên Gatsby đến thăm tôi, mặc dù tôi đã tham dự hai buổi tiệc ở nhà anh, đã đi lái thủy phi cơ với anh và đã xử dụng thường xuyên bãi biển nhà anh theo như lời anh khẩn mời.
“Chào anh bạn già. Chúng ta có hẹn đi ăn trưa với nhau tôi và đến đây đón anh.”
Gatsby ngồi đĩnh trạc trên miếng bửng xe của mình với một dáng điệu sành sõi đúng nét đặc chưng riêng biệt của người Mỹ. Tôi cho rằng cách thức này có được không phải từ tập cử tạ hay từ cách ngồi cứng lúc còn nhỏ, mà là từ sự thanh nhã của những môn thể thao. Cái nét đặc chưng đó còn tiếp tục thể hiện qua tính cách câu nệ tỉ mỉ dưới hình thái luôn bồn chồn năng động của anh. Gatsby không bao giờ đứng yên, chân lúc nào cũng gõ nhẹ lên đâu đó hay tay nắm vào mở ra một cách thiếu kiên nhẫn.
Gatsby nhìn thấy tôi đang chiêm ngưỡng chiếc xe.
“Xe này đẹp phải không anh bạn già?” Gatsby tránh qua một bên để tôi có thể nhìn rõ hơn. “ Anh chưa thấy xe này trước đây à?”
Tôi đã từng thấy nó. Mọi người ai cũng đã từng thấy nó. Chiếc xe màu kem đậm, mạ kềng bóng loáng, dài khủng khiếp, lồi chỗ này phình chỗ kia với nhiều hộc để đựng nón, đựng hộp đồ ăn và đựng hộp đồ nghề.  Phía trên cao gắn chằng chịt những kiếng chắn gió có thể phản chiếu cả chục mặt trời.  
Ngồi vào xe sau nhiều lớp kiếng trông giống như nhà kính ươm cây, chúng tôi khởi hành đi vào phố.
Tôi đã từng nói chuyện với Gatsby cả năm sáu lần trong tháng qua nhưng tôi thật thất vọng nhận ra rằng anh ta không có gì nhiều để nói. Do đó ấn tượng lúc đầu tiên của tôi cho rằng anh ta là một nhân vật quan trọng nào đó đã từ từ tan biến. Với tôi, anh ta giờ đây chỉ là một chủ nhân một quán trọ bên đường đầy phức tạp.
Và thế rồi chuyến đi này đã làm đảo lộn tư tưởng của tôi. Khi chúng tôi chưa đến làng West Egg thì Gatsby bắt đầu bỏ lửng những câu nói thanh lịch tao nhã của mình, vỗ tay lên đầu gối trong bộ đồ vest màu nâu nhạt một cách lưỡng lự.
“Nghe đây anh bạn già.” Gatsby đột ngột nói. “Anh nghĩ sao về tôi?” Hơi bị chưng hửng, tôi bắt đầu đưa ra những câu trả lời tránh né chung chung dành để trả lời cho loại câu hỏi này.
“Được, tôi sẽ kể cho anh nghe một chút ít về cuộc đời của tôi.” Gatsby cắt ngang. “Tôi không muốn anh hiểu lầm tôi qua những chuyện anh đã từng nghe được.”
Thì ra Gatsby đã biết được những lời vu khống kỳ quái từng làm đậm đà những mẫu chuyện ở trong những gian phòng nhà anh ta.
“Tôi sẽ kể cho anh nghe sự thật.” Cánh tay phải của Gatsby đột ngột đưa lên tỏ vẻ thề thốt. “Tôi là con trai của một gia đình giàu có miền Trung Tây, nhà tôi ai cũng qua đời cả rồi. Tôi đã được nuôi lớn lên ở nước Mỹ nhưng lại theo học ở trường Oxford bởi vì tổ tiên của tôi đều được giáo dục ở trường đó qua nhiều thế hệ. Đó là truyền thống của giòng họ tôi.
Gatsby liếc mắt ngang nhìn tôi, và bây giờ thì tôi biết tại sao Jordan Baker lại nghĩ rằng anh ta đã nói láo. Gatsby nói lướt nhanh câu “theo học tại Oxford” làm như nuốt chửng những chữ đó, làm như chúng đã mắc nghẹn trong cổ và làm anh khó chịu từ lâu. Với nỗi nghi ngờ này, tất cả những lời nói của Gatsby như vỡ tan từng mảnh, và tôi tự hỏi cuối cùng phải chăng anh không mang chút gì nham hiểm.
“Phần nào của miền Trung Tây?” tôi hỏi một cánh thản nhiên.
“San Francisco”
“Vậy à.”
“Cả gia đình tôi đều qua đời và tôi được hưởng một gia sản kếch sù.”
Giọng nói của Gatsby rất trang nghiêm làm như cái ký ức về sự đột nhiên tiêu vong của giòng họ vẫn còn ám ảnh mình. Trong giây lát tôi nghi ngờ Gatsby đang đùa cợt với tôi, nhưng khi liếc nhìn anh thì tôi lại tin tưởng hoàn toàn.
“Sau đó tôi đã sống như một tiểu vương tôn khắp các thủ đô ở châu Âu như Paris, Venice, Rome – Sưu tầm nữ trang chủ yếu là hồng ngọc, đi săn các thú lớn, cũng có vẽ tranh một chút - chỉ toàn những việc cho cá nhân để cố quên đi những đau buồn đã xẩy ra cho tôi trong quá khứ.”
Tôi phải cố gắng kìm hãm để khỏi phá lên cười hoài nghi. Những ngôn từ xử dụng quá cũ rích khiến cho chúng không gợi nên hình ảnh gì hơn ngoài hình ảnh của một nhân vật đầu đội khăn vấn kiểu Ả Rập, mùn cưa rơi rớt từ mỗi lỗ chân lông khi anh ta đang đuổi rượt theo một con cọp trong rừng cây công viên Bois de Boulogne phía tây Paris.
“Thế rồi chiến tranh đã xẩy ra, anh bạn già. Lúc đó tôi cảm thấy đó là một giải thoát lớn, tôi đã cố gắng làm mọi cách để mình được chết, thế nhưng cuộc đời của tôi hình như đã được ban phép mầu nhiệm. Lúc mới nhập ngũ tôi được mang chức Trung Úy. Ở rừng Argonne Forest tôi đã chỉ huy hai chi đội súng máy tiến sâu phía trước cách xa cả nửa dặm giữa quân đội hai bên, nơi mà quân bộ binh không thể tiến tới được. Chúng tôi đã ở đó trong hai ngày hai đêm với một trăm ba mươi quân và mười sáu khẩu đại liên Lewis. Khi quân bộ binh tiến được tới đó thì họ tìm ra  huy hiệu của ba sư đoàn lính Đức nằm trong số những đám tử thi. Tôi được thăng cấp thiếu tá và mọi chính quyền đồng minh đều tặng tôi huân chương, ngay cả Montenegro, quốc gia Montenegro nhỏ bé nằm bên bờ biển Adriatic Sea.”
Quốc gia Montenegro nhỏ bé! Gatsby lên giọng và gục gặc đầu khi nhắc những chữ này kèm theo một nụ cười. Nụ cười như cảm thông cái lịch sử rối răm của Montenegro và nỗi thương cảm cho cuộc chiến đấu dũng cảm của người dân quốc gia Montenegro. Sự hoài nghi của tôi đã hoàn toàn bị nhận chìm vào sự khâm phục, tôi thấy mình dường như đang vội vã đọc lướt qua hàng chục tờ tạp chí.
Gatsby thọc tay vào trong túi lấy ra một miếng huy chương cột bằng sợi dây ruy băng đặt vào lòng bàn tay tôi.
“Món này do Montenegro tặng.”
Tôi lấy làm kinh ngạc vì vật đó trông rất thật, có in dòng chữ chạy theo vòng tròn quanh.
“Orderi di Danilo, Montenegro, Nicolas Rex.”
“Lật bên kia coi.”
“Trung tá Gatsby. Tượng trưng cho lòng dũng cảm phi thường.” Tôi đọc thấy.
“Còn một vật nữa mà tôi lúc nào cũng mang bên người. Một kỷ vật của những ngày ở Oxford. Hình được chụp ở sân Trinity Quad - người đứng bên trái cạnh tôi bây giờ là Bá Tước của Dorcaster.”
Nó là một tấm hình chụp khoảng năm sáu thanh niên trong áo khoác đồng phục đứng dưới một cửa cổng hình cung, qua cái cổng ta có thể thấy rõ ràng một dãy những tháp chuông.  Trong hình có Gatsby, trông trẻ hơn bây giờ nhưng không trẻ hơn bao nhiêu, tay cầm cây gậy chơi cricket.
Như thế đúng là sự thật. Tôi như trông thấy những bộ da cọp đang được trưng bày rực rỡ trong lâu đài của anh ta ở trên kinh Grand Canal. Tôi còn như thấy anh ta đang mở một hộp đầy những viên hồng ngọc chiếu ánh sáng đỏ thắm để làm dịu đi những day dứt trong trái tim vỡ nát của mình.
“Hôm nay tôi có chuyện to tát muốn nhờ anh giúp.” Gatsby nói, cất vào túi những kỷ vật của mình một cách hài lòng mãn nguyện. “Bởi vậy tôi cho rằng anh cần được hiểu biết thêm về tôi. Tôi không muốn anh nghĩ rằng tôi chỉ là một người tầm thường nào đó. Anh thấy đó, chung quanh tôi lúc nào cũng toàn những người xa lạ bởi vì tôi thường phiêu bồng khắp nơi để cố quê đi câu chuyện đau buồn đã xẩy ra cho tôi.” Gatsby ngập ngừng. “Anh sẽ được nghe câu chuyện chiều hôm nay.”
“Ở bữa trưa hả?”
“Không, chiều nay. Tôi tình cờ biết được anh có hẹn với cô Baker đi uống trà.”
“Có phải ý anh nói là anh đang yêu cô Baker?”
“Không phải, anh bạn già. Tôi không có. Thế nhưng cô Baker đã tốt bụng đồng ý để cho tôi được nói chuyện với anh về vần đề này.”
Tôi không có mộy tý xíu khái niệm gì về “vấn đền này”, thế nhưng tôi cảm thấy mình bị làm phiền nhiều hơn là thích thú muốn biết. Không phải tôi mời Jordan đi uống trà để mà thảo luận chuyện của ông Gatsby. Tôi tin chắc lời thỉnh cầu sẽ phải là cho một chuyện ly kỳ lắm, trong một giây lát tôi cảm thấy đáng tiếc tôi đã từng đặt chân lên trên thảm cỏ quá đông người của anh ta.
Gatsby không nói thêm một tiếng. Anh ta trông càng trở nên nghiêm chỉnh chừng mực khi chúng tôi vào gần đến phố. Chúng tôi đi ngang qua cảng Roosevelt nơi chúng tôi có thể thoáng thấy những con tàu viễn dương với vành đai đỏ sơn bên hông. Xe lứớt nhanh dọc theo một khu phố đường lát đá cuội tồi tàn. Hai bên đường là những quán rượu tối tăm nhưng không vắng khách của thời đại vàng son đã phai tàn, những năm thập niên một ngàn chín trăm. Thung lũng tro tàn bắt đầu hiện ra hai bên đường, tôi có thể thoáng trông thấy cô vợ Wilson đang làm việc cật lực ở bên trạm bơm xăng dáng điệu thở hổn hển đầy sinh lực khi xe chúng tôi chạy ngang qua.
Với những miếng cảng xòe ra như những chiếc cánh, xe chúng tôi lướt vút đi như rải ánh sáng ngang qua nửa thành phố Long Island. Chỉ mới nửa đường, trong khi xe chúng tôi còn đang xoắn lượn vòng vèo giữa những cột trụ cầu cao tôi nghe tiếng nổ bành bặt quen thuộc của xe gắn máy cảnh sát, một cảnh sát viên đang hùng hổ chạy ngang bên hông.
“Được rồi, anh bạn già.” Gatsby nói to, cho xe chạy chậm lại. Lấy ra một tấm thẻ màu trắng từ trong túi, Gatsby giơ lên vẫy nó trước mặt viên cảnh sát.
“Được rồi.” Viên cảnh sát ưng thuận, đưa tay chạm nhẹ lên nón chào. “Lần sau tôi sẽ nhận ra ông, thưa ông Gatsby. Xin lỗi.”
“Cái đó là cái gì vậy?” Tôi dạn hỏi. “Bức hình của Oxford hả?”
“Tôi đã từng giúp ủy viên hội đồng cảnh sát một lần và anh ta gửi cho tôi thiệp giáng sinh mỗi năm.”
Đi ngang qua chiếc cầu lớn, ánh nắng chiếu qua rầm cầu tạo thành những tia sáng nhảy nhót lung linh liên tục trên những chiếc xe đang di chuyển. Bên kia sông, thành phố đang từ từ mọc lên trước mắt như những khối trắng và như những viên đường thẻ được xây dựng lên qua một lời ước từ những đồng tiền vô khứu giác. Thành phố khi nhìn từ cầu Queensboro lúc nào cũng giống như mới được nhìn lần đầu tiên với lời hứa hẹn điên cuồng nó sẽ hiến dâng cho ta những bí ẩn và những nét đẹp của thế giới.
Đám tang một người đi ngang qua trong một chiếc xe tang chất đầy hoa, theo sau bởi hai chiếc xe ngựa che rèm kín, nối tiếp là những chiếc xe ngựa  chở bạn bè tươi vui hơn. Những người bạn này ngước nhìn lên chúng tôi bằng những đôi mắt bi ai, những chiếc môi trên ngắn của dân miền Đông Nam Âu. Tôi cũng mừng là hình ảnh chiếc xe lộng lẫy của Gatsby đã được ghép chung vào trong ngày tang lễ u sầu ảm đạm này của họ. Khi chúng tôi đi ngang qua đảo Blackwell, một chiếc xe limousine chạy lướt ngang qua xe chúng tôi. Tài xế là một người da trắng, trong xe gồm có ba người da đen ăn mặc đúng mốt, hai công tử bột và một cô gái. Tôi phá lên cười khi trông thấy những con mắt của họ trợn tròn nhìn chúng tôi một cách ghanh đua ngạo mạn.
“Bây giờ xe của mình đã đi qua cầu rồi thì chuyện gì cũng có thể xẩy ra.” Tôi nghĩ. “Bất cứ chuyện gì…”
“Dù ngay cả Gatsby, không có điều gì là phi thường đặc biệt cả.”

*

Vào buổi trưa ồn ào náo nhiệt, dưới hầm đường Forty-second thoáng gió, tôi hẹn gặp Gatsby ăn trưa. Chợp mắt cho tan đi ánh nắng sáng chói mắt bên ngoài, cặp mắt của tôi nhận ra anh ta trong bóng tối lờ mờ ở phòng ngoài, đang nói chuyện với một người đàn ông khác.
“Anh Carraway, đây là bạn của tôi, ông Wolfsheim.”
Một người đàn ông Do Thái nhỏ bé, mũi tẹt, ngẩng chiếc đầu bự lên chào tôi với hai chùm lông mũi xum xuê thò ra từ hai lỗ mũi. Mãi một lát tôi mới nhìn ra cặp mắt bé tý của ông ta trong bóng nửa sáng nửa tối.
“..Rồi tôi đã ngắm nhìn anh ta.” Ông Wolssheim vừa nói vừa bắt tay tôi một cách sốt sắng. “Và anh có biết tôi đã nghĩ gì không?”
“Nghĩ gì?” Tôi hỏi một cách lịch sự.
Rõ ràng là ông ta không phải đang nói chuyện với tôi, bởi vì ông buông tay tôi ra và hướng cái mũi đầy diễn đạt  của mình về phía Gatsby.
“Tôi giao tiền cho Katspaugh và tôi nói: ‘Được rồi, Katspaugh, không trả cho hắn một xu teng cho đến khi hắn chịu câm miệng.’ Thế lá hắn câm miệng ngay lập tức ngay tại chỗ.”
Gatsby cầm cánh tay của hai chúng tôi dẫn vào bên trong nhà hàng.  Khi đó ông Wolfsheim phải nuốt đi một câu đang sắp nói và thả mình vào trong trạng thái như mộng du.
“Rượu Whiskey sô đa?” Người hầu bàn hỏi.
“Quán ăn này đẹp đấy.” Wolfsheim nói, ngước nhìn những bước tranh của những nữ thần trong tôn giáo vẽ trên trần nhà. “Nhưng tôi thích quán ở bên kia đường hơn!”
“Đúng, cho rượu Whiskey sô đa.” Gatsby trả lời, sau đó quay sang Wolfsheim. “Bên đó nóng lắm.”
“Đúng vậy, nóng và nhỏ.” Wolfsheim nói. “Nhưng tràn đầy những kỷ niệm.”
“Quán đó là quán nào?” Tôi hỏi.
“Quán cổ Metropole.”
“Quán cổ Metropole.” Wolfsheim nghiền ngẫm một cách u sầu. “Chứa đầy hình ảnh những khuôn mặt đã khuất và không còn. Chứa đựng đầy hình bóng của những người bạn đã vĩnh viển ra đi. Ngày nào tôi còn sống trên đời, tôi không thể nào quên được cái đêm mà họ bắn chết Rosy Rosenthal ở đó. Lúc đó sáu đứa chúng tôi đang ngồi ở bàn, Rosy đã ăn uống rất nhiều tối hôm đó. Khi trời sắp sửa sáng, người hầu bàn đi lại bên anh ta với một cái nhìn kỳ lạ và nói rằng có ai đó muốn nói chuyện với anh ta bên ngoài. “Được rồi.” Rosy nói và bắt đầu đứng lên. Tôi kéo anh ta ngồi trở lại ghế.”
“Hãy để những tên khốn nạn đó vào đây nếu chúng muốn anh, Rosy, nhưng làm ơn giúp tôi, đừng ra khỏi căn phòng này.”
“Lúc đó là bốn giờ sáng và nếu như chúng tôi có vén màn cửa lên nhìn, chúng tôi cũng có thể thấy ánh sáng mặt trời.”
“Anh ta có đi ra ngoài không?” Tôi hỏi một cách ngây thơ.
“Anh ta chắc chắc là đi chứ.” Chiếc mũi của Wolfsheim hỉnh về phía tôi một cách căm phẫn. “Lúc ra đến cửa anh ta còn quay người lại nói: “Đừng để người hầu bàn dọn ly cà phê của tôi đi!” Sau đó anh ta đi ra ngoài hè đường, bọn chúng đã bắn anh ta ba phát ngay giữa chiếc bụng no nê của anh ta rồi lái xe chạy mất.”  
“Bốn người bọn họ sau này đã bị xử tử bằng ghế điện.” Tôi kể tiếp lời, nhớ lại chuyện.
“Năm, có cả Becker.” Hai lỗ mũi của ông ta hướng về tôi một cách quan tâm. “Theo như tôi biết anh đang tìm đường dây làm ăn.”
Hai câu nói liền nhau này khiến tôi ngạc nhiên. Gatsby trả lời dùm cho tôi.
“Ổ,  không, không phải người này.”
“Không phải à?” Wolfsheim tỏ vẻ thất vọng.
“Anh này chỉ là  bạn. Tôi đã nói với anh, chúng ta sẽ nói chuyện đó lúc khác.”
“Tôi xin lỗi anh, tôi nhận lầm người.” Wolfsheim nói.
Món thịt bằm ngon lành được dọn lên, Wolfsheim đã quên mất cái khung cảnh đầy đa cảm của quán cũ Metropole, bắt đầu ăn một cách lịch sự nhưng hùng hổ.  Vừa ăn, cặp mắt của ông ta vừa đảo tròn chậm rãi nhìn chung quanh căn phòng, chấm dứt vòng nhìn của mình bằng cái xem xét những người đang ngồi ngay sau lưng. Tôi cho rằng, bởi vì có sự hiện diện của tôi, nếu không ông ta chắc cũng đã liếc nhìn luôn xuống dưới cả gầm bàn mình đang ngồi rồi
“Nghe đây, anh bạn già.” Gatsby nó, nghiêng người về phía tôi. “Tôi ngại rằng tôi đã làm anh hơi giận sáng nay lúc ở trong xe.”
Lại nụ cười cũ nở ra, nhưng lần này tôi cưỡng lại được.
“Tôi không thích bí ẩn.” Tôi trả lời. “Và tôi không hiểu tại sao anh không thẳng thắn nói cho tôi biết anh muốn gì. Tại sao phải nhờ qua cô Baker?”
“Ồ, không có gì là lét lút mờ ám cả.” Gatsby trấn an tôi. “Cô Baker là một nhà thể thao danh tiếng, anh biết đó, cô ta sẽ không sẽ không làm bất cứ chuyện gì nếu như nó không đúng đắn.” 
Đột nhiên Gatsby nhìn đồng hồ rồi đứng nhổm lên vội vã rời khỏi phòng, để lại tôi và Wolfsheim gồi lại trên bàn.
“Anh ta phải gọi điện thoại.” Wolfsheim nói, mắt dõi  nhìn theo Gatsby. “Anh ta là một thanh niên khá lắm, phải vậy không? Một con người vừa đẹp trai vài vừa hoàn toàn lịch thiệp.”
“Đúng vậy.”
“Anh ta là dân Oggsford[2]
“Ổ, vậy hả”
“Anh ta theo học Oggsford ở Anh Quốc. Anh có biết trường Oggsford không?”
“Tôi có nghe nói về trường này.”
“Nó là một trong những trường đại học nổi tiếng nhất trên thế giới.”
“Ông quen biết Gatsby lâu lắm rồi hả?” Tôi gạn hỏi.
“Nhiều năm rồi.” Wolfsheim trả lời một cách hài lòng. “Tôi vui mừng đã quen được anh ta, ngay sau chiến tranh. Chỉ sau khi nói chuyện với anh ta chừng một tiếng đồng hồ, tôi biết mình đã khám phá ra một thanh niên ưu tú. Tôi tự nói với mình: ‘Đây là loại thanh  niên ta muốn đưa về nhà giới thiệu cho mẹ và em gái.’” Wolfsheim ngừng một chút. “Tôi nhận ra anh đang nhìn nút cài tay áo của tôi.” Thật ra tôi không hề nhìn, nhưng nghe ông ta nói thì  bây giờ tôi quay nhìn thật. Chúng được làm từ những mảnh ngà voi hìng dáng không giống như thường thấy.
“Chúng là những miếng răng hàm đẹp nhất của con người.” Ông ta cho tôi hay.
“Chà!” Tôi xem xét. “Đây thật là một sáng kiến ngộ nghĩnh.”
“Đúng như vậy.” Wolfsheim lật bẻ hai cánh áo dưới tay áo khoác ra ngoài. “Đúng vậy, Gatsby rất cẩn trọng về phụ nữ. Nhìn vợ bạn thôi anh ta cũng tránh.” 
Khi nhân vật đáng tín cẩn đang được nói tới này quay trở về ngồi vào bàn, ông Wolfsheim thình lình uống cạn ly cà phê của mình rồi đứng lên.
“Bữa ăn trưa này ngon lắm.” Ông ta nói. “Nhưng bây giờ tôi phải chia tay với các anh trước khi các anh cho tôi là quấy rầy.”
“Không có gì phải vội và Meyer.” Gatsby nói nhưng không tỏ vẻ gì sốt sắng lắm. Ông  Wolfsheim dơ cánh tay của mình lên chào như làm lễ.
“Anh thật là lịch sự, nhưng tôi thuộc về thế hệ khác.” Ông ta tuyên bố một cách trang trọng. “Hai anh cứ ngồi ở đây mà bàn bạc chuyện thể thao, chuyện đàn và chuyện….” Ông ta thay danh từ cuối cùng đầy tưởng tượng của mình bằng một cái vẫy ta nữa. “Còn tôi, tôi đã năm mươi tuổi rồi, tôi không muốn làm phiền các anh lâu hơn.”
Khi Wolfsheim bắt tay chào và quay mình bước đi, thì chiếc mũi thảm thương của ông rung rung. Tôi tự hỏi không biết mình có nói điều gì làm phật lòng ông ta hay không.
“Đôi khi ông ta trở nên rất đa cảm.” Gatsby giải thích. “Hôm nay là một trong những ngày đa cảm của ông ta. Ông ta thật là một nhân vật đặc biệt ở New York, một cư dân của Broadway[3].”
“Ông ta là ai vậy, một kịch sĩ à?”
“Không.”
“Nha sĩ?”
“Myer Wolfsheim hả? Không phải, ông ta là dân cờ bạc.” Gatsby ngập ngừng, sau đó lạnh lùng nói thêm. “Ông ta là người đã bố trí trước giải bóng chầy thế giới năm 1919.”
“Bố trí trước giải bóng chày thế giới?” Tôi lập lại.
Sự hiểu biết này làm tôi choáng váng. Đương nhiên tôi nhớ giải bóng chày thế giới năm 1919 đã bị bố trí trước nhưng nếu như tôi có thể nghĩ về nó thì cũng chỉ cho là một sự kiện tự nhiên xẩy ra,  kết quả của một chuỗi những diễn biến thông thường. Trong đầu tôi chưa hề có tư tưởng một người đàn ông có thể đánh lừa lòng tin của năm mươi triệu người mà mục đích chỉ như một tên ăn trộm đi đục két sắt.
“Ông ta làm sao làm được như vậy?” Sau một lát, tôi hỏi.
“Cơ hội đưa đẩy đến thì ông ta chụp.”
“Tại sao ông ta không bị tù?”
“Họ không thể bắt ông ta, anh bạn già. Ông ta là một người thông minh.”
Tôi nhất định đòi trả tiền ăn. Khi người bồi bàn mang tiền thối lại, tôi nhận ra dáng của Tom Buchanan phía bên kia căn phòng đông người.
“Đi theo tôi tới đây một phút.” Tôi nói. “Tôi phải đi đến chào người này.” Ngay khi đó Tom nhận ra chúng tôi, anh ta đứng ngay lên đi năm sáu bước về phía chúng tôi.
“Độ này anh đi đâu?” Tom hỏi một cách hăm hở. “Daisy đang giận bởi vì anh lâu nay không gọi điện thoại.”
“Tôi giới thiệu, đây là anh Gatsby và đây là anh Buchanan.”
Hai người họ bắt tay nhau ngắn gọn, gượng ép, một nét ngượng ngùng xuất hiện trên khuôn mặt Gatsby.
“Anh độ này ra sao?” Tom hỏi tôi. “Chuyện gì khiến anh đến mãi tận nơi này ăn vậy?”
“Tôi đi ăn trưa với anh Gatsby.”
Tôi quay sang Gatsby nhưng anh ta không còn đứng ở đó nữa.

*

Một ngày tháng Mười năm một ngàn chín trăm mười bẩy…..
(Vào buổi chiều hôm đó, ngồi rất thằng người lên một chiếc ghế thẳng lưng trong khu vườn dành cho uống trà ở khách sạn Plaza, Jordan bắt đầu kể chuyện).
“Em đang đi bộ lăng quăng từ chỗ này tới chỗ kia, lúc thì ở trên hè đường, lúc thì ở trên những bãi cỏ. Em thích đi trên cỏ hơn, bởi vì em đang mang đôi giầy mua từ Anh Quốc có đế bằng cao su rất dễ bám vào đất mềm. Lúc đó em mặc chiếc váy sọc ca rô hơi bị gió thổi tung lên một tý. Mỗi khi như vậy thì những lá cờ mang màu đỏ, trắng, xanh[4] trước cửa các ngôi nhà lại bay thẳng ra kêu lên những tiếnh “tut tut tut tut” một cách không tán thành. 
Lá cờ lớn nhất và bãi có lớn nhất là thuộc về nhà của Daisy Fay. Lúc đó chị Daisy mới mười tám tuổi, lớn hơn em hai tuổi và là người nổi tiếng nhất trong đám những thiếu nữ ở Louisville. Chị ấy lúc nào cũng mặc màu trắng và đi chiếc xe mui trần hai chỗ cũng màu trắng. Cả ngày điện thoại trong nhà chị không lúc nào ngừng reo, do những sĩ quan hồ hởi từ trại quân đội Taylor gọi tới xin được đặc ân độc chiếm chị Daisy tối đó. “Cho dù chỉ là một giờ.”
Sáng đó khi em đi ngang qua nhà chị Daisy, chiếc xe mui trần màu trắng của chị đang đậu sát hè đường, chị đang ngồi trong xe với một trung úy mà em chưa từng gặp trước kia. Hai người họ đang chú tâm vào nhau quá đến quá nỗi không nhìn thấy em cho tới khi em chỉ còn cách họ năm bước.
“Chào Jordan.” Chị ấy đột ngột gọi em. “Đến đây đi.”
Em cảm thấy hãnh diện vì chị ấy muốn nói chuyện với em, trong số những chị lớn hơn, em ngưỡng mộ chị ấy nhất. Chị ấy hỏi em nếu em có đi đến hội chữ thập đỏ để băng bó. Lúc đó em đang đi thật. Chị ấy nhờ em nhắn hộ với họ là hôm đó chị không thể đến được. Trong lúc chị Daisy nói chuyện, người sĩ quan cứ nhìn chị bằng cái nhìn mà tất cả mọi thiếu nữ trẻ đều muốn mình được nhìn như vậy. Cảnh tượng đó trông thật là tình tứ lãng mạn, nó khiến em nhỡ mãi. Tên của anh ta là Jay Gatsby, sau lần đó khoảng bốn năm em không còn gặp lại anh ta nữa cho mãi cho đến khi em gặp lại anh ta ở Long Island em cũng chưa nhận ra hai người họ là một.
Năm đó là năm một ngàn chín trăm mười bẩy. Sang đến năm sau, em cũng đã có vài anh theo đuổi và em bắt đầu tham gia tranh giải. Bởi vậy em không còn gặp chị Daisy thường xuyên nữa. Chị Daisy ít chơi với ai, chỉ giao thiệp với những người lớn tuổi hơn chị một chút. Có những tin đồn dữ dội đồn đãi về chị, nói một tối mùa đông mẹ chị ấy đã khám phá ra hành lý của chị khi chị chuẩn bị đi New York từ biệt một quân nhân sắp sửa được bổ nhiệm ra nước ngoài. Chị ấy đã bị ngăn lại không cho đi. Chuyện này khiến chị không hề nói chuyện với mọi người trong nhà nhiều tuần. Sau đó, chị ấy không còn liên lạc với mấy quân nhân nữa mà chỉ giao thiệp với mấy người thanh niên địa phương vụng về, mắt cận thị không thể gia nhập quân đội.
Sang đến mùa thu năm sau thì Daisy lại vui vẻ trở lại, vui vẻ bình thường như xưa. Chị thực sự bước chân ra đời sau khi ngưng chiến, sang đến tháng Hai thì chị ấy đính hôn với một người ở New Orleans. Nhưng sang tháng Sáu, thì lại đám cưới với Tom Buchanan người Chicago. Đám cưới xa hoa tráng lệ chưa từng có ở Lousiville. Tom đưa xuống cả trăm người trên bốn toa xe riêng và mướn nguyên cả từng lầu khách sạn Seelbach. Trước đám cưới một ngày anh ta tặng chị ấy một chuỗi ngọc trai giá trị lên đến ba trăm năm chục ngàn đô la.
Em làm phụ dâu. Khoảng nửa tiếng trước khi bữa tiệc cưới khai mạc, em đến phòng Daisy và nhìn thấy chị đang nằm trên giường trong chiếc áo cưới hoa, xinh đẹp như một đêm tháng Sáu. Chị ấy say khướt, một tay cầm chai rượu Sauterne, tay kia cầm một lá thư.
“Chúc mừng cho chị đi.” Chị ấy thì thầm. “Chị chưa bao giờ uống rượu trong đời, nhưng hôm nay chị uống thấy rất ngon.”
“Chuyện gì đã xẩy ra, chị Daisy?”
Để em nói cho anh biết, lúc đó em rất sợ, em chưa từng thấy một người con gái ở trong tình trạng như vậy.
“Đây nè em cưng.” Chị ấy sờ soạng mò mẫm thùng rác lúc đó đang để trên giường rồi lôi ra một chuỗi ngọc trai. “Đem chúng xuống nhà và trả lại cho chủ nhân của nó. Nói với mọi người Daisy đã đổi ý. Nhắn rằng ‘Daisy đã đổi ý.”
Chị ấy bắt đầu khóc, khóc và khóc mãi. Em chạy vội ra ngoài đi tìm người hầu gái. Hai chúng em khóa cửa lại và đưa Daisy vào tắm nước lạnh. Chị ấy nhất định không buông lá thư. Chị ấy mang nó vào theo bồn tắm và vò ném chặt cho tới khi nó biến thành một trái banh giấy sũng ướt. Cuối cùng khi nhìn thấy nó bắt đầu rửa ra từng miếng như hoa tuyết chị ấy mới để cho em đặt nó lên trên khay đựng xà bông.
Thế nhưng sau đó chị ấy không hề nói thêm một lời. Chúng em cho chị ấy ấy ngửi một chút ammomia, trườm đá lên trán và mặc áo trở lại cho chị. Chỉ nửa tiếng sau, khi chúng em bước ra khỏi phòng thì chuỗi ngọc trai đã được đeo vào cổ và sự việc coi như đã xong. Năm giờ ngày hôm sau, chị ấy đám cưới với Tom Buchanan không một chút rùng mình và bắt đầu một chuyến du lịch ba tháng tới biển Nam South Sea.
Em gặp lại vợ chồng họ ở Santa Barbara khi họ trở về và em cho rằng em chưa bao giờ từng thấy người con gái nào quá say đắm với chồng của mình như chị. Mỗi khi anh ấy đi ra khỏi phòng chỉ chừng một phút thì chị ấy lại nhìn quanh trông như rất khó chịu. Chị sẽ hỏi. “Tom đi đâu rồi?” và tỏ ra rất lơ đãng cho tới khi trông thấy anh ấy quay trở lại cửa. Chị ấy thường ngồi trên cát đặt đầu của chồng lên đùi mình hằng giờ. Ngón tay vuốt nhẹ trên đôi mắt của anh ấy và nhìn anh ấy bằng một cái nhìn vui mừng không sao hiểu thấu. Cảnh tượng hai người họ ở bên nhau vừa làm cho ta xúc động, vừa làm cho ta phải cười thầm thú vị. Lúc đó là vào tháng Tám. Một tuần sau khi em rời Santa Barbara, một tối Tom chạy xe đụng vào một chiếc xe có khoang chở hàng ở trên đường Ventura, chiếc bánh xe của anh ấy rơi hẳn ra ngoài. Người con gái ở bên anh ấy lúc đó cũng bị đưa lên báo bởi vì cánh tay của cô ta bị gẫy. Hóa ra cô ta là một trong những cô hầu phòng ở khách sạn Santa Barbara.
Tháng Tư năm sau Daisy sanh đứa con gái, và họ sau đó đi sang bên Pháp ở khoảng một năm. Em gặp họ một mùa xuân ở Cannes, sau đó thì gặp ở Deauville, và rồi sau đó họ quay về Chicago sống ổn định ở đó. Daisy rất được nhiều người biết đến ở Chicago, như anh biết đó. Hai người họ thường tụ tập với những người ăn chơi trẻ tuổi, giàu có và sống điên cuồng, thế nhưng giữa đám người họ Daisy lúc nào cũng giữ thanh danh. Có lẽ là tại vì chị ấy không uống rượu. Không uống rượu giữa đám người uống như hũ chìm cũng là một điều lợi. Mình có thể giữ mồm miệng, hơn nữa, mình có thể làm những việc hơi khác thường một chút mà không ai nhận ra hay quan tâm. Có lẽ Daisy đã chưa bao giờ dính líu vào một chuyện tình bất chính, nhưng có một cái gì đó trong giọng nói của chị…
Thế rồi, khoảng cách đây sáu tuần chị ấy đã nghe lại được cái tên Gatsby lần đầu tiên sau bao năm. Đó là lúc em hỏi anh, anh còn nhớ không? Em hỏi rằng nếu anh biết Gatsby ở bên West Egg. Sau khi anh đã ra về rồi, Daisy đến phòng em đánh thức em dậy, chị hỏi: ‘Gatsby nào vậy?’ Lúc đó em đang nửa ngủ nửa tỉnh. Sau khi nghe en diễn tả, chị ấy đã nói bằng một giọng khác lạ nhất rằng người đó có lẽ là người chị đã từng quen. Mãi đến lúc đó em mới nhận ra Gatbsy là người sĩ quan hôm nào trong chiếc xe trắng của Daisy.
Khi Jordan đã kết thúc câu chuyện thì chúng tôi cũng đã rời khách sạn Plaza chừng nửa giờ và đang lái trên chiếc xe mui trần ngang qua công viên Central Park. Mặt trời đã lặn xuống phía sau những dãy nhà chung cư cao ngất của những minh tinh điện ảnh ở đường West Fifties. Những đứa bé gái đã tập họp với nhau như những con dế mèn trên đám cỏ, cất  giọng hát trong trẻo bay cao vượt qua ánh chiều chạng vạng nóng bức. 
“Ta là chàng bảnh trai xứ Ả Rập.
Tình yêu của em vốn thuộc về ta.
Đêm đến khi em chìm trong giấc ngủ
Ta bò vào trong lều ta tìm em”
“Đây đúng là một chuyện tình cờ lạ lùng.” Tôi nói.
“Thật ra nó không tình cờ chút nào cả?”
“Tại sao không?”
“Gatsby mua căn nhà đó để được ở cách Daisy một vịnh nước.”
Nếu đúng như thế thì cái đêm tháng Sáu vừa qua Gatsby không phải ra ngoài chỉ để mà ngắm sao trời. Bây giờ thì tôi đã cảm nhận được anh ta. Gatsby đã đột nhiên được lột thoát ra từ trong cái vỏ huy hoàng rực rỡ không mục đích của mình.
“Anh ta muốn biết.” Jordan tiếp tục. “Nếu anh có thể mời Daisy tới nhà của anh buổi chiều nào đó và sau đó để anh ta sang.”
Lời đòi hỏi quá khiêm tốn này khiến tôi rung động. Anh ta đã chờ đợi năm năm trời, mua một tòa lâu đài đồ sộ nơi anh có thể phân phát ánh sao trời tới cho những con bướm đêm, chỉ để mà có thể một chiều nào đó được “ghé ngang” vườn nhà một người xa lạ.
“Tôi có phải cần biết hết mọi chuyện như thế này trước khi anh ta có thể nhờ cậy một chuyện nhỏ mọn như vậy?”
“Anh ta lo sợ, anh ta đã chờ đợi đã quá lâu. Anh ta nghĩ anh sẽ phật lòng. Anh thấy đó, dưới cái lớp cứng rắn mạnh mẽ bên ngoài anh ta chỉ là người bình thường.”
Có cái gì đó khiến tôi lo ngại.
“Tại sao anh ta không hỏi em để sắp đặt cho cuộc gặp gỡ?”
“Anh ta muốn Dasisy nhìn thấy nhà của anh ta.” Jorsan giải thích. “Mà nhà của anh thì ở kế ngay bên cạnh.”
“Ồ.”
“Em nghĩ anh ta mong đợi vào một tối nào đó Daisy sẽ lai vãng tới một trong những bữa tiệc ở nhà mình.” Jordan tiếp tục. “Nhưng chị ấy đã chưa bao giờ tới. Sau đó anh ta làm như vô tình, thường hỏi thăm người khác nếu họ có quen biết Daisy. Em là người đầu tiên anh ta tìm được. Đó là cái đêm ở dạ vũ anh ta cho người mời em vô gặp mặt.  Anh nên nghe cách anh ta rào trước đón sau như thế nào. Đương nhiên ngay lập tức em đề nghị một bữa ăn trưa ở New York, em tưởng anh ta đã nổi khùng:
‘Tôi không muốn phải làm bất cứ việc gì phiền phức đi xa xôi như vậy’ Anh ta cứ nói ‘Tôi chỉ muốn gặp cô ấy ở ngay bên cạnh nhà thôi.’
“Khi nghe em nói anh là bạn đặc biệt của Tom, thì anh ta bỏ hết mọi toan tính. Anh ta không biết nhiều lắm về Tom, tuy rằng anh ta đã từng đọc báo Chicago nhiều năm chỉ để mong có cơ hội tìm được tên của Daisy đăng trên báo.”
Trời bây giờ đã tối hẳn, khi hai chúng tôi đi ngang dưới chân một chiếc cầu nhỏ, tôi đưa tay ôm choàng ngang đôi vai ngọc ngà của Jordan và kéo cô lại gần mình hơn, tôi mời Jordan đi ăn chiều. Đột nhiên tôi không còn nghĩ về Daisy hay Gatsby nữa, mà chỉ nghĩ về người con gái cân đối, rắn chắc này.  Một câu nói bắt đầu cứ đập vào tai tôi bốc lên đầu đầy kích động: “Ở đây đang chỉ có một người được theo đuổi, một người đang theo đuổi, một người bận rộn và một người mệt mỏi.”
“Chị Daisy cũng nên có một cái gì đó cho đời mình.” Jordan thì thầm bên tai tôi.
“Daisy có muốn gặp Gatsby hay không?”
“Chị ấy không nên biết về chuyện này. Gatsby không muốn chị ấy niết. Anh chỉ làm bộ như mời chị ấy tới uống trà.”
Chúng tôi đi ngang qua một hàng cây tối xậm màu ra tới mặt chính của đường Fifty Ninth, một khoảng bóng tối nhạt màu êm dịu chiếu xuống trong công viên. Không như Gatsby và Tom Buchanan, tôi không có bạn gái nào có khuôn mặt loáng thoáng lướt qua trên những gờ mái nhà tối sẫm, hay trên những bảng quảng cáo sáng chưng. Bởi vậy tôi kéo người con gái bên cạnh mình lại gần, hai tay xiết chặt lấy cô. Chiếc miệng mệt mỏi và khinh khỉnh của Jordan mỉm cười, và như thế tôi kéo cô lại gần hơn thêm, tới sát khuôn mặt của mình.
Chú thích:
[1] Paul von Hindenburg (1847-1934) là tổng thống thứ hai của nước Đức từ năm 1925 đến 1934.
[2] Wolfsheim nói giọng Do Thái, phát âm không đúng từ Oxford
[3] Broadway là sân khấu ca nhạc kịch ở New York,
[4] Lá cờ Mỹ mang ba màu đỏ, trắng xanh