Bản Việt ngữ của Người Sông Kiên và Lê Thị Duyên
- 7 -
CUỘC XÂM CHIẾM TỪ NGÀY 6 ĐẾN NGÀY 9-6-1944

Hitler luôn luôn trì hoãn cuộc viếng thăm miền Tây dự định từ lâu của ông. Cũng như Thống chế Rommel một lần nữa muốn trình bày cho ông ta, một báo cáo riêng, và trước cuộc xâm chiếm sắp đến của Đồng minh, trình bày các quan niệm quân sự và chính trị của ông về tình hình và yêu cầu ông ta thi hành các biện pháp chính trị tương ứng.
Được thỏa hiệp với Thống chế Von Rundstedt và sau khi thỏa hiệp trước bằng điện thoại với túy viên của Hitler, tướng Schmundt, sáng ngày 5 tháng 8, ông đi xe đến Obersalzberg: các giới chức cao cấp đã bị cấm không được dùng đường hàng không vì ưu thế không quân của địch. Ông phải báo cáo cho Fuhrer vào ngày 6 tháng 6, nhưng muốn về với gia đình đêm 5 rạng ngày 6 tại Herrlingen, gần Ulm.
Ngày 5 trôi qua một cách êm ả. Tổng tư lệnh miền Tây đã tuyên bố rõ, cũng như bao nhiêu tin tức tình báo khác, rằng cuộc xâm chiếm có thể bắt đầu trong khoảng từ 6 đến 15 tháng 6. Nhiều điện văn bắt được qua máy vô tuyến đã chỉ định nhiều ngày để bắt đầu cuộc đổ bộ, nhưng người ta nghĩ rằng nó sẽ bị chậm trễ.
Các lực lượng kháng chiến F.F.I bên trong lãnh thổ Pháp, báo hiệu cho nhau, đặc biệt là trong vùng Bretagne, bằng truyền đơn. Nội dụng của truyền đơn có thể coi như là một lời kêu gọi bắt đầu một giai đoạn kháng chiến tích cực. Binh đoàn B đã ra lệnh báo động toàn diện mặt trận ngay từ các ngày đầu của tháng 6 một cách thận trọng.
Vào lúc 22 giờ ngày 5 tháng 6 Lộ quân thứ XV lại bắt được mật hiệu cho phép kết luận là cuộc xâm chiếm bắt đầu.
Dĩ nhiên là Lộ quân thứ XV đã lập tức báo động các đơn vị trực thuộc và thông báo cho các Lộ quân đóng kế cận. Tổng tư lệnh Miền Tây được thông báo dấu hiệu bắt được của địch đã không đồng ý đặt toàn thể mặt trận trong tình trạng báo động.
Trong những ngày trước đó, vì lẽ ưu thế của không quân địch có tính cách tuyệt đối cho nên các đơn vị không thám và hải thám đã không thể nào hoạt động được. Các cuộc tuần tiễu trên biển đã không thể thực hiện được trong đêm mồng 5 tháng 6 vì lý do “biển quá xấu”.
Ngay từ bình minh ngày mồng 6, Tham mưu trưởng Binh đoàn B nhận được các tin tức liên quan đến các vụ địch quân nhảy dù xuống vùng Caen và trong vùng đông nam bán đảo Colentin. Trước hết, người ta không biết rõ lắm liệu đây là cuộc đổ bộ các đơn vị không vận quan trọng hay chỉ là việc thả dù các đội liên lạc cảm tử mạnh mẽ để hỗ trợ cho lực lượng kháng chiến tại Pháp. Đặc biệt, chính trong vùng giữa sông Seine và sông Orne, quân dù địch đã lan tràn trong một vùng rộng lớn. Mặc dù vậy, các mệnh lệnh chuẩn bị cũng đã được ban hành. Giữa khoảng 3 và 4 giờ sáng tin tức về các cuộc nhảy dù ngày càng gia tăng. Thêm vào đó, lại có các cuộc ném bom nhằm vào các khu vực phòng thủ kiên cố và dọc theo bờ biển; tin tức về các đội hình không quân mạnh mẽ của địch được thông báo. Các sư đoàn thiết giáp trừ bị sẵn sàng nổ máy. Lực lượng tổng trừ bị độc lập của Quân đoàn I thiết kỵ SS được lệnh liên lạc với quân đoàn của tướng pháo binh Erich Marcks đang trấn giữ vùng bờ biển Calvados và chỉ huy lực lượng trên bán đảo Colentin, cũng như với các sư đoàn tham chiến. Sư đoàn 21 thiết giáp nhận được lệnh tiến vào khu vực chuẩn bị định trước ở phía nam Caen. Bộ Tư lệnh tối cao Lục quân và Bộ Tổng tư lệnh Mặt trận Miền Tây được báo cáo tình hình.
Đến 5 giờ 30, một cuộc oanh kích như sấm sét đổ xuống bờ biển Calvados bởi hàng trăm hải pháo từ biển khơi bắn vào. Các biện pháp phòng vệ tự động, được tiên liệu từ lâu, bắt đầu hoạt động. Các mệnh lệnh đã được chuẩn bị cho Trường hợp Normandie được ban hành.
Tham mưu trưởng Binh đoàn B điện thoại báo cho vị Tư lệnh của mình tại Herrlingen biết tình hình và các biện pháp sơ khởi, vào khoảng giữa 6 giờ và 6 giờ rưỡi. Thống chế Rommel chấp thuận các biện pháp đó. Ông lập tức hủy bỏ đoạn tiếp của cuộc hành trình về Berchtesgaden và ngay từ ngày mồng 6 tháng sáu, vào khoảng từ 16 đến 17 giờ, ông lại xuất hiện tại bản doanh đặt ở La Roche-Guyon.
Đối với ông, không có thể có vấn đề ban hành các chỉ thị chiến lược ngay trong những giờ đầu tiên ấy, khi mà ông chưa được các tin tức tình báo và các đơn vị thám sát đã được tung ngay lập tức khắp tứ phía, báo cáo rõ ràng về tình hình. Phải cố trấn tĩnh và chờ đợi. Nhưng các cú điện thoại liên miên từ Bộ tư lệnh Mặt trận Miền Tây gọi đến chứng tỏ các giới chức cao cấp ấy đang bị xao động, bối rối. Nhiều lần tướng Jodl được viên tham mưu trưởng thông báo tình hình. Ông nầy yêu cầu Jodl cho sử dụng các sư đoàn thiết giáp đặt dưới quyền của Bộ Tổng tư lệnh Lục quân. Từ 6 giờ, tin tức về cuộc đổ bộ được dồn dập gởi về. Mọi tin tức đều phát xuất từ Lục quân vì không một phi cơ nào của Đức có thể bay đến khu vực Normandie. Ngay từ mồng 6 tháng sáu, không quân Đồng minh đã làm tiêu tan mọi toan tính của 70 oanh tạc cơ và 90 máy bay săn giặc lúc đó có sẵn tại miền Tây, và làm cho tất cả mọi phi trường đều bị hỗn loạn. Chiều ngày mồng 6, một trung tâm điểm cỡ lớn của cuộc đổ bộ được kết tạo giữa sông Orne và sông Vire. Tình hình giữa sông Seine và sông Orne vẫn còn mù mờ cũng như trong khu vực rẽ quạt đông nam Cotenlin, nơi đổ bộ của quân nhảy dù Đồng minh mà người ta chưa biết rõ quân số quan trọng như thế nào.
Vì đã chờ đợi cuộc đổ bộ của đối phương bất cứ lúc nào và vì muốn tiêu diệt các lực lượng đổ bộ đầu tiên, để ngăn không cho đối phương tăng cường lực lượng và chiếm đất, ngay từ tháng năm, Rommel đã ra các chỉ thị chính yếu cho sư đoàn 21 thiết giáp trong khu vực Nam Caen là lợi dụng sự yếu kém của địch vào lúc mới đổ bộ để thi hành một “cuộc phản công tự động”. Tất cả các sự kiện có thể xảy ra liên quan đến quân số và lãnh thổ đều đã được tiên liệu trên bản đồ. Như vậy, sư đoàn 21 thiết giáp đã được Rommel đặt vào một vị trí quyết định, nhưng ông thấy các lực lượng thiết kỵ khác từ chối theo lệnh ông. Trong cuộc điện đàm vào buổi sáng với viên tham mưu trưởng của lực lượng ấy, Thống chế nhấn mạnh một lần nữa, một cách khẩn cấp, rằng chắc chắn là ông cần đưa sư đoàn 21 thiết giáp và tất cả các lực lượng trừ bị cơ hữu vào cuộc tấn công nhưng phải đặt chúng dưới một hệ thống chỉ huy duy nhất. Nhưng trước các đề nghị lập đi lập lại, Hitler vẫn không muốn tung ra các lực lượng trừ bị khác: chính vì vậy mà chỉ có sư đoàn 21 thiết giáp tham gia cuộc phản công ngày 6 tháng sáu lúc 10 giờ theo lệnh của Tư lệnh Quân đoàn LXXXIV, tướng pháo binh Marcks.
Đà tiến của thiết giáp đưa họ cho đến bờ biển và cho phép thiết lập liên lạc với các mảnh vụn của sư đoàn 716 vẫn còn giữ vững tại điểm tựa. Khi đối phương đổ bộ quân dù xuống vùng dàn quân của sư đoàn thiết giáp đang tấn công và xuống khu vực đông Caen, một quyết định được ban hành ra lệnh ngưng cuộc tấn công và chuyển hướng đánh hậu tập vào các thành phần địch. Đấy chính là một sự giúp đỡ đối phương mà hậu quả tai hại không lường được, bởi vì thành tích ban đầu không được khai thác. Cuộc tấn công của sư đoàn 21 làm cho đối phương rất khó chịu: đấy là lý do khiến địch tung các đơn vị nhảy dù ra để chống lại các thiết giáp Đức. Về phần Rommel, nhiều lần trong tháng 5 ông đã yêu cầu mà không kết quả, đặt trong vùng Caen và Falaise, quân đoàn 1 thiết kỵ SS với sư đoàn 12 thiết giáp SS Hitler Jugend và sư đoàn thiết giáp Lehr, tất cả đều ở trong tình trạng báo động. Ông muốn trình bày lên Hitler lời yêu cầu nầy một lần nữa vào ngày 6 tháng 6. Sự tham dự ngay tức khắc của quân đoàn nầy cùng với 3 sư đoàn thiết kỵ khác đúng vào lúc hiểm nguy của cuộc đổ bộ của đối phương có thể đưa đến một thành công ở tầm mức địa phương.
Trong đêm mồng 6 tháng 6, nhờ làm chủ tuyệt đối mặt biển và không phận, đối phương đã thiết lập được giữa sông Orne và vùng phía bắc Ryes, một vùng đầu cầu rộng 25 cây số và sâu đến 10 cây số và tại góc đông nam Cotenlin, một vùng đầu cầu thứ hai rộng 15 cây số và sâu 4 cây số.
Trong khu vực chỉ định đầu tiên được nói trên đây trên bờ biển Calvados, Lộ quân thứ II Anh cát lợi, dưới quyền chỉ huy của tướng Dempsey, đã cho đổ bộ một sư đoàn dù, và một quân số tương đương với từ 4 đến 5 sư đoàn thiết giáp hay bộ binh. Tại góc đông nam bán đảo Cotenlin, Đệ I Lộ quân Hoa kỳ, dưới quyền tướng Hodges, đã đổ bộ 2 sư đoàn dù, từ 3 đến 4 sư đoàn thiết giáp hay bộ binh. Về phía Đức, binh sĩ đã chiến đấu dũng cảm cho đến phút chót trong các ổ kháng cự xếp theo hàng thẳng và trong các vị trí khởi đầu (sư đoàn 716 và 352).
Trong vị trí tuyệt vọng ấy, họ đã giữ vững, dưới một cơn bão lửa chưa từng thấy, phát xuất từ trên không, trên mặt biển và sau cùng trên đất liền. Một vòm lửa gồm các cỡ vũ khí nặng và siêu nặng phóng ra bởi dàn vũ khí Anh, Mỹ hợp nhất đã đóng khung cả khu vực trên giới hạn phía nam bên trong lãnh thổ Pháp. Không lực Đồng minh thực hiện chừng 25.000 ngàn phi vụ trong cuộc hành quân đổ bộ ngày 6 tháng 6. Phải chính mình sống với biển lửa đạn của Đồng minh từ trên bộ, trên không và trên biển mới biết được hậu quả vật chất tinh thần mà, bất chấp tất cả các phúc trình miệng lẫn báo cáo viết, Hitler không muốn thừa nhận. Phản ứng đầu tiên của ông ta gồm toàn các lời trách móc dễ dàng và các sự can thiệp vụng về hấp tấp. Ông ta tìm những “con dê tế thần”: theo lệnh ông, cả một loạt cấp chỉ huy bị cách chức; Rommel chống lại biện pháp đó.
Sau cùng, vào chiều ngày 6 tháng 6, lúc 15 giờ quân đoàn 1 thiết kỵ SS được đặt dưới quyền sử dụng của ông. Nhưng vì ưu thế tuyệt đối của không lực địch, không còn vấn đề có thể thực hiện các cuộc điều động ban ngày nữa. Trọng tâm của cuộc tấn công của Đồng minh tối hôm đó, có vẻ nằm giữa vùng sông Orne và sông Vire. Giả thuyết cho rằng đối phương nhằm đến việc tung một mũi dùi chọc thủng về hướng Paris, càng ngày càng có vẻ trở thành sự thật. Sáng ngày 7 tháng 6, lực lượng tổng trừ bị của quân đoàn I thiết kỵ SS được giao cho khu vực Caen. Sứ mạng của nó là thực hiện cuộc tấn công chọc thủng phòng tuyến địch mà sư đoàn thiết giáp với các lực lượng hợp nhất của sư đoàn 21, sư đoàn 12 thiết giáp SS và sư đoàn thiết kỵ Lehr không hoàn thành được. Do đó, cần phải đuổi địch quân đã đổ bộ trong khu vực Caen – Bayeux ra khỏi vùng đầu cầu mới thiết lập được và dồn họ trở ra biển. Mặc dù đã tính toán chính xác các giai đoạn và các khu vực tiến quân, nhưng thời khắc ngắn ngủi của đêm tháng sáu không cho phép hoàn tất trong thời gian mong muốn, các cuộc điều quân và công cuộc tiếp liệu. Các cuộc dội bom luân phiên nhắm vào các đường giao thông, đặc biệt là tại các giao điểm đã ngăn cản mọi cuộc di chuyển.
Vì thế cuộc phản công của quân đoàn I thiết kỵ SS chỉ có thể thực hiện vào ngày 9 tháng 6: ngày thứ 3 của cuộc đổ bộ chiếm đóng và thời điểm nguy hiểm của nó đã trôi qua.
Những thảm bom, một hỏa lực liên tục của tàu chiến đối phương đã ngăn cản sự tập trung, trong thời gian mong muốn, quân đoàn I thiết kỵ SS vào khu vực nam Caen. Quân Đức bị tổn thất nặng nề về người và vật liệu, đặc biệt là các máy móc vô tuyến. Điều này lại càng làm cho việc chỉ huy càng thêm khó khăn. Vì lẽ không lực Đức đã hoàn toàn bị loại trừ, các bộ Tư lệnh Đức sử dụng các tin tức ngày càng nghèo nàn để lượng định tình hình địch. Cuộc phản công đụng đầu với một đối phương sẵn sàng trả đũa, và cũng có ưu thế ngay cả trên bộ; nó không tiến triển được chút nào sau một vài thành công có tính địa phương.
Lúc đó, tại vùng đầu cầu trên bờ biển Calvados, Lộ quân thứ II Anh Cát Lợi, đã có khoảng 10 sư đoàn cơ giới và thiết giáp, và Đệ I Lộ quân Hoa Kỳ có từ 8 đến 9 sư đoàn trong bán đảo Cotentin. Đồng minh đã nối kết các khu vực đổ bộ khác nhau trên bờ biển Normandie bằng cách chiếm đóng lãnh thổ phía Bắc và phía Đông Bayeux, lực lượng của họ kết tụ mau hơn là tốc độ đưa các lực lượng trừ bị Đức đến mặt trận; các lực lượng trừ bị này vì thiếu sự yểm trợ của không lực, đã phải di chuyển ngoài các trục lộ giao thông vốn thường bị gây rối. Sự kết hợp giữa các lực lượng Đồng minh với các quân chủng bạn trên biển và trên không đã được thể hiện với sự chính xác dễ sợ, đấy là điều đã được chứng tỏ trong ba ngày đầu tiên.
Từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 6, vì tình hình biến chuyển theo kiểu đột biến, Binh đoàn B đã trình Bộ Tổng tư lệnh miền Tây và Bộ Tư lệnh tối cao Lục quân, các đề nghị cấp thời sau:
Chiều ngày 7 tháng 6, các lực lượng cơ hữu của Lộ quân thứ XV phải được gởi qua bên kia sông Seine về phía Nam. Thế mà Tư lệnh Binh đoàn B thấy mọi cuộc chuyển quân, dù chỉ một sư đoàn thôi, bên trong khu vực trách nhiệm của ông hoàn toàn bị Tổng tư lệnh Lục quân cấm chỉ.
Ngoài  ra, Lục quân cũng đề nghị:
Rải quân mỏng hơn ở mặt trận biển Manche, cho gọi 8 Sư đoàn Bộ binh đã được đưa sâu vào vùng trách nhiệm của Lộ quân thứ XV, để tung chúng vào mặt trân phía Đồng minh đổ bộ bằng cách di chuyển ban đêm – hệ thống thiết lộ đã bị phá hủy, - người ta không còn sử dụng được các đoàn xe vận tải nữa. Như vậy, có thể rút các Sư đoàn thiết giáp và trả lại tính cách cơ động trong cuộc điều quân cho chúng, Các đề nghị này thoạt tiên bị từ chối. Chỉ rất lâu về sau – quá trễ - mệnh danh cho phép, đầy vẻ ngần ngại và theo “kiểu nhỏ giọt” mới được ban hành. Nguyên nhân của sự từ chối này là Hitler cũng như Bộ Tổng tư lệnh Lục quân lo ngại sẽ có một cuộc đổ bộ thứ nhì tại bờ biển Manche. Vấn đề cuộc đổ bộ thứ nhì đó đã đóng một vai trò chủ yếu trong sáu tuần lễ đầu tiên của cuộc tái chiếm.
Do các suy tư chiến lược chiến thuật và chính trị, Rommel cho rằng cuộc đổ bộ thứ nhì không có vẻ gì có thể xảy ra, mặc dù các tin tình báo “được cân nhắc từ các giới chức cao cấp” đã phát giác là từ 5 tuần qua, mỗi ngày, đã có từ 30 đến 50 sư đoàn tập trung tại các đảo thuộc Anh quốc.
Lẽ tất nhiên là cần phải chú ý đến lực lượng ấy trong khi ước tính tình hình tổng quát. Phù hợp với các suy luận cũ, Rommel chỉ định khu vực duyên hải giữa sông Seine và sông Somme như là khu vực có thể có cuộc đụng độ. Nhưng từ giữa tháng sáu, Binh đoàn B cho rằng cuộc đổ bộ của Lộ quân thuộc tướng Patton vào khu vực bắc sông Seine và nhất là tại một điểm được tăng cường phòng thủ mạnh mẽ nhất là chuyện khó có thật. Thật vậy, đối phương đã có đủ các đầu cầu giữa sông Orne và sông Vire và dọc theo bờ phía đông bán đảo Cotentin, hơn nữa chúng lại gần như được hoàn toàn nối kết được với nhau. Nhưng Bộ Tổng tư lệnh Lục quân một lần nữa đã chống lại yêu cầu điều động Lộ quân XV và từ chối không cho Rommel bất cứ sự tự do hành động nào. Chính tướng Jodl cũng cho rằng quyết định ấy là sai lầm. Mãi đến giữa tháng 7, Tổng Tư lệnh Lục quân mới ra lệnh di chuyển các sư đoàn không được sử dụng của Lộ quân XV từ mặt trận bờ biển Manche đến Normandie. Nhưng vào lúc đó, ta nên chú ý ngay từ bây giờ rằng, người ta có thể tự hỏi là sử dụng các lực lượng ấy để chuẩn bị cho cuộc phòng thủ sông Seine có phải lợi hơn không nếu người ta muốn, tiếp theo đó, từ bỏ tự do hành động ở miền Tây.
Thống chế Rommel, ngoài ra, còn đề nghị tập trung các sư đoàn tại Bretagne và trên các đảo ngoài khơi đối diện với Anh và đưa chúng về mặt trận Normandie. Theo ông, tại Bretagne, người ta có thể yên bụng với việc đảm bảo an ninh cho bờ biển; bán đảo không còn lợi ích chiến lược nào nữa vì nó đã mất tầm quan trọng của một căn cứ tàu ngầm, về phương diện số lượng và các khả năng làm cho các tàu chiến hữu dụng. Các sự kiện thực tế cho thấy ông có lý.
Các đảo đối diện Anh quốc chỉ được chiếm đóng bởi sư đoàn 319 được tăng cường bởi một trung đoàn thiết giáp, một lữ đoàn phòng không D.C.A và vài đơn vị khác, nghĩa là gần 35.000; người họ bị bắt buộc đầu hàng vào tháng 5 năm 1945 mà không phải chiến đấu gì. Ngay từ năm 1944, do linh tính rất chính xác về số phận không thể tránh được, binh sĩ đã mệnh danh cho sư đoàn đó là “Sư đoàn Gia nã đại”, dường như sự tù đày đã được dành sẵn cho nó. Đề nghị bác bỏ một lần nữa bằng lệnh viết hẳn hoi, và ngày 17 tháng 6, Hitler cấm hẳn mọi đề nghị này.
Một yêu cầu khác nhằm giải tỏa phòng tuyến Địa trung hải “vì lẽ không thể giữ được tất cả” và đưa lên phía Bắc quân đoàn LVIII thiết kỵ đang đóng trong vùng Midi thuộc Pháp, với 4 Sư đoàn thiết giáp (sư đoàn 9 và 11 thiết giáp, Sư đoàn 2 và 17 SS) và việc sắp xếp chưa xong. Nhưng vì lo sợ một cuộc đổ bộ tại Địa trung hải, Hitler cũng như Bộ Tổng tư lệnh Lục quân lại bác bỏ đề nghị này. Mãi đến tháng 7 và tháng 8, các sư đoàn thiết giáp mới được đưa đến phía nam sông Seine: về phương diện chiến lược đó là một cứ điểm được lựa chọn một cách sai lầm.
Nên biết rằng phòng tuyến Địa trung hải, với các lực lượng yếu kém và các bờ biển trống trải, không thể nào có đủ sức chống cự lại một cuộc tấn công nghiêm chỉnh của địch. Trong trường hợp ở đấy cũng có cuộc đổ bộ, cần phải dự trù một chiến lược quy mô di tản toàn thể lực lượng trong vùng Midi của Pháp, rút lui các lực lượng về sau tuyến Seine – Yonne, tách rời tất cả lực lượng trừ bị về sau cánh quân phía Đông. Các yêu cầu này không được cả Bộ Tư lệnh Miền Tây lẫn Bộ Tổng Tư lệnh Quân lực chấp nhận. Rommel đành bó tay và, lại một lần nữa, thấy mình bị ngăn trở trong một kế hoạch có tính cách chiến lược.
Như vậy, giai đoạn đầu tiên của cuộc xâm chiếm chấm dứt với sự thành công rõ rệt của Đồng minh về phương diện quân sự cũng như về phương diện tâm lý. Họ đã trải qua những ngày đầu tiên nguy hiểm một cách dễ dàng mà không gặp một cuộc phản công nào đáng kể, nhờ tính cách vững chắc của sự phối hợp giữa các binh chủng bộ binh, Hải quân và Không quân của họ, và nhờ hiệu năng to lớn của các phương tiện kỹ thuật mới. Vị thế của họ trở lên vững chắc.
Về phía phòng thủ, đối với quân Đức, quân Đồng minh chỉ còn có thể bị đẩy ra biển hay bị cầm chân tại các khu vực đầu cầu nếu người ta có thể tung vào trận đánh một không lực Đức hùng mạnh và các lực lượng Hải quân hoàn toàn tương đương với tàu chiến Đồng minh. Sự thất bại về mặt chiến thuật trong các cuộc điều quân tung vào trận phản công, không phải do Bộ tư lệnh địa phương hay, sau đó, do sự thiếu chuẩn bị của các đơn vị, mà chỉ vì hiệu năng của không lực và hải lực đối phương. Ngay từ những ngày đầu, các lực lượng ấy đã giáng cho quân Đức các đòn gây tổn thất đáng kể về nhiên liệu và đạn dược.
Quân Đồng minh vẫn là chủ nhân ông duy nhất áp đặt quy luật của họ vào trận chiến.