ĐẤY LÀ TÌNH HÌNH CHUNG KHI HITLER, RỐT cuộc, nhượng bộ các lời cầu khẩn liên tục của các Thống chế Von Rundstedt và Rommel, và đích thân đến miền Tây để tỉm hiểu tại chỗ tình hình mặt trận và trong trường hợp cần thiết, lấy các quyết định chiến lược ở đấy. Trong đêm 16 tháng sáu, một cú điện thoại được gọi đến làm chúng tôi ngạc nhiên: hai vị Thống chế cũng như các tham mưu trưởng của họ phải có mặt lúc 9 giờ ngày 17 tại vị trí chiến đấu gần Margival, phía bắc Soissons, để báo cáo cho Fuhrer biết về tình hình. Như vậy thống chế Rommel phải đi 200 cây số về hậu tuyến, trong lúc ông chỉ mới từ mặt trận trở về lúc 3 giờ sáng sau một vòng thanh sát mặt trận lâu 21 tiếng đồng hồ trong vùng Cotentin. Tình trạng cấp bách đã không cho phép thực hiện một biện pháp đặc biệt nào để chuẩn bị cho cuộc tiếp xúc này. Tổng hành dinh của Fuhrer “W II” được xây cất từ năm 1940 trên một địa danh lịch sử. Cách đó không xa, giao điểm ngã tư Laffaux là một địa điểm, mà trong cuộc Thế chiến thứ nhất, mặt trận chạy vòng từ hướng Đông Tây hướng lên phía Bắc. Từ điểm này con đường Chemin des Dames trải dài, gây ra các cuộc tranh chấp hết sức gay go giữa khoảng hai cuộc Thế chiến, về phía đông, giữa sông Aisne và con kinh nối liền sông Oise với sông Aisne. Tổng hành dinh nằm cách 8 cây số, theo hướng đông bắc Soissons, trong một hầm sâu dưới đất, có một đường sắt đi xuyên qua để hướng về Laon, phía bên kia cửa hầm, trong đó chiếc xe lửa đặc biệt của Fuhrer trú ẩn. Đại bản doanh gồm có các căn hầm bê tông cốt sắt, rộng rãi và được ngụy trang khéo léo. Nhô cao lên một chút là một phòng ăn, từ đó người ta có thể ngắm nhìn cảnh vật xinh đẹp ở xa cho đến nóc nhà thờ Soissons. Hầm trú ẩn của Fuhrer gồm có, dưới mặt đất, một phòng làm việc rộng lớn, một phòng ngủ có phòng tắm, phòng dành cho sĩ quan tùy viên, và các phòng được bảo vệ chống các cuộc không tập được xây cất đặc biệt để làm việc và nghỉ ngơi. Tổng hành dinh này được thiết lập như là một vị trí chiến đấu trong mục đích đánh chiếm Anh quốc năm 1940, nhưng cho đến ngày 17 tháng sáu, nó chưa hề được sử dụng. Đội cảm tử SS luôn luôn theo sát Fuhrer, đã khóa chặt bản doanh này trong khi có cuộc tiếp xúc và đảm bảo an ninh cho toàn diện khu vực. Hitler cùng với tướng Jodl và đoàn tùy tùng đã đến từ sáng sớm ngày 17 tháng sáu. Ông sử dụng xe bọc thép và khởi hành từ Metz, nơi mà ông từ Berchtesgaden đến bằng phi cơ. Ông có vẻ bơ phờ và mệt mỏi vì thiếu ngủ. Vẻ bối rối nóng nảy, tay ông luôn luôn nhấc kính ra rồi lại mang vào, và cầm lên đặt xuống các cây viết chì đủ màu. Chỉ một mình ông ngồi, lưng còm trên một chiếc ghế đẩu; các vị thống chế thì đứng xung quanh. Sức mạnh sáng tạo ngày xưa của ông có vẻ đã tàn lụi. Sau vài câu chào hỏi ngắn ngủi và lạnh lùng, rồi bằng một giọng chua chát ông lớn tiếng biểu lộ nỗi bất bình của ông về sự thành công của cuộc đổ bộ của Đồng minh tìm kiếm các lỗi lầm của các bớ (bộ?) chỉ huy địa phương. Ông hạ lệnh phải tử thủ pháo đài Cherbourg. Sau vài lời mở đầu ngắn ngủi, Von Rundstedt nhường lời cho Rommel trong tư cách là Tư lệnh mặt trận nơi xảy ra cuộc đánh chiếm. Với một sự thẳng thắn hoàn toàn, Thống chế nhấn mạnh đến điểm then chốt của vấn đề phòng thủ: trước ngày 6 tháng sáu, ông đã nói trước và từ đó nhiều lần lập đi lập lại là không thể nào chiến đấu chống lại ưu thế mãnh liệt của kẻ thù trên bộ, trên biển và trên không. Hệ thống thám báo trên không và trên biển của chúng ta đã bị thất bại hoàn toàn, dưới sự che chở mạnh mẽ của các cuộc không tập và hải pháo, địch quân đã thành công trong việc đổ bộ từ biển và từ trên không, dọc theo các bờ biển được tổ chức lỏng lẻo yếu kém, và chiếm Calvados cũng như bán đảo Cotentin. Các sư đoàn tham chiến dọc theo bờ biển không bị đánh “bất ngờ lúc đang ngủ say” như là các tin tình báo mà Bộ Tổng tư lệnh Quân lực đã mua được bằng tiền mặt, trái lại, các lực lượng ấy đã chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng trong các điểm tựa yếu kém. Các bộ chỉ huy và các đơn vị đã nêu gương hy sinh siêu việt trong một trận chiến không cân bằng. Suy luận về tình hình chiến thuật trong vùng Cotentin và so sánh các lực lượng tương ứng của hai bên, Rommel tiên đoán với sự chính xác chỉ xê xích một ngày, thời gian Cherbourg thất thủ, và đòi hỏi một chiến thuật thích nghi. Tiếp theo đó, cuộc thảo luận xoay qua vấn đề các “pháo đài” theo kiểu Hitler, nghĩa là các thành phố và các điểm tựa được cung cấp thêm điểm phòng thủ và tăng cường mạnh được chọn lựa bất ngờ. Rommel phủ nhận tính cách hữu hiệu của các pháo đài ấy. Ông chống lại sự hy sinh nhân mạng và vật liệu kiểu ấy. Nhưng vô ích, trong cuộc đổ bộ xâm chiếm và trong các cuộc hành quân tiếp theo đó, Ymuiden, đảo Walcheren, Dunkerque, Calais, mũi Gris-Nez, Boulogne, Dieppe, Le Havre, Cherbourg, Saint-Malo, Brest, Lorient, Saint-Nazaire, La Pallice, Royan và cửa sông Gironde được tuyên bố là các “Pháo đài”; khoảng 200.000 người và vô số chiến cụ quí báu bất động hóa trong các “pháo đài” ấy. Đối phương chẳng hề lo âu gì về các “pháo đài” ấy cả. Họ chẳng bao giờ sử dụng lực lượng quan trọng đi đánh chiếm. Các pháo đài đã lọt vào tay đối phương, rất nhiều trong số đó chỉ mất vào tháng 5 năm 1945, sau khi Đức đầu hàng vô điều kiện, quân đội tại đấy bị bắt giữ cả. Vậy là Hitler đã không hiểu biết thêm được gì cả sau các kinh nghiệm tại Stalingrad, tại Tunis, tại Crimée, tại Tarnopol và tại các nơi khác. Sau đó Rommel trình bày dự định của đối phương như ông đã nghiệm thấy: Đột nhập từ vùng Caen và Bayeux cũng như từ bán đảo Cotentin về phía nam và hướng về Paris, với một cuộc hành quân phụ đới từ Avranches để cô lập hóa vùng Bretagne.
http://eTruyen.com
Đã xem 30235 lần.
http://eTruyen.com
Đánh máy: HuyTran, Tuusacqui, Ct.Ly, hoalacocay, thiensu05, abuchot
Nguồn: HuyTran - Thư viện VNthuquan - Thư viện Online
Sông Kiên in lần thứ nhất , SAIGON-1974
Được bạn: Ct.ly đưa lên
vào ngày: 31 tháng 7 năm 2011