Chương 1

    
ường quanh co và nham nhở. Mới vạc vỡ nên đá sỏi lổn nhổn, bụi đồi đỏ quạch cuộn như lốc. Không vì thế mà chiếc Toyota mười hai chỗ đời mới nhất bớt hùng hổ. Nó lao như một gã cuồng bị tống thêm chất kích thích. Chiếc xe rẹt thẳng vào khu nhà nghỉ. Nó khự lại trong sự bực tức của nhân viên bảo vệ và đám khách nghỉ nhàn tản đang dạo trong sân. Trần sì có sáu gã. Trạc trung niên cả. Nhìn cũng biết là hạng người thành đạt. Ngữ này cậy tiền dửng mỡ đây. Lạ, họ toàn người cùng giống. Khu nghỉ Sơn Đại mới mở được dăm tháng. Khách du lịch phần nhiều cặp đôi. Đa số chán cảnh cuồng nhiệt đô thị, tìm đến nơi rừng quạnh, nước hoang này để đảo, xới hương tình. Hoặc để tận hưởng những cảm xúc mới lạ. Thế, nên đám ngổ ngáo kia có phần lạ lẫm trước mắt mọi người. Bọn họ cần gì nhỉ? Không nhẽ lại quẳng tiền chỉ để lấy một chỗ thù tạc. Đấy, nhìn kìa, hộp lớn, hộp nhỏ, toàn đồ uống ngon lành. Nhân viên bảo vệ nhà nghỉ xăm xắm bước đến:
- Các ông cần gì?
Cả sáu gã đều cười. Lại cười to mới ớn. Mãi sau, chính gã cầm lái, người to như hộ pháp, béo nẫn, trả lời rất hách. Thứ giọng chỉ có ở người quen dùng quyền chức:
- Cần một phòng có máy lạnh để đựng đồ!
Dường như quá quen với chức phận của mình, người nhân viên điềm đạm:
- Mời ông vào thường trực.
Năm gã còn lại tụ ngay dưới gốc thông già. Tức thì đồ uống bật bôm bốp. Ồn ã một góc sân nhà nghỉ. Bỗ bã lắm. Nghe cũng biết ngay không phải đẳng của họ. Toàn người sang trọng thế kia. Nhưng thôi kệ xác, vài đôi nhún vai lặng lẽ rời sân. Đang giữa một buổi sáng bình yên. Mặt trời hè chả nghĩa lí gì so với rừng thông tán rậm. Họa hoằn một vài đám nắng loang lổ mới đáp xuống được mặt đất đầy sỏi và lá rụng. Gió – gió đầu nguồn thong thả buông mình. Tiếng gió thở nhè nhẹ, quấn quýt. Thoảng nhặt vài chiếc lá khô, may mắn chộp được xoáy gió, cất mình lên cao, tưởng chừng có thể trở về được với cây mẹ.
- Nhìn kìa! – Một gã trong bọn khoái trá hét lên. – Những chiếc lá của số phận đang vùng vẫy để trở về chỗ đậu quy luật.
- Im mồm đi. – Tiếng của ai đó. – Lạ cho bọn nhà văn chúng mày. Sung sướng gì trong những điều nhảm nhí ấy. Quy luật cái con tườu. Lá già ắt phải rụng. Lá rụng ắt phải mục.
- Không hẳn thế. Có những chiếc lá rụng lúc còn xanh.
- Thôi, – một tiếng ồm ồm cắt vào, – xin các bố. Buổi sáng đẹp thế này, đừng làm hỏng. Nhìn ra hồ mà
xem
Cả bọn ngước mắt. Có tiếng thở dài. Một vùng hồ lặng phắc, ngút ngát trải kín tầm mắt. Xa lăng lắc, dãy núi xám mờ hiện lên trong nắng lấp loá.
Vẫn tiếng ồm ồm:
- Đấy là chỗ hành quân đến. Rồi không còn sức mà cãi vã.
Không khí đột ngột tắc nghẹn. Chỉ còn mỗi tiếng bia óc ách réo.
Bây giờ, cả bọn đang bập bềnh trên hồ. Chiếc thuyền gỗ vỏ mùng mục, có vẻ quá tải, uể oải trôi chầm chậm. Gió nhẹ nhưng mặt hồ vật vã quặn sóng. Sáng nay, cả bọn phải vất vả lắm mới tìm được con thuyền này. Khỉ gió thế, nhà nghỉ nhà ngheo mà không sắm nổi cái ca nô cho du khách. Cũng là nhờ sự giúp đỡ của tay bảo vệ. Sau khó chịu ban đầu, tay kia hồ hởi hoà đồng ngay. Thì ra, toàn cánh lính cả. Mẹ kiếp, ưu điểm số một của chiến tranh có lẽ ở chỗ tạo ra sự thông cảm tuyệt đối giữa những người từng tham gia trận mạc. Kể cũng lạ, biết ý định rồ dại của đám ngổ ngáo muốn hạ trại trong núi, bên kia hồ, tay bảo vệ sốt sắng một cách rất vô tư, đạp xe hẳn chục cây số đường núi để thuê thuyền hộ. Vùng này chưa có du khách nào làm chuyện điên rồ ấy.
Thực ra, ý định này đã manh nha từ lâu lắm, nhưng phải đến gần hai mươi năm sau chiến tranh, họ mới thực hiện được. Cũng là vì hoàn cảnh. Mỗi người có phận đời riêng để bươn chải. Muốn bứt ra, tụ với nhau nơi rừng rú, dù chỉ một vài ngày, sống lại thời chiến trận, không phải dễ, chuyến đi này gần như một sự câu thúc không cắt nghĩa nổi.
Sáu người, phần còn lại của một tiểu đội trinh sát, phiên chế trong một trung đoàn hỗn hợp, thành lập trước chiến dịch 1972, gồm cả pháo phòng không, mặt đất và bộ binh của mặt trận B2. Mười một người cả thảy. Ba người chết có phần mộ, được phong tặng liệt sĩ tại chỗ. Hai người mất tích, phải cầy cục nhiều năm mới được công nhận. Đành là thế, nhưng vẫn có cái gì bứt rứt không yên. Nhiều năm qua, bạn bè đã cất công tìm kiếm. Đủ mọi cách vẫn biệt vô âm tín. Mới đây, đám lính liên tục tìm kiếm trên các phương tiện truyền thông. Vẫn biết mò kim đáy bể nhưng dù sao còn có một tẻo teo hi vọng để bù lấp vào khoản bứt rứt kia.
Con thuyền lừ lừ rẽ nước. Chẳng ai nói một câu. Hình như mỗi người đang đuổi theo một miền riêng nào đó. Cả con bé lái thuyền cũng vậy. Nó lầm lì đáng sợ. Mặt kia, chắc cũng đã tuổi thiếu nữ nhưng người quắt quặt như một gốc thông khô. Vẻ lam lũ không giấu được trên da thịt, áo quần. Nó bặm môi, cặm cụi đạp chèo. Trời đang về chiều. Nắng nhưng nước hồ xanh thẫm màu lá. Cái hồ thiên tạo này mới được ngành du lịch phát hiện. Phía con thuyền đang hướng đến thuộc về dãy Tam Đảo. Vẫn còn rơi rớt những cánh rừng hoang sơ. Dân cư thưa thớt. Cả bọn mang đi toàn đồ trận. Hoá ra thằng nào cũng thế, đều giữ lại được những kỉ vật cuối cùng của chiến trận. Long tẩu, chính gã hộ pháp lái xe, đứng ra tổ chức chuyến đi này. Gã đang đương nhiệm chức vụ giám đốc một doanh nghiệp lớn. Gã hỏi con bé:
- Nhà cháu ở đâu?
Không nói, nó hất hàm về phía một doi đất nổi gần sát bờ. Núi đã sừng sững trước mặt. Rừng hiện ra. Gần như rừng khộp ở miền Đông. Cây không cao lắm nhưng thẳng. Cả bọn xuýt xoa, vẻ nôn nóng hiện hết ra mặt. Không đợi mũi thuyền cập hẳn bờ, tất cả túa xuống. Nước bắn tung toé, thuyền chòng chành suýt lật. Mắt con bé long lên tức giận song miệng nó vẫn mím chặt. Bình, sĩ quan không quân, chuyển ngành làm đội trưởng đội vệ binh sân bay dân dụng, cuồng lên như một đứa trẻ. Lạ, bốn mươi rồi trẻ trung gì nữa. Bình hát rống lên. Đúng hơn là hét: “Rừng ơi, ta đã về đây…”. Trên đã kể đến Long tẩu. Biệt danh này đeo theo gã ròng rã đến tận bây giờ. Có gì đâu, ngày còn tân binh ở Thanh Hoá, sểnh tí là gã chuồn. Chuồn rất tài. Bốn tháng huấn luyện, gã phới về Hà Nội trót lọt đến ba lần. Cũng tại vì yêu sớm. Cô người yêu, sau chiến tranh thành vợ, có hai mặt con. Cuộc sống yên ổn, không còn gì để phàn nàn.
Sáu thằng đàn ông hối hả khuân đồ nghề lên bờ. Bờ là một bãi thoải. Sát mép nước, cát vàng trải óng. Thắng vịt kêu lên:
- Đẹp quá. Giá thu hẹp lòng hồ lại thành sông thì chỗ này không chượi vào đâu được, đích thị là dốc Ba ba của dòng Đa quýt.
Dốc Ba ba, có đến già cũng không quên được. Ngày ấy A trinh sát còn đủ mười một thằng. Thằng Vịnh, một trong hai đứa mất tích, nhà ở ngoại thành, nhìn tăm sủi dưới sông, đoán đúng hướng đi của một con ba ba lớn, bèn ném bộc phá chặn đầu. To lắm, phải hai thằng khiêng ì ạch. Dễ đến hơn hai chục kí lô lận. Loay hoay dao thớt, cả tiểu đội đánh chén một bữa thịt ba ba ngon chưa từng có. Hôm đó, hình như bù lại đêm trước bị giam trong mây, trăng sáng khác thường. Trăng rượi sánh cả một triền dốc. Mười một thằng lính nhồm nhoàm, bốc bải. Tất cả quây tròn vào khay thịt chất ngồn ngộn, trắng ngần. Thịt ba ba chần chấm muối nhắm với trăng suông cũng tuyệt chán. Cả bọn khật khừ như say thật. Bữa ăn chưa kết thúc thì Ngọc khợp ôm bụng. Đau quặn muốn lòi cả mắt. Nó là thằng tợn ăn nhất. Lương khô loại 701, khợp gọn bốn phong kèm theo vài ca nước suối, mặt vẫn rười rượi buồn. Thành nhà văn rồi vẫn chưa bỏ được cái nết ăn thùng bất chi thình kia. Cũng may, Ngọc khợp sinh ra không bị xếp vào loại người bị đói. Cái mồm còn chứa đầy thịt của nó ư ử, không nghe rõ lời rên. Chắc đau lắm nên mặt Ngọc khợp xanh còn hơn đít nhái ở ẩn. Bỗng nó vùng chạy. Mới chỉ được dăm mét nó ngã sõng soài. Kìa, Ngọc khợp cuống cuồng cởi quần. Kinh quá, còn hơn cả trung liên xổ băng. Hầu như tất cả nhăn mặt. Cái thằng đểu quá trời. Thế này thì còn ăn uống gì nữa. Quân khốn nạn. Song chưa ai kịp phản ứng thì một người, rồi lần lượt tất cả ôm bụng. Không ai tránh khỏi động tác bất nhã của Ngọc khợp. Hoá ra nó là thằng chạy được xa nhất. Lì như Cường choắt thành khốn khổ. Nó bĩnh tại chỗ không kịp cởi quần. Đêm ấy cả tiểu đội bị Tào Tháo hiển thánh quần cho một trận thấy ông bà, ông vải. Đầu tiên còn chồm hỗm thành nhóm, chuyện trò cười nói rinh rích. Sau mệt quá, đứa nào cũng dật dờ như cô hồn gặp thầy pháp. Hoá ra, vì sức ép bộc phá nên ba ba vỡ ruột. Giống ấy độc tận cùng, ứng nghiệm tức thì. Cũng may đêm đó yên bình, không chuyện gì xảy ra cả. Thật hú vía. Nói dại, có lệnh chiến đấu thì cầm chắc cả bọn đi tong.
Câu gợi của Thắng vịt vừa khẩu vị khiến cả bọn như hăng lên. Gọi Thắng vịt vì người nó tròn ung ủng, đi đứng lạch bạch như vịt bầu tìm chỗ đẻ. Sau bảy nhăm, nó miết một lèo ở nước ngoài. Lấy vợ cùng đội xuất khẩu. Vốn cũng kha khá. Mới về nước được vài năm, tậu nhà mặt phố, mở cửa hiệu buôn bán nhì nhằng để giết thời giờ hơn là sinh lãi.
Chừng một tiếng sau, cả bọn đã yên vị trong chiếc lều bạt dã chiến. Loại lều dân dụng, Long tẩu mượn ở kho của xí nghiệp. Tuy thế, cảm giác chiến trận không hề suy giảm. Lều được dựng dưới tán một cây mỡ cành lá xòe rộng. Rừng ở đây thưa, rặt loại cây gì cao ngồng, thân sùi. Đốt thử vài cành khô thấy khói sè mắt. Dù sao cũng còn chỗ mắc võng được. Thôi, gọi là có tẹo rừng.
Bữa tiệc lại rừng được chuẩn bị rất nhanh. Một không khí trang nghiêm, bất chợt ùa đến. Sáu thằng đàn ông quây tròn. Long tẩu trịnh trọng:
- Các bạn, ta nâng cốc tưởng nhớ một thời đã qua.
Sáu lon bia chạm vào nhau nhè nhẹ.
- Mới đó đã mấy chục năm. – Chợt Ngọc khợp thảng thốt. – Khoan! Hãy bầy phần tiệc của những người không về được cuộc gặp hôm nay.
Năm lon bia nữa được bật nắp, xếp thành hàng liền nhau. Cường choắt lẩm bẩm:
- Quên mẹ nó mất. Giá có thẻ hương thì tốt.
Biên mu-gích chêm vào:
- Cần gì. Châm cho chúng nó mỗi thằng điếu thuốc là được. Ngày chúng nó đi cũng có hương khói gì đâu.
Cường choắt châm thuốc đặt lên các lon bia. Người Cường nhỏ quắt nên gọi thế. Tuy nhỏ nhưng nó là đứa lanh lẹ nhất bọn. Duy nhất Cường choắt còn tại ngũ, hàm thiếu tá, chỉ huy một trung đoàn phòng không ở biên giới phía Bắc. Còn Biên, một kĩ sư điện vừa đi đường dây 500KV về. Biên từ ngày trẻ đã tất bật, tả tươm như một nông dân thực thụ.
Ắng đi một lát. Khói từ những điếu thuốc cúng bay thành những vệt thẳng dài. Những đốm lửa hồng xíu rực lên như những con mắt đỏ tọc. Cả bọn lạnh ngắt. Long tẩu bảo:
- Thằng Ngọc. Mày khấn khứa vài lời. Gọi chúng nó về cùng vui với anh em.
Mắt cả bọn nhoè nhoè. Ngọc khợp theo nghề viết. Hiện là biên tập văn nghệ của một tờ báo. Giọng nó nhão ra, ướt nhoẹt:
- Chúng mày ơi. Về đi. Về đây với anh em tao. Còn sáu đứa Long, Bình, Thắng, Cường, Ngọc, Biên. Mỗi đứa chúng tao một nghề. Có đứa khấm khá. Có đứa gian nan. Nhưng không đứa nào quên được những ngày ấy. Sống linh chết thiêng, chúng mày về. Hơn hai mươi năm rồi.
Cả bọn lần lượt vái vào những lon bia thờ. Đây là thằng Đinh A trưởng, lớn nhất bọn, quê ở Nam Hà. Đây là thằng Lệ, nhà ở nội thành Hà Nội, vào bộ đội cùng một ngày với Long tẩu. Còn đây nữa, thằng Quang, quê nội nó ở Sài Gòn. Bố đi tập kết. Nó đẻ ở Hà Nội. Cả ba đứa bị pháo dập trúng hầm chết ở Chơn Thành. Hai lon bia cuối cùng của thằng Vịnh, thằng Phương. Thằng Vịnh quê ngoại thành. Thằng Phương nhà ngay sát Hồ Gươm. Hai thằng mất tích chỉ một năm trước hoà bình.
Uống, uống đi. Men của bia rượu sao đượm bằng chất men nồng của thời gian. Khuôn mặt của sáu đứa hồng lên, xám lại, xanh ngắt rồi lại hồng lên. Vòng quay ngắn ngủi của sắc mầu liệu có tương ứng với vòng quay chao đảo của thời gian. Không, làm gì có sự so sánh khập khiễng ấy. Thời gian, giản đơn chỉ là một chuỗi ngày và tháng nối nhau. Phần kí ức cứ tươi nguyên, tươi mãi. Kí ức về một thời đã qua, chưa xa. Và phần đời bươn chải…
Sáu thằng đàn ông lầm lụi uống. Khoang lều bạt đủ sáng nhưng vẫn nhờ nhịt thứ mờ ảo ma quái. Cõi hồn riêng của từng người đắm đi mê man. Càng mê khi từ những lon bia cúng san cho mỗi thằng, đậm thứ men đắng chát. Vị chát của lá xanh. Những chiếc lá xanh rụng ngang đời, ứ đầy mật nhựa. Bỗng Thắng vịt rên lên:
- Thôi chết, bọn mày ơi. Thuốc của thằng Vịnh, thằng Phương không cháy.
Quả có thế thật. Nãy giờ mới uống đến bia của ba thằng chết trận. Thuốc của chúng nó cháy đều đến tận sợi cuối cùng. Không đứa nào để ý đến phần thuốc của hai thằng mất tích. Tắt ngúm từ bao giờ, để lại giữa điếu cục than nhỏ, ngòm đen nhức mắt. Quái lạ, hai thằng này lúc còn ở tiểu đội nghiện nhất hạng. Lúc ấy, thuốc men nào có nhiều nhặn. Vớ được điếu thuốc, mắt sáng còn hơn kẻ háo sắc nhìn thấy gái đẹp. Mấy đứa chuyền tay nhau bập đến bỏng môi, cớ gì bây giờ chúng nó lại chê. Không thể vô lí thế được. Vẫn Thắng vịt rên rỉ:
- Đáng ngờ lắm. Tao có một ông anh họ ở B3. Chết hẳn hoi, đủ cả xương cốt. Mỗi tội giấy báo tử đề sai ngày đi. Vậy mà ông mò về. Nhất định không chịu nhận hương khói. Ngày giỗ, nén nào thắp lên ngúm đi nén ấy. Cực quá, bác tao khấn: “ Con ơi có oan khuất gì cũng cho mẹ xin. Mẹ già rồi không giúp được gì cho con nữa. Con thương mẹ, đừng thế này. Tội nghiệp cả mẹ lẫn con.”.
Cũng chỉ được non nửa tuần. Hương cứ bật bẹo, leo lét rồi lại ngúm. Xem kĩ thấy nén hương nào cũng toát nước ẩm xì. Hãi lắm!
Bình ních sốt ruột. Cái tên “ních” gắn với thằng Bình vì một lí do đặc biệt. Chuyện ấy nói sau.
- Gì, mà mày cứ vòng vo tam quốc mãi. Nói tuột đi cho xong, tấp ta tấp tửng đúng giọng con buôn.
- Bịt cái mõm “ních” của mày lại. Nghe đây này. Cả nhà sợ quá. Bác tao rộc đi. Đến nước ấy phải cậy thầy pháp đến trị. Mẹ mấy thằng mù dở. Mình, mắt sáng lành lặn còn chả ăn ai. Đằng này, mắt mũi lèm nhèm đã đành, lại chưa một ngày ngửi cứt khói, đến cầm cái cát tút còn run cầy sấy mà dám phán láo. Chuyện nhiêu khê lắm. Đận ấy tao về phép sang chơi, vớ được một lão thầy đang lập đàn, hô hoán gọi tên, bấm giờ loạn xị. Thấy cảnh thế, điên máu tao thộp ngực lão thầy pháp, tế cho một trận. Đoạn tao đốt đùng đùng cả một bó hương tướng, cắm lên bàn thờ: “Này ông – tao đấu mặt với tấm ảnh trên ban – tôi cứ nói thật không gân cốt gì cả. Ông mồ yên, mả đẹp, sung sướng chán vạn còn đòi hỏi nỗi gì. Vật mình, vật mẩy, trước thì ông được chết, bây giờ thì ông đáng chết – chết lần nữa!”. Lạ thế, bát hương bốc hoả luôn. Từ đấy êm hẳn. Chỉ thỉnh thoảng mới về hờn dỗi bác tao một tí. Trẻ mà, lúc chết mới mười chín tuổi, dằn dỗi in ít cũng chấp nhận được. Trẻ con đứa nào chả thế.
Bình ních nóng nảy:
- Quên cái chuyện họ hàng nhà mày đi. Liên quan gì đến thằng Vịnh, thằng Phương.
- Ngu. Im mồm! Sao lại không liên quan. Tao ngẫm rồi. Hình như hồn kiếp con người ta có thật. Hôm nay đông đủ, bọn chúng nó về báo đấy. Tao ngờ lắm sự mất tích của hai đứa. Hẳn có điều gì ẩn khuất ở đây. – Giọng Thắng vịt trầm xuống. – Nghĩ cũng buồn, tụi mình bây giờ sung sướng cả. Vậy mà chẳng đứa nào giúp được gì chúng nó.
- Nhưng biết giúp cái gì – Biên mu-gích đỡ lời bằng thứ giọng còn não nề hơn. – Đến tìm kiếm nhắn tin là hết. Dù sao hai thằng cũng được công nhận liệt sĩ. Đành an ủi vậy chứ biết làm sao, tao đi đường “năm trăm”. Dọc tuyến đào được vô khối cốt. Nhìn đồ nghề chôn theo, biết là cùng trang với bọn mình. Biết, mà không làm gì được. Đành gói ghém đưa về quy tập ở nghĩa trang liệt sĩ, thành mộ vô danh. Nói phải tội, chết là hết, vong hồn, vong hiếc gì. Tao không tin. Nếu có, ắt chúng nó phải tự chỉ chỗ.
Bình ních:
- Chúng mày đều có lí cả. Ngờ vực là đúng. Có ngờ, gần một năm nay mới nhắn tin ròng rã chứ. Còn nói chuyện giúp hay không làm gì. Chúng nó chết là phận của chúng nó. Mình tìm kiếm là việc của mình. Suy cho cùng chết rồi thì cần gì. Cốt là cốt ở người sống. Tìm cho người sống đỡ phải áy náy, dằn vặt…
Ngọc khợp cắt ngang:
- Gớm, hôm nay bố nào nói cũng hay thế. Tao đồng ý tiếp tục tìm kiếm chúng nó. Sang tháng, tao có chuyến đi thực tế phía Nam. Tao sẽ kiếm lão An cùng đảo về vùng cũ. Bây giờ Thắng vịt châm tiếp cho hai thằng tuần thuốc nữa. Chả mấy khi có được dịp thế này. ở dưới kia, chắc tụi nó cũng mừng, không nỡ ngăn cản đâu. Nào dô đi, trăm phần trăm nhé!
Cả bọn lại nâng lon, song không còn thấy hào hứng nữa. Mắt đứa nào cũng dè chừng nhìn vào hai điếu thuốc thờ. Cháy ngon lành. Đầu thuốc đỏ ngời. Khói tuôn rành rẽ, thẳng tắp. Bẵng một tẹo, lại chính Thắng vịt:
- Trời ạ, hệt như ban nãy.
Tắt lịm giữa chừng. Quằn queo vệt tàn đen móc lên như dấu hỏi. Mắt cả bọn trợn ngược. Khoang lều ngột đi. Ánh sáng nhợt hẳn. Mờ mờ như âm cung. Mặt đứa nào cũng bợt bạt. Im lặng rất lâu. Chắc chắn cả bọn sẽ mê mụ, nếu như con bé lái đò không đột nhiên xuất hiện trước cửa lều. Nó chăm chắm nhìn vào. Mặt lạnh lùng, vẫn không nói một tiếng.
Nó cần gì?