hằng Rân mới gửi cho con lá thơ nữa. Nó viết tràn văn chương má ơi. Giấy hồng thơm ghê, con đốt cứ tiếc tờ giấy hoài.
- Mày lại kêu bạn bè tới đọc chung hả?
- Có bốn đứa. Chao, tụi con cười lăn cười lộn!
Út Sâm dúi đầu vào nách má, rúc rích. Má khẽ cốc vào trán con:
- Không ưng thì thôi, đừng làm vậy nó thù.
- Sợ gì thằng công tử bột. Để con viết thơ chửi nó một trận
líp ba ga. - Mày cứ chanh chua sanh chuyện...
Cánh cửa bỗng nẩy đánh thình. Cái then gỗ rung lách cách. Tiếng quát tiếp ngay: "Mở cửa! Mở cửa mau!". Má giật mình kêu: "Ớ ông trùm ông xã!". Nhiều luồng đèn pin quét loang loáng lọt qua kẽ phên, cả mé trước nhà và mé sau chuồng heo. Bầy chó con sủa nhức tai. Sâm đánh bật lửa thắp đèn. Má Bảy vừa kéo then, cánh cửa bị xô mạnh đã gạt má lạng người. Bọn lính ùa vào nhà, súng lố nhố.
- Soát nhà, mau!
Mấy tên cảnh sát cầm thuốn sắt và đèn pin tuôn lên nhà trên. Mũi thuốn bắt đầu chọc thình thịch. Thằng Phổ cảnh sát trưởng vẩy súng ngắn chỉ vào góc cột, hét:
- Ngồi xuống đó. Khai mau: người mới nói chuyện đâu rồi? Nói!
Đôi mắt lồi của hắn nhìn xói vào mặt má Bảy. Hắn thích hành động theo kiểu xinê trinh thám, đánh những đòn chặn ngọn. Nếu "đương sự" lộ vẻ hốt hoảng, hắn bắt ngay.
Má Bảy đáp chậm rãi:
- Má con nằm nói với nhau thôi.
- Sao có giọng đàn ông? Giấu Việt cộng đâu?
- Thằng Tư Sỏi đi gác đêm, làm gì có đàn ông.
- Bướng nữa à? Khai thác đi bay!
Hai tên cảnh sát tháo cuộn dây to, ném một đầu vòng qua xà nhà, cho rơi xuống một cái thòng lọng buộc sẵn. Một thằng soát đến chuồng heo. Tiếng gà mái kêu oác. Sâm không nhịn được nữa:
- Con gà đẻ cả thảy tám trứng, tôi đếm rồi đó.
- Đứa nào đâm hông?
- Tôi. Các ông ăn cơm đồng bào mòn cả tấc răng...
Má Bảy bóp tay Sâm một cái, chặn ngang:
- Con trai tôi cầm súng cho các ông, mà đêm hôm các ông tới đào nhà phá cửa, thất nhơn tâm lắm ông ơi.
Thằng Phổ chống cánh tay xăm chàm vào sườn. Hắn phân vân một loáng, chưa biết nên làm dữ hay chuyến thành trò đùa. Rồi hắn đút súng vào bao, cười phá lên nghe cũng khá tự nhiên:
- Bác ơi, tôi cho anh em thực tập vây bắt cộng sản chút thôi. Bác tưởng thiệt hả? Biết là nhà Tư Sỏi, tụi tôi mới giỡn chơi chớ. Ngó coi tội chưa, em út còn xanh mặt đây nè. Bác bỏ qua nghe bác!
Hắn đưa tay vuốt má Sâm. Sâm né đầu, dấm dẳn:
- Việc gì xanh mặt? Cây ngay không sợ chết đứng.
- Giỏi, cả hai mẹ con ăn nói cứng cựa thiệt, tôi chịu giỏi. Ta đi hè.
Ra đến sân, Phổ còn cười khà khà, khen mình đóng kịch tài. Nhưng một tên dân vệ quen ra sau cùng quay nhìn má Bảy, kín đáo khoằm một ngón tay chỉ ra sau nhà. Chúng còn cho người rình nữa.
Tiếng chó sủa trong xóm lan dần về phía đường ôtô, rồi im. Chúng lại đi phục kích đọc sông Nhỡn. Má và Sâm tắt đèn, đi nằm. Sâm trở mình liên tiếp mấy cái, bật nói ấm ức:
- Má cứ cấm không cho con mở miệng...
Má đặt tay lên miệng Sâm. Sâm kéo tay má ra, gắt:
- Họ ngang ngược vậy, con phải chửi rát mặt họ mới chừa. Đánh thì đánh, tù thì tù, bất quá thì họ bắn chém là cùng. Con thí mạng đó.
- Thôi con ơi!
Sâm nín lặng. Sâm biết má khổ lắm. Một lần bị roi đòn không đau bằng trăm ngàn cái nhục không tên cứ hằng ngày đổ mãi lên đầu má. Những việc như vừa rồi còn dễ hiểu: chúng rình Cách mạng. Nhưng còn bao nhiêu câu chửi cái tát khác không ai hiểu nổi vì sao. Chúng ác để mà ác, để tỏ ra chúng có quyền ác, vậy thôi.
Vừa giận xong, Sâm lại thấy thương má quá đỗi. Sâm lật người lại ôm má, hít mùi trầu trong hơi thở của má, nghĩ một chuyện gì vui để kể má nghe cho khuây. Nhưng Sâm bỗng thấy đầu mình rất nặng và mí mắt không mở được. Sâm định nhấc thử cái tay. Tay Sâm biến đâu mất. Sâm ngủ say lập tức.
Má Bảy gỡ tay con, thì thầm:
- Con với cái, nói buông miệng là ngáy.
Má không bực khi Sâm cãi má, đòi chửi ác ôn. Má kìm con ngựa non, và sung sướng khi thấy nó giằng tay má chứ không đờ đẫn đứng im.
Má vất miếng bã trầu, kéo chiếu trùm đầu, thiu thiu ngủ. Ngoài trời mưa lại bay êm không thành tiếng, chỉ có những giọt to từ ngọn tre rơi xuống lá chuối như những ngón tay mổ đều đều.
Một tiếng kẹt cửa nhẹ và kéo dài luồn vào giấc ngủ của má. Con chó con nằm khoanh đầu giường khịt mũi gừ gừ. Một ngọn lửa xòe sáng. Má nghển đầu,ười hiện trong ánh lửa từ dưới hắt lên, cằm bạnh rất to miệng và mắt là những hố đen ngòm, má kêu líu lưỡi: "Ớ ông trùm ông xã, ông xã ông trùm!".
Người mới đến khẽ cười:
- Má Bảy ơi, tôi đây, Dõng đây mà.
Má vẫn thấy thằng Phổ, bọn cảnh sát. Chúng rình chán lại vào thử má. Hàng trăm người mắc bẫy của chúng đã bị đòn bị tù. Phải báo động, đánh mõ la làng... Dõng lại cười:
- Sao ngơ ngác vậy má? Dõng đây, không phải mật vụ giả Cách mạng đâu. La chó chút má, để sủa ồn.
Anh giơ cao cái bật lửa, tìm đèn. Anh châm cái đèn vịt bằng thiếc, đặt xuống đất cạnh bếp, dáng thành thạo như về nhà mình. Những cái hố đen trên mặt anh biến mất, trông anh lại hiền và tươi chẳng khác ngày trước.
Má Bảy tỉnh hẳn. Đúng anh Dõng. Cách mạng về nhà má rồi... Má không kịp mừng nhiều. Luồng máu ấm vừa từ tim trào lên mặt, bỗng rút ngay trở về tim. Mặt má nóng một loáng lại lạnh buốt, nổi gai rân rân. Má nhớ ngón tay khoằm của tên dân vệ chỉ ra sau nhà. Chúng nó rình. Chúng vây nhà, đơm súng, sắp đạp cửa ập vào. Thằng Phổ chĩa họng súng ngắn tròn xoe... Nguy mất. Anh Dõng điên rồi. Sao anh về giữa lúc này?
Má đẩy vai Dõng, hổn hển:
- Ra đi anh. Chạy mau!
- Kìa má...
- Họ rình. Trời ơi, anh ra đ
- Má làm gì kỳ vậy?
Má ngồi thụp, nắm cổ con chó ấn xuống đất cho nó im, nói thầm cuống quít:
- Anh lánh ra một lát. Họ mới soát nhà, còn người núp ngoài kia. Mai kia vắng bớt, anh trở lại, tôi để dấu như hồi xưa, anh biết anh vô, anh vô...
Những lời rên rỉ của má Bảy như kim lạnh xóc liên tiếp vào ngực Dõng. Anh ngồi xuống cái đòn bên bếp, nhìn mái tóc bạc nhiều của bà má đã nuôi không biết bao nhiêu cán bộ, bộ đội, trong bom đạn cũng như dưới đòn vọt. Má cho con đi tìm anh, sao bây giờ hốt hoảng quá vậy?
Dõng chợt thấy những vết thuốn sắt còn mới nguyên trên nền nhà, chưa có dấu chân nào giẫm lên. Đống tro góc bếp bị xốc xới. Mấy cái vò, hũ bị dời chỗ hoặc hất đổ nghiêng. Bọn ác ôn vừa đi qua nhà này. Suốt mấy năm anh hoạt động trong vùng mà không đến gặp má, còn quân thù lại ngày đêm có mặt - một bộ mặt quỉ dữ luôn luôn đổi hình. Gầm gào, lẩn lút, lừa đầu chặn đuôi, chúng rình một chút hớ hênh để nuốt gia đình má Bảy. Ba má con vẫn sống, vẫn không đầu hàng, vẫn nhớ Cách mạng... Một câu chửi giặc thật độc địa và một tiếng thổn thức cùng một lần ứ trong họng anh.
Thế nhưng Dõng biết lúc này không nên vội nói những lời thương cảm hay căm thù. Anh rướn đôi mày rậm như ngạc nhiên, rồi nheo mắt chế giễu một cách thân mật. Anh lấy cái giọng ngang ngang, nửa đùa nửa thật ngày xưa để cắt gọn cơn sợ của má:
- Má ơi, nhắn tôi tới nhà rồi lại đuổi tôi, chơi vậy không ngon m
- Tôi đâu dám đuổi...
- Bộ đội Giải phóng gác hết đường làng ngõ xóm, má đừng lo.
- Soát sau nhà chưa?
- Coi kỹ hết. Tụi nó trốn xuống Đồng Trầu rồi. Tiếc quá, anh em đang muốn nắm đầu thằng Phổ, xẻ cho bà con làm giỗ đây.
Dõng cười khà, lắc lư cái đầu tóc bàn chải. Tất cả người anh toát ra cái vẻ ung dung chững chạc khiến má hốt hoảng. Má đi vòng ra sau hè, nghe ngóng một lát mới yên bụng hẳn. Dõng vẫn ngồi đợi bên đèn, chăm chú nhả khói thuốc thành những vòng tròn lồng vào nhau.
Má thở dài:
- Anh đi rồi, tụi nó hành thân hạ thể bà con quá chừng. Đánh chết mấy chục người, đem chôn còn thấy thịt lộn xương, xương lộn thịt. Thằng Phổ mới ập vô xăm nhà tôi. Nó bước ra đã thấy anh vô, tôi thất kinh hồn vía. Anh đừng để bụng mà tội...
Nỗi mừng tủi dồn lên khiến má nghẹn lời. Má nuốt nước bọt:
- Biết anh hay về thăm bà con, tôi tìm hỏi luôn mà không gặp. Con Sâm nghe nói ở đâu có truyền đơn biểu ngừ cũng chạy tới. Cá móng đâu buông câu đó, chẳng ăn thua gì... Nghe nói bây giờ ta đánh lại nó, phải không anh?
- Dạ, đánh gắt chớ.
- Ví thử nó rượt anh em mình, ta bắn hay là "hỡ anh em binh sĩ"?
- Vừa bắn, vừa "hỡi". Mà bây giờ đến lượt mình rượt nó, diệt nó, nổi dậy giành chánh quyền nữa kia.
Má nhìn Dõng trân trân:
- Thiệt không, hay lại phỉnh bà già?
- Thiệt chở má. Tôi về kêu gọi bà con khởi nghĩa đây.
- Như năm Ất Dậu hả?
- Như Ất Dậu. Xây dựng ủy ban, bộ đội, du kích, làm làng chiến đấu, giống hồi kháng chiến chín năm vậy đó. "Tây đi xanh mắt, Tây về xanh xương, danh tiếng đồn vang du kích Thạnh Bường". Má ưng không?
- À...
Một vầng sáng lòe lên trước mắt má, như ai giội xăng vào ngọn đèn. Đúng rồi. Điều má nghe phong thanh bấy lâu đã thành sự thật. Không lẽ cứ để nó giết mình thả sức như vậy sao?
- Dạ thưa thầy!
Út Sâm dậy lúc nào không rõ, cất tiếng chào Dõng ngay sau lưng má, tay còn vén tóc xõa xuống mặt. Dõng nheo mắt cười:
- Thầy bà gì nữa. Chao, con nhỏ mau lớn khiếp. Hồi đi học mới đứng tới mặt bàn, bây giờ thành cái cô rồi. Mười bảy hả Sâm?
- Dạ, em mười tám, sắp lên mười chín. Họ thu thuế cử tri trăm hai bạc rồi đó.
Sâm ngồi xuống cạnh đèn, tự nhiên như nói tiếp câu chuyện bỏ dở:
- Bọn em phải bỏ học hết. Học phí nặng, lại phải lo đem cơm tù, chạy tiền thuế. Nội xã ta có một mình anh Rân đủ tiền theo tới giờ. Anh học ban tú tài dưới thị xã, nghe nói ăn chơi phá của ghê lắm.
- Thằng Rân con lão Hạnh học dốt như bò, tao nhớ. Nó gửi thơ cả lô, Sâm trả lời chưa?
Sâm ngớ ra, vụt đỏ ửng hai má:
- Em đốt hết. Thầy đừng nghe họ đồn tầm bậy. Ai nói thầy biết?
- Đất có thổ công sông có hà bá, tao không biết còn ai biết nữa. Hôm tụi bay dầm mưa đi xăm hầm trên gò Chà Là, tao thấy ướt run lập cập, thương quá.
Sâm reo to:
- Thầy ở đó à? Sao thầy không bắn vài phát cho bọn em chạy?
Má Bảy đập tay con, chỉ sang nhà chị Đa rồi nói lớn:
- Im đi Út, cãi lẫy gì để sáng mai, ban đêm đừng om sòm lên.
Sâm cười, hạ giọng:
- Đi tìm hầm mà cứ lo đụng hầm. Bọn em bàn nhau hễ có súng nổ là tẩu một hơi về nhà, đầu xe lửa kéo cổ cũng không đi ráp
Cánh của hé ra, Sâm ngửng lên, thấy một mớ tóc quăn nhô vào. Dõng vẫy tay:
- Vô luôn đây Bê. Đồng chí Bê về phụ trách xã ta đó má. Má với Sâm nhớ mặt, hễ cậu ta tới thì miễn cho cái vụ đánh mõ la làng.
Với đôi mắt rất tinh của các cô gái ưa nhận xét con trai, Sâm thấy ngay Bê có cái đầu nhỏ không cân với đôi vai rộng, thêm mái tóc quăn và hai tai rất to. Dễ nhớ lắm. Khi thấy Bê khép nép ngồi xuống cạnh Dõng, chỉ chào má mà không nhìn thẳng Sâm, Sâm đoán anh cán bộ trẻ này chưa vợ, tính hiền lành mà hay mắc cỡ.
Còn má Bảy thì để ý xem cây tiểu liên Bê cầm tay. Má nhìn lại Dõng. Lúc này má mới thấy anh đeo súng ngắn cạnh sườn. Cán bộ ta mang súng cả rồi, hay lắm. Nhân xem súng, má nhận ra Dõng và Bê đều mang bao trên lưng, nhưng cái bao nào cũng lép kẹp. Má nhớ ngay công việc của bà mẹ chiến sĩ ngày xưa. Má đứng dậy:
- Thầy trò nói chuyện với nhau, tôi lo cơm nước nghe. Nãy giờ hỏi thăm sa đà quên cả bữa cơm.
Dõng lắc đầu:
- Má để lần khác. Bây giờ có gạo, khoai, sắn gì đó má cho xin một ít, đem về cho anh chị em ở nhà.
Má Bảy cầm rá lên nhà trên, mở nắp thạp gạo. Còn nửa ang
1 gạo mới giã xong, má chừa lại hai lon nấu sáng, còn mười lon đong hết cho Dõng. Khoai khô sẵn hơn. Để gọi Bê lên trút đầy bao mang về. Má đang dỡ bồ khoai bỗng rùng mình một cái, đứng lặng trong tối... Thằng Phổ chống cánh tay xăm chàm vào hông, gườm gườm con mắt lồi: "Một chén gạo cho cộng sản chén máu, một chén máu!". Cái hình ảnh quỉ quái ấy ăn sâu mấy năm nay vẫn chưa rời má... Như trẻ con sợ ma chạy tìm ánh đèn, má bước nhanh tới cửa ngang xuống bếp.
Má dừng tại đấy.
Dõng đang chăm chú nghe Sâm nói nhỏ. Vẫn mái tóc bàn chải, đôi mày rất rậm như xưa, nhưng anh xanh đi, râu nhiều hơn. Hồi đánh Tây anh là xã đội phó, đánh giặc rất gan. Sau khi bị thương mất sức, anh được cấp trên cho đi học chữ hai năm, trở về dạy tiểu học. Bây giờ anh vẫn đi trong mưa đông gió bấc, nhen nhóm lại ngọn lửa cách mạng. Cái bao rỗng dán vào lưng anh. Má không rời mắt khỏi nó được. Má không thể để cán bộ hụt bữa, dù đưa một chén gạo phải mất kèm một chén máu, mười chén máu.
Má gọi:
- Bê ơi, lên đây con!
Má trút hết gạo vào bao, trút thêm khoai khô, lắc mãi cho đựng được nhiều. Má bắt Bê lấy bao của Dõng, cũng trút đầy khoai. Má hốt sạch ổ trứng gà gói vào mo cau, gửi cho anh chị em đau yếu. Bê không nhận, má gắt: "Cái này phần người khác, có phải của hai đứa bay đâu mà đòi trả lại". Tay má làm thoăn thoắt, óc má nghĩ hằn học và thích thú: "Đây Phổ nè, tao tiếp tế Cộng sản đây nè. Không cho chén gạo nào, mày cũng hút hết máu má con tao. Đã vậy tao ủng hộ Cộng sản tận bờ sát góc cho mày biết mặt. Cách mạng về, mày chết Phổ ơi, mày chết tới đít rồi..!".
Đôi mắt má long lanh, giọng má chắc đanh, chân tay má nhanh nhẹn không ngờ. Bê cảm động, nhưng chỉ biết má thương anh em mà không hiểu má đang vùng vẫy, đánh trả ngọn đòn đầu tiên vào mặt kẻ thù sau mấy năm chịu đựng.
- Gì nữa hè? À muối, để má gói muối. Còn chai nước mắm người ta mới cho. Mua bằng tiền lương lính đó.
Má cố lèn chai nước mắm vào cái bao đầy căng. Hết chỗ nhét, má buộc gói muối vào dây quai.
- Con để má làm. Hồi chín năm đánh Tây, tao cột ba lô cho cả trăm anh em, đố có rớt thứ gì.
Má đậy nắp thạp gạo, bồ khoai. Má quét tấp những hạt gạo vãi vào góc cột, rồi lại xoi ra, hất vung dưới phản cho chuột lượm mau sạch dấu. Khi soi đèn tìm những dấu vết cuối cùng, má chợt trông thấy lá cờ ba que treo đứng trên ảnh thằng Diệm. Chà, bao giờ được cầm mảnh vỏ thị rụng in hình ba chấn song sắt nhuộm màu ấy mà xé một cái rẹt, sướng tay biết mấy! Còn cái thằng mặt như mông heo đang lấc láo dòm nghiêng kia, cho mày cứ coi thử nhà tao còn cái gì đáng cướp nữa không. Mày nấp sau chấn song, tay mày níu tay Mỹ trên hình viện trợ, để coi mày sống dai hơn tao hay tao chôn mày trước!
Khi má xuống bếp, Dõng và Bê đã sửa soạn đi. Dõng tháo tấm dù quàng cổ ra trùm kín người. Sâm sửa vạt sau cho anh, cười:
- Thầy giả làm cọp thiệt giống, hèn gì tụi dân vệ đồn rum là động núi, cọp về.
- Bậy. Tụi tao mặc đồ đen, đi bãi cát dễ thấy, phải ngụy trang.
- Đây làm gì có bãi cát?
- Bộ một mình Đồng Dừa làm cách mạng thôi à. Dưới biển trên nguồn, đâu tụi tao cũng đi. Thôi cảm ơn má, hôm sau tôi trở lại
Má lặng lẽ nắm cánh tay Dõng và Bê, cười qua nước mắt. Đến lúc này má bỗng cồn cào cả người. Làm sao giữ anh em lại một lát nữa thôi, để cái vắng lạnh đừng ập vào nhà má gấp quá. Má vừa được sống một giờ thật sự của má, nói những điều má nghĩ với những người má thương. Dõng và Bê đi rồi, má sẽ trở lại cảnh sống che giấu, vay mượn, cười gượng nói quanh.
- Hai anh em đi cho khéo, về cho đủ má mừng...
Má buông tay. Dõng tần ngần nhìn má, chớp mắt. Anh chào vội một lần nữa, lách qua cửa. Bê bước theo. Hai người chìm ngay vào trong đêm, không một tiếng động.
Cái mõ treo trên con sẻ đầu cột vẫn phơi cái sườn bung nhiều xơ tre. Cây dùi từ trong mõ nhô lên một khúc đầu như sốt ruột hỏi: "Sao không đánh?". Sâm nhìn cái mõ, nháy mắt:
- Tối nay cho mày câm họng. Mấy năm nay không có Việt cộng, tao mặc sức đánh mày. Việt cộng về mày được nghỉ, sướng chưa?
Lần thứ ba trong đêm nay, hai má con đi nằm.
- Má buồn ngủ chưa?
- Chưa.
- Con cũng không ngủ được. Vui quá má ơi!
- Các ảnh dặn gì con không?
- Thầy Dõng dặn nhiều, con không nhớ hết. Phải để ý coi ban đêm thằng Phổ ng nhà nào nè. Sắp tới thầy giao con mua vải may cờ nè. Phải kêu gọi lính địch nữa nè...
Má giật mình. Sao anh Dõng lại giao những việc to tát ấy cho con má? Nó non quá, khờ quá, nói trước quên sau. Má muốn chặn lại: "Khoan nhận đã con". Nhưng mà không nói được. Nói, Sâm cũng chẳng nghe nào.
- Thầy muốn gặp anh Tư nữa má. Thầy dặn má với con phải khuyên nhủ ảnh thiệt nhiều.
- Anh Dõng biết thằng Tư lãnh súng không?
- Gì thầy cũng biết hết. Thầy nói anh Tư không phải xấu bụng. Lỡ lãnh súng rồi thì quay súng theo Cách mạng cũng tốt... à, má thấy anh Bê ra sao? Hiền ghê, y như con gái vậy đó. Con mới giỡn một câu mà ảnh mắc cỡ ngồi im xo.
Sâm trở mình, khúc khích, rồi thở đều.
Hai mắt mở chong trong đêm, má Bảy cảm thấy từng đường gân dãn ra. Mối tơ vò trong lòng má đã bung hết với những lời anh Dõng nói về Tư Sỏi. Má sẽ giao hai con cho Cách mạng giữ giùm, dạy nên người.
Dõng và Bê chắc đã đi xa lắm. Trong xóm tịnh không có tiếng chó sủa hay trống mõ. Tiếng sóng biển ầm rất xa bây giờ nổi rõ hơn, đến gần. Hai người quàng dù bước trên cát trắng. Chỉ có hai cái bóng lẻ loi đi trong đêm mưa nhưng dưới chân họ dội lên tiếng trầm mênh mông của biển động mà kẻ thù sảng sốt nghe như cọp gầm còn má Bảy nhận ra tiếng hàng vạn đôi chân ùa lên theo hai anh cán bộ.
1 Một ang bằng 24 lon (ống sữa bò). |