CHƯƠNG 2

    
hành Tây Đô mà mọi người quen gọi là thành Tây Giai chỉ được xây trong ba tháng theo lệnh của Lê Quý Ly sau khi Thượng hoàng Trần Nghệ Tông mãn tang được vài năm. Ý đồ của họ Hồ nhằm cướp ngôi nhà Trần ai cũng thấy rõ, chỉ tiếc rằng vua tôi nhà Trần vẫn mù quáng tự bịt mắt mình mà thôi.
Loạn này có thể bắt nguồn từ việc trước đó vua Trần Minh Tông lấy một lúc hai người cô ruột của Lê Quý Ly. Bà Hoàng phi Minh Từ sinh ra vua Trần Hiến Tông, và bà Hoàng phi Đôn Từ sinh ra vua Trần Dụ Tông. Ngoài ra bản thân ông ta cũng lấy công chúa Huy Ninh làm vợ, đã thế con gái của Quý Ly lại là vợ của vua Trần Thuận Tông, tức làm thông gia với vua Trần Nghệ Tông. Và một người em gái Lê Quý Ly thì lấy vua Trần Duệ Tông. Nên tuy là họ bên ngoại, thế nhưng Lê Quý Ly vẫn được nhà Trần biệt đãi và coi như là thuộc dòng Hoàng tộc.
Sử dụng những mối quan hệ lắt léo trong Hoàng tộc này, dần dần Lê Quý Ly đã vươn đến đỉnh cao của quyền lực và từ đó Ly không còn coi ai ra gì cả.
Bản thân vua Trần Minh Tông đã không theo quy định của dòng họ nhà Trần về việc không được kết hôn với người ngoại tộc, vì đề phòng bị cướp ngôi. Ra vậy, nhà Trần soán ngôi nhà Lý bắt đầu từ mưu mẹo của Điện tiền Chỉ huy sứ Trần Thủ Độ qua cuộc hôn nhân của Trần Cảnh với nữ vương Lý Chiêu Hoàng, dẫn đến cuộc nhường ngôi thoái vị để cho nhà Trần lên nắm thiên hạ. Bị ám ảnh về lời nguyền đẫm máu của vua Lý Huệ Tông trước khi chết, cho nên sau này vị Thái sư Thống quốc Hành quân vụ Chinh thảo sự Trần Thủ Độ kia luôn luôn nơm nớp lo sợ rằng một ngày nào đó có thể con cháu mình sẽ bị lặp lại chuyện xưa, vì vậy mà sau này Thái sư đã buộc con cháu nhà Trần phải thề rằng không được phép có những cuộc hôn nhân ngoại tộc. Tiếc rằng mấy trăm năm sau, ý trời khó đoán, nhà Trần bắt đầu bị trả lại cái giá khi xưa mình đã làm với nhà Lý, âu cũng là vòng quay tuần hoàn hợp lý.
Sau loạn Đại Định Vương Dương Nhật Lễ, đã nhìn thấy trước những âm mưu của Lê Quý Ly, nhưng không thể làm gì được vì sự tin cậy che chở của Thượng hoàng Trần Nghệ Tông đối với ông ta quá lớn. Đại tư đồ Trần Nguyên Đán cảm thấy bất lực vì sự loạn lạc trong dòng họ mình. Quá chán ngán, cuối cùng ông đã xin với vua Trần Duệ Tông cho mình được về hưu, ở ẩn. Mặc dù nhà vua không cho, nhưng trước thái độ cương quyết của ông nên cuối cùng vua đành châp nhận. Trong việc này phải nói là còn có bàn tay của Lê Quý Ly, ông ta nể và ngại danh tiếng của quan Đại tư đồ, nên khi nghe tín Đại tư đồ muốn nghỉ hưu thì lập tức tâu với vua nên cho nghỉ. Là một kẻ đa mưu túc trí, tham vọng rất lớn, Lê Quý Ly thừa hiểu rằng một ngày nào mà quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán còn ở triều thì ngày đó âm mưu của ông ta khó có thể thành công. Danh vọng và uy tín của quan Đại tư đồ quá lớn, hại ông không thể dễ dàng nên chỉ còn đẩy ông ta đi nếu có dịp và dịp may đã đến. Trước sức ép của Quý Ly và một bên là tâm ý đã rõ ràng của quan Đại tư đồ, nhà vua dù rất luyến tiếc cũng phải chịu là vậy.
Nơi ông ngoại của ta ở nằm chếch phía đông bắc kinh thành Thăng Long, gần núi Phượng hoàng và núi Kỳ Lân còn được gọi là núi Côn Sơn. Vùng này có chùa Tư Phúc, các pháp sư của dòng Phật giáo Thiền Tông Trúc lâm như Pháp Loa, Huyền Quang đại sư đều đã từng trụ trì ở đây.
Và ông đã lên đây ở, cho sửa chữa lại, lấy tên là Thanh Hư động. Cha ta đã thảo hẳn một bài ký động Thanh Hư để tặng cho ông, sau đó đích thân Thượng hoàng Trần Nghệ Tông và vua Trần Duệ Tông đến thăm ông và tặng chữ khắc trên bia đá.
Thỉnh thoảng ta được cha cho phép đến ở chơi với ông vài ngày. Bạch Vân am là nơi ông nghỉ ngơi và đọc sách. Chốn này thật thanh tinh, yên tĩnh, rất thần tiên. Ta thường quanh quẩn bên ông, rót cho ông tách trà xanh, lắng nghe ông giảng giải và ngâm những câu thơ cổ Đường thi. Đón gió, hóng trăng. Có những lúc cả hai ông cháu bó gối ngồi im lặng trong cô liêu nhìn trời mây, lắng nghe tiếng thì thầm của tiền nhân văng vẳng đâu đây. là một đứa trẻ còn rất nhỏ nhưng ta đã thấm hiểu những nỗi buồn về nhân tình thế thái trong lòng ông.
Mùa đông năm Canh Ngọ 1390, ông ngoại ta ốm nặng, đưa về kinh thành Thăng Long thì qua đời. Năm đó ta 11 tuổi. Chỉ trong mấy năm liền ta phải chịu hai cái tang lớn, người mẹ hiền yêu quý của ta đã qua đời trước đó, rồi ông ngoại. Nỗi đau ta không biết phải dùng lời nói nào để tả xiết, chỉ biết rằng, dường như nhiều năm tháng sau đó mà ta vẫn còn đớn đau bàng hoàng tưởng như chuyện mới của ngày hôm qua.
Triều đình truy tặng cho ông tước Chương túc Quốc thượng hầu. Khi nghe chiếu chỉ, ta tưởng như thấy ánh mắt hóm hỉnh và nụ cười khan nửa miệng của ông.
Công danh là gì khi tất cả chỉ còn là gió hư vô.
Tư đồ dựng am
Góc núi thâm nghiêm...
Tư đồ giúp ta trị nước, không hề có chút manh tâm.
Ta tiếc thương ông, nên từ hẻm núi này, có vài lời lưu lại.
Bài Minh ca tụng tài đức của ông ngoại do Thượng hoàng Nghệ Tông viết, lời lẽ thật bi thiết, thảm não.
Chỉ tiếc rằng giờ đây ông chẳng còn nghe được.

*

Dựa các mối quan hệ Hoàng tộc của mình, lúc này Lê Quý Ly đã được Thượng hoàng Trần Nghệ Tông và vua Trần Phế Đế ban cho chức Đồng binh Chương sự, tức là thành viên tối cao được tham dự những việc cơ mật của triều đình, có thể nói quyền ngang với Tể tướng, thậm chí còn hơn Tể tướng vì được Thượng hoàng ban cho gươm báu và cờ với tám chữ vàng "Văn võ toàn tài, Quân thần đồng đức."
Thật nực cười cho tám chữ "Văn võ toàn tài, Quân thần đồng đức" của Thượng hoàng, không hiểu khi ban tặng những chữ này cho Lê Quý Ly, Thượng hoàng nghĩ gì, không lẽ lại u mê đến vậy sao. Ta là kẻ hậu sinh con cháu đời sau nhìn lại nên có dịp kiểm nghiệm được những điều này.
Gọi là võ quả Lê Quý Ly là một kẻ có học võ, bởi thuở nhỏ ở Đại Lại, ông ta đã từng theo học võ với một vị thầy nổi tiếng là Nguyễn Sư Tề của đất Thanh. Sau đó còn kết nghĩa anh em với con trai của thầy là Nguyễn Đa Phương, thế nhưng sau này khi thấy nghĩa đệ tài giỏi hơn mình thì lập mưu giết chết. Là võ tướng, vậy mà khi được vua ban cho búa việt cờ mao để cầm quân đi đánh giặc Chiêm Thành, khi bị bại trận thảm hại đã co đầu rút cổ chạy trối chết, sợ đến nỗi phải xin với vua không đi đánh nữa. Trong hơn 20 năm làm đại thần, nhiều lần ông ta được cử cầm quân đánh Chiêm Thành, nhưng phần lớn đều thất trận. Khi nhà Minh xua quân qua xâm chiếm nước ta, ông đã cùng quần thần đưa ra những kế sách rất hồ đồ, dùng lực đối lực để chống lại kẻ vốn đất rộng người đông hơn chúng ta nhiều mà không tính tới chiến thuật. Chẳng thế nên sau này đành than thở với các quan: "Ước gì có 100 vạn quân để chống lại giặc B" Con trai ông là Hồ Nguyên Trừng còn sáng suốt hơn khi nói "Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi." Đúng vậy nhà Hồ không hề được lòng dân ủng hộ. Kết quả là nước mất, nhà tan. Như vậy võ tài của ông ta chỉ là thứ võ của một kẻ phàm phu mà thôi.
Học hành không bao nhiêu, thế nhưng Lê Quý Ly luôn tỏ cho mọi người biết rằng mình là người hiểu biết, có học. Có lẽ để giấu dốt nên ông ta quyết định soạn hẳn một cuốn sách Minh đạo gồm 14 thiên để dâng lên Thượng hoàng Nghệ Tông nhằm chứng minh văn tài của mình. Trong sách, Quý Ly phê phán tất cả các bậc tiên tổ, thánh hiền từ trước đến nay. Ông ta phê không chừa một ai, từ Tiên thánh Chu Công, người đã định ra quan chế, lễ nhạc mà bao nhiêu đời nay nhân sĩ thời nào cũng ca tụng. Thậm chí bậc chí thánh tiên sư, thầy của bao nhiêu người, biết bao đời là Đức Thánh Khổng cũng bị ông ta phê nốt. Ông ta chứng minh rằng Luận ngữ của Thánh Khổng trong Tứ thư có nhiều chỗ đáng ngờ. Tiếp đến các bậc tôn sư khác như Chu Đôn Hy, Trình Di, Trình Hạo... và các bậc danh túc Nho khác cũng đều bị Quý Ly cho rằng học rộng nhưng ít tài, chủ yếu cóp nhăt ý của người xưa để tán hươu tán vượn! Kể ra cũng khá khen thay cho Lê Quý Ly, từ trước đến nay có biết bao nhiêu bậc đại khoa túc Nho, nhưng mây có ai đã dám có lời bàn khen hay chê cổ nhân đâu. Tiếc rằng ông ta không lượng được sức mình mà thôi. Tài hèn, sức mọn, hiểu biết đâu có là bao nhiêu mà dám lạm bàn đến chữ nghĩa của các bậc tiên thánh người xưa. Khi được Thượng hoàng ban lời khen thì hỉnh mũi mà quên mất rằng các bá quan văn võ khác đều bịt mũi cười thầm. Hứng chí cứ ngỡ rằng mình đáng làm thầy của thiên hạ nên đã tự phụ ra lời kêu gọi góp ý cho sách của mình với danh sĩ trong nước. Thậm chí còn khoác lác cho rằng đây sẽ là sách học của muôn đời sau. Khi bị Quốc tử giáo Đoàn Xuân Lôi dâng thư phê phán, chỉ ra những sai sót của sách, lập tức Quý Ly sử dụng quyền lực đày đi không cho ở kinh thành nữa. Tiếc cho vị Quốc tử giáo thông minh, tài ba, phải chịu chết trong ấm ức ở nơi xa. Loáng thoáng nghe có lời chê của Trạng nguyên Đào Sư Tích thì lập tức giáng xng cho làm Trung thị lang Đồng tri Thẩm hình viện sự. Giấu dốt và sử dụng quyền lực để bịt miệng mọi người. Thế đấy,
nếu ông ta là kẻ thực tài sao không thuyết phục thiên hạ bằng tài của mình mà lại dùng quyền lực để răn đe thiên hạ. Rõ ràng ông ta thừa hiểu tài của mình như thế nào.
Trong suốt thời gian Thượng hoàng Trần Nghệ Tông còn sống, dựa vào sự tin cậy và che chở của Thượng hoàng, Lê Quý Ly đã thao túng triều đình và triệt để sử dụng quyền lực trong tay để tiêu diệt bất kỳ những ai chống đối mình. Kể cả những người không liên quan, nhưng nếu Quý Ly cảm thấy họ có thể đe dọa đến mình trong tương lai thì cũng lập tức tiêu diệt hoặc đọa đày đi nơi xa.
Khi biết tin vua Trần Phế Đế bàn với Trang Đinh Vương, Thái úy Trần Ngạc về việc tìm cách loại trừ mình, dựa vào niềm tin của Thượng hoàng, Quý Ly đã khích bác Thượng hoàng về việc tại sao không lập con mà lại lập cháu nội lên làm vua để nay nhiều đại thần có ý bất mãn, không phục. Kết quả Thượng hoàng Nghệ Tông xuống chiếu truất phế ngôi vua Trần Phế Đế và đưa con trai út Trần Ngưng lên ngôi, đó là vua Trần Thuận Tông, con rể của Quý Ly. Khi các tướng không phục kéo binh về kinh thành định làm phản, một mặt Quý Ly cho người đến khuyên nhủ vua Phế Đế dụ các tướng, mặt khác nhân cơ hội này, Lê Quý Ly quyết định nhổ cỏ nhổ tận gốc bằng cách tâu với Thượng hoàng rằng nếu không giết vua đi thì trước sau đây cũng là mầm mông nguy hiểm. Thượng hoàng nghe tiếng vó ngựa của quan binh đang làm loạn bên ngoài kinh thành lấy làm sợ, nghe lời tâu của Quý Ly khen là phải, truyền cho người đưa vua Trần Phế Đế qua phủ Thái Dương rồi bất ngờ buộc thắt cổ chết. Thương thay cho vua Phế Đế chết mà chẳng hiểu lý do tại sao. Nghe người ngoài, giết cháu nội mình chẳng run tay, thử hỏi làm sao mạch sống dòng họ Trần dến đây chẳng chấm dứt? Lúc này quyền lực của đã vượt quá chức vụ Đồng binh Chương sự từ lâu rồi.
Cũng trong năm Mậu Thìn 1388, sau cái chết của vua Trần Phế Đế, một số trung quan triều đình đã bí mật họp nhau lại, thông qua Trang Định Vương, Thái úy Trần Thúc Ngạc để bàn tính dự định lật đổ bè lũ gian thần. Đáng tiếc vụ việc vỡ lở chỉ vì bọn họ đã thật tình tâu trước với vua Trần Thuận Tông xin phép trước khi hành động. Ngờ đâu âm mưu bị lộ từ trong cung, Lê Quý Ly dựa vào thế Thượng hoàng xuống chiếu bắt giết nhiều người. Riêng Trang Định Vương đã trở thành cái gai nguy hiểm trong mắt Quý Ly, nhưng bởi là con trai của Thượng hoàng, muốn giết ngay cũng không được nên Quý Ly cho người phao lên rằng Trang Định Vương có ý phản, muốn lên làm vua, làm cho Trang Định Vương sợ hãi phải bỏ trốn về Nam Định. Và ngày nào vào chầu Lê Quý Ly cũng tiếp tục rỉ tai Thượng hoàng về việc Trang Định Vương đang định dây binh làm phản. Kết quả Thượng hoàng nửa tin nửa ngờ và lệnh cho người đi bắt Trang Định Vương về hỏi tội cho rõ chuyện. Có lệnh này, Quý Ly ngầm ra lệnh cho tướng quân Ninh vệ Nguyễn Nhân Liệt truy đến tận nơi, lấy lời ngon ngọt dụ Trang Định Vương. Quả vậy, Trang Định Vương khi thấy chiếu vua ngoan ngoãn theo về, ngờ đâu nửa đường bị Nhân Liệt chém chết, sau đó nói với ba quân rằng Trang Định Vương kháng chiếu Thượng hoàng nên bị giết. Khi Nhân Liệt về thưa báo, thấy Thượng hoàng giận dữ, Quý Ly lập tức ép Nhân Liệt tự tử chết để chuộc tội nhưng thực ra là để bịt miệng. Sau đó Lê Quý Ly còn mặc sức chém giết hàng loạt các tướng khác, đó là những người đã tỏ ý ủng hộ Trang Định Vương bấy lâu nay. Đấy là vào năm Tân Mùi 1391.
Ông nội Nguyễn Minh Du của ta vì vụ này phải trốn đi biệt xứ, cha ta cũng có liên quan, phải bỏ trốn một thời gian, sau đó nhờ vì là con rể của quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán cho nên được triều đình th
Dòng họ nhà Trần xuất phát từ đất Mân, làm nghề đánh cá miền biển. Thái Tông Hoàng đế Trần Cảnh lên ngôi vua nắm thiên hạ là nhờ vào mặt mũi sáng sủa, dễ ưa, được bà Lý Chiêu Hoàng thích mà lấy làm chồng và nhường ngôi. Thực ra đây là âm mưu soán vị đoạt ngôi có sự tính toán trước của Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ, người sau này là Thái sư Thống quốc của nhà Trần. Công lao của vị thái sư này đối với việc mở mang bờ cõi nước Việt, đảm bảo sự phồn vinh cho đất nước, đáng kể là công thần bậc nhất của nhà Trần. Thế nhưng trong đời mình ông ta cũng làm nhiều việc thất nhân tâm, trong đó chuyện đáng nói nhất là việc truy sát giết ngầm gần hết tôn thất nhà Lý và ép buộc vị vua cuối cùng của nhà Lý phải tự tử, bằng câu nói nổi tiếng "nhổ cỏ phải nhổ tận gốc." Thượng hoàng Lý Huệ Tông tức Huệ Quang đại sư ở chùa Chân Giáo khi đó đang nhổ cỏ, nghe thấy liền lặng lẽ quay vào trong chùa dập đầu trước tượng Phật lạy tạ và uống thuốc độc tự vẫn chết. Lời khấn nguyền khiếp sợ nhất của Thượng hoàng nhà Lý nguyền rủa Trần Thủ Độ, Thái sư chính là con cháu nhà Trần sau cũng sẽ phải trả giá như thế. Đáng sợ làm sao cho sự linh ứng của trời đất sau này. Và rồi nhằm đảm bảo cho sự nối tiếp cho vương quyền của dòng họ, Trần Thủ Độ đã tàn nhẫn buộc nhà vua lấy chị dâu của mình là công chúa Thuận Thiên, vợ của Liễu Hoài Vương khi đó đang có mang ba tháng. Làm cho anh em nhà vua xào xáo, nhà vua đau khổ đến nỗi phải bỏ lên núi Yên Tử để đi tu. Mở đầu là thế cho nên sau này trong dòng họ Trần còn có nhiều cuộc hôn nhân loạn tộc. Có tài nhưng tàn bạo, thật đáng buồn cho vị thái sư này. Chẳng thế mà ông ta đành tự nhận mình chỉ là "chó săn" cho nhà Trần mà thôi.
Danh sĩ đương thời vẫn thường chê nhà Trần về chuyện buồng the có nhiều điều hổ thẹn, xét ra quả là có thật.
Tính ra t nhà Trần có 11 đời vua, trong dó có những đời vua rất anh minh, sáng suốt, có những tướng tài văn võ lưu danh muôn thuở. Thế nhưng sự suy sụp của nhà Trần có thể tính bắt đầu từ cuộc hôn nhân với ngoại tộc của vua Trần Minh Tông. Từ cuộc hôn nhân này mới xuất hiện nhân vật Lê Quý Ly. Là con nuôi của Tuyên úy Lê Huân đất Đại La, học võ với Nguyễn Sư Tề, rồi qua cuộc hôn nhân của cô mình mà Lê Quý Ly được bổ làm Chi hậu Tứ cục chánh chưởng, sau đó là thăng Khu mật viện Đại sứ..., cuối cùng là Phụ chính Thái sư nhiếp chính, Khâm đức Hưng liệt Đại vương, trước khi cướp ngôi nhà Trần. Sai lầm của nhà Trần bắt đầu từ vua Minh Tông, tuy nhiên người tạo đà cho Lê Quý Ly lộng quyền, giết hại trung thần lương đống, phải bắt nguồn từ Thượng hoàng Trần Nghệ Tông. Khi bắt đầu lên ngôi vua, Thượng hoàng đã phong tước hầu cho Quý Ly và ban chức Khu mật viện Đại sứ, sau khi lên làm Thái Thượng hoàng, chính Ngài đã u mê nghe lời Quý Ly để cho Quý Ly mượn danh giết con, giết cháu, giết trung thần, đã thế lại còn liên tục gia phong chức tước, quyền lực cho Lê Quý Ly. Cho nên, họa này phải nói do Thượng hoàng Trần Nghệ Tông là chủ yếu. Về cuối đời, khi nhìn quanh qua lại chẳng còn một ai đáng gọi là tôi trung, con cháu chết gần hết, nhìn đâu cũng chỉ thấy phe cánh của Lê Quý Ly, lúc bấy giờ Thượng hoàng mới thấy hối hận và hoảng sợ, nhưng tiếc rằng lực đã tàn, sức đã cạn, quyền bính cũng đã hết. Hối hận thì cũng đã quá muộn màng. Không biết làm sao hơn Thượng hoàng đành nghĩ ra một mẹo trẻ con, phao tin rằng mình nằm mơ thấy vua Trần Duệ Tông về trách móc. Sau đó nhân vào ngày hội thề thờ thần núi Đồng cổ hàng năm, Thượng hoàng dụ gọi Đồng binh Chương sự Lê Quý Ly vào cung và phán rằng "Khanh là thân thích của hoàng tộc, mọi việc nước nhà đều do khanh nắm cả. Nay thế nước suy yếu, trẫm thì già nua. Sau khi trẫm chết, nếu giúp được quan gia thì giúp, còn nếu như quan gia hèn kém, ngu muội quá thì khanh cứ nhận lấy ngôi vua." Quả là làm trò cười cho thiên hạ, đáng trách làm sao cho Thượng hoàng Nghệ Tông. Cả đời mê muội, tạo quyền bính cho người ngoài, về cuối đời mê cạn, già nua trở nên lẩm cẩm, tưởng sẽ làm được điều gì lớn lao không ngờ lại đi diễn tuồng trẻ con cho ngư̖ đời cười chê. Sau khi nghe Quý Ly khóc lóc, thề với trời đất, Thượng hoàng cũng chỉ biết nín thinh mà dối lòng mình rằng Lê Quý Ly sê thật lòng bởi có trời chứng. Mấy tháng sau Thượng hoàng qua đời sau nhiều cơn mê sảng vật vã trong đau đớn, thấy con trai, cháu nội và nhiều trung thần mặc áo màu máu về đón đi nên khiếp sợ, chết mà khổng nhắm mắt được. Điều này làm cho ai nghe thấy cũng hoảng kinh. Đáng tìếc cho một con người sống hào nhã, có uy kính, nhưng lại làm cho xã tắc nhà Trần sụp đổ dưới tay mình. Phải chăng đây là điềm báo trước?
Năm Đinh Sửu 1397, Lê Quý Ly quyết định dời đô về động An Tôn, phủ Thanh Hóa mặc cho bá quan văn võ can ngăn, nhưng ông ta lấy quyền và thế quyết định tất, gạt bỏ bất kỳ lời cản nào, thậm chí là trả thù nếu như ai làm trái ý. Vào năm Mậu Thìn 1398, sau khi Thượng hoàng Nghệ Tông mất được mấy năm, Tuyên trung vệ Quốc đại vương Lê Quý Ly ép con rể mình là vua Trần Thuận Tông phải nhường ngôi cho con trưởng là Thái tử Thuận An, lúc đó vừa mới 3 tuổi. Sau đó, Quý Ly ép vua về nghi ngơi ở cung Đại Lai, được gọi là cung Bảo Thanh, cớ để Thượng hoàng đi tu tiên cho tròn quả phúc. Nuốt trái đắng trong lòng, lúc này thì từ Thượng hoàng Thuận Tông cho đến tất cả mọi người ai cũng rõ tim đem cướp ngôi của Lê Quý Ly, thế nhưng lúc này thế lực của Quý Ly đã át cả ánh mặt trời, không ai còn có thể làm gì được ông ta nữa. Lê Quý Ly đã tự xưng là Khâm đức Hưng liệt Đại vương. Khi Thái tử Thuận An vừa mới lên ngôi vua ít lâu với niên hiệu là Thiếu Đế, cũng là lúc Thượng hoàng Thuận Tông bị giết chết. Ta nghiệm thấy trong cuộc đời quyền binh của mình, Lê Quý Ly không buộc được đối thủ của mình phải chết thì ông ta không yên tâm. Bất kể đối thủ ấy là ai, người thân hay kẻ lạ, đối với ông ta tất cả đều phải chết. Với vua Trần Thuận Tông vốn là con rể của ông ta, sau 10 năm ở ngôi vua, cuối cùng trước sức ép của Lê Quý Ly đã phải nhục nhã thoái vị nhường ngôi, chấp nhận một cuộc sống ảm đạm, âm thầm cho qua ngày tháng trong giam lỏng. Thế nhưng đối với Quý Ly, nếu vua không chết thì ông ta thực hiện được dã tâm cướp ngôi? Thế là sau đó ông ta đã buộc nhà vua phải nhịn đói, ngài không chết, cho uống thuốc độc, ngài vẫn không chết, cuối cùng ông ta cho người dùng dây
siết cổ, để nhà vua chết trong đau đớn tức tưởi. Cái chết của ông vua trẻ mới vừa tròn 25 tuổi để lại cho người đời biết bao nhiêu xót thương và căm phẫn. Rất tiếc ta không được chứng kiến Lê Quý Ly trong những giây phút cuối đời chết bên xứ người như thế nào, ta sẽ thử hỏi ông ta đang nghĩ gì và khi xuống suối vàng có sợ gặp lại những cừu nhân cũ của mình hay không.
Tiếp theo đó Quý Ly đã thông qua triều đình giết một loạt trung thần phản kháng gồm Thái bảo Trần Nguyên Hàng, Thượng tướng Trần Khát Chân, Hành khiển Lươg Nguyên Bưu... cùng gia đình họ, có đến hơn 400 người bị giết. Tiếng than khóc của người, của quỷ thần dường như vảng vất khắp trời đất. Đấy là vào năm Kỷ Mão 1399.
Mùi máu tanh vấy khắp kinh thành, người người, nhà nhà kinh sợ. Mặt trời mấy ngày liền cứ đỏ ối như máu. Lòng dân, vâng lòng dân nước Nam đã kinh sợ và xa lánh họ Hồ từ đấy mà kết quả báo đáp chính là việc không ai theo ủng hộ cha con ông ta trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh sau này.
Tháng ba năm Canh Thìn 1400, Lê Quý Ly chính thức lấy lại họ Hồ của mình là Hồ Quý Ly. Lúc này thì ông ta chẳng còn sợ gì ai để mà giấu diếm nguồn gốc tộc họ Hồ của mình nữa. Dòng họ này bắt nguồn từ Hồ Hưng Dật, gốc người tỉnh Chiết Giang, sang nước ta vào đời Ngũ đại Thập quốc. Con cháu nhà Hồ sinh sống ở vùng Diễn Châu, sang đến đời thứ 12, một nhánh họ Hồ chuyển đến sinh sống ở vùng Đại Lại và nhận quan Tuyên úy Lê Huấn làm cha nuôi nên đổi thành họ Lê. Nên nếu tính từ họ Lê thì Thái úy Lê Huấn là cụ tổ bốn đời của Lê Quý Ly tức Hồ Quý Ly sau này. Đôi lúc sau này ta cứ tự hỏi tại sao từ Hồ chuyển qua thành Lê để rồi từ Lê để trở thành Hồ? Phải chăng nhánh họ này cố ý đổi họ là để tránh sự nghi kỵ của các triều vua trước, để len lỏi leo lên cao và khi đạt được mục đích thì lấy lại họ xưa? Nếu quả thực là vậy thì đáng sợ thay.
Sau đó Hồ Quý Ly đã gạt cháu ngoại của mình là vua trẻ Thiếu Đế, để lên ngôi vua, khoác áo long bào, đội mũ xung thiên, ngự ở cung Nhân Thọ.
Tên mới của nước ta lúc này là Đại Ngu, niên hiệu mới là Thánh Nguyên. Ông ta cử Hồ Hán Thương là Thái phó, cho con trưởng Hồ Nguyên Trừng làm Đại tư đồ.
Một triều đại mới đã ra đời, một dòng họ mới đã xuất hiện như vậy. Triều đại này với dòng họ Hồ lên ngôi vua không trong sự minh bạch và nhuốm quá nhiều máu người. Tuy là sự lặp lại của dòng họ Trần trước kia, nhưng cách làm của nhà Hồ tàn bạo và công khai hơn nên lòng dân than oán không phục, chưa kể Hồ Quý Ly không có những bầy tôi quần thần giỏi như nhà Trần, những Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo, không có những vị vua anh minh như Trần Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông. Thế đấy, để đạt đến đỉnh cao của quyền lực, ngồi trên ngai vàng trị vì trăm họ, thì vì đất nước, luôn là nhân danh của kẻ chiến thắng khi biện hộ. Nhưng khát vọng quyền lực quá lớn nên bất kể kẻ nào khi muốn vươn tới trước hết hai bàn tay phải biết nhúng vào máu của con người. Phải biết lạnh lùng chém giết, phải biết đến những âm mưu và thủ đoạn. Không tình thân ruột thịt, không quan hệ vua tôi thân thiết. Cuộc đời tàn nhẫn. Sau này khi chính mình là nạn nhân ta mới nghiệm ra điều đó.