CHƯƠNG 9

    
uộc kháng chiến chống giặc Minh kéo dài trong 10 năm. Đây là một cuộc kháng chiến thần thánh, đáng tự hào nhất trong sử sách mà ta tin rằng hàng trăm năm sau con cháu chúng ta sẽ còn học hỏi và ca ngợi. Sau này khi chiến thắng, tất cả những gì cần nói ta đã viết trong bản Cáo Bình Ngô đầy hùng tráng rồi. Nay ta không nhắc lại nữa.
Ta chỉ điểm lại một vài sự kiện đáng nhớ nhất trong cuộc kháng Minh, và bởi những sự kiện ấy đều có tầm quan trọng liên quan đến sau này.
Xứ Mường Mọt sau này nhà Lê ta lập thành châu Lang Chánh thuộc vùng núi Chí Linh. Đây là một vùng đất hiểm trở nằm ở thượng lưu sông Chu và vùng đất này luôn luôn là cứ địa an toàn che chở cho nghĩa quân mấy lần.
Trong lần thứ nhất bị giặc Minh bao vây, nghĩa quân ở trong tình thế hiểm nghèo có nguy cơ bị tiêu diệt, lương thực đang cạn dần, người và ngựa đều kiệt sức vì những trận chiến với giặc. Khi họp bộ quân cơ, Bình Định Đại vương đã ứa nước mắt nói thật với mọi người: "Lương đã hết, người, ngựa đều nguy khốn. Sức quân cũng đã tàn kiệt mà giặc Minh thì vẫn bao vây chặt chẽ, một cánh chim cũng bay không lọt. Mục đích của giặc Minh nhắm vào ta, nay ta hỏi tất cả các tướng. Hoặc là liều chết một trận để sử sách ghi tên ngàn năm, hoặc là Lê Lợi này ra cho giặc bắt để cứu mọi người được sống, hoặc là ai đó tình nguyện làm Kỷ Tín như khi xưa đổi áo long bào với ta." Sau câu nói nghẹn ngào của Đại vương, tất cả tướng sĩ lặng đi một lát rồi ào lên tranh nhau nói. Mọi người thống nhất là cần phải giữ sức, giữ quân để cho cuộc kháng Minh lâu dài và điều quan trọng hơn là Bình Định Đại vương phải sống bởi Đại vương là linh hồn của cuộc chiến này, nếu không có Đại vương thì cuộc kháng Minh không còn ý nghĩa nữa. Vậy ai sẽ là người thay thế Đại vương như Kỷ Tín? Không ai sợ chết và ai cũng tình nguyện sẵn sàng đổi áo long bào, nhưng cũng cần phải tìm được một người có vóc dáng giống như Đại vương. Cái chết của người này nhất định sẽ còn được sự xác nhận bởi một số kẻ đang bán nước cho giặc Minh, và bọn chúng cũng biết mặt Đại vương. Trong khi mọi người dang thảo luận và tranh giành nhau việc ai được vinh dự thay thế Đại vương, thốt nhiên có tiếng quát "Tại sao trước mặt Đại vương, các ngươi không chào." Mọi người quay lại giật mình khi thấy Bình Định Đại vương khoác hoàng bào đứng sừng sững ở cửa. Vài người đã định nhổm dậy chắp tay, nhưng rồi ai nấy đều ngẩn người vì Đại vương còn đang ngồi trong chiếu ở trước mặt kia mà. Thì ra đấy là võ tướng Lê Lai. Lúc này mọi người bừng cảm động, hiểu ý của Lê Lai. Bình Định Đại vương đứng dậy và Lê Lai quỳ sụp xuốắp tay: "Đại vương, xin tha lỗi cho Lê Lai này về tội vô lễ." Đại vương nắm tay Lê Lai rưng rưng lệ "Lê Lai, khanh..." Không ai nói được điều gì vì quá cảm động, rồi lần lượt từng người đến ôm chặt Lê Lai, có người khóc nức nở.
Bình Định Đại vương tiễn Lê Lai xuống núi, trước khi chia tay, Đại vương rút kiếm chỉ thẳng lên trời, thề:
"Lê Lai có công đổi áo hoàng bào dụ giặc, sau này trẫm cùng con cháu của trẫm và tất cả các tướng lĩnh công thần cũng như con cháu của họ, nếu ai không nhớ đến công lao này, thì xin cung diện hóa thành rừng núi, ấn báu hóa thành đồng gỉ, gươm thần hóa thành đao thường."
Ngồi trên lưng voi, cùng một số quân cảm tử, Lê Lai đã hùng dũng tiến vào tử địa quyết chiến một trận sống mái với giặc Minh. Nghe tin chúa Lam Sơn đích thân lâm chiến, quân Minh ùa đến bao vây. Một trận chiến không cân sức, cuối cùng Lê Lai sa vào tay giặc khi đã bị thương khá nặng. Chúng đưa Lê Lai về thành Đông Quan để xét xử. Sau khi phủ dụ "chúa Lam Sơn" quy hàng không được, giặc Minh đã giết Lê Lai rất dã man..
Lê Lai là con trai của Lê Kiều, người thôn Dựng Tú, sách Đức Giang, huyện Lương Giang, Thanh Hóa. Ông là người có mặt và tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ngay từ những ngày đầu. Gần như cả gia đình Lê Lai đều tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, khi Bình Đình Đại vương lên ngôi xưng vương thì Lê Lai được phong tước Quan nội hầu, là tước vị cao nhất mà Đại vương phong cho các tướng dưới quyền lúc ấy, và ông cũng được ban chức Tổng quản trong Phủ Đô Tổng quản. Nhiệm vụ chính của Lê Lai là lo về quân lương, xây dựng doanh trại và bảo vệ Đại vương, nên rất được tin cậy. Tấm gương hy sinh dũng cảm phi thường của Lê Lai làm cho tất cả nghĩa quân Lam Sơn cảm phục và kính trọng, thôi thúc mọi người xông lên để trả món thù nhà, nợ nước. Riêng với Đại vương, ta biết, ngài coi như đó một món nà tất cả con cháu họ Lê đều phải ghi nhớ, đền trả. Năm 1428, ngay vừa lên ngôi vua nước Nam, ngài đã lập tức truy tặng cho Lê Lai làm Đệ nhất Khai quốc Công thần, ban hàm Thiếu úy. Ngài còn sai ta viết hai đạo thệ từ - Tiên ước thệ từ, Lai công thệ từ để vào tủ vàng cho con cháu mãi mãi ghi nhớ công ơn Lê Lai.
Nhưng có một điều làm tất cả chúng ta áy náy, đó là sau này khi đã chiến thắng giặc Minh, Bình Định Đại vương có cho người đi tìm nơi chôn Lê Lai mà không thấy, giặc Minh đã bí mật đem xác Lê Lai giấu ở đâu đó. Sau này Đại vương luôn thấy mình không tròn trách
nhiệm với con cháu của Lê Lai cũng vì vậy. Sinh thời Đại vương vẫn thường nói, mạng sống của mình có một phần của Lê Lai cho và vì thế ngài đã xuống chiếu cho con cháu họ Lê luôn luôn phải ghi nhớ công ơn đấy, hậu đãi con cháu Lê Lai một cách xứng đáng.
Chúng ta lại rút lên núi Chí Linh lần thứ hai vào giữa tháng năm Mậu Tuất 1418, sau hàng loạt cuộc chạm trán với quân Minh. Lần này quân Minh đã tàn sát một số lớn thường dân ở Lam Sơn, trong đó có rất nhiều người là bà con họ hàng của Đại vương, đặc biệt Đại vương phải chịu nỗi đau khôn cùng đó là mồ mả tổ tiên bị giặc Minh cho quật lên, vợ, con gái, cháu bị giặc bắt, dày vò rồi giết chết... Chỉ một thời gian ngắn mà ta nhận thấy mái tóc của Đại vương bạc đi rất nhanh. Đêm đêm Đại vương không ngủ được, hay uống rượu một mình và đi bộ ngắm sao trời, đọc sách rất khuya. Lo ngại cho sức khỏe của Đại vương, ta thường theo sát trò chuyên hầu làm cho Đại vương khuây khỏa. Chúng ta đã chịu đựng gian khổ trong 3 tháng trời, phải ăn cả măng tre, nứa, các thứ cây củ để sống qua ngày. Gian khổ nối tiếp gian khổ, thế nhưng khí thế đánh giặc vẫn hừng hực trong trái tim, ánh mắt của muôn người. Ta đã có làm một bài thơ Phú núi Chí Linh như sau:
Sáng nghiệp thành công bao khó nhọcNúi sông miền Tây thật là thiêng!
Ôi, vua ta tài thánh võ
Gánh việc bốn phương kinh doanh.
Lao tâm khổ tứ, vận nước gian nan
Đã do trời mà biết thời
Lại cố chí để công thành.
...
Vợ con lưu lạc, quân sĩ tan tác
Tuy khốn đốn mà lại hay, vì có điều sắp vẻ vang.
May giáp trụ để che thân, lấy củ rau để lầm lương
Chí hăm hở lo toan, lòng căm tức chẳng hề quên.
Tưởng núi này lúc bấy giờ, chừ, khác nào mang Đuờng của vua Hán.
Bởi biết người biết mình, hay yếu hay mạnh.
Giấu sắc giấu tài,
Ăn thuờng nếm mật,
Ngủ thuờng nằm gai.
Lo rửa nhục cũ, khói phục đất xưa.
Tưởng núi rừng này lúc bấy giờ, chừ, há chẳng giống núi Cối Kê dựng Việt Vương hay sao?
Sau 3 chúng ta đã khôi phục được thế và lực để tràn xuống vùng xuôi đánh quân Minh, và từ đó nghĩa quân chúng ta không còn dịp quay lại núi Chí Linh nữa.
Thế nhưng núi Chí Linh hùng vĩ vẫn gắn bó với ta bằng những linh cảm khôn nguôi về một điều gì đó bí ẩn. Một sự gắn gởi nào chăng? Ta thường tự hỏi mình.
Sự thực là vậy, mấy mươi năm sau, khi toàn gia họ Nguyễn ta bị tru di tam tộc vì tội "giết vua", đêm cuối cùng khi ta cùng phu nhân và con trai về kinh chịu chết, con cháu họ Nguyễn trước lúc chạy trốn đã vây quanh ta xin một lời khuyên. Chính trong đêm đó lòng ta chợt lóe lên hai chữ "Chí Linh". Và ta dã nói "Các con, cháu hãy mai danh ẩn tích, thay tên đổi họ và lên vùng Mường Mọt, núi Chí Linh mà ẩn tránh. Nơi này là đất thiêng mà khi xưa đã nhiều lần che chở cho Thái Tổ ta dấy quân khởi nghĩa. Nay gặp hoạn nạn nghìn trùng, các con cháu hãy lên nơi ấy. Khí thiêng sông núi sẽ che chở, một mai oan khuất này nếu có được minh oan thì hãy về, nếu không cứ lấy Chí Linh làm nơi lập nghiệp cho con cháu họ Nguyễn chúng ta nghìn đời về sau."
Chí Linh ơi Chí Linh, như vậy núi đã ba lần chở che cho Nguyễn Trãi này. Phải chăng đấy cũng là mệnh trời.