CHƯƠNG 19

    
A CÔ BỐN NGƯỜI VỢ, MỘT CHÍNH THẤT VÀ BA NGƯỜI THIẾP. Người vợ chính thất của ta tên là Trần Thị Thành, do cha cưới cho khi ta mới tròn tuổi đôi mươi. Nàng thua ta một tuổi, nết na hiền dịu. Nàng sinh cho ta được ba người con trai. Tuy mang tiếng vợ một tiến sĩ, có lúc làm quan lớn trong triều, nhưng hầu như nàng chẳng được hưởng sung sướng là bao nhiêu. Có lẽ kiếp trước nàng mắc nợ ta thì phải. Lấy chồng để nhờ chồng, nhưng cuối cùng nàng chỉ tất bật với những lo toan cho chồng nhiều hơn là được hưởng thụ. Sức khỏe yếu, lấy ta nhưng nàng chỉ quanh quẩn ở nhà nuôi con, chăm lo việc nhà, giữ gìn nơi thờ tự của tổ tiên họ Nguyễn. Nàng giữ yên rường mối ở nhà cho ta yên tâm bôn ba chí khí làm trai. Gia tộc họ Nguyên của ta hầu như ai cũng mến yêu nàng, riêng ta vừa mến yêu, không những vậy mà còn trân trọng và biết ơn nàng nữa là khác. Lời cuối cùng nói trước khi lâm chung của nàng làm ta đau lòng xé ruột "Tướng công, điều duy nhất làm cho thiếp thấy hạnh phúc dó chính là chúng ta có hơn 40 năm chung sống. Chúng ta nuôi con khôn lớn thành người, nay chàng ra đi và thiếp được đi theo hầu hạ chàng ở thế giới bên kia. Há không phải là điều hạnh phúc ư?".
Người vợ thứ hai là Phùng Thị. Nàng đến với ta do một sự tình cờ khi ta còn đang bị giam lỏng ở thành Đông Quan. Thấy ta vò võ một mình, bạn bè liền đưa nàng đến ra mắt. Nàng có với ta hai người con. Sau này khi ta thoát được về Côn Sơn, liền đưa nàng về ra mắt gia đình và nàng giữ yên phận thứ thiếp sống chan hòa hạnh phúc.
Người vợ thứ ba tên là Phạm Thị Mận do chính huynh Phạm Văn Xảo đưa đến cho ta. Nguyên Phạm huynh có một người em gái, sinh ra trong một dòng dõi trâm anh nên nàng rất kén chọn. Tuy nhiên đất nước vào thời tao loạn, anh hùng tứ tán muôn phương. Kẻ có học và chịại can tâm làm tay sai cho Minh triều thì nàng không chịu, còn người nàng mong thì dường như ở chốn xa. Cứ vậy nàng sống một mình quanh quẩn trong nhà để mặc cho tuổi xuân trôi qua. Sốt ruột, một lần Phạm huynh ướm hỏi nàng về một vài người bạn quen, trong đó có ta. Không ngờ chỉ hỏi có mấy câu, Phạm huynh đã thấy em mình đỏ mặt, e lệ cúi đầu. Té ra từ lâu, tuy ở chôn kinh thành nhưng nàng cũng từng đã nghe danh tiếng của ta và thầm nguyện nếu có lấy được bậc quân tử, thì ta là người xứng đáng nhất. Nghe em gái mình bày tỏ, Phạm huynh rất mừng, dù có điều băn khoăn. Bởi ta đã có vợ chính thất và còn mấy thứ thiếp nữa, nên nếu có lấy ta, thì nàng cũng chỉ có thể giữ phận thê thiếp mà thôi, liệu có xứng với nàng hay không. Nàng đã không quản để sống với ta và nàng thấy mãn nguyện trong lòng. Đấy chính là những điều sau này Phạm huynh bày tỏ cho ta biết. Thế nhưng cũng chính vì vậy mà ta lại cảm thấy ngại ngùng. Bởi lúc này ta tuy mang tiếng là quan lớn, nhưng gia đình sống ở chốn thôn quê, đời sống dân dã, cưới nàng, một tiểu thư khuê các, liệu nàng về đây sống có quen không? Sau một thời gian dài nhùng nhằng, nàng thì đồng ý và Phạm huynh hết lời đốc thúc vào, trong khi ta kiếm cớ lãng ra. Cuối cùng chính phu nhân của ta đã đứng ra lo liệu việc cưới người thiếp thứ ba này cho ta. Rất may, khi về đời sống nông dã, nàng được mọi người mến thương chỉ bảo, nên chẳng mấy chốc đã hòa nhập. Và nhiều lúc bên nhau, đến nay chính ta cũng chẳng thể nhận ra đây lại là vị tiểu thư quyền quý của chốn kinh thành năm nào nữa. Nàng đã từng nói với ta "chàng hãy tin rằng, vì tình yêu, điều gì thiếp cũng có thể chịu được. Huống chi sống ở nơi này, mọi người đều thương yêu quý mến. Làm sao thiếp không hạnh phúc được chứ." Ta nghe mà thấy sung sướng vô cùng.
Nguyễn Thị Lộ, người thiếp cuối cùng của ta.
Nay ta nói về nàng với cả một tấm lòng bao dung và vị tha. Thú thực tuy mang tiếng là vợ chồng, nhưng đôi lúc ta lại có cảm giác trong chuyện tình cảm giữa ta và nàng còn có chút gì như là tình phụ tử. Ta và nàng duyên cá nước gặp nhau giữa thời binh lo. Mối lương duyên này do Bình Định Đại vương đứng ra làm chủ, đấy là điều hạnh phúc. Tuy nhiên khi lấy nhau thì ta tuổi cũng đã hơn 40, nhiều năm hao tâm tổn trí vì những suy nghĩ, tính toán đánh giặc, vì những thăng trầm của cuộc sống. Cũng vì thế, ta nhìn bề ngoài rất là khắc khổ và già. Nàng đã đem đến cho ta làn gió mát mùa xuân, làm cho tâm hồn ta thấy tươi trẻ và minh mẫn hơn. Nàng như dòng nước mát tưới vào thể xác khô khan già cỗi của ta để cho nẩy chồi xanh cuộc sống. Những lúc quấn quýt bên nhau, nhìn khuôn mặt tươi trẻ, ánh mắt sáng long lanh của nàng và tự nhìn lại mình, đôi lúc ta thây hối hận. Hối hận vì mình đã quá già, chỉ sợ sau này lại làm khổ thêm cho nàng mà thôi. Ta thấy thương, thấy tiếc cho nàng và cũng có thể vì vậy mà ta đã quá chiều chuộng nàng chăng? Từ ngày có Thị Lộ, ta nghe không thiếu gì những lời phàn nàn trong gia tộc, lẫn trong vợ và các con của ta về người thiếp này của mình. Không thiếu gì nụ cười châm chọc của những bạn bè trong việc ta quá cưng chiều người thiếp yêu của mình. Tất cả đều không hiểu rằng, trong trái tim ta dành cho nàng một tình thương khác, cao cả hơn rất nhiều là tình yêu vợ chồng bình thường. Không lẽ cái họa lại bắt đầu từ đây hay sao?

*

Lần thứ ba ta quay về triều để làm quan theo lệnh Vua, Thị Lộ có lời ướm muốn xin đi theo. Ta cũng ưng ý, vì thấy trong bốn người vợ của mình, chỉ có nàng là thông minh, lanh lẹ, sắc sảo, hiểu ý và có thể trò chuyên với ta được. Tuy nhiên ta hẹn với nàng để ta thu xếp nơi tư dinh của mình xong thì sẽ cho người rước nàng vào kinh. Thú thật là ta không muốn ở lại trong kinh thành, nơi này đã lưu lại với ta nhiều chuyện buồn. Ta vẫn muốn ở Côn Sơn và đi đi về về là tốt nhất. Tuy nhiên nhà vua không đồng ý, dù sao từ Côn Sơn về kinh thành cũng khá xa, không tiện cho Hoàng thượng mỗi khi có việc cần đến ta, chính vì vậy mà ngài buộc ta phải chọn một dinh phủ cũ của quan đề đốc, cho sửa lại đểấy nơi này ở, tiện việc ra vào trong triều gặp vua.
Sau đó ta đã cho người đưa Thị Lộ lên, gặp nhau, nàng tỏ vẻ rất vui sướng và mãn nguyện. Từ ngày có nàng, khu tư dinh của ta như có thêm ánh nắng mặt trời và suốt ngày vang lên tiếng cười vui của nàng nghe thật rộn ràng. Trong lúc ta bận công việc, thì nàng tranh thủ thăm thú nơi này nơi khác và chẳng mấy chốc nàng đã làm quen với được với nhiều vị phu nhân, vợ của các quan khác trong triều. Dần dần tiếng tăm nàng tự nhiên nổi khắp nơi, và bạn bè đồng liêu, ai gặp ta cũng tấm tắc khen ta có người thiếp xinh đẹp, lại văn hay chữ tốt. Thế nhưng những lời này lại chẳng làm cho ta thấy vui lòng mà chỉ thêm ngại ngùng.
Cuối cùng ta quyết định hỏi chuyện nàng. Khi nghe ta thắc mắc, nàng cười rất tươi và vòng tay qua cổ ôm ta, nũng nịu:
- Tướng công chàng ghen ư?
Nghe nàng nói, ta bật cười vuốt râu.
- Thị Lộ, nàng đừng nói vậy. Ta với nàng đã là vợ chồng nhiều năm, hiểu nhau, chính vì vậy ta cần gì nữa để mà ghen tuông chứ?
- Thế tại sao tướng công lại có vẻ như không muốn thiếp giao du với các vị phu nhân khác.
- Nàng không biết đâu... - Ta thở dài - Kinh thành không phải là nơi chốn để vui chơi bình thường. Đây là hang hùm, sơ sẩy một chút là có thể chết ngay. Nàng đừng ngây thơ quá.
- Không... không - Thị Lộc lắc đầu quầy quậy - Thiếp không tin. Có lẽ chàng cẩn thận quá mà thôi. Thiếp nghĩ rằng việc mình giao du rộng rãi biết đâu lại giúp ích được cho chàng trong việc làm quan
Ta quả sững người vì bị bất ngờ khi nghe người thiếp của mình nói vậy. Ta nhìn nàng nói chầm chậm.
- Xưa nay... đàn bà nếu có dính vào chốn quan trường hầu như chẳng có gì tốt đẹp đâu.
- Tướng công mắng thiếp đó ư?
Thị Lộc ôm mặt bật khóc, ta lúng túng bước lại vỗ về nàng
- Nàng đừng nghĩ như vậy. Đời ta đã trải qua biết bao nhiêu thăng trầm trong chốn quan trường rồi nên hiểu rất rõ nó. Nàng còn quá ngây thơ, nên không biết hết. Ta chỉ muốn răn nàng trước, kẻo sau này hối không kịp.
Thị Lộ gạt phắt tay ta ra và đứng dậy bỏ chạy vào phòng của mình. Ta đứng nhìn theo lắc đầu thở dài, đã sắp 40 tuổi rồi, nhưng tính nàng vẫn như đứa trẻ con, động một tí là giận dỗi. Ta hy vọng sáng mai nàng sẽ nghĩ kỹ và hiểu ta.
Đêm đó không hiểu sao ta thấy nao nao trong lòng không ngủ được, tự nhiên ta thấy lo. Gần sáng ta mới thiếp đi sau khi đi đến một quyết định là vài ngày nữa sẽ tìm cách đưa Thị Lộ về Côn Sơn. Ta không muốn nàng dính dáng gì đến kinh thành nữa. Nơi này không hợp với nàng. Ta rất thấm thía lời dạy của thầy Trang Tử "Kỳ thỉ tác giã, kỳ tương tất giả cự." Trong đời người làm gì cũng phải tránh khinh suất. Bởi nếu khinh suất, thời khi công việc xong, chưa biết được phúc hay họa và nếu họa thì sẽ là họa lớn. Đời ta đã từng trải qua nhiều truân chuyên nên rất thấm thìa điều này, và càng lớn tuổi ta càng tự răn mình để tránh nó. Bài học cổ nhân dạy còn rất nhiều.
Và ta đâu ngờ, nằm phía bên kia nàng cũng đang thao thức, không ngủ được.
Hôm sau, sau buổi ngự triều, Hoàng thượng triệu ta ở lại để cùng ngài xem mấy tấu sớ của các đạo gửi về có vấn đề khúc mắc. Sau khi giải quyết xong, nhà vua che miệng ngáp dài và ngả người dựa vào ghế trong tư thế rất thoải mái. Hai cung nữ đang rón rén bóp lưng cho ngài, bất chợt Hoàng thượng nhìn ta hỏi như vô tình.
- Nguyễn khanh, trẫm nghe nói khanh có một người thiếp văn hay chữ tốt và rất thông minh nữa phải không?
Ta giật mình khi nghe nhà vua hỏi.
- Thưa Bệ hạ, quả là thần có đến mấy người thiếp, nhưng đều là người nhà quê, hủ lậu.
- Khanh đừng giấu trẫm nữa - Nhà vua ngồi thẳng dậy, vỗ tay lên long sàng, và nhìn ta cười như chế giễu - Trẫm có nghe Tiệp dư Ngọc Dao nói lại. Tiệp dư có cho biết, người thiếp Thị Lộ của khanh với Tiệp dư vốn là người cùng làng, cả hai kết bạn với nhau từ hồi còn nhỏ. Tiệp dư Ngọc Dao ca ngợi người thiếp này rất đẹp, và bao nhiêu năm nay được khanh kèm cặp học hành nên cũng rất giỏi chữ nghĩa. Ngoài ra trẫm cũng nghe một vài quan có lời khen ngợi, vì vậy trẫm rất tò mò, mai khanh đưa nàng vào đây cho trẫm xem mặt nhé.
Ta chết điếng người, nhưng vì lệnh Vua làm sao dám trái. Cả ngày hôm đó ta ở nhà và thỉnh thoảng lại lén quan sát Thị Lộ. Ta băn khoăn không hiểu việc nhà vua đột ngột cho triệu nàng vào cung là ý Vua qua lời của Tiệp dư Ngọc Dao, hay là do nàng tác động đến Tiệp dư để Vua triệu nàng vào cung. Ta vẫn biết thân phụ nàng và Thái bảo Ngô Từ, thân phụ của Tiệp dư Ngọc Dao, ở Lâm Hạ vốn có mối quan hệ với nhau từ lâu. Bản thân nàng khi còn là con gái cũng chơi rất thân với Ngô Thị Ngọc Dao tức là Tiệp dư hiện nay. Tình thân của họ xem như chị em trong nhà. u này nàng theo ta về Côn Sơn, còn Ngọc Dao được vua tuyển vào cung, họ vẫn là bạn bè qua lại. Chính Tiệp dư còn giới thiệu cho nàng người em con ông chú mình để nàng nhận làm con nuôi cho khuây khỏa việc không có con. Tuy nhiên ta vẫn nghĩ mối quan hệ chỉ đến đấy, chứ không thể nghĩ rằng chuyện này lại đến tai Vua, và không hiểu ngày mai Vua triệu nàng vào cung là có ý gì.
Cuộc tiếp kiến khá lâu, ta không được phép dự, chỉ biết nàng với Vua trò chuyên và có Tiệp dư Ngọc Dao cùng bồi tiếp. Tận chiều ngày hôm ấy nàng mới từ cung về, nét mặt ửng hồng vui vẻ, miệng líu lo ca hát. Ta tảng lờ đi như không nghe, không thấy và cương quyết không hỏi nàng là nhà vua đã nói những gì với nàng cả ngày hôm ấy.
Sáng hôm sau ta vào chầu, thật bất ngờ khi nghe Nội quan đọc chiếu chỉ của Hoàng thượng, các quan và ta ngơ ngác nhìn nhau. Chiếu Vua ban ra rằng bổ Nguyễn Thị Lộ, thiếp của quan Hành khiển Nguyễn Trãi làm Lễ nghi Học sĩ, được phép lưu lại trong cung Vua để giảng chữ và dạy lễ nghĩa cho các hoàng tử và công chúa trong cung.
Lễ nghi Học sĩ, đây là một chức quan lạ mà ta và các quan chưa từng nghe nói tới bao giờ. Từ các triều đại trước cho đến nay, chúng ta chưa từng biết đến chức này, kể cả phía Minh triều cũng vậy. Ta thầm tự hỏi không hiểu ai đã nghĩ ra việc ban chức lạ lùng này cho nàng. Một vài vị quan đại thần che miệng, nhìn ta cười chúm chím. Ta hiểu rằng bọn họ cho là chuyện này chắc do ta cố tình nghĩ ra, hoặc tệ hơn là đưa thiếp của mình vào cung để lợi dụng Vua.
Vừa thẹn vừa giận, ta lên kiệu về đến nhà cũng là lúc thấy nàng đang đứng chờ ta trước cửa, nét mặt hớn hở. Rõ ràng chuyện phong chức cho nàng, nàng đã biết trước. Cố nén giận, ta đi vào trong nhà và hỏi chuyện cặn kẽ. Nàng đã thưa lại chuyện Vua triệu vào hỏi thăm, nói chuyện, sau đó cho được phép dự yến cùng Vua, có Tiệp dư cùng dự. Đến chiều trước khi nàng về, nhà vua tỏ vẻ rất hài lòng, ngài cho biết sẽ ban c nàng một chức để giúp Vua trong việc dạy dỗ các Hoàng tử, công chúa. Nghe ra quá đơn giản, ta hỏi lại lần nữa, nàng nhất nhất thuật lại như cũ. Nhìn vẻ mặt nghi ngờ của ta, đến lần thứ ba, đột nhiên Thị Lộ ứa nước mắt, tức tưởi "Tướng công, chàng vẫn thường dạy thiếp. Học chữ thánh hiền, biết chữ thánh hiền là để giúp đời. Nay thiếp được Vua trọng dụng thì chàng phải thấy vui mừng chứ sao lại tỏ ra nghi ngờ thiếp như vậy?".
Ta nhún vai và đã lỡ lời nói: "Nàng chắc đã từng đọc sách Cảnh Hàn biết có câu "Tiếng hay, sắc tốt ấy là hư đức, lo nghĩ ấy, chưng gốc hại mình." Thốt ra rồi ta mới thấy mình quá nặng lời với nàng.
Thị Lộ nét mặt tái mét, nàng run rẩy hỏi ta: "Tướng công, chàng nghĩ thiếp tầm thường đến thế ư. Chàng cho rằng thiếp cậy mình có chút hương sắc, muốn qua việc này dể lợi dụng Vua?".
"Sửa điều dở cho ai, chớ nghiêm khắc quá. Dạy điều hay cho ai, chớ nên cao xa quá." Lời này trong Dịch bỗng vang lên trong đầu ta.
Ta hối hận, lúng túng phân trần: "Thị Lộ, nàng đừng hiểu lầm ý của ta. Tuy nhiên việc nàng bỗng nhiên được Vua ban chức Lễ nghi Học sĩ đã gây ra nhiều hiểu lầm cho bá quan trong triều. Bản thân ta cũng rất khó nghĩ. Đã không thiếu gì lời xì xầm của mọi người rằng chuyện này là do vợ chồng chúng ta có ý muốn lợi dụng Vua. Cho nên...", ta ngập ngừng.
"Có phải chàng muốn thiếp từ chối không nhận chức Vua ban?".
Nghe nàng hỏi, ta lại thấy ngần ngừ không muốn trả lời. Ta tự hỏi lòng mình là liệu ta có quá khắt khe với nàng không. Nàng là một người thông minh, có tấm lòng khát khao học hỏi. Khi xưa ta cũng đã từng luyến tiếc cho nàng, bởi với trí thông minh ấy, nếu là trai, chắc chắn sẽ thành đạt ở chốn quan trường. Bản thân nàng cũng đã từng thổ lộ với ta rằng là muốn đem những điều mình học hỏi để ra giúp đời, không phí công những năm đèn sách. Nay đột nhiên có dịp để cho nàng thi thố, không lẽ chỉ vì những ích kỷ tầm thường của bản thân mình mà ta lại ngăn cấm nàng? Thế nhưng... Ta lắc đầu vì thây khó nghĩ quá.
"Tướng công, chàng yên tâm đi. Ngày mai thiếp sẽ vào cung để tạ ơn Vua và xin từ chối tước Vua ban. Sau đó thiếp sẽ về Côn Sơn."
Đêm đó không chỉ có nàng mà cả ta cũng thao thức trằn trọc không ngủ được. Ta thấy lương tâm mình day dứt không yên, ta không hiểu mình hành động như vậy là đúng hay sai. Tự nhiên ta cảm thấy mình có vẻ bất công với Thị Lộ, nhiều lúc ta chỉ muôn ngồi dậy để nói với nàng rằng chuyện nàng được Vua phong chức cũng là diều tốt, và nàng cứ việc nhận. Nhưng rồi trong ta lại trỗi dậy những ý kiến phản bác khác. Đó là lễ nghi, tiết nghĩa, là cả những lời mỉa mai cay độc của người đời và điều ta sợ nhất đó là mọi người sẽ nghĩ rằng Nguyễn Trãi này dâng thiếp của mình cho Vua để mưu cầu lợi ích cho bản thân. Đây chính là điều làm cho ta cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm. Thế nhưng rồi ta cũng tự vấn lòng là có phải chỉ vì danh tiếng của mình mà ta dã ép buộc oan cho nàng, như vậy có đáng coi là người quân tử hay không?
Sáng hôm sau, trời còn rất sớm, tư dinh của ta đã bị đập cửa. Có chiếu của Vua xuống rằng, nhà vua và Tiệp dư Ngọc Dao về làm lễ ở Tây kinh, truyền Lễ nghi Học sĩ đi theo hầu.
Nhìn vẻ mặt bối rối của nàng, ta thở dài "Thôi nàng cứ đi đi. Mọi chuyên khi về rồi sẽ tính sau."
Cuối cùng thì người thiếp của ta, Nguyễn Thị Lộ cũng đã trở thành Lễ nghi Học sĩ của Vua Lê Thái Tông