ần mười giờ tối chúng tôi đến nhà Huân tước Montagu ở phố Chiswick, bên bờ sông Tamise. Tòa biệt thự rất sang trọng, nằm ở cuối một hoa viên. Gia nhân dẫn hai chúng tôi vào gian sảnh. Bên phải chúng tôi là cánh cửa mở, thấy rõ một bàn ăn dài với những giá nến. Gia nhân đưa hai chúng tôi lên tầng hai theo một thang gác có những bậc rất rộng, vào một gian phòng dài trông xuống sông Tamise. Gian phòng này có vẻ hơi bí hiểm với những ngọn đèn được bọc kín. Chỗ góc phòng, nơi có một cửa sổ mở rộng, bốn người đang ngồi chơi bài xung quanh bàn. Thấy hai chúng tôi vào, một người đứng lên bước ra đón: - Chào ông Poirot! Rất hân hạnh được tiếp ông. Tôi tò mò ngắm chủ nhân tòa biệt thự. Ông ta có vẻ gốc Do Thái với cặp mắt nhỏ, đen và linh lợi. Vóc người ông ta rất thấp, dáng điệu cử chỉ có vẻ kiểu cách, không thật. - Xin giới thiệu với hai vị khách quý các bạn của tôi: ông và bà Widburn. Ông Widburn nói ngay: - Tôi và ông Poirot đã biết nhau rồi. - Còn đây là ông Ross. Ross là một chàng trai tóc vàng, khoảng hai mươi nhăm tuổi, có khuôn mặt đáng mến. Poirot nói: - Xin lỗi đã làm phiền các bà các ông, cắt đứt ván bài của các vị. - Không đâu, chúng tôi còn chưa bắt đầu chơi kia mà. Mời hai vị dùng cà phê nhé? Poirot khước từ, nhưng lại nhận uống một ly rượu mạnh lâu đời. Huân tước Montagu bắt đầu nói: ông nói về những bức tranh thủy mạc của Nhật, đồ mỹ nghệ bằng sơn mài của Trung Hoa, những tấm thảm Ba Tư, tác phẩm hội họa của các họa sĩ ấn tượng Pháp và những thuyết khoa học của Einstein. Rồi ông ngả người ra lừng ghế nệm, nét mặt vui vẻ, tự hài lòng về diễn văn của mình vừa rồi. Poirot nói: - Thưa ngài Montagu, tôi không dám chiếm mất nhiều thời gian của ngài, vậy xin phép đi ngay vào mục đích tôi đến đây. Huân tước Montagu giơ tay: - Đi đâu mà vội? Thời gian còn rất nhiều. Bà Widburn thở dài nói: - Tòa nhà này luôn gợi lên cái cảm giác ấy. Ngồi ở đây thật dễ chịu! Huân tước Montagu nói: - Sống ở London tôi không cần nghĩ đến chuyện kiếm tiền, vì ở đây tôi được hưởng cái không khí thanh bình thuở xưa, thứ mà trong thời đại rối ren này đang biến mất dần. Poirot bắt đầu nói: - Trong không khí như thế này mà nói đến chuyện án mạng tôi thấy vô ý quá. Huân tước Montagu đáp: - Không đâu. Vụ án mạng có thể thành một đề tài nghệ thuật và thám tử là một nghệ sĩ. Tất nhiên không phải các nhân viên cảnh sát. Hôm nay một thanh tra cảnh sát đến đây. Một con người kỳ cục! ông có thể tưởng tượng được không, ông ta chưa hề nghe thấy cái tên Benvenuto Cellini bao giờ! Bà Widburn tò mò hỏi: - Có lẽ ông ta đến để dò hỏi về bà Jane Wilkinson? Poirot nhận xét: - Bà nghệ sĩ ấy hẳn phải rất hài lòng được đến dự tiệc tối hôm qua tại tòa biệt thự này. - Tôi không dám nghĩ như thế. Tôi mời Jane Wilkinson chỉ vì bà ấy đẹp và tài ba, và tôi nghĩ sẽ có ích cho bà ấy. Bà ấy đang muốn làm giám đốc một nhà hát. Tôi muốn tạo điều kiện giúp bà ấy. Bà Widburn nói: - Bà Jane đúng là con người luôn được số phận ưu ái. Đang muốn thoát khỏi ông chồng thì ông ấy chết, thế là không phải lo xoay xở chuyện ly hôn nữa. Bây giờ bà ấy được tự do kết hôn với ông Công tước trẻ Merton. Điều này tôi chỉ được nghe loáng thoáng. Huân tước Montagu nói: - Bà Jane Wilkinson để lại trong tôi một ấn tượng tốt. Bà ấy đưa ra khá nhiều nhận xét thông minh về nghệ thuật Hy Lạp. Tôi cười, thầm hình dung Jane Wilkinsori chỉ biết trả lời tiếng một “Đúng thế” hoặc “Không phải đâu” và “Quả là tuyệt vời!” khi nghe những ý kiến của Huân tước Montagu. Muốn được lòng ông này, chỉ cần chăm chú lắng nghe ông ta nói và ca tụng ông là người có bộ óc thông minh siêu phàm. - Huân tước Edgware là con người quái đản. Ông ấy gây ra bao nhiêu kẻ thù. Bà Widburn hỏi: - Thưa ông Poirot, có phải ông ấy bị kẻ nào đó cứa gáy không? - Hoàn toàn đúng, thưa phu nhân. Cách cứa của hung thủ hết sức chính xác và có tay nghề cao, có thể nói rất khoa học. Bây giờ tôi xin phép được đi vào điều tôi quan tâm. Giữa bữa tiệc, có người đã gọi điện cho phu nhân Edgware. Tôi muốn biết thêm vài chi tiết về cú điện thoại ấy. Huân tước cho phép tôi hỏi các gia nhân, được không ạ? - Tất nhiên là được, ông Ross, làm ơn ấn chuông giúp tôi. Liền sau đấy viên quản gia xuất hiện, đó là một người đàn ông tầm thước, tuổi trung niên, dáng điệu chững chạc. Poirot hỏi: - Khi có tiếng chuông điện thoại, ai là người nhấc máy đầu tiên? - Thưa ngài, tôi. Máy đặt trong một căn phòng nhỏ ở cuối gian sảnh. - Người gọi bảo xin gặp phu nhân Edgware hay bà Jane Wilkinson? - Thưa, bà Jane Wilkinson ạ. - Nguyên văn câu ấy thế nào? Viên quản gia suy nghĩ một chút rồi nói: - Theo tôi nhớ thì tôi nói vào máy “A-lô” rồi người ở đầu dây bên kia hỏi, có đúng đây là số điện Chiswick 43434 không?” Tôi đáp, đúng. Người đó bảo hãy giữ máy. Rồi một người khác nói vào máy, hỏi lại, có đúng đây là số máy Chiswick 43434 không. Khi tôi trả lời đúng, người đó hỏi thêm, bà Jane Wilkinson có ở đấy không? Tôi trả lời phu nhân đang ngồi trong bàn tiệc. Người đầu dây bên kia lại nói: “Vui lòng cho tôi gặp bà ấy”. Tôi bèn vào thưa với ông chủ và ông chủ mời bà ấy ra nói chuyện điện thoại. Bà ấy đứng dậy và tôi đưa bà ấy đến chỗ đặt máy. - Rồi thế nào? - Vị phu nhân cầm máy, nói: “A-lô! Ai đấy?” Sau đó bà ấy nói: “Vâng, tôi đây”. Tôi định đi thì phu nhân gọi tôi lại, bảo bên kia đã gác máy. Bà chỉ cho biết người đầu dây bên kia cười to một tràng rồi cúp máy. Phu nhân hỏi tôi người kia có xưng danh là ai không, tôi trả lời là không. Tất cả chỉ có thế, thưa ông. Poirot chau mày. Bà Widburn hỏi: - Ông có cho rằng cú điện thoại đó liên quan đến vụ án mạng không? - Hiện chưa thể khẳng định được điều gì, thưa bà Widburn. Tôi mới chỉ thấy đó là một sự trùng hợp lạ lùng. - Đôi khi người ta gọi điện chỉ để đùa vui, trêu chọc. Tôi cũng đã có lần bị như thế rồi. - Có thể là như thế, thưa bà. Poirot lại quay sang viên quản gia: - Người gọi là nam hay nữ? - Thưa ngài, tôi nghĩ là nữ. - Giọng ra sao: giọng trầm hay giọng cao? - Trầm, thưa ngài... nói chậm và rành rọt. Tôi có thể lầm, nhưng tôi có cảm giác đấy là giọng một người nước ngoài. Bởi âm “r” được uốn lưỡi. Bà Widburn nói với anh chàng Ross: - Có lẽ giọng dân xứ Scotland! Ross phá lên cười: - Chắc không phải giọng của tôi rồi. Lúc ấy tôi đang ngồi ăn. Poirot lại hỏi người quản gia: - Nếu bây giờ nghe lại, bác có nhận ra được không? Bác này ngập ngừng: - Tôi không dám chắc. Nhưng có lẽ nhận ra được. - Cảm ơn bác. Người quản gia cúi chào rồi đi vào nhà trong. Huân tước Montagu năn nỉ hai chúng tôi ở lại chơi bài. Tôi khước từ vì tôi không ham chơi bài. Anh chàng Ross nhường chỗ cho Poirot. Anh ta và tôi ngồi xem. Cuối buổi, Huân tước Montagu và Poirot thắng và được một số tiền khá lớn. Hai chúng tôi cảm ơn chủ nhân rồi chào và đi ra. Ross cùng về với hai chúng tôi. Thấy thời tiết đêm nay rất dễ chịu, ba chúng tôi quyết định đi dạo một lúc rồi mới gọi taxi để về. Poirot bình luận về cuộc viếng thăm tối nay: - Huân tước Montagu đúng là loại người kỳ cục. Ross nói: - Ông ta rất giầu! Và rất quan tâm đến tôi. Hy vọng thái độ đó còn kéo dài. Dựa vào một người giầu và có thế lực như thế ta có thể tiến lên trong cuộc sống. - Ông là diễn viên, ông Ross? Ross gật đầu. Anh ta có vẻ hơi buồn vì tên tuổi ít người biết đến. May mà anh ta vừa nổi lên trong một vở bi kịch u uất dịch của Nga. Poirot hỏi: - Hẳn ông quen cô Carlotta Adams? - Không. Tôi mới biết tin về cái chết của cô ấy đăng trên báo chiều nay, chết do uống một liều ma túy quá mạnh. Đám nữ diễn viên trẻ ngày nay như thế đấy. - Đúng thế. Quả là đáng buồn, nhất là cô ấy lại có tài. Ông đã xem cô ấy biểu diễn những tiểu phẩm nhỏ rồi chứ? - Chưa. Loại tiết mục ấy không làm tôi quan tâm. Công chúng có thể thích thú trong một thời gian ngắn rồi thôi. Poirot kêu lên: - Taxi kia rồi. Anh giơ cây can, ra hiệu cho tài xế. Ross nói: - Còn tôi đi bộ đến ga xe điện ngầm Haramersmith rồi xuống đó về nhà. Đột nhiên anh ta phá lên cười như kẻ điên. - Tôi nghĩ đến bữa ăn tối hôm trước. - Sao? - Mười ba người ngồi cùng một bàn. Một người bỏ đi lúc nào không biết. Mãi đến cuối bữa, chúng tôi mới nhận ra số người cùng ngồi chung một bàn. - Ai là người bỏ về đầu tiên? - Tôi hỏi. Anh ta cười một kiểu rất lạ: - Tôi!