ùa xuân Ất Mạo năm ấy chẳng đem lại một hứa hẹn nào tốt lành cho vua Tống Thần Tông. Hơn tám năm ngồi trên ngôi báu, chưa lần nào vua Tống đón Xuân với một tâm trạng cô đơn đầy lo âu bối rối như thế. Thế mạnh lất át của nước Liêu ở phía Bắc đã biến tiếng đòi đất của họ thành một lời đe dọa thực sự. Ở Tây thùy, nhà Tống vẫn còn hao quân tổn tướng trên đất Thổ Phồn. Tại phương Nam, sự vụng về của Thẩm Khởi đã kéo quân Giao Chỉ lên áp sát biên giới. Vừa đây ba nghìn quân của Lư Kỷ, viên tướng giữ việc quan sát buên thùy cho nhà Lý đang đánh nhau với Trí Hội ở Quy Hóa, cửa ngõ của Châu Ung; Còn Vương An Thạch, người sủng thần ưu ái của vua đã vắng bóng sân rồng từ dạo tháng Tư năm ngoái. Nếu ở Biện kinh, mặt rồng nước Tống kém vui thì ở Thăng Long, nét mặt người dân kinh thành lại hớn hở hơn bao giờ hết. Họ lũ lượt nô nức rủ nhau đi xem trường thi như ngày hội. Khoa thi nho học tam trường đầu tiên của dân tộc Việt mở vào tháng Hai năm Ất Mão. Đã là lần đầu thì cái gì chẳng mới lạ. dân chúng trầm trồ nhìn những tấm cót dài quạy kín trường thi. Họ chỉ trỏ lên các chòi canh cao chót vót và những chiếc ghế chéo doãi bốn chân đứng ngất ngưởng ngoài cửa trường, nơi ngồi của các vị khảo quan. họ tụ tập trước cổng tiền, tấm tắc khen nét chữ già dặn trên bức hoành biển khoác nhiễu điều gấp thành sóng lượn. Họ tò mò nhìn mặt các anh khóa từ bốn phương náo nức đổ về kinh sư. Ai trong bọn họ sẽ là người " vượt vũ môn " một bước lên ông nghè, ông trạng? Đêm nhập trường của các thí sinh vui như hội hoa đèn. Quanh trường thi thắp sáng những hàng đình liệu. Đèn lồng phất lụa màu, buông tua ngũ sắc, phất phới bốn phía nhà các quan chủ khảo. Lính hoàng thành rầm rập theo vó ngựa quan giám trường giễu từ cửa Ất sang cửa Giáp. Dân kinh thành thức gần trọn đêm để xem cho được cảnh nhập trường của các sĩ tử. Họ trố mắt nhìn từ chiếc chõng tre cỏn con, bộ gọng lều đến đôi chiếu cói, chiếc ống quyển. Họ cười rộ khi thấy quả bầu be đựng nước đang toòng teng trước ngực một thí sinh bỗng sút dây đeo tụt xuống quá gối. Dứt mấy tiếng yết hậu của trống đồng, họ chen lấn nhau, kiễng chân nhón gót, cố nghển cổ nhòm cho rõ chóp mũ gấm cánh chuồn của quan chánh chủ khảo Tể Chấp Lý Đạo Thành, nhấp nhô giữa hai hàng bóng đèn lồng, từ từ tiến vào cửa Giáp. Nhìn cảnh hội hè tưng bừng này, người dân Thăng Long tưởng như đời sống thái bình thịnh trị của kinh thành sẽ kéo dài hàng vạn kỷ. Họ đâu rõ phương lược tay sách tay gươm của Thái Úy Lý Thường Kiệt. họ không biết Lưu Di, viên Kinh lược Quảng Tây đang ngày đêm mài nanh giũa vuốt, dọn đường trước cho cuộc Nam chinh của nhà Tống. Và cũng không một ai ngờ rằng chỉ bảy tháng sau, ở Bắc thùy bùng lên khói lửa đao binh. Trận sát phạt lớn lao này thực sự được nhen nhóm ba tháng sau khoa thi vào một ngày hè nắng lửa. Ngày ấy dân kinh thành nghe được một tin vui: vị thủ khoa Lê Văn Thịnh, ông trạng nguyên đầu tiên của nước ta, được vời vào cung dạy vua Càn Đức. Cũng đúng vào buổi chiều tà hôm ấy, Triệu Tú, cả người như tắm trong bụi cát đường xa, hấp tấp dừng ngựa trước cổng chùa Thiên Vương giữa tiếng ve sầu cất lên râm ran trên cây đại hết mùa hoa còn lác đác một vài khóm muộn đầu cành. Cũng trong trai phòng của sư ông Quách Thiên Vương, Thái Úy ngồi nghe những tin tức mới nhất từ bên kia Triệu Tú mang sang. Mối thù mất nước vì người Tống như lóe lên trong mắt người tráng sĩ đất Mân. - Dạ, thưa Thúy Úy, vua Tống vì chuyện Liêu đòi đất, đã mời Vương An Thạch về Biện Kinh và phục chức cho ông ta. Vương An Thạch trở lại làm tể tường từ cuối tháng hai năm nay. Tin đột ngột này làm Thái Úy như không tin ở tai mình nữa. Sau mười tháng vắng bóng, người đối thủ của ông lại trở về với nước cờ đang bỏ dở. - Vừa về đến triều, Vương An Thạch khuyên ngay vua Tống nên nhượng đất cho Liêu. Triệu Tú thủng thẳng nói tiếp: - Ông ta bảo với vua Tống: "Kẻ kia đòi ta cứ cho. Có lấy thì phải có cho. Muốn lấy thì phải cho đi trước đã". Vua Tống nghe lời, cắt 700 dặm đất Hà Đông biếu không cho nước Liêu. Như vậy là họ muốn tạm yên ở phương Bắc để rảnh tay đánh chiếm phương Nam. Xong xuôi họ sẽ quay lại tính chuyện sau với phương Bắc. Thái Úy như đi guốc vào bụng của đối thủ của mình. Vừa đây là biểu đòi nhà Tống trả lại tụi Nùng Thiện Mỹ của vua ta bị Lưu Di dìm đi lấy cớ trong biểu có chữ phạm húy. Và vua Tống cũng chẳng thèm đoái hoài đến việc ấy. Quyết ý đánh ta của họ đã rõ ràng. Thái Úy ngẫm nghĩ lại các biên thần nhà Tống từ Tiêu Chú, Thẩm Khởi đến Lưu Di và càng thấy rõ vua tôi họ lâu nay vẫn trăn trở với việc đánh Đại Việt nhưng chưa lần nào tìm ra được cơ hội thuận lợi. Bây giờ phút quyết liệt ấy đã đến rồi. Biết vậy, Thái Úy vẫn hỏi Triệu Tú: - Chắc tướng quân có biết được một vài triệu chứng xảy ra ở biên thùy? - Dạ, vua Tống đã ngầm bảo ty Kinh lược Quảng Tây dự bi binh lực vì vậy mà tiểu sinh phải gấp rút đi ngày đêm sang báo tin cho Thái Úy hay. Rồi Triệu Tú thuật hết mọi việc nào Lưu Di thu thuế má vùng Tả, Hữu giang bằng thóc gạo để tích trữ quân lương, bỏ trát binh thay thế quân thương trượng, nào tập lính, đóng chiến hạm, cấm bạc dịch trường, cả đến việc Lưu Di viết thư hặc tội Tô Giam, viên quan coi Ứng Châu dám can ngăn ông ta và cám Tô Giam không được bàn đến biên sự nữa. - Thế dân chúng Quảng Tây có bàn tán gì không? - Lòng dân rất oán ghét Vương Tể Tướng vì chính sách tân pháp của ông ta đang làm dân tình xiêu điêu, khốn khổ. - Lạ nhỉ, lão phu tưởng đó là những phép làm ích nước lợi dân chứ? - Khốn khổ nỗi bọn quan lại trẻ của Vương Tể Tướng sớm nhiễm thói tham nhũng xa hoa nên biến tân pháp thành phản tác dụng. Lấy một thí dụ như phép thanh miêu, triều đình đứng ra cho dân vay khi lúa còn xanh để ăn những ngày giáp hạt. Nhưng thực ra kẻ nào đút lót quan trên mới được hưởng ân sủng ấy. Còn phần đông dân chúng năm lần bảy lượt đến cửa quan chỉ xách bị đi không về rồi. Đói quá họ đành phải đến lạy van nhà giàu xin vay với giá cắt cổ. Thái Úy mắt sáng lên, vỗ đùi đắc chí: - Quả trời đã ban Kiệt tôi một danh nghĩa lớn cho cuộc tiến binh sau này! Rồi ông đăm đăm nhìn về phương Bắc giọng trầm ngâm: - Tân pháp của họ Vương bị dân oán. Đó là cái không may cho nước Tống. Mà xưa nay ở đời cái không may của nước này lại là cái may cho một nước khác, biết làm sao được! Tự nhiên trong đầu óc ông nảy sinh một sự so sánh giữa việc nước người với việc nước mình. Ông nhớ trước đây các Tiên đế chăm lo vun đắp phẩm hạnh các quan lại trẻ, nhất là những người đảm nhiệm những chức trách có quyền hành, như bồi thêm chất mầu cho cây lúa. Một viên lại ở ty quyến khố nhận riêng một thước lụa phải chịu đánh 100 hèo. Nhận nhiều thước phải nhiều năm đày khổ sai. Một viên quan coi ngục sai tù làm việc riêng cho mình bị xử 80 hèo, thích chữ lên mặt, giam vào lao. Các sĩ sư coi việc kiện tụng ăn hối lộ bị xử phạt rất nặng. Nhưng muốn cho hươu khỏi chạy bậy không chỉ có việc bịt đường ngăn lối. Có thực mới vực được đạo. Tiên Đế không để cho đời sống của họ phải chịu nhiều thiếu thốn. Trong triều duy nhất chỉ có các quan lại trong phủ Đô hộ, những người giữ cán cân công lý là được thêm lương bổng riêng. Tiên đế cấp phát hàng năm cho mỗi sĩ sư 50 quan tiền, 100 bó lúa và mọi thứ cá, muối đầy đủ. Mỗi ngục lại được lĩnh 20 quan tiền, 100 bó lúa. Đó là một thứ "thanh liêm phí" để giữ gìn phẩm cách trong sáng của bề tôi. Thái Úy mỉm cười tự nhắc thầm câu nói ông thường chiêm nghiệm: - Muốn làm việc tốt cho dân phải có quan tốt! Nhưng cái tốt của quan đâu phải là bông hoa dại ven đường không trồng mà mọc. Vương An Thạch thất bại trong tân pháp chỉ vì ông vụng dùng người, không thị sát việc thừa hành của kẻ dưới lại không biết đường giữ gìn sự thanh liêm của họ. Triệu Tú đã đứng dậy xin phép Thái Úy trở về gấp Quế Châu cho đúng kỳ hạn. Anh ta đến ôm ông anh thiền sư trong vòng tay trìu mến của mình, giữ lại hồi lâu rồi để nguyên bộ quân áo phủ đầy bụi cát lên ngựa ra roi. Thái Úy cảm khái tiễn người tráng sĩ đất Mân ra khỏi cổng chùa. Vương An Thạch đã trở về chức cũ. Nhà Tống muốn đánh ta gấp. Công việc phòng ngự còn dở dang. Phòng lũy sông Như Nguyệt cũng phải đến cuối năm sau mới làm xong. Tình thế bức bách đẩy Thái Úy đến một quyết định gần như liều lĩnh. Phải đánh chặn trước nhà Tống, phá sạch mọi đường tiến quân của giặc, đường bộ từ Ung Châu xuống, đường thủy từ Khâm, Liêm sang. Quả đấm lớn này phải đánh ra nhanh, rút về chóng. Muốn thế phải hết sức giữ được sự bất ngờ đối với địch. Đêm ấy Thái úy ngồi tự tay thảo tờ lộ bố dưới đèn khuya. Danh nghĩa chính của cuộc hành binh được nêu ra ngay từ những dòng đầu: - Có những người Giao Chỉ làm phản trốn sang đất Tống được các quan lại bên ấy dùng nạp và giấu đi. Nhiều lần ta đã sai sứ sang tố giác với các quan coi Quế Châu và Quảng Châu. Các quan ấy đã không thèm trả lời mà còn tuyên bố rõ ràng muốn sang đánh Giao Chỉ. Nay ta đem quân sang đuổi bắt bọn đào vong ấy... Nhưng danh nghĩa nêu sau mới là chỗ đắc ý của Thái Úy và cũng là mũi dao sắc đâm trúng tim Vương An Thạch: - Ta nghe nhà Tống thi hành các phép thanh miêu, trợ dịch làm dân chúng Trung Nguyên khổn khổ, điêu linh. Nghĩ tình anh em, ta đưa quân sang cứu giúp nhau, giải cho trăm nhà khỏi ách lầm than... Sáng hôm sau, Thái Úy cho người vào châu Ái gọi gấp quan Tán kỵ Lý Thường Hiển ra để bàn chuyện cơ mật. Cuối tháng bảy năm ấy, ngựa lưu tinh thầm lặng chạy ngày đêm? Thái Úy bì lệnh cho các đội quân man động ở dọc biên giới từ Quảng Nguyên đến Châu Tô Mậu sửa soạn cuộc khởi công. Lưu Kỷ cầm quân ở Quảng Nguyên, Hoàng Kim Mãn ở Môn Châu, Phò mã Thân Cảnh Phúc ở Lạng Châu, Vi Thủ An ở Tô Mậu nhất tề sẽ tiến lên đánh úp các trại Hoàng Sơn, Thái Bình, Cổ Vạn, Thiên Long, hàng tiền đồn phiên giậu che chở thành Ung. vào đúng ngày Mồng Một Tháng Tám, ngày dân kinh thành ra đứng trước sân xem gấu đen ăn mặt trời, hai anh em Thái Úy rầm rộ ra quân đi chinh phạt Chiêm Thành. Nhưng đến địa phận Trường Yên thì lá cờ nguyên nhung vắng bóng nguyên soái. Quan Tán kỵ Lý Thường Hiển đội danh nghĩa ông anh, lấy thêm quân ở hai châu Hoan, Ái vào Nam thùy, họa địa đồ hình thể núi sông, sắp xếp lại hành chính, đổi châu Đại Lý ra châu Lâm Bình, châu Ma Linh làm châu Minh Linh, chiêu mộ thêm dân vào sinh cơ lập nghiệp vùng đất mới. Còn Thái Úy lặng lẽ về Vạn Xuân, tập hợp đại quân, sửa soạn thuyền bè, chấn chỉnh thủy binh, định ngày kéo sang đất Khâm Liêm. cái jế thoát xác này của Thái Úy nhằm cùng một mũi tên bắn chết hai chim. Một mặt uy hiếp được Chiêm Thành, vỗ yên Nam thùy, mặt khác đánh lạc tai mắt dọ thám của nhà Tống. Tháng Mười, Thái Úy trở về kinh sư, bái biệt Thánh quân lên đường đi phạt Tống. Vua Càn Đức mới lên mười tuổi vịn tay xe theo tiễn Thái Úy, chúc Thượng phụ lên yên gặp vạn sự lành, Lý Đạo Thành xúc động cầm tay Thái Úy: - Lão phu kính chúc Thái Úy đem quân vào cõi không người dám địch, lúc rút về không ai dám đuổi theo, nhanh chóng đánh tan quân ba Châu làm rạng danh đất Việt. - Kiệt tôi ra quân lần này cốt làm nhụt bớt mưu xâm lăng của giặc, phòng ngừa trước việc sắp xảy ra - Ông hướng về Ỷ Lan nói tiếp: - Mong Linh Hậu cùng Tể Chấp ở nhà lấy lòng khoan mà đãi hào kiệt, đem bụng nhân thương lấy sinh linh để cho gió ân, mưa huệ mát mặt muôn dân, gội nhuần đất Việt. Thái Úy lặng lẽ lên yên. Đêm ấy năm vạn quân Hạ du tinh nhuệ, người ngặm tăm, ngựa tháo nhạc, đạp trăng đêm, tiến về phía Vĩnh An. Trên bàn cờ vô hình, quân đôi bên đã dàn xong thế trận, Thường Kiệt kiên quyết đưa tay nổ trước nước pháo đầu, giành lấy tiền cơ