ái nóng đến sớm giữa tiết xuân năm Đinh Tị này không làm nhạt đi phần nào màu xanh ngùn ngụt trên rặng thạch trúc trước hiên Tây nhà quan Tể Chấp Lý Đạo Thành. Tể Chấp về triều sống lại sảnh cũ đã ngót ba năm rồi. Vẫn hàng trúc trước sân, vẫn căn nhà sạch tinh không vướng một hạt bụi trên vách phấn, vẫn những chồng sách phất cậy gáy son tăm tắp nghiêm hàng. Mọi thứ vẫn nguyên như cũ, chỉ có riêng Tể Chấp là đổi khác. Sự thay đổi này tuy ông không tự thú nhận song ông cảm thấy nó đang chảy rần rật trong máu huyết mình. Phải chăng cuộc trao đổi thẳng thắn năm Giáp Dần và sau đó sự gắn bó thực sự trong công việc với Thái Úy là khúc đường rẽ trong đời ông hay lòng tin yêu và cảm phục lẫn nhau giữa hai người đã đưa lại cho ông một sinh lực mới? Ông cảm thấy được hồi sức và tuổi thanh xuân trở về với ông trong buổi xế chiều. Những điều ấy, như làn gió xuân thổi ấm gốc tùng cỗi đứng trong giá rét, đã giúp ông tháo gỡ được những lối nghĩ cũ gấp nếp, đập vỡ những định kiến đóng thành khối trong đầu óc, tuy có chật vật đấy song không đau xót lắm. Ông đã can đảm sửa đổi những lầm lạc lâu ngày đã trở thành một phần của tâm hồn ông. Sự thay đổi này, xét cho cùng, đâu có thua kém gì chiến tích hiển hách ngoài trận mạc, bởi lẽ đó là những chiến thắng trừu tượng mà người đời thường bao giờ cũng không xét đoán hết: cuộc chiến thắng được bản thân mình! Chiến thắng này đốt bừng lên những hoa lửa rực rỡ trên chuỗi ngày còn lại của Tể Chấp, người thợ cả đang ngồi trên giàn dáo xây lầu văn hiến cho dân tộc Việt. Ông đã mở khoa thi nho học năm Ất Mão, chọn người có thực tài vào dạy trường Quốc Tử Giám, sửa sang lại bộ mặt phủ Đô Hộ làm cho phép vua luật nước soi sang đến tận mặt người dân thường. Ông giật mạnh dây cương cho cỗ xe chính sự theo kịp nhịp độ của thời chinh chiến. Song muốn cho cuộc chiến thắng bên trong này được hoàn toàn, số phận còn bắt ông phải bước qua một thử thách cuối cùng. Đó là luồng gió dữ mang tin cái chết của hai Thái Tử về triều. Đình thần xôn xao. Lời bàn ra tán vào ra rả bên tai như tiếng ong ve mùa hạ. Nhiều câu chuyện hoang đường được thêu dệt, nhiều nghi vấn cố tình được đặt ra chung quanh cái chết của hai Thái Tử. Phải chăng chính ông ta đã dụng tâm kéo giặc Tống sang quấy nhiễu làm suy vì ngôi vua Lý, chính ông ta mượn tay giặc mưu sát người của hoàng tộc để dễ bề thoán nghịch? Chữ “ông ta” họ dùng để bóng gió ám chỉ ai thì quá rõ ràng. Thoạt đầu, Tể Chấp coi đó là chuyện tầm phào không đáng để tai nhưng rồi nó cứ đồn thổi đi mãi hóa ra không lửa mà thành có khói. Một đôi vị đại thần cũng bắt đầu sinh ra phân vân nghi hoặc. Nhiều người có vai vế trong hoàng tộc lần lượt nối gót đến dinh ông để bày tỏ nỗi lo ngại của họ. Thậm chí có kẻ còn cả quyết rằng mắt mình đã trông thấy bức thư tuyệt mệnh của hai Thái Tử. Mà sự việc đâu có dừng lại ở đó. Sáng qua các bà phu nhân của hai Thái Tử, khăn tang trắng tóc, nước mắt ngắn dài, kéo đến dinh, phủ phục dưới chân của Tể Chấp, níu áo đòi đền mạng cho chồng: - Tể phụ ơi! Xin Tể phụ rủ lòng thương kẻ góa bụa này mà trị tội “ông ta”, trả thù cho chồng thiếp. - Tể phụ ơi! Chồng thiếp chết oan vì kẻ manh tâm, xin Tể phụ bắt “ông ta” trả chồng cho thiếp. - Tể phụ ơi! Xưa nay có ai dám bắt hoàng thân xông vào đất chết để đàn hát mua vui? “Tể phụ ơi! Tể phụ ơi!...” Cái điệp khúc của điệu kèn đưa ma này có lúc đã làm ông nẫu ruột… Và giờ đây giữa một buổi sáng mai trong lành, ông ngồi một mình đối diện với cái tịch mịch của mái hiên Tây. Bóng trúc tỏa dịu một màu xanh bình an hồn hậu trên dòng suy tư trầm mặc của ông. Chậu cúc vàng xòe rộng từng cánh hoa, mở cái vui thanh lặng trong lòng ông. Tể Chấp bình tâm soi xét lại mọi việc trước sau. Ba năm qua, mà cũng chỉ cần ngần ấy thời gian thôi cũng đủ để ông hiểu thấu suốt được con người Thái Úy. Tầm nhìn xa xuyên suốt qua tương lai của Thái Úy có một sức hấp dẫn lạ kỳ đánh thức bao khát vọng ủ kín trong ông bừng dậy đi tìm những chân trời mới. Hai người nghiêng lòng vào nhau và cùng thấy một hoài bão chung. Cũng như ông, con người ấy suốt đời uy đức không biết mỏi, mừng việc nước quên tuổi, lo việc nước quên nằm. Vậy mà còn có kẻ dám đặt điều… Tể Chấp cảm thấy trong mọi việc vừa tuần tự xảy ra dường như có một bàn tay vô hình nào sắp lớp… Tiếng chân bước lạo xạo trên đường sỏi làm ông ngẩng đầu lên. Lý Ngân xăm xăm bước vào, mắt chàng sáng dị thường như đang trong cơn sốt. Nhìn thấy làn da tái nhợt trên gương mặt cháu, Tể Chấp động lòng lo lắng: - Có phải cháu vừa bị thương ở trận địa đấy không? Câu hỏi của Tể Chấp nhắc chàng nhớ lại trận đánh ở sào huyệt tên thám tử đầu sỏ… Cơn ngất của chàng không biết kéo dài bao lâu. Lúc chàng tỉnh lại đã thấy mình nằm trên chiếc giường có đệm ấm. Một mùi lá thuốc hăng hắc ở đâu từ đầu giường thỉnh thoảng bay đến mũi chàng nhưng vẫn không làm át được làn hương thơm ngọt dịu của một loài hoa nào phảng phất ở trong phòng. Lửa nến rung rinh tạo cho chàng cảm giác triền miên của đêm dài vô tận. Rồi chàng thiếp đi trong một cơn mưa rào buồn tẻ, rả rích ở ngoài trời. Khi chàng mở choàng mắt ra đã thấy lão Vũ ngồi sát đầu giường. Lão bắt chàng uống một ngụm thuốc đắng ngắt và cho chàng hay đã bắt được Đỗ đại nhân. Không hiểu vì công hiệu của vị thuốc, hay vì tin vui ấy mà chàng bỗng thấy trong người khỏe khoắn hẳn lên. Cũng mãi đến lúc đó chàng mới biết mình đang ở tại dinh Thái Úy và nằm trong căn phòng riêng của Hạnh Hoa… - Thưa bá phụ - Lý Ngân mỉm cười đáp – đúng là cháu có bị thương nhưng không phải ở ngoài lũy Như Nguyệt mà ở ngay tại Kinh đô… Kiệu son của Dương Hậu đã đỗ ngay giữa sân trước. Cũng như mọi lần khác, viên quan hầu người bé choắt vào báo tin cắt đứt câu chuyện giữa hai người. Tể Chấp đứng lên: - Cháu hãy đi cùng ta ra mắt Dương Hậu. Lý Ngân thoái thác: - Bá phụ cứ gặp trước. Lúc nào tiện, cháu sẽ ra chào dì mẫu. Dương Hậu bước vào, giọng đượm lo lắng: - Tể phụ ơi! – “lại tể phụ ơi”, Đạo Thành cau nét mặt, khó chịu – Xin Tể phụ hãy ra tay cứu vớt dòng họ Lý. Đạo Thành làm ra vẻ ngỡ ngàng: - Ô! Sao lại thế nhỉ? Lão phu tưởng nhà Tống đánh nhà Lý ta thì đã có quân tướng ngoài trận mạc… - Lâu nay nhà Lý ta với Tống không thù không oán, cớ sao lại gây chuyện binh đao? Chủ tâm họ đâu có muốn đánh nhà Lý. - Lệnh bà nói thế nào mà lão phu vẫn chưa hiểu. Họ kéo quân sang ta không phải đánh nha Lý thì đánh ai? - Họ cốt hỏi tội kẻ chủ mưu gây loạn ở Ung Châu, can tội với Thiên triều. Đạo Thành cố dằn lòng, kiên nhẫn: - Vậy theo ý lệnh bà thì họ hưng binh chỉ nhằm đánh riêng một mình Thái Úy sao? - Chứ còn gì nữa? Sự việc đã quá rõ mà sao Tể phụ vẫn còn mơ hồ. Nếu nhà Lý ta chịu bắt lão hoạn quan ấy xử tội thì lập tức nhà Tống sẽ bãi binh, non nước yên hàn, hai nhà Tống – Lý lại giao hòa như cũ. Trong vẻ hăm hở của bà có cái gì khờ khạo khiến Đạo Thành thấy thương hại đến đau lòng: - Ôi! Sao lệnh bà lại nhẹ dạ tin theo những lời huyền hoặc ấy? - Ta biết, Tể Chấp không tin ta đâu – Bà khẽ nhếch một nụ cười lạnh rồi rút trong tay áo ra bức mật thư của vua Tống – vật này thì chắc hẳn ta không thể bịa đặt ra được. Đạo Thành lật đi lật lại trong tay tờ mật chỉ của vua Tống, tròn mắt kinh ngạc: - Trời ơi! Làm sao lệnh bà có được bức thư này? Bà thì thào, tiếng khao khao trong cuống họng: - Vì nhờ có người còn biết nghĩ đến dòng họ Lý ta đó! Tể phụ ơi! Nhân lúc này, Thường Kiệt đang quân bại tướng thua, bọn ta dâng sớ xin thánh quân bắt tội y. Trong việc này cả hoàng tộc đều trông vào quyền uy của Tể phụ. Làm được như vậy thì cái chết của hai Thái Tử cũng mát mẻ mà bọn ta cũng thỏa được hận cũ. Không hiểu sao Đạo Thành chợt nhớ lại câu nói của Thái Úy hôm tha Thượng Dương, kèm theo một nụ cười đầy ý nghĩa: - Tha Thượng Dương đối với lão huynh là một gánh nặng đấy! ông nén lòng theo hết đà câu chuyện: - Hai Thái Tử chết trận, việc ấy có can dự gì đến Thái Úy đâu? - Sao lại không? Bức thư của Thái Tử Chiêu Văn gửi về còn đó. - Bức thư nào? – Đạo Thành vờ như không hay biết gì về chuyện ấy – Tính lão phu hễ mắt có thấy thì bụng mới tin. - Tiếc rằng lúc này ta chưa có bức thư ở đây. Vừa lúc đó một tiếng đáp đột ngột vọng vào: - Bức thư ấy lúc này có ở đây rồi! Thì ra nãy giờ Lý Ngân đứng bên ngoài theo dõi câu chuyện từ đầu, có lẽ không ghìm nén được lòng mình, bước ra trao bức thư cho Tể Chấp. Trong đôi mắt xao xuyến của Thượng Dương, ánh lên niềm sợ hãi. - Lý Ngân! Bức thư này ở đâu ra? – Bà trấn tĩnh lại dần. - Cũng như tình cờ dì mẫu có được bức thư của vua Tống. - Vậy ra cháu đã gặp Đỗ đại nhân đấy ư? – Bà hỏi tiếp trong hơi thở dồn dập. - Thưa, cháu chỉ gặp Vệ Uông thôi. - Vệ Uông là ai? Cái tên nghe quá lạ. - Người quen đó. Vệ Uông chính là Đỗ đại nhân mà dì mẫu vừa nhắc đến. Chàng quay sang Đạo Thành: - Thưa bá phụ, tờ sắc chỉ kia là thật, bức thư này là giả. Nhưng thật giả cùng nhằm một âm mưu: hãm hại Thái Úy. Và cùng do một bàn tay của tên Vệ Uông đưa đến. Hắn là người của nhà Tống phái sang, nằm phục ở bên ta đã hơn hai mươi năm nay rồi. - Trời ơi! Cháu nói sao? Đỗ đại nhân là… - môi bà nhợt đi như cánh hồng úa. - Là một tên thám tử lợi hại nhất của ngoại bang đã dùng bàn tay dì mẫu để ly gián cung đình! Gương mặt Thượng Dương tối sầm lại, đôi mắt đờ đẫn, bà như tự hỏi mình: - Ta lầm lẫn đến thế kia ư? Ngoài kia thêm một cỗ kiệu son nữa đặt song song trước sân nhà Tể Chấp. Thái Hậu Ỷ Lan bước vào. Luồng mắt nghiêm lạnh của bà lướt qua mọi người rồi dừng lại chăm chú nhìn vào khuôn mặt có phần bối rối của Đạo Thành: - Đạo Thành lão khanh! Ta thấy câu chuyện trong cung lạ quá! Nhiều vị trong hoàng tộc chít khăn trắng mặc áo xô, ầm ầm kéo đến cung đòi trị tội Thái Úy để cho yên nước Việt là nghĩa làm sao? Đạo Thành vụt quì xuống bình tĩnh, quả quyết: - Tâu Linh Hậu; thần là Đạo Thành đương quyền Tể Chấp, khẩn khoản xin Hoàng Thượng xuống chỉ bắt ngay Dương Hậu cùng thị nữ ở cung Thượng Dương, y theo án cũ thi hành thì triều chính sẽ yên, ba quân sẽ thuận. Ỷ Lan đưa mắt nhìn Thượng Dương gặp cặp mắt Thượng Dương nhìn lại. Hai bà hoàng nhìn nhau. Nhưng trong mắt Thượng Dương, bà đâu còn nhìn thấy Ỷ Lan nữa. Hình như bà đang nhìn vào một cõi sâu kín nào trong tâm linh bà mà chỉ riêng bà mới trông thấy được.